CHƯƠNG 24

KIM VÂN KIỀU ĐÍNH GIẢI

Hương Ngạn Đào Tử ĐÀM DUY TẠO

trước tác năm 1986

(Thứ nam) Đàm Trung Pháp

hiệu đính và phổ biến năm 2020

* * * * *

CÂU 2289 ĐẾN CÂU 2438

“Tha người tri quá, cứ phép gia hình”

2289. Trong quân có lúc vui vầy,

Thong dong mới kể sự ngày hàn vi: [1]

2291. Khi Vô Tích, khi Lâm Truy,

Nơi thì lừa đảo, nơi thì xót thương. 

2293. Tấm thân rày đã nhẹ nhàng,

Chút còn ân oán đôi đàng chưa xong.

2295. Từ Công nghe nói thủy chung,

Bất bình nổi trận đùng đùng sấm vang.

2297. Nghiêm quân tuyển tướng sẵn sàng,

Dưới cờ một lệnh vội vàng ruổi sao. [2]

2299. Ba quân chỉ ngọn cờ đào, [3]

Đạo ra Vô Tích, đạo vào Lâm Truy,

2301. Mấy người phụ bạc xưa kia,

Chiếu danh tầm nã bắt về hỏi tra. [4]

2303. Lại sai lệnh tiễn truyền qua, [5]

Giữ gìn họ Thúc một nhà cho yên.

2305. Mụ quản gia, vãi Giác Duyên,

Cũng sai lệnh tiễn đem tin rước mời.

2307. Thệ sư kể hết mọi lời, [6]

Lòng lòng cũng giận, người người giúp uy !

2309. Đạo trời báo phục chỉn ghê,

Khéo thay! Một mẻ tóm về đầy nơi, [7]

2311. Quân trung gươm lớn giáo dài,

Vệ trong thị lập, cơ ngoài song phi. [8]

2313. Sẵn sàng tề chỉnh uy nghi,

Bác đòng chật đất, tinh kỳ rợp sân. [9]

2315. Trướng hùm mở giữa trung quân, [10]

Từ Công sánh với phu nhân cùng ngồi.

2317. Tiên nghiêm trống chửa dứt hồi [11]

Điểm danh trước dẫn chực ngoài cửa viên [12]

2319. Từ rằng: “Ân, oán hai bên,

Mặc nàng xử quyết báo đền cho minh”

2321. Nàng rằng: “Nhờ cậy uy linh,

Hãy xin báo đáp ân tình cho phu. [13]

2323. Báo ân rồi sẽ giả thù”.

Từ rằng: “Việc ấy phó cho mặc nàng.”

2325. Cho gươm mời đến Thúc lang,

Mặt như chàm đổ, mình giường giẽ run. [14]

2327. Nàng rằng: “Nghĩa trọng nghìn non,

Lâm chi người cũ, chàng còn nhớ không?

2329. Sâm, Thương chẳng vẹn chữ tòng, [15]

Tại ai, há dám phụ lòng cố nhân?

2331. Gấm trăm cuốn, bạc nghìn cân,

Tạ lòng dễ xứng, báo ân gọi là!

2333. Vợ chàng quỷ quái tinh ma,

Phen này kẻ cắp bà già gặp nhau! [16]

2335. Kiến bò miệng chén chưa lâu,

Mưu sâu cũng trả nghĩa sâu cho vừa.”

2337. Thúc Sinh trông mặt bấy giờ,

Mồ hôi chàng đã như mưa ướt đầm.

2339. Lòng riêng mừng sợ khôn cầm,

Sợ thay mà lại mừng thầm cho ai. [17]

2341. Mụ già, sư trưởng thứ hai,

Thoắt đưa đến trước, vội mời lên trên:

2343. Dắt tay mở mặt cho nhìn:

Hoa Nô kia với Trạc Tuyền cũng tôi.

2345. Nhớ khi lỡ bước sẩy vời, [18]

Non vàng chưa dễ đền bồi tấm thương. [19]

2347. Nghìn vàng gọi chút lễ thường,

Mà lòng phiếu mẫu mấy vàng cho cân?” [20]

2349. Hai người, trông mặt tần ngần,

Nửa phần khiếp sợ, nửa phần mừng vui.

2351. Nàng rằng: “Xin hãy rốn ngôi,

Xem cho rõ mặt, biết tôi báo thù!

2353. Kíp truyền chư tướng hiến phù, [21]

Lại đem các tích phạm đồ hậu tra. [22]

2355. Dưới cờ, gươm tuốt nắp ra,

Chính danh thủ phạm tên là Hoạn Thư. [23]

2357. Thoạt trông nàng đã chào thưa:

“Tiểu thư cũng có bây giờ đến đây?

2359. Đàn bà dễ có mấy tay,

Đời xưa mấy mặt, đời này mấy gan?

2361. Dễ dàng là thói hồng nhan,

Càng cay nghiệt lắm càng oan trái nhiều!

2363. Hoạn Thư hồn lạc phách xiêu,

Khấu đầu dưới trướng, giở điều kêu ca. [24]

2365. Rằng: “Tôi chút dạ đàn bà,

Ghen tuông thì cũng người ta thường tình,

2367. Nghĩ cho khi gác viết kinh, [25]

Với khi khỏi cửa dứt tình chẳng theo. [26]

2369. Lòng riêng riêng cũng kính yêu;

Chồng chung, chưa dễ ai chiều cho ai.

2371. Trót lòng gây sự chông gai,

Còn nhờ lượng bể thương bài nào chăng?”

2373. “Khen cho: Thật đã nên rằng,

Khôn ngoan đến mực, nói năng phải lời,

2375. Tha ra thì cũng may đời,

Làm ra thì cũng ra người nhỏ nhen.

2377. Đã lòng tri quá thì nên,” [27]

Truyền quân lệnh xuống trướng tiền tha ngay .

2379. Tạ lòng lạy trước sân mây,

Cửa viên lại dắt một dây dẫn vào,

2381. Nàng rằng: “Lồng lộng trời cao,

Hại nhân, nhân hại sự nào tại ta! [28]

2383. Trước là Bạc Hạnh, Bạc Bà,

Bên là Ưng, Khuyển, bên là Sở Khanh.

2385. Tú Bà với Mã Giám Sinh,

Các tên tội ấy đáng tình còn sao?”

2387. Lệnh quân truyền xuống nội đao, [29]

Thề sao thì lại cứ sao gia hình,

2389. Máu rơi thịt nát tan tành,

Ai ai trông thấy, hồn kinh phách rời.

2391. Cho hay muôn sự tại trời,

Phụ người, chẳng bõ khi người phụ ta !

2393. Mấy người bạc ác tinh ma,

Mình làm mình chịu, kêu mà ai thương.

2395. Ba quân đông mặt pháp trường, [30]

Thanh thiên, bạch nhật rõ ràng cho coi.

2397. Việc nàng báo phục vừa rồi, [31]

Giác Duyên vội đã gởi lời từ qui. [32]

2399. Nàng rằng: “Thiên tải nhất thì, [33]

Cố nhân đã dễ mấy khi bàn hoàn. [34]

2401. Rồi đây bèo hợp mây tan,

Biết đâu hạc nội mây ngàn là đâu!” [35]

2403. Sư rằng: “Cũng chẳng mấy lâu,

Trong năm năm lại gặp nhau đó mà.

2405. Nhớ ngày hành cước phương xa, [36]

Gặp sư Tam Hợp vốn là tiên tri.

2407. Bảo cho hội họp chi kỳ, [37]

Năm nay là một, nữa thì năm năm.

2409. Mới hay tiền định chẳng lầm,

Đã tin điều trước, ắt nhằm điều sau.

2411. Còn nhiều ân nghĩa với nhau,

Cơ duyên nào đã hết đâu vội gì?”

2413. Nàng rằng: “Tiền định tiên tri,

Lời sư đã dạy ắt thì chẳng sai.

2415. Họa bao giờ có gặp người,

Vì tôi cậy hỏi một lời chung thân.” [38]

2417. Giác Duyên vâng dặn ân cần,

Tạ từ thoắt đã dời chân cõi ngoài. [39]

2419. Nàng từ ân oán sạch rồi,

Bể oan dường đã vơi vơi cạnh lòng.

2421. Tạ ân lạy trước Từ công:

“Chút thân bồ liễu nào mong có rày!

2423. Trộm nhờ sấm sét ra tay,

Tấc riêng như cất gánh đầy đổ đi!

2425. Chạm xương chép dạ xiết chi, [40]

Dễ đem gan óc đền nghì trời mây!” [41]

2427. Từ rằng: Quốc sĩ xưa nay, [42]

Chọn người tri kỷ một ngày được chăng?

 2429. Anh hùng tiếng đã gọi rằng,

Giữa đường dẫu thấy bất bằng mà tha! [43]

2431. Huống chi việc cũng việc nhà,

Lọ là thâm tạ mới là tri ân.

2433. Xót nàng còn chút song thân,

Bấy nay kẻ Việt người Tần cách xa.

2435. Sao cho muôn dặm một nhà,

Cho người thấy mặt là ta cam lòng.”

2437. Vội truyền sửa tiệc quân trung, [44]

Muôn binh nghìn tướng hội đồng tẩy oan. [45]

Đính chính và xác định

Câu 2308 – Lòng lòng cùng giận, người người giúp uy – Chữ “giúp uy” câu này nghĩa là ai cũng tỏ vẻ hăng hái để giúp cho khí oai hùng của quân được thêm mạnh mẽ, chữ Hán là [助 威] trợ uy (= giúp uy). Vì chữ “giúp” nôm viết là [𠢟] = “trợ” trên chữ “chấp” [执]. Vì chữ này viết khó quá nên nhiều bản Kiều nôm bỏ nửa trợ [助] trên, chỉ viết và khắc có nửa chấp [执] dưới. Bởi vậy nhiều người không nghĩ vẫn đọc là chấp uy thành ra vô nghĩa. Bản Kiều hai ông Kim Kỷ cũng dịch là chấp uy và giảng qua loa chẳng ra nghĩa gì cả.

Câu 2310 – Khéo thay một mẻ tóm về đầy nơi – Chữ “đầy nơi” trong câu này nghĩa là bắt được đầy đủ khắp mọi nơi không thiếu kẻ tội phạm nào. Vì chữ “đầy nơi” tối nghĩa, nên có người đổi ra “đòi nơi,” nhưng nghĩa vẫn không thanh thoát, lại thiếu ý bắt được đầy đủ mọi kẻ.

Câu 2314 – Bác đòng chật đất, tinh kỳ dợp sân – Chữ “bác” bản nôm viết là [鎛] nghĩa là thứ giáo có 2, hoặc 3 mũi, ta thường gọi là cái đinh ba. “Đòng” là thứ giáo có một mũi, lúc ai bị giáo đâm thường nói bị một mũi đòng. Vì chữ “đòng” nôm viết là [銅] (đồng), các bản Kiều nôm đều theo nguyên âm chữ [銅] mà dịch hai chữ này là “bác đồng” và cho nghĩa là súng “đại bác bằng đồng.”

Câu 2326 – Mặt như chàm đổ, mình dường giẽ run – Nghĩa nói Thúc Sinh sợ quá, mặt thì xám xanh như đổ nước chàm nhuộm xanh vào, mình thì run cầm cập như chim giẽ bị bắt. “Giẽ” là loài chim chân cao mỏ dài như cò, và cũng to như cò, lông màu nâu, đi ăn đêm; khi bị bắt thì run nhiều quá rồi gầy rạc mà chết, nên khi người bẫy chim bắt được giẽ thì bóp chết ngay mà bán, ăn mới ngon. Vì chữ “run” có nhiều bản nôm viết là [𧑒] (giun = con giun) nên nhiều bản quốc ngữ in là giẽ giun, lầm ra “con giẽ ăn giun” thịt ngon bổ của nhà săn bắn, thật là vô vị ở câu này. Cũng có bản Kiều nôm đổi chữ “giẽ run” ra làm “cầy run” lấy điển ở lời tục ngữ “run như cầy sấy” nghe lời kém thanh nhã, kém âm điệu.

Câu 2411 – Chữ “ân nghĩa” câu này, nhiều bản Kiều quốc ngữ in là “ân ái” thật sai quá, đáng nực cười!

Chú giải và dẫn điển

[1] Hàn vi [寒 微] = Lúc còn đói rét hèn mọn.

[2] Ruổi sao = Do chữ Hán “tinh trì” [星 馳] mà ra. “Tinh” = sao; “trì” = đi mau vội; nghĩa bóng là đi cho mau chóng suốt ngày đêm, đội sao mà đi.

[3] Ba quân – Khi quân đi thì “ba quân” = tiền quân (toán quân đi trước); “trung quân” (toán quân đi giữa); hậu quân (toán quân đi sau). Khi tiến quân hàng ngang vào trận thì ba quân = trung quân + tả quân + hữu quân.

[4] Chiếu danh tầm nã [照 名 尋 拿] = Chiếu xem từng tên ở trong sổ biên tên mà tìm bắt cho kỳ được.

[5] Lệnh tiễn [令 箭] – Nghĩa đen hai chữ “lệnh tiễn” = cái tên truyền lệnh; đây là cái tên có ghi danh hiệu của ông tướng để cầm đi làm tin.

[6] Thệ sư [誓 師] = Lễ cúng trời, đất, quỷ, thần để quân sĩ thề trước khi ra đi = Không nhũng nhiễu dân và hết sức làm theo mệnh lệnh, không dám sai.

[7] Tóm về một mẻ = Bắt được tất cả như quăng một mẻ lưới bắt được hết cá. Câu này dịch ở câu chữ Hán “Nhất võng đả tận [一 網 打 尽] = Một mẻ lưới bắt được hết.”

[8] Vệ [衛] = Những toán lính đặt ở gần vua, tướng để hộ vệ vua, tướng. “Thị lập” = Đứng hầu. “Cơ” = Những đội lính đóng ở bên ngoài doanh trại. “Song phi” [雙 披] = Đứng dàn ra hai bên.

[9] Bác [鎛] = Thứ giáo có 3 mũi, ta gọi là cái đinh ba. “Đòng” = Thứ giáo có một mũi nhọn và hai dìa sắc. Các bản Kiều Quốc ngữ đều dịch lầm hai chữ “bác đòng” ra “bác đồng” và cho nghĩa là súng đại bác bằng đồng, thật là quá sai.

[10] Trướng hùm = Cái lều bằng da hổ.

[11] Tiên nghiêm [先 嚴] = Ba hồi trống đánh lúc sắp bắt đầu mở cuộc tế lễ hay hội họp quan trọng để báo cho ai nấy nghiêm chỉnh giữ trật tự. Trong cuộc tế lễ quan trọng, bắt đầu xướng: Cổ sơ (tiên) nghiêm! Cổ nhị nghiêm! Cổ tam nghiêm!

[12] Cửa viên = Do chữ Hán là “viên môn” [轅 門] dịch ra. Viên = Đôi càng xe. Trước đồn đóng quân thường dựng hai dẫy càng xe lên làm cửa đồn, nên gọi cửa đồn quân là viên môn.

[13] Phu = Do chữ Hán “phu” [敷] = đầy đủ, đáng công, đáng ơn.

[14] Giẽ giun = Sợ run bần bật như chim giẽ bị bắt (Xem lời đính chính câu 2326 trên này).

[15] Sâm Thương – Hai sao Sâm và sao Thương nguyên vẫn là một ngôi Kim tinh. Lúc mặt trời sắp lặn chiều hôm trước thì ta trông thấy Kim tinh ở xế về phía tây ta gọi là sao hôm tức là sao Sâm [參]; sáng sớm ta trông Kim tinh ở xế phương đông, gọi là sao mai tức là sao Thương [商]. Ta thấy vậy lầm tưởng là hai sao, một ngôi mọc buổi chiều, một ngôi mọc buổi sớm, không bao giờ gặp nhau, nên gọi hai người không được gặp nhau nữa là Sâm, Thương.

[16] Kẻ cắp bà già gặp nhau – Kẻ cắp thì tinh ranh, nhanh nhẹn; bà già thì lờ mờ chậm chạp, thế mà tình cờ có khi bà già túm được tay kẻ cắp ăn cắp của mình. Kiều ví mình như bà già, Hoạn Thư như kẻ cắp, đứng với câu “quỷ quái tinh ma” ở trên.

[17] Sợ thay mà lại mừng thầm cho ai – Thúc Sinh thấy Kiều nói vậy, rất sợ cho tính mạng Hoạn Thư, nhưng thấy Kiều còn sống mà được hiển vinh nên rất mừng.

[18] Sẩy vời = Gặp bước khốn khổ như sẩy chân ngã xuống bể rộng. Đối với mụ quản gia thì nói lúc bị Hoạn Bà đánh, được mụ săn sóc khuyên nhủ; đối với Giác Duyên thì nói lúc đêm trốn bơ vơ được Sư vui nhận cho ở am Chiêu Ẩn.

[19] Non vàng = Núi vàng. Tấm thương = Lòng thương xót.

[20] Phiếu Mẫu [漂 母] = Bà thợ giặt quần áo. Hàn Tín lúc còn hàn vi phải câu cá kiếm ăn. Bà Phiếu Mẫu ra sông giặt thấy Tín ngồi câu suốt ngày chẳng ăn gì, mới mỗi ngày đem mấy bát cơm ra cho Tín ăn, trong mấy mươi hôm. Sau Tín giúp vua Hán Cao Tổ đánh được Hạng Vũ, được phong làm Tề Vương, sai người tìm Phiếu Mẫu mời về tạ ơn nghìn vàng. Người sau có câu “Bát cơm Phiếu Mẫu đền ơn nghìn vàng.

[21] Hiến phù“Hiến” [献] = Dâng. “Phù” [俘] = Kẻ tù bị bắt. “Hiến phù” = Đem lũ tù lên trình.

[22] Các tích phạm đồ = Lũ tù có tội. Hậu tra [候 查] = Đợi để tra xét.

[23] Thủ phạm [首 犯] = Kẻ phạm tội to nhất, đáng xét đầu tiên.

[24] Giở điều kêu ca = Kể rõ ra mọi điều để van xin. Có bản Kiều đổi ra “Lựa lời kêu ca” là không đúng lý ở chỗ này, vì Kiều có hỏi câu nào đâu mà lựa lời kêu van.

[25] Khi gác viết kinh – Câu này nhắc ngầm lại sự bắt được Kiều than thở với Thúc Sinh ở gác Quan Âm, mà Hoạn Thư lờ đi không nói gì, vui lòng tha thứ.

[26] Khi ra khỏi cửa dứt tình chẳng theo – Câu này nhắc ngầm lại sự khoan hồng không truy nã khi Kiều ăn cắp đồ vàng bạc trốn đi.

[27] Tri quá = Tự biết tội lỗi của mình.

[28] Hại nhân, nhân hại = Mình làm hại người ta, thì lại bị người ta làm hại mình.

[29] Nội đao [内 刀] = Bọn đao phủ thủ ở trong dinh, trong trại quân, giữ việc chém giết kẻ có tội tử hình.

[30] Pháp trường = Nơi để thi hành án tử hình.

[31] Báo phục [報 復] = Báo ơn và trả thù.

[32] Từ quy [辞 歸] = Từ giã nhau để ra về.

[33] Thiên tải nhất thì [千 載 一 時] = Nghìn năm một dịp, tức là lâu lắm mới có một dịp may gặp nhau.

[34] Bàn hoàn [盤 桓] = Quanh quẩn ở mãi với nhau.

[35] Hạc nội mây ngàn – Trong Hồng Lâu Mộng có câu “Dã hạc nhàn vân lai khứ vô câu thúc [野 鶴 閒 雲,来 去 無 拘 束] ” = Người đi tu như chim hạc ngoài đồng, như đám mây bay trên trời, muốn đi đâu, không bị gì bó buộc.

[36] Hành cước [行 脚] = Đi bộ, đi bằng chân. Các sư đi dạo cảnh chùa không bao giờ đi xe ngựa, nên gọi là hành cước. Vua Trần Nhân Tông tu ở chùa Yên Tử (Hải Dương) đi bộ 800 dặm đường về Thăng Long thăm bà chị bệnh nặng, chỉ có một tiểu đi theo.

[37] Hội họp chi kỳ = Kỳ hội họp với nhau.

[38] Lời chung thân = Lời đoán trước cho biết cuộc đời của nàng sẽ kết liễu như thế nào. (Câu này mào đầu cho sự Sư Tam Hợp bảo Giác Duyên kết lưới đón Kiều khi Kiều tự tử ở sông Tiền Đường, và rồi Kiều lại được sung sướng gặp gia đình, gặp Kim Trọng).

[39] Cõi ngoài = Do chữ phương ngoại [方 外] dịch ra, nghĩa là ngoài cõi sống của người đời, tức là cõi tiên.

[40] Chạm xương chép dạ = Do câu chữ Hán “Minh tâm, khắc cốt [銘 心 刻 骨]” dịch ra. “Minh” [銘] là làm thành lời văn để khắc vào đồng, vào bia để ghi công đức. “Minh tâm” là ghi nhớ mãi mãi như chạm khắc vào lòng. “Khắc cốt” là nhớ mãi như khắc vào xương cho chết cũng không quên.

[41] Gan óc đền nghì – Câu này dịch ở câu chữ Hán “Can não đồ địa [肝腦 塗 地] = Gan óc nát thành bùn lầm ở đất ra, và ý nói dẫu đem gan óc làm nát ra cũng chưa đủ để đền ơn. Bài hịch Trần Lâm kể tội để đánh Tào Tháo có câu: “Tháo nay nó đã có ý cướp ngôi vua rồi, vậy chính là lúc những bậc trung thần phải ‘can não đồ địa’ để báo ơn vua.” Thành ngữ “can não đồ địa” lấy điển ở câu bài hịch đó.

[42] Quốc sĩ = Hạng người cả nước đều cho là giỏi.

[43] Câu này nghĩa là người anh hùng khi gặp việc bất bình, dẫu chẳng can thiệp gì đến mình, cũng chẳng tha kẻ làm việc bất bình đó.

[44] Nghĩa câu này là mở tiệc ở giữa trong đám quân ngũ.

45/ Hội đồng tẩy oan là họp mọi người lại mở tiệc ăn mừng và cầu nguyện cho mọi người bị hành hình khỏi bị oan nghiệp.

Diễn ra văn xuôi

Câu 2289, 2290 = Ở trong đồn quân, nhân lúc truyện trò vui vẻ với Từ Công, nàng mới thong dong kể mọi nỗi khổ sở của nàng khi còn hàn vi:

Câu 2291, 2292 = Nào là bị Mã Giám Sinh và Tú Bà ở Lâm Truy đánh lừa mua về đánh tàn nhẫn bắt vào thanh lâu; nào là bị Hoạn Thư bắt về Vô Tích hành hạ, bắt làm con đòi khổ sở đáng thương.

Câu 2293, 2294 = Rồi nàng nói tiếp: Thân tôi bây giờ, tuy bên ngoài mặt được nhẹ nhàng, thảnh thơi, nhưng trong lòng đầy nặng những ân oán, ân chưa đền được, oán chưa báo được, lúc nào cũng bận rộn bên lòng.

Câu 2295, 2296 = Từ Công nghe hết trước sau truyện nàng kể, thấy những nỗi bất bình ấy, bỗng nổi giận đùng đùng như sấm sét.

Câu 2297, 2298 = Liền sắp quân nghiêm chỉnh, kén tướng sẵn sàng và họp ở dưới cờ, rồi ra lệnh cấp tốc đi cho nhanh suốt ngày suốt đêm ở dưới bóng trăng sao.

Câu 2299, 2300 = Ba toán quân đạo nào cũng cứ tiến thẳng theo cờ đầu đạo ấy mà đi; một đạo đi ra huyện Vô Tích bắt Hoạn Thư, Ưng, Khuyển và lũ họ Bạc; một đạo đi vào huyện Lâm Truy bắt Tú Bà, Sở Khanh, Mã Giám Sinh.

Câu 2301, 2302 = Những kẻ lừa đảo phụ bạc kia xưa đó, cứ chiếu tên từng đứa ra mà bắt cho được đem về tra xét trị tội.

Câu 2303 đến 2306 = Lại sai một toán quân cầm lệnh tiễn truyền cho quân sĩ phải giữ gìn cho gia đình họ Thúc được bình yên. Về phần mụ Quản gia và vãi Giác Duyên, cũng sai một toán cầm lệnh tiễn đi mời về.

Câu 2307, 2308 = Trước khi hai đạo quân ra đi, có làm lễ thệ sư, kể hết mọi lời cho quân sĩ nghe, khiến lòng người nào cũng tức giận và reo hò hăng hái giúp cho quân khí thêm oai hùng.

Câu 2309, 2310 = Nghĩ đạo trời quả báo lại những kẻ độc ác thật đáng sợ, quân đi một chuyến tóm về đầy đủ những kẻ có tội ở khắp mọi nơi, rõ thật là lưới trời lồng lộng chẳng kẻ gây tội ác nào thoát được.

Câu 2311, 2312 = Trong đồn quân đóng đầy những gươm lớn, giáo dài trông hoa cả mắt. Bên trong dinh tướng thì đội lính thị vệ đứng dàn mặt chầu ở trước chỗ tướng ngồi; bên ngoài thì các cơ lính đứng sắp hàng rẽ ra hai bên.

Câu 2313, 2314 = Uy nghi bố trí rất tề chỉnh sẵn sàng từ trong đến ngoài. Trước sân thì các thứ giáo mác cắm chật đất, các thứ cờ che dợp trời.

Câu 2315, 2316 = Buồng tướng chung quanh căng da hùm mở ra ở giữa trại trung quân, có Từ Công và Phu Nhân cùng ngồi.

Câu 2317, 2318 = Hồi trống tiên nghiêm đánh chưa dứt tiếng, thì đã có tiếng hô điểm danh từng tên tù mà dẫn đến đứng chực sẵn ở ngoài cửa đồn quân.

Câu 2319, 2320 = Từ Công bảo nàng rằng: Việc đối xử với hai bên ân oán, ta giao phó toàn quyền cho nàng xử quyết để đền ơn hay báo oán sao cho rõ ràng xứng đáng.

Câu 2321 đến 2323 = Nàng thưa rằng: Nhờ oai linh của Tướng quân, thiếp được chủ trương việc này thật là quá phận. Thiếp xin báo ơn trước. Báo ơn xong rồi mới trả thù.

Câu 2324 = Từ nói: Việc đó mặc nàng, muốn làm thế nào tùy ý.

Câu 2325, 2326 = Thế là bắt đầu cuộc báo ơn. Đầu tiên cho lính mang gươm ra mời Thúc Sinh. Chàng sợ quá, mặt xám xanh như đổ chàm, mình run cầm cập như chim giẽ bị bắt.

Câu 2327, 2328 = Kiều nói ngay để yên ủi chàng rằng: Tôi là người cũ ở Lâm Truy đây, chàng còn nhớ không? Ân nghĩa chàng đối với tôi thật nặng như nghìn quả núi.

Câu 2329, 2330 = Tôi không giữ được trọn đạo chữ tòng, thành ra Sâm, Thương mỗi người một phương, thật là tại ai, chứ đâu tôi dám phụ lòng cố nhân.

Câu 2331, 2332 = Nay tôi có chút quà 100 cuốn gấm và một nghìn cân bạc để tạ tấm lòng tử tế của chàng, chứ đâu dám nói là báo ơn chàng vì ơn ấy to lắm, chưa dễ lấy gì báo đáp được!

Câu 2333, 2334 = Còn vợ chàng thì thật quỷ quái tinh ma quá, thế mà bây giờ kẻ cắp bà già lại gặp nhau ở đây!

Câu 2335, 2336 = Rõ thật cái vòng lẩn quẩn, oan oan tương báo như đôi kiến bò trên miệng chén, vừa gặp nhau, nay lại gặp nhau. Rồi vợ chàng sẽ biết, tôi sẽ lại dùng mưu sâu để trả miếng lại mưu sâu của nàng, và sẽ đem nghĩa sâu để đền đáp lại nghĩa sâu của chàng cho vừa.

(Lời ghi thêm – Ý Kiều cho Thúc Sinh biết là Kiều sẽ lấy cho Thúc Sinh người vợ cả khác rõ đẹp để đền lại nghĩa sâu của Thúc, và bắt hạ Hoạn Thư xuống làm vợ lẽ con đòi phải hầu hạ vợ chồng mới một cách nhục nhã như mình trước. Kiều định đem cái mưu sâu ấy để báo thù lại cái mưu sâu độc ác của Hoạn Thư trước kia. Nhưng sau nghe lời Hoạn Thư phân trần đủ lẽ, biết là Hoạn Thư thật vẫn có lòng yêu quý bao dung mình, nêu Kiều sợ báo thù như thế, tỏ ra mình là kẻ bụng dạ nhỏ nhen, kém lòng bao dung của Hoạn Thư đối với mình. Bởi vậy nàng không dám thi hành cái chí lấy mưu sâu giả mưu sâu đó nữa).

Câu 2337 đến 2340 = Thúc Sinh bây giờ thì ngoài mặt đầm đìa mồ hôi như mưa ướt, trong lòng thì vừa sợ vừa mừng không sao hãm được, sợ cho số phận Hoạn Thư, mừng cho Kiều không những còn sống mà lại còn được sung sướng vẻ vang, nên vị vương phi.

Câu 2341, 2342 = Những người được mời đến thứ hai là mụ Quản gia và Sư trưởng Giác Duyên. Thoạt trông thấy, Kiều vội mời họ lên ngay.

Câu 2343, 2344 = Rồi nàng dắt tay mở mặt cho hai người nhìn và vui vẻ nói: Chào bà Quản gia, tôi là Hoa Nô đây! Chào Sư trưởng, tôi là Trạc Tuyền đây! Hoa Nô hay Trạc Tuyền vẫn là tôi cả!

Câu 2345, 2346 = Rồi nàng nói tiếp: Nhớ khi tôi lỡ bước sẩy chân, sa vào nơi bể khổ, được hai bà thương tình cứu giúp. Cái ân đức ấy dẫu có núi vàng cũng chưa đủ báo đáp lại được.

Câu 2347, 2348 = Nay tôi có chút lễ nghìn lạng vàng làm quà biếu hai bà thôi, chứ thật ra tấm lòng nhân đức của hai bà chẳng khác gì bà Phiếu Mẫu xưa, chẳng lấy vàng nào mà sánh nổi được!

Câu 2349, 2350 = Hai bà khi trông rõ mặt nàng, cùng sửng sốt tần ngần, chẳng nói được lời nào, vừa khiếp sợ vừa mừng vui.

Câu 2351, 2352 = Khi Kiều thấy hai bà muốn xin về, liền giữ lại, và nói: Xin hai bà hãy ngồi dốn lại ít lâu để chứng kiến rõ ràng cuộc tôi báo thù.

Câu 2353, 2354 = Nàng liền truyền lệnh cho mấy vị tướng làm lễ hiến phù, đem tù vào nộp, và lại sai đem các hồ sơ kể rõ tội ác của lũ tù phạm ra để đợi xét lại.

Câu 2355, 2356 = Bọn lính vác gươm đứng sắp hàng ở dưới cờ liền tuốt vỏ gươm ra sáng loáng một lượt để tỏ vẻ oai nghiêm trọng thể cuộc xử tội. Tên thủ phạm chính đáng nhất được gọi đầu tiên là Hoạn Thư.

Câu 2357, 2368 = Trông thấy Hoạn Thư, Kiều liền cất tiếng chào nói: Tiểu thư ngờ đâu cũng có lúc bây giờ đến gặp ta ở đây nhỉ?

Câu 2359, 2360 = Từ xưa đến nay, dễ đã được mấy mặt đàn bà khôn ngoan sâu sắc như Tiểu thư? Và bụng dạ đàn bà dễ đã được mấy người gan lì kiên nhẫn như Tiểu thư? (Sự gan lì đây chỉ sự cười nói ở gác Quan Âm).

Câu 2361, 2362 = Thói thường của đàn bà là phải dễ dàng hiền lành thì mới hay. Làm thân đàn bà hễ càng cay nghiệt lắm, thì lại càng rước lấy tội nợ oan trái vào mình bấy nhiêu.

Câu 2363, 2364 = Hoạn Thư nghe lời Kiều cảnh cáo thì sợ bạt hồn bạt vía, liền sụp xuống lễ rập trán xuống tận đất ở trước chỗ màn Kiều ngồi, mà giãi bầy mọi lời lẽ ra để kêu van.

Câu 2365, 2366 = Nàng kêu van rằng: Tôi là một kẻ đàn bà ngu dại có tội ghen tuông. Tôi trộm nghĩ tội ghen tuông đó cũng là cái tội tình thông thường của bọn đàn bà.

Câu 2367, 2368 = Tôi dám xin Lệnh Bà nghĩ lại cho tôi hai việc, là việc tôi gặp Lệnh Bà ở gác viết Kinh, và việc Lệnh Bà bỏ ra đi, tôi lặng lẽ dứt tình im đi, không cho người theo tìm.

Câu 2369, 2370 = Hai việc đó đủ chứng tỏ rằng lòng riêng tôi, tôi thật quả vẫn kính yêu Lệnh Bà. Nhưng chỉ vì nỗi cái tính ghen của đàn bà nó chẳng để ai nhường chồng cho ai cả.

Câu 2371, 2372 = Nhưng dù sao cũng là tội tôi trót đã dại dột gây ra cuộc chông gai. Vậy tôi dám cúi đầu xin độ lượng như bể của Lệnh Bà thương được phần nào chăng, thì tôi được đội ơn phần ấy!

Câu 2373, 2374 = Kiều nghe Hoạn Thư phân trần, lời thật đanh thép phân minh, và lý thật vững chắc đầy đủ, mới khen rằng: Thật đáng khen cho người khôn ngoan tuyệt bực và ăn nói nên lời!

Câu 2375, 2376 = Ta mà tha tội quá nặng đó cho ngươi, thì cũng là quá may cho đời ngươi, nhưng nếu ta làm tội ngươi cho đích đáng, thì e ta lại mang tiếng là người bụng dạ nhỏ nhen, ít độ lượng.

Câu 2377, 2378 = Vậy nay ngươi đã tự biết tội lỗi ngươi như thế, thì ta cũng rộng lượng tha cho. Dứt lời, Kiều liền truyên lệnh tha ngay ở trước màn tướng.

Câu 2379, 2380 = Hoạn Thư liền làm lễ tạ ơn lạy mấy lạy ngay ở trước sân, và theo người đưa ra. Rồi ngoài cửa đồn lại dắt một dây tù phạm khác dẫn vào.

Câu 2381, 2382 = Kiều tuyên bố cho lũ tù phạm đó biết rằng: Ông Trời lồng lộng cao xa trên kia, chúng bay chớ có coi thường! Đây là tại vì chúng bay độc ác bất nhân lắm với người ta, thì nay Trời lại cho người ta báo lại chúng bay, chứ đâu phải tự ta làm hại chúng bay.

Câu 2383, 2384 = Rồi nàng truyền bắt chúng nó đứng thành ba hàng, hàng trước là Bạc Hạnh, Bạc Bà, hàng sau thì một bên là Ưng, Khuyển, một bên là Sở Khanh.

Câu 2385, 2386 = Hàng sau nữa là Tú Bà và Mã Giám Sinh. Bấy giờ Kiều mới cho người đọc bản án kết tội từng đứa một, cho mọi người đều biết và đáng xử phạt thế nào cho đúng tội tình.

Câu 2387, 2388 = Khi đã tuyên án xong rồi, nàng truyền lệnh cho bọn đao phủ thủ cứ chiếu các lời thề của từng đứa ra mà hành hình, thề thế nào thì làm tội như thế ấy.

Câu 2389, 2390 = Ai trông thấy cảnh máu rơi thịt nát, thây xác tan tành cũng phải kinh hồn.

Câu 2391, 2392 = Sự chết thảm thê của lũ này làm cho người đời biết rằng, muôn việc ở đời đều do Trời cân nhắc quyết định cả. Khi ta làm hại người không bù sao được khi người ta làm hại mình giả lại.

Câu 2393, 2394 = Những kẻ bạc ác bất nhân, tinh khôn quỷ quái lắm, tự mình làm tội mình như lũ này, thì phải chịu tội, kêu khóc mà ai thương?

Câu 2395, 2396 = Cuộc trị tội lũ này làm thật rõ ràng giữa pháp trường lúc thanh thiên bạch nhật, trước mặt đông đủ cả ba quân.

Câu 2397, 2398 = Việc nàng báo ơn trả thù đã xong rồi, vãi Giác Duyên liền ngỏ lời cáo từ xin về.

Câu 2399, 2400 = Kiều giữ lại và nói: Nghìn năm một dịp, dễ mấy khi mà cố nhân quanh quẩn với nhau ở đây!

Câu 2401, 2402 = Xin Sư trưởng hãy lưu lại ít lâu, kẻo nữa sau này lại hối tiếc cảnh hội họp mau chóng như bèo tụ trên sóng, rồi lại tan ngay như bãi mây trước gió. Mà Sư trưởng thì như hạc ngoài đồng, mây trên núi, nay đây mai đó, biết đâu mà tìm được nữa!

Câu 2403, 2404 = Giác Duyên đáp: Chúng ta sẽ chẳng bao lâu nữa mà lại được gặp nhau, chỉ trong 5 năm nữa thôi.

Câu 2405, 2406 = Còn nhớ dạo nọ, khi tôi đi vãn cảnh ở một nơi xa, có gặp bà Tam Hợp Đạo Cô là một bực tiên tri.

Câu 2407, 2408 = Bà có đoán trước cho tôi biết những kỳ hội họp chúng ta là một lần vào năm nay, và một lần nữa vào hồi 5 năm sau.

Câu 2409, 2410 = Nay mới biết bà đoán thật đúng. Lời bà đoán kỳ năm nay đã đúng, thì chắc kỳ sau cũng chẳng sai lầm.

Câu 2411, 2412 = Chúng ta còn nhiều ân nghĩa ràng buộc với nhau, còn nhiều cơ duyên trời đưa lại gặp nhau, đã vội gì mà phải giữ tôi ở nơi quân ngũ này cho thêm bận rộn.”

Câu 2413, 2414 = Kiều đáp: Lời Bà Sư tiên tri đã đoán định dạy trước thế nào, chắc là chẳng sai.

Câu 2415, 2416 = Vậy nếu nay mai, Sư trưởng lại có dịp gặp Người thì tôi nhờ Sư trưởng hỏi Người một lời là cuộc đời của tôi sẽ chung kết ra sao?

Câu 2417, 2418 = Giác Duyên nhận lời một cách rất sốt sắng ân cần, rồi liền từ tạ Kiều mà ra đi.

Câu 2419, 2420 = Kiều từ lúc đôi đường báo ơn báo oán đã làm phân minh đâu ra đấy rồi, trong lòng như thấy bể oan vơi vơi hẳn đi, không canh cánh một bên lòng như trước nữa.

Câu 2421, 2422 = Nàng đến trước Từ Công, sụp xuống lạy tạ ơn và nói: Tôi là một kẻ đàn bà yếu đuối, đâu có dám mong được như thế này!

Câu 2423, 2424 = Nay được nhờ tay Tướng quân ra oai sấm sét, khiến lòng riêng tôi được hả hê nhẹ nhàng như đương gánh nặng thì được người nhắc đổ đi hộ.

Câu 2425, 2426 = Ơn to ấy dù tôi sống thì ghi vào lòng, chết thì khắc vào xương cũng chưa đủ, dẫu đem gan đem óc nghiền thành bùn thành vữa cũng khó báo đền được ơn to như trời mây đó được.

Câu 2427, 2428 = Từ Công gạt lời tạ ơn quá trịnh trọng của Kiều đó đi mà nói: Từ xưa đến nay, những bực quốc sĩ muốn tìm một người bạn tri kỷ khó lắm, chưa dễ một ngày nào đó mà đã được đâu! Nay ta đã được nàng là người thật tri kỷ, thì ta còn tiếc gì nữa mà chẳng hết sức giúp nàng!

Câu 2429, 2430 = Vả chăng đã là người anh hùng, thì dẫu gặp việc bất bình ở giữa đường, chẳng can hệ gì đến mình, cũng còn chẳng tha kẻ làm bậy được.

Câu 2431, 2432 = Huống chi việc báo ân báo oán này cũng là việc chung trong nhà, thì việc gì nàng phải tạ ta một cách quá trịnh trọng như thế mới là tri ân?

Câu 2333, 2334 = Ta còn thương nàng bao nhiêu năm nay đau đớn nhớ thương cha mẹ, mà biệt vô âm tín vì xa cách nhau xa xôi quá chẳng khác gì người ở đất Việt phía đông nam, kẻ ở đất Tần phía tây bắc.

Câu 2335, 2336 = Thế nào ta cũng phải làm cho đôi bên xa nhau muôn dặm lại họp thành một nhà để cho lại được gặp nhau vui vẻ thì ta mới hài lòng.

Câu 2437, 2438 = Rồi Từ liền ra lệnh mở tiệc ở trong đồn quân, hợp tất cả muôn binh nghìn tướng lại, làm lễ tẩy oan vừa để mừng nàng đã sạch nỗi oan ức, vừa để cầu cho mọi người khỏi bị oan nghiệp vì cuộc chém giết báo thù này.

Những câu có ý móc nối và những chữ có ý than khuyên

(1) Câu “Thong dong mới kể sự ngày hàn vi” thật mở đầu cho cuộc hành binh kinh động, chém giết thảm thê hả lòng ân oán một người. Chữ “thong dong” câu này nghĩ thật đáng than thở. Ở đời biết bao nhiêu tai họa cho người đã chỉ bắt đầu bằng cái “thong dong” kiểu này! Ngay trong Truyện Kiều cũng đã có mấy cuộc nữa làm cho Kiều phải khổ lòng vì cái “thong dong” của mụ Tú, mụ Hoạn. Tú Bà thì “Vừa tuần nguyệt sáng gương trong / Tú Bà trở lại thong dong dặn dò,” đã làm cô trinh nữ phải chịu mặt dạn mày dầy mà “cúi đầu vâng dậy” bài học “bẩy chữ, tám nghề.” Còn Hoạn Thư thì vợ chồng vui vẻ uống trà hồng mai xong rồi “Thong dong nối gót thư trai cùng về” đã làm cho cô tiểu viết kinh phải ủ ê, phải e sợ, rồi liều thân đêm trốn trong cảnh “Lênh đênh đâu nữa cũng là lênh đênh.”

(2) Câu Giác Duyên nói “Còn nhiều ân nghĩa về sau” báo cho ta biết trước những cuộc Giác Duyên thuê lưới vớt Kiều về cùng ở Thảo Am, rồi tình cờ gặp gia đình họ Vương đưa về gặp Kiều, và việc Kiều lập am ở nhà định đón Giác Duyên về cùng ở; rồi khi không tìm đón được, đành thờ Phật suốt đời để tưởng vọng.

(3) Câu Kiều nhờ Giác Duyên hỏi Tam Hợp: “Vì tôi cậy hỏi một lời chung thân” nghe có ý rất thảm thương, báo trước lời Sư Tam Hợp tiên đoán là Kiều sẽ bị Hồ Tôn Hiến lừa mà phải “Giữa dòng nước dẫy sóng giồi / Trước hàm rồng cá gieo mồi băng tanh.” Đó là cái cuộc chung thân kiếp này của Kiều, mà nàng vẫn lo là không được hưởng trọn vẹn phú quý trong trường gươm giáo.

(4) Lời Từ hẹn với Kiều: “Xót nàng còn chút song thân / Bấy lâu kẻ Việt người Tần cách xa / Sao cho muôn dặm một nhà / Cho người thấy mặt là ta cam lòng” móc nối với lời Kiều khuyên Từ về hàng : “Dần dà sẽ liệu tìm về cố hương” để nàng có thể “Nở nang mày mặt rõ ràng mẹ cha.”

(5) Về cái việc “Giác Duyên đâu bỗng tìm vào đến nơi” cúng chiêu hồn Kiều, ta biết hiển nhiên đó tức là vong hồn Từ Hải cảo táng ở bên sông dun dủi đưa Giác Duyên đến – lúc sống chưa làm được, thì lúc chết cố làm cho nàng được cam lòng.

(6) Chỗ hay nhất trong đoạn Truyện Kiều này là những câu Hoạn Thư phân trần để van xin Kiều.

(6a) Trước lời cảnh cáo nghiêm trọng của Kiều: “Dễ dàng là thói hồng nhan / Càng cay nghiệt lắm càng oan trái nhiều.”

(6b) Hoạn Thư đã khéo dùng lời uyển chuyển trước sau đâu vào đấy, vừa gỡ được tội cay nghiệt, vừa bầy tỏ được thật lòng vẫn kính yêu Kiều, lại vẫn gợi được lòng khoan lượng cả của Kiều để xin tha. Lý lẽ từng câu rất liên tiếp nhau: (a) “Rằng tôi chút phận đàn bà / Ghen tuông thì cũng người ta thường tình.” (b) “Nghĩ cho khi gác viết kinh / Với khi khỏi cửa dứt tình chẳng theo.” (c) “Lòng riêng, riêng cũng kính yêu / Chồng chung chưa dễ ai chiều cho ai.” (d) “Rằng tài nên trọng mà tình nên thương.” (e) “Ví chăng có số giầu sang / Giá này dẫu đúc nhà vàng cũng nên.” (f) “Khen rằng bút pháp đã tinh / So vào với thiếp Lan Đình nào thua.”

(6c) Sau những lời nói chân thành nêu trên, Hoạn Thư nhận tội và xin được Kiều tha tội với lời nói thực khôn khéo: “Trót đà gây cuộc chông gai / Còn nhờ lượng bể thương bài nào chăng!”

(6d) “Lượng bể” của Kiều đã lập tức tha bổng cho Hoạn Thư: “Tha ra thì cũng may đời / Làm ra thì cũng ra người nhỏ nhen.”

[ĐÀM DUY TẠO]