Đọc lại “Màu thời gian” của Đoàn Phú Tứ

Vĩnh Đào

Có những nhà thơ để lại tên trong văn học sử chỉ với một bài thơ. Đó là trường hợp của Đoàn Phú Tứ với bài “Màu thời gian” được đăng lần đầu trên báo Ngày Nay số 198 (số Tết năm Canh Thìn) ngày 27 tháng giêng năm 1940. Hoài Thanh và Hoài Chân đã nhận thấy ngay giá trị của tác phẩm này nên đã chọn để giới thiệu trong tập Thi nhân Việt Nam xuất bản năm 1942.

Chúng ta đã tìm ảnh hưởng của thơ biểu tượng Pháp và thuyết “giao ứng” của Baudelaire để giải thích bài “Nguyệt Cầm” của Xuân Diệu. Cũng theo chiều hướng đó, chúng ta sẽ đi tìm một con đường mới để khám phá bài thơ “Màu thời gian.”

Đoàn Phú Tứ (1910 – 1989), sinh tại Hà Nội, lúc trẻ học tại trường Bưởi rồi trường trường trung học Pháp Albert Sarraut. Năm 1932, ông thi đỗ tú tài ban Triết học. Sau đó, ông theo học Đại học Luật, nhưng chỉ đến năm thứ hai thì bỏ học để viết báo và soạn kịch. Năm 1939, ông cùng với một số văn nghệ sĩ thành lập nhóm Xuân Thu nhã tập.

Sau cuộc Cách mạng tháng 8-1945, ông hoạt động văn nghệ ở Thanh Hóa rồi Việt Bắc. Năm 1946, ông được bầu vào Quốc hội khóa 1, nhưng ông đã từ nhiệm từ năm 1951. Cho đến những năm cuối đời, ông tiếp tục viết và dịch sang tiếng Việt những tiểu thuyết và kịch của những nhà văn nổi tiếng trong văn học Pháp. Ông mất năm 1989 tại Hà Nội, hưởng thọ 79 tuổi.

Hoạt động chính của Đoàn Phú Tứ là trên lãnh vực sân khấu và dịch, ông làm thơ rất ít. Tuy vậy bài thơ “Màu thời gian” đăng trên báo Ngày Nay năm 1940 được xem là một sáng tác tiêu biểu của phong trào Thơ mới vì nhịp điệu rất lạ, giọng thơ trang trọng, đài các, mặc dù hơi bí ẩn nên ít nguời có thể nắm được ý nghĩa của bài thơ.

Màu thời gian

Sớm nay tiếng chim thanh

Trong gió xanh

Dìu vương hương ấm thoảng xuân tình

Ngàn xưa không lạnh nữa, Tần phi

Ta lặng dâng nàng

Trời mây phảng phất nhuốm thời gian

Màu thời gian không xanh

Màu thời gian tím ngát

Hương thời gian không nồng

Hương thời gian thanh thanh

Tóc mây một món chiếc dao vàng

Nghìn trùng e lệ phụng quân vương

Trăm năm tình cũ lìa không hận

Thà nép mày hoa thiếp phụ chàng

Duyên trăm năm dứt đoạn

Tình một thuở còn hương

Hương thời gian thanh thanh

Màu thời gian tím ngát

Bài thơ làm theo thể thơ mới, với chủ yếu là những câu thơ cổ phong 5 chữ và 7 chữ. Đoạn đầu gồm ba câu. Câu đầu 5 chữ, câu cuối 7 chữ, ở giữa là một câu ngắn 3 chữ.

Sớm nay tiếng chim thanh

Trong gió xanh

Dìu vương hương ấm thoảng xuân tình

Mở đầu bài thơ là tiếng chim hót trong gió. Tiếng chim được mô tả là thanh, theo nghĩa trong trẻo, thanh tao, một sắc thái sẽ còn trở lại trong bài thơ. Gió mang màu sắc xanh, là một cách cảm nhận đặc biệt của thi sĩ về thế giới bên ngoài. Tiếng chim lại dìu vương hương ấm. Chỉ trong đoạn mở đầu mà tác giả đã đưa vào những âm thanh, màu sắc, hương vị cùng với cảm giác ấm, lạnh… Tất cả những yếu tố cùng kết hợp để định nghĩa thời gian. Sau cùng, cụm từ xuân tình báo hiệu những tình cảm nồng nàn, thắm thiết, khiến cho bài thơ ngay từ đầu đã có những nét tươi vui, nhẹ nhàng.

Đoạn thứ hai cũng được xây dựng như đoạn trước, nhưng lần này, các câu 1 và 3 là những câu 7 chữ kèm ở giữa là một câu ngắn 4 chữ.

Ngàn xưa không lạnh nữa, Tần phi

Ta lặng dâng nàng

Trời mây phảng phất nhuốm thời gian

Đoạn thơ này, với những chữ tần phita lặng dâng nàng, dẫn vào một không khí cổ xưa đượm nét nghiêm trang. Như cụm từ hương ấm của đoạn mở đầu đã báo trước, bài thơ sẽ thổi một làn hơi ấm vào một khá khứ xa xôi để “ngàn xưa không lạnh nữa”.

Các phi tần không phải là hoàng hậu, nhưng là những người đẹp được nhà vua sủng ái nhất trong cung. Một số đã có những chuyện tình thắm thiết với quân vương và để lại tên trong sử sách.

Nhà thơ sẽ đưa người đọc ngược dòng thời gian, một thời gian còn phảng phất trên cõi trời mây. Trong không gian cổ điển ba chiều mà chúng ta cảm nhận được, tức là chiều dài, chiều rộng và chiều sâu, tác giả đưa vào một chiều thứ tư là thời gian, dẫn dắt chúng ta vào một khoảng không gian bốn chiều huyền ảo.

Trong đoạn kế tiếp, nhịp thơ đổi, chuyển sang bốn câu ngũ ngôn để nói về các sắc thái của thời gian.

Màu thời gian không xanh

Màu thời gian tím ngát

Hương thời gian không nồng

Hương thời gian thanh thanh

Cũng như trong bài Nguyệt cầm, để cảm nhận ánh sáng cần phải phối hợp cả thị giác, thính giác lẫn xúc giác, thì đối với Đoàn Phú Tứ, thời gian cũng có màu sắc và hương vị.

Từ ngữ Việt Nam có những cụm từ ngày xanh, tuổi xanh hay tuổi xuân, nhắc nhở đến màu xanh của cây lá vào mùa xuân, là khoảng thời gian đầu tiên trong năm, tượng trưng cho tuổi trẻ. Nhưng ở đây thì màu thời gian không xanh mà tím ngát. Không phải tím ngắt, là một màu quá mạnh, quá nặng nề, mà tím ngát là một màu nhạt hơn, có một sắc thái nhẹ nhàng, thơ mộng, rất phù hợp với không khí chung của bài thơ cho đến lúc này.

Ngoài màu sắc, thời gian cũng có hương vị, nhưng cũng không phải một mùi hương mạnh và nồng, mà một mùi hương thanh thanh, nhẹ nhàng, thanh thoát. Thời gian với những đặc điểm và sắc thái như vậy chỉ có thể là một quá khứ mang những kỷ niệm của những tình yêu đẹp.

Đoạn thơ 5 chữ trên đây có nhịp điệu nhanh và rộn ràng, tiếng “thời gian” được lập lại ở mỗi câu, khiến cho đoạn thơ vang như một khúc hát vinh danh vẻ đẹp và nét thơ mộng của dòng thời gian đang trôi. Đoạn thơ 5 chữ này không ngắt nhịp 2/3 như thơ ngũ ngôn cổ phong Đường luật, mà có nhịp 3/2 làm cho nhịp câu thơ có vẻ nhanh và vui tươi hơn.

Đoạn thứ tư lại chuyển sang thể thơ thất ngôn, khiến cho đoạn này là một bài thơ thất ngôn tứ tuyệt cổ điển, với âm điệu rất thích hợp khi nhà thơ nhắc lại những thiên tình sử của quá khứ:

Tóc mây một món chiếc dao vàng

Nghìn trùng e lệ phụng quân vương

Trăm năm tình cũ lìa không hận

Thà nép mày hoa thiếp phụ chàng

Hai câu đầu nhắc đến sự tích Dương Quí Phi, nàng cung phi còn có tên là Dương Ngọc Hoàn, được vua Đường Huyền Tông sủng ái nhất, và là một trong tứ đại mỹ nhân (1) của lịch sử Trung Hoa. Một lần, vì làm nhà vua phật ý nên Đường Huyền Tông ra lệnh trục xuất Dương Quý Phi ra khỏi cung. Nhưng nhà vua si tình quá nhớ nhung người đẹp nên sai hoạn quan Cao Lực Sĩ ra thăm hỏi tin tức. Dương Quý Phi cắt tóc gửi vào cho vua. Vua Đường Huyền Tông cầm lòng không được lại cho rước nàng trở về cung.

Hai câu sau nói về tình sử của Hiếu Vũ Lý Hoàng hậu, thường được gọi là Lý phu nhân, một phi tần rất được sủng ái của Hán Vũ Đế Lưu Triệt nhà Tây Hán. Bà là phi tần duy nhất trong lịch sử nhà Hán không sinh ra hoàng đế kế vị nhưng vẫn được truy phong hoàng hậu sau khi chết. Khi Lý phu nhân lâm bệnh nặng, nhà vua đến tận giường bệnh thăm, nhưng nàng lấy chăn che mặt không để nhà vua nhìn thấy dung nhan tiều tụy của mình, chỉ vì muốn Hán Vũ Đế giữ mãi trong ký ức hình ảnh sắc đẹp kiều diễm của mình như thuở nào.

Ngoài ra, Đoàn Phú Tứ còn muốn nhắc đến chuyện tình của Thúy Kiều khi lấy lại gần như nguyên văn một câu thơ trong Truyện Kiều của Nguyễn Du nói về lúc Thúy Kiều cắt tóc thề nguyền cùng Kim Trọng dưới ánh trăng:

Tiên thề cùng thảo một chương,

Tóc mây một món dao vàng chia đôi.

Nhà thơ đưa chúng ta vào thế giới tình sử của những thời xa xưa. Lời văn trong đoạn này cũng thuộc về một thời đã qua: phụng quân vương, nép mày hoa, thiếp phụ chàng… Nhiều chi tiết được thi vị hoá cho thêm phần lãng mạn: Dương Quí Phi chỉ bị đưa ra khỏi cung mà đã cảm thấy nghìn trùng xa cách, lọn tóc cắt đi gởi nhà vua với dụng ý khiến vua nhớ mình thêm thì lại e lệ phụng quân vương; mấy năm trong hoàng cung mà Lý phu nhân đã có được trăm năm tình cũ

Những mối tình mà nhà thơ nhắc lại từ quá khứ không phải là vĩnh viễn êm đềm, không trắc trở. Đường Huyền Tông vì say mê Dương Quí Phi nên xao lãng việc triều đình, bị An Lộc Sơn đánh chiếm kinh thành Trường An. Đường Huyền Tông và Dương Quí Phi phải bỏ chạy về nước Thục. Trong lúc biến loạn, Dương Quí Phi chết trong lúc mới 37 tuổi. Lý phu nhân mắc bệnh nặng cũng chết rất trẻ. Thúy Kiều sau khi thề nguyền cùng Kim Trọng thì cuộc đời vương nhiều gian truân, chỉ gặp lại người xưa sau 15 năm lưu lạc.

Tuy nhiên, dù có trải qua những biến động, nhưng cuộc tình nào cũng có những khoảnh khắc đẹp đẽ, và chính những khoảnh khắc đó mới còn sống mãi trong ký ức.

Đó cũng là kết luận của bài thơ “Màu thời gian”. Đoạn chót trở về với thể thơ 5 chữ như đoạn bên trên nói về những sắc thái nhẹ nhàng của thời gian:

Duyên trăm năm dứt đoạn

Tình một thuở còn hương

Hương thời gian thanh thanh

Màu thời gian tím ngát

Những mối tình xưa dù có gặp phải những gian nan, bất trắc, vẫn còn lưu lại những kỷ niệm đẹp không phai mờ. Hai câu chót lập lại hai câu của đoạn thơ trước và chúng ta hiểu rõ hơn tại sao hương thời gian thì thanh thanh và màu thời gian là tím ngát.

Người đọc bài thơ của Đoàn Phú Tứ vào thập niên 40 của thế kỷ 20 không chắc đã thưởng thức được hoàn toàn ý nghĩa của bài “Màu thời gian” nhưng không khỏi bị quyến rũ bởi nhịp thơ rất mới, cách chuyển rất đẹp từ thể thơ 5 chữ sang 7 chữ rồi ngược lại. Hoài Thanh và Hoài Chân nhận thấy rất sớm tính quyến rũ đó và đã nhận xét: “Người xem thơ cũng biết rằng đây là hình ảnh một đôi mẩu đời, nhưng hình ảnh mờ quá không thể đoán những mẩu đời kia ra thế nào. Có khi cả ý nghĩa bài thơ cũng không hiểu rõ.”

Và tác giả kết luận: “Trong thơ ta có lẽ không có bài nào khác tinh tế và kín đáo như thế. Tôi tưởng dầu không hiểu ý nghĩa bài thơ người ta cũng không thể không nhận thấy cái vẻ huy hoàng, trang trọng của câu thơ.”

Vĩnh Đào

(1) Bốn người đẹp nổi tiếng nhất trong lịch sử Trung Hoa gồm Tây Thi, Vương Chiêu Quân, Điêu Thuyền và Dương Quý Phi. Trong bốn nhân vật đó, Điêu Thuyền không có thật ngoài đời mà chỉ là một nhân vật hư cấu trong tập truyện Tam Quốc Chí.