CHƯƠNG 27

KIM VÂN KIỀU ĐÍNH GIẢI

Hương Ngạn Đào Tử ĐÀM DUY TẠO

trước tác năm 1986

(Thứ nam) Đàm Trung Pháp

hiệu đính và phổ biến năm 2020

* * * * *

CÂU 2732 ĐẾN CÂU 2856

“Lạ cảnh điêu tàn, thương người lưu lạc”

2737. Nạn xưa trút sạch lầu lầu,

Duyên xưa chưa dễ biết đâu chốn này.

2739. Nỗi nàng tai nạn đã đầy,

Nỗi chàng Kim Trọng bấy chầy mới thương.

2741. Từ ngày muôn dặm hộ tang, [1]

Nửa năm ở đất Liêu Dương lại nhà.

2743. Vội sang vườn Thúy dò la, [2]

Nhìn phong cảnh cũ nay đà khác xưa.

2745. Đầy vườn cỏ mọc lau thưa,

Song trăng quạnh quẽ, vách mưa rã rời. [3]

2747. Trước sau nào thấy bóng người,

Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông. [4]

2749. Xập xùy én liệng lầu không, [5]

Cỏ lan mặt đất, rêu phong dấu giày. [6]

2751. Cuối tường gai góc mọc đầy,

Đi, về này những lối này năm xưa.

2753. Chung quanh lặng ngắt như tờ,

Nỗi niềm tâm sự bây giờ hỏi ai?

2755. Láng giềng có kẻ sang chơi,

Lân la sẽ hỏi một hai sự tình.

2757. Hỏi ông, ông mắc tụng đình, [7]

Hỏi nàng, nàng đã bán mình chuộc cha.

2759. Hỏi nhà, nhà đã dời xa,

Hỏi chàng Vương với cùng là Thúy Vân.

2761. Đều là sa sút khó khăn, [8]

May thuê, viết bán, kiếm ăn lần hồi.

2763. Điều đâu sét đánh lưng trời,

Thoắt nghe chàng thoắt rụng rời xiết bao!

2765. Vội han di trú nơi nào, [9]

Đánh đường chàng mới tìm vào tận nơi.

2767. Nhà tranh vách đất tả tơi,

Lau treo rèm nát, trúc gài phên thưa.

2769. Một sân đất cỏ dầm mưa,

Càng ngao ngán nỗi, càng ngơ ngẩn dường!

2771. Đánh liều lên tiếng ngoài tường, [10]

Chàng Vương nghe tiếng vội vàng chạy ra.

2773. Dắt tay vội rước vào nhà,

Mái sau viên ngoại ông bà ra ngay.

2775. Khóc than kể hết niềm tây:

“Chàng ôi biết nỗi nước này cho chưa? [11]

2777. Kiều nhi phận mỏng như tờ,

Một lời đã lỗi tóc tơ với chàng!

2779. Gặp cơn gia biến lạ dường, [12]

Bán mình nó phải tìm đường cứu cha.

2781. Dùng dằng khi bước chân ra,

Cực trăm nghìn nỗi, dặn ba bốn lần. [13]

2783. Trót lời hẹn với lang quân,

Mượn con em nó Thúy Vân thay lời.

2785. Gọi là trả chút nghĩa người,

Sầu này dằng dặc muôn đời chưa quên! [14)

2787. Kiếp này duyên đã phụ duyên,

Dạ đài còn biết, sẽ đền lai sinh. [15]

2789. Mấy lời ký chú đinh ninh, [16]

Ghi lòng để dạ, cất mình ra đi.

2791. Phận sao bạc bấy Kiều nhi!

Chàng Kim về đó con thì đi đâu?”

2793. Ông bà càng nói càng đau,

Chàng càng nghe nói càng dàu như dưa. [17]

2795. Vật mình vẫy gió tuôn mưa,

Dầm dề giọt ngọc thẫn thờ hồn mai!

2797. Đau đòi đoạn, ngất đòi thôi,

Tỉnh ra lại khóc, khóc rồi lại mê.

2799. Thấy chàng đau nỗi biệt ly,

Nhịn ngừng ông mới vỗ về giải khuyên: [18]

2801. “Bây giờ ván đã đóng thuyền,

Đã đành phận bạc khôn đền tình chung!

2803. Quá thương chút nghĩa đèo bồng,

Nghìn vàng thân ấy dễ hòng bỏ sao?” [19]

2805. Dỗ dành khuyên giải trăm chiều,

Lửa phiền càng dập càng khêu mối phiền.

2807. Thề xưa giở đến kim hoàn, [20]

Của xưa lại giở đến đàn với hương. [21]

2809. Sinh càng trông thấy càng thương.

Gan càng tức tối, ruột càng xót xa.

2811. Rằng: “Tôi trót quá chân ra,

Để cho đến nỗi trôi hoa dạt bèo. [22]

2813. Cùng nhau thề thốt đã nhiều,

Những điều vàng đá phải điều nói không!

2815. Chưa chăn gối cũng vợ chồng,

Lòng nào mà nỡ dứt lòng cho đang?

2817. Bao nhiêu của, mấy ngày đàng,

Còn tôi, tôi gặp mặt nàng mới thôi!”

2819. Nỗi thương nói chẳng hết lời,

Tạ từ Sinh mới sụt sùi trở ra. [23]

2821. Vội về sửa chốn vườn hoa,

Rước mời viên ngoại ông bà cùng sang.

2823. Thần hôn chăm chút lễ thường, [24]

Dưỡng thân thay tấm lòng nàng ngày xưa. [25]

2825. Đinh ninh mài lệ chép thư, [26]

Cắt người thân tín đưa tờ nhắn nhe.

2827. Biết bao công mướn của thuê,

Lâm Thanh mấy độ đi về dặm khơi. [27]

2829. Người một nơi, hỏi một nơi,

Mênh mông nào biết bể trời nơi nao?

2831. Sinh càng thảm thiết khát khao,

Như nung gan sắt, như bào lòng son.

2833. Ruột tằm ngày một héo hon,

Tuyết sương ngày một hao mòn mình ve. [28]

2835. Thẩn thờ lúc tỉnh lúc mê,

Máu theo nước mắt, hồn lìa chiêm bao.

2837. Xuân huyên lo sợ biết bao,

Quá ra khi đến thế nào mà hay!

2839. Vội vàng sắm sửa chọn ngày,

Duyên Vân sớm đã se dây cho chàng.

2841. Người yểu điệu, kẻ văn chương, [29]

Giai tài, gái sắc xuân đương vừa thì,

2843. Tuy rằng vui chữ vu phi, [30]

Vui nào đã cất sầu kia được nào!

2845. Khi ăn ở, lúc ra vào,

Càng âu duyên mới, càng dào tình xưa.

2847. Nỗi nàng nhớ đến bao giờ,

Tuôn châu đòi trận, vò tơ trăm vòng.

2849. Có khi vắng vẻ thư phòng,

Đốt lò hương giở phím đồng ngày xưa. [31]

2851. Bẻ bai rầu rỉ tiếng tơ,

Trầm bay nhạt khói, gió đưa lay rèm. [32]

2853. Dường như góc chái, bên thềm, (33)

Tiếng Kiều đồng vọng, bóng xiêm mơ màng, [34]

2855. Bởi lòng tạc đá ghi vàng,

Tưởng nàng nên lại thấy nàng về đây.

Đính chính và xác định

Câu 2749 – Xập xùy én liệng lầu khôngXập xùy là lặng lẽ bay ra bay vào trông có vẻ buồn bã vì nhà vắng chủ. Nhiều bản Kiều quốc ngữ phiên âm lầm ra chữ xập xòe thành sai nghĩa ở đây, vì xập xòe mô tả chim non tập bay cánh còn ngượng, lúc xòe ra, lúc cụp lại chưa thật lanh lẹn chứ không phải tả cảnh buồn.

Câu 2843 – Tuy rằng vui chữ vu phi – Kinh Thi có câu [鳳 凰 于 飛] (phượng hoàng vu phi) tức là đôi chim phượng hoàng vui bay cùng nhau, ý nói vợ chồng hòa hợp vui vẻ. Câu này nói Kim Trọng và Thúy Vân được kết duyên rất vui vẻ. Nhiều bản Kiều quốc ngữ hay nôm đổi lầm vu phi ra vu quy, thành nghĩa không thật đúng ở đây, vì vu quy chỉ có nghĩa con gái về nhà chồng, đã thiếu ý vui, lại không hợp với Kim Trọng.

Câu 2853 – Dường như góc chái bên thềm – Lối nhà ta làm trước thường có sáu hay tám hàng cột ngang, mỗi khoảng giữa hai hàng cột gọi là một gian nhà. Ba gian giữa là nhà ngoài, một hay hai gian đầu ngăn ra làm hai buồng ngủ. Chái là gian hẹp làm phụ vào gian buồng để chứa hòm tủ quần áo, đồ đạc. Gian chái nhà thường khuất tối, dễ tưởng tượng có ma ẩn. Có người dịch câu này là: “Dường như bên nóc bên thềm,” mặc dù “bên nóc” thật là vô nghĩa.

Chú giải và dẫn điển

[1] Hộ tang [護 喪] = Giúp việc rước đám ma ở xa về.

[2] Vườn Thúy = Vườn nhà Thúy Kiều, Thúy Vân, lấy ý ở “Lãm Thúy Hiên” mà đặt ra.

[去 年 此 日 此 門 中] Khứ niên thử nhật thử môn trung

(Năm ngoái, hôm nay ở trong cửa này)

[人 面 桃 花 相 映 紅] Nhân diện đào hoa tương ánh hồng

(Mặt người và hoa đào ánh lại nhau cùng đỏ hồng)

[人 面 不 知 何 处 去] Nhân diện bất tri hà xứ khứ

(Mặt người hôm nay đi đâu nhỉ)

[桃 花 依 舊 咲 冬 風] Đào hoa y cựu tiếu đông phong

(Mà chỉ còn hoa đào vẫn tươi cười với gió đông)

Đề thơ, Hộ ra đi, rồi mấy hôm sau lại đến thì thấy trong nhà có tiếng khóc. Một ông cụ ra hỏi có phải Hộ đề bài thơ này không, và nói “Anh đã giết con gái tôi rồi! Từ hôm nó đọc bài thơ, nó không ăn uống gì cả, rồi hôm nay nó vừa mới chết.” Hộ cảm thương xin vào viếng và đứng trước cô gái gọi to rằng “Thôi Hộ đến đây! Cô có biết không?” Cô gái liền tỉnh dậy. Hai câu Kiều này tác giả lấy điển ở bài thơ ấy mà đặt, để tả cảnh quạnh hiu vườn Thúy.

[5] Xập xùy – Xem lời giải ở mục đính chính câu 2749 bên trên.

[6] Rêu phong dấu giầy – Bài ca Tràng can hành [長 干 行] của Lý Bạch tả cảnh cô gái nhớ chồng đi xa có hai câu:

[門 前 送 行 跡 / 一 一 生 綠 苔] Môn tiền tống hành tích / nhất nhất sinh lục đài

(Vết chân tiễn đưa chàng lúc chàng ra đi xa, từng vết một, từng vết một đều đầy rêu xanh sinh ra).

[7] Tụng đình [訟 庭] = Tòa án xử việc kiện cáo, đây tức là việc Vương ông bị tố cáo bắt đi tòa án kết tội buôn tơ lậu.

[8] Khó khăn = Nghèo khổ phải làm ăn vất vả.

[9] Han = Tiếng cổ nghĩa là “hỏi” nay vẫn nói hỏi han.

Chữ “vào” câu này có ý nói chỗ nhà họ Vương ở nơi hang cùng ngõ hẻm, phải đi “vào” mãi mới đến.

[10] Đánh liều nghĩa là thấy nhà tiều tụy quá không chắc đã phải là nhà họ Vương, nhưng cứ liều lên tiếng gọi bừa.

[11] Nỗi nước = Nỗi khổ cực đến nước thế này, đến mức thế nà

[12] Gia biến =Tai vạ bất kỳ xẩy ra cho gia đình phải chịu tội.

[13] Cực = Cực cội oan khổ trong lòng làm cho người ta thổn thức muốn khóc mà không khóc được.

[14] Sầu này dằng dặc muôn đời chưa quên – Câu này lấy ý ở hai câu cuối của bài Trường Hận ca:

[天 長 地 久 有 時 尽] Thiên trường địa cửu hữu thì tận

(Trời dài, đất lâu cũng có lúc phải hết)

[此 恨 綿 綿 不 絶 期] Thử hận miên miên bất tuyệt kỳ

(Nhưng rồi uất hận nay kéo dài mãi mãi không bao giờ dứt)

[15] Dạ đài [夜 臺] = Cõi đen tối, âm phủ, tuyền đài, cõi chết.

[16] Ký chú [寄 註] = Lời ghi lại nhờ nói hộ với người vắng mặt. Đây tức là lời Kiều dặn lại nhờ cha mẹ nói hộ với Kim Trọng, trước khi nàng ra đi với Mã Giám Sinh.

[17] Dàu như dưa = Ủ rũ như rau bị ướp muối thành dưa.

[18] Nhịn ngừng = Nén nhịn sự thương cảm xuống mà ngừng không khóc nữa để lấy vẻ bình tĩnh mà khuyên dỗ Kim Trọng.

[19] Thân nghìn vàng – Sách Hán có câu  [千 金 之 子 坐 不 垂 堂] Thiên kim chi tử, toạ bất thuỳ đường = Người con nghìn vàng, không ngồi ở chỗ thềm cao mà rủ chân xuống kẻo có khi rơi ngã xuống sinh què gẫy. Ý nói người con nhà quý phái biết giữ mình cẩn thận.

[20] Kim hoàn = Vòng vàng, đây tức là cái xuyến vàng Kim Trọng kỷ niệm cho Kiều hôm mới gặp nhau.

[21] Đàn với hương = Đàn đây là cái đàn Kim Trọng kính cẩn trao cho Kiều gảy (câu 467 và 468); hương đây là mảnh gỗ trầm mà Kim Trọng bỏ thêm vào đỉnh hương để đón Kiều khi nàng lại sang đêm hôm sinh nhật ngoại gia, rồi sau làm lễ khấn thề với nhau, khi thề xong cháy chưa hết Kiều giữ làm kỷ niệm.

[22] Trôi hoa dạt bèo = Cảnh Kiều lưu lạc như hoa trôi ở suối, bèo gió dạt ở sông hồ. Hoa không bao giờ trở lại gốc cây cũ, bèo nay đây mai đó không thể tìm được ở đâu.

[23] Tạ từ = Chào xin phép ra về.

[24] Thần hôn [晨 昬] = Sớm chiều thăm hỏi sức khỏe của cha mẹ.

[25] Dưỡng thân [養 親] = Nuôi cha mẹ.

[26] Mài lệ chép thư = Lấy nước mắt mà mài mực viết thư ; hàm ý nói vừa khóc vừa viết thư định gửi cho nàng.

[27] Lâm Thanh là một huyện ở gần Bắc Kinh. Mã Giám Sinh đã khai gian nó ở Lâm Thanh để lừa họ Vương dễ gả Kiều cho nó và để sau này khó tìm ; thật ra nó ở Lâm Truy, rất xa Bắc Kinh, đi xe ngựa mất một tháng mới đến nơi.

[28] Tuyết sương ngày một hao mòn mình ve – Ve nở về mùa hè, tháng 7, tháng 8 có sương lạnh thì gầy dần rồi chết.

[29] Yểu điệu [窈 窕] – Yểu [窈] = đức tính, điệu [窕] = nhan sắc đẹp. Yểu điệu mô tả một người con gái vừa đẹp vừa hiền.

[30] Vu phi [于 飛] –Kinh Thi có câu [鳳 凰 于 飛] = Phượng hoàng vu phi = Đôi chim phượng hoàng lúc bay lượn, ý nói vợ chồng vui hoà với nhau như đôi chim phượng hoàng cùng bay lượn vui vẻ với nhau ở trên trời.

[31] Phím đồng = Phím cây đàn làm bằng gỗ ngô đồng.

[32] Gió đưa lay rèm = Gió thổi làm lay động bức rèm, làm cho Kim, Vân tưởng như hồn Kiều bay về nghe đàn Kim gảy.

[33] Góc chái bên thềm – Xem lời giải ở mục đính chính về câu 2853 bên trên.

[34] Đồng vọng = Tiếng nghe văng vẳng như tiếng thần tiếng ma. Xưa kia người ta tin rằng nhà có người bịnh nặng, mà đêm vắng lắng tai nghe thấy văng vẳng có tiếng vọng ở lưng trời thì thế nào người bịnh ấy cũng chết.

Diễn ra văn xuôi

Câu 2737, 38 = Nạn xưa của Kiều đến đây là trút sạch làu làu hết, nhưng chưa ai đã dễ biết là duyên xưa của nàng cũng lại sẽ chắp nối ở đây.

Câu 2739, 40 = Nông nỗi tai nạn của nàng kể đã đầy đủ rồi, còn nông nỗi chàng Kim bấy lâu nay cũng thật đáng thương.

Câu 2741, 42 = Từ khi chàng Kim đi Liêu Dương để hộ tang thúc phụ, mất nửa năm mới trở lại nhà.

Câu 2743, 44 = Chàng vội sang ngay thăm dò tin tức nhà Thúy Kiều thì thấy phong cảnh khác trước nhiều.

Câu 2745, 46 = Vườn thì đầy những cỏ mọc lưa thưa, các cửa sổ trước kia mọi người vẫn ngồi ngắm trăng, bây giờ vắng vẻ chẳng còn ai. Các bức vách nhà thì mưa vào loang lở một lượt.

Câu 2747, 48 = Nhìn trước nhìn sau chẳng thấy bóng người nào, mà chỉ thấy hoa đào vẫn đỏ tươi như cười với gió đông.

Câu 2749, 50 = Mấy con én xập xùy bay liệng có vẻ buồn bã ở trong nhà vắng người. Trong thì cỏ mọc khắp nền nhà, ngoài sân thì rêu mọc đầy các vết chân người đi lại trước.

Câu 2751, 52 = Ở chỗ cuối tường thì gai góc mọc, che lấp kín cả lối chàng và nàng vẫn lén lút đi lại hồi trước kia.

Câu 2753, 54 = Chung quanh lặng ngắt như bức tranh, im phăng phắc. Bụng chàng nghĩ buồn chán quá, những nông nỗi này biết hỏi ai bây giờ cho rõ sự tình ra sao.

Câu 2755, 56 = Bên láng giềng có người thấy chàng đứng ngẩn ngơ, mới chạy sang chơi. Chàng chào đón, rồi lân la mới hỏi sự tình nhà nàng.

Câu 2757, 58 = Chàng hỏi Vương Ông, thì được biết ông bị bắt lôi thôi ở tòa án. Chàng hỏi đến Kiều, thì được biết nàng đã bán mình để lấy tiền chuộc tội cho cha.

Câu 2759 đến 2762 = Chàng hỏi đến Vương Quan và Thúy Vân thì được biết đều nghèo túng vất vả – Vân phải may thuê, Quan thì phải viết bán để kiếm ăn nuôi gia đình.

Câu 2763, 64 = Chàng nghe những tin này, giật mình như nghe tiếng sét đánh ngang trời.

Câu 2765 đến 2772 = Ngoài sân thì cỏ đất mưa ướt đầm đìa. Chàng càng trông thấy cảnh, chàng lại càng thêm ngao ngán ngẩn ngơ.

Câu 2773, 74 = Chàng chưa chắc đó đã phải là nhà họ Vương vì không tin đến nỗi tiều tụy thế, nhưng chàng cũng cứ đánh liều lên tiếng gọi ở ngoài tường. Vương Quan nghe thấy tiếng chàng, vội vàng chạy ra và dắt tay mời vào. Hai ông bà Viên ngoại ở mé sau nhà cũng ra ngay và liền khóc than kể hết nỗi niềm riêng tây cho chàng nghe rằng:

Câu 2775, 78 = Chàng ơi, chàng đã biết cái nông nỗi khổ cực đến nước thế này của chúng tôi chưa? Số phận của Kiều nhi thật mỏng như tờ giấy! Nó đã phải đành chịu lỗi là phụ lời hai miệng cùng thề với chàng là kết tóc xe tơ với chàng rồi!

Câu 2779, 80 = Gặp cơn tai biến lạ lùng xẩy ra cho gia đình, nó đã phải tìm đường bán mình để cứu lấy mạng cha.

Câu 2781, 82 = Tội nghiệp cho nó quá, khi bước chân ra đi nó dùng dằng mãi, cực cội đủ trăm nghìn nỗi, dặn đi dặn lại ba bốn lần.

Câu 2783, 84 = Nó nói nó đã trót nặng lời thề nguyện với chàng, nên xin cho em nó là Thúy Vân thay nó làm trọn lời thề nặng đó.

Câu 2785, 86 = Nó nói gọi là để trả chút nghĩa với chàng thôi, chứ cái nỗi sầu hận trong lòng nó dẫu muôn đời vẫn không quên được.

Câu 2787, 88 = Nó nói kiếp này chưa trả xong nợ chàng, thì nếu chết xuống cõi âm mà còn biết, nó sẽ xin thác sinh ra kiếp sau để trả nợ mà đền lại chàng.

Câu 2789, 90 – Nó đinh ninh gửi lại mấy lời này để nhờ thưa lại với chàng và xin cha mẹ ghi lòng chớ quên. Dặn xong đâu đấy rồi nó mới cất mình ra đi.

Câu 2791, 92 = Ông bà nhắc xong mấy lời Kiều dặn lại, rồi òa ra khóc: Ối! Kiều nhi ơi! Phận con sao bạc quá thế? Kìa chàng Kim đã về rồi đó, mà còn con thì bây giờ ở đâu?

Câu 2793, 94 = Ông bà thì càng nói càng đau lòng, chàng thì càng nghe, bụng càng buồn dầu như rau bị muối dưa.

Câu 2795, 96 = Rồi chàng vật mình lăn khóc, chân tay rẫy rụa như vung gió, nước mắt tuôn ra như mưa, khi ngồi dậy thì nước mắt lã chã, hồn vía ngẩn ngơ.

Câu 2797, 98 = Chàng nhiều hồi đau thương quá, lại nhiều cơn ngất lịm đi, ngất đi lại tỉnh, tỉnh lại khóc, khóc lại mê.

Câu 2799, 2800 = Vương Ông thấy chàng quá đau thương vì nỗi ly biệt, phải cố nén lòng thương cực của mình đi, để lấy lời bình tĩnh mà yên ủi khuyên giải chàng.

Câu 2801, 02 = Ông bảo chàng rằng nay phận nó như tấm ván đã đóng thuyền rồi, không thể nào lấy cái mệnh bạc nó để báo đền được cái tấm chung tình của chàng nữa.

Câu 2803, 04 = Nếu chàng vì chút nghĩa đèo bồng mà quá thương khóc nó mãi như thế, thì chàng định bỏ tấm thân quý hóa đáng giá nghìn vàng của chàng đi hay sao?

Câu 2805, 06 = Ông dỗ dành khuyên chàng đủ trăm chiều, nhưng lửa phiền của chàng càng dập đi, thì lại càng như khêu thêm mọi nỗi phiền lên.

Câu 2807, 08 = Ông lại giở cho chàng xem những đồ kỷ niệm mà Kiều đã trao lại cho Vân giữ như chiếc vòng vàng là của làm tin khi mới hẹn thề, như cây đàn khi chàng đưa cho nàng gẩy, và mảnh trầm hương đốt hôm cùng thề còn thừa lại.

Câu 2809, 10 = Nhưng chàng càng trông thấy những vật đó, chàng lại càng thương, gan chàng lại càng tức tối, lòng chàng lại càng xót xa.

Câu 2811, 12 = Chàng nói: Chỉ vì tôi trót bước chân ra đi sớm quá mà để nàng đến nỗi phải trôi giạt như hoa rụng xuống suối, như bèo bạt trên mặt sóng.

Câu 2813, 14 = Tôi với nàng thề tốt cùng nhau đã nhiều, những lời thề bền vững như khắc vào bia đá, như chạm vào biển vàng, chứ đâu phải là lời nói không.

Câu 2815, 16 = Hai đứa tuy chưa cưới xin, chưa chăn gối, nhưng cũng đã coi như là vợ chồng rồi. Thế mà sao nàng nỡ lòng dứt tình nhau cho được!

Câu 2817, 18 = Dẫu tốn bao nhiêu tiền của, dẫu xa bao nhiêu ngày đường, còn tôi, thì tôi còn phải tìm cho được gặp mặt Kiều mới thôi!

Câu 2819, 20 = Chàng không thể nào nói hết được nỗi thương đau của mình, rồi chàng tạ lỗi là chàng đã trót nói mấy câu giận bực và chào xin ra về.

Câu 2821, 22 = Chàng vội về sửa sang lại tòa nhà ở chốn vườn hoa, rồi sang mời đón ông bà Viên ngoại về ở với chàng.

Câu 2823, 24 = Chàng thay tấm lòng hiếu thảo của nàng mà chăm nom ông bà, sớm thăm tối hỏi đúng lễ dưỡng thân.

Câu 2825, 26 = Chàng đinh ninh một dạ quyết chí tìm nàng cho kỳ được. Chàng thường vừa khóc vừa viết thư, rồi hoặc cắt người đi tìm mà đưa cho nàng, hoặc gửi cho người quen tìm hộ, nhiều lúc chàng vừa khóc vừa mài mực, lệ rỏ đầy nghiên, có thể nói chàng khóc lấy nước mắt mài mực viết thư.

Câu 2827, 28 = Tốn không biết bao nhiêu tiền của để thuê mướn người đi đây đó tìm nàng. Cũng có nhiều lần chàng vượt đường xa xôi đi Lâm Thanh mà tìm, không quản ngại.

Câu 2829, 30 = Nhưng khốn nỗi người thì ở Lâm Tri, mà lại cứ đi tìm ở Lâm Thanh, rõ thật mênh mông như tìm cá ở dưới nước, tìm chim ở trên trời, biết ở nơi nào?

Câu 2831, 32 = Tìm mãi không thấy, Sinh càng thương nàng thảm thiết, càng khát khao muốn gặp nàng, gan lúc nào cũng nóng như sắt nung trong lò, ruột lúc nào cũng đau xót như bị bào nạo.

Câu 2833, 34 = Trong thì ruột gan chàng ngày một khô héo như con tằm nhả hết tơ, ngoài thì thân hình chàng một ngày một hao gầy như con ve gặp sương tuyết mùa thu.

Câu 2835, 36 = Tinh thần lúc nào cũng thẩn thơ ngơ ngác, khi tỉnh khi mê; khi tỉnh thì khóc máu hòa nước mắt, khi mê thì như hồn lìa thân trong cơn mơ mộng.

Câu 2837, 38 = Ông bà lo sợ quá, những e chàng thương nhớ quá như thế mãi, thì có thể nguy hiểm.

Câu 2839, 40 = Ông bà lo vậy, mới vội vàng sắp sửa và chọn ngày để làm lễ cưới Thúy Vân cho chàng.

Câu 2841, 42 = Hai người lấy nhau thật tốt đôi xứng đáng, nàng thì là một cô gái yểu điệu, chàng thì là một văn sĩ tài hoa. Đã trai tài gái sắc lại vừa tuổi xuân xanh.

Câu 2843, 44 = Chàng nàng tuy được vui vẻ duyên ưa phận đẹp nhưng cái vui bên đĩa cân này vẫn còn nhẹ hơn cái buồn bên đĩa cân kia, nên chưa cất nổi được đĩa cân buồn lên.

Câu 2845, 46 = Những lúc ngồi ăn uống truyện trò với nhau và những lúc đi lại ra vào cùng nhau, càng âu yếm nhau, lại càng thêm thương xót Kiều.

Câu 2847, 48 = Hễ nghĩ đến nông nỗi Kiều lúc nào, thì lại hai hàng nước mắt tuôn rơi.

Câu 2849, 50 = Có khi nhân lúc thư phòng vắng vẻ, chàng lại đốt mảnh trầm hương cũ ở trong lò đào, và giở cây đàn xưa ra gảy.

Câu 2851, 52 = Chàng cảm thấy tiếng đàn nghe ra buồn tẻ bẽ bàng, và khói trầm bốc lên có vẻ thoảng nhạt ít thơm, và hình như có hồn Kiều hóa gió bay vào làm lay động bức mành trước cửa.

Câu 2853, 54 = Lại hình như nghe văng vẳng thấy tiếng Kiều than thở ở nơi tối tăm góc chái trong phòng; lại như thoảng thấy bóng xiêm áo nàng lảng vảng ở trước thềm.

Câu 2855, 56 = Bởi vì lòng chàng nhớ Kiều như khắc vào đá, tạc vào vàng, nên mỗi khi tưởng đến nàng thì lại hình như thấy nàng về ngay với chàng.

Những câu có ý móc nối và những chữ có ý thở than

1. Về hai câu đầu đoạn này, câu trên “Nạn xưa trút sạch làu làu” vừa để kết thúc hết các tai nạn của Kiều, vừa để mở màn giới thiệu nửa đời thanh nhàn của nàng. Câu dưới “Duyên xưa chưa dễ biết đâu chốn này” báo trước cuộc tái ngộ Kim Trọng

2. Câu “Nỗi chàng Kim Trọng bấy chầy mới thương” vừa có ý móc nối với các đoạn trên, kể những nỗi đáng thương bấy chầy của Kiều vừa để mở đầu đoạn tả nỗi khổ tâm của Kim Trọng vì thương Kiều, tìm Kiều: nào vật mình than khóc, nào nuôi cha mẹ thay Kiều, nào dùng đủ cách tìm Kiều, nào lúc như thấy hồn Kiều về với mình.

3. Câu “Nhìn phong cảnh cũ nay đà khác xưa” mào đầu cho những câu tả những cảnh thay đổi nay hiện ra trước mắt Kim Trọng – chàng buồn bao nhiêu thì bụng chàng lại nhớ đến những cảm tưởng vui xưa khi chàng đứng trước cảnh còn đề huề xưa.

4. Hai câu “Đầy vườn cỏ mọc lưa thưa / Song trăng quạnh quẽ vách mưa rã rời” tả cảnh hoang vắng quá, trái lại với hai câu 271, 272 tả cảnh nghiêm mật “Mấy lần cửa đóng then gài / Dẫy thềm hoa rụng biết người ở đâu.

5. Hai câu “Xập xùy én liệng lầu không / Cỏ lan mặt đất rêu phong dấu giày” tả cảnh nhà bỏ không, cả đến chim én cũng buồn lây, trái lại với hai câu 269, 270 tả cảnh chàng đứng trước cảnh nhà vui vẻ, vui lây cả đến chim oanh, cả đến cây liễu “Lơ thơ tơ liễu buông mành / Con oanh học nói trên cành mỉa mai.”

6. Hai câu “Trước sau nào thấy bóng người / Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông” tả chàng thấy hoa đào lúc vắng người này lại nhớ đến cảnh “Dưới đào dường thấy bóng người thướt tha” (290) và “Trên đào nhác thấy một cành kim thoa” (câu câu 294). Cùng một cây hoa đào, sao năm ngoái thì chàng thấy vui thế, mà năm nay thì khiến chàng buồn thế7Hai câu “Thề xưa giở đến kìm hoàn / Của xưa lại giở đến đàn với hương” ứng với những câu 735, 736 “Chiếc vành với bức tờ mây / Duyên này thì lấy vật này của chung” và những câu 739, 740 “Mất người còn chút của tin / Phím đàn với mảnh hương nguyền ngày xưa.”

7. Hai câu “Chưa chăn gối cũng vợ chồng / Lòng nào mà lại dứt lòng cho đang” ứng với câu 605, 606 “Quyết tình nàng mới hạ tình / Dẽ cho để thiếp bán mình chuộc cha.” Nàng đã biết thế nào chàng cũng trách, nên đã than lời xin chàng hãy “dẽ” lòng chớ nóng nẩy đừng giận nàng. Hai câu chàng tức giận trách nàng này cũng ứng với câu 1259, 1260 nàng than lúc ở thanh lâu “Nhớ lời nguyện ước ba sinh / Xa xôi ai có thấu tình chăng ai.” Tóm lại, ý nghĩa của 4 câu trên là: Tôi nay khổ lắm, chàng có nhớ lời nguyền ước thì nên thấu tình mà thương tôi, xin đừng trách tôi nhé, nhưng chàng tuy thấu tình, vẫn không nhịn được trách.

8. Câu “Dưỡng thân thay tấm lòng nàng ngày xưa” ứng với câu 1258 “Trân cam ai kẻ đỡ thay việc mình” với ý nghĩa Kiều đã đoán chắc Kim Trọng sẽ nghĩ đến nàng mà nuôi cha mẹ thay nàng.

9. Trong đoạn này có mấy chữ tả cảnh điêu tàn hay nghèo khó một cách bóng gió kín đáo, mới đọc đến coi rất tầm thường, nhưng nhận xét kỹ thì biết rất hay,khiến ta phải thở than buồn theo. (a) Chữ “rã rời” ở câu 2746 khiến ta thấy cảnh điêu tàn đó lòng ta cũng buồn bã rã rời như bức vách bị mưa rũa rả rời đó. (b) Câu “xập xùy én liệng” ở câu 2749 lấy dáng bay buồn lặng của chim én ra vào thui thủi trong lầu vắng chủ đề tả cảnh điêu tàn khiến người đọc đến câu này cũng cảm thấy lòng buồn ngán âm thầm như đàn én. (c)Trong câu “Đánh đường chàng mới tìm vào tận nơi”, chữ “đánh đường” và chữ “tìm vào” tả cảnh nhà ở nơi hang cùng ngõ hẻm. Đánh đường là đường đi hẹp hòi ngoắt ngoéo phải hỏi thăm từng quãng ngắn một. “Tìm vào” là phải tìm mãi mới vào đến. Cứ thấy lối vào như thế đã đủ ngao ngán than thở rồi. (d) Chữ “đánh liều” ở câu “Đánh liều lên tiếng ngoài tường,” tả chỗ nhà ở tiều tụy quá, Kim Trọng nghi chưa chắc đã phải là nhà họ Vương, vì lẽ đâu lại phải ở chỗ tồi tệ ở nơi hang cùng ngõ hẻm này, nhưng vì đã mất công tìm mãi, nên cứ gọi liều, may ra mà đúng chăng. (e) Trước mặt chàng Kim mà Vương ông, Vương bà gọi Kiều là “Kiều nhi” thật là hay và gọn gàng đắc thể, vì Kiều nhi nghĩa là “con bé Kiều yêu đương của chúng tôi” vừa tỏ được tình hết sức thương yêu như lúc còn thơ ấu với Kiều, vừa gây được mối thân tình với chàng. Trừ chữ “Kiều nhi” ra, không có chữ nào đủ ý tứ như thế vừa gọn gàng vừa hay thế.

10. Chỗ hay nhất trong đoạn này là những câu diễn lời Vương ông Vương bà khóc than kể nỗi khổ cực với Kim Trọng. Từ câu 2776 “Chàng ôi! Biết nỗi nước này cho chưa?” đến câu 2792 “Chàng Kim về đó, con thì ở đâu?” lời thật thảm thiết, ý thật thân mật đầy đủ, tuy là văn vần nhưng trôi chạy bình thường như văn xuôi, đúng với lời kể lể thông thường của mọi người. Mở đầu lấy tiếng khóc gọi “Chàng ôi!” mà kể cho chàng nghe những chi tiết vì gia biến mà Kiều phải phụ lời thề, nhưng vẫn hết lòng thủy chung với chàng, nào xin lấy em thay, nào xin kiếp sau đền lại, nào trăm nỗi cực cội lúc ra đi, để chàng khỏi trách giận Kiều, phải xét tình thương Kiều. Câu kêu khóc ở cuối lời “Chàng Kim về đó, con thì ở đâu?” thật hay vô cùng, vừa tỏ được chân tình thảm thiết thương con, vừa tỏ được lòng thương cảm tiếc mối chung tình tha thiết giữa Kim Kiều bị tan rẽ, để gây lấy tình thân mật của chàng đối với ông bà.

[ĐÀM DUY TẠO]