KỶ NIỆM 200 NĂM NGÀY MẤT CỤ TỔ 5 ĐỜI CỦA BA ANH EM NGUYỄN TƯỜNG:

NHẤT LINH, HOÀNG ĐẠO, THẠCH LAM

(23-11-2020)

Tập thể người viết: Nguyễn Tường Tâm, Nguyễn Tường Nhung, Nguyễn Tường Giang,

Nguyễn Tường Vạn-Thọ, Nguyễn Tường Mạnh, Lê Thị Hồng, Huỳnh Thị Thúy Cúc

Ghi chú: Bài này chúng tôi dựa vào gia phả Nguyễn Tường, Nguyễn Khoa và Lê Quang để hoàn chỉnh. Chúng tôi xin lưu ý có một vài điểm khác với các tài liệu sách báo của các tác giả khác đã được công bố.

 

Khi nhắc tới ba anh em Nguyễn Tường, những người sáng lập Tự Lực Văn Đoàn (TLVĐ), người ta nghĩ ngay tới hai địa danh: Cẩm Giàng, nơi phát xuất TLVĐ; và Hội An, quê quán của giòng họ Nguyễn Tường. Mỗi khi có dịp ghé Hội An hay tìm hiểu về gia phả ba anh em nhà Nguyễn Tường, người ta thường ghé thăm “Nhà thờ tộc Nguyễn Tường” ở đường Duy Tân, Hội An (nay đổi thành 8/2 đường Nguyễn thị Minh Khai.) Nhà thờ này được khởi dựng năm 1806, vốn là Dinh của ông tổ 5 đời (great great grand father) của ba anh em Nguyễn Tường, ngài Nguyễn Tường Vân, Binh bộ Thượng Thư năm Minh Mạng nguyên niên 1820; nên người dân địa phương thường gọi là Dinh Ông Lớn. Năm 2008 Dinh này được xếp hạng di tích lịch sử-văn hóa và kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh. Nhà thờ tộc này hiện là một địa điểm đón khách du lịch tham quan đồng thời có trưng bày nhiều di vật có giá trị lịch sử, trong đó có các chiếu chỉ, sắc phong của Thượng Thư Nguyễn Tường Vân và trưởng nam Phó Bảng Nguyễn Tường Vĩnh qua các đời vua Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, cùng nhiều tác phẩm và di ảnh của ba anh em Nguyễn Tường.

Ngoài ra tại nhà thờ phái nhì của tộc, đường Lê Quí Đôn (trước kia là kiệt nhỏ), cạnh Khổng Miếu, còn lưu giữ được nhiều tư liệu Hán-Nôm rất quí giá. Trong đó có cả thủ bút của Binh bộ Thượng Thư Nguyễn Tường Vân, Phạm Phú Thứ, Phan Thanh Giản, và đặc biệt là những tập ghi chép, những trước tác của Tiến sĩ Nguyễn Tường Phổ.


Di ảnh cụ Nguyễn Tường Vân tại Nhà thờ tộc Nguyễn Tường (Hội An, Quảng Nam)

Di ảnh và sắc phong của Binh bộ Thượng Thư Nguyễn Tường Vân tại Nhà thờ tộc Nguyễn Tường (Hội An)

Nhân ngày 22/11/2020 (8 tháng 10 âm), kỷ niệm 200 năm ngày giỗ Thượng Thư Nguyễn Tường Vân, và ngày Di sản văn hóa Thế giới 23/11, Ủy Ban Nhân Dân (UBND) xã Đại Tân, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam tổ chức lễ đón nhận Bằng di tích lịch sử cấp tỉnh Mộ Thượng Thư Nguyễn Tường Vân.

Mộ Thượng Thư Nguyễn Tường Vân nằm trên một gò đất cao nên người dân địa phương thường gọi đó là Gò Lăng hay Gò Lăng Ông. Đã gần tròn hai thế kỷ, dẫu rêu phong nhưng lăng mộ trông vẫn còn khá bề thế. Xã Đại Tân, Huyện Đại Lộc nằm về rừng núi phía tây của thành phố Hội An, cách Hội An gần 40 km. Mặc dù là buổi lễ của chính quyền nhưng ngoài các viên chức chính quyền cấp tỉnh, huyện và xã hiện diện còn có sự tham dự của nhiều người dân địa phương; và Ủy Ban cũng có mời con cháu hậu duệ của Thượng Thư tham dự. Nhân dịp này, các hậu duệ thuộc hai phái của Thượng Thư tụ hội về từ nhiều địa phương như Đà Nẵng, Hội An, Đại Lộc, Phan Rang, Saigon, Bình Định.

Mo cu Nguyen Tuong Van 1

Mộ Thượng Thư Bộ binh Nguyễn Tường Vân tại thôn Xuân Tây, xã Đại Tân, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam.

Thượng Thư Nguyễn tường Vân nguyên thuộc dòng họ Nguyễn-Như. Sau dòng họ này đổi thành Nguyễn-Văn và tên gốc của Thượng Thư là Nguyễn Văn Vân (1772-1820). Dòng họ của cụ quê quán tại xã Phúc Điền, tổng Hạ Bản, huyện Tống Sơn, phủ Hà Trung, trấn Thanh Hóa. Về năm sinh và năm mất của cụ Thượng Thư, có sự sai lạc ở 2 cuốn Đại Nam liệt truyện, tập 2: Chính Biên-Sơ Tập- Quốc Sử Quán Triều Nguyễn và cuốn Quảng Nam: Đất Nước & Nhân Vật của Nguyễn Q. Thắng, nhà xuất bản Văn Hoá in năm 1996, và ở trang web Our Family (https://sites.google.com/site/giaphanguyentuong/gii-thiu-chung-v-dng-h-nguyn-tng). Cả ba tài liệu này đều ghi Thượng Thư Nguyễn Tường Vân sinh 1774 mất 1822, thọ 49 tuổi. Nhưng trong tài liệu “Các vị khoa bảng họ Nguyễn Tường pdf” của Tống Quốc Hưng tác giả ghi “Theo lời tự thuật của ông (Tường Vân) viết khá rõ lại rằng “Khoa Tân Hợi, ta đã 20 tuổi, thấy nhiều sĩ tử trúng cách làm quan, lúc đó ta mới hay rằng văn chương là hữu dụng cho đất nước bèn ra công cần học. Khoa Bính Thìn thi trúng Nhất Trường đệ Tam Danh…” Nếu tính ngược từ khoa Bính Thìn là 1796 thì Tân Hợi sẽ là 1791 và 20 năm trước sẽ là 1771. Nhưng giữa năm ta và năm tây có sự sai lệch cho nên năm sinh của cụ Vân là 1772 là hợp lý. Thêm nữa, tất cả các tài liệu đều ghi cụ Thượng Thư mất lúc 49 tuổi, dĩ nhiên phải là tuổi ta (tương đương 48 tuổi tây) thì năm mất của cụ phải là 1820, trùng hợp với các nghiên cứu của tổ chức văn hóa nhà nước và các tài liệu khác.

Từ thời nhà Lê, ông tổ đời thứ nhất là Nguyễn Văn Phước từng giữ chức cai đội…tới đời thứ ba Nguyễn Văn Quyền, giữ chức Đội trưởng Thành lễ hầu vào nhậm chức và định cư tại Phủ Hoài Nhơn, Bình Định. Đời thứ năm có ông Nguyễn Văn Huấn chạy loạn vào định cư tại thôn Tân An, Xã Mỹ Hội, huyện Tân Bình, phủ Gia Định và được thọ chức Hiển Trung Từ Đội Trưởng. Ở đây chúng tôi dựa vào gia phả thấy cần đính chính một lầm lẫn nghiêm trọng của một số sách báo cho rằng cụ Nguyễn Văn Huấn (thân phụ của Thượng Thư Nguyễn tường Vân) là một trong tứ trụ của triều đình nhà Tây Sơn. Điều này hoàn toàn không đúng. Có lẽ GS Nguyễn Văn Xuân, trong một tác phẩm của ông tại Quảng Nam trước 1975, đã lầm lẫn hai cụ cùng thời và trùng tên Nguyễn Văn Huấn.

Đến cụ Nguyễn Tường Vân là đời thứ 6 mới chuyển vào định cư tại Hội An, Quảng Nam.

Năm Bính Thìn (1796) lúc Tây Sơn và Nguyễn Ánh đánh nhau ở Gia định, cụ thi đỗ Nhị Trường rồi được bổ chức Lễ-Sinh, vào làm việc bên cạnh Nguyễn Ánh. Theo tài liệu “Các vị khoa bảng họ Nguyễn Tường pdf” của Tống Quốc Hưng thì “Theo lời tự thuật… lúc đó được xem như là người đỗ đạt cao ở phủ Gia Định.” Do đó theo báo Quảng Nam, bài “Đại Lộc tổ chức đón nhận Bằng di tích lịch sử cấp tỉnh Mộ Thượng Thư Nguyễn Tường Vân” của Hoàng Liên – Duy Liễu, Thượng thư Nguyễn Tường Vân từng được xem là người học hành đỗ đạt đầu tiên ở đất Gia Định. (http://baoquangnam.vn/dat-va-nguoi-xu-quang/dai-loc-to-chuc-don-nhan-bang-di-tich-lich-su-cap-tinh-mo-thuong-thu-nguyen-tuong-van-95650.html)

Năm 1797, cụ theo Nguyễn Ánh ra đánh Quảng Nam lập được công to, rồi đóng quân ở cửa biển Đại Chiêm, Hội An. Năm Tân Dậu (1801) cụ theo Nguyễn Ánh đánh chiếm Phú Xuân. Năm Gia Long nguyên niên (1802), khi Nguyễn Ánh lên ngôi, cụ được cử làm Phó Sứ cùng Chánh Sứ Trịnh Hoài Đức sang đề nghị Nhà Thanh phong Vương cho Nguyễn Ánh. Từ khi trở về cụ lần lượt được nhà Vua đề cử trông coi các địa phương như Quảng Nam (1803), Bình Thuận, Nghệ An. Năm Kỷ Mão (1819) được sung làm Đề Diệu Trưởng Thi Sơn Nam Hạ, rồi lãnh chức Hộ Tào Bắc Thành (Hà Nội).

Vua Gia Long băng hà ngày 3 tháng 2 năm 1820, Minh Mạng lên ngôi. Nguyễn Tường Vân được triệu về kinh để lo “quốc hiếu” (quốc tang của vua Gia Long) nhưng Tổng trấn Bắc Thành Lê Chất tâu xin lưu ông ở lại 1-2 tháng để cùng Phó Tổng trấn Lê Văn Phong giải quyết công việc ở Bắc Thành cho xong xuôi. Ngày 17 tháng 7 năm này ông được thăng chức Binh bộ Thượng Thư (tương đương Bộ trưởng Quốc phòng ngày nay), nhưng vẫn giữ chức Hành Duyệt Tuyển Sự ở Bắc Thành. Công việc của Duyệt-Tuyển-Sự tương tự như điều tra dân số để thiết lập các sổ sách về dân sự. Thêm nữa, Bắc Thành không phải chỉ riêng thành Thăng Long mà ranh giới từ Ninh Bình trở ra Bắc, trong đó có cả thành Thăng Long (Hà Nội). Ngày mồng 8-10 âm lịch (1820), Cụ mất vì bệnh dịch tả tại Thăng Long (chứ không phải ở Huế như một số sách báo hiện này ghi chép). Sách Đại Nam thực lục tập II – Đệ nhị kỷ – quyển V (NXB Giáo dục), trang 89 có chép: Vua xem biểu than tiếc, cho 200 lạng bạc, cấp 2 người mộ phu. Lại bảo bầy tôi rằng: “Tường-Vân có đủ tài chính trị, văn học, lo việc nước, làm việc công, gặp việc thì lo cố gắng, ít người kịp được. Tiếc rằng chí chưa trọn thì người đã mất. Mà lòng trung ái hiện ra ở tờ di biểu, trẫm xem mà chảy nước mắt”. Nhà vua cấp cho chiếc thuyền lớn để đưa thi hài Nguyễn Tường Vân về quê, làm quốc táng tại làng La Vân, tổng Quảng Hòa, phủ Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam; sau đổi thành xã Phú Xuân (nay là xã Đại Tân), Đại Lộc , Quảng Nam.

Nhờ lập được nhiều công to, Nguyễn Văn Vân được Nguyễn Ánh yêu mến và trọng vọng. Chuyện rằng, một lần hành quân ở Quảng Nam, Nguyễn Ánh chỉ ngọn núi hỏi: “Ngọn núi này tên là gì?”. Ông tâu: “Núi ấy gọi là núi Phước Tường”. Nguyễn Ánh bảo: “Nguyễn Phước là họ của ta. Vậy ta ban cho ngươi họ Nguyễn Tường” từ đó Nguyễn Văn Vân đổi thành Nguyễn Tường Vân.

* * *

Thượng Thư Nguyễn Tường Vân có hai vợ. Chính thất phu nhân Phan Thị Thục sinh ra Phó Bảng Nguyễn Tường Vĩnh (khoa Mậu Tuất – 1838) từng làm Tuần Phủ Định Tường cho tới khi qua đời.

Thứ phu nhân Nguyễn Khoa Thị Nhàn, sinh ra bốn con trai là Nguyễn Tường Khuôn (tức Túy-1804), Nguyễn Tường Phổ (1807), Nguyễn Tường Thanh, Nguyến Tường Tránh.

Nguyễn Tường Khuôn làm con rể đô đốc Lê Chất. Theo bài Vụ án oan của Hậu Quân Lê Chất (https://laodong.vn/lao-dong-cuoi-tuan/vu-an-oan-cua-hau-quan-le-chat-527594.ldo) Lê Chất nguyên là danh tướng của triều Tây Sơn. Sau khi Quy Nhơn thuộc về vua Cảnh Thịnh, Lê Chất được toàn quyền nắm giữ thủy binh với chức vụ Thủy sư Đô đốc. Sau khi vua Quang Trung mất, vua Cảnh Thịnh nối ngôi khi mới 9 tuổi, triều đình Tây Sơn bắt đầu lục đục vì các cuộc tranh giành quyền lực. Nhà vua bắt giết bố vợ Lê Chất, rồi lại lùng bắt ông; khi đó ông đang cầm quân tại Quảng Ngãi, khiến ông phải dùng kế “kim thiền thoát xác”, dùng thi thể người khác giả là mình, rồi trốn vào rừng núi ở Trà Bồng, Quảng Ngãi. Sau có người dụ hàng, Lê Chất về theo hầu chúa Nguyễn Phúc Ánh, lập nhiều chiến công… Trong chiến dịch đánh ra Bắc năm 1802, Lê Chất làm Khâm sai Chưởng Hậu Quân, Bình Tây Tướng Quân, lần lượt đánh lấy các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa, rồi kéo quân vào Thăng Long, bắt được vua quan nhà Tây Sơn, lập được công to, được phong tước Quận Công. Năm 1820, vua Gia Long mất, vua Minh Mạng lên ngôi, Lê Chất vẫn được trọng dụng, được cử làm Tổng trấn Bắc Thành. Lúc đương thời, Lê Chất cùng Lê Văn Duyệt là các khai quốc công thần, được vua Gia Long nể trọng. Nhưng cuối cùng, sau khi Lê Chất đã qua đời, trong vụ án oan Lê Chất, Vua Minh Mạng kết luận: “Lê Chất cùng với Lê Văn Duyệt, dựa nhau làm gian, tội ác đầy chứa, nhổ từng cái tóc mà tính cũng không hết, giá thử bổ áo quan giết thây cũng không là quá…” Sau đó, vua cho Tổng đốc Bình Phú (Bình Định và Phú Yên) là Vũ Xuân Cẩn san bằng mồ mả của Lê Chất rồi dựng tấm bia đá lên đó, khắc lớn mấy chữ “Gian thần Lê Chất phục pháp xứ” (nơi gian thần Lê Chất chịu hình pháp). Vợ Lê Chất là Lê Thị Sa và các con là Lê Cận, Lê Trương, Lê Kỵ bị án trảm giam hậu (hết trích). Sinh thời, lúc Lê Chất làm Tổng Trấn Bắc Thành, dưới quyền Lê Chất, cụ Nguyễn Tường Vân lãnh chức Hộ Tào Bắc Thành (trước khi được phong thượng thư). Vì cụ Nguyễn Tường Khuôn là rể của Lê Chất nên vụ án oan Lê Chất cũng khiến hậu duệ Nguyễn Tường thời đó khốn đốn phải rời khỏi Hội An. Mãi sau này mới trở về lại.

Tiến sĩ Tam Giáp Nguyễn Tường Phổ (khoa Nhâm Dần – 1842), tổ bốn đời của anh chị em Nguyễn Tường, là con trai thứ hai của Thứ phu nhân Nguyễn Khoa Thị Nhàn. Ông từng làm Tri phủ Hoằng An (nay là Bến Tre), Tri phủ Tân An (nay là Long An), Giáo thọ Phủ Điện Bàn kiêm Đốc học tỉnh Quảng Nam. Ngày nay (2020), rất nhiều gia đình có tứ đại đồng đường, cho thấy quan hệ 4 đời không phải là quá xa. Chính vì cả hai cụ Nguyễn Tường Vĩnh và Nguyễn Tường Phổ đều làm quan ở miền Nam nên ngày nay tại miền Nam (miền Tây và Đông Nam phần) cũng có hậu duệ Nguyễn Tường.

Thân thế và sự nghiệp của Tiến sĩ Nguyễn Tường Phổ được Lương Khê Phan Thanh Giản ghi chép khá kỹ trong tập “Quảng Thúc truyện” như sau: Ông là người thông minh, khẳng khái, có chí hiếu học. Ngoài việc thông thạo kinh sử ông còn học theo binh nghiệp, luyện kiếm, rồi học thêm các loại cầm phổ, không thứ gì mà không biết vậy…Trong thời gian tại chức ông nổi tiếng là người liêm khiết, luôn tận tâm với công việc dân tình…Phàm những việc gì có lợi cho dân ông đều tận tâm thực hiện…Phàm hễ có việc tranh tụng ông thường lấy lễ nghĩa, tình thân ái mà phân xử khiến cho những người kiện tụng cũng vui vẻ thỏa lòng.

* * *

Nguyễn Tường Tiếp (tức Trấp), ông nội của anh em Nguyễn Tường, là trưởng nam của cụ Nguyễn Tường Phổ, đỗ Cử Nhân và được chính cụ Phạm Phú Thứ đề cử thọ Thừa Vụ Lang, đồng Tri phủ, lãnh Tri-huyện huyện Thủy- Nguyên, tỉnh Hải Dương (nay là Hải Phòng); vì Cụ Phạm Phú Thứ thân tình, tuy ít tuổi hơn, với cụ Nguyễn Tường Phổ. Cần đính chính thêm điểm sai lạc với gia phổ như sau: Dân địa phương thường gọi cụ Tiếp là cụ Huyện Cẩm-Giàng và các sách báo cũng thường ghi cụ Nguyễn Tường Tiếp làm Tri-Huyện Cẩm Giàng. Nhưng thực ra cụ không làm Tri Huyện Cẩm Giàng mà chỉ chọn cư sở ở Cẩm Giàng thôi. Khi qua đời Tri Huyện Nguyễn Tường Tiếp được mai táng tại Cẩm Giàng. Nhưng sau được người con mang cốt về an táng tại nghĩa trang gia tộc ở Hội An. Riêng cụ Huyện bà (bà nội của anh em Nguyễn Tường) khi qua đời được an táng tại gốc Cây đa “Mâm Xôi” ở Cẩm Giàng; nhưng nay dấu tích không còn nữa. Hiện nay tại Cẩm Giàng chỉ còn hai ngôi mộ của ông bà ngoại và hai ngôi mộ song thân của ba anh em ông Nhất Linh.

-Đọc gia phả tộc Nguyễn Tường, người đọc dễ nhận ra một điều khá phổ biến là đa phần những dòng họ ở miền Trung và miền Nam đều có gốc tích phát xuất từ Thanh Hóa. Ngay thời bây giờ (2020) người Thanh Hóa cũng phát tán sinh sống, lập nghiệp tại nhiều vùng miền Trung, miền Nam và Cao nguyên.

-Đồng thời đọc gia phả Nguyễn Tường người ta dễ dàng nhận thấy việc học luôn luôn là quốc sách hàng đầu, cho dù thời Nguyễn Ánh lúc còn đang chinh chiến chưa nắm ngôi Vương.

-Ngoài ra, nghiên cứu tài liệu dịch từ các tài liệu Hán Nôm như khi nhóm chúng tôi viết bài này, có trở ngại là các cụ ghi năm ta (dĩ nhiên) và người đời sau qui đổi sang năm dương lịch. Chính trong việc qui đổi này dễ tạo ra sự khác biệt giữa các tài liệu của những tác giả khác nhau.

-Về huyết thống thì ba anh em ông Nhất Linh cũng là hậu duệ của cụ bà Nguyễn Khoa Thị Nhàn. Mộ cụ Nhàn hiện ở nghĩa trang họ Nguyễn Khoa tọa lạc tại đường Nguyễn Khoa Chiêm, ấp Tứ Tây, làng An Cựu, xã Thuỷ An, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên – Huế (chân núi Ngự Bình) và hiện là một di tích văn hóa cấp quốc gia. Nghĩa trang của dòng họ Nguyễn Khoa thường chỉ an táng nam giới, nhưng đặc biệt trong nghĩa trang có 2 phần mộ của nữ giới là một của cụ Nguyễn Khoa Thị Nhàn và ngôi mộ kia của một thứ phi chúa Nguyễn; bởi vì hai cụ có một vị trí đặc biệt trong xã hội. Khởi đầu Kỹ sư Nguyễn Tường Mạnh dựa vào gia phả Nguyễn Tường muốn tìm liên lạc với tộc Nguyễn Khoa, do đó đã liên lạc được với dòng họ này. Sau đó dòng Nguyễn Khoa truy trong gia-phả cũng xác nhận có giòng con cháu ngoại là Nguyễn-Tường cho nên hoan hỉ liên lạc, kết thân. Từ đó hàng năm vào những dịp Chạp Mả, Tế Xuân và Tế Thu tộc-trưởng Nguyễn Khoa Dũng đều liên lạc mời bà con Nguyễn Tường tham dự; do đó từ Hội An có kỹ sư Nguyễn Tường Mạnh tham dự mỗi năm một lần.

Đặc biệt năm 2012, kỷ niệm 200 năm cụ bà Nguyễn-Khoa Thị-Nhàn được an táng tại nghĩa trang Nguyễn Khoa, các hậu duệ Nguyễn Tường đã được chấp thuận thực hiện tấm bia kỷ niệm tại mộ của cụ bà có ghi vị thế của cụ bà thuộc 2 tộc Nguyễn Khoa và Nguyễn Tường (Cụ bà Nguyễn Khoa Thị Nhàn mất năm 1811).

Phái đoàn 2 tộc trên đường chính trong nghĩa trang Nguyễn Khoa

Ngày 20/02/2014, phái đoàn hậu duệ Nguyễn-Tường đã được đại diện tộc Nguyễn-Khoa đón tiếp tại nghĩa trang Nguyễn Khoa, hướng dẫn thăm viếng nghĩa trang và giải thích lịch sử từ ông tổ họ Nguyễn Khoa theo chúa Nguyễn Hoàng vào dựng nghiệp ở Đàng-Trong. Sau đó hai phái đoàn tới viếng mộ cụ Nguyễn Khoa Thị Nhàn. Phái đoàn hậu duệ Nguyễn Tường tham dự gồm Bác sĩ Nguyễn Tường Giang và bà Nguyễn Tường Nhung, phu nhân cựu Trung Tướng Ngô Quang Trưởng (trưởng nữ và thứ nam của Thạch Lam), hai nhà giáo Nguyễn Tường Triệu, Nguyễn Tường Thiết (hai thứ nam của Nhất Linh), vợ chồng nhà giáo Nguyễn Tường Lưu (cháu gọi Nhất Linh là chú ruột), Kỹ sư Nguyễn Tường Mạnh, và cô Nguyễn Thị Xuân thuộc chi phái Hội An.



Phái đoàn 2 tộc bên mộ cụ Nguyễn Khoa Thị Nhàn

-Nhưng trực tiếp hơn về huyết thống thì họ ngoại của ba anh em ông Nhất Linh là họ Lê-Quang vì mẹ của các ông là cụ Lê Thị Sâm, trưởng nữ của Tổng-Quản-Lãnh-Binh hàm Tam Phẩm Lê Quang Thuật, quán làng Lại Lộc, xã Phú- Thanh, huyện Phú-Vang, tỉnh Thừa Thiên-Huế. Cụ Thuật ra nhậm chức Lãnh- Binh tại Hải Dương cùng thời với Tri-Huyện Nguyễn Tường Tiếp và hai cụ kết thông gia với nhau.

Di ảnh cụ Tổng Quản- Lãnh- Binh Hàm Tam Phẩm Lê Quang Thuật

Thân phụ (Nguyễn Tường Nhu) và thân mẫu (Lê Thị Sâm) của bẩy anh chị em Nguyễn Tường đều sinh đẻ tại Cẩm Giàng và sinh ra bẩy anh chị em nhà Nguyễn Tường tại đây. Như vậy bẩy anh chị em Nguyễn Tường mới là đời thứ hai tại Cẩm -Giàng, rồi lên Hà Nội lập nghiệp.

Hiện nay các hậu duệ Nguyễn Tường (TLVĐ) đã nhiều lần thăm viếng nhà từ-đường họ Lê Quang ở Huế cũng như thường xuyên liên lạc với hậu duệ Lê Quang; mà một số không ít cũng đang tản mác ở Pháp, Úc và Mỹ.

Sau biến cố lịch sử 1954, ngoài em út là Bác sĩ Nguyễn-Tường-Bách lưu vong tại Trung quốc, tất cả các gia đình của 6 anh chị em nhà Nguyễn Tường đã chạy vào Saigon, không còn ai ở đất Bắc. Tiếp theo sau biến cố lịch sử 1975, thêm 3 hậu duệ đã đi du học Pháp, và 3 con gái út của ông Nguyễn Tường Thụy còn ở lại Saigon, tất cả cũng đã bỏ chạy ra nước ngoài, sống tản mát tại 4 quốc gia Pháp, Canada, Úc và đông nhất là Hoa Kỳ. Một may mắn đặc biệt là người em út trong 7 anh chị em Nguyễn Tường là Bác Sĩ Nguyễn Tường Bách từ chốn lưu vong Trung Quốc từ năm 1946 cũng đã cùng toàn thể gia đình con cháu tới được Mỹ Quốc năm 1988. Nơi đây, ở tuổi 72, sau 42 năm phải buông bút, ông đã cầm bút trở lại, hăng say tiếp tục con đường ông đi năm 16 tuổi với tư cách thành viên nhỏ tuổi nhất của của 2 tờ Phong Hóa và Ngày Nay. Tôi có hỏi “Sao chú không vào Tự Lực Văn Đoàn?” Ông trả lời, “Với chú vào TLVĐ lúc đó thì quá dễ. Nhưng hổi đó đâu ai biết TLVĐ có vai trò quan trọng trong văn học như bây giờ. Vả lại chú học Y nên bận rộn không tiếp tục đường văn chương được.” Sau này ông có tham gia cùng với Khái Hưng điều hành tờ báo của Việt Nam Quốc Dân Đảng, nhưng đó là làm báo tranh đấu chính trị chống Cộng. Từ 1988 tới khi qua đời năm 2013 tại Nam California, ông liên tục viết báo bình luận chính trị, dĩ nhiên về tình hình Việt Nam. Tuy nhiên ông có hai tác phẩm khá hấp dẫn vì có nhiều thông tin liên quan tới sinh hoạt đóng góp tích cực vào xã hội của giới văn nghệ sĩ, trí thức thời 1930-40 mà ông là một thành phần; đó là cuốn hồi ký 2 tập “Việt Nam Một Thế Kỷ Qua” và cuốn tiểu thuyết “Trên Sông Hồng Cuồn Cuộn”, dựa trên đời sống thực của những thanh niên trí thức yêu nước trước và sau 1945, mà một số là bạn ông.

Tham khảo:

1-Các Gia phả Nguyễn tường, Lê Quang, và Nguyễn Khoa.

2– Di sản Hán Nôm Hội An, tập 2 (tư liệu lưu trữ của dòng họ Nguyễn Tường) của Trung tâm Quản lý và Bảo tồn di sản văn hóa Hội An.

3-https://sites.google.com/site/giaphanguyentuong/gii-thiu-chung-v-dng-h-nguyn-tng

4-https://hoianheritage.net/vi/news/Tin-tuc-su-kien/trien-khai-khao-sat-lap-ho-so-di-tich-mo-thuong-thu-bo-binh-nguyen-tuong-van-1082.html

5-https://baodanang.vn/channel/6058/201908/lang-mo-dai-loc-nha-tho-hoi-an-3231325/

6- Đại Nam thực lục tập II – Đệ nhị kỷ – quyển V (Nhà xuất bản Giáo dục).

7- Tư liệu của làng Phú Xuân, xã Đại Thắng, huyện Đại Lộc;

8- https://baodanang.vn/channel/6058/201908/lang-mo-dai-loc-nha-tho-hoi-an-3231325/index.htm