Bàn thờ tổ tiên

Lạp Chúc Nguyễn Huy

Bát nhang nghi ngút khói
bà mẹ chắp tay lâm râm khấn
vong hồn ở nơi nao

LC, Haïjin

Bài học văn hóa
Bàn thờ gia tiên là :
– Hình ảnh vũ trụ của Lão Giáo làm nơi trú ẩn cho vong hồn người chết còn tồn tại bên cạnh người sống,
– Dấu tích đồng hóa văn hóa tín ngưỡng với văn hóa Viễn Đông

 

Ảnh hưởng văn hóa Viễn Đông hiện lên một cách cụ thể khi ta đứng trước bàn thờ gia tiên và biết ý nghĩa :

  • –     Vong hồn trong tục thờ cúng tổ tiên,
  • –     Cách sắp xếp các đồ thờ theo vũ trụ quan của Đạo Lão: Thái cực (lư đồng), âm dương (2 chân đèn), nơi cư trú của vong hồn (bài vị), đông bình tây quả, nậm rượu với 3 chén nhỏ (tam tài).

Tại sao thờ cúng tổ tiên? Muốn trả lời câu hỏi, chúng ta cần hiểu ý niệm hồn và vía (phách).

  • –     Hồn  là phần tinh thần của mỗi người rất linh thiêng nên gọi là linh hồn, hồn ngụ trong tâm 心 tức tim (Tâm hồn: 心). Sau khi chết hồn bay lên trời.
  • –     Vía là tiếng Việt đồng nghĩa với tiếng Hán Việt[1] phách , Vía là mặt tối của hồn tức mặt âm nên hồn vía hay đi đôi với nhau như cặp âm dương[2].

Lúc sống vía ngụ trong phế (phổi) và cùng hồn quyện với nhau, đến lúc chết thì hồn phách lìa nhau[3]. Sau khi chết, vía (vong hồn) còn ở lại trần thế, đôi khi hiện ra mà ta thường gọi là ma hay quỉ. Vì tin rằng vía người chết còn tại thế nên mới có tục lệ cúng giỗ tổ tiên, đốt vàng mã và cúng tế vong hồn thần Thành Hoàng tại đình làng.

Bàn thờ biểu hiện vũ trụ quan Đạo Lão

Mời các bạn vào thăm một căn nhà đâm trính cổ truyền ba gian hai chái bắt vần trên đồng bằng Cửu Long. Bước qua cửa chính, chúng ta nhìn thấy ngay bàn thờ gia tiên biểu tượng cho một hình ảnh vũ trụ thu nhỏ được bọc trong một hình ảnh vũ trụ lớn hơn tượng trưng bởi các bộ phận của kiến trúc.

Vị trí

Bàn thờ gia tiên bao giờ cũng được trịnh trọng đặt nơi danh dự là ở gian giữa (trung cung). Bước vào cửa chính có thể gặp bàn thờ gia tiên và bộ bàn ghế để tiếp khách (tràng kỷ) quay ra cửa chính của căn nhà ba gian.

Qui tắc sắp xếp

Vì bàn thờ là vũ trụ thu nhỏ làm nơi cư ngụ cho vong hồn[4] nên các đồ thờ được sắp xếp thành một vũ trụ theo triết lý Lão Giáo.

Trước bài vị tổ tiên[5], bát nhang hình tròn tượng trưng cho « Vô Cực » tỏa hương khói nghi ngút như Khí Hạo Nhiên[6]; trước bát nhang là bộ tam sự[7] quen thuộc, lư đồng tượng trưng Thái Cực đặt giữa 2 chân đèn biểu tượng âm dương[8].

Lý thuyết ngũ hành (kim, thủy, mộc, hỏa, thổ) hiện diện trên bàn thờ gia tiên dưới hai dạng sau:

  • –     Kim (lư đồng, chân đèn), Thủy (nước trà, rượu), Mộc (chân cây nhang, đũa, khung gỗ bài vị), Hỏa (ngọn đèn), Thổ (cát trong bát nhang, đồ bằng sứ);
  • –     Đĩa ngũ quả nguyên thủy là đào, lê, mận, lựu, phật thủ tượng trưng cho ngũ hành và ngũ phúc[9], nhưng sau này chỉ cần có 5 loại trái cây là đủ. Đĩa trái cây đặt phía phải (âm) còn độc bình cắm hoa phải để bên trái (dương).

Triết lý Tam Tài (Trời, Đất, Người) được biểu tượng bởi 3 chén nước hoặc 3 chén rượu hoặc bởi bộ tam sơn[10].

Màu sắc chính là màu đỏ biểu trưng ánh sáng dương của mặt trời, màu vàng là ánh sáng âm của mặt trăng.

Dưới bàn thờ, đôi khi có trang thờ Thổ Công[11].

Vũ trụ Đạo Lão bao quanh bàn thờ

Đứng trước bàn thờ, nhìn lên mái và cơ cấu sườn nhà của nhà đâm trính trên đồng bằng Cửu Long, chúng ta sẽ thấy một vũ trụ ôm lấy bàn thờ được tượng trưng bởi các bộ phận kiến trúc sườn nhà như cột, kèo, cây trính, bộ chày cối, đòn tay, mái ngói …

Thái Cực biểu tượng bởi cây đòn dông[12] gác trên đầu vỉ kèo giáp mối bắt ngàm.

Âm dương tượng trưng bởi:

  • –     Bộ « chày cối », chày hình tròn (dương), cối hình vuông (âm). Bộ chày cối đỡ đầu vỉ kèo, đặt giữa cây trính xuyên qua hai hàng cột chính tiền hậu nên nhà có tên là đâm trính.
  • –     Hai cây đòn tay (âm dương) đỡ mái, gác trên kèo giữa đòn dông và hàng cột cái,
  • –     Cột tròn (Trời, dương) đặt trên tán đá vuông (Đất, âm).

Sườn nhà xuyên trính

 

  • –     « Song môn ». Cửa âm (bên phải) và cửa dương (bên trái) trổ ra hai bên bàn thờ gia tiên để đi vào phòng ngủ bên trong,
  • –     Mái lợp ngói âm (đặt ngửa) dương (đặt úp),
  • –     Bên ngoài nhà thì « Tả thanh long, hữu bạch hổ ». Bên trái căn nhà thì xẻ rạch (thanh long, dương) dẫn nước vào mương vườn, bên phải là vườn cây trái (bạch hổ, âm).

 

Ý nghĩa bài vị

Bài vị là nơi cư ngụ của vong hồn người quá cố vì có lòng tin sau khi qui tiên, các vong hồn (phách) còn tại thế và ngự ở bài vị[13], sống chung và hỗ trợ cho con cháu. Vì vậy mà trong đám tang ngày xưa, trên đường đưa linh cữu đến nơi an táng, hồn người quá cố ngụ trong dải lụa (linh bạch hay hồn bạch). Sau khi an táng rồi, vị đại đức hay ông thầy cúng viết nét chữ cuối cùng trên bài vị để rước vong hồn về nhà và từ đó vong hồn ngụ ở bài vị.

Cách đặt bài vị

Trong một số từ đường cổ xưa của một đại gia đình, bài vị tổ tiên được xếp theo ngũ hành.

 

  • Văn tổ là tổ tiên trên hết, Cao là ông của ông, Tằng là bố của ông, Tổ là ông, Nỉ là cha. Theo luật tương sinh tương khắc của luật ngũ hành, các bài vị được thờ cúng giới hạn ở 5 đời (ngũ đại) vì vậy có tục chôn hay đốt bài vị Cao tổ (tứ đại) và đôn bài vị ở dưới lên. Sau khi ông bố chết, người con sẽ đặt bài vị của người cha mới mất vào vị trí bài vị Nỉ tổ và bài vị cũ của Nỉ tổ cũ được đặt ở Tổ (ông), bài vị cũ của Tổ đặt vào chỗ Tằng tổ, Tằng tổ chuyển sang vị trí Cao tổ, bài vị cũ Cao tổ sẽ được hủy vì vị Cao tổ cũ sẽ gia nhập vào bài vị Văn tổ.

    Ý nghĩa văn hóa của bài vị

    Bài vị gồm hai miếng gỗ đặt trên một cái đế: Tấm « phấn diện » sơn trắng viết chữ đen ghi họ, tên, chức tước, ngày sanh, ngày mất, cùng tên húy, tên thụy[14]

    Đặt sau tấm phấn diện là tấm gỗ « nội hàm » ghi rõ tên thiệt (hèm hay hàm), tên riêng, tuổi, giờ sanh và giờ mất. Bài vị được cất trong một cái hộp sơn son gọi là cỗ khám (cỗ ỷ). Chỉ vào ngày giỗ kỵ, cỗ ỷ mới được mở ra, con cháu nhìn thấy bài vị tức là thấy người quá cố cho nên bức hoành phi trước bàn thờ thường chạm trổ hai chữ « Kính như Tại »[15] (như lúc còn sống) còn trên các cột chính thì treo câu đối[16].

    Ý nghĩa văn hóa về kích thước bài vị

    Theo phong tục cổ truyền, Long Vị (dành cho vua) và bài vị (dành cho người dân). Bài vị có các kích thước số chẵn (Âm) nằm trên các cạnh ngang (Âm) tượng trưng cho thời gian thờ cúng tổ tiên có tính cách thường trực suốt ngày, giờ và 4 mùa tượng trưng bởi các con số sau :

    – cái đế gỗ nằm dưới bài vị rộng mỗi cạnh 4 tấc để biểu tượng 4 mùa.

    – Bài vị tức thanh gỗ đứng ghi tên húy đặt trên đế gỗ. Kích thước mặt nằm của bài vị dính vào đế gỗ: Chiều dày 30 phân tức 30 ngày trong một tháng, chiều ngang 12 phân tức 12 giờ (tí, sửu, dần….) của mỗi ngày.

    Tất cả con số của kích thước trên là biểu trưng cho sự thường trực kính thờ của con cháu và sự hiện diện vong hồn tổ tiên.

    Nhìn lên bài vị

    vong hồn phảng phất

    nhớ

    LC, Haïjin

     

    Vái lạy

    Các từ ngữ dưới đây biểu hiện lễ phép xã giao thời xưa giữa người sống với nhau[17] hoặc người sống trước vong hồn người quá cố.

    Cúng: Ngày giỗ kỵ, cúng là thắp nhang, đốt đèn, dâng cỗ bàn lên tổ tiên rồi khấn vái.

    Lễ: Lễ là cung và kính, Cung là trọng Mình, Kính là trọng Người. Phép tắc phải tuân theo khi thờ cúng, giao tế[18].

    Khấn: Đọc tên cúng cơm của người quá cố để mời về thụ hưởng.

    : Dấu hiêu kính trọng có nghĩa người bề dưới kính bề trên và bề trên trọng bề dưới. Thí dụ trong giao tế hàng ngày, bề dưới phải « KÍNH » bề trên trước bằng cúi đầu rồi hai tay nắm lại với nhau để trước ngực mà xá. Để đáp lễ, người trên « TRỌNG » người dưới bằng cái gật đầu hoặc xá lại nhưng không cúi đầu.

    Vái (khấu ): Chắp hai tay để trước ngực hoặc đưa lên ngang đầu, hơi cúi đầu và khom lưng rồi ngẩng lên, đưa hai bàn tay lên xuống theo nhịp đầu cúi xuống, ngẩng lên.

    Bái hay lạy: Tay không cầm nhang, quỳ xuống, hai bàn tay úp xuống mặt đất, đầu cúi xuống chạm mặt đất.

     

    Cách lạy thông thường

    Lạy tỏ lòng tôn kính với người bề trên hay quá cố.

    Cách lạy: Chắp hai tay đưa cao quá trán rồi hạ từ từ xuống trước ngực, đôi khi tiếp tục quì xuống đất, trán chạm đất là một lạy.

    Thế lạy đàn ông: đứng thẳng, hai tay chắp trước ngực, đưa cao lên trán, cúi mình xuống, đưa hai bàn tay đang chắp xuống mặt chiếu, xòe 2 bàn tay đặt nằm úp xuống, đồng thời quì gối trái rồi phải xuống chiếu, cúi rạp đầu xuống gần hai bàn tay theo thế phủ phục. Đứng lên: hai bàn tay chắp lại để lên đầu gối trái, chân phải theo đà đứng lên rồi đứng nghiêm như trước, lạy cho đủ số lạy.

    Thế lạy của phụ nữ: ngồi xuống chiếu, hai cẳng chân vắt chéo về phía trái, bàn chân để ngửa lên để phía dưới đùi chân trái; chắp hai bàn tay để trước ngực, đưa cao lên ngang với tầm trán; cúi đầu xuống, đặt lên trên hai bàn tay đặt úp xuống chiếu, để đầu lên hai bàn tay; rồi ngồi thẳng lên tiếp tục lạy tiếp. Lạy xong thì vái 3 vái.

     

    Ý nghĩa của lạy theo Khổng Giáo

    Lễ vái vua quan ở triều, nha môn, thần thánh ở đình miếu, tổ tiên ở nhà thì phải áp dụng cung cách của Khổng Giáo[19].

    Khi lạy, người đứng thẳng tiêu biểu cái « uy », hai tay cung thủ (nắm lại) tỏ cái « dũng ». Trước khi lạy, hai tay cung thủ đưa lên trán đưa sang trái rồi sang phải tượng trưng cho Tam Tài (Thiên, Địa, Nhân).

    Khi lạy, hai tay cung thủ chống lên đầu gối chân mặt, chân trái quì để tỏ lòng tôn kính mà không mất cái uy;

    Cúi đầu xuống tới chiếu để tỏ lòng tôn kính người mà mình đảnh lễ.

     

    Ý nghĩa số lạy (bái), vái

    2 lạy và 2 vái áp dụng cho người sống: lạy cha mẹ, khi đi phúng điếu người quá cố còn trong quan tài: 2 lạy nếu là người bậc dưới của người quá cố, nếu ở vai trên người quá cố thì chỉ vái 2 vái tượng trưng cho sự sống của âm dương nhị khí[20]. Sau khi chôn thì 4 lạy.

    Trong lễ tế suôi gia tại Kiên Giang, khởi đầu người tế lạy 2 lạy để trình với thông gia, sau cùng buổi tế thì lạy 4 lạy gọi là lạy tống tức báo tế lễ đã xong.

    3 lạy hoặc 3 vái khi cúng Phật: Phật (giác ngộ), pháp (điều chánh đáng), tăng (tịnh, trong sạch). Cúng Phật thắp 3 nén nhang và vái 3 vái hàm ý Giới Hương, Định Hương, Huệ Hương[21].

    4 lạy (tứ bái)+4 vái: cúng tổ tiên cha mẹ, thánh thần, tượng trưng cho tứ thân phụ mẫu, 4 phương, tứ tượng bao gồm cả cõi âm cõi dương, hồn phách. Ngày nay ở thành phố lấy 4 vái thay 4 lạy.

    5 lạy 3 vái (ngũ bái, tam khấu): chỉ có lạy Trời và nhà vua mới dùng “ngũ bái” (năm lạy). Lý do vua tượng trưng ngũ hành, vua ở trung cung thổ mầu vàng. 5 vái thay thế 5 lạy khi không có thể lạy.

    12 lạy: Riêng Đạo Cao Đài lạy 12 lạy Đức Chí Tôn. 12 là con số thiêng liêng huyền bí của Ngài.

    Ngoài ra lạy thần thánh, người quá cố chỉ có “tứ bái” (bốn lạy) mà thôi.

     

    Ý nghĩa lạy Phật

    Nếu lạy Phật đúng cách theo sách dạy thì rất là phức tạp. Thông thường thì khi lạy Phật: thân đứng ngay khép hai chân ý nghĩa tâm an tịnh;

    – Nhìn lên tượng Phật để quán tưởng đức hạnh của Phật;

    – Hai tay chắp vào nhau (hiệp chưởng);

    Khi lạy thì để hai tay nơi ngực lạy xuống (an tâm) hoặc từ trán xuống (tâm nguyện). Lạy ở tư thế ngồi theo nguyên tắc « ngũ thể đầu địa » tức đầu, hai tay, hai đầu gối đặt sát đất.

     

    Ý nghĩa lạy Thượng Đế của Đạo Cao Đài

    Nếu đến thăm Thánh Thất Cao Đài tại số 7161 Saint Urbain, Montreal, hoặc viếng thăm Tòa Thánh ở Tây Ninh, chúng ta sẽ hiểu ý nghĩa lạy Thượng Đế. Chắp hai tay lại là tại sao? Tay tả là Nhựt, tay hữu là Nguyệt, vị chi Âm-Dương; Âm-Dương hiệp nhứt phát khởi Càn-Khôn, sanh sanh hóa hóa tức là Ðạo là biểu hiện triết lý hòa hợp âm dương của Đạo. Vị trí hai bàn tay lúc lạy là biểu hiện triết lý Tam Tài (Thiên, Địa, Nhân) hợp nhất. Khi lạy, hai tay chắp vào nhau đưa lên ngang trán > ngầm chỉ Thiên; khi áp hai tay xuống đất > ngầm chỉ Địa; hai tay chắp lại, rút về để ngang ngực > ngầm chỉ Nhân. Khi Thiên, Địa, Nhân hiệp nhất cũng là lúc con người thành đạo, trở về với Thượng Đế.

     

    Lạp Chúc Nguyễn Huy


    1. Theo từ điển Thiều Chửu, Vía là tinh khí của con người. Phàm vật gì tinh khí hết kiệt, chỉ còn hình chất lại gọi là phách 
    2. Nên thường nói :“thất hồn lạc phách”  hết hồn hết vía, “hồn phi phách tán”  hồn bay phách tán. 
    3. Đoạn Trường Tân Thanh có câu: « Kiều rằng những đấng tài hoa, thác là thể phách còn là tinh anh » 
    4. Vong hồn là hồn người chết tức là phách hay vía 
    5. Làm bằng bốn loại thiết mộc: lim, sến, táu, đinh 
    6. Giữa bát nhang có trục vũ trụ là khúc trầm hương khúc khủy vươn thẳng lên trong bát nhang. Khí Hạo Nhiên là khí nguyên thủy nguồn gốc của vũ trụ. Về tục đốt hương, vào đời Vũ Hán, người Trung Hoa bắt trước Người Hỗn ở Tây Vực rồi truyền sang nước ta thời Tam Quốc (Bùi Xuân Mỹ. Tục thờ cúng của người Việt, NXB Văn Hóa Thông tin Hà Nội, 2001, tr.122. 
    7. Nếu có thêm ống đựng nhang và ống đựng đũa thì gọi là ngũ sự. Có tác giả hiểu ngũ sự là bát nhang, 2 cây đèn nến, độc bình, mâm ngũ quả. 
    8. Lư hương: Thái Cực; Nhang thắp lên: tinh tú; Đôi đèn: nhật nguyệt quang minh.
    9. Mâm ngũ quả 5 màu sắc ngũ phúc (trường thọ, phú quí, khang ninh (sức khỏe bình an), hảo đức (tích lũy âm đức), thiên chung (tâm thanh thản) 
    10. Một cái kỷ gọi tam sơn ở giữa cao hơn đặt bộ đài con 3 chiếc để 3 chén rượu có nghĩa cúng ba tuần rượu mới đủ lễ, một bên để đĩa trầu cau, một bên để bát nước.Tam sơn có thể là ba hộp xếp như hình chữ sơn, trên để ba đài rượu đặt trên chỗ sơn (núi) tỏ ý nói tổ tiên vui tiên trên cõi sơn thủy thanh cao xuân bất tận. 
    11. Thổ Công là một dạng của Mẹ Đất, là vị thần trông coi nhà cửa, định đoạt họa phúc cho một gia đình. Một số giả thuyết cho rằng Thổ Công là một trong ba vị Táo Quân xuất hiện trong truyện Sự tích Táo quân (hay Sự tích ba ông đầu rau). Người chồng thứ hai là Thổ Công (trông coi việc bếp núc, còn gọi là vua bếp), người chồng thứ nhất là Thổ Địa (trông coi việc nhà cửa), người vợ là Thổ Kỳ (trông coi việc mua bán, chợ búa cho phụ nữ trong nhà và sản sinh vật ngoài vườn). Tuy nhiên, một số người cho rằng Thổ Công là vị thần cai quản vùng đất còn Táo Quân chỉ coi việc bếp núc trong nhà. 
    12. Đòn dông được coi như linh hồn của căn nhà nên làm lễ Thượng Lương (lễ gác đòn dông) và treo bát quái hậu thiên phải chọn ngày giờ hạp với tuổi gia chủ. 
    13. Bài vị còn gọi là Thần chủ, Mộc chủ, Thần vị, Thẻ vị. 
    14. Tên thụy hay tên hèm (tên cúng cơm) dùng để khấn mời linh hồn về khi cúng; có khi khấn mời đến cửu huyền thất tổ (cửu huyền= 9 đời hay thế hệ kể từ người khấn là cháu 9 đời thờ tổ tiên 9 đời trước của dòng họ nhà mình (bản thân, cha, ông nội, ông cố, ông sơ, cha của ông sơ, ông nội của ông sơ, ông cố của ông sơ, ông sơ của ông sơ). Theo tục lệ Trung Hoa, ngày xưa chỉ có vua mới thờ Thất Tổ tính từ ông nội (nội tổ) là nhứt tổ lên đến tằng tổ, cao tổ, tiên tổ, viễn tổ, cao cao tổ, thỉ tổ; giai cấp thường dân chỉ được thờ tới Nhứt Tổ tức ông nội. 
    15. Hoành phi: Sự vong như sự tồn, Kính như tại, Phúc mãn đường. Mộc bản thủy nguyên (cây có gốc nước có nguôn), ẩm hà tư nguyên (uống nước nhớ nguồn), Quang tiền dụ hậu (làm rạng đời trước, nêu gương sáng đời sau) 
    16. Câu đối trước bàn thờ gia tiên: mộc bản thủy nguyên thiên cổ niệm (muôn thuở nhớ nước nguồn, cây cội); Thiên kinh địa nghĩa bách niên tâm (Trăm năm lo đất nghĩa trời kinh ), Tổ tiên phương danh lưu quốc sử; Tử tôn tính học kế gia phong.Tiên tổ anh linh, con cháu cửa nhà thịnh vượng,Tuế thời tưởng niệm, khói hương nghi ngút dài lâu.Phúc sinh phú quí gia đường thịnh,Lộc tiến vinh hoa tử tôn vinh.(Nhờ phúc đức mà gia đinh phú quí thịnh vượng,Tài lộc công danh con cháu ngày một nhiều) 
    17. Một thí dụ về lễ: Đến mừng lễ thọ 80 tuổi của ông Nhiêu Chuồi, cụ tam nguyên rất kính cẩn lễ hai lễ, ông Nhiêu sụp xuống lạy trả lễ, cụ Tam Nguyên Tổng đốc đỡ ông Nhiêu dậy và nói « Ta lễ là lễ cái thiên tước của ông Nhiêu đấy ». 
    18. Một thí dụ về lễ: Đến mừng lễ thọ 80 tuổi của ông Nhiêu Chuồi, cụ tam nguyên rất kính cẩn lễ hai lễ, ông Nhiêu sụp xuống lạy trả lễ, cụ Tam Nguyên Tổng đốc đỡ ông Nhiêu dậy và nói « Ta lễ là lễ cái thiên tước của ông Nhiêu đấy ». 
    19. Lễ bái Phật Trời thì theo cung cách của Phật Giáo. 
    20. Tại Long An, trong lễ tế thông gia, sau khi đặt lễ trước linh tọa, ông thông gia hiện tiền lạy 2 lạy có nghĩa lạy trình với người quá cố, sau khi con cháu lạy xong thì cuối cùng ông thông gia lạy 4 lạy gọi là lạy tống có nghĩa tế lễ đã xong. 
    21. Giới hương: quyết tâm bỏ thói xấu, Định hương: hy vọng có thể tĩnh tâm, Huệ hương: cầu được trí tuệ, khai ngộ.