CHƯƠNG 34

KIM VÂN KIỀU ĐÍNH GIẢI

Hương Ngạn Đào Tử ĐÀM DUY TẠO

trước tác năm 1986

(Thứ nam) Đàm Trung Pháp

hiệu đính và phổ biến năm 2020

* * * * *

PHỤ LỤC I

NỘI DUNG “TRUYỆN THIỆU NỮ”

SO VỚI NỘI DUNG “TRUYỆN KIỀU”

Tôi thấy truyện ba cô gái Tiểu Thanh, Vương Thúy Kiều và Thiệu Nữ đều là bậc sắc tài song tuyệt và đều biết trước là số bạc mệnh. Tiểu Thanh tài hoa, xinh đẹp và ngây thơ, theo ngay chàng Công tử con nhà quý phái, để thỏa mãn ái tình, rồi bị Trời ghen, kết cục phải chết vì thất tình ở một biệt thự trong vườn mai đẹp trên bờ Tây Hồ.

Vương Thúy Kiều (như ta đã biết trong truyện) thì khôn ngoan, muốn lấy Kim Trọng để nhờ phúc tướng chồng cho khỏi số bạc mệnh, kết cục cũng bị Trời ghen ghét, bắt phải bỏ Kim Trọng mà sống cuộc đời cực nhục, thanh lâu hai lượt, thanh y hai lần, rồi cũng phải chết ở sông Tiền Đường.

Như vậy, Tiểu Thanh và Thúy Kiều đều vì cưỡng lại mệnh Trời mà không tránh khỏi số bạc mệnh. Còn Thiệu Nữ thì khác: Cô biết số bạc mệnh không thể tránh được, đành chịu bạc mệnh ngay, chịu khổ nhục cho Trời hả cơn ghen với sắc tài của mình, để mong Trời thương tình mà giải phóng cho.

Ta đọc truyện Thiệu Nữ sau đây thì biết nàng tránh bạc mệnh bằng cách vâng phục ý Trời mà chịu đầy đọa, còn hơn là cố đem tài sắc mình ra mà mong biến đổi số bạc mệnh. Thật đúng với hai câu trong đoạn kết Truyện Kiều:

“Trời kia đã bắt làm người có thân / Bắt phong trần phải phong trần” và “Có tài mà cậy chi tài / Chữ ‘tài’ liền với chữ ‘tai’ một vần.”

TRUYỆN THIỆU NỮ (卲 女)

Sài Đình Tân là người phủ Thái Bình, nhà rất giầu, có vợ là Kim Thị không sinh con được, nhưng ghen quái ác. Sài đem trăm lạng vàng ra mua được người vợ lẽ; người phụ nữ này bị Kim Thị đối đãi tàn bạo được một năm thì chết. Sài giận quá, tuyệt tình với Kim Thị, suốt mấy tháng không bước chân vào phòng vợ. Gặp hôm sinh nhật Sài, Kim Thị mặc lễ phục trang nghiêm đến trước mặt chồng mừng thọ, ăn nói rất lễ phép. Sài không nỡ chống đuổi, mới cười nói mấy câu. Kim Thị lại đặt một bàn tiệc rất long trọng ở trong phòng rồi chiều đến, ra mời Sài vào, nhưng chàng từ chối, viện cớ đã say. Kim Thị lễ phép năn nỉ nói:

“Thiếp thành tâm sắp sửa suốt ngày, dù chàng có say đi nữa, cũng xin vào uống với thiếp một chén rồi ra.”

Sài đành vào dự tiệc. Kim Thị khi đó mới thong thả thưa rằng:

“Trước đây thiếp trót lầm dại, làm chết con bé, nay thiếp hối hận lắm. Từ nay về sau, chàng muốn lấy vợ lẽ đẹp và sắm sửa cho cô ấy thế nào xin tùy ý, thiếp không dám trách nữa.”

Sài nghe qua mừng lắm, bèn vui uống cho đến lúc nến hết, tiệc mới tan, và vợ chồng lại yêu quý nhau như trước.

Hôm sau Kim Thị cho gọi mụ mối đến, giục tìm ngay hộ một cô vợ lẽ rõ trẻ đẹp, nhưng lại xui ngầm mụ mối cứ dùng dằng nói là tìm chưa được, thành ra mất hơn một năm mà việc vẫn không xong. Sài chờ mãi nóng ruột, mới nhờ mọi người họ hàng quen biết tìm hộ, thì được một cô gái con nuôi nhà họ Lâm. Khi Kim Thị thấy Lâm Nữ thì tỏ vẻ vui mừng, liền cho chung ăn chung uống, phấn sáp hoa xuyến cho tha hồ lấy dùng. Nhưng Lâm Nữ người quê đất Yên, không quen may cắt, ngoài việc thêu giầy ra, việc gì cũng phải nhờ người khác. Kim Thị bảo nàng rằng:

“Nhà ta vốn cần kiệm, đâu phải là nhà vương hầu mà lấy em về để làm tranh ngắm?”

Rồi đem gấm vóc ra dạy Lâm Thị may cắt, như thầy nghiêm dạy học trò vậy, trước còn quát mắng, sau dùng roi đánh. Sài đau lòng lắm nhưng không nói vào đâu được. Kim Thị lại càng thân Lâm Nữ hơn trước, thường ngắm vuốt hộ áo quần cho ngay ngắn, hoặc bôi sáp, đánh phấn hộ cho đẹp đẽ hơn. Rồi chỉ vì mũi giầy nàng hơi có vết nhăn, là roi sắt nện vào chân, đầu tóc hơi bù rối là tát vào hai mang tai. Lâm Nữ không chịu nổi, mới nhân lúc vắng người, thắt cổ chết. Sài thấy cảnh chết thê thảm ấy, lòng rất đau thương, tỏ lòng oán trách vợ, thì Kim Thị giận nói:

“Ta thay anh mà dạy cô ta, có tội gì mà anh oán giận ta?”

Bấy giờ Sài mới biết là Kim Thị nham hiểm, giận ghét quá, nên lại hết hẳn tình nghĩa vợ chồng. Sài ngầm làm một phòng rất đẹp ở một nơi nhà khác, định mua một mỹ nhân về ở. Một hôm, nhân đi đưa đám ma một người bạn, Sài trông thấy một cô mười bẩy, mười tám tuổi, mặt mày sáng đẹp thì hoa cả mắt. Sài nhìn mãi mê cả hồn; cô gái lạ thấy vẻ nhìn điên cuồng của chàng, cũng đưa mắt nhìn lại. Sài hỏi bạn mới biết đó là con gái ông họ Thiệu.

Thiệu Ông là ông đồ nhà nghèo, chỉ có một cô gái này; lúc bé rất thông minh, ông giở sách ra dạy, thì chỉ xem qua là biết ngay, thuộc ngay. Cô thích đọc sách thuốc nội khoa và sách xem tướng. Ông bà yêu lắm, có ai đến giạm hỏi, thì cũng cho cô xem mặt mà kén lấy. Nhưng bất cứ giàu nghèo, cô không thuận ai cả, bởi vậy mười bẩy tuổi rồi mà vẫn chưa lấy ai. Sài nghe nói vậy, biết là không thể lấy được, nhưng vẫn cứ canh cánh bên lòng không thể bỏ được. Sau Sài lại nghĩ rằng nhà ông ta nghèo, hoặc giả có thể đem tiền bạc mà động được lòng chăng, mới bàn với mấy người, nhưng không ai dám đến giạm cả, thành ra ngã lòng lắm, hết cả hy vọng. Bỗng một hôm có mụ lái buôn đem các thứ ngọc vào nhà Sài bán. Sài đem lòng ao ước ấy nói với mụ, rồi cho mụ một số tiền to mà nói:

“Chỉ cần mụ đến nói rõ được tấm lòng thành thật của tôi đối với nhà họ Thiệu; còn việc thành hay không thì không dám trách cứ, vạn nhất mà việc có thể thành được, thì xin đem nghìn lạng vàng làm lễ cưới mà không tiếc.”

Mụ lái ham tiền, nhận lời ra đi.

Vào tới nhà họ Thiệu, mụ cố ý nói chuyện đâu đâu, tỏ tình thân mật với Thiệu Bà. Khi trông thấy cô gái, mụ thất kinh khen rằng:

“Cô em thật đẹp tuyệt trần, ví đưa vào cung Chiêu Dương thì những cô gái khác thực không đáng kể!”

Rồi mụ hỏi rể là nhà ai, Thiệu Bà đáp chưa có rể. Mụ nói:

“Cô em đẹp thế sao chả có khách vương hầu đến xin làm rể?”

Thiệu Bà thở dài nói:

“Đâu dám mong vương với hầu! Chỉ cần được con nhà học hành tử tế là tốt lắm rồi; nhưng cái con nhỏ này nó khó tính quá, kén đi kén lại mãi, chẳng thuận ai cả, không hiểu là ý nó muốn thế nào.”

Mụ nói:

“Thưa bà, chớ nên phiền oán cô ấy. Hạng người đẹp như thần tiên thế, chắc là ai kiếp trước có tu được nhiều phúc lắm mới hưởng thụ nổi. Hôm nọ, tôi gặp sự đáng cười quá. Cậu nhà họ Sài đằng kia nói với một người bạn, có thấy mặt cô và muốn xin đem một nghìn lạng vàng để làm lễ cưới, rõ là con hâu đói muốn bắt con thiên nga! Tôi nghe cậu ta nói, đã quở trách ngay.”

Thiệu Bà tủm tỉm cười chưa kịp đáp, thì mụ nói luôn:

“Đối với nhà ta là bực Tú tài, thì tôi không dám kể, chứ ở chỗ khác thì ‘mất một thước, được một trượng’, tôi tưởng cũng được lắm!”

Thiệu Bà lại cười, không nói gì. Mụ vỗ tay nói:

“Quả vậy, thì ra tôi tính cho tôi thiệt quá. Từ khi tôi được bà yêu quý, hễ vào nhà là được bà dắt tay đưa chân mời ngồi và cho ăn uống. Bây giờ nếu ông bà được nghìn lạng vàng, ra thì xe ngựa vào thì lầu gác, tôi có đến thăm thì bị đứa canh cửa nó thét đuổi đi ngay!”

Thiệu Bà ngẫm nghĩ một lát, dậy đi bàn với Thiệu Ông, và gọi con gái đến cùng bàn. Rồi ba người cùng ra, Thiệu Bà cười nói:

“Con bé này lạ quá! Bao nhiêu người tốt đôi phải lứa đến hỏi, nó đều chối cả, mà bây giờ nghe thấy làm lẽ mọn thì lại bằng lòng ngay! Vợ chồng tôi mà gả con như thế, thì e bọn nhà Nho họ cười thì sao?”

Mụ nói:

“Ví như cô ấy về nhà họ Sài mà sinh được cậu con trai, thì bà ngoại nghĩ sao?”

Nói rồi mụ lái kể rằng chàng họ Sài đã làm nhà riêng rất lịch sự cho ở riêng rồi. Thiệu bà yên tâm hơn, mới gọi con ra bảo:

“Con thử ra bàn với bà lái xem sao. Đây là việc trăm năm của con, con phải quyết định lấy, sau khỏi hối hận, oán trách bố mẹ.”

Cô gái chẳng thẹn thùng chút nào và nói ngay:

“Cha mẹ được có tiền của tiêu dùng, yên hưởng tuổi già là bõ công nuôi con rồi. Vả chăng con xem tướng con “bạc mệnh” cho nên lấy chồng xứng đôi tử tế cũng bị giảm thọ, không được hưởng hạnh phúc. Làm thân lẽ mọn tuy có khổ nhục nhưng chưa hẳn là không có phúc. Hôm nọ con thấy chàng họ Sài có phúc tướng, con cháu tất hưng thịnh.”

Mụ lái mừng lắm, chạy về bảo Sài. Sài mừng quá, liền sắp xe ngựa đem nghìn lạng vàng đi đón Thiệu Nữ về nhà riêng; người nhà được dặn giấu kín, không ai dám nói đến.

Thiệu Nữ bảo Sài rằng:

“Mưu của chàng là mưu chim én đắp tổ trên đình màn, được buổi nào hay buổi ấy, không phải là mưu lâu dài. Chàng muốn bịt miệng mọi người để hòng khỏi tiết lộ thì sao được, xin chàng không gì bằng mang em về ngay đi, tai họa xảy ra càng sớm thì càng nhỏ.”

Sài nói:

“Không phải thế đâu! Người ấy dữ tợn lắm, không thể lấy tình lý mà cảm động được nó.”

Nàng nói:

“Thân tôi đã là kiếp lẽ mọn, thì phải chịu đòn nhục; chứ sống ngày nào được ngày ấy ở đây thì làm sao mà dài lâu được?”

Sài cho lời cô là phải, nhưng dùng dằng mãi không dám quyết định, rồi mặc đó.

Một hôm Sài đi vắng, Thiệu Nữ mới sai người dắt một con ngựa già, rồi mặc áo mầu xanh mà cưỡi đi, và mang một bà vú già xách một gói chăn áo đi theo. Đến nơi trước mặt vợ cả, cô phục xuống đất kể rõ truyện mình. Kim Thị lúc mới nghe thì giận lắm, rồi nghĩ nàng đã biết tự thú, thì có thể tha thứ được; sau lại thấy mặt nàng sáng sủa, quần áo và lời lẽ khiêm nhượng, thì tan cơn giận. Rồi sai một con hầu lấy áo gấm ra cho nàng mặc và nói:

“Ta bị chàng bội bạc, bêu cho ta tiếng ác, khiến ta mang tiếng oan. Thật ra tại người đàn ông bất nghĩa, hai đứa kia thì vô hạnh, để ta phải tức giận đó thôi. Mày thử nghĩ nó giấu vợ mà lập gia đình khác, thì có phải là giống người nữa không?”

Cô gái nói:

“Xét kỹ ra thì anh ta nay cũng hơi biết hối rồi, chỉ không chịu nén lòng tự ái xuống đó thôi. Tục ngữ có câu ‘Người trên đâu hèn với người dưới’ lấy lý mà nói: Vợ đối với chồng như con đối với cha, vợ lẽ đối với vợ cả. Nay phu nhân nếu chịu ngọt lời tươi mặt đối với chàng, chắc là bao nỗi chứa chất trong lòng chàng sẽ khuây ngay đi hết.”

Kim Thị nói:

“Anh ta tự nhiên bỏ nhà không về, chứ đâu ta có làm gì?”

Rồi Kim Thị sai người dọn nhà cho Thiệu Nữ ở, dầu lòng chẳng thích, nhưng cũng tạm yên.

Sài nghe thấy Thiệu Nữ về, lo sợ mãi, bụng nghĩ rằng: Dê vào hang cọp chắc là bị khổ cực lắm rồi. Vội vàng chạy về, thấy nhà vẫn im lặng, lòng mới yên. Thiệu Nữ chạy ra cửa đón, và khuyên nên đến gặp mặt vợ cả. Thấy Sài có ý khó chịu không muốn đến, nàng thổn thức khóc Sài mới nghe lời. Thiệu Nữ chạy vào nói với Kim Thị rằng:

“Chàng vừa mới về tới nhà, có ý hổ thẹn, không muốn gặp phu nhân, xin phu nhân đến cười nói với chàng một tiếng cho khuây đi.”

Kim Thị không chịu, Thiệu Nữ nói rằng:

“Thiếp đã nói: Vợ đối với chồng cũng như vợ lẽ đối với vợ cả. Bởi vậy bà Mạnh Quang nâng bát cơm lên ngang lông mày mà dâng cho chồng, mà không ai chê bà là nịnh. Sao vậy? Vì bổn phận vợ phải kính chồng như thế.”

Kim Thị mới theo đi chào chồng và nói:

“Anh là con thỏ đào ba hang, còn về đây làm gì?”

Sài cúi mặt không thèm thưa lại, Thiệu Nữ sẽ thích khủyu tay giục chàng. Chàng miễn cưỡng cười nói mấy câu cho xong lần và vợ cả cũng bớt giận. Lúc Kim Thị trở vào trong nhà, Thiệu Nữ đẩy chàng đi theo, rồi sai người nhà bếp dọn rượu vợ chồng cùng uống. Từ đó vợ chồng lại hòa với nhau.

Thiệu Nữ dậy sớm mặc áo xanh lên hầu. Kim Thị rửa mặt xong lại đưa khăn lau tay, làm đủ lễ con đòi rất kính cẩn. Sài muốn vào buồng nàng mười tối mới được một tối nàng không khổ tâm từ chối. Vợ cả thấy vậy chịu là nàng giỏi, nhưng dần dần hóa ghen là mình kém, rồi ghen quá hóa ghét. Chỉ nỗi nàng hầu hạ kính cẩn, không giở ngón ghen ghét vào đâu được, tuy có lúc hơi kiếm cớ mắng trách nàng, nhưng nàng đều vui vẻ chịu.

Một đêm nọ, vợ chồng hơi to tiếng cãi nhau, Sài dậy, vợ ra rửa mặt chải đầu, vẫn còn đầy vẻ giận. Thiệu Nữ mang cái gương đến, vô ý tuột tay gương vỡ, Kim Thị càng tức giận, vén tóc lên quắt mắt nhìn. Thiệu Nữ sợ lắm, quỳ xuống mãi, xin tha tội, nhưng mụ không nguôi giận, đánh nàng mãi đến mấy mươi roi. Sài không nhịn được, mới chạy sấn vào lôi nàng ra, mụ gầm hét đuổi đánh. Sài cướp lấy roi rồi vụt mãi vào mặt mụ làm sây sát ngang dọc cả mặt mụ mới lui. Vợ chồng từ đó hóa thù nhau. Sài cấm nàng vào phòng hầu mụ, nhưng nàng không nghe, sớm dậy, quỳ gối đi tới trực ở trước màn. Mụ đập giường mắng chửi thét đuổi đi không khiến ở trước mặt; rồi ngày đêm thù ghét chỉ rình Sài đi đâu là đánh nàng báo thù. Sài biết vậy, đóng cửa ở luôn nhà, chẳng thèm thăm viếng ai nữa.

Kim Thị tức giận, mà không biết làm thế nào, chỉ ngày đánh lũ tớ gái để hả giận, chúng nó rất khổ. Từ khi vợ chồng thù ghét nhau, Thiệu Nữ cũng không để Sài ngủ phòng mình nữa. Vợ thấy chồng phải ngủ một mình, bụng cũng hơi yên. Có một đứa thị tỳ đã lớn tuổi, tính giảo quyệt. Một hôm Kim Thị thấy nó nói chuyện với Sài, ngờ là có tư tình, gọi vào đánh rất đau; nó oán giận lắm, ở chỗ vắng nó thường cau mặt rủa thầm. Một tối nọ, đến lượt nó phải vào túc trực phòng Kim Thị, Thiệu Nữ bảo Sài rằng:

“Anh phải cẩn thận, tôi thấy mặt nó lầm lầm đầy sát khí; anh thử gọi nó đến xem.”

Sài nghe lời, gọi nó lại hỏi thẳng ngay rằng:

“Mày định lén lút giết ai đó?”

Con ở giật mình ấp úng nói không ra lời; khám trong áo nó thấy một con dao găm rất sắc. Nó phục xuống đất xin tha chết, Sài toan đánh cho nhừ đòn, nhưng Thiệu Nữ ngăn lại nói:

“Tôi sợ phu nhân biết thì nó khó thoát chết. Tội nó đáng chết thật, nhưng không gì bằng ta cứ lặng lẽ bán nó đi, nó được toàn tính mạng, mà ta thì được tiền.”

Sài cho là phải, liền đem bán nó cho một người đương tìm vợ lẽ. Kim Thị trước còn giận chồng vì bán thị tỳ mà không bảo mình, sau giận lây sang Thiệu Nữ, mắng chửi thậm tệ, Sài nhìn Thiệu Nữ nói:

“Rõ rước họa vào thân! Hôm đó cứ để ta đánh chết nó đi thì hôm nay đâu có cái họa này.”

Nói rồi chạy bỏ đi. Kim Thị không hiểu sao chồng lại nói thế, hỏi lũ tớ gái thì chẳng ai biết, hỏi nàng thì nàng không nói, mụ lại càng giận, túm lấy áo nàng mà quát mắng. Sài mới chạy lại mà kể cho nghe mọi sự. Kim Thị sợ lắm, nhưng lại giận nàng sao không nói ngay. Sài cho rằng thế là tan hết hiềm khích, không đề phòng nữa. Bỗng một hôm chàng đi vắng nơi xa, Kim Thị mới gọi Thiệu Nữ ra kể tội:

“Hầu tớ định giết chủ, tội chết đáng lắm. Sao mày lại nghĩ thế nào mà tha nó?”

Nàng đang sợ cuống quýt chưa kịp phân trần thì mụ đã lấy que sắt nung đỏ sẵn mà đốt mặt nàng, định phá hoại nhan sắc nàng. Lũ gái hầu và vú già đều rất thương tiếc hộ nàng, mỗi tiếng nàng bị bỏng kêu thì cả lũ đều khóc, mà xin chịu chết thay nàng. Kim Thị không đốt nàng nữa, mà lấy dùi nhọn đâm vào sườn nàng đến hơn hai chục mũi mới tha cho đi.

Hôm sau Sài về thấy vết đốt bỏng mặt nàng, thì giận lắm, muốn tìm vợ mà đánh, Thiệu Nữ kéo áo lại mà nói:

“Thiếp vốn đã biết rõ cái lò lửa này, mà vẫn liều thân bước vào. Lúc thiếp lấy chàng, có phải đâu là tham cái thiên đường nhà chàng, chỉ vì thiếp biết số mình bạc mệnh, nên mới lấy chàng làm thân lẽ mọn, cho ông Trời hả bớt lòng ghen ghét thiếp đó thôi. Thà cứ yên phận chịu đau nhục, còn có lúc được mãn hạn chăng? Nếu cứ khêu gợi mãi cái lòng ghen giận của Trời thì có khác gì cái hố sâu kia đã lấp gần bằng rồi lại bới lên không?”

Vết bỏng lấy thuốc bôi được mấy hôm sau thì khỏi. Khi tróc hết vẩy, nàng lấy gương soi, bỗng mừng nói:

“Chàng hôm nay mừng cho thiếp đi! Những vết sắt thui này nó đã đốt hết những vần xấu bạc mệnh của thiếp rồi.”

Khỏi rồi nàng lại lên hầu hạ vợ cả như trước.

Kim Thị bữa trước thấy mọi người đều khóc nàng, biết là mình tàn bạo quá, chẳng ai ưa, đã có lòng hối hận, nay thấy chàng vẫn tử tế với mình, thành có lòng yêu nể nàng, thỉnh thoảng gọi nàng đến bàn việc nhà, lời nói vui hòa. Được hơn một tháng sau, Kim Thị bỗng sinh bịnh ăn uống không được. Sài mong vợ chết đi cho rảnh, nên chẳng hỏi han gì đến. Vài hôm sau nữa, Kim Thị bụng đầy căng lên như trống, ngày đêm đau khổ. Thiệu Nữ vẫn chăm nom, quên ăn quên ngủ, Kim Thị càng cảm ân đức nàng. Nàng đem y lý ra bàn cách chữa bịnh, nhưng Kim Thị ngỡ rằng trước kia mình quá tệ với nàng, hoặc nàng ngầm báo oán mình chăng, nên chỉ cảm ơn nàng chứ không nghe. Kim Thị là người trông nom việc nhà rất nghiêm chỉnh, tôi tớ đều theo khuôn phép. Từ khi mụ ốm, tôi tớ sinh lười biếng. Sài phải ra sức trông nom lấy, tuy nhọc mệt rất khổ, nhưng gạo muối trong nhà cứ không ai ăn mà hết; lúc bấy giờ mới biết công trông nom của vợ, và mới đón thầy chạy thuốc. Kim Thị đối với ai cũng nói là bịnh mình do uất khí nó trướng lên mà sinh ra, nên các thầy lang bắt mạch đều cho là bịnh khí uất, đổi mấy tay thầy mà vẫn không khỏi, càng ngày càng nguy kịch. Một bữa sắp đun thuốc, Thiệu Nữ nói:

“Hạng thuốc ấy, uống trăm thang cũng vô ích, chỉ thêm nặng ra thôi.”

Kim Thị không tin, Thiệu Nữ mới ngầm bốc thuốc khác cho nấu thay. Khi Kim Thị uống xong nước thuốc ấy, chỉ một lúc lâu thì đại tiện tháo ra bịnh khỏi ngay. Mụ càng cười là nàng nói bậy, mới vừa thở vừa gọi nàng bảo:

“Cô Hoa Đà, nay cô bảo sao?”

Nàng và cả lũ đều cười, mụ hỏi cớ sao lại cười. Mọi người mới nói thật việc nàng đổi thuốc cho nghe, mụ bỗng khóc nói:

“Tôi ngày ngày chịu ơn cô như Trời che Đất chở mà không biết. Từ nay về sau bao nhiêu việc nhà tôi xin theo cô mà làm hết.”

Khi Kim Thị khỏi bịnh, Sài đặt tiệc ăn mừng. Thiệu Nữ cầm hồ rượu đứng hầu. Kim Thị đứng dậy dằng lấy hồ rượu, kéo nàng lại ngồi bên cạnh mình, yêu quý lạ thường. Lúc tiệc tan đêm đã khuya, nàng tìm cớ bỏ chiếu tiệc đi ra. Kim Thị sai hai người kéo nàng lại, bắt nằm giường liền bên giường mình. Từ đó việc nhà cùng bàn, bữa cơm cùng ăn, thân quý nhau quá chị em ruột thịt.

Không bao lâu sau đó Thiệu Nữ sinh con trai, đẻ rồi ốm đau mãi. Kim Thị ngày đêm chăm nom hầu hạ như mẹ.

Sau Kim Thị lại mắc bịnh tim, khi cơn đau nổi lên thì mặt mày xanh xám, chỉ những muốn chết. Thiệu Nữ vội chạy ra chợ mua mấy cái kim bạc, khi về thì Kim Thị gần tắt hơi, nàng tìm huyệt mà châm trích thì hồi tỉnh và khỏi đau ngay. Mười ngày sau bịnh lại phát, nàng lại châm trích cho và lại khỏi. Sau, bẩy hôm sau nữa bịnh lại phát, tuy Kim được nàng châm trích cho lại khỏi ngay, không phải chịu khổ đau lâu, nhưng bụng lúc nào cũng nơm nớp sợ bịnh tái phát. Một đêm nọ, Kim Thị nằm mơ thấy mình vào một nơi đền thiêng, quỷ thần trên điện đều cử động được. Thần hỏi:

“Mày có phải là con Kim Thị không? Mày nhiều tội lắm, đáng lẽ hết thọ số rồi, nhưng thấy mày đã biết hối lỗi nên còn để cho sống, mà chỉ giáng tai họa để trừng trị cho biết. Trước kia mày giết hai đứa, là báo oán kiếp trước, ta tha cho. Còn như con họ Thiệu, nó có tội gì mà cũng đánh nó đau thảm đến thế; cái tội ấy đã có chồng mày trừng trị, ta cũng tạm tha cho. Chỉ còn cái thiêu người bằng sắt nung đỏ, và 23 mũi dùi đâm vào sườn nó, nay nó mới đâm lại 3 mũi, còn thiếu hai chục mũi nữa, mong khỏi bịnh ngay sao được?”

Kim Thị tỉnh dậy sợ lắm, nhưng mong là một cuộc mơ xấu đó thôi. Bỗng khi ăn cơm xong, quả nhiên thấy bịnh lại phát, đau đớn bội phần. Thiệu Nữ lại châm trích cho, buông tay là Kim Thị khỏi liền. Rồi nàng ngẫm nghĩ nói:

“Nếu chỉ châm trích xoàng như thế mãi, thì không sao khỏi hẳn được. Bịnh này phải thiêu đốt cho sâu thì mới trừ được bịnh căn. Chỉ sợ phu nhân không chịu nổi sự đau bỏng thôi.”

Kim Thị nghĩ đến lời trong mộng, nên đành cố chịu ngay. Khi rền rỉ chịu đau, nghĩ thầm còn thiếu 19 mũi dùi đâm nữa, chẳng biết rồi sau sẽ biến chứng ra sao, chi bằng chịu đau luôn một lúc cho xong, cho sau hết khổ. Khi cuộc thiêu đốt đau đớn xong rồi, mới xin Thiệu Nữ châm trích nữa, nàng cười nói việc châm trích đâu có làm quá được. Kim Thị nói:

“Chẳng can gì phải huyệt nào cả, chỉ phiền cô châm cho tôi đủ 20 mũi là được!”

Thiệu Nữ cười to nói:

“Đâu thế được!”

Kim Thị cố nài mãi không được, mới quỳ ở chân giường mà xin, nhưng nàng nhất định không nghe; sau Kim Thị phải kể rõ lời Thần báo mộng, nàng mới dò xét các kinh mạch mà châm cho đủ số. Từ đó bịnh khỏi hẳn, và Kim Thị sám hối, chừa hết thói ác độc với mọi người trên dưới.

Thằng bé con Thiệu Nữ đặt tên là Nhật Tuấn, thông minh rất mực, nàng thường ngắm con nói:

“Thằng bé này tướng tốt lắm, sẽ là tay Hàn Uyển của Triều đình sau này.”

Năm 8 tuổi, Nhật Tuấn nổi tiếng là thần đồng; năm 15 tuổi đỗ Tiến sĩ, được vào Hàn Lâm Viện. Lúc đó Sài mới 40 tuổi, Thiệu Nữ mới 33 tuổi, khi ngựa xe về thăm quê ngoại, làng xóm cho là vẻ vang lắm.

Thiệu Ông từ lúc bán con, nhà được giầu có nhưng bạn làng Nho đều khinh bỉ, không ai thèm chơi với. Đến khi đó mọi người mới lại đi lại như xưa.

Truyện Thiệu Nữ này có nhiều chỗ giống Truyện Kiều. Thiệu Nữ cũng liếc mắt xem tướng biết Sài tướng có con hay. Thiệu Nữ cũng biết không thể dấu mãi được việc Sài lấy mình làm lẽ, và khuyên Sài sinh nên về nói thật với vợ cả ngay để sau này khỏi sinh tai vạ, cũng như Kiều khuyên Thúc sinh về nói việc lấy mình với Hoạn Thư: “Dễ mà bọc rẻ giấu kim / Lại mang lấy việc tầy trời về sau.” Thiệu Nữ cũng khuyên cha bán mình cho Sài sinh, như Kiều khuyên cha bán mình cho Mã giám sinh, chỉ khác Thiệu Ông bán con lúc vô sự thì được nghìn vàng nuôi tuổi già; Vương Ông bán con lúc tại nạn để lấy tiền chuộc tội. Thiệu Nữ cũng hầu hạ vợ cả rất cẩn thận lễ phép như Kiều hầu hạ Hoạn Thư: “Sớm khuya khăn mặt lược đầu / Phận con hầu giữ con hầu dám sai.”

Xét ra hai truyện, có nhiều chỗ giống nhau như thế, nên tôi dám chắc rằng lúc tác giả Nguyễn Du viết Truyện Kiều cũng có nghĩ đến Truyện Thiệu Nữ, mà kể Kiều thì trái lại muốn tránh số bạc mệnh, trước thì muốn lấy Kim Trọng, sau lại lấy Thúc Sinh, lấy Từ Hải, càng ngày tai vạ càng sâu, thật là “Ma đưa lối quỉ dẫn đường / Lại tìm những chốn đoạn trường mà đi.”

 

 

PHỤ LỤC II

MẤY VIỆC XẢY RA SAU KHI

TRUYỆN KIỀU ĐƯỢC XUẤT BẢN

Cụ Cử Đảng, sau khi kể vì sao mà ông Nguyễn Du làm Truyện Kiều rồi, lại kể luôn cho học trò nghe thêm hai việc có liên hệ đến Truyện Kiều sau khi truyện này được thịnh hành, như sau:

VIỆC TRUYỆN KIỀU BỊ ĐỀ THƠ CHỈ TRÍCH

Khi Truyện Kiều xuất bản rồi và được mọi người thán phục đua nhau mua đọc, có một người học trò cụ Hoa Đường lại chê đó là một quyển truyện phong tình không nên đọc. Anh ta mua một cuốn và đề một câu ở ngoài bìa sách rằng: (何 曾 造 物 妬 紅 顔) = Hà tằng tạo vật đố hồng nhan? = Nào có bao giờ ông Trời ghen với khách má hồng đâu?

Cụ Hoa Đường thấy anh này ngu gàn, ngông hỗn, mới đánh cho mấy chục roi đòn và xóa tên trong sổ cập môn, không nhận làm học trò cụ nữa. Bài thơ này nhiều cụ đồ Nho hạt Bắc Ninh biết. Có hôm một cụ đọc cho tôi nghe, tôi hỏi cụ có biết ai làm không và làm hồi nào, các cụ đều không biết.

VIỆC MỘT VĂN SĨ TÀU LÀM ĐIỀU BẤT CHÍNH

Cụ Cử Đảng còn nhân tiện nói luôn cho học trò biết: Một văn sĩ Tàu ở nước Nam đã lâu thông thạo cả chữ nôm, thấy Truyện Kiều còn hay hơn cả các truyện nổi tiếng của Tàu, mới theo khuôn mẫu Truyện Kiều và lấy thêm nhiều chi tiết ở cuốn Phong Tình Lục (風 情 録) viết ra cuốn Thanh Tâm Tài Nhân (青 心 才 人) rồi phao tiếng lên rằng ông Nguyễn Du đã theo cuốn Thanh Tâm Tài Nhân mà diễn ra Truyện Kiều. Nhà văn sĩ Tàu làm chuyện giả mạo này, một là để tỏ ra rằng Truyện Kiều hay thế là vì dịch ở một truyện Tảu ra thôi chứ chẳng lạ gì, hai là để cuốn Thanh Tâm Tài Nhân ông ta viết được theo ảnh hưởng Truyện Kiều mà cùng lưu hành rộng rãi bất tử.

Vào khoảng năm 1920-22 gì đó, tôi đọc báo Trung Bắc Tân Văn có thấy đăng một bài khảo cứu về Truyện Kiều của một vị mà rất tiếc tôi quên mất tên. Bài khảo cứu đó nói ra là vì bên Tàu trước kia đã có một cuốn truyện tên là Đoạn Trường Thanh (断 肠 声) (Tiếng Kêu Đứt Ruột) chép những truyện thê thảm trên đời, trong đó có truyện con vượn mẹ thấy con bị bắn chết, chạy đến ôm con thương quá, kêu lên một tiếng thảm thê rồi lăn ra chết; người đi săn mổ nó ra thấy ruột nó đứt vì tiếng kêu đau thương ấy. Bởi đã có cuốn tên là Đoạn Trường Thanh đó rồi, nên ông Nguyễn Du mới đặt tên cuốn truyện ông diễn là Đoạn Trường Tân Thanh (断 肠 新声)  (Tiếng Kêu Đứt Ruột Mới). Bài khảo cứu đó cũng nói đích xác là cuốn Thanh Tâm Tài Nhân không phải là quyển Phong Tình Lục mà ông Nguyễn Du đã dùng làm căn cứ để viết Truyện Kiều, mà trái lại cuốn Thanh Tâm Tài Nhân lại là một cuốn truyện do một văn sĩ Tàu lấy những chi tiết hay ở Truyện Kiều thêm vào những chi tiết tầm thường ở cuốn Phong Tình Lục mà ông Du đã loại bỏ, để viết thành truyện, rồi mang về Tàu in và mang sang Nam phát hành, nói lừa người Nam ta rằng cuốn đó tức là Phong Tình Lục (風 情 録) tức là nguồn gốc Truyện Kiều, để cuốn đó được lưu hành mạnh cùng với Kim Vân Kiều.

Lời bài khảo cứu về Truyện Kiều đăng trên báo Trung Bắc Tân Văn này nói đại khái như vậy, tôi thấy phù hợp với lời cụ Cử Đảng kể với học trò ở trên, nên tôi nhớ mãi. Vậy tôi xin cũng ghi vào đây để ta cùng suy xét cho khỏi bị nhà văn Tàu đó lừa gạt mà tưởng lầm là Truyện Kiều dịch ở cuốn Thanh Tâm Tài Nhân ra.

Nay chúng ta cứ đem so sánh mấy câu kể dưới đây, vị văn sĩ Tầu đó không hiểu thật tiếng Việt Nam mà dịch sai ý nghĩa thành ra lệch lạc mất hay, thì chúng ta biết rõ ngay là Thanh Tâm Tài Nhân là tác phẩm dịch ở Truyện Kiều ra.

• Những câu Kiều bảo Vương Bà nói nàng quan sát Mã Giám Sinh biết nó chỉ là thằng con buôn bịp bợm.

Câu “Khi ăn, khi nói lỡ làng…” nghĩa là xem cách ăn nói của nó tuy làm ra bộ dạng thanh lịch cao quý lắm, nhưng hay lố lăng quen miệng, thốt ra những câu dung tục, giả sang lừa bịp. Thế mà trong cuốn Thanh Tâm Tài Nhân lại dịch ra câu chữ Hán nghĩa là: “Nghe hắn nói với con chẳng ra cung cách gì, lúc thì gọi con là nàng, lúc thì lỡ miệng gọi con là mày.” Dịch lầm thành ra vô nghĩa ở chỗ, nó đã mua được mình thì nó muốn gọi là gì chả được. Sao lại bảo là nó “ăn nói lỡ làng”?

Câu “Khi thầy khi tớ xem thường xem khinh” nghĩa là “Con thấy nhiều lúc lũ hầu tớ hắn ra vẻ khinh thường hắn lắm, thì biết hắn chẳng có giá trị gì cao quý hơn lũ hầu tớ, nên lũ nó khinh rẻ hắn như vậy.” Nghĩa câu này đúng là phải như thế, mới đúng ý nghĩa liên tiếp với câu “Khác màu kẻ quý người thanh” ở dưới. Thế mà ở trong cuốn Thanh Tâm Tài Nhân, ông văn sĩ Tàu này lại hiểu lầm mà dịch ra câu chữ Hán đó là “Lũ hầu tớ nó coi thường coi khinh con lắm!” Dịch thế thật lầm quá lắm. Một là lầm ở chỗ lũ hầu tớ coi thường coi khinh nàng, thì đâu có can hệ gì đến Mã Giám Sinh, mà nàng cũng đoán biết Mã là con buôn, phê phán Mã là không thanh không quý. Hai là lầm ý nghĩa của câu, thành ra ý nghĩa của câu này chẳng liên quan gì với hai câu nàng phê phán Mã ở dưới là: “Khác màu kẻ quý người thanh / Ngắm ra cho kỹ, như hình con buôn.”

• Câu Tú Bà quở Kiều khi nàng có ý phát khùng chống lại lời mụ nói “Nghề chơi cũng lắm công phu”:

“Quở rằng: Ai cũng như ai / Người ta ai mất tiền hoài đến đây!”

Chính nghĩa hai chữ “ai” ở câu 6 chữ trên, là “người khách nọ, người khách kia” và chính nghĩa cả hai câu lục bát này là “Nếu mày tiếp đãi người khách nào cũng chỉ có một cách như nhau vậy thôi, thì ai người ta chịu uổng phí tiền của mà vào nhà này? Mày phải học cho biết đủ cách để tùy ý, tùy sức của từng người mà chiều tiếp cho vừa lòng khách mới được.” Rồi mụ kể cho nàng phải học 7 “chữ” (tức là 7 thuật) để quyến rũ khách ở bên ngoài và 8 “nghề” để chiều tiếp khách ở bên trong.

Thế mà trong cuốn Thanh Tâm Tài Nhân, ông văn sĩ Tàu lại hiểu lầm hai chữ “ai” ở câu 6 chữ đó là: “chữ ai trên là gái thanh lâu, chữ ai dưới là vợ khách” và dịch hai câu lục bát này thành hai câu chữ Hán nghĩa là: “Nếu người ta đến với mày cũng chỉ như đến với vợ cả, vợ lẽ người ta, thì người ta ai lại chịu phí tiền của đến đây?”

Vì không hiểu nghĩa hai chữ “ai” đó, mà nhà văn Tàu này dịch câu 6 chữ này ra câu chữ Hán ý nghĩa thật vu vơ quá lắm, chẳng ăn ý chút nào với mấy câu mụ kể “7 chữ, 8 nghề” để dạy Kiều học.

• Câu Kiều thưa lại Từ Hải, khi Từ khen nàng là biết khinh thường, không thèm để ý đến những phường cá chậu chim lồng: “ Thưa rằng Người dậy quá lời / Thân này còn dám coi ai là thường.”

Chữ “Người” ở câu trên này là tiếng Kiều gọi Từ Hải để tỏ lòng tôn kính hết sức. Tiếng Nam ta gọi ai là “Ngài” đã là tôn kính lắm, đây Kiều gọi Từ là “Người” lại còn tôn kính hơn một bực, coi Từ như ông Thần, ông Thánh. Các cô gái hồng lâu, thanh lâu vẫn dùng chữ “Người” để gọi khách cao sang nhất hạng. Tác giả Truyện Kiều đặt chữ “Người” vào câu Kiều nói với Từ Hải này thật là đúng chỗ, thật là hay: “Thưa Người! Lời Người dậy đó thật quá lắm! Thân phận tôi đây còn dám coi ai là thường nữa?”

Hai câu lục bát này thật đắc thể, tự nhiên, và rất hay. Thế mà nhà văn Tàu này không hiểu chữ “Người” của tiếng Việt có ý nghĩa như vậy, lại hiểu lầm như nghĩa thường là “người ta” mới dịch lầm hai câu Kiều này ra hai câu chữ Hán ở cuốn Thanh Tâm Tài Nhân là (是 人 言 之 過 也) (Thị nhân ngôn chi quá dã) nghĩa là: Đó là lời người ta nói quá ra như vậy…”

Vì không hiểu thật tiếng “Người” của ta, mà ông văn sĩ Tàu này đã dịch câu Truyện Kiều này một cách sai lầm lệch lạc mất hết ý nghĩa hay đúng, ra chữ Hán, lại vừa tỏ ra rằng chính ông đã dịch Truyện Kiều ra cuốn Thanh Tâm Tài Nhân của ông.

Ty cuốrên đây tôi chỉ nêu ra mấy câu để chứng tỏ rõ ràng đích xác là cuốn Thanh Tâm Tài Nhân dịch ở truyện Kiều ra. Thật ra còn rất nhiều câu dịch sai lệch lạc vạch rõ cho ta biết sự man nuội của nhà văn sĩ Tàu đã dám cả gan phao tiếng lên rằng Truyện Kiều là tác phẩm dịch ở Thanh Tâm Tài Nhân để lừa bịp người Nam ta mà cầu lợi bán chạy sách giả mạo này, và để hạ giá quyển truyện rất hay Kim Vân Kiều xuống dưới nền văn chương Tàu.

Tôi rất lấy làm lạ rằng sao lắm vị văn sĩ ta không chịu so sánh suy nghĩ, đã bị lừa, lầm tin là Truyện Kiều là ông Nguyễn Du đã dịch ở Thanh Tâm Tài Nhân ra thật, mà khi chú thích Truyện Kiều lại lấy cuốn dịch giả mạo này làm căn cứ, vì các ông cũng nhẹ dạ tin rằng cuốn Thanh Tâm Tài Nhân tức là Phong Tình Lục (風 情 録). Điều lạ hơn nữa là có ông lại khen cụ Nguyễn Du là thật tài tình khi diễn Thanh Tâm Tài Nhân ra Truyện Kiều đã khéo sửa lại nhiều chỗ ở Thanh Tâm Tài Nhân cho ý nghĩa thâm thúy hay hơn. Ôi! Tại sao ông không suy nghĩ rằng lắm câu ở trong Truyện Kiều thì rất hay, ý nghĩa thâm thúy, tình lý thiết thực, lời lẽ trôi chảy; lại đúng vào chỗ những câu ở trong Thanh Tâm Tài Nhân rất dở, ý nghĩa tầm thường, tình lý vu vơ, lời lẽ lủng củng như vậy? Rõ ràng là bởi người văn sĩ Tàu không hiểu thật tiếng Nam, nên dịch sai những câu hay ở truyện Kiều thành những câu dở ở Thanh Tâm Tài Nhân đó thôi!

Thật đáng trách những ông văn sĩ Nam ta không biết suy nghĩ lại dám cả gan khen cụ Nguyễn Du một cách hỗn xược vô ý như vậy, thật có tội với cụ.

Tôi vẫn rất lấy làm lạ rằng Truyện Kiều hay hơn Thanh Tâm Tài Nhân nhiều, và các văn sĩ Việt Nam hẳn ai cũng biết. Thế mà sao nhiều ông vẫn yên chí tin là Truyện Kiều dịch ở Thanh Tâm Tài Nhân ra; thậm chí có mấy ông văn sĩ Việt xuất bản Truyện Kiều, cậy mình đã đọc Thanh Tâm Tài Nhân, đã đổi mấy câu trong Truyện Kiều cho đang hay hóa dở, để đúng ý nghĩa với cuốn Thanh Tâm Tài Nhân mà các ông gọi là “bản Kiều chữ” hay là “chính bản của Truyện Kiều.”

Dưới đây xin nêu một câu làm tỉ dụ.

Đó là câu tả cách Kiều trao quạt cho Kim Trọng:

Ở Thanh Tâm Tài Nhân là:

(翘 以 手 中 金 扇 袖 内 錦 帨 答 之) (Kiều dĩ thủ trung kim phiến tụ nội cẩm thuế đáp chi) = Lấy cái quạt vàng ở trong tay, và cái khăn gấm ở trong ống tay áo mà đáp lại chàng.

Ở Truyện Kiều nguyên là:

“Sẵn tay bả quạt hoa quỳ / Với cành thoa ấy tức thì đổi trao.”

Ở các bản Kiều đổi cho đúng với cuốn Thanh Tâm Tài Nhân là:

  1. “Sẵn tay khăn gấm quạt quỳ / Với cành thoa ấy tức thì đổi trao” hoặc
  2. “Khăn tay gấm, quạt hoa quỳ / Với cành thoa ấy tức thì đổi trao.”

Trước hết hãy xin kể rõ những chữ tác giả lựa chọn để đặt thành câu sáu chữ nguyên văn trên, có những ý nghĩa thiết thực, xác đáng và thâm thúy thế nào:

Chữ “sẵn tay” nghĩa là Kiều đã cầm sẵn từ trước ở tay, tỏ ý rằng Kiều chắc là thế nào sáng sớm nay nàng ra tìm cành thoa, sẽ gặp Kim Trọng đem trả, nên nàng đem sẵn chiếc quạt ra để tặng chàng.

Chữ “bả (把)” nghĩa là hai tay bưng một vật gì nâng cao lên ngang mặt mà dâng biếu ai một cách rất cung kính để tỏ lòng quý mến.

Chữ “quạt hoa quỳ” nghĩa là chiếc quạt giấy trắng tinh nàng có vẽ một đóa hoa quỳ đỏ đẹp để ngụ ý tỏ lòng nàng có khuynh hướng về chàng cũng như hoa quỳ hướng về mặt trời.

Nghĩa cả hai câu nguyên văn lục bát này là:

“Kiều lấy chiếc quạt có vẽ đóa hoa quỳ nàng cầm sẵn ở tay và chiếc thoa chàng vừa mới trả nàng, mà đặt vào hai bàn tay kính cẩn nâng cao lên mà dâng trao tặng chàng để đổi lấy đôi xuyến vàng chàng tặng.”

Tác giả thật có thiên tài kén chữ đặt câu, chỉ một câu văn gọn có 6 chữ trên này mà tả được rõ ràng đầy đủ hình dáng và tâm tình Kiều kính trọng hâm mộ chàng Kim thật là rất mực.

Ta so sánh câu nguyên văn Kiều này với câu trong Thanh Tâm Tài Nhân viết “Kiều lấy quạt vàng trong tay và khăn gấm trong ống tay áo đáp lại chàng” thì hay dở khác nhau nhiều quá. Quạt vàng khăn tay gấm, chỉ khoe vàng, khoe gấm làm sang, chứ đâu tả được tình tứ thâm thúy như quạt hoa quỳ, lại cách đổi trao chỉ nói đơn sơ bằng chữ “đáp chi (答 之) = đáp lại đó” so sánh sao được với chữ “bả (把) = đưa tặng một cách kính cẩn.”

Câu này ở trong Truyện Kiều trước thì hay như thế, còn ở trong Thanh Tâm Tài Nhân thì dở hơn như thế, mà sao mấy ông văn sĩ Việt Nam lại không suy nghĩ dám đổi câu Truyện Kiều cho hợp ý với câu vô vị ở cuốn Phong Tình Lục giả mạo sau này, để cho câu Kiều này đương hay hóa dở.

Tôi xét trong câu nguyên văn 6 chữ này ở Truyện Kiều có chữ “bả” thì tả hình dáng lễ độ thân quý của Kiều đối với Kim Trọng khi trao quạt và cành thoa cho chàng. Chữ “hoa quỳ” thì tả lòng Kiều tỏ ý rất ngưỡng mộ, khuynh hướng về chàng.

Chữ “bả” rất hay thế mà Thanh Tâm Tài Nhân cùng hai văn sĩ ta sửa đổi đều không hiểu mà bỏ rơi cả.

Chữ “quạt hoa quỳ” thì Thanh Tâm Tài Nhân đổi là (金 扇) (kim phiến). Kim phiến có hai nghĩa, một nghĩa là quạt bằng vàng, và một nghĩa là quạt trắng. Quạt bằng vàng thì quý nhưng vô lý, vì bằng vàng thì quạt sao được, còn quạt trắng thì tuy tỏ ý được lòng trinh bạch nhưng vẫn thiếu ý khuynh mộ.

Chữ (錦 帨) (cẩm thuế) là khăn vuông đội đầu bằng gấm, thì chỉ có ở trong Thanh Tâm Tài Nhân thôi, chứ không thấy nói đến ở chỗ nào trong Truyện Kiều. Ta chớ lầm tưởng đây là cái khăn hồng nói ở trong câu “Giở kim thoa với khăn hồng trao tay”, vì trong Thanh Tâm Tài Nhân nói là “Nàng lấy khăn gấm ở trong ống tay áo ra” kia mà!

Bây giờ xét đến hai câu (a) và (b) của mấy ông văn sĩ đã đổi lại để xuất bản truyện Kiều.

Trong cả hai câu, mấy ông văn sĩ xuất bản đều bỏ mất chữ “bả” thành ra mất hẳn ý hay tả dáng điệu cung kính của Kiều khi đưa tặng quạt và thoa cho Kim Trọng. Đó là một điều đáng tiếc, đổi hay ra dở.

Cả hai câu đều khư khư giữ lấy ý chữ “cẩm thuế” vu vơ vô vị của cuốn Thanh Tâm Tài Nhân. Trong câu (b), nhà văn sĩ lại còn diễn lầm chữ cẩm thuế ra là “khăn tay gấm.” Cẩm thuế chính nghĩa là cái khăn vuông bằng gấm để đội bịt trán, chớ không phải là cái “khăn tay” để lau tay hay rửa mặt, gấm đâu phải là thứ vải thường để làm khăn lau tay.

Trong câu (a), nhà xuất bản lại dổi chữ “quạt hoa quỳ” ra làm “quạt quỳ”, đó là một điều lầm lỗi quá to. Quạt hoa quỳ là một cái quạt trắng đẹp có vẽ một đóa hoa quỳ tươi đỏ, ngụ ý hướng mộ nhau một cách trong trắng chân thành, để tặng nhau làm kỷ niệm. Còn “quạt quỳ” chứ Hán là (䈬 葵 扇) bồ quỳ phiến, chỉ là một thứ quạt rất tầm thường, làm bằng tầu lá cây bồ quỳ (cây gồi), cắt bỏ những tua lá chung quanh đi cho thành hình tròn gọn mà cầm làm quạt. Khi nào Kiều lại tặng Kim cái quạt đó! Nghĩ thật đáng buồn cho sự sửa đổi vô ý thức này.

Nhân tiện tôi kể thêm một câu nữa ở trong Truyện Kiều rất hay, rất ý nhị, mà nhà văn sĩ Tàu nọ cùng mấy ông văn sĩ Việt xuất bản và chú thích Truyện Kiều đều không hiểu lại tỏ lời chỉ trích, đó là câu thứ 377 trong truyện:

“Thì trân thức thức sẵn bày / Gót tiên thoăn thoắt dạo ngay mé tường.”

Câu này tả cảnh sáng hôm cả nhà đi ngoại gia mừng tiệc thọ, giao cho Kiều trông nhà một mình. Kiều được dịp tốt vắng rảnh, quyết sang hội ngộ với Kim Trọng. Trước khi đi, nàng phòng bị giữ gìn mọi lẽ rất chu đáo cẩn thận. Nàng bầy sẵn một bàn quả bánh nhiều thứ thì trân để phòng khi đón cha mẹ và các em về, ai thấy bàn quả bánh này cũng yên chí rằng nàng vẫn luôn luôn ở nhà dọn dẹp, và bày biện mọi thứ để chờ đợi đón cha mẹ về ăn. Bầy bàn quà đó xong, nàng dọn dẹp cửa nhà gọn ghẽ, rồi vội vàng đi thoăn thoắt ra mé tường sẽ đắng tiếng gọi chàng.

Câu “Thì trân thức thức sẵn bày” này rất cần để tả ý tứ đề phòng cẩn mật của Kiều trước khi sang với Kim Trọng. Câu này rất khẩn thiết ở chỗ này như thế, mà ông Nguyễn Khắc Hiếu thì chê tác giả đặt câu này ở đó, rồi sau quên không nói là bày để làm gì. Ông Lê Mạnh Liêu thì bảo tác giả đặt câu này thật vu vơ vô vị, chỉ cốt đặt cho đủ câu đủ vần, thật đáng bỏ đi. Ông Trần Trọng Kim thì đồng ý với nhà văn sĩ Tàu, nên có nhắc lại lời phê bình về câu này trong cuốn Thanh Tâm Tài Nhân như sau:

“Kiều làm đồ uống rượu để đem sang nhà Kim Trọng, vì tục bên Tàu cuộc vui phải có ăn uống. Bởi vậy khi gặp Kim Trọng và đã tìm được lối đi sang, Kiều chạy trở về bưng đồ rượu sang nhà Kim Trọng. Nhưng chỗ này tác giả chỉ nói có một câu, rồi sau không nhắc lại nữa, cho nên thành ra tối nghĩa, độc giả không biết là Kiều đã bầy những đồ thì trân ra để làm gì?”

Nhà văn sĩ Tàu không hiểu ý câu Kiều này, khi viết tiểu thuyết, lại giảng giải như vậy thật là dở quá, vô lý quá, vì nhà Kim Trọng thiếu gì đồ nhắm rượu, cần gì Kiều phải đem sang. Nếu muốn đem sang thì cần gì phải bày sẵn từng thứ ở nhà để đem sang cho thêm khó, bưng cả mâm quả bánh qua sao lọt chỗ mới vạch ở hàng rào ra? Cứ một mình sang lén với chàng còn sợ lộ truyện, sao còn dám nhắm rượu với nhau? Khi cha mẹ về hỏi các thứ thì trân đâu cả, và sao mặt nàng lại có vẻ say rượu thế, thì nàng nói sao?  Giảng giải một cách quá vô ý thức như vậy, mà sao ông Trần Trọng Kim cũng cho là phải, mà dẫn vào quyển truyện Thúy Kiều do ông xuất bản?

Đọc lời phê bình ở trong cuốn tiểu thuyết Tàu này, chúng ta lại được hiểu thêm một lần nữa rằng cuốn tiểu thuyết Thanh Tâm Tài Nhân đích xác là dịch ở truyện Kim Vân Kiều ra.

Hai phụ lục trên này tóm tắt lại cho ta biết mấy điều sau đây:

• Truyện Kiều đích xác Nguyễn Du Tiên sinh lấy quyển Phong Tình Lục (風 情 録) làm căn cứ, rồi thêm những chi tiết quan trọng vào, đồng thời bỏ bớt những chi tiết tầm thường trong nguyên văn, mà diễn ra văn vần thành cuốn truyện hay vô giá, để ký thác tâm sự đau thương của Tiên sinh vào đó cho thiên hạ và đời sau biết mãi.

• Một văn sĩ Tàu thấy Truyện Kiều hay quá được lưu hành rộng, mới dịch sang Hán văn và lấy những chi tiết mà cụ Tiên Điền đã loại bỏ trong Phong Tình Lục, thêm vào mà viết ra cuốn Thanh Tâm Tài Nhân, rồi nói vu lên rằng Truyện Kiều dịch ở Thanh Tâm Tài Nhân ra để hạ giá Truyện Kiều xuống và để bán cuốn Thanh Tâm Tài Nhân cho đắt hàng cầu lợi.

• Ta chớ tưởng lầm cuốn Thanh Tâm Tài Nhân tức là cuốn Phong Tình Lục, vì Phong Tình Lục đã bị nhà văn sĩ Tàu nọ tìm cách tiêu diệt đi cho khỏi lộ sự giả mạo của Thanh Tâm Tài Nhân.

• Các nhà xuất bản Truyện Kiều thường lấy Thanh Tâm Tài Nhân làm căn cứ mà sửa đổi hoặc chú giải Truyện Kiều, thật là một sự vô ý thức, đã làm tổn thương mất ít nhiều giá trị vô song của Truyện Kiều. Đó là một sự rất đáng chê trách, có tội với nền văn chương Việt Nam ta, nhất là có tội với tác giả Nguyễn Du.

[ĐÀM DUY TẠO]