TÒ MÒ ĐƯỜNG THI:

PHONG KIỀU DẠ BẠC 楓 橋 夜 泊

Đàm Trung Pháp

Hình minh họa lấy từ Internet

“Trên đường về nhà sau khi đi thi tiến sĩ bị rớt, người khách ngồi trong chiếc thuyền đang ghé bến đò Phong Kiều lúc nửa đêm. Nửa thức nửa ngủ trong một tâm trạng buồn, khách thấy trăng sắp lặn, nghe tiếng quạ kêu, cảm thấy lành lạnh vì trời đầy sương phủ. Cây phong trên bờ sông và ánh đèn từ một thuyền đánh cá chờn vờn trước cơn buồn ngủ. Ngoài thành Cô Tô là chùa Hàn San. Tiếng chuông nửa đêm vang đến tận thuyền khách.” Đấy, quý bạn vừa đọc qua nội dung tôi viết một cách hời hợt về tuyệt tác Đường thi mang danh Phong Kiều Dạ Bạc 楓 橋 夜 泊 (PKDB) của Trương Kế 張 繼 (712-779).

Vô số người Trung Quốc và ba quốc gia đồng văn Triều Tiên, Nhật Bản, Việt Nam đã coi PKDB (Tản Đà dịch thành Nửa đêm đậu bến Phong Kiều) là một trong vài bài được coi là hay nhất trong tổng số vài ngàn bài thơ Đường. Toàn bài thơ tứ tuyệt lẫy lừng ấy được ghi dưới đây bằng Hán tự nguyên thủy và bằng âm Việt-Hán, cùng với bản phỏng dịch sang thơ Việt của Tản Đà:

月 落 啼 霜 滿 天 Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên

江 楓 魚 火 對 愁 眠 Giang phong ngư hỏa đối sầu miên

姑 蘇 城 外 寒 山 寺 Cô Tô thành ngoại Hàn San tự

夜半 鐘 聲 到 客 船 Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền

Quạ kêu, trăng lặn, sương rơi

Lửa chài, cây bãi, đối người nằm co

Con thuyền đậu bến Cô Tô

Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn San

Thời niên thiếu tôi từng được nghe cha tôi, một nhà nho rất ngưỡng mộ Đường thi, nhiều lần nhắc đến bài thơ này lúc trà dư tửu hậu. Và trong cuốn “Đường Thi” gồm 336 bài tuyển dịch được xuất bản năm 1950, dịch giả Trần Trọng Kim nhận định “PKDB hay âm điệu, ít khi làm được như thế …” Mới đây, tò mò về lời phê tích cực của Cụ Trần, tôi bèn “google” tìm một giọng ngâm PKDB trên Internet xem sao. Thú vị thay, tôi đã được nghe cố nghệ sĩ Tô Kiều Ngân ngâm bài tứ tuyệt bất hủ này. Cảm khái dâng cao, tôi nghe đi nghe lại giọng ngâm họ Tô, và thấy Cụ Trần có lý quá!

Theo sự hiểu biết sơ đẳng của tôi thì âm điệu “hay” (hoặc “du dương trầm bổng”) trong thi ca phần lớn là do sự sắp xếp tài hoa thứ tự xuất hiện của các tiếng bằngtiếng trắc trong các câu thơ. Căn cứ vào các mức cao, thấp, trầm, bổng của 6 dấu giọng tiếng Việt – từ vựng ngữ học tây phương gọi là “tone levels and contours” – chúng ta có: (1) Tiếng bằng bổng [bb] (là các chữ không dấu) : ô, thiên … (2) Tiếng bằng trầm [bt] (là các chữ mang dấu huyền) : đề, sầu … (3) Tiếng trắc bổng [tb] (là các chữ mang dấu sắc, ngã) : khách, mãn … (4) Tiếng trắc trầm [tt] (là các chữ mang dấu hỏi, nặng) : hỏa, tự … Như vậy, thi hào Trương Kế đã dùng 17 tiếng bằng và 11 tiếng trắc theo thứ tự sau đây để tạo nên âm điệu du dương trầm bổng cho PKDB :

Nguyệt (tt) lạc (tt) ô (bb) đề (bt) sương (bb) mãn (tb) thiên (bb)

Giang (bb) phong (bb) ngư (bb) hỏa (tt) đối (tb) sầu (bt) miên (bb)

(bb)(bb) thành (bt) ngoại (tt) Hàn (bt) San (bb) tự (tt)

Dạ (tt) bán (tb) chung (bb) thanh (bb) đáo (tb) khách (tb) thuyền (bt)

Hết tò mò về âm điệu du dương, tôi tiện thể … tò mò thêm về vài đặc điểm trong cấu trúc của PKDB và thấy rất bõ công cho mình. Tôi nhận thấy trong loại thơ thất ngôn tứ tuyệt của Tàu (chỉ được dùng 28 từ cho mỗi bài) và loại thơ haiku của Nhật (chỉ được dùng 17 âm tiết cho mỗi bài) – nói theo ngôn từ của nghề địa ốc ở Mỹ – thì quả thực “space is at a premium” ! Thi nhân phải hết sức dè sẻncô đọng chữ nghĩa thì bài thơ mới đủ chỗ chứa, nhất là khi làm thơ haiku. Tại sao vậy ? Vì tiếng Nhật là một ngôn ngữ đa âm tiết (polysyllabic) trong đó một từ có thể là vài âm tiết cộng lại – thí dụ chữ “quạ” (1 âm tiết) trong tiếng Việt thì là “karasu” (3 âm tiết) trong tiếng Nhật và là “wu” (cũng 1 âm tiết) trong tiếng Tàu. Ý tại ngôn ngoạibiệt tài của cả người viết lẫn người đọc thi ca Tàu và Nhật mà.

Các hình ảnh giản dị dùng làm biểu tượng (nguyệt, ô, sương) cũng như ý nghĩa ba mệnh đề độc lập cực ngắn (nguyệt lạc, ô đề, sương mãn thiên) trong câu mở đầu của PKDB đều dễ đi thẳng vào tâm tư người nghe, người đọc. Quả thực, trong bất cứ một ngôn ngữ nào thì danh từ đứng làm chủ vị (nguyệt, ô, sương) cũng như động từ đứng làm ngữ vị (lạc, đề, mãn) cho một câu đều có thể kéo dài vô tận (trên lý thuyết), nhưng trong thực tế khả năng thần kỳ này của bộ óc loài người chỉ được sử dụng một cách tiết chế thôi. Vậy thì câu cực ngắn [Quạ + kêu] có thể kéo dài một cách tiết chế thành [Một bầy quạ đen xấu xí + đang kêu ầm ỹ trên đỉnh cây phong già]. Thêm nữa, vị trí kế cận (juxtaposition) của các cấu phần trong câu hoặc giữa các câu thơ được tận dụng để triệt tiêu các tiểu từ móc nối rỗng nghĩa (empty connective particles) như các liên từ và giới từ căn bản của cú pháp hoàn vũ.

Đặt hai nền văn học cổ Tàu và Nhật cạnh nhau, ta thấy tuy giản dị tận cùng, câu thơ thần sầu đầu tiên của PKDB có thể cung cấp đầy đủ biểu tượng và hàm ý cho cả một bài haiku mô tả nỗi cô đơn lạnh lẽo – cảm nhận qua thị giác (nhìn thấy trăng tà), thính giác (nghe thấy tiếng quạ kêu), và xúc giác (cảm thấy sương lạnh đầy trời). Để kết luận câu chuyện văn học hôm nay, tôi xin chia sẻ cùng bạn đọc một tuyệt tác của thi bá Nhật Bản Matsuo Basho (1644-1694). Chỉ qua mấy nét chấm phá, thần bút Basho đã có thể giáng xuống một bài haiku mô tả cảnh một đêm thâu cô quạnh đến rùng mình :

vài tia chớp lập lòe = inazuma ya (5 âm tiết)

tiếng kêu vạc ăn đêm = yami no kata yuku (7 âm tiết)

bay vào cõi tối = goi no koe (5 âm tiết)