CHƠI VỚI CHỮ

Vĩnh Đào

Pierre de Marbeuf (1596-1645) là một thi sĩ Pháp thuộc đầu thế kỷ XVII. Bài thơ dưới đây là một thí dụ sớm nhất của nghệ thuật chơi chữ trong thi ca văn học Pháp. Tác giả dựa vào cách đọc đồng âm hoặc na ná giống nhau, giữa các từ la mer = biển, l’amour = tình, l’amer = vị đắng, để tạo ra một chuỗi âm thanh lạ và êm tai, đồng thời tạo ra một sự liên kết về nghĩa giữa ba từ đó:

Et la mer et l’amour ont l’amer pour partage,

Et la mer est amère, et l’amour est amer,

L’on s’abîme en l’amour aussi bien qu’en la mer,

Car la mer et l’amour ne sont point sans orage.

Khi nhà thơ chơi với chữ và đùa với nghĩa thì không thể nào dịch sang một ngôn ngữ khác. Đại ý là biển và tình yêu đều có chung một vị đắng. Biển (mặn) đắng thì tình cũng đắng. Người có thể đắm trong biển cũng như đuối vì tình. Vì biển và tình đều có nổi cơn giông.

Nhân việc thi sĩ Marbeuf nói là biển cả và tình yêu đều có giông tố, nhớ lại hai câu đối trong văn học Việt Nam:

Vũ vô kiềm toả năng lưu khách.

Sắc bất ba đào dị nịch nhân.

雨無鈐鎖能留客

色不波濤易溺人

Vì là câu đối chữ Hán nên có thể tưởng là đó là một sáng tác truyền tụng trong văn học Trung Hoa. Nhưng thật ra câu chuyện về câu đối này liên quan đến một học giả Việt Nam đậu trạng nguyên sống vào đầu thế kỷ XVI. Nguyễn Giản Thanh, người làng Ông Mặc (làng Me), tỉnh Bắc Ninh, sinh vào khoảng năm 1482, không rõ năm mất. Từ nhỏ, ông học rất thông minh, về sau đỗ trạng nguyên, tục gọi là Trạng Me.

Chuyện kể rằng, một hôm đang đi học với thầy là Tiến sĩ Ðàm Thận Huy từng làm quan dưới sáu triều vua Lê; đến giờ tan học thì trời đổ mưa, học sinh không về được phải ngồi lại lớp. Thầy Ðàm Thận Huy đưa ra một câu đối để học trò tìm vế đối lại:

Vũ vô cầm toả năng lưu khách

(Mưa không có then khoá mà giữ được khách)

Nguyễn Giản Thanh tìm ra vế đối chỉnh nhất:

Sắc bất ba đào dị nịch nhân.

Sắc đẹp không có sóng gió mà làm đắm người.

Nguyễn Giản Thanh sống vào khoảng hơn 100 năm trước Pierre de Marbeuf, nhưng từ Đông sang Tây, những tư tưởng tinh tế thường hay gặp nhau. Ngôn ngữ tiếng Việt cũng công nhận là anh hùng cũng có thể đắm trong biển tình, nên có những thành ngữ “mê say đắm”, và “yêu đắm đuối”. Nhưng mục đích của bài này không phải là bàn về biển và tình, mà muốn nói là thi sĩ có thể dùng chữ như trong một trò chơi, tạo ra một bản nhạc êm tai và ngộ nghỉnh. Nhưng trò chơi này không hề dễ.

Et la mer et l’amour ont l’amer pour partage,

Et la mer est amère, et l’amour est amer,

L’on s’abîme en l’amour aussi bien qu’en la mer,

Car la mer et l’amour ne sont point sans orage.

Chơi với chữ, dùng âm thanh của chữ để tạo nhạc tính cho câu thơ là một cuộc phiêu lưu liều lĩnh. Phải chờ đến thế kỷ XX mới có Jacques Prévert (1900-1977) mạo hiểm đả phá cấu trúc ngôn ngữ, tấn công vào những lối nói rập khuôn (stereotype), bóp méo những thành ngữ quen dùng, từ đó tạo ra những hình ảnh bất ngờ, những câu thơ hai nghĩa, những kết hợp lạ tai. Tập thơ Paroles (“Lời nói”) xuất bản năm 1946, là một tuyển tập những trò chơi với chữ:

Tôi yêu người nào yêu tôi

Có phải chăng là lỗi của tôi

Nếu mỗi lần tôi yêu người

Không cùng là người trước đó tôi yêu.

J’aime celui qui m’aime

Est-ce ma faute à moi

Si ce n’est pas le même

Que j’aime à chaque fois ?

Cha chúng con ở trên trời

Cha ở đấy đi

Chúng con ở dưới trần thế

Nhiều khi đẹp ghê.

Notre Père qui êtes aux cieux

Restez-y

Et nous nous resterons sur la terre

Qui est quelquefois si jolie.

Trong bài thơ dưới đây, tác giả bắt đầu bằng từ “l’amiral” (đô đốc), cho đô đốc một tên nghe gần như vậy: Larima, rồi kết hợp với nhóm chữ “la rime à” (vần với…). Bài thơ chỉ có mục đích tạo nên một chuỗi âm thanh ngộ nghỉnh, ý nghĩa mang tính khôi hài chỉ là phụ thuộc:

L’Amiral Larima

Larima quoi

la rime à rien

l’amiral Larima

l’amiral Rien.

CHƠI VỚI CHỮ – Thơ Diễm Thuyên

Chữ là vật liệu của nhà thơ cũng như gạch, cát… là vật liệu của người thợ hồ, từ những vật liệu đó mà xây dựng những gì mình muốn. Chơi với chữ, với những âm thanh, với những nghĩa ẩn, nghĩa bóng, nghĩa đôi… để tạo nên những chuỗi âm thanh du dương, lạ tai, là một công trình rất khó thành công.

Diễm Thuyên, một nhà thơ trẻ ở Việt Nam, đã mạo hiểm làm công việc đó: kết quả là “Những khúc ru… khó ngủ”, một loạt sáng tác nhỏ như những khúc nhạc réo rắt với chữ bay lượng trên không như những quả bóng trong tay một nhà ảo thuật. Điểm rất khó thực hiện là tuy tác giả chú trọng phần nhạc tính của chữ nhưng bài thơ vẫn có một ý nghĩa sâu sắc, khi thì ngộ nghỉnh, khi thì gợi cảm hay khiêu khích. Đó là một thành công rất đáng khâm phục của tác giả.

TA NGỦ ĐI EM

Anh ngủ đi

Em ngủ đây

Anh đây em ngủ giấc đầy đi em

Ngủ đi anh

Ngủ đi đêm

Đêm anh đi ngủ đêm em ngủ đầy

Em ngủ đi

Anh ngủ đây

Anh ngủ em ngủ giấc đầy đêm đi

AI RỦ EM RU

Đêm nay ai rủ em ru

Em ru ai ngủ ai ru đêm này

Ai ru em ngủ đêm nay

Rủ ai ru ngủ đêm này ai ru

Ai ngủ ai rủ em ru

Em rủ ai ngủ ai ru đêm này

Rủ ai ru ngủ đêm nay

Ai rủ em ngủ đêm này… như ru…

Trong một bài ru, tác giả chỉ dùng một số ít chữ tạo nên những nét chấm phá để trí tưởng tượng người đọc hoàn thành bức tranh theo ý của mình. Kết quả là một điệu nhạc êm tai với những lời ởm ờ, tinh nghịch.

RU RỦ RÙ RU

Đêm này em ru chúng ta

Chúng ta cùng thức để mà ru nhau

À ơi rồi lại ví dầu

Ví dầu rồi lại bắt đầu à ơi

À ơi rồi lại ạ ời

Ạ ời rồi lại à ơi ví dầu

Ví dầu ví dẩu ví dâu

Ví dâu xong lại bắt đầu à ơi

À ơi rồi lại ạ ời…

Trong bài dưới đây, gồm 6 cặp lục bát, tức là 12 câu thơ có tổng cộng 84 chữ, nhưng tác giả chỉ dùng có 7 chữ lập đi lập lại: đêm + nay + chỉ + ru + giấc + ngủ + một + mình. Chữ “mình” được lập lại nhiều nhất (31 lần).

MỘT MÌNH NGỦ, MỘT MÌNH RU

Đêm nay ru giấc một mình

Đêm nay chỉ một giấc mình mình ru

Một mình mình ngủ mình ru

Mình ngủ một giấc mình ru một mình

Mình ru mình ngủ một mình

Mình một mình ngủ một mình mình ru

Một mình ngủ một mình ru

Ru mình ngủ ngủ mình ru một mình

Một ru một ngủ một mình

Mình mình ru ngủ một mình ngủ ru

Đêm nay mình ngủ mình ru

Mình ru mình ngủ mình ru một mình…

Thêm vài bài nữa…

RU EM RU CHỊ

Em ru em, em ru chị

Em ru cho đẹp mộng mị chúng mình

Em ru nghĩa em ru tình

Em ru để bóng với hình có nhau

Em ru đớn em ru đau

Ru tan tác nhớ ru sầu rưng rưng

Em ru riêng em ru chung

Ru cho đồng điệu để cùng thiết tha

Em ru quỷ em ru ma

Em ru thần thánh để ra kiếp người

Ru cho chị mỉm môi cười

Ru em vơi lệ để thôi ngậm ngùi

Mình ru nhau giấc ngủ vùi

Trăng khuya ghé lại để xui mộng lành

À ơi

Trăng vàng ru những mộng xanh

Đàn bà ngủ muộn sao đành…

À ơi…

ĐỂ CHO GIẤC NGỦ NHẸ NHÀNG

Không cần ru tìm giấc ngủ

Không cần ai nhắn ai rủ khép mi

Mình muốn thì mình làm đi

Cởi hết những mắc mớ chi trên người

Mắc mớ làm vỡ nụ cười

Mắc mớ làm mắt kém tươi ánh nhìn

Mắc mớ làm mệt thần kinh

Mắc mớ tim đập thập thình âu lo

Mắc mớ làm nhớ co ro

Làm yêu hoang hoải ngụp mò nguồn cơn

Mắc mớ làm nhớ ba lơn

Làm yêu yêu nữa thiệt hơn chẳng màng

Bỏ hết mắc mớ chàng ràng

Thế là đánh giấc nhẹ nhàng

À ơi…

Vĩnh Đào

Tháng 7-2020