BÌNH ĐỊNH: ĐỊA LÝ HÀNH CHÁNH

QUA CÁC THỜI KỲ LỊCH SỬ

ĐÀO ĐỨC CHƯƠNG

Xứ Bình Định qua các thời kỳ lịch sử, không ngừng thay đổi về danh xưng, ranh giới, và lối phân chia đơn vị hành chánh, cũng như tên gọi các cấp trong xứ. Chẳng hạn, khoảng cuối năm 1975, hai huyện Tuy Phước và Vân Canh bị sáp nhập thành huyện Phước Vân. Đến ngày 24- 8- 1981, Quyết định số 41- HĐBT [1], lại phục hồi địa phận và tên cũ là Tuy Phước và Vân Canh. Địa danh Phước Vân chỉ tồn tại trong 6 năm. Tỉnh Bình Định cũng không tránh khỏi sự biến đổi đột ngột. Chẳng hạn, vào tháng 2 năm 1976 sáp nhập hai tỉnh Quảng Ngãi và Bình Định thành tỉnh Nghĩa Bình; nhưng đến ngày 30- 6- 1989 lại tách ra, lấy lại tên tỉnh cũ. Địa danh Nghĩa Bình cũng chỉ tồn tại trong 14 năm. Vậy những ai phải lập giấy khai sinh, khai tử trong những năm này đều ghi tên huyện là Phước Vân và tên tỉnh là Nghĩa Bình. Trong lúc địa danh Tuy Phước đã có từ tháng 11- 1832 và địa danh Bình Định ra đời từ năm 1799. Hai địa danh này đã quen thuộc với người đời, đã có tuổi đời trên dưới hai thế kỷ, và còn tiếp tục bền vững với tháng năm. Cho nên, các thế hệ mai sau, nhìn lại giấy khai sinh khai tử của ông bà mình là huyện “Phước Vân” tỉnh “Nghĩa Bỉnh” không khỏi ngỡ ngàng về sự sáp nhập bừa bãi và thay đổi địa danh một cách tùy tiện của một thời xáo trộn.

Vì vậy, bài này, với mục đích cập nhật phần nào, trong muôn vàn thay đổi về địa danh các đơn vị hành chánh của tỉnh nhà.

I – THỜI BẮC THUỘC

– Theo Đại Nam Nhất Thống Chí [2] và chính sử, đất Bình Định xưa thuộc bộ Việt Thường Thị (越 裳 氏) [3]

01/ Đời Tần (Qin; 221 – 206 TTL) là huyện Lâm Ấp thuộc Tượng Quận.

02/ Đời Tây Hán (Xi Han; 206 TTL – 25 STL), năm Canh Ngọ (111 TTL), niên hiệu Nguyên Đỉnh thứ 6 đời Hán Võ Đế, đặt huyện Tượng Lâm (gồm Bình Định và Phú Yên), thuộc quận Nhật Nam.

03/ Đời Đông Hán (Dong Han; 25 – 220), năm Nhâm Thân (192), niên hiệu Sơ Bình thứ 3 đời Hán Hiến Đế, nhân thế lực nhà Hán quá suy yếu, viên Công tào huyện Tượng Lâm là Khu Liên (K’ouei) nổi lên giết huyện lệnh, tự xưng là Lâm Ấp Vương, lập ra nước Champa, dựng kinh đô ở Trà Kiệu (huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam).

04/ Đời Tùy (Sui; 581 – 617), năm Đại Nghiệp thứ nhất (605) chiếm được đất này, đặt là Xung Châu, sau lấy lại tên cũ là quận Lâm Ấp, gồm 4 huyện: Giao Giang, Kim Sơn, Nam Cực và Tượng Phố. Khi nhà Tùy suy yếu, người Lâm Ấp dành lại chủ quyền.

05/ Đời Đường (Tang; 618 – 907), năm Trinh Quán thứ 9 (635) lại đổi ra Lâm Châu chia làm 3 huyện: Hải Giới, Kim Long và Lâm Ấp; nhưng phải đặt nhờ lỵ sở ở miền Nam châu Hoan. Đến năm Trinh Nguyên thứ 19 (803), nhà Đường bỏ hẳn miền đất này, và nước Champa được tái lập.

II – THỜI VƯƠNG QUỐC CHAMPA

01/ Cuối thế kỷ thứ 10, vua Chăm là Hari Varman II (988 – 998), dời đô vào miền Bắc Vijaya. Theo Địa Phương Chí Tỉnh Bình Định, nhà vua lấy hiệu của mình là Đồ Bàn đặt tên cho Thủ đô mới. Thành này, nay thuộc địa phận hai thôn Nam Tân (trước là Nam An) và Bắc Thuận, thuộc xã Nhơn Hậu, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định. Đất Đồ Bàn giữ vai trò kinh đô Chăm quốc ngót 5 thế kỷ, trở thành một trung tâm văn hóa trọng yếu nhất, lừng lẫy một thời.

02/ Năm 1470, Hồng Đức (洪 德; 1470 – 1497) nguyên niên, đời Lê Thánh Tông (1460 – 1497), vua Chăm là Trà Toàn đem 10 vạn quân đánh chiếm Hóa Châu. Tháng 11 năm ấy, vua Lê Thánh Tông xuống chiếu thân chinh, tiến binh cả hai mặt thủy bộ, chiếm thành Đồ Bàn (1471), bắt vua Chăm và hoàng gia. Tuy quân ta tiến binh đến núi Thạch Bi (đèo Cả), khắc bia phân ranh giới, nhưng chỉ lấy lại đất Quảng Nam, Quảng Ngãi và chiếm thêm đất Bình Định (tức miền Bắc Vijaya có kinh đô Đồ Bàn) trấn giữ đèo Cù Mông. Còn đất Phú Yên (miền Nam Vijaya), lập vùng trái độn.

III – THỜI HẬU LÊ

– Năm 1471, đất Đồ Bàn mang tên Việt là phủ Hoài Nhơn (懷 仁 府), chia làm 3 huyện: Bồng Sơn (gồm Hoài Ân, Hoài Nhơn, An Lão ngày nay), Phù Ly (gồm Phù Mỹ và Phù Cát), và Tuy Viễn (An Nhơn, Tuy Phước, Qui Nhơn, Bình Khê, Vĩnh Thạnh, Vân Canh). Thời ấy, Hoài Nhơn (tức tỉnh Bình Định ngày nay) cùng với hai phủ Tư Nghĩa (Quảng Ngãi) và Thăng Hoa (Quảng Nam), lập thành Thừa tuyên Quang Nam.

IV – THỜI CHÚA NGUYỄN

01/ Năm 1602, chúa Nguyễn Hoàng (阮 潢; 1558 – 1612) đổi Hoài Nhơn thành phủ Qui Nhơn (歸 仁 府).

02/ Năm 1651, chúa Nguyễn Phúc Tần (阮 福 瀕; 1648 – 1687) cải danh là phủ Qui Ninh (歸 寧 府).

03/ Năm 1742, chúa Nguyễn Phúc Khoát (阮 福 闊; 1738 – 1765) lấy lại tên cũ là Qui Nhơn.

V – THỜI TÂY SƠN

01/ Năm 1775, Nguyễn Nhạc (阮 岳; ? – 1793) sửa sang và nới rộng thành Đồ Bàn, chu vi lớp ngoài lên đến khoảng 7.400 mét. Nguyên thành Đồ bàn có 4 cửa: Đông, Tây, Nam, Bắc; bấy giờ mở thêm một cửa nữa ở phía Nam, gọi là Tân Khai, đã một thời vang bóng. Và phủ Qui Nhơn là kinh đô của Tây Sơn, nay chỉ còn vang vọng trong ca dao:

Tân Khai nay vắng bóng cờ

Nào đâu tướng soái thuở xưa ra vào.

02/ Năm 1776, Nguyễn Nhạc xưng Tây Sơn Vương, đóng đô ở Đồ Bàn.

03/ Năm 1778, Nguyễn Nhạc lên ngôi vua, đặt niên hiệu là Thái Đức (泰 德), đổi tên Đồ Bàn là Hoàng Đế Thành.

04/ Năm 1799, chúa Nguyễn Phúc Ánh (阮 福 映; 1775 – 1802) chiếm được thành Qui Nhơn, cải đổi là Bình Định, năm 1801 gọi là dinh Bình Định (平 定 ).

VI – THỜI NHÀ NGUYỄN

01/ Năm 1808, vua Gia Long (嘉 隆; 1802 – 1819) đặt thành trấn Bình Định và cho xây thành mới [4], triệt hạ thành cũ, xóa nốt vết tích cuối cùng của Tây Sơn trên đất Bình Định. Thành mới, vẫn gọi là thành Bình Định, cách thành cũ hơn 5 km về phía Đông Nam. Thành này (theo địa danh thời Gia Long), toạ lạc ở ấp An Ngãi Nhì khách hộ (安 義 二 客 戶 邑), thôn Tân An, thuộc Thời Đôn, huyện Tuy Viễn; và ấp Trung Nghi Liêm Trực Thượng Hạ khách hộ (忠 宜 廉 直 上 下 客 戶 邑), thôn Trung Hòa, thuộc Thời Tú, huyện Tuy Viễn. Năm 1832, cải danh, gọi là thôn An Ngãi và Liêm Trực [5]. Nay địa phận thành nằm trong phường Bình Định, thị xã An Nhơn.

H 1: Bản đồ trấn Bình Định, trước năm 1832.

(Nguồn: An Nam Đại Quốc Họa Đồ,

Taberd, xuất bản năm 1838)

02/ Năm 1815, lập Địa bạ, trấn Bình Định vẫn giữ 3 huyện: Bồng Sơn (蓬 山 縣) có 3 tổng: Thượng, Trung, Hạ, bao gồm 150 ấp. Huyện Phù Ly (浮 鸝 縣) có 3 tổng: Thượng, Trung, Hạ, bao gồm 237 ấp. Huyện Tuy Viễn (綏 遠 縣) gồm tổng Vân Dương (雲 陽 總) và 6 thuộc [6] là Võng Nhi thuộc (網 而 屬), Hà Bạc (河 泊), Sơn Điền (山 田), Thời Tú (時 秀), Thời Đôn (時 惇), Thời Hòa (時 和), cả thảy là 272 ấp và 1 trang [7]. Theo Địa bạ triều Nguyễn, toàn trấn Bình Định có 3 huyện, gồm 7 tổng và 6 thuộc, tất cả 659 ấp và 1 trang.

03/ Tháng 11- 1832, vua Minh Mạng (明 命; 1820 – 1840) cải tổ địa lý hành chánh các tỉnh từ Quảng Nam trở vào [8], dùng danh hiệu tỉnh thay cho trấn, dưới tỉnh đặt thêm cấp phủ, dưới phủ có huyện, bỏ danh hiệu “thuộc” gọi thống nhất là tổng, đổi ấp ra thôn. Theo Địa bạ triều Nguyễn lập năm 1839, tỉnh Bình Định (平 定 省) có hai phủ:

– Phủ Hoài Nhơn (懷 仁 府) coi 3 huyện là: Bồng Sơn (蓬 山), Phù Mỹ (浮 美), và Phù Cát (浮 吉); vì Phù Ly giải thể và tách ra làm hai huyện kê trên từ năm 1832. Riêng huyện Bồng Sơn cai quản 4 tổng: Định Sơn (定 山), Thượng, Trung, Hạ, cả thảy 169 thôn. Huyện Phù Mỹ lãnh 3 tổng: Bình Hà (平 河), Trung Tĩnh (中 靜), Trung Bình (中 平), với 122 thôn. Huyện Phù Cát nhận 2 tổng: Trung Định (中 定), Trung An (中 安), bao gồm 131 thôn.

– Phủ An Nhơn (安 仁) coi 2 huyện Tuy Viễn (綏 遠) và Tuy Phước (綏 福). Riêng huyện Tuy Viễn có 2 tổng: Thời Đôn (時 惇) và Thời Hòa (時 和) lúc đó bao trùm cả địa phận tổng Phú Phong sau này; cả thảy 109 thôn. Huyện Tuy Phước cai quản 3 tổng: Thời Tú (時 秀), Tuy Hà (綏 河) và Vân Dương (雲 楊) [9], với 146 thôn và 1 trang.

Tổng kết, tỉnh Bình Định có 2 phủ, coi 5 huyện, 14 tổng, 677 thôn và 1 trang.

H 2: Bình Định Toàn Đồ, vẽ sau năm 1832.

(Nguồn: Thống Quốc Duyên Cách Hải Chí, 1834)

04/ Năm 1834, vua Minh Mạng (明 命) xếp tỉnh Bình Định vào Tả Trực Kỳ, và chia nước làm 7 miền: Phủ Trực Lệ, hai bên có Nam và Bắc Trực, kế tiếp là Tả và Hữu Kỳ, ngoài cùng là Nam và Bắc Kỳ [10]. Kinh đô Thừa Thiên là phủ Trực Lệ. Nam Trực Kỳ có tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi. Bắc Trực Kỳ là tỉnh Quảng Trị, Quảng Bình. Tả Trực Kỳ gồm các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Thuận. Hữu Trực Kỳ gồm 3 tỉnh Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa. Nam Kỳ có 6 tỉnh: Biên Hòa, Gia Định, Định Tường, Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên. Bắc Kỳ gồm có 13 tỉnh: Bắc Ninh, Cao Bằng, Hà Nội, Hải Dương, Hưng Hóa, Hưng Yên, Lạng Sơn, Nam Định, Ninh Bình, Quảng Yên, Sơn Tây, Thái Nguyên, Tuyên Quang [11].

VII – THỜI PHÁP THUỘC

01/ Năm 1888, lập huyện Bình Khê từ nha Kinh lý An Khê ở miền thượng du huyện Tuy Viễn (có từ năm 1877), và sáp nhập thêm 18 thôn cũng ở huyện Tuy Viễn vào huyện này [12].

02/ Ngày 27- 3- 1890, Quyền Toàn quyền Đông Dương là Piquet [13] ra nghị định sáp nhập Phú Yên vào Bình Định, thành tỉnh Bình Phú. Chức Công sứ Phú Yên bị bãi bỏ, và viên Công sứ Bình Định nay thành Công sứ Bình Phú cai quản cả hai vùng [14]. Thời ấy, Bình Định là một tỉnh lớn của Trung Kỳ, bao gồm phần lớn vùng đất của Gia Lai, Kon Tum và cả Phú Yên.

03/ Ngày 20- 10- 1898, Thành Thái thứ 10, nhà vua ra dụ tách hai thôn Cẩm Thượng (錦 上 村) và Chánh Lộc (政 祿) [15] của tổng Tuy Hà, huyện Tuy Phước, phủ An Nhơn, để lập thị xã Qui Nhơn.

04/ Ngày 25- 11- 1899, Toàn quyền Đông Dương là Doumer [16] ra nghị định rút Phú Yên ra khỏi Bình Phú, để thành lập tỉnh riêng. Và Bình Định trở lại với tên tỉnh cũ [17].

05/ Ngày 4- 7- 1905, Quyền Toàn quyền Đông Dương là Broni [18] ra nghị định: tách các vùng cư trú của đồng bào dân tộc thiểu số Xơ Đăng, Ba Na, Gia Rai thuộc tỉnh Bình Định, để thành lập tỉnh tự trị Pleikou Derr (Pleiku), tỉnh lỵ đặt tại làng Pleican Derr của dân tộc Gia Rai [19].

06/ Năm 1906, đời Thành Thái (成 泰; 1889 – 1907), phủ Hoài Nhơn có thêm huyện Hoài Ân (懷 恩 縣), phủ An Nhơn có thêm huyện Bình Khê (平 谿 縣), địa danh này được thành lập năm 1888. Huyện Tuy Phước được nâng lên thành phủ, trực tiếp coi 4 tổng với 147 thôn (vì có 1 trang đã đổi thành thôn). Như vậy, tỉnh Bình Định chia thành 3 phủ: phía Bắc là Hoài Nhơn, phía Tây là phủ An Nhơn, phía Nam là phủ Tuy Phước.

07/ Ngày 25- 4- 1907, Toàn quyền Đông Dương là Beau [20] ra nghị định giải thể tỉnh Pleikou Derr, chia địa phận của tỉnh này làm 2 phần:

Nửa phía Bắc, gọi là Đại lý Kon Tum cho sáp nhập trở lại tỉnh Bình Định, và đặt dưới sự cai trị của Công sứ Bình Định.

Nửa phía Nam, gọi là Đại lý Cheo Reo, đem sáp nhập vào tỉnh Phú Yên, và đặt dưới quyền cai trị của Công sứ tỉnh Phú Yên [21].

08/ Năm 1910, đời Duy Tân (維 新; 1907 – 1916), cải tổ địa lý hành chánh, phủ và huyện quyền hành ngang nhau, trực tiếp cai quản các tổng, chỉ khác là phủ quan trọng hơn huyện. Đứng đầu mỗi phủ có quan Tri phủ hàm chánh tứ phẩm, dưới có 1 Lại mục gọi là thầy Đề hay thầy Cả, và 3 Thừa phái thông lại giúp việc. Ở huyện có quan Tri huyện hàm chánh ngũ phẩm, 1 Lại mục và 2 Thừa phái thông lại.

Bấy giờ Bình Định có 3 phủ và 4 huyện, chia làm 27 tổng với 707 làng, tính từ Bắc vào Nam gồm:

– Phủ Hoài Nhơn có 4 tổng: An Sơn (安 山), Kim Sơn (金 山), Tài Lương (才 良), Trung An (忠 安); với 106 làng.

– Huyện Hoài Ân có 3 tổng: Hoài Đức (懷 德), Quy Hòa (歸 和), Vân Sơn (雲 山); với 62 làng.

– Huyện Phù Mỹ có 4 tổng: Hòa Lạc (和 樂), Trung Bình (中 平), Trung Thành (中 成), Vân Định (雲 定); với 125 làng.

– Huyện Phù Cát có 4 tổng: Chánh Lộc (政 祿), Thạch Bàn (石 盤), Trung Chánh (忠 政), Xuân An (春 安); với 127 làng.

– Huyện Bình Khê có 4 tổng: An Khê (安 溪), Tân Phong (新 豐), Thuận Truyền (順 傳), Vĩnh Thạnh (永 盛); với 47 làng.

– Phủ An Nhơn có 4 tổng: An Ngãi (安 義), Nhơn Ngãi (仁 義), Mỹ Thuận (美 順), Phú Phong (富 豐); với 94 làng.

– Và phủ Tuy Phước có 4 tổng: Dương An (楊 安), Dương Xuân (楊 春), Nhơn Ân (仁 恩), Quảng Nghiệp (廣 業); với 146 làng.

Thời ấy, lãnh thổ Bình Định rất rộng, bao gồm cả Kon Tum, dân số khoảng 557.876 người, gồm: 550.000 người Kinh, 7.000 người Thượng, 750 người Hoa, 120 người Pháp, 6 người Ấn [22].

09/ Ngày 9- 2- 1913, Toàn quyền Đông Dương là Sarraut [23] ra nghị định rút Đại lý Kon Tum từ tỉnh Bình Định và rút Đại lý Cheo Reo từ tỉnh Phú Yên, để thành lập tỉnh Kon Tum, tỉnh lỵ đặt tại Kon Tum [24].

Đồng thời Toàn quyền này cũng ký nghị định cải đổi tỉnh Phú Yên thành Đại lý Phú Yên (hay Đại lý Sông Cầu) và đem sáp nhập vào Bình Định, do Công sứ Bình Định cai quản [25].

Tóm lại, tỉnh Bình Định, khi Đại lý Kon Tum rút ra, lại có Đại lý Phú Yên thế vào.

H 3: Bản đồ tỉnh Bình Định, sau năm 1907.

(Nguồn: Annuaire Général de L’ Indochine,

trang 513, Hà Nội, 1910)

10/ Năm 1915, đời Duy Tân (維 新), Kon Tum tách ra lập tỉnh riêng, nhưng lại có Phú Yên nhập vào Bình Định, vì thế có 5 phủ và 16 huyện (?), cả thảy là 65 tổng (?) chia thành 1.153 thôn. Dân số 931.200, trong đó có 930.000 người Việt, 1.100 người Hoa, 180 người Âu [26]. Tỉnh lỵ là thị xã Qui Nhơn và tòa Công Sứ đóng ở đó; nhưng cơ quan tỉnh của Nam Triều vẫn ở tại thành Bình Định, thuộc phủ An Nhơn.

11/ Ngày 28- 3- 1917, Toàn quyền Đông Dương là Sarraut ra nghị định rút tổng Tân Phong và tổng An Khê thuộc cao nguyên An Khê của tỉnh Bình Định, đem sáp nhập vào tỉnh Kon Tum [27].

12/ Ngày 17- 10- 1921, Toàn quyền Đông Dương là Long ban hành nghị định rút Đại lý Phú Yên ra khỏi Bình Định, và lập lại tỉnh Phú Yên [28]. Từ ấy, đơn vị hành chánh này vĩnh viễn được duy trì cho đến năm 1975.

Sau khi rút Kon Tum và Phú Yên ra, lãnh thổ Bình Định còn lại 3 phủ và 4 huyện, quyền hành bằng nhau, chỉ khác là phủ quan trọng hơn huyện. Và theo thống kê năm 1930, toàn tỉnh có diện tích là 5.974 km², với dân số 557.000 người [29].

13/ Ngày 30- 4- 1930, Toàn quyền Đông Dương là Pierre Pasquier ra Nghị định nâng cấp thị xã Qui Nhơn lên thành phố cấp 3, do Công sứ Bình Định kiêm nhiệm chức Đốc lý. Qui Nhơn mở rộng diện tích, sáp nhập thêm thôn Hưng Thạnh từ phủ Tuy Phước. Và bấy giờ, thành phố Qui Nhơn chia làm 5 khu phố: Khu Một và Hai là đất của thôn Chánh Thành, Khu Ba và Bốn là đất của thôn Cẩm Thượng, Khu Năm là đất của thôn Hưng Thạnh [30] mới sáp nhập.

14/ Năm 1935, tỉnh Bình Định vẫn giữ 3 phủ và 4 huyện, nhưng chỉ còn 26 tổng với 687 làng, tính từ Bắc vào Nam gồm:

– Phủ Hoài Nhơn vẫn 4 tổng như cũ, với 108 làng.

– Huyện Hoài Ân vẫn 3 tổng như cũ, với 63 làng.

– Huyện Phù Mỹ vẫn 4 tổng như cũ, với 123 làng.

– Huyện Phù Cát vẫn 4 tổng như cũ, với 114 làng.

– Huyện Bình Khê còn 3 tổng là Phú Phong, Thuận Truyền, Vĩnh Thạnh, chia làm 47 làng.

– Phủ An Nhơn có 4 tổng là An Ngãi, Háo Đức, Mỹ Đức, Nhơn nghĩa, chia làm 108 làng.

– Phủ Tuy Phước có 4 tổng là Dương An, Nhơn Ân, Quảng Nghiệp, Thiều Quang, chia làm 124 làng.

Cơ quan tỉnh của Nam Triều dời về thành phố Qui Nhơn, giao thành Bình Định cho phủ An Nhơn quản lý.

15/ Năm 1943, tỉnh Bình Định có diện tích 6.100 km², dân số 780.300 người [31].

VIII – THỜI VIỆT MINH

01/ Ngày 9- 10- 1945, Quyết nghị của Hội đồng Chính phủ: các Kỳ, các Thành phố, các Tỉnh, các Phủ, Huyện trong nước Việt Nam phải trở lại với tên cũ. Vì khoảng cuối tháng 8 và đầu tháng 9 năm 1945, nhiều địa phương cấp tỉnh, phủ, huyện đã lấy tên danh nhân hoặc tên của những nhà cách mạng thay thế địa danh cũ, gây trở ngại về mặt hành chánh và liên lạc các cấp. Tỉnh Bình Định cũng theo trào lưu, đổi tên là tỉnh Tăng Bạt Hổ, nhưng kể từ ngày 9- 10- 1945, ban hành Quyết nghị này, phục hồi lại tên cũ [32].

02/ Ngày 21- 12- 1945, Sắc lệnh số 77 của Chủ tịch Chính phủ lâm thời VNDCCH, quy định thành phố cấp 3 do tỉnh quản lý, nay gọi là thị xã. Kể từ Sắc lệnh này, tỉnh Bình Định không có thành phố, mà chỉ có thị xã Qui Nhơn [33].

03/ Năm 1946, cải tổ hành chánh, bỏ phủ và tổng, dùng danh hiệu tỉnh, huyện, xã và duy trì đơn vị thôn (có từ xưa) để lập xã, cứ chừng ba thôn liền nhau hợp thành một xã.

04/ Năm 1948 (có người nói 1947), hợp xã lần thứ hai, vẫn giữ đơn vị thôn, và cứ trung bình 3 xã cũ hợp thành một xã mới. Danh hiệu xã, lấy chữ đầu hay chữ cuối của tên huyện ráp vào một chữ khác để thành tên xã, và nguyên tắc này vẫn duy trì đến nay.

– Điển hình 1: huyện Tuy Phước có 122 thôn, hợp xã lần 1 lập thành 41 xã, hợp xã lần thứ 2 gom lại thành 16 xã, gồm: Phước An (7 thôn), Phước Châu (Cù Lao Xanh), Phước Hải (chỉ có thôn Phương Mai), Phước Hậu (13 thôn), Phước Hiệp (8 thôn), Phước Hòa (10 thôn), Phước Hưng (7 thôn), Phước Long (9 thôn), Phước Lộc (11 thôn), Phước Nghĩa (8 thôn), Phước Quang (12 thôn), Phước Sơn (9 thôn), Phước Tấn (3 thôn), Phước Thành (9 thôn), Phước Thắng (9 thôn), Phước Thuận (5 thôn).

– Điển hình 2: huyện An Nhơn có 96 thôn, hợp xã lần 1 lập thành 30 xã, hợp xã lần 2 gom lại thành 12 xã, gồm: Nhơn An (7 thôn), Nhơn Hạnh (10 thôn), Nhơn Hậu (13 thôn), Nhơn Hòa (10 thôn), Nhơn Hưng (6 thôn), Nhơn Khánh (6 thôn), Nhơn Lộc (6 thôn), Nhơn Mỹ (9 thôn), Nhơn Phong (10 thôn), Nhơn Phúc (6 thôn), Nhơn Thành (11 thôn).

IX – THỜI QUỐC GIA

01/ Từ 16- 5- 1955, Việt Nam Cộng Hòa, dùng danh hiệu quận thay cho huyện.

02/ Ngày 13- 3- 1959, lãnh thổ Bình Định có thêm quận mới, theo Sắc lệnh số 63- NV của Tổng Thống VNCH. Lấy 3 xã nguyên thuộc tỉnh Kon Tum là K.Gol, Kon Pong, Kon Vong; và toàn quận Tân An (nguyên thuộc tỉnh Pleiku) để thành lập quận An Túc, đặt quận lỵ tại An Khê [34].

03/ Tháng 12 năm 1970, theo bản đồ địa chánh và tài liệu thống kê, diện tích toàn tỉnh Bình Định là 9.024 km², với dân số 732.212 người [35], được phân bố như sau:

a/ Thị xã Qui Nhơn: rộng 94,9 km², có 177.519 người, chia làm hai quận: Nhơn Bình và Nhơn Định [36].

– Nhơn Bình gồm 10 khu phố, sau là phường [37]: Trung Cảng, Trung Châu, Trung Cường, Trung Đức, Trung Hải, Trung Hiếu, Trung Hòa, Trung Phú, Trung Tín, Trung Từ.

– Nhơn Định gồm 6 khu phố, sau là phường: Trung An, Trung Chánh, Trung Hậu, Trung Kiệt, Trung Nghĩa, Trung Thiện [38].

b/ Quận Tuy Phước, tính cả nha Vân Canh [39]: rộng 1.206 km², có 144.781 người, gồm các xã: Phước An, Phước Châu, Phước Hiệp, Phước Hòa, Phước Long, Phước Lộc, Phước Lý, Phước Nghĩa, Phước Quang, Phước Sơn, Phước Thành, Phước Thạnh [40], Phước Thắng*, Phước Thuận, Canh Giao*, Canh Hà*, Canh Hưng*, Canh Lãnh*, Canh Lồ*, Canh Phong*, Canh Sơn*, Canh Thành*, Canh Thịnh, Canh Thông*.

Không kể các xã Phước Hậu, Phước Hải, Phước Tấn [41] đã được sáp nhập vào thị xã Qui Nhơn, quận Tuy Phước còn lại 24 xã, trong đó có 14 xã được kiểm kê dân số. Để tiện việc thống kê, những xã mất an ninh không thể kiểm kê dân số, có đánh dấu 1 hoa thị (*) để phân biệt. Và việc đánh dấu hoa thị cũng áp dụng cho các quận khác trong tỉnh Bình Định.

c/ Quận An Nhơn: rộng 259,3 km², có 117.628 người, gồm các xã: Đập Đá, Nhơn An, Nhơn Hạnh*, Nhơn Hậu, Nhơn Hòa, Nhơn Hưng, Nhơn Khánh, Nhơn Lộc, Nhơn Mỹ, Nhơn Phong, Nhơn Phúc, Nhơn Thành, Nhơn Thọ, Phước Hưng (nguyên thuộc quận Tuy Phước). Tổng cộng 14 xã, trong đó có 13 xã được kiểm kê dân số.

d/ Quận Phù Cát: rộng 599,5 km², có 92.921 người, gồm các xã Cát Chánh*, Cát Hanh, Cát Hiệp, Cát Khánh, Cát Minh, Cát Nhơn, Cát Sơn*, Cát Tài, Cát Thắng, Cát Trinh, Cát Tường. Tổng cộng 11 xã, trong đó có 9 xã được kiểm kê dân số.

đ/ Quận Phù Mỹ: rộng 550,5 km², có 91.709 người, gồm 15 xã: Mỹ An, Mỹ Cát, Mỹ Chánh, Mỹ Đức, Mỹ Hiệp, Mỹ Hòa, Mỹ Lộc, Mỹ Lợi, Mỹ Phong, Mỹ Quang, Mỹ Tài, Mỹ Thành, Mỹ Thắng, Mỹ Thọ, Mỹ Trinh. Tổng cộng 15 xã và đều được kiểm kê dân số.

e/ Quận Bình Khê, tính cả nha Vĩnh Thạnh [42], rộng 1.334,9 km², có 73.770 người, gồm các xã Bình An, Bình Giang, Bình Hòa, Bình Nghi, Bình Phú, Bình Tân, Bình Thành, Bình Thuận, Bình Tường, Phụng Thiện, Vĩnh Châu*, Vĩnh Hảo*, Vĩnh Hiệp*, Vĩnh Hòa*, Vĩnh Hưng*, Vĩnh Kim*, Vĩnh Lâm*, Vĩnh Nghĩa*, Vĩnh Quang, Vĩnh Tường*. Tổng cộng 20 xã, trong đó có 11 xã được kiểm kê dân số.

g/ Quận Hoài Nhơn, tính cả nha An Lão [43], rộng 872,7 km², có 93.890 người, gồm thị trấn Bồng Sơn và các xã: Hoài Đức, Hoài Hương, Hoài Mỹ, Hoài Tân, Hoài Xuân, An Bình*, An Bửu*, An Cư*, An Dân*, An Đồng*, An Hảo, An Hậu*, An Hòa*, An Lạc*, An Mỹ*, An Ninh*, An Nghĩa*, An Phú*, An Quý*, An Sơn*, An Tân*, An Thạch*, An Toàn*, An Thành*, An Tường*. Tổng cộng 26 xã, trong đó 6 xã và 1 thị trấn được kiểm kê dân số.

h/ Quận Hoài Ân: rộng 648,2 km², có 32.794 người, gồm các xã Ân Đức, Ân Hữu*, Ân Nghĩa*, Ân Phong, Ân Thạnh, Ân Tín, Ân Tường, Vĩnh Danh*, Vĩnh Điền*, Vĩnh Định*, Vĩnh Hoàng*, Vĩnh Hữu*, Vĩnh Ngãi*, Vĩnh Nhàn*, Vĩnh Nhơn*. Tổng cộng 15 xã, trong đó có 5 xã được kiểm kê dân số.

i/ Quận An Túc [44] rộng 3.332,3 km², có 35.515 người, gồm các xã An Định, An Khê, An Sơn*, Bà Ba*, Bà La*, Bà Nâm*, Cà Chang*, Cửu An, Cửu Tú*, Kan Nack*, Sa Lam*, Khói*, Klom*, Krong Kroi*, Krong Kotu*, Kon Nghe*, Lúc Cúc*, Sro*, Srơn*, Song An, Song Tân, Ta Mộc*, Tài, Tân Cư*, Tân Tạo An Dân*, Thang*, Trung Nhang*, Tư Lương, Xu*. Tổng cộng 29 xã, trong đó có 7 xã được kiểm kê dân số.

k/ Nha Tam Quan [45] rộng 220,6 km², có 73.747 người, gồm các xã Đức Hựu, Hoài Châu, Hoài Hảo, Hoài Sơn, Hoài Thanh, Tam Quan. Tổng cộng 6 xã và đều được kiểm kê dân số.

Vậy tỉnh Bình Định trước năm 1975 có 1 thị xã, 8 quận và 1 nha, tổng cộng 176 đơn vị hành chánh cấp phường xã. Trong đó, có 16 phường và 160 xã [46].

X – THỜI CỘNG SẢN

01/ Tháng 2- 1976, trở lại dùng danh hiệu huyện, trả huyện An Túc về với các tỉnh cao nguyên. Sáp nhập hai tỉnh Quảng Ngãi và Bình Định, thành tỉnh Nghĩa Bình [47].

02/ Ngày 30- 6- 1989, tỉnh Nghĩa Bình lại tách ra làm hai tỉnh riêng, và phục hồi tên tỉnh cũ là: Quảng Ngãi và Bình Định. Theo Nghị quyết của Quốc Hội khóa VIII, kỳ họp thứ 5 [48].

03/ Tháng 4 năm 1999, theo số liệu thống kê, tỉnh Bình Định gồm: thành phố Qui Nhơn và 10 huyện, tỉnh lỵ tại Qui Nhơn [49]:

a/ Thành phố Qui Nhơn có diện tích 216,44 km², dân số 238.290 người, với 20 đơn vị hành chánh, gồm 16 phường nội thành: Bùi Thị Xuân, Đống Đa, Gềnh Ráng, Hải Cảng, Lê Hồng Phong, Lê Lợi, Lý Thường Kiệt, Ngô Mây, Nguyễn Văn Cừ, Nhơn Bình, Nhơn Phú, Quang Trung, Thị Nại, Trần Hưng Đạo, Trần Phú, Trần Quang Diệu. Và 4 xã ngoại thành: Nhơn Châu, Nhơn Hải, Nhơn Hội, Nhơn Lý.

b/ Huyện An Lão có diện tích 690,35 km²; dân số 22.982 người, với 9 đơn vị hành chánh, gồm: xã An Dũng, xã An Hòa, xã An Hưng, xã An Nghĩa, xã An Quang, xã An Tân, xã An Toàn, xã An Trung, xã An Vinh.

c/ Huyện Hoài Nhơn có diện tích 412,95 km², dân số 209.008 người, với 17 đơn vị hành chánh. Toàn huyện gồm 2 thị trấn: Bồng Sơn, Tam Quan; và 15 xã: Hoài Châu, Hoài Châu Bắc, Hoài Đức, Hoài Hải, Hoài Hảo, Hoài Hương, Hoài Mỹ, Hoài Phú, Hoài Sơn, Hoài Tân, Hoài Thanh, Hoài Thanh Tây, Hoài Xuân, Tam Quan Bắc, Tam Quan Nam.

d/ Huyện Hoài Ân có diện tích 744,06 km², dân số 90.993 người, với 14 đơn vị hành chánh, gồm thị trấn Tăng Bạt Hổ và 13 xã: Ân Đức, Ân Hảo, Ân Hữu, Ân Mỹ, Ân Nghĩa, Ân Phong, Ân Sơn, Ân Thạnh, Ân Tín, Ân Tường Đông, Ân Tường Tây, Book Tới, Đăk Mang.

đ/ Huyện Vĩnh Thạnh có diện tích 700,79 km², dân số 25.671 người, gồm 7 xã: Vĩnh Hảo, Vĩnh Hiệp, Vĩnh Hòa, Vĩnh Kim, Vĩnh Quang, Vĩnh Sơn, Vĩnh Thịnh.

e/ Huyện Phù Mỹ có diện tích 549,43 km², dân số 177.702 người, với 17 đơn vị hành chánh, gồm thị trấn Phù Mỹ và 16 xã: Mỹ An, Mỹ Cát, Mỹ Chánh, Mỹ Châu, Mỹ Đức, Mỹ Hiệp, Mỹ Hòa, Mỹ Lộc, Mỹ Lợi, Mỹ Phong, Mỹ Quang, Mỹ Tài, Mỹ Thành, Mỹ Thắng, Mỹ Thọ, Mỹ Trinh.

g/ Huyện Phù Cát có diện tích 678,49 km², dân số 184.439 người, với 18 đơn vị hành chánh, gồm thị trấn Ngô Mây và 17 xã: Cát Chánh, Cát Hải, Cát Hanh, Cát Hiệp, Cát Hưng, Cát Khánh, Cát Lâm, Cát Minh, Cát Nhơn, Cát Sơn, Cát Tân, Cát Tài, Cát Thành, Cát Thắng, Cát Tiến, Cát Trinh, Cát Tường.

h/ Huyện Tây Sơn có diện tích 708,03 km², dân số 129.962 người, với 15 đơn vị hành chánh, gồm thị trấn Phú Phong và 14 xã: Bình Hòa, Bình Nghi, Bình Tân, Bình Thành, Bình Thuận, Bình Tường, Tây An, Tây Bình, Tây Giang, Tây Phú, Tây Thuận, Tây Vinh, Tây Xuân, Vĩnh An.

i/ Huyện An Nhơn có diện tích 242,17 km², dân số 179.829 người, với 15 đơn vị hành chánh, gồm 2 thị trấn: Bình Định, Đập Đá và 13 xã: Nhơn An, Nhơn Hạnh, Nhơn Hậu, Nhơn Hòa, Nhơn Hưng, Nhơn Khánh, Nhơn Lộc, Nhơn Mỹ, Nhơn Phúc, Nhơn Phong, Nhơn Tân, Nhơn Thành, Nhơn Thọ.

k/ Huyện Tuy Phước có diện tích 284,87 km², dân số 180.481 người, với 14 đơn vị hành chánh, gồm 2 thị trấn: Tuy Phước, Diêu Trì và 12 xã: Phước An, Phước Hiệp, Phước Hòa, Phước Hưng, Phước Lộc, Phước Mỹ, Phước Nghĩa, Phước Quang, Phước Sơn, Phước Thành, Phước Thắng, Phước Thuận.

l/ Huyện Vân Canh có diện tích 797,97 km², dân số 21.370 người, với 6 xã: Canh Hiệp, Canh Hiển, Canh Hòa, Canh Liên, Canh Thuận, Canh Vinh.

Vậy tính đến tháng 4 năm 1999, toàn tỉnh Bình Định có diện tích 6.027,75 km²; dân số 1.460.727 người.

04/ Ngày 28- 11- 2011, Nghị quyết số 101/NQ-CP, chuyển huyện An Nhơn thành thị xã An Nhơn, thuộc tỉnh Bình Định, có 15 đơn vị (5 phường và 10 xã) trực thuộc. Tính từ Nam ra Bắc, 5 phường gồm: Nhơn Hòa, Bình Định (thị trấn Bình Định cũ), Nhơn Hưng, Đập Đá (thị trấn Đập Đá cũ) và Nhơn Thành, đều nằm dọc theo đường Quốc lộ 1A. Cũng tính từ Nam ra Bắc, thị xã này, phía Tây có 7 xã: Nhơn Tân, Nhơn Thọ, Nhơn Lộc, Nhơn Phúc, Nhơn Khánh, Nhơn Hậu, Nhơn Mỹ; phía Đông có 3 xã: Nhơn An, Nhơn Phong, Nhơn Hạnh.

05/ Thay đổi các đơn vị hành chánh thuộc tỉnh Bình Định, sau năm 1999 [50]

a/ Thành phố Qui Nhơn có 21 đơn vị hành chánh, gồm 16 phường và 5 xã. Ngoài 4 xã cũ là Nhơn Châu, Nhơn Hải, Nhơn Hội, Nhơn Lý; từ năm 2006 có thêm xã Phước Mỹ được tách từ huyện Tuy Phước. Tổng diện tích của Qui Nhơn là 284,28 km², với 280.535 người (năm 2009), mật độ dân số 986,8 người/km².

b/ Thị xã An Nhơn có 15 đơn vị hành chánh, gồm 5 phường và 10 xã, diện tích 242,64 km², dân số 193.817 người (năm 2011), mật độ 798,7 người/km². Nguyên là huyện Tuy Viễn từ năm 1471, cải danh phủ An Nhơn từ năm 1832, huyện An Nhơn từ năm 1948, năm 1955 là quận, năm 1976 là huyện, và năm 2011 được nâng cấp thành thị xã.

c/ Huyện An Lão có 10 đơn vị hành chánh, gồm 1 thị trấn và 9 xã, trong đó có 57 thôn. Diện tích toàn huyện là 692,02 km², có 24.253 người, mật độ dân số 35 người/km². Thị trấn An Lão được thành lập sau đợt thống kê tháng 4 năm 1999.

d/ Huyện Hoài Nhơn có 17 đơn vị hành chánh, gồm 2 thị trấn (Bồng Sơn, Tam Quan) và 15 xã, y như cũ. Diện tích toàn huyện là 412,95 km², với 228.000 người, mật độ dân số 552,1 người/km².

đ/ Huyện Hoài Ân có 15 đơn vị hành chánh, gồm thị trấn Tăng Bạt Hổ và 14 xã: Tăng thêm 1 xã, vì Ân Hảo chia hai thành Ân Hảo Đông và Ân Hảo Tây. Diện tích toàn huyện là 744,1 km², với 94.300 người, mật độ dân số 126,7 người/km².

e/ Huyện Vĩnh Thạnh có 9 đơn vị hành chánh, gồm 1 thị trấn và 8 xã: Năm 1999 có 7 xã và chưa có thị trấn, nay lập, lấy tên là thị trấn Vĩnh Thạnh và có thêm 1 xã mới là Vĩnh Thuận. Diện tích toàn huyện là 700,79 km², với 26.700 người, mật độ dân số 38 người/km².

g/ Huyện Phù Mỹ, có 19 đơn vị hành chánh, gồm 2 thị trấn và 17 xã. Ngoài thị trấn Phù Mỹ (cũ), lập thêm thị trấn Bình Dương. Ngoài 16 xã cũ, lập thêm xã Mỹ Chánh Tây, tách ra từ xã Mỹ Chánh. Theo thống kê năm 2005, có diện tích là 548,9 km², với 188.000 người, mật độ dân số 342,5 người/ km².

h/ Huyện Phù Cát có 18 đơn vị hành chánh, gồm thị trấn Ngô Mây và 17 xã, như đã có từ năm 1999. Diện tích toàn huyện là 678,49 km², với 194.100 người, mật độ dân số 286 người/ km².

i/ Huyện Tây Sơn có 15 đơn vị hành chánh, gồm thị trấn Phú Phong và 14 xã như năm 1999. Diện tích toàn huyện là 708,03 km², với 136.000 người, mật độ dân số 192 người/km².

k/ Huyện Tuy Phước có 13 đơn vị hành chánh, gồm hai thị trấn Tuy Phước và Diêu Trì cùng với 11 xã. Trước có 12 xã, năm 2006 xã Phước Mỹ tách khỏi huyện Tuy Phước, nhập vào thành phố Qui Nhơn. Nay diện tích toàn huyện là 216,77 km², với 181.226 người (năm 2005), mật độ dân số 836 người/km².

l/ Huyện Vân Canh có 7 đơn vị hành chánh, gồm thị trấn Vân Canh thành lập sau năm 1999, và 6 xã y như năm 1999. Diện tích toàn huyện vẫn 797,97 km², dân số 22.300 người (số liệu năm 2002), mật độ 27,9 người/km².

XI – BẢNG TỔNG KẾT SỐ LIỆU VỀ BÌNH ĐỊNH

Số

TT

Thể loại hành chánh

Địa danh

Thủ phủ

Diện tích (km²)

Dân số (người)

Mật độ (người/km²)

Đơn vị hành chánh cấp xã, phường, thị trấn

1

Thành phố

Qui Nhơn

có 21 đơn vị hành chánh

Qui Nhơn

284,28 km²

280.535 người

(năm 2009)

986,8 người/

km²

16 phường: Bùi Thị Xuân, Đống Đa, Ghềnh Ráng, Hải Cảng, Lê Hồng Phong, Lê Lợi, Lý Thường Kiệt, Ngô Mây, Nguyễn Văn Cừ, Nhơn Bình, Nhơn Phú, Quang Trung, Thị Nại, Trần Hưng Đạo, Trần Phú, Trần Quang Diệu.

5 xã: Nhơn Lý, Nhơn Hội, Nhơn Hải, Nhơn Châu, Phước Mỹ.

2

Thị xã

An Nhơn có 15 đơn vị hành chánh

An Nhơn

242,64 km²

193.817 (năm 2011),

798,7 người/

km²

5 phường: Nhơn Hòa, Bình Định, Nhơn Hưng, Đập Đá, Nhơn Thành,

10 xã: Nhơn Tân, Nhơn Thọ, Nhơn Lộc, Nhơn Phúc, Nhơn Khánh, Nhơn Hậu, Nhơn Mỹ; Nhơn An, Nhơn Phong, Nhơn Hạnh.

3

Huyện

An Lão có 10 đơn vị hành chánh

An Lão

692,02 km²

24.253

người

35 người/

km²

1 thị trấn: An Lão

9 xã: An Dũng, An Hòa, An Hưng, An Nghĩa, An Quang, An Tân, An Toàn, An Trung, An Vinh.

4

Huyện

Hoài Nhơn có 17 đơn vị hành chánh

Bồng Sơn

412,95 km²

228.000 người

552,1 người/

km²

2 thị trấn: Bồng Sơn và Tam Quan.

15xã: Hoài Châu, Hoài Châu Bắc, Hoài Đức, Hoài Hải, Hoài Hảo, Hoài Hương, Hoài Mỹ, Hoài Phú, Hoài Sơn, Hoài Tân, Hoài Thanh, Hoài Thanh Tây, Hoài Xuân, Tam Quan Bắc, Tam Quan Nam.

5

Huyện

Hoài Ân

có 15 đơn vị hành chánh

Tăng Bạt Hổ

744,1 km²

94.300 người

126,7 người/

km²

1 thị trấn: Tăng Bạt Hổ.

14 xã: Ân Đức, Ân Hảo Đông, Ân Hảo Tây, Ân Hữu, Ân Mỹ, Ân Nghĩa, Ân Phong, Ân Sơn, Ân Thạnh, Ân Tín, Ân Tường Đông, Ân Tường Tây, Book Tới, Đăk Mang.

6

Huyện

Vĩnh Thạnhcó 9 đơn vị hành chánh

Vĩnh Thạnh

700,79 km²

26.700 người

38 người/

km²

1 thị trấn: Vĩnh Thạnh

8 xã: Vĩnh Hảo, Vĩnh Hiệp, Vĩnh Hòa, Vĩnh Kim, Vĩnh Quang, Vĩnh Sơn, Vĩnh Thịnh, Vĩnh Thuận.

7

Huyện

Phù Mỹ

có 19 đơn vị hành chánh

Phù Mỹ

548,9 km²

188.000 người (Thống kê năm 2005)

342,5 người/

km²

2 thị trấn: Phù Mỹ và Bình Dương.

17 xã: Mỹ An, Mỹ Cát, Mỹ Chánh, Mỹ Chánh Tây, Mỹ Châu, Mỹ Đức, Mỹ Hiệp, Mỹ Hòa, Mỹ Lộc, Mỹ Lợi, Mỹ Phong, Mỹ Quang, Mỹ Tài, Mỹ Thành, Mỹ Thắng, Mỹ Thọ, Mỹ Trinh.

8

Huyện

Phù Cát

có 18 đơn vị hành chánh

Ngô Mây

678,49 km²

194.100 người

286 người/

km²

1 thị trấn: Ngô Mây.

17 xã: Cát Chánh, Cát Hải, Cát Hanh, Cát Hiệp, Cát Hưng, Cát Khánh, Cát Lâm, Cát Minh, Cát Nhơn, Cát Sơn, Cát Tân, Cát Tài, Cát Thành, Cát Thắng, Cát Tiến, Cát Trinh, Cát Tường.

9

Huyện

Tây Sơn có 15 đơn vị hành chánh

Phú Phong

708,03 km²

136.000 người

192 người/

km²

1 thị trấn: Phú Phong.

14 xã: Bình Hòa, Bình Nghi, Bình Tân, Bình Thành, Bình Thuận, Bình Tường, Tây An, Tây Bình, Tây Giang, Tây Phú, Tây Thuận, Tây Vinh, Tây Xuân, Vĩnh An.

10

Huyện

Tuy Phước có 13 đơn vị

Tuy Phước

216,77 km²

181.226 người

836 người/

km²

2 thị trấn: Tuy Phước và Diêu Trì.

11 xã: Phước An, Phước Hiệp, Phước Hòa, Phước Hưng, Phước Lộc, Phước Nghĩa, Phước Quang, Phước Sơn, Phước Thành, Phước Thắng, Phước Thuận.

11

Huyện

Vân Canh có 7 đơn vị hành chánh

Vân Canh

797,97 km²

22.300 người

(số liệu năm 2002)

27,9 người/

km²

1 thị trấn: Vân Canh.

6 xã: Canh Hiệp, Canh Hiển, Canh Hòa, Canh Liên, Canh Thuận, Canh Vinh.

Tỉnh

Bình Định

Qui Nhơn

6026,90 km²

1.569.

231 người

206,37 người/

km²

Bình Định có 159 đơn vị hành chánh, gồm 12 thị trấn, 21 phường và 126 xã.

H 10: Bản đồ Hành chánh tỉnh Bình Định [51]

lập tháng 11 năm 2003.

Tỉnh Bình Định hiện nay có thành phố Qui Nhơn và thị xã An Nhơn với 9 huyện, phân bố như sau:

– Bắc Bình Định gồm các huyện: An Lão, Hoài Nhơn (cách trung tâm thành phố Qui Nhơn 100 km về phía Bắc), Hoài Ân, Vĩnh Thạnh, Phù Mỹ.

– Nam Bình Định có các huyện: Phù Cát, Tây Sơn (cách trung tâm thành phố Qui Nhơn 40 km về phía Tây Tây Bắc), Tuy Phước, Vân Canh.

– Toàn tỉnh có 159 đơn vị hành chánh, gồm 12 thị trấn, 21 phường, 126 xã. Diện tích là 6.026,90 km², dân số 1.569.231 người, mật độ 260,37 người/km².

Vấn đề Địa lý Hành Chánh tỉnh Bình Định không ngừng thay đổi, nhất là từ sau năm 1975 trở về sau rất nhiều biến động. Trong phạm vi phần này, chúng tôi chỉ cập nhật đến năm 2013.

XII – THAY LỜI KẾT

Một kinh nghiệm bản thân, trong một bài viết “Thị Nại Trong Lịch Sử” đăng trên Chuyên san Dòng Sử Việt, số 3, trang 83 – 90 phát hành tháng 4 – 6 năm 2007. Có độc giả thắc mắc về tên gọi “Thị Nại.” Giáo sư Trần Anh Tuấn, Chủ Nhiệm kiêm Chủ Bút DSV, đã gửi cho tôi bản sao bức thư của độc giả ấy, và yêu cầu tôi giải thích. Tôi đã viết bài “Vấn Đề Tên Gọi Đầm Thị Nại” và gửi đến Tòa soạn.

Dòng Sử Việt số 4 tháng 7 – 9, 2007, mục “Bàn Thêm Cho Rõ,” trang153, GS. Trần Anh Tuấn viết:

“Chỉ hai (2) tuần sau khi được tôi thông báo có người thắc mắc về Thi Thị, tác giả Đào Đức Chương đã gửi cho DSV một bài viết tỉ mỉ dài 11 trang chứng minh là người địa phương nơi ông sinh trưởng -tức vùng Thị Nại (có dấu nặng)- đã sử dụng danh từ Thị Nại trên sách báo, trong các địa phương chí thời VNCH, trong bản đồ, đặt tên cơ sở, trường học… liên tục từ năm 1935 đến nay. Còn Thi Nại (không có dấu nặng) trong chính sử triều Nguyễn chỉ là chuyện sách vở của thế kỷ XIX”

Và cũng trong DSV số 4, nơi trang 155, mục “Tòa Soạn & Bạn Đọc” do TAT phụ trách, đã viết:

“Ông Đào Đức Chương (San Jose, CA).

“Loạt bài ‘Ca Dao, Nẻo Vào Lịch Sử’ đã khiến cho Tòa Soạn có dịp liên lạc và làm việc chặt chẽ với Anh, và do đó, Tòa Soạn biết được cách làm việc thận trọng và bài bản của anh. Đó là một kinh nghiệm biết nhau rất tốt.

“Bài ‘Vấn Đề Tên Gọi Đầm Thị Nại’ của Anh rất chi tiết và có lý có tình, sẽ được dành cho DSV số tới để trả lời dư luận có ý chê trách ‘người địa phương’ mà viết sai tên gọi Thi Nại (không có dấu nặng) thành Thị Nại (có dấu nặng)! Cám ơn sự hợp tác chân thành và tích cực của Anh với DSV.”

Rồi trong Chuyên san Dòng Sử Việt số 5, tháng 10 – 12, 2007, trang 128, Lời Tòa Soạn, đã viết:

“LTS. Chúng tôi cho phổ biến bài này (Vấn Đề Tên Gọi Đầm Thị Nại) để tác giả Đào Đức Chương có dịp nói rõ về địa danh nơi ông sinh ra, trưởng thành, và làm việc. Nhân dịp này, chúng tôi cảm ơn tác giả Đào Đức Chương đã rốt ráo trình bầy nguyên ủy địa danh Thi Nại & Thị Nại một lần cho rõ.”

– Lần thứ hai, một “tai nạn” khác cũng dính líu về địa danh của tỉnh nhà, xảy ra năm 2010. Trong bài viết “Qui Nhơn, Những Ngôi Trường Ngày Cũ” đăng trên http//cuongde.org, có đoạn liệt kê danh sách các quận, phường, xã trong tỉnh Bình Định sau ngày cải tổ hành chánh (30- 9- 1970) xã Qui Nhơn (thuộc quận Tuy Phước) được mở rộng nâng lên thành thị xã Qui Nhơn (thuộc tỉnh Bình Định). Một số độc giả đã vội vã lên tiếng chê bai: “Tại sao danh sách các xã trong quận Tuy Phước, lại bỏ sót xã Phước Hậu?” Họ quên đọc trong bài có ghi rõ câu: “Theo bản đồ địa chánh và thống kê tính đến tháng 12 năm 1970,” ngoài ra trong ghi chú số 1 có chép tên và nguồn gốc tài liệu thống kê. Vậy là xã Phước Hậu đã bị giải thể và sáp nhập vào quận Nhơn Định thuộc thị xã Qui Nhơn và mang tên mới đã 3 tháng rồi, thì làm sao còn tên cũ (xã Phước Hậu) và còn thuộc quận Tuy Phước nữa! Chúng tôi viết bài “Vấn Đề Địa Lý Hành Chánh Các Xã Phước Châu, Phước Hải, Phước Hậu, Phước Lý, Phước Tấn, Phước Thạnh” giải thích sự kiện sáp nhập, kèm theo văn bản Sắc lệnh số 113-SL/NV của Thủ Tướng VNCH ký ngày 30- 9- 1970, và nhắc lại câu “Tính từ tháng 12- 1970” để cho vỡ lẽ.

– Một sự đáng tiếc thứ 3, đầu thập niên 1990, khi lập giấy tờ xuất cảnh, tôi ở Sài Gòn gửi bản chính về quê, nhờ người bà con đến xã lục sao giấy khai sinh của con gái tôi (sinh sau năm 1975). Trong bản chính đề nơi sinh tên huyện là Phước Vân [52], người thư ký đánh máy bản sao, không theo bản chính mà “linh động” viết vào bản sao là huyện Tuy Phước, đúng với địa danh hiện hành. Thế mà, khi trình ký “chứng thực sao y bản chính,” vẫn được duyệt ký và đóng dấu ngon ơ! Khi tôi nhận tập giấy khai sinh từ người phát thư bảo đãm, bóc ra xem, thì hỡi ơi! Sắp trễ hạn rồi, tôi phải tức tốc từ Sài Gòn về quê làm lại bản sao khai sinh đúng y như bản chính.

Ba “tai nạn nghề nghiệp” nêu trên, là do sự thay đổi về địa lý hành chánh của tỉnh nhà khá phức tạp và đột ngột, khiến dân chúng chưa theo dõi kịp.

San Jose, ngày 11- 11- 2006

Bổ chính xong: 1- 12- 2013

ĐÀO ĐỨC CHƯƠNG

GHI CHÚ

[1] Nguyễn Quang Ân; Việt Nam Những Thay Đổi Địa Danh Và Địa Giới Các Đơn Vị Hành Chính 1945 – 1997 (Hà Nội, nxb Văn Hóa- Thông Tin, Hà Nội, 1997); trang 311.

[2] Quốc Sử Quán Triều Nguyễn; Đại Nam Nhất Thống Chí, Quyển IX, bản dịch của Phạm Trọng Điềm, Tập 3 (Huế, nxb Thuận Hóa, 1992); trang 6, 7.

[3] Việt Thường, viết theo chữ Nho, có ba dạng tự: “越 裳” thuộc bộ “y” (衣), “越 常” thuộc bộ “cân” ( ), “越 嘗” thuộc bộ “khẩu” (). Chúng tôi theo dạng tự của Trần Trọng Kim tác giả Việt Nam Sử Lược, trang 24, viết là “ 越 裳.”

[4] Đại Nam Nhất Thống Chí, sđd trang 14: Tỉnh thành Bình Định dời đến địa điểm mới vào năm Gia Long thứ 7 (1808), tường thành bằng đất năm Gia Long thứ 14 (1815), xây đá ong năm Gia Long 16 (1817).

[5] Cùng trang 14: Thành Bình Định thuộc địa phận hai thôn Kim Châu và An Ngãi.

[6] Thuộc là đơn vị hành chánh cấp cơ sở, dưới cấp huyện và trên cấp xã ấp. Thuộc tương đương cấp tổng và gồm nhiều ấp họp lại. Dưới thời chúa Nguyễn, những vùng đất mới khai phá, ở nơi gần núi hay ven biển, của các tỉnh miền Nam Trung phần, đều lập làm thuộc. Những thuộc có 500 người trở lên, đặt một Cai thuộc, một Ký lục. Những thuộc 450 người trở xuống, đặt một Ký thuộc. Những thuộc chỉ có 100 người, đặt một Tướng thần. Những thuộc đặc biệt, thì có một viên Đề lĩnh.

Thời ấy, phủ Thăng Hoa có 15 thuộc, phủ Điện Bàn 4 thuộc, phủ Quảng Ngãi 4 thuộc, phủ Qui Ninh 13 thuộc, phủ Phú Yên 38 thuộc, phủ Bình Khang 20 thuộc, phủ Diên Ninh 14 thuộc, phủ Bình Thuận 20 thuộc (Quốc Sử Quán Triều Nguyễn; Đại Nam Thực Lục Tiền Biên, Quyển IX, tái bản lần thứ nhất, Tập 1, bản dịch Nguyễn Ngọc Tỉnh, Đào Duy Anh hiệu đính; trang 140).

Dưới thời Gia Long (1802 – 1819) và đầu đời Minh Mạng, vẫn còn dùng đơn vị hành chánh này. Năm 1832, Minh Mạng đổi “thuộc” thành “tổng.”

[7] Trang là đơn vị hành chánh cấp thấp nhất, tương đương với ấp và thôn, nhưng chỉ dành để gọi những nơi mới khai khẩn.

[8] Quốc Sử Quán Triều Nguyễn; Đại Nam Thực Lục Chính Biên, Đệ Nhị kỷ, Quyển LXXXV (85), tái bản lần thứ nhất, Tập 3, bản dịch Đỗ Mộng Khương & 8 tgk, Đào Duy Anh & Hoa Bằng hiệu đính (Hà Nội, nxb Giáo Dục, 2007); trang 393 – 394.

[9] Tổng Vân Dương: Địa bạ lập năm 1815, Gia Long thứ 14, ghi là “雲 陽 總” chữ “Dương” thuộc bộ “phụ” (). Địa bạ lập năm 1839, Minh Mạng thứ 20, lại ghi là “雲 楊 總” chữ “Dương” thuộc bộ “mộc” (). Vì vậy, hai chữ này ý nghĩa khác nhau.

[10] Đại Nam Thực Lục Chính Biên, Đệ Nhị kỷ, Quyển CXXVII (127), Tập 4, bản dịch Nguyễn Thế Đạt & 5 tgk, Hoa Bằng hiệu đính, trang 202.

[11] Trước năm 1831, chưa chia định địa hạt các tỉnh từ Quảng Trị trở ra, Bắc Kỳ gồm có 5 nội trấn là Hải Dương, Kinh Bắc, Sơn Nam Thượng, Sơn Nam Hạ, Sơn Tây; và 6 ngoại trấn là Cao Bằng, Hưng Hóa, Lạng Sơn, Quảng Yên, Thái Nguyên, Tuyên Quang.

[12] Thành lập huyện Bình Khê: theo Đại Nam Thực Lục Chính Biên, Đệ Lục kỷ, Quyển XI, Tập 9, bản dịch Nguyễn Ngọc Tỉnh & 2 tgk, Nguyễn Mạnh Duân & Nguyễn Trọng Hân hiệu đính, trang 436.

[13] Piquet làm Toàn quyền Đông Dương từ ngày 31- 5- 1889 đến 12- 4- 1891.

[14] Dương Trung Quốc; Việt Nam Những Sự Kiện Lịch Sử (1919 – 1945), tái bản lần thứ nhất (Hà Nội, nxb Giáo Dục, 2001); trang 36.

[15] Địa bạ lập năm 1815, Gia Long 14, thôn Chánh Lộc có tên là: “Thượng Lộc Tứ chánh khách hộ ấp” (上 祿 四 政 客 戶 邑).

[16] Doumer làm Toàn quyền Đông Dương 3 lần: Lần 1 từ 13- 2- 1897 đến 29- 9- 1898; lần 2 từ ngày 24- 9- 1899 đến 16- 2- 1901; lần 3 từ 20- 8- 1901 đến 14- 3- 1902.

[17] Dương Trung Quốc (1919 – 1945), cùng trang.

[18] Broni làm Quyền Toàn quyền Đông Dương 4 lần: Lần 1 từ ngày 16- 2- 1901 đến 20- 8- 1901; lần 2 từ ngày 14- 3- 1902 đến 15- 10- 1902; lần 3 từ ngày 1- 7- 1905 đến 6- 12- 1905; lần 4 từ ngày 28- 7- 1906 đến 2- 1- 1907.

[19] Dương Kinh Quốc; Việt Nam Những Sự Kiện Lịch Sử (1858 – 1918), tái bản lần thứ nhất (Hà Nội, nxb Giáo Dục, 2001); trang 297.

[20] Beau làm Toàn quyền Đông Dương 3 lần: Lần 1 từ ngày 15- 10- 1902 đến 1- 7- 1905; lần 2 từ ngày 6- 12- 1905 đến 28- 7- 1906; lần 3 từ ngày 2- 1- 1907 đến 28- 2- 1908.

[21] Dương Kinh Quốc (1858 – 1918), cùng trang.

[22] Nguyễn Đình Đầu; Nghiên Cứu Địa Bạ Triều NguyễnBình Định I (Sài Gòn, nxb TP/HCM, 1996); trang 129.

[23] Sarraut làm Toàn quyền Đông Dương 2 lần: Lần đầu từ ngày 15- 11- 1911 đến 4- 1- 1914; lần sau từ ngày 22- 1- 1917 đến 22- 5- 1919.

[24] Tổng hợp hai tài liệu:

– Dương Kinh Quốc (1858 – 1918), sách đã dẫn, trang 339.

– Nguyễn Đình Đầu, sđd trang 131

[25] Dương Trung Quốc (1919 – 1945), sđd, trang 36.

[26] Nguyễn Đình Đầu, sđd, trang 131: đã theo Paul Alinot, Géographie Générale de L’Indochine Francaise (Sài Gòn, 1915), chép: “…Kon Tum tách ra lập tỉnh riêng, nhưng lại có Phú Yên nhập vào Bình Định, vì thế có 5 phủ và 16 huyện (?), cả thảy là 65 tổng (?) chia thành 1.153 thôn.” Số liệu “16 huyện, 65 tổng” quá cao, cần tra cứu lại. Vì Bình Định năm 1910 gồm cả Kon Tum (chưa có Phú Yên nhập vào) mà chỉ có 3 phủ và 4 huyện cai quản 17 tổng.

[27] Dương Kinh Quốc (1858 – 1918), sđd, trang 340.

[28] Dương Trung Quốc (1919 – 1945), sđd, trang 36.

[29] Nguyễn Đình Đầu, sđd, trang 131: Trích lại từ Việt Nam Niên Giám Thống Kê (Sài Gòn, Viện Quốc Gia Thống Kê xuất bản, 1957), Quyển V, trang 40.

[30] Đỗ Bang và Nguyễn Tấn Hiểu; Lịch Sử Thành Phố Quy (Qui) Nhơn (Huế, nxb Thuận Hóa, 1998); trang 96 và 106. Đất của thôn Hưng Thạnh xưa, nay là phường Đống Đa của thành phố Qui Nhơn.

[31] Nguyễn Đình Đầu, sđd, trang 131.

[32, 33] Nguyễn Quang Ân; Việt Nam Những Thay Đổi Địa Danh Và Địa Giới Các Đơn Vị Hành Chính 1945 – 1997; hai ghi chú đều cùng trang 15.

[34] Cùng tác phẩm, sđd, trang 121.

[35] Diện tích tỉnh Bình Định căn cứ vào Bản đồ Địa chánh 1/100.000, dân số tính đến tháng 12- 1970, theo tài liệu HES. Nguyễn Đình Đầu, sách đã dẫn, trang131 – 136, trích lại.

[36] Ngày 30- 9- 1970, Sắc lệnh số 113-SL/NV của Thủ tướng VNCH, cải biến xã Qui Nhơn thuộc quận Tuy Phước, tỉnh Bình Định và các phần đất phụ cận, thành thị xã Qui Nhơn. Địa phận Thị xã, trên cơ sở sáp nhập 4 xã: Qui Nhơn, Phước Hải, Phước Hậu, Phước Tấn (ấp Xuân Quang và Xuân Vân đã nhập vào Qui Nhơn năm 1961); chia thành 2 quận:

a/ Quận Nhơn Bình, gồm:

– Một phần xã Qui Nhơn cũ có các ấp: Cường Để, Đào Duy Từ, Ghềnh Ráng, Hải Cảng, Hàm Nghi, Lê Lợi, Nguyễn Du, Nguyễn Huệ, Xuân Quang.

– Xã Phước Hải có các ấp: Hải Đông, Hải Giang, Hải Nam, Hải Ninh.

– Xã Phước Tấn.

b/ Quận Nhơn Định, gồm:

– Một phần xã Qui Nhơn cũ có các ấp: Bạch Đằng, Huyền Trân, Lý Thường Kiệt, Nguyễn Công Trứ, Phan Bội Châu, Tháp Đôi.

– Xã Phước Hậu có các ấp: An Thạnh, Bình Thạnh, Đông Định, “Hưng Thạnh”, Lạc Trường, Lương Nông, Nhơn Mỹ, Phú Hòa, Phú Vinh, Phụ An, Tây Định, Thuận Nghi, Tường Vân, Vân Hà. (Nguyễn Quang Ân; Việt Nam Những Thay Đổi Địa Danh Và Địa Giới Các Đơn Vị Hành Chính 1945 – 1997 {Hà Nội, nxb Văn Hóa Thông Tin, 1997}; trang 216).

Ghi chú thêm về ấp Hưng Thạnh:

Trong Sắc lệnh số 113-SL/NV, ký ngày 30- 9- 1970 (xem Trần Đình Thái, Ai Có Về Qui Nhơn, trang 19) và Nghị định số 494-BNV/HCĐP/26/ĐT/NĐ, ký ngày 11- 6- 1971 (xem Nguyễn Quang Ân, Việt Nam Những Thay Đổi Địa Danh Và Địa Giới Các Đơn Vị Hành Chính 1945 – 1997, trang 221) đều có ghi ấp Hưng Thạnh thuộc xã Phước Hậu, quận Tuy Phước. Thử xét qua trường hợp này:

Theo địa bạ lập năm 1839, thôn Hưng Thạnh thuộc tổng Tuy Hà, huyện Tuy Phước, phủ An Nhơn, tỉnh Bình Định. Nhưng từ ngày 30- 4- 1930, thôn Hưng Thạnh được sáp nhập vào Qui Nhơn; lúc ấy thành phố Qui Nhơn chia làm 5 khu, Hưng Thạnh cải biến thành Khu Năm (xem Đỗ Bang – Nguyễn Tấn Hiểu, Lịch Sử Thành Phố Qui Nhơn, trang 106). Đến năm 1948, xã Phước Hậu được thành lập, trên cơ sở sáp nhập 3 xã nhỏ là Thanh Hương, Khánh Lộc, và Đôn Hậu, bao gồm 12 thôn: Tường Vân, Nhơn Mỹ, Phụ An, An Thạnh, Vân Hà (thuộc xã Thanh Hương cũ); Thuận Nghi, Lạc Trường, An Định (thuộc xã Khánh Lộc cũ); Lương Nông, Bình Thạnh, Phú Vinh, Phú Hòa (thuộc xã Đôn Hậu cũ), không có thôn Hưng Thạnh. Năm 1954, xã Phước Hậu có 13 thôn vì An Định chia làm hai thôn là Đông Định và Tây Định, cũng không có thôn Hưng Thạnh.

Nói tóm lại, Hưng Thạnh sáp nhập vào Qui Nhơn (30- 4- 1930), trước khi xã Phước Hậu ra đời (khoảng đầu năm 1948). Vậy không thể liệt kê Hưng Thạnh vào các thôn của xã Phước Hậu.

[37] Ngày 11- 6- 1971, Nghị định số 494-BNV/HCĐP/26/ĐT/NĐ của Tổng trưởng Nội vụ VNCH, chia 2 quận Nhơn Bình và Nhơn Định của thị xã Qui Nhơn (tỉnh Bình Định), làm 16 khu phố (Nguyễn Quang Ân, cùng tác phẩm, trang 220 – 221)

Ngày 22- 8- 1972, Nghị định số 553/BNV/HCĐP, đổi danh xưng khu phố ra phường. Thị xã Qui Nhơn có 16 khu phố, nay là 16 phường (Trần Đình Thái, Ai Có Về Qui Nhơn, trang 13).

[38] Theo Nguyễn Huy, E-mail đề ngày 18- 1- 2011, việc đặt tên các khu phố thị xã Qui Nhơn (1971) khởi đầu bằng chữ “Trung” là lấy chữ cuối của niên hiệu Quang Trung (光 中) làm chữ đầu của 16 khu phố, và người có sáng kiến này là ông Nguyễn Đức Hồng.

[39] Nghị định số 550- NV của Thủ Tướng VNCH ký ngày 6- 4- 1965: cải biến quận Vân Canh, thuộc tỉnh Bình Định thành cơ sở phái viên hành chánh, đặt trực thuộc quận Tuy Phước. (Nguyễn Quang Ân, Việt Nam Những Thay Đổi Địa Danh Và Địa Giới Các Đơn Vị Hành Chính 1945 – 1997, trang 183)

[40] Phước Thạnh là xã mới được thành lập dưới thời VNCH, bởi Nghị định số 527-BNV/HC/P7/NĐ ký ngày 23- 9- 1958. Địa phận xã Phước Thạnh, trích ra từ diện tích xã Phước Long (quận Tuy Phước), gồm hai thôn Phú Tài và Thế Thạnh (Nguyễn Quang Ân, cùng tác phẩm, trang 112).

[41] Theo Sắc lệnh số 113-SL/NV của Thủ Tướng Chính Phủ VNCH, các xã Phước Hải, Phước Hậu và Phước Tấn, kể từ ngày 30- 9- 1970, không còn thuộc quận Tuy Phước nữa, và sáp nhập vào thị xã Qui Nhơn (Nguyễn Quang Ân, cùng tác phẩm, trang 216).

[42, 43] Nghị định số 550- NV của Thủ Tướng VNCH ký ngày 6- 4- 1965: cải biến các quận Vĩnh Thạnh, An Lão thuộc tỉnh Bình Định thành cơ sở phái viên hành chánh, đặt trực thuộc các quận sau đây:

– Cơ sở phái viên hành chánh Vĩnh Thạnh, thuộc quận Bình Khê

– Cơ sở phái viên hành chánh An Lão, thuộc quận Hoài Nhơn.

(Nguyễn Quang Ân, cùng tác phẩm, trang 183)

[44] An Túc: Nguyễn Quang Ân, sđd, trang 121 (xem ghi chú số 34).

[45] Tam Quan, năm 1471 là làng, năm 1945 là xã, và ngày 18- 9- 1968 là quận Tam Quan gồm 6 xã của quận Hoài Nhơn tách ra: xã Tam Quan, Đức Hựu, Hoài Châu, Hoài Hảo, Hoài Sơn, Hoài Thanh. Quận lỵ đặt tại xã Tam Quan. (Nghị định số 999- NĐ/NV của Thủ Tướng VCVH – Nguyễn Quang Ân, sách đã dẫn, trang 205)

[46] Tỉnh Bình Định gồm 160 xã, trong đó có 87 xã (chiếm tỷ lệ 54,375%) được kiểm kê dân số, và có đến 73 xã (chiếm tỷ lệ 45,625%) vì mất an ninh không tiến hành kiểm kê dân số được.

[47] Nguyễn Quang Ân, sđd, trang 233 – 234: Trước 30- 4- 1975 VNCH có 44 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Tháng 2 năm 1946, Nghị định cùa Chính phủ Cách mạng lâm thời CHMNVN, sáp nhập 44 tỉnh của Miền Nam Việt Nam, thành 21 tỉnh mới. Trong đó, có tỉnh Nghĩa Bình (gồm Quảng Ngãi và Bình Định).

[48] Cùng tác phẩm, trang 233.

[49] Sách đã dẫn, trang 501.

[50] Tổng hợp từ: Wikipedia, và số liệu thống kê tính đến tháng 4 năm 1999, do Sở Địa Chánh tỉnh cung cấp tháng 8 năm 2001. Kiểm tra lại từ Bản Đồ Hành Chính tỉnh Bình Định, gồm 4 bản, lập tháng 12 năm 2001.

[51] Bản đồ lập trước năm 2006, sưu tầm từ trang mạng, nên xã Phước Mỹ còn thuộc địa phận huyện Tuy Phước (tô màu gạch nung), Qui Nhơn tô màu tím.

[52] Sự thay đổi địa danh và đơn vị hành chánh trên cấp xã và dưới cấp tỉnh của Tuy Phước, như sau:

– Năm 1832, huyện Tuy Phước được thành lập (coi 3 tổng với 156 thôn) trên cơ sở tách ra từ huyện Tuy Viễn, và thuộc phủ An Nhơn.

– Năm 1906, huyện Tuy Phước được cải đặt làm phủ, trực thuộc tỉnh Bình Định, không lệ vào phủ An Nhơn nữa, và coi 4 tổng với 147 thôn.

– Năm 1948, Tuy Phước bỏ đơn vị hành chánh cấp phủ, trở lại đơn vị huyện.

– Năm 1955, Tuy Phước đổi đơn vị hành chánh cấp huyện, ra cấp quận.

– Năm 1975, Tuy Phước trở lại đơn vị cấp huyện.

– Năm 1975, sáp nhập hai huyện Tuy Phước và Vân Canh, thành huyện Phước Vân.

– Ngày 24- 8- 1981, Quyết định số 41- HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng, giải thể huyện Phước Vân, chia làm hai huyện, phục hồi địa phận và tên cũ là Tuy Phước và Vân Canh.

Như vậy địa danh “huyện Phước Vân” chỉ tồn tại trong 7 năm (từ cuối năm 1975 đến năm 1981). Những ai ở trong địa phận Tuy Phước Vân Canh và sinh vào thời điểm nêu trên, giấy khai sinh đều ghi là “huyện Phước Vân.” Nếu ghi là “huyện Tuy Phước” là không đúng với bản gốc trong sổ bộ hộ tịch.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

01/ DƯƠNG KINH QUỐC; Việt Nam Những Sự Kiện Lịch Sử 1858- 1918, Tái bản lần thứ nhất; Hà Nội, nxb Giáo Dục, 2001.

02/ DƯƠNG TRUNG QUỐC; Việt Nam Những Sự Kiện Lịch Sử 1919- 1945, Tái bản lần thứ nhất; Hà Nội, nxb Giáo Dục, 2001.

03/ ĐỖ BANG Đỗ & NGUYỄN TẤN HIỂU chủ biên; Lịch Sử Thành Phố Qui Nhơn; Huế, nxb Thuận Hóa, 1998.

04/ NGUYỄN ĐÌNH ĐẦU; Nghiên Cứu Địa Bạ Triều Nguyễn – Bình Định I; Sài Gòn, nxb TP/HCM, 1996.

05/ NGUYỄN QUANG ÂN; Việt Nam, Những Thay Đổi Địa Danh và Địa Giới Các Đơn Vị Hành Chánh, 1945- 1997; Hà Nội, nxb Văn Hóa Thông Tin, 1997.

06/ QUỐC SỬ QUÁN TRIỀU NGUYỄN; Đại Nam Nhất Thống Chí, Quyển IX, bản dịch của Phạm Trọng Điềm, Tập 3; Huế, nxb Thuận Hóa, 1992.

07/ . . . . . . . . . . . . . . . . . . . ; Đại Nam Thực Lục Chính Biên, tái bản lần thứ nhất, bản dịch: Tập 3 nhóm Đỗ Mộng Khương dịch, Tập 4 nhóm Nguyễn Thế Đạt dịch, Tập 9 nhóm Nguyễn Ngọc Tĩnh dịch; Hà Nội, nxb Giáo Dục, 2007.

08/ TÒA HÀNH CHÁNH TỈNH BÌNH ĐỊNH; Địa Phương Chí Tỉnh Bình Định; Qui Nhơn, Tòa Hành Chánh Tỉnh Bình Định ấn hành, 1966.

09/ TỔNG CỤC ĐỊA CHÁNH; Tỉnh Bình Định – Bản Đồ Hành Chính, trọn bộ gồm 4 bản, mỗi bản khổ 78 x 106 cm; Không đề nơi, Nhà Xuất Bản Bản Đồ; tháng 12- 2001.

10/ TRANG MẠNG: Google, Wikipedia.

11/ TRẦN ĐÌNH THÁI; Ai Có Về Qui Nhơn; Sài Gòn, Tủ sách đẹp Quê Hương xuất bản, 1973.