CHƯƠNG 26

KIM VÂN KIỀU ĐÍNH GIẢI

Hương Ngạn Đào Tử ĐÀM DUY TẠO

trước tác năm 1986

(Thứ nam) Đàm Trung Pháp

hiệu đính và phổ biến năm 2020

* * * * *

CÂU 2565 ĐẾN CÂU 2736

“Sông Tiền sạch nợ, am cỏ chay lòng”

2565. Trong quân mở tiệc hạ công, [1]

Xôn xao tơ trúc hội đồng quân quan. [2]

2567. Bắt nàng thị yến dưới màn, [3]

Dở say lại ép cung đàn nhật tâu. [4]

2569. Một cung gió tủi mưa sầu,

Bốn dây giỏ máu năm đầu ngón tay!

2571. Ve ngâm vượn hót nào tày,

Lọt tai Hồ cũng nhăn mày rơi châu.

2573. Hỏi rằng: “Này khúc ở đâu?

Nghe ra muôn oán nghìn sầu lắm thay!”

2575. Thưa rằng: “Bạc mệnh khúc này,

Phổ vào đàn ấy những ngày còn thơ.

2577. Khúc cầm lựa những ngày xưa,

Mà gương bạc mệnh bây giờ là đây!”

2579. Nghe càng đắm, ngắm càng say,

Lạ cho mặt sắt cũng ngây vì tình!

2581. Dạy rằng: “Hương lửa ba sinh,

Dây loan xin nối cầm lành cho ai.”

2583. Thưa rằng: “Chút phận lạc loài,

Trong mình nghĩ đã có người thác oan.

2585. Còn chi nữa cánh hoa tàn,

Tơ lòng đã dứt dây đàn Tiểu Lân. [5]

2587. Rộng thương còn mảnh hồng quần,

Hơi tàn được thấy gốc phần là may!” [6]

 2589. Hạ công chén đã quá say,

Hồ công đến lúc rạng ngày nhớ ra.

2591. Nghĩ mình phương diện quốc gia, [7]

Quan trên ngắm xuống, người ta trông vào.

2593. Phải tuồng trăng gió hay sao,

Sự này biết tính thế nào được đây?

2595. Công nha vừa buổi rạng ngày, [8]

Quyết tình Hồ mới đoán ngay một bài.

2597.Lệnh quan ai dám cãi lời,

Ép tình mới gán cho người thổ quan. [9]

2599. Ông tơ thực nhé đa đoan!

Xe tơ sao khéo vơ quàng vơ xiên?

2601. Kiệu hoa ép thẳng xuống thuyền,

Lá màn rủ thấp ngọn đèn khêu cao.

2603. Nàng càng ủ liễu phai đào, [10]

Trăm phần nào có phần nào phần tươi?

2605. Đành thân cát lấp sóng vùi,

Cướp công cha mẹ, thiệt đời thông minh!

2607. Chân trời mặt bể lênh đênh,

Nắm xương biết gởi tử sinh chốn nào.

2609. Duyên đâu ai dứt tơ đào,

Nợ đâu ai đã dắt vào tận tay!

2611. Thân sao thân đến thế này?

Còn ngày nào cũng dư ngày ấy thôi! [11]

2613. Đã không biết sống là vui,

Tấm thân nào biết thiệt thòi là thương!

2615. Một mình cay đắng trăm đường,

Thôi thì nát ngọc tan vàng thì thôi!

2617. Mảnh trăng đã gác non đoài, [12]

Một mình luống những đứng ngồi chưa xong.

2619. Triều đâu nổi tiếng đùng đùng, [13]

Hỏi ra mới biết rằng sông Tiền đường.

2621. Nhớ lời thần mộng rõ ràng,

Này thôi hết kiếp đoạn trường là đây!

2623. Đạm Tiên nàng nhé có hay!

Hẹn ta thì đợi dưới này rước ta.

2625. Dưới đèn sẵn bức tiên hoa,

Một thiên tuyệt mệnh gọi là để sau. [14]

2627. Cửa bồng vội mở rèm châu, [15]

Trời cao sông rộng một màu bao la.

2629. Rằng: “Từ công hậu đãi ta,

Xót vì việc nước, mà ra phụ lòng.

2631. Giết chồng mà lại lấy chồng,

Mặt nào còn đứng ở trong cõi đời?

2633. Thôi thì một thác cho rồi,

Tấm lòng phó mặc trên trời dưới sông!”

2635. Trông vời con nước mênh mông, [16]

Đem mình gieo xuống giữa dòng Trường Giang .

2637. Thổ quan theo vớt vội vàng,

Thì đà đắm ngọc chìm hương mất rồi!

2639. Thương thay cũng một kiếp người,

Hại thay mang lấy sắc tài làm chi!

2641. Những là oan khổ lưu ly,

Chờ cho hết kiếp còn gì là thân!

2643. Mười lăm năm bấy nhiêu lần,

Làm gương cho khách hồng quần thử soi!

2645. Đời người đến thế thì thôi,

Trong cơ âm cực dương hồi khôn hay. [17]

2647. Mấy người hiếu nghĩa xưa nay,

Trời làm chi đến lâu ngày càng thương!

2649. Giác Duyên từ tiết giã nàng,

Đeo bầu quảy níp rộng đường vân du. [18]

2651. Gặp bà Tam Hợp đạo cô,

Thong dong hỏi hết nhỏ to sự nàng:

2653. “Người sao hiếu nghĩa đủ đường,

Kiếp sao rặt những đoạn trường thế thôi?”

2655. Sư rằng: “Phúc, họa, đạo trời,

Cỗi nguồn cũng ở lòng người mà ra. [19]

2657. Có trời mà cũng tại ta,

Tu là cõi phúc tình là dây oan. [20]

 2659. Thúy Kiều sắc sảo khôn ngoan,

Vô duyên là phận hồng nhan đã đành,

2661. Lại mang lấy một chữ tình,

Khư khư mình buộc lấy mình vào trong.

2663. Vậy nên những chốn thong dong,

Ở không yên ổn, ngồi không vững vàng.

2665. Ma đưa lối, quỷ dẫn đường,

Lại tìm những chốn đoạn trường mà đi.

2667. Hết nạn ấy đến nạn kia,

Thanh lâu hai lượt, thanh y hai lần. [21]

2669. Trong vòng giáo dựng gươm trần, [22]

Kề lưng hùm sói, gởi thân tôi đòi.

2671. Giữa dòng nước dẫy, sóng dồi,

Trước hàm rồng cá, gieo mồi băng tanh. [23]

2673. Oan kia theo mãi với tình,

Một mình mình biết, một mình mình hay.

2675. Làm cho sống đọa thác đầy,

Đoạn trường cho hết kiếp này mới thôi!”

2677. Giác Duyên nghe nói rụng rời:

“Một đời nàng nhé thương ôi còn gì!”

2679. Sư rằng: “Song chẳng hề chi,

Nghiệp duyên cân lại nhắc đi còn nhiều. [24]

2681. Xét trong tội nghiệp Thúy Kiều, [25]

Mắc điều tình ái, khỏi điều tà dâm,

2683. Lấy tình thâm trả tình thâm,

Bán mình đã động hiếu tâm đến trời!

2685. Hại một người, cứu muôn người,

Biết đường khinh trọng, biết lời phải chăng.

2687. Thửa công đức ấy ai bằng? [26]

Túc khiên đã rửa lâng lâng sạch rồi! [27)

2689. Khi nên trời cũng chiều người,

Nhẹ nhàng nợ trước, đền bồi duyên sau.

2691. Giác Duyên dù nhớ nghĩa nhau,

Tiền đường thả một bè lau rước người.

 2693. Trước sau cho vẹn một lời,

Duyên ta mà cũng phúc trời chi không!”

2695. Giác Duyên nghe nói mừng lòng,

Lân la tìm thú bên sông Tiền đường, [28]

2697. Đánh gianh chụm nóc thảo đường, [29]

Một gian nước biếc mây vàng chia đôi.

2699. Thuê năm ngư phủ hai người, [30]

Đóng thuyền trực bến, kết chài dăng sông. [31]

2701. Một lòng chẳng quản mấy công,

Khéo thay gặp gỡ, cũng trong chuyển vần! [32]

2703. Kiều từ gieo xuống doành ngân, [33]

Nước xuôi bỗng đã trôi dần tận nơi.

2705. Ngư ông kéo lưới vớt người,

Ngẫm lời Tam Hợp rõ mười chẳng ngoa!

2707. Trên mui lướt sướt áo là,

Tuy dầm hơi nước, chưa lòa bóng gương.

2709. Giác Duyên nhận thật mặt nàng,

Nàng còn thiêm thiếp giấc vàng chưa phai.

2711. Mơ màng phách quế hồn mai,

Đạm Tiên thoắt đã thấy người ngày xưa.

2713. Rằng: “Tôi đã có lòng chờ,

Mất công mười mấy năm thừa ở đây.

2715. Chị sao phận mỏng đức dày,

Kiếp xưa đã vậy, lòng này dễ ai! [34]

2717. Tâm thành đã thấu đến trời,

Bán mình là hiếu, cứu người là nhân.

2719. Một niềm vì nước vì dân,

Âm công cất một đồng cân đã già! [35]

2721. Đoạn trường sổ rút tên ra,

Đoạn trường thơ phải đưa mà giả nhau.

2723. Còn nhiều hưởng thụ về lâu,

Duyên xưa đầy đủ, phúc sau dồi dào!”

2725. Nàng còn ngơ ngẩn biết sao,

Trạc Tuyền! nghe tiếng gọi vào bên tai.

 2727. Giật mình thoắt tỉnh hồn mai,

Bâng khuâng nào đã biết ai mà nhìn.

2729. Trong thuyền nào thấy Đạm Tiên,

Bên mình chỉ thấy Giác Duyên ngồi kề.

2731. Thấy nhau mừng rỡ trăm bề,

Dọn thuyền mới rước nàng về thảo lư.

2733. Một nhà chung chạ sớm trưa,

Gió trăng mát mặt, muối dưa chay lòng.

2735. Bốn bề bát ngát mênh mông,

Triều dâng hôm sớm, mây lồng trước sau.

Đính chính và xác định

Câu 2579 – Nghe càng đắm, ngắm càng say – Hồ Công thấy mặt Kiều vốn đã có lòng say đắm ngay, lúc đó nghe tiếng đàn nàng gẩy lòng lại càng đắm say thêm, rồi lại càng ngắm nàng, và càng ngắm nàng, tình lại càng say sưa thêm, rồi sóng tình bùng nổi dần dần đến quên cả “phương diện quốc gia.” Mấy câu này tả cuộc động tĩnh tâm thần của Hồ Tổng Đốc thật khéo, thật rõ từ ngoài vào trong, rồi lại từ trong ra ngoài.

Câu 2638 – Thì đà đắm ngọc chìm hương mất rồi – Nhiều bản Kiều nôm và hết thảy các bản Kiều quốc ngữ đều in câu này là “Thì đà đắm ngọc chìm hương cho rồi” xét ra chữ “cho” ở đây thật vô nghĩa. Đó là vì nhiều bản nôm khắc và in chữ [失] (thất tức là mất) lầm ra chữ [朱] (Hán chu, nôm cho). Tôi rất lạ sao ông Kim ông Kỷ cũng theo sự lầm vô nghĩa đó.

Câu 2672 – Trước hàm rồng cá gieo mồi băng tanh – Kiều đem tấm thân trong trắng như băng như ngọc, nhưng đã bị cuộc đời làm ô uế tanh hôi đó mà gieo xuống sông để làm mồi cho lũ rồng cá nó trông đã ngon mắt, ngửi lại ưa mùi. Câu này đối thật chỉnh với câu “Kề lưng hùm sói, gửi thân tôi đòi” ở trên.

Dùng chữ “mồi băng tanh” để tả tấm thân Kiều phải gieo xuống sông liều với rồng cá, thật là đầy đủ ý nghĩa xác đáng hay vô cùng. Nhưng vì chữ “băng tanh” nôm viết là [冰 腥] gần giống như chữ [永腥] vắng tanh, nên các bản nôm khắc lầm ra vắng tanh ([冰 腥] lầm ra [永 腥]), thành vô nghĩa. Có một nhà xuất bản thấy vắng tanh vô nghĩa, mới đổi câu này là “Trước hàm rồng cá gieo mồi thủy tinh [水星]” và giải nghĩa thủy tinh là cung của Long vương ở dưới sông bể, thật là vô lý, vả lại cung của Long vương là [水 晶] chứ không phải là [水 星]. Hai chữ tinh đồng âm những nghĩa khác nhau xa.

Bản Kiều hai ông Kim Kỷ cũng ghi cho biết là “gieo mồi vắng tanh” hay “gieo mồi thủy tinh” đều vô nghĩa cả, nhưng cũng đành theo bản nôm cổ mà phiên âm là “gieo mồi vắng tanh.” Vậy xin đính chính lại là: “…gieo mồi băng tanh.”

Chú giải và dẫn điển

[1] Hạ công [賀 功] = tiệc mừng dẹp giặc thành công.

[2] Ty trúc [絲 竹] (tơ tre) = đàn, sáo.

[3] Thị yến [侍 宴] = đứng hầu rót rượu trước mâm tiệc. Dưới màn = đứng ở dưới bức màn bằng da hổ căng ở chỗ phòng Tướng ngồi.

[4] Giở say lại ép vận đàn nhật tâu – Tôi không hiểu đích xác nghĩa bốn chữ “vận đàn nhật tâu” là gì. Tôi chỉ nhớ chữ “nhật tâu” thì ở bản Kiều nôm viết là [日 奏 ] (ngày tâu); chữ “vận” thì không nhớ ở bản nôm in là [運] (vận chuyển) hay là [韻] (vần, khúc đàn). Cuốn Kiều Kim Kỷ thì in là “vặn đàn nhặt tâu” mà không giải nghĩa là gì, tôi cho “nhặt tâu” là vô nghiã, vả lại chữ “ă” và chữ “â” ở quốc ngữ in lầm lẫn là thường, chắc gì mà lấy hai chữ vặn nhặt này làm bằng cớ mà luận nghĩa được? Tôi nhớ có bản Kiều in câu này là “Giở say lại ép cung đàn nhật tâu,” vậy có lẽ chữ vận [韻] là một khúc đàn, một bài đàn, nên nhà văn nào đó mới đổi “vận” ra “cung” để cho rõ nghĩa và liền với chữ “cung” ở câu sau “Một cung gió thảm mưa sầu.” Còn chữ “nhật tâu” thì có lẽ là khúc đàn hay, ngày nào cũng thường gẩy. Đáng lẽ phải nói là “nhật tấu” nhưng trong văn thơ thường hay đổi thanh trắc ra thanh bằng cho hợp âm luật, như đổi “nghĩa” ra “nghì” (Làm thân trâu ngựa đền nghì trúc mai); đổi “nạn” ra “nàn” (Gặp cơn binh cách nhiều nàn cũng thương), vân vân. Chữ “tấu” nghĩa là tấu một khúc nhạc, gảy một bài đàn, thổi một bài sáo.

Theo những nhận xét trên thì câu “Giở say lại ép vận đàn nhật tâu” có nghĩa là: Khi rượu đã hơi say rồi, Hồ công mới ép nài bắt Kiều gẩy đàn và cho phép gảy khúc nào nàng cho là hay mà thường ngày vẫn gảy (nhật tâu). Bởi vậy nàng mới dám gảy khúc “Đoạn Trường” mà không sợ bị Hồ quở trách như Hoạn Thư “Tiệc vui gẩy khúc Đoạn trường ấy chi / Sao không biết ý từ gì.”

[5] Dây đàn Tiểu Lân – Nàng Tiểu Lân [小 璘] là vợ vua nước Bắc Tề. Khi nước Tề bị nhà Đường diệt, nàng phải vào cung Đại vương [代 王] nhà Đường. Một hôm nàng gảy đàn, đàn đứt dây, nàng ngồi khóc, không nối lại dây đàn. Đại Vương hỏi sao, thì nàng ngâm một bài thơ trong đó có hai câu sau:

[欲 知 腸 斷 絶, 應 看 膝 上 絃] “Dục tri trường đoạn tuyệt, ưng khán tất thượng huyền.”

(Muốn biết lòng này day dứt thế nào, thì nên xem sợi dây trên đùi này).

[6] Gốc phần – Làng vua Hán Cao Tổ trồng nhiều cây phần, cho nên vua gọi làng vua là “phần hương” [枌鄕] (làng cây phần). Sau người ta gọi làng quê mình là phần hương. Được thấy gốc phần tức là được về làng quê cha mẹ.

[7] Phương diện quốc giaPhương diện [方 面] = ông quan to cai trị một phương trong nước. Phương diện quốc gia = ông quan to của nhà nước, của triều đình.

[8] Công nha [公 衙] = nơi tòa quan ngồi xử việc công.

[9] Thổ quan [土 官] = người quan nhỏ cai trị ngay tại địa phương quê mình. Ngày xưa ở vùng rừng núi hiểm trở hay dùng người chính quán ở đó để cai trị cho dễ.

[10] Ủ liễu phai đào = mặt mày buồn ủ tê tái buồn bã.

[11] = thừa, sống ngày nào là thừa ngày ấy thôi.

[12] Mảnh trăng đã gác non đoài = hồi nửa đêm thượng tuần âm lịch, trăng có một nửa sáng và đã xế xuống dãy núi phía tây.

[13] Chữ triều = nước thủy triều.

[14] Thiên tuyệt mệnh [絶 命] = bài văn thơ làm lúc sắp chết, sắp tự tử.

[15] Cửa bồng = cửa kết bằng cỏ bồng của chiếc thuyền nhẹ của thổ quan.

[16] Con nước – Giới thuyền chài vẫn dùng tiếng “con nước” để tính nước thủy triều to hay nhỏ: một con nước, hai, ba con nước, vân vân.

[17] Âm cực dương hồi [陰 極 陽 回] = hết vận khổ rồi lại chuyển sang vận sướng, cũng như khí tiết trong một năm, rét đến cực độ rồi lại ấm dần dần trở lại.

[18] Níp hay kíp = cái giỏ vuông đan bằng tre để chứa sách vở, đồ đạc mang đi đường. Vân du [雲遊] = đi vãn cảnh trời mây chùa chiền mọi nơi.

[19] Cỗi nguồn = Do hai chữ [根] (căn) = gốc rễ cây) và [源] (nguyên) = nguồn suối, sông).

[20] Cõi phúc = Do chữ [福 根] (phúc căn) dịch ra, hàm ý đi tu thì được sung sướng thảnh thơi, đa tình thì hay gặp sự oan khổ.

[21] Thanh y hai lần = một lần hầu mẹ con Hoạn Thư và một lần hầu rượu họ Hồ.

[22] Gươm trần = gươm tuốt vỏ ra.

[23] Gieo mồi băng tanh – Xem lời giải ở mục đính chính câu 2672 trong đoạn này.

[24] Nghiệp duyên – Nghiệp = tội nghiệp do tình ái gây ra. Duyên = phúc duyên gây ra được vì có nhiều công đức và có lòng hiếu nghĩa.

[25] Tội nghiệp – Tội nghiệp của Kiều có hai phần: (a) một phần từ kiếp trước như Đạm Tiên nói “Số còn nặng nghiệp má đào”, (b) phần nữa là “mắc điều tình ái, khỏi điều tà dâm” trong kiếp này. Chuộc tội kiếp trước bằng sự “hại một người, cứu muôn người”; chuộc tội kiếp này bằng sự “lấy tình thâm trả tình thâm.”

[26] Thửa = tiếng cổ, nghĩa là của ai. Thửa công đức ấy = công đức ấy của Kiều. Chữ “thửa” do chữ Hán là [其] (kỳ) dịch ra. Trước kia ta vẫn đọc [其] kỳ là thửa. Vì chữ kỳ bao giờ cũng để ở trên danh từ, như nói [養 牛 以 用 其 力, 以 食 其 肉] Dưỡng ngưu dĩ dụng kỳ lực, dĩ thực kỳ nhục= Nuôi trâu để dùng thửa sức, để ăn thửa thịt. Bởi vậy đây mới nói “Thửa công đức ấy…

[27] Túc khiên [夙 愆] – Túc [夙] = cũ ; khiên [愆] = tội lỗi. Túc khiên = tội lỗi cũ từ kiếp trước để lại.

[28] Tìm thú đây = dạo xem phong cảnh.

[29] Đánh gianh = xếp lá cỏ gianh thành túm bằng bịa rồi dùng ba nan tre dài đan kẹp đầu gốc lại thành từng một phên dài mà lợp lên mái nhà. Chụm = gõ buộc tre nứa thành một khung nhà lều tạm bợ. Thảo đường = nhà lợp cỏ có vẻ sạch sẽ dễ coi.

[30] Thuê năm = thuê làm việc cả năm.

[31] Đóng thuyền = đỗ thuyền luôn luôn ở đó. Kết chài = kết lưới.

[32] Trong chuyển vần = trong cuộc xoay chuyển dun dủi tự nhiên của trời đất.

[33] Doành ngân = vùng nước rộng mông mênh, phản ánh lại màu trời trắng như bạc.

[34] Kiếp xưa = tội nghiệp từ kiếp trước.

[35] Âm công cất một đồng cân đã giàÂm công [陰 功] = công đức mình làm mà không ai biết. Đồng cân = một phần của lạng. Những đơn vị trong phép cân của ta là: tạ (60 kg), yến (6 kg), cân (600 g), lạng (37,5 g), đồng hay đồng cân (3,75 g), phân (0,375 g). Tạ = 10 yến, yến = 10 cân, cân = 16 lạng, lạng = 10 đồng cân, đồng cân = 10 phân. Câu Kiều này nghĩa là: Đem âm công đọ với kiếp xưa, thì bên đĩa cân để âm công nặng hơn đĩa cân để kiếp xưa một đồng cân và cất (nhắc) đĩa kiếp xưa cao lên.

Diễn ra văn xuôi

Câu 2565, 66 = Hồ Công mở tiệc ăn mừng dẹp giặc thành công ở trong quân, họp tất cả tướng sĩ lại cùng dự, tiếng đàn sáo nổi lên rất vui vẻ xôn xao.

Câu 2567, 68 = Họ Hồ bắt nàng ra đứng ở dưới chỗ màn trước tướng mà hầu rót rượu, rồi lúc ngà ngà say rượu, lại ép tình bắt nàng gảy đàn. Hồ cho phép gảy khúc đàn nào nàng cho là hay nhất mà thường gảy ngày ngày.

Câu 2569, 70 = Cung đàn Kiều gảy bấy giờ nghe thật thê thảm rõ như gió tung nỗi lòng tủi, như mưa tuôn hạt lệ sầu, như máu ở năm đầu ngón tay nàng giỏ ra bốn dây trên mặt đàn.

Câu 2571, 72 = Dẫu giọng ve ngâm mùa thu, dẫu tiếng vượn hót chiều tối, cũng không sầu thảm bằng. Hồ công đang ngồi trên chiếu tiệc vui thế, mà khi tiếng đàn lọt vào tai, cũng phải nhăn đôi mày, phải rơi nước mắt.

Câu 2573, 74 = Hồ hỏi: Khúc đàn này nàng lấy ở đâu mà ta nghe thấy muôn oán nghìn sầu, thảm thương như thế?

Câu 2575, 76 = Nàng thưa: Đây là khúc Bạc Mệnh mà tôi đã phổ vào đàn này từ lúc tôi còn thơ ngây.

Câu 2577, 78 = Cung đàn này tôi lựa đã từ hồi xưa, mà gương bạc mệnh bây giờ tôi mới thấy hiện ra ở đây!

Câu 2579, 80 = Hồ công lòng đã say sưa nàng rồi, bấy giờ nghe đàn nàng gẩy lại càng say đắm thêm, rồi càng ngắm nàng thêm, mà càng ngắm lại càng thấy nàng đẹp và càng say đắm thêm. Thật lạ cho vẻ mặt ông, trước thì oai nghiêm lạnh lùng như sắt thế, mà giờ bỗng hóa ra ngây đơ vì tình!

Câu 2581, 82 = Rồi ông vì say mê nàng quá, mới giở thật giở đùa lên giọng quan trên mà dậy rằng: Vì duyên hương lửa ba sinh vương vít lòng nhau, vậy xin đem keo loan nối lại sợi dây đứt cây đàn cầm tốt đẹp này cho ai nhé! Hai câu “Dạy rằng hương lửa ba sinh / Dây loan xin nối cầm lành cho ai” này tác giả thật khéo đặt rất hay để tả lời một quan trên mê gái, nói câu lờ lỡm, lửng lơ để cợt ghẹo một nàng gái góa, vừa nghĩa là (a) Ta thương nàng, ta sẽ xin chắp nối cuộc tình duyên của nàng với một người nào đó, vừa nghĩa là (b) Ta thương nàng, ta xin sẽ chắp nối cuộc tình duyên cho nàng nhé! Vì lời lờ lỡm ý nọ ra ý kia, nên diễn hai câu này ra văn xuôi cho trôi chạy rõ ràng thật khó.

Câu 2583, 84 = Kiều thưa lại rằng: Tôi đã là kẻ thân phận lạc loài khổ sở, nay lại thêm nỗi trong bụng lúc nào cũng hối hận là đã có người chết oan vì mình.

Câu 2585, 86 = Cái cánh hoa đã tàn rụng này làm gì còn mối hương lửa ba sinh nữa! Tơ duyên ở trong lòng tôi này thật đã đứt hẳn như sợi dây đàn của nàng Tiểu Lân rồi! Xin ngài đừng nói đến chuyện chắp nối nữa.

Câu 2587, 88 = Tôi rất cảm ơn ngài đã rộng lượng thương tôi còn mảnh hồng quần (tức là còn chút nhan sắc) và dám mong nhờ bóng ngài che chở để trong lúc còn chút hơi sống thừa này, tôi lại được về thấy làng quê cha mẹ thì thật là may mắn lắm. (Hai câu này trả lời câu Hồ nói “Dây loan xin nối cầm lành cho ai.” Lời Hồ nói đầy vẻ lả lơi, lỡm lờ, nhưng lời Kiều thưa lại thì thật đứng đắn, thật thảm thê tha thiết, vì nhớ cha mẹ quá mà đành ngỏ ý kín đáo liều thân theo hầu Hồ để mong được về quê gặp gia đình. Câu sư Tam Hợp nói “Kề lưng hùm sói, gửi thân tôi đòi” là để chỉ việc Kiều theo chiều Hồ này).

Câu 2589, 90 = Trong bữa tiệc hạ công tối hôm đó, Hồ công rượu đã quá say, quên cả thể diện. Rạng sáng hôm sau tỉnh dậy mới nhớ ra là mình đã quá say đắm Kiều.

Câu 2591, 92 = Ông nghĩ: Mình là một vị đại thần, chúa tể một phương, trên thì các quan trên ngắm xuống, dưới thì dân chúng nhìn vào.

Câu 2593, 94 = Chứ đâu có phải là hạng người tầm thường mà ăn ở ra tuồng trăng hoa hư hỏng như thế được! Sự trót lỡ này ta biết tính làm sao bây giờ cho xong xuôi đây? (Nghĩ thế, Hồ liền trở mặt bội bạc với Kiều để bưng bít tội lỗi mình).

Câu 2595, 96 = Rồi ngay buổi hầu ở công đường sáng hôm đó, Hồ quyết định ngay một lời.

Câu 2597, 98 = Lời này tuy ai cũng biết là tàn nhẫn, nhưng lệnh quan đã truyền, thì không ai dám không vâng theo. Hồ đã ép tình say Kiều xuống, mà gán Kiều cho một người thổ quan mà bắt Kiều phải lấy=

Câu 2599, 2600 = Thật đáng ngán cho ông Tơ hồng sao mà lắm truyện thế? Xe duyên cho người ta, sao ông lại vơ càn vơ xiên mà xe bừa đi như thế?

Câu 2601, 02 = Thế là kiệu hoa áp điệu cô dâu đi thẳng xuống thuyền, buông màn thuyền xuống, đốt ngọn đuốc hoa lên.

Câu 2603, 04 = Nàng thì mặt mày ủ ê vì buồn, xanh tái vì hận, trăm phần chẳng được một chút phần nào vui tươi cả.

Câu 2605, 06 = Ngồi trong thuyền nàng đã có ý muốn nhảy xuống sông tự tử, đành thân cho cát lấp sóng vùi, đành cướp công cha mẹ nuôi mình mất không, đành chịu thiệt một đời thông minh mà chẳng làm nên được gì.

Câu 2607, 08 = Nàng những thương thân sống thì đã lênh đênh mãi ở nơi chân trời góc bể, mà nay chết đi, thì lại biết gửi nắm xương vào nơi nào cho người thân tình biết mà tới thăm viếng?

Câu 2609, 10 = Nàng nghĩ sao cái tơ duyên đêm qua tươi thắm thế mà ai nỡ dứt đi, để hôm nay dắt cái nợ này mà buộc vào tận tay cho mình?

Câu 2611, 12 = Thân ta sao mà đến nỗi tủi cực thế này? Rõ thật còn sống ngày nào cũng là sống thừa ngày đó thôi.

Câu 2613, 14 = Tấm thân này đã không biết sống là vui, thì chết đi còn biết là gì thiệt thòi nữa mà tiếc với thương?

Câu 2615, 16 = Một mình ta thật chịu đủ trăm đường cay đắng như vậy, thì thôi đành để cho tấm thân như vàng như ngọc này tan nát đi là xong!

Câu 2617, 18 = Lúc đó đêm đã khuya, mặt trăng như một mảnh gương đã xế xuống ngọn dẫy núi phía tây rồi, mà một mình nàng vẫn lúc đứng, lúc ngồi, chẳng lúc nào yên.

Câu 2619, 20 = Bỗng thấy nước triều nổi lên ầm ầm, nàng hỏi ra mới biết đây là sông Tiền Đường.

Câu 2621, 22 = Nàng nhớ rõ ràng đến lời Đạm Tiên bảo nàng khi trước và nàng nghĩ: Thôi đây hẳn là chỗ ta được hết kiếp đoạn trường rồi!

Câu 2623, 24 = Nàng sẽ khấn nói: Hồn nàng Đạm Tiên, có biết ta ở đây không? Nàng đã hẹn ta trước kia, thì hẳn nay nàng phải đợi ta ở dưới sông này!

Câu 2625, 26 = Nhân trước đèn có tờ giấy hoa tiên, nàng mới viết một bài tuyệt mệnh để lưu lại về sau.

Câu 2627, 28 = Nàng mở bức màn che cửa thuyền bồng ra, thấy trời cao sông rộng cùng một mầu mênh mông tít thẳm.

Câu 2629, 30 = Nàng nói: Từ Công thật hết lòng hậu đãi ta, nhưng xót thay chỉ vì ta nghĩ đến dân đến nước, mà thành ra ta phụ lòng Từ Công!

Câu 2631, 32 = Ta đã giết chồng, mà nay ta lại lấy chồng, thì ta còn mặt mũi nào mà sống, mà đứng ở trên cõi đời nữa?

Câu 2633, 34 = Thôi đành chết đi cho xong! Tấm lòng oan khổ của ta nay ta đành phó mặc cho trên trời cao, cho dưới sông rộng nay soi xét.

Câu 2635, 36 = Rồi nàng trông xa ra mặt con nước triều dâng đầy mênh mông mà lao mình gieo xuống giữa giòng sông dài.

Câu 2637, 38 = Viên thổ quan vội vã theo vớt, nhưng tấm thân như hoa như ngọc của nàng đã chìm đắm trôi đi đâu mất rồi.

Câu 2639, 40 = Thương thay cho nàng: Cũng là một kiếp người mà hại thay mang tài sắc làm chi cho lắm để phải chịu một đời bạc mệnh như thế!

Câu 2641, 42 = Suốt đời chỉ gặp tinh những cảnh oan khổ đau xót và lưu lạc nay đây mai đó, cho đến lúc hết nạn hết kiếp, thì thân cũng chẳng còn.

Câu 2643, 44 = Trong mười lăm năm trời, phải chịu bao nhiêu phen nhục nhã đau đớn! Nàng thật là tấm gương cho khách hồng quần soi để liệu mà chớ khoe tài khoe sắc.

Câu 2645, 46 = Kể ra thì đời người khổ cực đến như vậy thì thôi thật, nhưng trong cơ trời đất xoay vần, âm cực thì dương hồi, bĩ cực thì thái lai, người ta không thể nào biết được.

Câu 2647, 48 = Xưa nay đã từng có được mấy người đủ đường hiếu nghĩa như nàng Kiều, mà sao trời lại làm nàng khổ nhục mãi để làm gì? Sau đây mới hiểu trời càng làm khổ lâu ngày để rồi trời lại càng thương mà cho được sung sướng nhiều để đền bù lại.

Câu 2649, 50 = Bà Giác Duyên từ khi từ giã Kiều ở trại quân ra, sẵn tiền bạc bà liền đeo bầu quẩy níp đi vân du nhiều nơi.

Câu 2651, 52 = Một hôm bà gặp Tam Hợp Đạo Cô, bà nhớ lời Kiều dặn, mới thong thả hỏi cặn kẽ Đạo Cô hết

sự nhỏ sự to về sau của nàng.

Câu 2653, 54 = Bà hỏi: Sao Kiều là người hiếu nghĩa đủ đường, mà kiếp nàng lại gặp tinh những cảnh đoạn trường như vậy?

Câu 2655, 56 = Đạo Cô nói: Đạo Trời là “họa dâm phúc thiện” (gieo tội vạ cho kẻ dâm, ban phúc cho người

thiện), nên nguồn gốc của họa, phúc là do ở lòng người mà ra.

Câu 2657, 58 = Trong cuộc họa phúc thật là có Trời chủ trương ban cho, nhưng cũng có phần ta làm lấy. Bởi

vậy chữ “tu” là cái cội gốc gây lấy phúc, mà chữ “tình” là cái dây mối gây ra oan khổ.

Câu 2659, 60 = Thúy Kiều là người có tài sắc sảo, có trí khôn ngoan, cái kiếp vô duyên bạc mệnh vốn đã là số phận khách hồng nhan của nàng rồi.

Câu 2661, 62 = Lại còn đa mang thêm lấy chữ tình, khư khư mình lại buộc mãi lấy mình vào trong vòng tình lụy.

Câu 2663, 64 = Bởi vậy ở những chỗ thong dong nhàn nhã thì ngồi không yên ổn, đứng chẳng vững vàng.

Câu 2665, 66 = Y như có ma chỉ lối, có quỷ dẫn đường, nên nàng lại cứ tìm những chốn đoạn trường khổ nhục mà đi tới.

Câu 2667, 68 = Thành ra gặp hết nạn nọ đến nạn kia, phải ở lầu xanh hai lượt, phải mặc áo xanh hai lần.

Câu 2669, 70 = Đến nỗi ở giữa nơi giáo dựng gươm trần, phải gửi thân làm tôi đòi cho kẻ tàn bạo như hùm sói để mong nó cho nhờ cậy. (Hai câu này chỉ việc Kiều đành liều thân chịu nhục hầu hạ Hồ Tôn Hiến để mong nhờ Hồ đưa về làng quê vừa kể ở trên. Dùng chữ “hùm sói” để chửi Tôn Hiến thật là đích đáng, đúng với cái tính sa đọa, bội bạc và tàn ác của hắn).

Câu 2671, 72 = Rồi kết cục phải đem tấm thân trong trắng như băng tuyết và tanh tao đầy mùi trần tục đó gieo xuống làm mồi ở trước hàm rồng cá. (Xem lời chú giải “băng tanh” ở mục Đính chính về câu 2672 này).

Câu 2673, 74 = Nhưng oan trái của nàng nó theo mãi với mối tình của nàng, mà chỉ riêng mình nàng biết tình mình, chẳng dãi tỏ với ai được.

Câu 2675, 76 = Nhưng oan trái vì tình đó đã làm cho nàng sống đọa thác đày, phải chịu cảnh đau khổ đoạn trường cho đến lúc hết kiếp này mới xong.

Câu 2677, 78 = Nghe lời Tam Hợp nói đến đây, Giác Duyên sợ rụng rời, than thở nói: Thương thay! Một đời nàng thế là hết còn gì nữa!

Câu 2679, 80 = Sư Tam Hợp nói tiếp để yên ủi Giác Duyên: Song không việc gì cả đâu! Ta chớ lo! Bên tội nghiệp với bên thiện duyên, hai bên cân lại nhắc đi còn nhiều, chứ chưa thế là hết.

Câu 2681, 82 = Xét trong cái tội nghiệp của Thúy Kiều, tuy mắc điều “tình ái,” nhưng nàng không phạm điều “tà dâm.” (Tình ái là phần tội nhẹ, tà dâm mới là phần tội nặng trong đạo tu hành).

Câu 2683, 84 = Nàng lại biết dứt bỏ cái thâm tình giữa nàng và Kim Trọng để giữ được trọn vẹn cái thâm tình giữa cha con, thế là nàng biết lấy cái tình thâm nặng để đền lại cái tình thâm nhẹ hơn. Tấm lòng chí hiếu bán mình chuộc cha của nàng đã cảm động được đến Trời.

Câu 2685, 86 = Nhất là nàng biết dứt được cái tình đối với người yêu để hại một người mà cứu muôn người, thế là nàng biết đằng nào nhẹ, đằng nào nặng, biết thế nào là phải, thế nào là không phải.

Câu 2687, 88 = Cái công đức ấy của nàng còn ai bằng được? Bởi vậy tội lỗi cũ của nàng đã được rửa sạch lầu lầu hết rồi.

Câu 2689, 90 = Và rồi đây khi vận hay đến, thì Trời cũng chiều người, làm gì cũng nên việc cả, nợ trước thì nhẹ nhàng sạch hết, và duyên sau thì được đền bù lại rất đầy đủ.

Câu 2691, 92 = Bây giờ Giác Duyên nên nhớ nghĩa bạn bè cùng nàng mà đến sông Tiền Đường dong bè kết lưới để đón nàng,

Câu 2693, 94 = Trước là giữ được trọn vẹn nghĩa với nàng, sau là thêm được thiện quả cho mình, hưởng thêm được phúc trời cho.

Câu 2695, 96 = Giác Duyên nghe lời Sư nói, mừng lắm, mới lân la đi dạo cảnh bên sông Tiền Đường để tìm nơi làm chỗ chờ cứu vớt nàng.

Câu 2697, 98 = Bà thuê người đánh gianh và chụm buộc tre nứa giụm nên một gian nhà cỏ ở ven sông, giữa nơi dưới thì nước biếc, trên thì mây vàng.

Câu 2699, 2700 = Nhà làm xong rồi, bà mới thuê năm hai người thuyền chài lúc nào cũng cắm thuyền đóng ở bến sông và giăng lưới ở ngang sông để phòng bất kỳ vớt nàng.

Câu 2701, 02 = Bà thật hết lòng để đón vớt nàng, chẳng quản gì công lao tốn kém. Rồi cơ trời xoay vần thật khéo khiến cho hai bên lại gặp gỡ nhau.

Câu 2703, 04 = Kiều từ khi gieo mình xuống sông, giòng nước chảy xuôi đưa đi dần dần bỗng tới nơi lưới giăng.

Câu 2705, 06 = Người thuyền chài kéo lưới lên vớt được nàng, rõ đúng như lời bà Tam Hợp đủ mười phần mười.

Câu 2707, 08 = Người ta mang nàng để lên trên mui thuyền, quần áo là lụa ướt lướt mướt, mặt tuy dầm nước nhưng vẫn còn vẻ bóng đẹp như gương.

Câu 2709, 10 = Giác Duyên thì nhận rõ đúng mặt nàng, nhưng Kiều thì vẫn mê man chưa tỉnh.

Câu 2711, 12 = Trong khi mơ màng, nàng thấy Đạm Tiên là người nàng đã mơ thấy hồi xưa. Đạm Tiên bảo nàng:

Câu 2713, 14 = Tôi đã có lòng đợi chị ở đây mười mấy năm nay, thế mà bây giờ thành uổng công không đón được chị đi.

Câu 2715, 16 = Sao mà phận chị thì mỏng, mà đức chị lại dầy như thế! Cái tội nghiệp kiếp xưa tuy nặng vậy, nhưng cái đức nghiệp kiếp này đã ai được bằng chị.

Câu 2717, 18 = Tấm lòng thành của chị đã thấu lên tận Trời. Bán mình cứu cha là hiếu, khuyên Từ ra hàng để cứu dân là nhân.

Câu 2719, 20 = Chị thật là dốc một niềm vì nước vì dân. Cái âm công âm đức này thật đã nặng hơn cái oan nghiệp kiếp xưa nhiều.

Câu 2721, 22 = Bởi vậy nay trong sổ Đoạn Trường đã rút tên chị ra, và tôi phải đem những bài thơ Đoạn Trường lại đây giả chị.

Câu 2723, 24 = Tôi xin báo tin mừng cho chị biết trước là chị sẽ còn được hưởng thụ nhiều phúc Trời cho: duyên xưa thì được chắp nối dây đàn, phúc sau thì được đền bù dồi dào.

Câu 2725, 26 = Nàng còn ngơ ngẩn chưa biết là thế nào, thì nghe tiếng “Trạc Tuyền” gọi rõ vào tai.

Câu 2727, 28 = Nghe gọi, nàng mới giật mình bỗng tỉnh ra và bâng khuâng ngơ ngác nào đã biết ai gọi mà nhìn.

Câu 2729, 2730 = Chẳng thấy Đạm Tiên đâu, mà chỉ thấy Bà Giác Duyên ngồi bên cạnh mình.

Câu 2731, 32 = Hai bên gặp nhau thật mừng rỡ đủ trăm bề, Bà Giác Duyên mới cho dọn thuyền dọn lưới đi, và đón nàng về thảo lư.

Câu 2733, 34 = Hai người cùng ở chung một nhà với nhau, khi sớm khi trưa thường ở bên nhau, quạt gió đèn trăng, mặt mày mát mẻ, cơm chay dưa muối, lòng đã sạch trong.

Câu 2735, 36 = Bốn bề quanh nhà bát ngát mênh mông, dưới thì ngắm cảnh nước triều buổi hôm buổi sớm, trên thì ngắm cảnh mây trời phía trước phía sau.

Những câu có ý móc nối và những chữ có ý than thở mỉa mai

  1. “Thưa rằng bạc mệnh khúc này / Phổ vào đàn ấy những ngày còn thơ” ứng với “Khúc nhà tay lựa nên chương / Một thiên bạc mệnh lại càng não nhân.”
  2. “Thương thay cũng một kiếp người / Hại thay mang lấy sắc tài làm chi” ứng với “So bề tài sắc lại là phần hơn.”

(3) “Thúy Kiều sắc sảo khôn ngoan / vô duyên là phận hồng nhan đã đành” ứng với “Kiều càng sắc sảo mặn mà” và “Lạ gì bỉ sắc tư phong / trời xanh quen với má hồng đánh ghen.”

(4) Những lời Tam Hợp bàn về phúc họa như “Phúc họa đạo trời, cỗi nguồn cũng ở lòng người mà ra, có trời mà cũng có ta, chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài” móc nối xa với mấy câu ở đoạn kết :“Đã mang lấy nghiệp vào thân / Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa / Thiện căn ở tại lòng ta / Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài.” Những lời đẹp ý hay móc nối xa sau với trước, trên với dưới như thế làm cả cuốn Truyện Kiều thành một tấm gấm dài đầy những hoa lá rồng phượng thêu bằng chỉ vàng hạt ngọc rất liên lạc ưa nhìn. Còn những chữ hồ ứng liên lạc gần gận với nhau làm cho mỗi đoạn thành một vuông gấm cũng đủ những vẻ đẹp quý rất ăn mầu ăn sắc với nhau như thế.

(5) Những chữ móc nối gần với nhau ở đoạn này: (a) Chữ “xôn xao ty trúc” ở câu 2566 gợi ra ý Hồ bắt Kiều gảy đàn. Tiếng đàn Kiều gảy làm cho Hồ nghe càng đắm, ngắm càng say rồi mượn tiếng đàn mà buông lời lả lơi “Dây loan xin nối cầm lành cho ai.” Câu mượn điển tích đàn để khêu ghẹo này khiến Kiều cũng mượn điển tích đàn để kín đáo từ chối “Tơ lòng đã dứt dây đàn Tiểu Lân.” (b) Có câu “Giở say lại ép vận đàn nhật tâu” nên Kiều mới dám gảy khúc bạc mệnh muôn oán nghìn sầu ở giữa đám tiệc vui không sợ Hồ quở trách như Hoạn Thư đã quở nàng. Có gảy khúc đoạn trường rồi mới có lời than thở “Mà gương bạc mệnh bây giờ là đây” để trách ngầm Hồ là đã lừa mình giết Từ Hải để bây giờ mình phải bơ vơ khốn cực. (c) Hai câu “Duyên đâu ai dứt tơ đào / Nợ đâu ai đã dắt vào tận tay” : Câu trên thì Kiều oán trách họ Hồ đã phụ lời ước hẹn dâm tham lúc quá say đêm hôm trước (mà tác giả bỏ qua không muốn kể) rồi khi đã thỏa mãn được thú tâm vật dục, thì liền phụ bạc. Câu sau thì oán trách họ Hồ quá tàn ác nó đem mình gán cho thổ quan, khiến nàng đã thất vọng không được thấy gốc phần, lại quá thất vọng bị vùi lấp mất tích vào nơi rừng núi với bọn nửa người, nửa ngợm, nửa đười ươi. Hai câu này thật ứng đáp lại câu “Hồ Công nghe nói thương tình.” Rõ thật chỉ là lời thương ngoài môi mép để lừa gái.

(6) Đoạn này có nhiều chữ đặt để mỉa mai Hồ tổng đốc một cách rất chua chát hay rất thâm thúy, xin kể như sau: (a) Chữ “đấng” ở câu “Biết Từ là đấng anh hùng” tỏ ra ông Hồ Tổng đốc hèn nhát sợ Từ Hải lắm. Trái lại chữ “đấng” ở câu Kiều nói “Rằng Từ là đấng anh hùng,” thì thật đáng khen Kiều là trước mặt ông tổng đốc thắng trận mà dám dùng chữ “đấng” để giữ lấy thanh giá cho chồng bị ông lừa gạt. Vẫn một chữ “đấng” mà đối với Hồ thì rất mỉa mai, đối với Kiều thì rất tán thưởng, thật là lối hành văn ý nhị. (b) Chữ “lễ” ở trong câu “Lại riêng một lễ với nàng” thật có mỉa mai Hồ là một ông tổng đốc vâng chỉ đặc sai đi dẹp giặc, mà phải sửa lễ tư túi biếu vợ tướng giặc, không biết thẹn mặt. (c) Chữ “dậy” trong câu “Dậy rằng hương lửa ba sinh” thật mỉa mai chua chát quá: tưởng ông Tổng Đốc dậy câu gì xứng đáng lời vị đại thần, ngỡ đâu ông lại dậy cái câu lả lơi “hương lửa ba sinh” để lỡm lờ gạ gẫm một cô vợ góa tướng giặc! (d) Chữ “gán” ở câu “Ép tình mới gán cho người thổ quan” thật tỏ ý chê trách họ Hồ xử với Kiều tệ bạc tàn nhẫn quá, vừa mới tối đêm trước thì nào thương nào yêu thế, mà rạng sớm hôm sau đã coi khinh coi rẻ mà gán đi cho xong tội nợ.

[ĐÀM DUY TẠO]