CHƯƠNG 30

KIM VÂN KIỀU ĐÍNH GIẢI

Hương Ngạn Đào Tử ĐÀM DUY TẠO

trước tác năm 1986

(Thứ nam) Đàm Trung Pháp

hiệu đính và phổ biến năm 2020

* * * * *

CÂU 3059 ĐẾN CÂU 3130

“Kẻ thẹn hoa tàn, người khen dăng tơ”

3059. Một nhà về đến quan nha, [1]

Đoàn viên vội mở tiệc hoa vui vầy. [2]

3061. Tàng tàng chén cúc dở say, [3, 4]

Đứng lên Vân mới giãi bày một hai.

3063. Rằng: Trong tác hợp cơ trời . [5]

Hai bên gặp gỡ một lời kết giao .

3065. Gặp cơn bình địa ba đào, [6]

Vậy đem duyên chị buộc vào cho em .

3067. Cũng là phận cải duyên kim, [7]

Cũng là máu chảy ruột mềm chớ sao ? [8]

3069. Những là rày ước mai ao,

Mười lăm năm ấy biết bao nhiêu tình !

3071. Bây giờ gương vỡ lại lành, [9]

Khuôn thiêng lựa lọc đã rành có nơi . [10]

3073. Còn duyên may lại còn người,

Còn vầng trăng bạc còn lời nguyền xưa .

3075. Quả mai ba bảy đương vừa, [11]

Đào non sớm liệu xe tơ kịp thì. [12]

3077. Dứt lời nàng vội gạt đi:

Sự muôn năm cũ kể chi bây giờ?

3079. Một lời tuy có ước xưa,

Xét mình dãi gió dầu mưa đã nhiều .

3081. Nói càng hổ thẹn trăm chiều,

Thà cho ngọn nước thủy triều chảy xuôi ! [13]

3083. Chàng rằng: Nói cũng lạ đời,

Dẫu lòng kia vậy còn lời ấy sao ?

 3085. Một lời đã trót thâm giao, [14]

Dưới dày có đất trên cao có trời !

3087. Dẫu rằng vật đổi sao dời, [15]

Tử sinh phải giữ lấy lời tử sinh ! [16]

3089. Duyên kia có phụ chi mình,

Mà toan sẻ gánh chung tình làm hai ?

3091. Nàng rằng: Gia thất duyên hài, [17]

Chút lòng ân ái ai ai cũng lòng.

3093. Nghĩ rằng trong đạo vợ chồng,

Hoa thơm phong nhị trăng vòng tròn gương . [18]

3095. Chữ trinh đáng giá nghìn vàng,

Đuốc hoa chẳng thẹn với chàng mai xưa. [19]

3097. Thiếp từ ngộ biến đến giờ.

Ong qua bướm lại đã thừa xấu xa .

3099. Bấy chầy gió táp mưa sa .

Mấy trăng cũng khuyết mấy hoa cũng tàn.

3101. Còn chi là cái hồng nhan,

Đã xong thân thế còn toan nỗi nào ?

3103. Nghĩ mình chẳng hổ mình sao,

Dám đem trần cấu dự vào bố kinh ! [20]

3105. Đã hay chàng nặng vì tình,

Trông hoa đèn chẳng thẹn mình lắm ru !

3107. Từ rày khép cửa phòng thu,

Chẳng tu thì cũng như tu mới là !

3109. Chàng dù nghĩ đến tình xa,

Đem tình cầm sắt đổi ra cầm cờ. [21]

3111. Nói chi kết tóc xe tơ,

Đã buồn cả ruột mà dơ cả đời ! [22]

3113. Chàng rằng: Khéo nói nên lời,

Mà trong lẽ phải có người có ta !

3115. Xưa nay trong đạo đàn bà,

Chữ trinh kia cũng có ba bảy đường,

3117. Có khi biến có khi thường, [23]

Có quyền nào phải một đường chấp kinh .

3119. Như nàng lấy hiếu làm trinh,

Bụi nào cho đục được mình ấy vay ?

3121. Trời còn để có hôm nay,

Tan sương đầu ngõ vén mây giữa trời. [24]

3123. Hoa tàn mà lại thêm tươi,

Trăng tàn mà lại hơn mười rằm xưa .

3125. Có điều chi nữa mà ngờ,

Khách qua đường để hững hờ chàng Tiêu! [25]

3127. Nghe chàng nói đã hết điều,

Hai thân thì cũng quyết theo một bài .

3129. Hết lời khôn lẽ chối lời,

Cúi đầu nàng những vắn dài thở than.

Đính chính và xác định

Câu 3072 – Khuôn thiêng lựa lọc đã rành có nơi – Chữ “lựa lọc” và chữ “rành” trong câu này hầu hết các bản Kiều nôm hay quốc ngữ đều viết lầm “lựa lọc (攄 淥)” ra “lừa lọc (攎 淥)” và “rành (火+亭)” ra “đành (停)” thành ra câu này là “Khuôn thiêng lừa lọc đã đành có nơi” rõ thật vô nghĩa, mà sao chẳng ai để ý đến, người in cứ theo nhau in bừa, người đọc cứ vui miệng đọc bừa. Lựa là so lựa cho vừa đôi phải lứa với nhau, lọc là chọn lọc cho hợp tình hợp ý lẫn nhau, rành có nơi là rõ ràng đâu vào đấy rồi. Hai câu “Bây giờ gương vỡ lại lành /Khuôn thiêng lựa lọc đã rành có nơi” nghĩa là: Trước kia hai người đã bị chia rẽ, mà nay lại được đoàn tụ như cái gương đã vỡ làm đôi lại được chấp lành lại, thì ta biết rành rõ là ông Trời thiêng kia đã để ý so lựa, chọn lọc cho vừa đôi vừa lứa, hợp tình hợp ý nhau đâu vào đấy rồi; vậy chi không nên trái ý Trời.

Câu 3074 – Còn vầng trăng bạc, còn lời nguyền xưa – “Vầng trăng bạc” và “lời nguyền xưa” nhắc đến hai câu 449-450 “Vầng trăng vằng vặc giữa trời / Đinh ninh hai miệng một lời song song.” Trăng bạc sáng trắng như cái đĩa bạc. Có bản Kiều đổi “bạc” ra “cũ” để đối với “xưa” cho chỉnh, nhưng e vô nghĩa vì làm gì có “trăng cũ.”

Câu 3089 – Duyên kia có phụ chi mình – Chữ “mình” ở câu này nghĩa là “chúng mình, chúng ta” và nghĩa cả câu là: Chúng mình trước đây dầu xa cách nhau, nhưng cái duyên kia nó vẫn tha thiết với nhau. Vậy sao bây giờ nàng lại chỉ toan chia gánh chung tình của chúng ta ra làm hai như vậy? Có bản đổi chữ “mình” câu này ra làm chữ “tình” thật là vô ý thức, vừa trùng vần với chữ tình câu sau, vừa mất nghĩa.

Chú giải và dẫn điển

[1] Quan nha (官 衙) = Nhà dinh quan ở.

[2] Đoàn viên (團 圓) = Xum họp đông đủ. Tiệc hoa do “hoa diên” (華 筵) dịch ra = Bữa tiệc vui mừng.

[3] Tàng tàng = Đã hơi say rượu.

[4] Chén cúc = Chén rượu cất với hoa cúc.

[5] Tác hợp cơ trời = Như có máy thợ trời đưa lại cho hai bên gặp gỡ nhau để kết duyên thành vợ chồng.

[6] Bình địa ba đào (平 地 波 濤) = Cơn sóng cồn bỗng nổi lên ở mặt đất bằng phẳng, hàm ý sự tai vạ bất kỳ xảy ra rất to.

[7] Phận cải duyên kim = Duyên vợ chồng trời định phải lấy nhau như đá nam châm hút kim sắt, hổ phách hút hột cải.

[8] Máu chảy ruột mềm = Nghĩa đen là khi đứt tay thấy máu chảy ra thì sợ như ruột mềm nhũn ra, nghĩa bóng là khi thấy người tình thân máu mủ bị nạn thì mình thương xót đau lòng.

[9] Gương vỡ lại lành – Lấy điển từ câu trong Tình Sử “Phá kính trùng viên” (破 鏡 重 圓) = Gương vỡ đôi lại khớp lại thành tròn. Sự tích như sau: Đời nhà Trần bên Tàu (557 – 589) có Từ Đức Ngôn lấy Lạc Sương Công Chúa. Khi nhà Trần sắp mất, Đức Ngôn bảo vợ “Nước mất thì thế nào nàng cũng bị vua, tướng nhà Tùy nó bắt, ta bẻ cái gương ngọc này làm đôi, mỗi người giữ một nửa. Sau này nếu nàng còn sống, thì cứ hôm rằm tháng giêng năm nào nàng cũng cho người mang mảnh gương của nàng ra chợ kinh đô bán mà đòi giá rõ đắt cho không ai mua, để ta đến đó mà tìm.” Khi nhà Trần mất, Công chúa bị đại tướng nhà Tùy là Dương Tố bắt. Đức Ngôn tới kinh đô, ra chơi hội chợ rằm tháng giêng, thấy người mang mảnh gương ra rao bán. Đức Ngôn lấy mảnh gương của mình ra khớp in với mảnh kia, rồi đề bốn câu thơ gửi theo hai mảnh gương cho Công chúa. Công chúa được thơ thương khóc nhịn ăn. Dương Tố biết truyện, mới cho người tìm Đức Ngôn đến trả Công chúa cho về đoàn tụ với nhau. Bốn câu thơ đó như sau: (鏡 與 人 俱 去) Kính dữ nhân câu khứ = Gương với người cùng ra đi / (鏡  歸 人 不 歸) Kính quy nhân bất quy = Gương về, người chẳng về / (不 復 嫦 娥 影) Bất phục Thường Nga ảnh = Gương không còn bóng cô Thường Nga nữa) / (空 留 明 月 輝) Không lưu minh nguyệt huy = Chỉ còn lại ánh sáng không của mặt trăng sáng này thôi.

[10] Khuôn thiêng lựa lọc – Xem lời giải ở mục đính chính câu 3072 này.

[11] Quả mai ba bẩy đương vừa – Kinh Thi có câu “Phiếu hữu mai kỳ thật thất hề, phiếu hữu mai kỳ thật tam hề” (摽 有 梅 其 實 七 兮, 摽 有 梅 其 實 三 兮) = Quả mai rụng mười phần còn bẩy phần, quả mai rụng mười phần còn ba phần. Ý nói: Tuy chỉ còn ba phần nhưng hãy còn hái được, ví như đàn bà đã luống tuổi, nhưng lấy chồng hãy còn vừa.

[12] Đào non – Kinh Thi có câu “Đào chi yêu yêu” (桃 之 夭 夭) = Cây đào non dờn dờn, để nói con gái đương thời trẻ trung vừa tuổi lấy chồng.

[13] Ngọn nước thủy triều chảy xuôi – Câu này lấy điển ở câu thơ cổ “Tâm như quy hải triều, mộ phong lưu bất trụ” (心 如 歸 海 潮, 暮 風 留 不 住) = Lòng này giống như nước triều lui về bể, gió chiều tối không ngăn cản lại được nữa. Vì gió lúc chiều tối thường thổi từ ngoài bể vào như ngăn nước triều lại, câu này ý Kiều bảo Thúy Vân: Ta đã quyết tâm bỏ đường chồng con rồi, không ép ta lại lấy chàng Kim nữa được.

[14] Thâm giao = Giao ước một cách sâu nặng

[15] Vật đổi sao dời Bài tựa Đằng Vương Các của Vương Bột có câu  “Vật hoán tinh di kỷ độ thu” (物 換 星 移 幾 度 秋) =  Vật đổi sao dời trải qua bao nhiêu mùa thu rồi. Vật đổi nói cảnh vật ở mặt đất thay đổi mỗi mùa một khác; sao dời nói các ngôi sao ở trên trời mỗi tháng chuyển dần đi một chỗ.

[16] Tử sinh phải giữ lấy lời tử sinh = Dù sống hay chết cũng phải giữ lấy lời thề “sống chết có nhau.”

[17] Gia thất duyên hài (家 室 緣 諧) – Gia = vợ. Thất = chồng. Duyên hài = Kết duyên vui vẻ, hòa hợp với nhau. Gia thất duyên hài = Đàn ông, đàn bà ai cũng muốn có vợ có chồng.

[18] Hoa thơm phong nhị = Hoa hãy còn giữ bọc nhị thơm kín đáo nguyên vẹn.

[19] Đuốc hoa = Đêm tân hôn, vì trong buồng dâu đêm tân hôn ngày xưa có lệ đốt hai cây nến chung quanh có trổ hoa để cúng lễ hợp cẩn.

[20] Trần cấu (塵 垢) – Trần = Bụi đất. Cấu = Chất ghét bẩn. Hàm ý Kiều tự cho mình dơ bẩn không đáng lấy Kim Trọng.

[21] Cầm sắt = Tình vợ chồng. Cầm kỳ = Tình bè bạn. Kinh Thi có câu “Thê tử hảo hợp như cổ sắt cầm” = Vợ chồng vui hoà với nhau, như gẩy đàn sắt đàn cầm ăn nhịp với nhau. Cầm kỳ thi tửu = Bốn cuộc chơi thanh nhã giữa bạn bè.

[22] Dơ cả đời = Trông dơ dáng dạng hình đáng thẹn với đời. Bản Kiều Kim Kỷ phiên âm chữ “dơ” (涂) (thủy bên (余) dư) là nhơ thật là lầm, vì nếu là nhơ (bẩn) thì chữ nôm phải viết là (洳) (thủy bên (如) như), vả lại “nhơ cả đời” e vô nghĩa.

[23] Tòng quyền (從 權) – Nghĩa đen chữ quyền là cái quả cân. Nghĩa rộng là : Cân đi thì biết bên nào nặng bên nào nhẹ. Tòng quyền = Gặp việc khó xử phải cân nhắc xem bên nào hệ trọng thì theo mà làm cho hợp tình hợp lý. Nếu cứ giữ một mực không biết thay đổi thì gọi là chấp kinh (giữ đạo thường). Kinh = Đạo thường.

[24] Tan sương đầu ngõ, vén mây giữa trời – Đám sương ở đầu ngõ tan đi thì lại thấy hoa ở trong vườn. Đám mây ở giữa trời vén gọn thì lại thấy mặt trăng. Ý nói Kiều lúc sống đời khổ nhục cũng như hoa bị sương phủ, trăng bị mây che; bây giờ cuộc đời khổ nhục ấy hết rồi, thì như hết sương, hết mây, hoa lại tươi, trăng lại sáng.

[25] Chàng Tiêu – Văn thơ đời Đường, Tống thường gọi con trai lạ là Tiêu lang (萧 郎) (chàng Tiêu), gọi con gái lạ là Tiêu nương (萧 娘) (nàng Tiêu). Câu “Khách qua đường để hững hờ chàng Tiêu” lấy điển ở câu thơ của Thôi Giao (崔 郊) đời Đường. Thôi Giao có người vợ lẽ đẹp, bị người bắt đi dâng ông Nguyên Súy họ Liên. Giao viết một bài thơ tìm cách gửi vào Súy phủ cho nàng, hai câu cuối bài thơ đó là: (侯 門 一 入 深 如 海) Hầu môn nhất nhập thâm như hải = Một khi đã vào trong cửa dinh vương hầu sâu như bể / (從 此 萧 郎 是 路 人) Tòng thử Tiêu Lang thị lộ nhân = Từ đó ta thành ra một chàng Tiêu lạ như khách qua đường. Một đứa thị tỳ trong Súy phủ có ý ghen ghét nàng, đem bài thơ đó lên trình Liên Súy. Súy cho gọi Giao đến, đưa thơ cho xem, và hỏi có phải chàng là thi sĩ làm bài thơ này không. Giao can đảm nhận ngay, Liên Súy khen thơ hay lắm, gọi nàng ra trả lại cho Giao và tống tặng nữ trang rất hậu.

Diễn ra văn xuôi

Câu 3059, 60 = Khi cả mọi người về đến dinh huyện rồi thì liền mở tiệc ăn mừng cuộc đoàn viên.

Câu 3061, 62 = Thúy Vân lúc đã uống cạn chén rượu cúc, ngà ngà say, mới đứng lên dãi bày mọi lẽ:

Câu 3063, 64 = Trước kia trong cuộc như máy trời dun dủi để đưa duyên cho anh chị, anh chị có gặp gỡ nhau, và có gắn bó với nhau một lời là sẽ lấy nhau.

Câu 3065, 66 = Rồi bỗng gặp cơn gia biến to như sóng gió bỗng nổi trên đất bằng, muốn cứu cha, chị phải tòng quyền, đành dứt mối lương duyên của chị mà buộc vào mối duyên của em để trả nghĩa anh, và em cũng đành phải nhận lời thay chị.

Câu 3067, 68 = Đó trước là vì duyên phận em trời định như vậy, sau là vì máu chảy ruột mềm, em thương chị mà phải nghe chị, việc đó cũng được, chẳng hề chi.

Câu 3069, 70 = Em thấy mối tình của anh vẫn tha thiết với chị, nay ước ao chị, mai ước ao chị, biết bao nhiêu là tình mơ ước trong mười lăm năm trời.

Câu 3071, 72 = Nay anh chị đã mỗi người một phương trời, mà lại được sum họp thế này, như cái gương đã vỡ đôi lại được khớp tròn lại. Thế mới biết trong cuộc tình duyên anh chị, khuôn thiêng ông trời đã so lựa thật xứng đôi vừa lứa, đã chọn lọc thật ý hợp tâm đầu, rõ ràng là đâu vào đấy.

Câu 3073, 74 = Giờ đây duyên chị còn đó, người chị còn đây, và còn cả vừng trăng vằng vặc giữa trời hôm anh chị thề với nhau, và cả lời thề nguyền hôm đó nữa cũng còn trong bức tờ mây.

Câu 3075, 76 = Chị tuy đã hơi luống tuổi, nhưng cũng còn vừa tuổi lấy chồng, như câu Kinh Thi nói: Quả mai tuy mười phần rụng chỉ còn bẩy phần, hay ba phần nữa, nhưng chưa hết mùa mai. Vậy anh chị phải mau mau làm lễ cưới nhau đi cho kịp thì.

Câu 3077, 78 = Vân vừa dứt lời thì Kiều vội gạt ngay truyện đó đi và nói: Sự đó coi như là chuyện cổ đã muôn đời rồi, nói đến làm gì nữa!

Câu 3079, 80 = Tuy xưa kia chị có lời thề ước với anh ấy thật, nhưng chị nghĩ thân chị bây giờ đã dãi gió dầm mưa lắm rồi.

Câu 3081, 82 = Em nói đến, chị càng thêm hổ thẹn đủ trăm điều. Thà rằng việc đã qua thì để cho nó qua đi, đừng nhắc đến nữa. Lòng chị nay đã nhất quyết, như nước thủy triều khi đã xuôi ra bể thì để cho nó xuôi, dù cơn gió bể buổi chiều thổi vào mạnh thế nào nữa cũng không cản lại được đâu!

Câu 3083, 84 = Chàng Kim thấy Kiều chối phắt đi như vậy, mới bảo nàng rằng: Sao nàng nói lạ vậy? Lòng nàng tuy đã bỏ xuôi đi như thế, nhưng còn lời thề kia thì bỏ đi làm sao được?

Câu 3085 đến 3088 = Tôi tưởng một lời đã trót thề nguyền sâu nặng với nhau, trên thì có trời cao biết, dưới thì có đất dày biết, thì dù cho cuộc đời biến đổi thế nào nữa, năm tháng qua lại bao lâu nữa, dù sống dù chết, ta vẫn phải giữ lấy lời thề “sống chết có nhau” đó mới được.

Câu 3089, 90 = Ôi! Cái dây duyên kia, nó có phụ gì chúng mình đâu! Lúc nào nó cũng khăng khít đằm thắm giữa đôi ta kia mà! Thế mà sao nàng lại nỡ toan chia đôi gánh chung tình đôi ta ra như vậy?

Câu 3091, 92 = Kiều thưa lại rằng: Cuộc vợ chồng phận đẹp duyên ưa, ai ai cũng chung chút lòng ân ái đó.

Câu 3093, 94 = Chỉ có điều tôi nghĩ rằng: Trong đạo vợ chồng, người đàn bà con gái cần phải thơm tho trong sạch như bông hoa còn phong nguyên nhị, như vòng trăng còn tròn vẹn gương.

Câu 3095, 96 = Chữ “trinh” rất quý, giá đáng nghìn vàng trong đạo vợ chồng, nó làm cho trước sau mãi mãi khỏi hổ thẹn với tối đuốc hoa.

Câu 3097, 98 = Thiếp đây từ khi gặp cơn gia biến, phải bán mình đến bây giờ, thân này đã như đóa hoa ong qua bướm lại đã thừa nỗi xấu xa rồi.

Câu 3099, 3100 = Trải cuộc gió táp mưa sa trong bấy nhiêu năm, dẫu mấy trăng mà chẳng khuyết, dẫu bao nhiêu hoa mà chẳng tàn!

Câu 3101, 02 = Còn gì là cái hồng nhan tươi đẹp nữa? Thân này thế là xong rồi, lại còn mong tính gì nữa?

Câu 3103, 04 = Thiếp nghĩ mình thiếp không biết hổ thẹn ngay với chính mình thiếp nữa hay sao? Mà còn dám đem cái thân bụi bẩn này làm người vợ tử tế của chàng nữa?

Câu 3105, 06 = Đã hay rằng chàng nặng vì tình mà không bỏ thiếp nhưng thiếp trông ngọn đuốc hoa không quá thẹn mình sao được?

Câu 3107, 08 = Thiếp đã định từ rày trở đi, khép cửa phòng thu tạ từ gió mát trăng trong, dẫu chẳng tu ở chùa, cũng như tu mới phải.

Câu 3109, 10 = Nếu chàng còn nghĩ đến chút tình xa xôi đối với thiếp, thì xin chàng đem tình vợ chồng đổi làm tình bè bạn.

Câu 3111, 12 = Xin đừng nói gì đến chuyện kết tóc xe tơ với thiếp nữa, để lòng thiếp phải buồn rầu, mặt thiếp phải dơ dáng trơ thẹn với đời!

Câu 3113, 14 = Chàng nói: Nàng chỉ khéo giở lẽ nọ lẽ kia để nói lên lời từ chối. Nhưng nàng nên biết rằng phàm lẽ phải ở đời là phải sao cho hợp với cả người lẫn ta mới là đúng.

Câu 3115, 16 = Đành rằng xưa nay trong đạo đàn bà, chữ “trinh” bao giờ cũng quý, nhưng có ba bẩy đường trinh, chớ đâu phải chỉ có một đường.

Câu 3117, 18 = Có đạo trinh lúc thường, có đạo trinh khi biến. Gặp lúc biến, ta phải cân nhắc theo lẽ nặng mà thay đổi đường trinh cho hợp đạo, chớ đâu có phải là chỉ khăng khăng giữ một đạo trinh thường!

Câu 3119, 20 = Như trước đây nàng đã biết cân nhắc lấy đạo hiếu làm đạo trinh, thế là đáng quý lắm, còn bụi bậm nào làm nhơ đục được tấm thân trinh bạch đó của nàng!

Câu 3121, 22 = Trời còn để cho có cuộc đoàn tụ vui vẻ hôm nay, rõ như đám sương mù ở đầu ngõ che phủ dãy hoa bấy lâu, nay nó đã tan đi; bãi mây rộng ở giữa trời ám ảnh mặt trăng bấy lâu, nay nó đã vén gọn lại không ám nữa.

Câu 3123, 24 = Hoa đó tuy đã tàn mà lại hóa ra tươi hơn lúc trước, trăng kia tuy đã khuyết mà lại sáng hơn trăng đêm rằm.

Câu 3125, 26 = Vậy thì nàng còn phải ngần ngại e ngờ gì nữa mà nỡ dứt tình, để cho ta phải hờ hững thành một chàng Tiêu như một người khách qua đường chẳng quen biết gì với nàng như vậy?

Câu 3127, 28 = Phần thì nghe chàng nói đã hết lời lẽ, phần thì thấy cha mẹ cũng quyết một bài bắt phải theo ý chàng.

Câu 3129, 30 = Nàng thật hết lời không thể chối mãi được lời chàng nữa, đành cúi đầu chỉ những thở ngắn than dài.

Những câu hay những chữ có ý móc nối hô ứng với nhau

(1) Lúc Kiều trở về này, những câu Thúy Vân buộc Kiều lấy Kim Lang, nhiều câu ứng với những câu lúc Kiều ra đi buộc Thúy Vân phải thay mình lấy chàng:

(a) Câu “Rằng trong tác hợp cơ trời / hai bên gặp gỡ một lời kết giao” ứng với câu 727 “Kể từ khi gặp chàng Kim / khi ngày quạt ước, khi đêm chén thề.” Thúy Vân thêm câu “Rằng trong tác hợp cơ trời” để Kim Kiều khỏi ngượng, vì đó là sự trời định, chứ đâu phải là sự trai gái lẳng lơ.

(b) Câu Vân nói “Gặp cơn bình địa ba đào / vậy đem duyên chị buộc vào cho em” ứng với câu Kiều nói trước: “Giữa đường đứt gánh tương tư / keo loan chấp mối tơ thừa mặc em” (câu 725, 26).

(c) Câu Vân nói “Cũng là phận cải duyên kim / cũng là máu chảy ruột mềm chớ sao!” ứng với câu Kiều nói trước “Xót tình máu mủ thay lời nước non” (câu 732). Thúy Vân thêm câu “Phận cải duyên kim” tỏ ý nói số trời định vậy, chớ đâu phải là mình thừa cơ mà tranh chồng của chị.

(d) Câu Vân nói “Quả mai ba bẩy đương vừa / đào non sớm liệu xe tơ kịp thì” ứng với câu 731 Kiều nói “Ngày xuân em hãy còn dài”, và có ý khẩn thiết hơn, Kiều chỉ dặn lửng lơ bao giờ Vân lấy Kim Trọng cũng được, còn Vân thì giục Kiều phải lấy chàng ngay cho kịp thì.

(e) Câu Vân nói tình Kim Trọng nhớ Kiều “Những là rày ước mai ao / mười lăm năm ấy biết bao nhiêu tình” ứng với câu Kiều kêu khóc tỏ tình nhớ tiếc Kim Trọng trước “Bây giờ trâm gẫy gương tan / kể làm sao xiết muôn vàn ái ân” (câu 749, 750)

(2) Cuộc đối thoại giữa Kim Trọng và Thúy Kiều cũng thật khẩn thiết từng lẽ từng lời với nhau:

(a) Câu Kim nói “Dẫu lòng kia vậy, còn lời ấy sao” để trả lời câu Kiều nói “Nói càng hổ thẹn trăm chiều / thà cho ngọn nước thủy triều chảy xuôi.”

(b) Câu Kim nói “Một lời đã trót thâm giao / dưới dày có đất, trên cao có trời” để trả lời câu Kiều nói “Một lời tuy có ước xưa.” Lời Kiều nói có ý coi thường lời thề, bây giờ không cần kể nữa. Lời Kim Trọng cho biết là: Lời thề đó có trời đất chiếu cố làm chứng không thể coi thường được đâu.

(c) Câu Kim nói “Dẫu rằng vật đổi sao dời / tử sinh cũng giữ lấy lời tử sinh” để trả lời câu Kiều nói “Xét mình dãi gió dầu mưa đã nhiều.” Tuy cảnh nàng đã dầu dãi gió mưa trong nhiều năm thế thật, nhưng tôi không thể quên lời thề “sống chết có nhau” đó được.

(d) Câu Kiều nói “. . . gia thất duyên hài / chút lòng ân ái ai ai cũng lòng” để trả lời câu Kim Trọng có ý chê trách nàng “Duyên kia có phụ chi mình / mà toan chia gánh chung tình làm hai.” (Thật lòng tôi vẫn ao ước lấy chàng cho vui vẻ có vợ có chồng như mọi người, nhưng vì trăng khuyết hoa tàn quá rồi không đáng làm vợ chàng nữa thôi).

(e) Câu Kim Trọng nói “Chữ trinh kia cũng có ba bẩy đường, có khi biến, có khi thường…Như nàng lấy hiếu làm trinh / bụi nào cho đục được mình ấy vay?” để trả lời câu Kiều nói “Chữ trinh đáng giá nghìn vàng / đuốc hoa chẳng thẹn với chàng mai xưa.” Câu chàng trả lời thì thật là đủ lẽ yên ủi lòng nàng, không những là nàng vẫn trinh, mà cái trinh của nàng biết tòng quyền lại còn quý hơn, vững hơn là cái đạo trinh thường.

(f) Câu “Hoa tàn mà lại thêm tươi / trăng tàn mà lại hơn mười rằm xưa” để trả lời câu Kiều nói “Bấy chầy gió táp mưa sa / mấy trăng cũng khuyết, mấy hoa cũng tàn.” Câu trả lời này cũng một ý yên ủi lòng nàng cho nàng khỏi tủi thẹn như mấy câu trên.

[ĐÀM DUY TẠO]