Lối viết mới ngọt ngào                                       

trong thi ca Ý ngữ

Đàm Trung Pháp

 

Guido Cavalcanti (1260-1300) là thủ lãnh trường phái Dolce stil nuovo (Lối viết mới ngọt ngào) mà chủ đích là để tán dương phụ nữ. Tán dương phái đẹp thực ra đâu có gì mới mẻ, nhưng cái “mới ngọt ngào” của trường phái Cavalcanti là niềm tin rằng tình yêu chỉ có thể phát sinh trong những con tim hào hiệp cao nhã và phái đẹp chính là những thiên thần giáng thế để cứu độ các đấng mày râu! Như vậy, tình yêu dành cho một phụ nữ cũng là tình yêu dâng lên Thượng Đế. Cavalcanti làm nhiều thơ, nhưng những bài hay nhất của ông lại là những bài ngăn ngắn trong đó triết lý khô khan bị quên lãng mà chỉ còn những tình ý cá nhân chan chứa. Bài thơ In un boschetto (Trong rừng thưa) – mà đoạn mở đầu được trích dịch dưới đây – là một tuyệt chiêu nói về cuộc gặp gỡ như mơ giữa thi nhân và một nữ mục tử trong rừng. Yếu tố thành khẩn và bộc trực trong cảm nghĩ của cô mục tử trong bài thơ làm người đọc khó quên được nàng. Nàng diễm lệ như thế này thì còn ai hơn được nữa:

Trong rừng thưa tôi gặp nàng mục tử

hơn cả sao trời – nàng đẹp như mơ

Tóc vàng óng ả, da thịt hồng tươi, đôi mắt long lanh tình ái, nàng đang chăm sóc đàn cừu non. Mà gợi cảm thay:

Đi chân không, ướt đẫm sương mai

nàng hát ca như say hương tình ái

Thi nhân choáng váng, chào nàng làm quen và muốn biết nàng có ai đi cùng với nàng không. Dịu dàng nàng thưa:

Rằng cô đơn cô độc em băng rừng

Như thể đã quen thi nhân từ lâu, nàng thỏ thẻ cho biết mỗi khi nghe tiếng chim ca nàng lại thầm ước có được người yêu. Dịp may tới rồi, thi nhân tự nhủ, vì nàng còn lẻ bóng mà chim chóc lại đang ca hát tưng bừng. Chàng thử lửa:

Tôi chỉ xin ân huệ hôn nàng

và ôm ấp – nếu cùng ước vọng

Nắm tay thi nhân, nàng cho biết trái tim đã trao chàng đó. Tay đan tay, họ đi dưới những cành cây tươi tốt, quanh chân họ hoa sắc muôn màu. Nàng chẳng còn là mục tử tầm thường nữa đâu, vì:

Chốn này cuộc sống vui như hội

thần tình yêu – chắc hẳn nàng rồi

Người dân Ý yêu bài thơ In un boschetto bất hủ này của Cavalcanti vì tác giả đã thần thánh hóa một cách kỳ diệu một phụ nữ không chút quyền quý cao sang.