Một bán cầu trong mái tóc:

Bài thơ bằng văn xuôi của Baudelaire

Vĩnh Đào

Baudelaire (1821-1867) là một nhà thơ lớn của Pháp thế kỷ 19. Ông đã đưa thi ca Pháp ra khỏi khuynh hướng lãng mạn và được xem là người mở đường cho trường phái biểu tượng và cho cả nền thi ca Pháp hiện đại. Tác phẩm nổi tiếng nhất của ông là tập thơ Những bông hoa của tội lỗi (Les Fleurs du Mal), xuất bản năm 1857. Liền sau khi tập thơ ra mắt, tác giả và nhà xuất bản tập thơ bị truy tố về tội “xâm phạm thuần phong mỹ tục”, bị phạt một số tiền lớn; sáu bài thơ bị cấm và phải rút khỏi tập thơ. Cũng gần như vào lúc Baudelaire sáng tác những bài trong tập Những bông hoa của tội lỗi, ông cũng đã bắt đầu viết những bài thơ dưới hình thức văn xuôi.

Những tác phẩm này được gom lại trong một tập thơ có tên là Một thoáng buồn Paris, hay là “Những bài thơ nhỏ bằng văn xuôi”. Tuyển tập này chỉ được xuất bản vào năm 1869, tức là hai năm sau khi tác giả mất. Bản văn sau đây được trích trong tập đó.

Un hémisphère dans une chevelure

Laisse-moi respirer longtemps, longtemps l’odeur de tes cheveux, y plonger tout mon visage, comme un homme altéré dans l’eau d’une source, et les agiter avec ma main comme un mouchoir odorant, pour secouer des souvenirs dans l’air.

Si tu pouvais savoir tout ce que je vois! tout ce que je sens! tout ce que j’entends dans tes cheveux! Mon âme voyage sur le parfum comme l’âme des autres hommes sur la musique.

Tes cheveux contiennent tout un rêve, plein de voilures et mâtures; ils contiennent de grandes mers dont les moussons me portent vers de charmants climats, où l’espace est plus bleu et plus profond, où l’atmosphère est parfumée par les fruits, par les feuilles et par la peau humaine.

Dans l’océan de ta chevelure, j’entrevois un port fourmillant de chants mélancoliques, d’hommes vigoureux de toutes nations et de navires de toutes formes découpant leurs architectures fines et compliquées sur un ciel immense où se prélasse l’éternelle chaleur.

Dans les caresses de ta chevelure, je retrouve les langueurs des longues heures passées sur un divan, dans la chambre d’un beau navire, bercées par le roulis imperceptible du port, entre les pots de fleurs et les gargoulettes rafraîchissantes.

Dans l’ardent foyer de ta chevelure, je respire l’odeur du tabac mêlé à l’opium et au sucre; dans la nuit de ta chevelure, je vois resplendir l’infini de l’azur tropical; sur les rivages duvetés de ta chevelure, je m’enivre des odeurs combinées du goudron, du musc et de l’huile de coco.

Laisse-moi mordre longtemps tes tresses lourdes et noires. Quand je mordille tes cheveux élastiques et rebelles, il me semble que je mange des souvenirs.

Một bán cầu trong mái tóc

Hãy để anh hít thở lâu, thật lâu, hương thơm của tóc em, để anh vùi mặt trong đó như một kẻ khát nước úp mặt trong dòng suối, và để anh lấy tay đong đưa tóc em như vẩy một chiếc khăn tay thơm ngát để giũ kỷ niệm bay trong gió.

Em làm sao biết được tất cả những gì anh thấy! tất cả những gì anh ngửi được! tất cả những gì anh nghe được trong mái tóc em! Hồn anh phiêu du trong hương thơm như người khác thả hồn trong âm nhạc.

Tóc em chứa đựng cả một giấc mơ, đầy những cánh buồm và cột buồm; tóc em chứa đựng những đại dương mà gió mùa đưa anh đến những vùng khí hậu êm đềm, nơi đó bầu trời xanh hơn và sâu hơn, không khí đượm mùi thơm của cây trái, của lá và da người.

Trong đại dương của tóc em, anh chợt thấy một hải cảng chi chít những ca khúc buồn, những con người vạm vỡ đến từ tất cả các nước và những chiếc tàu đủ mọi hình dáng, mảnh mai và cầu kỳ, in bóng trên một bầu trời rộng thênh thang nơi đó ngự trị một bầu nắng ấm vĩnh cữu.

Trong những mơn trớn của mái tóc em, anh tìm thấy lại cảm giác thảnh thơi của những giờ nằm trên ghế nệm, trong căn buồng một chiếc thuyền đẹp, được ru bởi những làn sóng nhẹ của hải cảng, giữa các chậu hoa và những bình nước mát.

Trong bếp lửa nồng nàn của làn tóc em, anh ngửi thấy mùi thơm của thuốc lá trộn lẫn với hương vị nha phiến và mùi vị của đường; trong màn đêm của tóc em, anh thấy rực rỡ khoảng trời xanh vô tận miền nhiệt đới; trên những bến bờ phủ lông tơ của mái tóc em, anh say với mùi nhựa cây, trộn lẫn với xạ hương và dầu dừa.

Hãy để anh cắn lâu vào những lọn tóc dày và đen của em. Khi anh cắn nhẹ những sợi tóc uyển chuyển và ngỗ nghịch của em, anh có cảm giác như anh đang ăn những kỷ niệm.

Hình thức thơ bằng văn xuôi là một thể loại xuất hiện vào khoảng đầu thế kỷ 19 tại châu Âu, chủ yếu là Pháp và Đức. Baudelaire không phải là người đầu tiên phát minh ra hình thức này, những ông chính là người sáng chế ra cụm từ “thơ bằng văn xuôi” (poème en prose).

Thơ bằng văn xuôi là thể văn đứng ở giữa thơ và văn xuôi. Thoạt nhìn vào thì như một bài viết bằng văn xuôi, không xuống dòng như một bài thơ thông thường, không bị gò bó về luật thơ, không phải gieo vần và có nhịp điệu một cách rõ ràng. Tuy nhiên, tác giả sử dụng một số thủ pháp nghệ thuật đặc trưng của thơ để tạo nhịp điệu trong câu văn, tạo hình ảnh thơ dồi dào (qua những thủ pháp so sánh và ẩn dụ…).

Bài Một bán cầu trong mái tóc được sáng tác với nguồn cảm hứng là Jeanne Duval, người tình Pháp lai mà Baudelaire quen vào năm 1842, gốc từ một hòn đảo nhiệt đới nào thuộc địa của Pháp không rõ lắm. Nhà thơ đã sống một mối tình đầy sóng gió trong 23 năm với người mà ông gọi là “Vệ Nữ đen” vì màu da của nàng.

Trong bản văn này chúng ta thấy lại những đề tài quen thuộc trong các thi phẩm của Baudelaire: người phụ nữ là một lời mời gọi viễn du đến những chân trời xa xôi, đến những miền nhiệt đới giữa gió, cát và nắng ấm.

Thủ pháp thơ trong một bản văn xuôi

Trước hết, chúng ta xem tại sao bản văn trên được gọi là một bài thơ bằng văn xuôi.

Bản văn gồm bảy đoạn, dài ngắn không đồng đều, không ngắt dòng và không có vần như một bài thơ. Nhưng tác giả dùng rất nhiều những thủ pháp đặc thù của thơ.

Trước hết, về mặt cấu trúc, đoạn chót của bản văn bắt đầu giống như đoạn đầu: “Hãy để anh…” và trở về với những chi tiết đã nêu trong đoạn đầu (tác giả ghé sát mặt vào mái tóc người yêu và tìm lại những kỷ niệm trong đó), làm thành một cấu trúc vòng tròn, như thể sự quyến rũ của mái tóc và cuộc đi tìm mộng mơ và kỷ niệm trở về không dứt.

Tác giả dùng nhiều đến biện pháp điệp ngữ để tạo nhịp điệu cho câu văn: lập lại cách cấu trúc câu, lập lại các từ, các âm thanh… cho câu văn xuôi cũng có nhịp điệu và nhạc tính. Các điệp ngữ: “hãy để anh”…”trong… của tóc em”, “tất cả những gì”… “tóc em chứa đựng”… được lập lại nhiều lần hay trở lại như một điệp khúc tạo một nhịp điệu cho bản văn và dẫn dắt những hình ảnh đến một cách dồn dập.

Trong bản văn, hình ảnh thơ rất dồi dào, tác giả đã dùng các thủ pháp so sánh và ẩn dụ để tạo những hình ảnh thơ.

Chúng ta nhận thấy được ba trường hợp so sánh: anh vùi mặt trong mái tóc em như một kẻ khát nước úp mặt trong dòng suối; anh đong đưa tóc em như vẩy một chiếc khăn tay; hồn anh phiêu du trong hương thơm như người khác thả hồn trong âm nhạc

Nhưng phần lớn là những trường hợp ẩn dụ: tóc em chứa đựng cả một giấc mơ, chứa đựng những đại dương, trong đại dương của tóc em, trong bếp lửa nồng nàng của làn tóc em, v.v. Những hình này đưa trí tưởng tượng vào những cuộc viễn du, đến những vùng đất nắng ấm, xa lạ. Ẩn dụ mái tóc – đại dương kéo dài liên tục chiếm phần lớn bản văn, kèm theo là những từ ngữ đặc thù về biển như cánh buồm và cột buồm, gió mùa, hải cảng, những chiếc tàu, căn buồng một chiếc thuyền đẹp, những làn sóng nhẹ…

Mái tóc, điểm khởi đầu cho mơ mộng và một cuộc viễn du

Mái tóc của người tình đã đưa tác giả đi vào mơ mộng, mơ về những cuộc viễn du đến những vùng đất xa lạ. Trong bài này chúng ta tìm thấy lại những chủ đề quen thuộc trong các bài thơ của Baudelaire: những chuyến viễn du đến những miền nắng ấm miền nhiệt đới, tình yêu nồng nàn trên những hòn đảo đầy nắng, gió, những giờ nhàn rỗi đong đưa trên võng…

Cuộc viễn du trong hồi tưởng này là một hành trình khơi dậy tất cả các giác quan.

Thị giác: tất cả những gì anh thấy… – anh chợt thấy một hải cảng – bầu trời xanh hơn và sâu hơn – rực rỡ khoảng trời xanh vô tận miền nhiệt đới – những con người vặm vỡ đến từ tất cả các nước – những chiếc tàu đủ mọi hình dáng – một bầu trời rộng thênh thang – căn buồng một chiếc thuyền đẹp – các chậu hoa và những bình nước mát…

Thính giác: những gì anh nghe được – thả hồn trong âm nhạc – chi chít những ca khúc buồn…

Xúc giác: những vùng khí hậu êm đềm – một bầu nắng ấm vĩnh cữu – những mơn trớn của mái tóc em – bếp lửa nồng nàng của làn tóc em…

Vị giác: mùi vị của đường – anh cắn lâu vào những lọn tóc – anh cắn nhẹ những sợi tóc – anh đang ăn những kỷ niệm…

Nhưng nhiều hơn hết là những cảm giác về khứu giác: hương thơm của tóc em – chiếc khăn tay thơm ngát – những gì anh ngữi được – mùi thơm của cây trái, của lá và da người – mùi thơm của thuốc lá – hương vị nha phiến – mùi nhựa cây – xạ hương và dầu dừa…

Nhà thơ đưa người đọc vào một thế giới xa lạ đầy hương thơm và mùi vị nồng nàn của các sản phẩm miền nhiệt đới. Trong số các mùi, có những mùi mạnh và nồng, đầy “nam tính” như thuốc lá, nha phiến, nhựa cây, xạ hương, dầu dừa… và những mùi nhẹ nhàng hơn như mùi trái cây và lá. Hai mùi mang “nữ tính” này lại được kết hợp với “da người”. Ta phải hiểu đây là hương thơm da người phụ nữ, người tình của nhà thơ?

Nếu trong triết học cổ phương Đông thì tất cả vũ trụ đều phát sinh từ năm nguyên tố cơ bản là Kim, Mộc, Thủy, Thổ, Hỏa, thì theo triết lý Tây phương, bốn nguyên tố cơ bản là không khí, nước, lửa và đất. Cả bốn nguyên tố này đều có mặt trong bản văn:

Không khí với đủ loại hương thơm, với bầu trời xanh hơn và sâu hơn, rồi một bầu trời rộng thênh thang, khoảng trời xanh vô tận, những vùng khí hậu êm đềm…

Nước với dòng suối nơi nhà thơ úp mặt như một kẻ khát nước, với biển và đại dương chứa những con tàu, cho đến những chậu hoa và những bình nước mát trong khoang thuyền…

Lửa với bếp lửa nồng nàn của làn tóc em, với sức nóng của những vùng nắng ấm vĩnh cửu…

Sau cùng là đất với đủ loại sản phẩm của đất như cây trái, hoa và lá…

Tất cả những thứ đó đều được gợi ra từ mái tóc mà tác giả ca tụng trong một bản văn có tựa là: “Một bán cầu trong mái tóc”.

Một cuộc hành trình về quá khứ

Mái tóc là nơi giúp nhà thơ bộc lộ tất cả khát vọng về tình yêu chất chứa trong lòng và cũng giúp ông tìm lại những kỷ niệm của quá khứ, vì ông vùi mặt trong đó như một kẻ khát nước úp mặt trong dòng suối, rồi từ đó tác giả tìm cách khơi dậy kỷ niệm qua hành động đong đưa mái tóc người tình như vẩy một chiếc khăn tay. Tiếp đó là một hình ảnh mới lạ và đẹp: “để giũ kỷ niệm bay trong gió”. Tác giả vùi mặt mình trong mái tóc người yêu để tìm thấy lại trong đó những hình ảnh, âm thanh và hương vị xưa về cuộc tình của mình.

Trong đoạn cuối, nhà thơ cũng lại trở về với tư thế lúc khởi đầu bài thơ là vùi mặt mình trong mái tóc người tình. Nhưng nay, sau khi đã tìm thấy lại kỷ niệm những chuyến viễn du cùng với những hải cảng xa xôi đầy màu sắc và âm thanh, những hải đảo đầy nắng gió và hương vị, nhà thơ có cảm giác như “đang ăn những kỷ niệm”. Nói một cách khác, tác giả tiếp tục hưởng thụ cảm giác êm đềm khi thả hồn về sống lại những kỷ niệm của quá khứ.

Bài “Một bán cầu trong mái tóc” là một sáng tác tiêu biểu của Baudelaire về thơ bằng văn xuôi. Trong một bản văn viết bằng văn xuôi, tác giả dùng nhiều thủ pháp của thơ, khiến cho áng văn là một lời mời gọi mơ mộng đến những vùng trời của kỷ niệm. Trong bản văn này chúng ta có thể thấy những chủ đề quen thuộc trong thi ca Baudelaire: ca tụng người phụ nữ, nguồn cảm hứng cho thi sĩ và đối tượng của tình yêu đam mê, những chuyến viễn du đến những vùng đất xa lạ, những lúc nhàn hạ trên một hoang đảo miền nhiệt đới…

Vĩnh Đào