Canada – Một Cường Quốc Đậu Nành

 

Thái Công Tụng

 

 

1. Dẫn nhập

Cây đậu nành, tên khoa học: Glycine Max (L) Merr., còn gọi là đậu tương, là cây trồng lấy hạt, cây có dầu quan trọng bậc nhất trên thế giới, đứng hàng thứ 4 sau cây lúa mì, lúa nước và ngô. Cây đậu nành có trong ca dao sau đây: 

-Anh thời chẻ nứa đan sàng,
Còn lưng bát cháo em đang để dành.
Em đi tỉa cải nấu canh,
Em rang đỗ nành, em hái tầm tơi
Ba thứ rau em nấu ba mùi,
Em đơm năm bát, em mời chàng ăn. 

– Lúa ngô là cô đậu nành
Đậu nành là anh dưa chuột
Dưa chuột cậu ruột dưa gang
Dưa gang cùng hàng dưa hấu
Dưa hấu là cậu lúa ngô
Lúa ngô là cô đậu nành. 

– Đậu phộng béo đậu nành cũng béo
Bước lên xe kéo miệng réo xe hơi
Đường đi Châu Đốc xa vời
Gửi thư thì khó, gửi lời thì không 

2. Đậu nành hay đậu tương (tên khoa học Glycine max) là loại cây họ Đậu (Fabaceae), là loài bản địa của Đông Á. Loài này giàu hàm lượng chất đạm protein, được trồng để làm thức ăn cho người và gia súc. Cây đậu nành là cây thực phẩm có hiệu quả kinh tế lại dễ trồng. Thời gian sinh trưởng ngắn từ 72 – 90 ngày. Trước kia, cây đậu nành chỉ có ở Trung Quốc, và chỉ du nhập vào Hoa Kỳ quãng năm 1800, nhưng chỉ thực sự phát triển từ đầu thế kỷ 20 và nhất là sau Thế chiến thứ hai, nghĩa là sau 1945. Do khả năng thích ứng rộng nên nó đã được trồng ở khắp năm châu lục, nhưng tập trung nhiều nhất ở châu Mỹ trên 70%, tiếp đến là châu Á. Và trong châu Mỹ thì ngoài Hoa Kỳ, các xứ khác như Argentine, Brazil, Canada cũng sản xuất và xuất cảng nhiều đậu nành. Bốn xứ vừa kể đã sản xuất 90% sản lượng đậu nành trên thế giới! Nhưng trong 4 xứ đó thì Hoa Kỳ là nước sản xuất đậu nành nhiều nhất: 45% diện tích trồng đậu tương và 55% sản lượng đậu tương của thế giới nằm ở Mỹ. Các xứ trồng nhiều đậu nành phải kể:

– Canada với quãng 1,2 triệu hecta, phần lớn ở Saskatchewan, phía Nam Quebec và Ontario. Các tiểu bang khác như Ile-du-Prince-Edouard, Manitoba cũng có nhưng ít hơn. Sản lượng đậu nành Canada hàng năm quãng 5 triệu tấn không những tiêu thụ trong nước mà còn xuất cảng sang các xứ như Nhật, Mã Lai, Hà Lan và Iran, với giá trung bình 320$ mỗi tấn.

– Hoa Kỳ sản xuất 75 triệu tấn đậu nành năm 2000, trong đó hơn một phần ba được xuất cảng, còn lại là nuôi gia súc. Đậu nành đem ép thành dầu, chiếm tới 80% lượng dầu ăn được tiêu thụ ở Mỹ. 

– Các nước sản xuất đậu nành lớn khác là BrasilArgentina. Cũng cần biết thêm là trong thế chiến thứ hai, người ta sử dụng đậu nành không những như là một thực phẩm mà còn để sản xuất nhiều sản phẩm kỹ nghệ như glycerine để từ đó tạo ra nitroglycerine dùng làm nguyên liệu chất nổ trong bom đạn. 

– Các nước mua đậu nành nhiều nhất hiện nay là Trung Quốc, Ai Cập, Mexico mua để ăn và để làm thức ăn chăn nuôi. Đậu nành là một trong số các cây lương thực đã có nhiều giống được cải biến di truyền (GMO) nhằm tăng năng suất. Hiện nay, khoảng 80% lượng đậu tương được trồng phục vụ thương mại đều là GMO.

Đậu nành ép thành dầu ăn mà ngay cả bã dầu cũng là thức ăn giàu protein cho ngành chăn nuôi gia súc; đậu nành chế biến thành đậu phụnước tương, làm bánh kẹo, sữa đậu nành. Ngoài giá trị thực phẩm cho người và cho súc vật, cây đậu nành còn có tác dụng cải tạo đất, nhờ các vi khuẩn cộng sinh Rhizobium japonicum nằm trong các nốt sần ở rễ cây có thể hút khí nitơ (nitro) trong khí quyển. 

Racines de soya montrant les rhizobiums fixateurs d’azote sur les racines. Photo : Lynda Kemp

 

Đậu nành là cây giúp ích cho loài người với thực phẩm, dầu ăn, sữa đậu nành, đậu hũ (tofu); giúp ích cho động vật chăn nuôi với bã đậu sau khi ép dầu; giúp ích cho kỹ nghệ như mực in, parafin (paraffin), dầu diesel. Ngoài các giống như lâu nay vẫn trồng, hiện nay trên thị trường còn có nhiều giống chuyển gen nhằm tăng năng suất. Hiện nay, khoảng 80% lượng đậu tương được trồng phục vụ thương mại đều là giống được cải biến di truyền GMO. Công ty Monsanto là công ty hàng đầu thế giới hiện nay trong sản xuất cây chuyển gen nói chung và đậu tương chuyển gen nói riêng. 

 

3Vài vấn nạn trong việc trồng cây đậu nành

Các vấn đề có nguy cơ gây thiệt hại, cụ thể gồm thối rễ do nấm phytophthora, tổn thương do thuốc diệt cỏ, bệnh úa Pythium và triệu chứng đột tử. 

Thối rễ phytophthora. Những cánh đồng đất ẩm, ấm có nguy cơ gây thối rễ phytophthora cao hơn. Bệnh có thể tác động đến cây đậu tương giai đoạn cây con đến khi thu hoạch. Bệnh đặc biệt gây hại vào đầu mùa. Nông dân nên sử dụng giống đậu tương có thể có tính kháng di truyền và áp dụng một số phương pháp để giải quyết và ngừa bệnh ngay từ khi còn là hạt giống. Theo dõi thối rễ phytophthora từ tháng 5 đến tháng 8. Sự xuất hiện của nó tương tự như thối hạt giống sớm và bệnh úa. Bệnh cũng có thể dẫn đến héo, vàng lá và chết cây sớm. Đôi khi cây bị nhiễm bệnh có thân dưới màu đen và rễ bị mục nát.  

Tổn thương do thuốc diệt cỏ. Khi đậu tương nảy mầm và mọc lên, chúng có thể bị các triệu chứng tổn thương do thuốc diệt cỏ, đặc biệt là khi nhiệt độ mát mẻ. Các hạt đất có chứa chất diệt cỏ bắn vào lá cây sau một trận mưa lớn cũng có thể gây chết cây và tạo các đốm hoại tử trên lá. Tình trạng cây bị thương tổn bởi thuốc diệt cỏ thường thấy ở đất-cát-có-chất-hữu-cơ-thấp hơn là thấy ở đất-có-chất-hữu-cơ-cao. 

Bệnh úa Pythium. Cây con bị bệnh Pythium do bị úng trong đất ẩm ướt, mát mẻ. Thời gian bị bệnh này của đậu tương từ cuối tháng 4 đến tháng 8. Trong các khu vực mà cây đã từng bị nhiễm bệnh này, hãy cân nhắc sử dụng thuốc diệt nấm khi có điều kiện đất đai, thời tiết dễ gây mắc nấm Pythium. Đậu tương mắc bệnh úa Pythium có thể phát triển kém, bị úa vàng và chết. Trên thực tế, hạt giống thậm chí có thể bị thối trong lòng đất. Nếu những triệu chứng đó chưa xuất hiện thì khi đào lên vẫn có thể thấy gốc và thân dưới lá mầm chuyển sang màu tối, bị phân rã. 

Triệu chứng đột tử (Sudden Death Syndrome – SDS). Nói chung, các triệu chứng SDS thường xuất hiện vào cuối mùa vụ. Tuy nhiên, căn nguyên bệnh là nấm, lây nhiễm cho cây vào đầu mùa. Nguyên nhân gây bệnh lây nhiễm SDS đậu tương là điều kiện ẩm ướt, mát mẻ nhưng phương pháp giải quyết bệnh ngay từ hạt giống và biến đổi gen có thể giúp chống lại bệnh này. SDS là do fusarium virguliforme gây ra và cần theo dõi căn bệnh này ở đậu tương từ tháng 6 đến giữa tháng 8. Chú ý tới lây bệnh vào đầu mùa là rất quan trọng bởi nếu điều đó xảy ra, và các điều kiện sau đó có lợi cho sự phát triển của bệnh, nó chắc chắn làm giảm năng suất. 

Thái Công Tụng