MÙA THU HÀ NỘI

Nguyễn Văn Ngưu

Tôi đến thăm Hà Nội lần đầu tiên vào tháng 10 năm 1996 qua chuyến công tác để đánh giá ngành sản xuất lúa ở Việt Nam theo yêu cầu của văn phòng của Tổ Chức Nông Lương Liên Hiệp Quốc Á Châu ở Bangkok, Thailand (Regional Office of FAO in Bangkok, Thailand). Trong hai tuần lễ đầu tiên sau khi đến Hà Nội, tôi làm việc với các chuyên viên của bộ Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn nằm ở số 2, Ngọc Hà, Ba Đình, Hà Nội và đi thăm viếng và quan sát công việc sản xuất lúa gạo của nông dân ở Hà Nội và đồng bằng sông Hồng ở miền Bắc. Vào tuần thứ ba của chuyến công tác, tôi đi thăm viếng và quan sát công việc sản xuất lúa gạo của nông dân ở miền Trung (Thừa Thiên-Huế) và ở miền Nam (Cần Thơ). Từ Cần Thơ tôi bay trở về Hà Nội để làm việc thêm một tuần lễ trước khi đi về Bangkok và Rome. Sau chuyến công tác này, tôi còn đến Hà Nội thêm ba lần nữa khi đi công tác vào đầu tháng 10 năm 1999, vào cuối tháng 9 năm 2008, và vào giữa tháng 2 năm 2009. Qua các chuyên công tác này tôi có dịp thưởng thức những nét đẹp đặc biệt của mùa thu ở Hà Nội.

HÀ NỘI VÀO THU

Hà Nội nằm chếch về phía tây bắc của trung tâm vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng, tiếp giáp với các tỉnh Thái NguyênVĩnh Phúc ở phía Bắc,  NamHòa Bình phía Nam, Bắc GiangBắc Ninh và Hưng Yên phía Đông, Hòa Bình cùng Phú Thọ phía Tây. Khí hậu Hà Nội mang những đặc điểm đặc trưng của nền khí hậu nhiệt đới gió mùa. Bên cạnh đó, khí hậu Hà Nội còn có ít sắc thái của khí hậu vùng cận nhiệt đới ẩm. Một năm khí hậu Hà Nội có thể phân thành bốn mùa: mùa xuân, mùa hạ, mùa thu và mùa đông.

Khi vào thu Hà Nội có những cơn gió heo may mơn man cây cỏ, với chút nắng vàng rải khắp phố phường. Mùa thu kéo dài từ đầu tháng chín đến tháng mười một, mang theo những cơn gió heo may se se lạnh.  Ánh nắng chan hòa của buổi sớm mai đẹp đến mơ màng, nhuộm một màu tươi mới lên nét cổ kính, dịu dàng vốn có của đất Thủ đô. Ánh nắng vàng ruộm của mùa thu Hà Nội cũng dễ làm xao xuyến lòng người.

Thu về Hà Nội thay áo mới, sắc lá vàng bay mang đến cái nhìn thật lãng mạn, mơn man khi qua từng con phố; đặc biệt dưới những tán cây ở đường Kim Mã, Nguyễn Tri Phương, Hoàng Hoa Thám, Phan Đình Phùng, Trần Phú… Trong bài hát “Có Phải Em Là Mùa Thu Hà Nội?” mà nhạc sĩ Trần Quang Lộc phổ nhạc từ bài thơ của nhà thơ Tô Như Châu có những dòng sau:

Tháng Tám mùa thu, lá khởi vàng chưa nhĩ?

Từ độ người đi, thương nhớ âm thầm

Có phải em là mùa thu Hà Nội?

Tuổi phong sương, ta cũng gắng đi tìm

Có phải em, mùa thu xưa?

Điều khiến cho mùa thu Hà Nội trở nên đặc biệt, chính là vì cái không khí dần trở nên mát mẻ sau một mùa hè oi, là nét lãng mạn cũng tự dưng dâng lên nhiều hơn trong từng ngõ ngách, và quan trọng nhất là Hà Nội vào mùa lá vàng cho người ta rất nhiều cảm xúc cũng như vấn vương.  Không gian như bình yên, nhẹ nhàng hơn vào mùa thu Hà Nội.

NHỮNG ĐỊA ĐIỂM ĐẶC BIỆT CỦA MÙA THU HÀ NỘI

Vào thu Hà Nội có nhiều địa điểm đặc biệt để khách đi tham quan. Với thời gian hạn hẹp, tôi đã đi tham quan những nơi sau đây trong mùa thu:

Hồ Hoàn Kiếm hay Hồ Gươm nằm ở trung tâm hồ là Tháp Rùa rêu phong cổ kính. Ở đây tôi thấy sắc thu ở quanh bờ hồ Hoàn Kiếm, với những tán cây soi mình trên mặt nước, những băng ghế đá quanh hồ và những người tản bộ. Cây xanh quanh Hồ là những cây gạo, cây vông, cây lộc vừng, cây phượng, cây sấu. Trong những loại cây này, cây lộc vừng được coi như báu vật. Mùa thu cũng là mùa của những cây lộc vừng bừng nở và soi bóng xuống hồ Gươm.

Mùa thu Hà Nội có gì?

Cây lộc vừng nở hoa

Phố Cổ Hà Nội là tên gọi của một khu vực nằm phía đông Hoàng Thành Thăng Long ra đến sát sông Hồng, tập trung chủ yếu ở quận Hoàn Kiếm. Khu phố này còn có tên gọi khác là Hà Nội 36 phố phường bởi các con phố ở đây đều được đặt tên theo một mặt hàng được làm và bày bán trên phố như phố Hàng Đường chuyên làm và bán đường, phố Hàng Thiếc chuyên về các sản phẩm từ thiếc hay phố Hàng Bạc với các nghề thủ công liên quan đến bạc. Phố cổ Hà Nội ngày đó nằm ở trung tâm quận Hoàn Kiếm, phía Bắc là phố Hàng Đậu, phía Nam là phố Hàng Bông, Hàng Gai, Cầu Gỗ và Hàng Thùng, phía Đông là đường Trần Nhật Duật, phía Tây là phố Phùng Hưng. Với những ngôi nhà kiến trúc cổ nhỏ nhắn liền kề, những con phố nho nhỏ với đầy những cửa tiệm hàng hóa đặc trưng của Hà Nội khu phố Cổ chính là nơi để bạn thưởng thức cảnh thu tại thủ đô Hà Nội ấn tượng nhất. Phố cổ luôn nhộn nhịp, tấp nập. Vào mùa thu, phố cổ cũng sắm sửa cho mình một khuôn áo và diện mạo mới đón thu. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn viết trong bài hát Nhớ Mùa Thu Hà Nội những dòng sau.

Hà Nội mùa thu, cây cơm nguội vàng

Cây bàng lá đỏ, nằm kề bên nhau

Phố xưa nhà cổ, mái ngói thâm nâu

Những Con Đường Đẹp Nhất Hà Nội là đường Kim Mã, đường Phan Đình Phùng, và đường Hoàng Diệu. Đi dọc những con đường này vào mùa thu với vỉa hè rộng, thoáng và những tán cây cổ thụ xum xuê rải lá vàng khắp cả con đường tạo nên một khung cảnh vừa thơ mộng vừa yên bình và quá đỗi mộng mơ. Đường Hoàng Diệu luôn nổi bật với những hàng cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi và những ngôi biệt thự được xây dựng theo kiến trúc Pháp. Khi thu đến những hàng cây trên đường Kim Mã và đường Phan Đình Phùng thay lá chuyển từ sắc xanh non sang vàng, để trơ lại những cành khẳng khiu.

HOA MÙA THU HÀ NỘI

Hoa sữa thường được nhắc đến như một biểu tượng mùa thu của Hà Nội. Không biết tự bao giờ, khi nhắc tới mùa thu Hà Nội người ta nghĩ ngay tới một loài hoa với một mùi hương thật nồng nàn và rất đặc trưng – hoa sữa. Người ta thường nói ngày Hà Nội đón những đợt gió lạnh đầu tiên cũng là lúc mà hoa sữa bắt đầu nở rộ trên các tuyến đường, con phố khắp thủ đô. Hoa sữa nở về đêm vào những ngày lặng gió. Những ngày cuối thu, hương hoa sữa thoang thoảng khắp các ngõ ngách của Hà Nội làm nhiều người nhớ nhung. Hoa sữa dường như đã trở thành một nét đẹp rất riêng của Hà Nội.

Vào mùa hoa sữa nở, dẫu là người vô tình đến mấy cũng phải xốn xang bởi mùi hương nồng nàn làm thức tỉnh mọi giác quan. Nhiều người yêu hoa sữa vì hoà có mùi thơm giống với hoa dạ lý hương rất thơm nhưng khá nồng. Tuy nhiên cũng có kẻ ghét mùi hương hoa sữa bởi chúng quá nồng. Đối với người yêu hoa sữa thì mùa thu Hà Nội có thể là mùa đẹp nhất trong năm.

Hoa sữa đã đi vào nhiều bài hát về mùa thu ở Hà Nội. Trong bài hát Nhớ Mùa Thu Hà Nội, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có viết

Hà Nội mùa thu, mùa thu Hà Nội.

Mùa hoa sữa về, thơm từng cơn gió.

Trong bài hát Hà Nội Mùa Lá Bay nhạc sĩ Hữu Xuân có viết

Mùa thu, cốm đầu mùa dịu ngọt

Trên cao, hoa sữa hương ngạt ngào

Nhạc sĩ Nguyễn Đức Cường có viết trong bài hát Nồng Nàn Hà Nội những dòng sau

Ngọt ngào hoa sữa thơm

Gọi mùa thu về thật lâu, để ta biết, nồng nàn

Và trong bài hát Im Lặng Đêm Hà Nội mà nhạc sĩ Phú Quang phổ nhạc từ bài thơ của Phạm Thị Ngọc Liên có những dòng sau

Chỉ còn mùi hoa sữa nồng nàn, trong căn phòng nhỏ

Đêm cuối thu, trăng lạnh mờ sương

Ngoài hoa sữa, Hà Nội còn có nhiều loài hoa mùa thu khác. Vào cuối tháng 9 khi những hồ sen trên mạn Tây Hồ đã úa tàn thì trên khắp các khu chợ cóc, chợ vỉa hè Hà Nội, bạn có thể bắt gặp bóng dáng những bó hoa cúc đủ màu: trắng, tím, nhưng phổ biến nhất, đặc trưng nhất là hoa cúc vàng. Hà Nội mùa thu có những chiếc xe đạp chở theo những khóm hoa đi giữa những con phố lãng mạn. Những chiếc xe hoa của các cô, các chị từ vùng ngoại ô, chở những bông cúc họa mi nhỏ nhắn, trắng tinh khôi, thêm đóa hoa bách nhật, thạch thảo, hoa cải vàng trên một chiếc thúng đằng sau những vòng xe đã trở thành một niềm yêu thương và là một nét đặc trưng riêng của mùa thu Hà Nội.

de p nao lo ng mu a thu ha no i

NHỮNG MÓN ĂN MÙA THU HÀ NỘI

Cốm, sen, sấu, bưởi là những món ăn đã làm nên thương hiệu của Mùa Thu Hà Nội – gió thổi mùa thu hương cốm mới. Nói về mùa thu Hà Nội, không ai không nhớ đến một thứ quà ngon nổi tiếng đó là cốm làng Vòng – loại cốm được làm từ lúa non gặt sớm. Để có được cốm ngon, quan trọng nhất là khâu rang cốm, hạt lúa mỏng manh nếu rang không khéo sẽ rất dễ cháy, quá lửa thì mất mùi, nếu lửa chưa tới thì cốm bị dính, không ra được chất tinh túy. Để làm ra thứ quà nổi tiếng đó, nghệ nhân phải thức đêm hôm tuốt tỉa, rang, sấy. Nếu cốm kết hợp với chuối sẽ mang đến hương vị dân dã mà khó quên.

Trong dịp thăm Hà Nội năm 1996, ngoài cốm làng Vòng, tôi cũng có dịp thưởng thức các món ăn đặc sản như Chả cá Lã Vọng, Bún chả Hà Nội, và ốc luộc. Chả cá Lã Vọng được làm từ cá lăng, lọc thịt tẩm ướp gia vị rồi đem nướng, ăn nó khi còn nóng, khi ăn sẽ kèm với bún, bánh đa nướng, rau thơm, lạc rang, hành củ và chấm với mắm tôm. Bún chả Hà Nội là món ăn quen thuộc của người dân ở đây, cũng là món ăn nhận được rất nhiều lời khen từ du khách gần xa nhờ phong vị đậm chất truyền thống. Món ốc luộc ở quán Ốc Hà Trang ở ngã tư Đinh Liệt – Hàng Bạc là món ốc béo mầm, chấm với nước chấm chua ngọt thanh tao bí truyền, không nơi nào có được.

MÙA THU HÀ NỘI Ở MÃI TRONG TÔI

Đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ tới những kỷ niệm đặc biệt về Mùa Thu Hà Nội mà tôi đã thâu nhận được trong chuyến thăm năm 1996. Nhớ những cây lộc vừng bừng nở bên bờ hồ Hoàn Kiếm; nhớ những con đường đẹp với vỉa hè rộng có lá vàng rải khắp vừa thơ mộng vừa yên bình; nhớ mùi hương thật nồng nàn cua hoa sữa trong gió lạnh; nhớ những chiếc xe đạp chở theo những khóm hoa đi giữa những con phố lãng mạn; nhớ hương cốm cốm làng Vòng Hà Nội; và nhớ những con ốc luộc béo mầm với nước chấm chua ngọt thanh tao. Tôi mượn những dòng sau của bài hát Hà Nội Mùa Thu của nhạc sĩ Vũ Thanh để diễn tả niềm nhớ về mùa thu Hà Nội của tôi.

Hà Nội mùa thu, ôi sao xuyến trong lòng ta

Như bâng khuâng nghe gió đưa