VĂN HÓA PHẬT KHỔNG LÃO

VÀ CỐT TỦY LUÂN LÝ BÌNH DÂN

Hạ Long Bụt Sĩ Lưu Văn Vịnh

ITruyền Thống Tam giáo

Từ đời Hậu Lê, trong lãnh vực chính trị, hành chính, Nho độc tôn, các quan chức được tuyển lựa từ cửa Khổng sân Trình, nhưng không độc tôn triệt để vì còn một số yếu tố ảnh hưởng không ít tới chính trị hành chính trong thời quân chủ :

1– Các vua chúa sáng nghiệp như Lê Lợi, Mạc Đăng Dung, Chúa Nguyễn chúa Trịnh, Nguyễn Huệ . . . không phải là nhà Nho, họ xuất thân áo vải, các quần thần mở nước cũng là lớp bình dân võ nghệ. Ông Lê Lợi và gia tộc Mường không mang dấu vết Khổng Mạnh.

2– Triều chính văn quan là nhà Nho, nhưng không thể quên võ quan, hoạn quan…chia ảnh hưởng quan trọng, ngay cả Nguyễn Trãi cũng từng cô đơn giữa đám vũ biền ít học này.

3– Ta có câu ” vua nghe vợ mất nước“, đằng sau sân khấu chính trị, là ảnh hưởng to lớn của phụ nữ, hoàng hậu, phi tần, mẹ quan, vợ lớn vợ bé các quan…phụ nữ xưa hiếm ai đọc được Tứ thư Ngũ kinh như bà Huyện Thanh Quan, Đoàn Thị Điểm…Địa vị đàn bà là “nội tướng”, là người trực tiếp nuôi dưỡng con cái, ” phúc đức tại mẫu“, ” con hư tại mẹ, cháu hư tại bà “, mẹ, bà nội bà ngoại, giáo dục các ông ” nhà Nho” tương lai, thế mà người đàn bà ( kể cả bà Chúa Chè!) thì lại thường lên Chùa lên Đền cúng lễ, có khi lên đồng Thánh mẫu, cho nên truyền thụ dậy dỗ con cháu theo nền nếp Nho phong thì cũng có, nhưng không thể quên cái gốc luân lý từ Chùa, Đền ….tưới tẩm thấm nhuần trong tâm địa. Con có cha như nhà có nóc, và con có mẹ như nhà có nền…Chính mẹ vua Lê Thánh Tông khi mang thai cũng từng ẩn trốn ở chùa Huy Văn, vua Lê không quên mái chùa che chở mẹ con mình nên sau này đã tu bổ chùa thành điện Huy Văn. Ngay đời vua Lê Thái Tông (1434- 1442) tuy trọng Nho mà vẫn rước tượng Phật Pháp Vân về kinh đô để cầu mưa! Huệ phi nuôi cô đồng trong cung để làm phép!

4– Từ Hậu Lê, Nho về mặt nổi, cực thịnh, nhưng truyền thống Tam Giáo vẫn vững bền sâu đậm trong văn hóa : Nguyễn Trãi có lúc xin lui về coi chùa Hun với chức Đề cử, cơm rau dưa ăn mặc ” bán sơn tăng“, Nguyễn Bỉnh Khiêm thường cùng các nhà sư đi thăm Yên Tử, Đồ Sơn, Lê Quý Đôn để cả chương Thiền Dật bàn về Tam giáo trong Kiến Văn Tiểu Lục, Ngô Thời Nhiệm viết về Thiền Trúc Lâm trong Trúc Lâm Tông chỉ Nguyên thanh, Phạm Thái từng khoác áo tu đi khuyến phả, Nguyễn DuKim Cương kinh đọc ngàn lần“, Cao Bá Quát mang tâm sự Bồ tát ” Duy Ma Cật”, Chu Mạnh Trinh ” Bầu Trời Cảnh Bụt”… chẳng có nhà Nho Việt Nam nào là “duy Nho” cả. Vị tiến sĩ khai khoa miền Nam, cụ Phan Thanh Giản, thuở nhỏ từng thụ nghiệp một nhà sư chùa Phú Ngãi, Ba Tri.

5– Lác đác vài người bài Phật cuối đời Trần như Trương Hán Siêu, Trần Thời Kiến…nhưng tới lúc già dặn, lại rủ nhau tu Phật , bia chùa Thiện Phúc của Lê Bá Quát, môn đệ cụ Chu Văn An, cũng thừa nhận : “…nhà Phật lấy họa phúc động lòng người, sao lại được người ta tin theo sâu và bền như vậy?..” ( Nguyễn Đổng Chi- Việt Nam Cổ Văn Học Sử), danh Nho Chu Văn An, nhập thế theo đạo Nho, xuất thế từ quan về núi Phượng Hoàng, cạnh chùa Phật Sơn cách chùa Hun Côn Sơn một đoạn đường, cũng là ” thoái vi Phật Lão”, danh Nho đời Trần Mạc Đĩnh Chi viết Ngọc Tỉnh liên phú, tán dương triết lý bất nhị nhà Phật qua hình ảnh Hoa sen….

Những bậc đại Nho như Chu Văn An, bao giờ cũng ” kính Lão, sùng Nho chính hóa tân” (vừa tôn trọng Lão, vừa sùng tín Nho, nên chính sự mới đổi mới tiến bộ), như lời Tư đồ Trần Nguyên Đán mừng Chu Văn An khi được vời làm Tư nghiệp Quốc Tử Giám. Văn nghiệp của Chu Văn An bị quân Minh tiêu hủy, chỉ còn lại 12 bài thơ trong Toàn Việt thi lục, bài đề Đình Thủy Hoa có câu ” Vốn dòng dõi con Phật, Lăng Ngộ có cao thức…ý cùng sen so đức…”, bài Thôn Nam Sơn Tạm Nghỉ có câu ” Phật giới thanh u, trần giới viễn” (cõi trần xa, cõi Phật thanh) rõ ràng sở học Tam giáo đồng nguyên Chu Văn An cùng lý chính tâm, tịch tà cự bí, không khi nào bài bác đạo khác (công hồ dị đoan tư hại dã dĩ) như chính lời Phu tử dậy. Bài bia Phượng Hoàng Từ, năm 1857 đời Tự Đức, tú tài Vũ Giai viết ” Dạy học trò cốt sao cho sáng thánh đạo, phá tà thuyết…” tà thuyết đây không chỉ Phật giáo, mà nếu có ám chỉ Phật giáo, thì ông tú Vũ Giai, chỉ là con chim sẻ chưa thấu chí phượng hoàng ! (xem Lịch Sử Tư Tưởng VN- Nguyễn Đăng Thục, tập 4, Thơ Văn Lý Trần tập III). Tấm bia cổ của Tiến sĩ Nguyễn Công Thái soạn từ năm 1709 ở đền thờ Phượng Hoàng, Chí Linh, chi tiết hơn, ca tụng hết mực đức độ khí tiết của thầy Chu, không có câu nào giống với bia Tú tài Vũ Giai. Vài người như Lê Quát, Phạm Sư Mạnh, Trương Hán Siêu, muốn lấy đạo Nho làm chính đạo trong phép cai trị, có công kích đạo Phật lúc trẻ, mà cũng chỉ công kích tệ đoan của nhà Chùa thế tục, sư chẳng ra sư, lợi dụng thế Chùa chiếm đất đai, ruộng vườn, xây chùa dựng tháp xa xỉ… chứ không công kích đạo đức giáo lý Phật. Trương Hán Siêu trong bài Bi ký núi Dục Thúy cũng phân định “…nhà sư học được phép Trúc Lâm Phật tổ, tu thân khổ hạnh, cũng thật đáng khen… không phải những lũ tăng đạo tầm thường có thể sánh nổi…”, lúc làm Giám tự chùa Quỳnh Lâm ông có vẻ sám hối :

Đời lênh đênh trước khác nay,

thân nhàn mới biết trước ngày lầm to…

Dục Thúy Sơn, Trần Văn Giáp dịch.

Vả lại chính Trương Hán Siêu cũng không phải là bậc chân Nho vẹn toàn tư cách, từng thân với bọn hoạn quan, từng gả con gái vì ham giầu, hạng tù trưởng Lạng Giang, hạng đầy tớ chùa Quỳnh Lâm, đời bấy giờ chê ông như ” người nhà quê đá cầu” không trúng hợp lẽ phải. Sử gia Ngô Sĩ Liên phê là: cậy tài, kiêu ngạo, vu cho người khác nhận hối lộ, không thể so với Chu Văn An được ( ĐVSK Toàn thư, Quyển VII) Lời vua Trần Nghệ Tôn mắng bọn bạch diện thư sinh, theo Nho Tầu, chưa đạt đạo mà đã đòi bỏ phép nước tổ tông, thay y phục nhạc pháp dân tộc, là rất chí lý : “…bạch diện thư sinh dụng sự, bất đạt lập pháp vi ý, nải cử tổ tông cựu pháp, kháp hướng Bắc tục thượng an bài, nhược y phục nhạc chương chi loại…” ( ĐVSK Toàn Thư- Quyển VII- Nghệ Tông- 1370 ). Tiểu nhân không theo lời dạy của Thánh Khổng : Tri vi tri, bất tri vi bất tri, thị tri, mới bài bác mối tư tưởng khác, còn nói chân Nho mà bài Phật hay bài Lão thì quả là chưa từng có!

Suốt đời Hậu Lê, Lê Trịnh, vua chúa không ngớt xây dựng tu bổ chùa chiền, có công chúa đi tu, cho đến đời Tây Sơn chùa nhiều quá vua phải ra lệnh mỗi huyện, phủ, chỉ được xây một ngôi chùa lớn! cho chí đến thời “thiên hạ vô quân” mà chùa Lý Quốc Sư ở Hà Nội còn được trùng tu Chùa nào chẳng có nhà Nho viết hoành phi câu đối, bia đá, nhà Nho ông Tú ông Cử nào mà không từng lên chùa đàm luận với sư sãi, mua hậu tự đất chùa !

6– Sử liệu Hậu Lê mấy trăm năm thiên về đất Bắc, quên việc trọng đại, là sự hưng thịnh của Phật giáo ở đàng Trong với chúa Nguyễn và trung tâm Phật giáo Phú Xuân -Hội An. Các Chúa Nguyễn (nhất là chúa Tiên và chúa Nguyễn Phúc Chu) và vua Nguyễn đều tôn sùng đạo Phật, gần mức đời Lý Trần, chùa Thiên Mụ xây cất quy mô vào năm 1601 (trước đó đời Mạc đã là ngôi chùa nhỏ rồi), chuông lớn đúc năm 1710, mở đầu giai đoạn phục hưng chủ đạo Phật giáo ở miền Trong, tiếp tục thế sâu rễ bền gốc, lan rộng vào đất Gia Định, lan mạnh tới tận bây giờ…cả một tông phái Phật Thầy Tây An tk XIX, Phật giáo Hòa Hảo tk XX, lại bùng nở giữa đồng ruộng dân dã miền Tây, đạo Cao Đài thờ Thiên nhãn Thích ca, khất sĩ đi chân đất mang bình bát khắp Tiền giang Hậu giang…xem thế suy ở miền Bắc thì lại thịnh ở phương Nam, cội nguồn gốc rễ Tam giáo nẩy nở không dứt.

Từ đời Minh Mạng, khoa cử Nho học lại đưa Nho lên mạnh, nhưng truyện Lục Vân Tiên, phổ thông nhất miền Nam, vẫn là luân lý ác giả ác báo, Vân Tiên đến chùa nương náu, Nguyệt Nga nhảy sông tự tử được Phật Quan Âm phù hộ thoát chết…Nho học hết, Tây học tới, vẫn có ông Khái Hưng tới chùa Long Giáng Tiêu Sơn viết Hồn Bướm Mơ Tiên, Tiêu Sơn Tráng Sĩ, có nhà Sư Trạch làm vệ sĩ cho Nguyễn Thái Học, Nho học tàn lụi, thì chữ Nho chữ Nôm được bảo trì ở đâu ? –ở trong chùa chiền …ngay hiện đại, tới

chùa Trấn Quốc, Thăng Long, vẫn còn có lớp dậy chữ Nho, chưa kể các trung tâm Vạn Hạnh, Bồ đề, Cao đẳng Phật học Huế, Sóc Sơn…xưa và nay.

IIPhong tục, luân lý cốt tủy nghìn năm là đạo Phật

Phong tục luân lý dân tộc nào cũng vậy, nói về nguồn gốc, thì phải kể từ thời chưa có ngôn thuyết. Tài liệu thành văn chưa có thì cũng có cổ tích truyền thuyết. Từ đời Hùng vương, chưa có Nho, Phật, thì dân nước Văn Lang cũng đã có tôn ty vua, tôi, Lạc hầu Lạc tướng…chuyện Bánh dầy bánh chưng, Chử đồng tử, Quả dưa hấu, Phù đổng, Trầu cau..cũng phác họa được nét trọng hiền, trọng đức, tình anh em, vợ chồng, kính tổ tiên, lòng tin Trời sinh Trời dưỡng, ăn ở tốt tất hưởng ngôi cao (Lang Liêu) , khi Nho, Phật vào thì nếp cũ lại tổng hợp với những nét mới. Được trọng vọng nhất là Sĩ, nhưng Sĩ được mấy phần trăm dân số? ảnh hưởng của Sĩ trong dân chúng lan rộng tới đâu? Có thể trong đẳng cấp sĩ, hay trí thức trung lưu thành thị sau này, ảnh hưởng Nho còn đậm, nhưng nói Tam giáo thì chính xác hơn, vì chẳng có kẻ Sĩ Việt Nam nào là duy Nho, duy Phật hay duy Lão cả. Những truyện cổ tích của ta, như Người mù sờ voi, như Tấm Cám…tràn đầy hình ảnh Tiên, Bụt hiện lên cứu độ người hiền lương, tới các truyện nôm như Bích Câu, Bạch Viên, Phan Trần, Mục liên, Phạm Công Cúc hoa,Thị Kính, Nhị Độ Mai, Cung Oán, Kiều, tuồng Kim Thạch Kỳ Duyên…thì cốt tủy đạo Phật lại càng rõ, ngay cả một nhà Nho tri hành hợp nhất như Nguyễn Công Trứ, cũng luận :

Cái hình hài chắc đã thiệt chưa

Mà lẽo đẽo khóc sầu mãi rứa?

hay : Từ nghìn xưa cho đến nghìn sau

kết cục lại mỗi người riêng một kiếp

như thế thì cái lõi tâm thức của cụ Trứ và bao kẻ sĩ Việt Nam vẫn là Tam giáo. Vua Lê Thánh Tông suốt 40 năm đưa Nho giáo lên cao điểm độc tôn, nhưng chưa đầy 10 năm sau khi vua mất, triều chính suy thoái khủng hoảng, chính vì cái ngọn quan chức độc tôn Nho thiếu nhựa sống sung mãn từ gốc Tam giáo quần chúng làng xã .

Mà chẳng riêng ở Việt Nam, ngay bên Tầu, Huyền Trang thỉnh kinh, Đạt Ma mở Thiền, Thiếu Lâm Tự dậy võ…bên Hàn, bên Nhật cũng vậy, Tam giáo kết hợp đẹp đẽ làm nền móng quốc gia, các sư Nhật sang Tầu đời Đường học Thiền, mang phối hợp với Thần đạo, tạo nên bản lĩnh Samurai, trong 5 tôn chỉ của võ sĩ đạo (Bushido) thì hai tôn chỉ đầu rút từ Thiền môn : Nhẫn nhịn chịu đựng coi thường nguy nan sinh tử. Khắp Á Đông ai mà không đọc Tây Du Ký, Liễu Trai, Hồng Lâu Mộng…ai mà không mang trong tâm hồn hình ảnh Bồ tát, Ngộ Không…Tam giáo đồng tôn, tam giáo đồng quy, chính là cội nguồn chung cho nền văn minh cầm đũa Viễn Đông vậy. Bây giờ sang Tầu, chỉ thấy chùa tháp cổ tự, không thấy văn miếu, chưa kể Hương Cảng, Đài Loan, Tân Gia Ba… Phật giáo sâu rễ bền gốc phát triển ngoài mức tưởng tượng.

Riêng về luân lý bình dân, cốt tủy là đạo lý nhà Phật, là vì :

aTôn giáo bao giờ cũng sâu rộng bền chặt hơn triết lý đạo đức : Socrates, Platon, Aristote, Epicure…bàn nhiều về đạo đức, ảnh hưởng lớn, nhưng tới khi Thiên Chúa giáo lan tràn thì ảnh hưởng đức lý Ky Tô lại là tối quan trọng, lan sâu lan rộng khắp tầng lớp Âu Châu. Khổng Mạnh cũng vậy, chưa nằm ở tầm mức tôn giáo, nên dễ mờ nhạt đi, không lắng sâu vào tâm thức, hành xử, phong tục, bằng đạo Bụt được. Khổng Mạnh gắn vào khoa bảng, khoa bảng gắn vào triều chính, khi có chính quyền thì có thế mạnh, khi hết chính quyền thì ” ông nghè ông cống cũng nằm co“. Chuyện Thiện- Ác đạo đức luân lý nào cũng bàn tới, nhưng bình dân thì cần cụ thể hóa qua Địa ngục, Thiên Thai, Đào nguyên…Trẻ con học “nhân chi sơ, tính bản thiện” khó hiểu ý nghĩa, nhưng đứng trước cổng chùa có tượng ông Thiện hiền từ, có tượng ông Ác dữ tợn…thì dễ nhập tâm hơn.

b– Những quan niệm luân lý bình dân của ta phần nhiều là từ đạo Phật : Phúc đức, tội nghiệp, nghề nghiệp, quả báo, ở hiền gập lành, tu tỉnh, vô tâm, điên đảo, duyên nợ, nghiệp dĩ, ác giả ác báo, hiền như Bụt, oan oán, cởi oan giải nghiệp, không chấp trước… tham sân si, từ bi hỷ xả, bố thí, sám hối, thương người như thể thương thân, xá tội vong nhân, ” nói có Trời có Phật“, kiếp người, bể khổ… Ngay cả những câu ca dao tục ngữ như ” Nam Mô một bồ dao găm, Khẩu Phật tâm xà, Bụt chùa nhà không thiêng, Gần Chùa gọi Bụt bằng anh, ” Ba cô đội gạo lên Chùa…” ” Đi với Bụt mặc áo cà sa…” lại càng chứng tỏ nếp sống Việt Nam là nếp sống có mái chùa quen thuộc, có sư cụ, sư ông, sư bác, sư bà… áo nâu áo sồng hòa mình…có chú tiểu Lan trong Hồn Bướm Mơ Tiên, có Sãi Vãi, có Oan Thị Kính, có trồng cây nêu, cờ ngũ sắc, trừ tà ma…có những nhà sư đi chân đất khất thực khắp miền Đồng Nai Cửu Long, có tụng kinh đọc sấm vang vang hàng đêm miền Thất sơn Hồng Ngựgốc rễ không vững, cốt tủy không bền, thì nghìn năm Bắc thuộc ta đã thành Nho Tầu (Tầu Nho thì thập nữ viết vô, nhưng Nho ta thì lại có luật Hồng đức bảo vệ nữ quyền), 80 năm Pháp thuộc ta đã thành Tây, Phật giáo đã tiêu tan rồi, nhưng sau bao trò dâu biển, Tây, Cộng… phá chùa, thì miền Bắc vẫn còn tới 5000 ngôi Chùa ” cái Thiện của làng” còn đấy, Văn miếu lác đác mấy cái, và còn ai nhang khói cụ Khổng và tiên hiền bây giờ nữa! Gia dĩ, mẫu người quý trọng nhất của ta là mẫu người nào? trong hai mẫu : “hiền nhân, quân tử ai mà chẳng“, thì mẫu quân tử của đạo Nho, còn mẫu người Hiền mới là mẫu của bình dân, đi vào tiếng nói dân gian : hiền như Bụt, vua hiền, tôi hiền, mẹ hiền, chị hiền, dâu hiền rể thảo…phẩm từ hiền nói lên cái đức tính được dân chúng coi trọng, ở hiền gập lành, lại vẫn là cái lý nhân quả diễn cách nôm na.

Các đức tính như hòa nhã, lễ độ, biết lẽ phải, trọng người có học, hiếu hạnh… chung cho cả Tam giáo, có nổi nét Nho phong, riêng thời Nho học độc tôn thì phải nói là ” trọng khoa bảng” chứ không hẳn trọng ” người có học”, Đào Duy Từ là người có học, con nhà xướng ca, không được đi thi, nên phải vào miền đất mới lập chí. Căn bệnh trọng khoa bảng bằng cấp này, ăn sâu tới nay, thì đúng là gốc hủ Nho, không phải gốc Phật, bệnh tự tôn, trung thần, suy tôn lãnh tụ như cha già phụ quyền, đẻ ra độc tài, điều nghiên kỹ là từ gốc hủ Nho, chứ không hề có trong tinh thần bình đẳng dân chủ của nhà Phật.

Về thời điểm ca dao tục ngữ , truyện cổ tích, có thể suy diễn qua hai chữ Bụt và Phật : nhiều phần là ta chỉ dùng chữ Phật từ khi nhà Minh sang đô hộ (1414- 1428), trước đó đều dùng chữ Bụt, vậy những câu ca dao tục ngữ, truyện cổ tích, dùng chữ Bụt, phải có ít nhất từ trước thế kỷ XV. Thêm cả kho tài liệu thơ văn Lý Trần, Đại Việt Sử Lược, chùa chiền đời Lý còn lại, cột kinh Hoa Lư…cũng đủ để chứng minh Phật giáo có cả ngàn năm lịch sử và ảnh hưởng toàn diện tới văn hóa dân tộc, ảnh hưởng thấm nhuần lâu quá, đi vào lời ăn tiếng nói, thành ra tự nhiên như hơi thở, “xả hơi” nghĩ cũng có thể từ gốc hỷ xả phá chấp mà ra.

A group of people on a rock Description automatically generated
Ngũ Hành Sơn động

IIINhững nguyên tắc đạo đức, những lý tưởng triết lý đều vô dụng nếu thiếu phương pháp thực hành tu tập.

Phương pháp thực hành tu tập khác với con đường vạch ra từng bước hay kế hoạch đặt rõ ràng, như Tu Tề Trị Bình, như Tiến vi quan, thoái vi sư… đó là lời khuyên, tôn chỉ, có trình tự, có chương trình, có phân tích, nhưng không dậy cách thực hiện. Nói trung dung, nhưng cách nào đạt tới trung dung? nói tu thân nhưng tu thế nào, tu cách nào, nói biết phải trái nhưng làm sao luyện óc phân biệt phải trái, nói cách vật trí tri, nhưng phải có phương pháp cách vật thì mới thực hành được…Tỷ như khuyên người tiết dục thì phải đưa ra phương pháp làm sao tiết dục, như định bệnh cho thuốc vậy.

Đạo Phật đưa ra nhiều phương pháp tu tập thực hành, đi từ bình diện thuyết lý đến bình diện thực tập, khác các tôn giáo khác vì dùng phương pháp khởi dẫn tới niềm tin chứ không đặt sẵn niềm tin mù quáng.

Xin đưa vài thí dụ :

Muốn định tâm thì nhà Phật dùng phép thiền định, tập trung vào hơi thở ra thở vào, tâm sẽ tĩnh lặng dần…muốn diệt dục diệt tham, thì phải quán vô thường, vô ngã, phải sống thanh đạm, nên ăn chay, có nhà tu lại quán trước một đống xương để ngộ lẽ sắc sắc không không…muốn từ bi thì có thể bắt đầu bằng cách bố thí, tránh sát sinh…đấy là nói những phương pháp cụ thể, dễ làm. Những bệnh tâm não trầm trọng, như bệnh mọt sách, bệnh kiến chấp giáo điều, thiên kinh vạn quyển mà chưa thông quán, hay tranh chấp kiến thức hơn kém, bị ngôn từ trói buộc, bệnh vọng ngôn vọng ngữ …thì Bụt lại có những phương pháp tâm lý học thực nghiệm cao đẳng hơn, những tỷ dụ sấm sét, những công án, chuyển hóa lòng người, đọc kinh Người Bắt Rắn, kinh Kim Cương…sẽ rõ những phương pháp giáo dục ấy, tương tự như những tập Đàm thoại Dialogues của Platon, nhưng cao siêu chấn động tâm trí hơn nhiều, ngay cả tâm lý gia Carl Jung và các bác sĩ tâm lý Âu Mỹ cũng đã và đang nghiên cứu học hỏi áp dụng. Mỗi tập kinh Phật giống như một ca chữa tâm bệnh, đức Phật là Y sư, bệnh nhân là người có vấn đề, môn đệ giống như sinh viên nội trú: một thiên nữ không hiểu tại sao ái dục mang lại nhiều vị cay đắng hơn là vị ngọt, vị khất sĩ mang nàng tới gập Bụt để nghe lời dạy, Bụt đã dùng tới 4 mức giảng: ảo tưởng về ái dục, nhận chân tướng ái dục, hiểu mặc cảm hơn, kém, bằng, và cuối cùng, vượt mặc cảm, tâm lặng, hết mong cầu, cởi bỏ được phiền não ( Kinh Tuổi Trẻ và Hạnh Phúc). Đấy là phép thăm bệnh, định bệnh, trị bệnh, mà giới y khoa Mỹ hiện nay gọi tắt là SOAP (subjective, objective, assessement, plan). Mười bức tranh chăn trâu (Thập ngưu đồ) mô tả dẫn dắt công trình điều phục tâm ý, ba mươi bảy pháp môn tu tập ( Tam thập thất trợ đạo phẩm) chính là 37 cách thực hành đạo lý.

Vì đạo Phật là loại triết lý rốt ráo, bao trùm mọi mặt, mọi trình độ, nên người bình dân tu lối bình dânthờ Phật thì ăn oản“, lần tràng hạt, Nam Mô A Di Đà, hương hoa, cầu khẩn Bồ tát, ông Thiện ông Ác, làm điều lành để khỏi đọa Địa ngục, ăn ở tốt, hiếu hạnh, mong lên cõi Cực lạc Niết Bàn. Trí thức, nhà Nho mức Nguyễn Du, Cao Bá Quát, thì đọc kinh loại luận lý học siêu đẳng như Kim Cương, Duy Ma Cật Sở Thuyết kinh, Hoa Nghiêm…. 84,000 pháp môn, vào cửa nào cho hợp với tâm mình thì thôi. Đọc Tứ thư Ngũ kinh, thì thấy kính phục, mỗi lời là một câu cách ngôn, bàn luận thấu đáo, nhưng đọc tới kinh Phật thì thấy chấn động đến tiềm thức siêu thức, như có điện rung chuyển tâm não.

Một số phong tục của ta như lễ cưới không làm ở chùa, mà làm lễ gia tiên ở nhà, tang lễ ở vùng quê giản dị, có cầu siêu, khăn tang trắng ( có người cho mầu tang trắng theo ngũ hành Kim là phương Tây, mầu trắng, tức cõi Phật, xin tồn nghi), sư tụng kinh…Lễ nghi theo Kinh Lễ, hay Chu công lục lễ…dành cho các gia tộc Nho phong khá giả, còn hàn sĩ, nông dân ngư phủ…ai theo nổi lễ nghi phiền toái ấy! Xin trích ra đây vài đoạn lễ nghi trong Kinh Lễ :

Cô, chị, em gái đã lấy chồng mà về nhà, anh em không được ngồi chung chiếu, và cũng không được ăn chung chén bát. Cha con không ngồi cùng chiếu… Nam nữ mà chưa có mai mối thì không được biết tên nhau…

” Lễ dâng cơm ăn, xương đặt bên trái, thịt nạc đặt bên phải, cơm đặt bên trái, canh đặt bên phải. Những món nem thịt thái nhỏ, đặt ở bên ngoài…

” Hầu ăn bậc trưởng giả, chủ nhân tự thân tiếp đãi, trước khi ăn phải bái…đừng nhai thành tiếng, đừng nhai chạm răng,…đừng húp canh sùm sụp, đừng cắn rau rào rạo…”

( Kinh Lễ- Khúc Lễ -Thượng- bản dịch Nguyễn Tôn Nhan)

đám cưới, đám tang ở thành thị tân tiến…khác xa ở vùng quê, đời sống thường ngày của dân quê, nhà nông…không đậm nét Nho phong, hơn nữa, nhờ “phép vua thua lệ làng…quan có vội quan lội quan đi ” mà truyền thống dân tộc từ cổ xưa, chưa Nho chưa Phật, mới còn truyền lại được. Bánh dầy bánh chưng, cúng tổ tiên, đạo nội…chính là phong tục từ đời Hùng trao truyền lại.

Nho truyền vào Việt từ đời Bắc thuộc, trung tâm Luy Lâu lúc đó Phật rất thịnh, truyền cùng lúc nhưng để lại ảnh hưởng gì, thâm hậu tới đâu, thì lại là chuyện khác, nếu gốc Nho thâm hậu thì tại sao tới đời Đinh, Lê, Lý, Trần, (chưa kể Lý Nam Đế tk VI), lại mọc lên 400 năm quân chủ Phật

giáo mà không mọc lên Khổng Mạnh độc tôn như kết quả của công trình giáo hóa Sĩ Nhiếp, Tích Quang, Nhâm Diên? Phải chăng là vì Phật giáo truyền từ dưới gốc lên, còn Nho giáo lại truyền từ ngọn cai trị đô hộ Tầu xuống, nên gặp phản ứng tự nhiên của quần chúng làng mạc .

* * *

Hiện tại, nhìn cộng đồng di dân người Việt hải ngoại, ở Pháp có trên 50 ngôi chùa, ở Mỹ, Úc, Gia Nã Đại… chùa dựng lên rất nhiều theo nhu cầu tâm linh của dân chúng, Lễ, Tết bà con lũ lượt đi hái lộc, khấn bái…, thế thì vốn liếng văn hóa gốc Phật vẫn còn nhiều, vẫn được vun trồng, mà gốc Nho sợ đã khô héo từ đời Tú Xương rồi, tam tòng tứ đức mấy ai nhớ, tam cương ngũ thường, trị nước bình thiên hạ còn ai theo, có chăng là dư âm lễ nghĩa- quân tử- vương đạo…, rất đẹp, rất hay, trong đầu người trí thức mà thôi. Trong nước mỗi năm hội Chùa Hương cả chục vạn người chảy hội, còn Văn Miếu thì chỉ có du khách tới thăm, đấy là điều đáng tiếc cho thế chân vạc văn hóa Tam giáo của tổ tiên. Cũng có một vài người, từ thời 1960, muốn chứng minh gốc rễ văn hóa Việt là Nho chứ không phải là Phật, là vì gốc Nho khô khan thì dễ lắp vào cành tín ngưỡng mới như Thiên chúa giáo, Tin lành, Hồi…còn gốc Phật thì không thể tiếp cành độc thần (monothéiste) được, có dị ứng! có vị lại cố tách đạo ông bà ra khỏi tổng thể quốc giáo nhằm cô lập hóa Phật giáo, có vị lại mang ông Trời Việt cắm vào râu đức Chúa Trời Tây…

* * *

Những điểm trình bày trên thật ra từ 60 năm nay, các học giả như Trần Văn Giáp, Nguyễn Đổng Chi, Phạm Quỳnh và nhất là Nguyễn Đăng Thục đã phân tích nghiên cứu cặn kẽ rồi, chúng tôi chỉ góp nhặt lại. Việc nghiên cứu văn hóa xã hội muốn chuẩn xác hơn, cần những thống kê, những khảo sát tại chỗ, việc này phải làm trong nước và không đơn giản, nói 80% dân số Việt Nam là Phật giáo cũng đúng nếu kể chung một khối Tam giáo, nói Phật giáo chỉ có 20- 30 % thì cũng đúng nếu chỉ kể Phật tử thuần thành năng lên chùa lễ bái…nhưng truyền thống dân ta, tu tại tâm, tu tại gia, có ai ghi danh theo đạo này đạo kia bao giờ đâu mà đếm đầu người được !

Chú thích :

Bài viết đã đăng trên tạp chí Thế Kỷ 21, khoảng 2001, để nhấn mạnh gốc rễ Tam Giáo Á Đông và căn bản Phật giáo trong luân lý bình dân.

20190815_144951