ẤN BẢN OCT 15, 2020 • TẬP SAN VIỆT HỌC

LÁ THƯ CHỦ BIÊN ĐÀM TRUNG PHÁP

Kính gửi quý độc giả:

1. Thi ca trữ tình dồi dào của Nguyễn Bính (1918-1966) thuộc trường phái mà mỗ tôi thường gọi đùa là “Hương đồng gió nội” với bản “tuyên ngôn” rất phù hợp là bài Chân quê. Mỗ tôi thích bài thơ này lắm từ lâu. Văn hữu Nguyễn Bảo Hưng ở Paris cũng thích và đã chuyển nó sang tiếng Pháp rất tài hoa. Đọc xong bản nháp cuối cùng của ông, mỗ tôi điện thư chúc mừng và hứa sẽ cũng chuyển bài “Chân quê” sang tiếng Anh, rồi giới thiệu bản chuyển sang tiếng Pháp của Nguyễn Bảo Hưng (2020) và bản chuyển sang tiếng Anh của Đàm Trung Pháp (2020) trên TSVH, bên cạnh nguyên tác của Nguyễn Bính (1936). Nguyễn dịch giả than thở là ông đã “bở hơi tai” về vụ này. Ôi, “thú đau thương” mà, phải không Nguyễn quân?

2. Tha thiết với văn học thế giới như văn hữu Phạm Doanh thì mấy ai sánh nổi! Hàn Lâm Viện Thụy Điển vừa tặng giải khôi nguyên Nobel văn chương 2020 cho nữ thi sĩ Louise Glück người Mỹ ngày 07 tháng 10 thì chỉ 4 ngày sau (11 tháng 10), mỗ tôi giật mình được Phạm dịch giả gửi cho bản chuyển ngữ toàn bộ thi tập A Village Life gồm 47 bài thơ của bà Glück! Lý do để đoạt vinh dự lớn lao này được Hàn Lâm Viện Thụy Điển xác định: Bà Glück viết về gia đình và tuổi thơ qua một “giọng văn đặc thù, không ai có thể bắt chước được, đẹp đẽ tuy khắc khổ, mà đã có thể đại đồng hóa mỗi nếp sống cá nhân.” Mời quý vị đọc bài viết đầy hứng khởi Thơ Louise Glück (khôi nguyên Nobel 2020) chuyển sang Việt ngữ của Phạm quân để phối kiểm nhận định sắc bén của Hàn Lâm Viện Thụy Điển.

3. Trong lúc đọc bài nghị luận Đại cương thi ca Nam Bộ (viết xong năm 1965) của đồng nghiệp Nguyễn Văn Sâm, mỗ tôi thấy mình như một nho sinh lạc đường vào cõi thi ca Nam Bộ, mãi mới mò được lối ra, nhưng hài lòng với chút kiến thức mới khá thú vị. Như thể e ngại mỗ nho sinh thắc mắc, thầy Nguyễn đã viết một ghi chú riêng cho mỗ chủ biên ở cuối bài như sau:

“Những tác giả trong này làm thơ từ khi Việt Minh chưa thành VC cho nên họ ca tụng chuyện lên đường đánh Tây cứu nước. Lỗi không phải ở họ, mà lỗi ở chỗ CS đã cướp công kháng chiến của dân tộc. Tôi gửi theo đây 2 bìa tác phẩm nổi tiếng của 2 người quốc gia có thơ của giai đoạn kêu gọi lên đường chống giặc: Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy (Đằng Phương) và Thủ tướng Nguyễn Văn Lộc (Sơn Khanh).”

4. Étretat là một thị trấn với những vách đá trắng và cao sát bờ biển xanh tại phía tây-bắc, miền Normandie nước Pháp. Đây là một địa điểm du lịch nổi tiếng và cũng từng là nơi trú ngụ của một số văn nghệ sĩ hàng đầu nước Pháp, trong đó có nhà văn Guy de Maupassant (1850-1893) chuyên viết truyện ngắn và họa sĩ Claude Monet (1840-1926) của trường phái ấn tượng. Du ký đầy màu sắc Étratat: Thị xá đáng nhớ của Pháp, do văn hữu Sóng Việt Đàm Giang đóng góp, là một sự chia xẻ kinh nghiệm cá nhân rất chu đáo, đặc biệt hữu ích cho những độc giả nào sắp đi thăm Pháp Quốc.

5. Hoàng Hạc Lâu của thi hào Thôi Hiệu (704-754) là một trong những bài thơ Đường hay nhất của nền văn học Trung Quốc. Thi hào Nguyễn Du từng thăm viếng và làm thơ vịnh Hoàng Hạc Lâu, và những người khác về sau như thi sĩ Tản Đà, văn sĩ Ngô Tất Tố, học giả Trần Trọng Kim, thi sĩ Vũ Hoàng Chương, và giáo sư Trần Trọng San đã dịch tuyệt tác này sang thơ Việt. Nay TSVH hân hạnh giới thiệu bản dịch Việt ngữ của thi sĩ David Lý Lãng Nhân và bản dịch Anh ngữ của giáo sư Thomas Lê trong bài viết mang tựa đề Bài thơ cổ điển Hoàng Hạc Lâu.

6. Văn dĩ tải đạo và thầy Nguyễn Văn Sâm là một bài viết cảm động của cựu môn sinh Nguyễn Tuấn Huy dành cho ông thầy cũ Nguyễn Văn Sâm. Mỗ tôi đọc kỹ bài viết của “trò” Nguyễn Tuấn Huy vì “thầy” Nguyễn Văn Sâm là một đồng nghiệp của mỗ tôi trước 1975 tại Viện Đại Học Saigon. Quả thực, những nhận định của môn sinh về ông thầy cũ rất chính xác và sâu sắc. Bài viết lễ độ, thông minh, và chín chắn này cũng nhắc nhở người đọc đến truyền thống “tôn sư trọng đạo” đáng hãnh diện của người Việt chúng ta.

7. Viện Việt Học và Tập San Việt Học xin có lời chào mừng và cám ơn văn hữu Lục Đức Thuận đã đóng góp bài viết Lê Thánh Tông: Tinh thần dân tộc với thư pháp Hoa Áp. Dược sĩ Lục Đức Thuận, một nhà cổ tệ học (numismatist), là tác giả của hai tập khảo cứu: Tản mạn về tiền cổ Việt Nam (2005) và Tiền cổ Việt Nam không do triều đình đúc (2014). Hiện ông cũng là một biên tập viên của Revue de la Société de Numismatique Asiatique ở Pháp Quốc. Theo tác giả thì thư pháp Hoa Áp của Lê Thánh Tông – được Đại Việt Sử Ký Toàn Thư nhắc đến vào đời Hồng Đức năm thứ tám (1477) – là một phương cách bảo mật của nhà vua vào giai đoạn cường thịnh nhất của đất nước. Bài viết công phu này cũng đề cập thêm đến một số sự kiện chính trị và quân sự vẻ vang của nước Đại Việt thời vàng son ấy. Mỗ tôi hy vọng văn hữu Lục Đức Thuận sẽ tiếp tục hợp tác với TSVH.

8. Sau cùng, mỗ tôi xin đóng góp một bài khá cũ thuộc loại ngữ học xã hội (sociolinguistics) mà mỗ tôi mới bổ sung rộng rãi năm nay (2020). Tựa đề của bài viết là Túi khôn nhân loại: Tục ngữ Việt và tục ngữ thế giới, trong đó các tục ngữ thế giới đươc trích dẫn từ các ngoại ngữ mà mỗ tôi từng học hỏi – Hoa quan thoại, Anh, Pháp, Tây ban nha, Đức, Ý. Quý vị sẽ thấy những nét tương đồng thú vị giữa tục ngữ Việt và các tục ngữ thế giới nêu trên.

Trân trọng giới thiệu và mời đọc:

Chân quê

Tác giả: Đàm Trung PhápNguyễn Bảo HưngNguyễn Bính

Thơ Louise Gluck (khôi nguyên Nobel 2020) chuyển sang Việt ngữ

Tác giả: Phạm Doanh

Đại cương thi ca Nam Bộ

Tác giả: Nguyễn Văn Sâm

Étretat: Thị xã đáng nhớ của Pháp

Tác giả: Sóng Việt Đàm Giang

Bài thơ cổ điển Hoàng Hạc Lâu

Tác giả: David Lý Lãng Nhân

Văn dĩ tải đạo và thầy Nguyễn Văn Sâm

Tác giả: Nguyễn Tuấn Huy

Túi khôn nhân loại: Tục ngữ Việt và tục ngữ thế giới

Tác giả: Đàm Trung Pháp