Chinh Phu Chinh Phụ Thán

                                                               Phạm Doanh

Người Việt ta hầu như ai cũng biết hay nghe nói về thi phẩm Chinh Phụ Ngâm Khúc Chinh Phụ Ngâm (征婦吟) bằng Hán văn của tác giả Đặng Trần Côn (1705-1745) viết theo lối “trường đoản cú” đã được diễn nôm (dịch sang Việt văn) bằng thể thơ “song thất lục bát” một cách thần kỳ do giữa hai danh tài Đoàn Thị Điểm (1705-1749) và Phan Huy Ích (1751-1822) nhưng chữa ngã ngũ

Bản dịch Nôm là một tác phẩm kinh điển của thể thơ song thất lục bát mà cho đến nay chưa có tác phẩm nào so sánh được về nội dung lẫn hình thức.

Bài thơ “Chinh Phu Chinh Phụ Thán” do Phạm Doanh, một kẻ hậu sinh, viết trong cảm hứng khi đọc lại thi phẩm Chinh Phụ Ngâm Khúc (đã đọc từ thời còn mài đũng quần ở trung học). Dĩ nhiên tác giả không có cao vọng viết lại kiệt tác phẩm thần kỳ này. Phạm Doanh không chỉ nói về tâm sự, nỗi lòng của người thiếu phụ ở nhà nhưng thêm vào đó tâm tư của chính người chồng đang chinh chiến ngoài xa. Một khía cạnh mà đa số các tác phẩm văn học không đề cập đến nhiều.

Về hình thức, vì tính chất kinh điển của Chinh Phụ Ngâm Khúc về thể song thất lục bát nên Chinh Phu Chinh Phụ Thán được viết dưới thể lục bát, thể thơ bình dị hiền hòa dễ thấm vào lòng người đọc hơn tính cách hàn lâm của song thất lục bát. Ngoài ra tác giả thuộc về thế hệ sinh sau đẻ muộn nên không biết nhiều và không dùng điển tích.

Chinh Phu Chinh Phụ Thán cô dọng gồm 256 câu lục bát chia làm 3 phần

  • Phần 1 – 64 câu: Chinh Phu Ký kể về tâm tư của ngườI chiến binh xa nhà, hằng bao nhiêu năm vào sinh ra tử trên chiến trường nhưng vẫn nghĩ đến người vợ trẻ ở quê nhà.
  • Phần 2 – 64 câu: Chinh Phụ Từ nói lên tâm sự người vợ có chồng ngoài mặt trận và những sinh hoạt hằng ngày.
  • Phần 3 – 128 câu: Chinh Phu Chinh Phụ Thán, Liên khúc của phần 1 và 2, theo thể đối thoại giữa hai người dù nghìn trùng xa cách. Bắt đầu bằng 8 câu của người chiến binh rồi 8 câu của người cô phụ và tiếp tục cho đến hết.

1- Chinh Phu Ký

Trên miền sa mạc chiến trường,

Trải bao trận địa thê lương ngút ngàn.

Ba năm rong ruổi việc quan,

Nhớ thương người vợ võ vàng chốn quê.

Chưa xong nợ nước chưa về,

Niềm riêng giữ kín không hề hở môi.

Áo bào bạc hết cả rồi,

Chiếc khăn ngày tiễn không rời khỏi thân.

Lửa canh đêm đã tàn dần,

Vừng đông thấp thoáng phía chân ngọn đồi.

Một ngày mới lại lên rồi,

Nón đồng, giáp sắt trên người mặc xong.

Thanh gươm mỏng, vó ngựa hồng,

Nghe hồi pháo lệnh nổ đùng tiến quân.

Quê nhà em có biết rằng,

Hôm nay ra trận, chín phần tử vong.

Tử thi trên khắp cánh đồng,

Những thây ngựa chết nặc nồng máu me.

Địch quân phong tỏa bốn bề,

Quân ta cảm tử không hề tháo lui.

Mình mang bao vết thương rồi,

Vẫn trên lưng ngựa không rời mũi thương.

Mịt mù khói lửa chiến trường,

Tung hoành xung đột đoạt gươm cướp cờ.

Đoàn quân thiết kỵ reo hò,

Cùng theo chủ tướng vỡ bờ xông lên.

Ngựa phi vào phía trận tiền,

Múa gươm gạt những mũi tên địch thù.

Đâu là thực, đâu là hư,

Trong làn mơ ảo sương mù xung quanh.

Bám dây leo đến mặt thành,

Trong cơn sinh tử nhớ hình ảnh em.

Cắm gươm cởi giáp truớc thềm,

Bên ngoài tướng sĩ loan truyền chiến công.

Kéo lên mình tấm vải bông,

Lịm đi vào giấc bềnh bồng lãng phiêu.

Trong mơ có dáng yêu kiều,

Em bên khung cửi, nắng chiều bên song.

Bây giờ trời lại lập đông,

Càng thêm giá lạnh cõi lòng chinh nhân.

Vua ban hiệu lệnh hành quân,

Tháp tùng Nguyên Soái họ Trần duyệt binh.

Cảm thương chiến sĩ của mình,

Những người xa vắng gia đình bao năm.

Như anh họ cũng biết rằng,

Ra đi nào biết có chăng lúc về.

Tráng sĩ hề, tráng sĩ hề,

Cùng ta uống máu ăn thề hôm nay.

Ngày qua rồi lại qua ngày,

Trời đông tuyết trắng bay bay lạnh lùng.

Bắc phương mây xám chập chùng,

Dừng quân cắm trại trong rừng thông xanh.

Ngày xưa làng mạc vây quanh,

Giặc về đốt phá tan tành còn đâu.

Khô cằn những thửơ ruộng màu,

Quạ kêu quang quác trên đầu ngọn cây.

Lòng riêng ấp ủ niềm tây,

Chừng như cỏ lá úa gầy đêm qua.

Tuyết rơi biên ải quan hà,

Gợi lên bao nỗi nhớ nhà, nhớ em.

Đường còn xa, gối đã mềm,

(Ba mùa đông đã qua thềm hoa xưa.)

Hàng lau hiu hắt gió đùa,

Hỏi người chinh chiến sao chưa tái hồi?

2- Chinh Phụ Từ

Dòng sông đưa nước về đâu?

Cho em gửi chiếc lá sầu tương tư.

Từ chàng chinh chiến diệt thù,

Đã ba năm chẳng có thư một lần.

Thương chàng sương gió bụi trần,

Ngựa hồng chắc đã ngại ngần vó câu.

Em hằng khấn nguyện đêm thâu,

Mong ngày nối lại nhịp cầu phu thê.

Hôm nay gió bấc trở về,

Hàng dương liễu lạnh, tái tê khuê phòng.

Thêm một ngày mãi chờ mong,

Thêm một ngày mãi ngóng trông bóng chàng.

Từng đêm chăn gối ngỡ ngàng,

Hơi người ấp ủ đã ngàn giấc mơ.

Giờ đây xa cách đôi bờ,

Nhớ thương biết đến bao giờ mới nguôi.

Từ chàng biền biệt chân trời,

Tóc tai biếng chải, mắt môi nhạt mầu.

Cứ trông về phía hàng dâu,

Ngóng chừng bóng ngựa qua cầu hồi hương.

Nhưng ngày lại khuất tà dương,

Cho hoa héo nhụy tàn hương giữa mùa.

Mình em trong bức màn thưa,

Gục đầu lên gối lệ mưa mấy dòng.

Chàng đi từ độ sầu đông,

Đã ba lần tuyết chập chùng chốn quê.

Ba năm chàng hẹn quay về,

Ba lần con nước tràn đê vỡ bờ.

Xuân sang lòng vẫn ơ hờ,

Từng mùa nắng hạ lặng lờ trôi qua.

Thu vừa xong nữa là ba,

Giờ này năm ấy chàng xa thiếp rồi.

Người đi, nhà vắng tiếng cười,

Có ai để thiếp chuốc mời rượu ngon.

Sân nhà lặng lẽ không còn,

Bóng chàng tập luyện quay tròn đường đao.

Tưởng chừng mới độ hôm nào,

Chàng vừa ướm thử áo bào em may.

Mà nay đã quá ngàn ngày,

Chợt nghe khóe mắt dâng đầy lệ em.

Nắng vàng chênh chếch trên thềm,

Nhớ người và những êm đềm năm xưa.

Bên nhau dù nắng hay mưa,

Dù đông thi hữu hay thưa khách chào.

Đời ta vẫn rộ hoa đào,

Cho nhau đằm thắm ngọt ngào yêu đương.

Hai bên phụ mẫu mến thương,

Khen chàng võ nghệ văn chương vẹn bề.

Từ em ở lại miền quê,

Nuôi tằm dệt vải chẳng nề khó khăn.

Biết chàng ngàn dặm xa xăm,

Gió sương rừng núi dãi dầm nắng mưa.

Mong đồng lúa lại được mùa,

Góp lương nuôi lính vẫn thừa nuôi dân.

Việc nhà gánh vác tảo tần,

E chừng nhan sắc có phần kém xưa.

Năm nay chàng sẽ về chưa?

Em mang lễ vật lên chùa hỏi xâm.

Quẻ lành, sư cụ nói rằng,

“Tàn cơn gió bấc, mùa xuân tái hồi”.

Đêm nay trong dạ bồi hồi,

Mong tình quân đến đứng ngồi chẳng yên.

Cầu xin trời độ người hiền,

Cầu cho loan phụng nối liền dây tơ.

Phạm Doanh3- Chinh Phu Chinh Phụ Thán

Phu:

Trên miền sa mạc chiến trường,

Trải bao trận địa thê lương ngút ngàn.

Ba năm rong ruổi việc quan,

Nhớ thương người vợ võ vàng chốn quê.

Chưa xong nợ nước chưa về,

Niềm riêng giữ kín không hề hở môi.

Áo bào bạc hết cả rồi,

Chiếc khăn ngày tiễn không rời khỏi thân.

Phụ:

Dòng sông đưa nước về đâu?

Cho em gửi chiếc lá sầu tương tư.

Từ chàng chinh chiến diệt thù,

Đã ba năm chẳng có thư một lần.

Thương chàng sương gió bụi trần,

Ngựa hồng chắc đã ngại ngần vó câu.

Em hằng khấn nguyện đêm thâu,

Mong ngày nối lại nhịp cầu phu thê.

Phu:

Lửa canh đêm đã tàn dần,

Vừng đông thấp thoáng phía chân ngọn đồi.

Một ngày mới lại lên rồi,

Nón đồng, giáp sắt trên người mặc xong.

Thanh gươm mỏng, vó ngựa hồng,

Nghe hồi pháo lệnh nổ đùng tiến quân.

Quê nhà em có biết rằng,

Hôm nay ra trận, chín phần tử vong.

Phụ:

Hôm nay gió bấc trở về,

Hàng dương liễu lạnh, tái tê khuê phòng.

Thêm một ngày mãi chờ mong,

Thêm một ngày mãi ngóng trông bóng chàng.

Từng đêm chăn gối ngỡ ngàng,

Hơi người ấp ủ đã ngàn giấc mơ.

Giờ đây xa cách đôi bờ,

Nhớ thương biết đến bao giờ mới nguôi.

Phu:

Tử thi trên khắp cánh đồng,

Những thây ngựa chết nặc nồng máu me.

Địch quân phong tỏa bốn bề,

Quân ta cảm tử không hề tháo lui.

Mình mang bao vết thương rồi,

Vẫn trên lưng ngựa không rời mũi thương.

Mịt mù khói lửa chiến trường,

Tung hoành xung đột đoạt gươm cướp cờ.

Phụ:

Từ chàng biền biệt chân trời,

Tóc tai biếng chải, mắt môi nhạt mầu.

Cứ trông về phía hàng dâu,

Ngóng chừng bóng ngựa qua cầu hồi hương.

Nhưng ngày lại khuất tà dương,

Cho hoa héo nhụy tàn hương giữa mùa.

Mình em trong bức màn thưa,

Gục đầu lên gối lệ mưa mấy dòng.

Phu:

Đoàn quân thiết kỵ reo hò,

Cùng theo chủ tướng vỡ bờ xông lên.

Ngựa phi vào phía trận tiền,

Múa gươm gạt những mũi tên địch thù.

Đâu là thực, đâu là hư,

Trong làn mơ ảo sương mù xung quanh.

Bám dây leo đến mặt thành,

Trong cơn sinh tử nhớ hình ảnh em.

Phụ:

Chàng đi từ độ sầu đông,

Đã ba lần tuyết chập chùng chốn quê.

Ba năm chàng hẹn quay về,

Ba lần con nước tràn đê vỡ bờ.

Xuân sang lòng vẫn ơ hờ,

Từng mùa nắng hạ lặng lờ trôi qua.

Thu vừa xong nữa là ba,

Giờ này năm ấy chàng xa thiếp rồi.

Phu:

Cắm gươm cởi giáp truớc thềm,

Bên ngoài tướng sĩ loan truyền chiến công.

Kéo lên mình tấm vải bông,

Lịm đi vào giấc bềnh bồng lãng phiêu.

Trong mơ có dáng yêu kiều,

Em bên khung cửi, nắng chiều bên song.

Bây giờ trời lại lập đông,

Càng thêm giá lạnh cõi lòng chinh nhân.

Phụ:

Người đi, nhà vắng tiếng cười,

Có ai để thiếp chuốc mời rượu ngon.

Sân nhà lặng lẽ không còn,

Bóng chàng tập luyện quay tròn đường đao.

Tưởng chừng mới độ hôm nào,

Chàng vừa ướm thử áo bào em may.

Mà nay đã quá ngàn ngày,

Chợt nghe khóe mắt dâng đầy lệ em.

Phu:

Vua ban hiệu lệnh hành quân,

Tháp tùng Nguyên Soái họ Trần duyệt binh.

Cảm thương chiến sĩ của mình,

Những người xa vắng gia đình bao năm.

Như anh họ cũng biết rằng,

Ra đi nào biết có chăng lúc về.

Tráng sĩ hề, tráng sĩ hề,

Cùng ta uống máu ăn thề hôm nay.

Phụ:

Nắng vàng chênh chếch trên thềm,

Nhớ người và những êm đềm năm xưa.

Bên nhau dù nắng hay mưa,

Dù đông thi hữu hay thưa khách chào.

Đời ta vẫn rộ hoa đào,

Cho nhau đằm thắm ngọt ngào yêu đương.

Hai bên phụ mẫu mến thương,

Khen chàng võ nghệ văn chương vẹn bề.

Phu:

Ngày qua rồi lại qua ngày,

Trời đông tuyết trắng bay bay lạnh lùng.

Bắc phương mây xám chập chùng,

Dừng quân cắm trại trong rừng thông xanh.

Ngày xưa làng mạc vây quanh,

Giặc về đốt phá tan tành còn đâu.

Khô cằn những thửơ ruộng màu,

Quạ kêu quang quác trên đầu ngọn cây.

Phụ:

Từ em ở lại miền quê,

Nuôi tằm dệt vải chẳng nề khó khăn.

Biết chàng ngàn dặm xa xăm,

Gió sương rừng núi dãi dầm nắng mưa.

Mong đồng lúa lại được mùa,

Góp lương nuôi lính vẫn thừa nuôi dân.

Việc nhà gánh vác tảo tần,

E chừng nhan sắc có phần kém xưa.

Phu:

Lòng riêng ấp ủ niềm tây,

Chừng như cỏ lá úa gầy đêm qua.

Tuyết rơi biên ải quan hà,

Gợi lên bao nỗi nhớ nhà, nhớ em.

Đường còn xa, gối đã mềm,

(Ba mùa đông đã qua thềm hoa xưa.)

Hàng lau hiu hắt gió đùa,

Hỏi người chinh chiến sao chưa tái hồi?

Phụ:

Năm nay chàng sẽ về chưa?

Em mang lễ vật lên chùa hỏi xâm.

Quẻ lành, sư cụ nói rằng,

“Tàn cơn gió bấc, mùa xuân tái hồi”.

Đêm nay trong dạ bồi hồi,

Mong tình quân đến đứng ngồi chẳng yên.

Cầu xin trời độ người hiền,

Cầu cho loan phụng nối liền dây tơ.

Phạm Doanh