Anh Hùng Thời Đại

Nguyễn Tuấn Huy

Khi nói đến nhà văn Nguyễn Văn Sâm, người ta hay nhắc đến những lời đối thoại, những danh từ miền Nam của ông mà ông thường dùng như thể đó là những nét độc đáo trong văn chương của ông. Nhưng đây cũng chỉ là hình thức bên ngoài giúp cho lời văn, câu truyện có một hình ảnh sống động hơn. Giống như một lớp sơn tô điểm ở bên ngoài pho tượng cho thêm phần rực rỡ nhưng hình dáng của bức tượng vẫn là yếu tố chính. Dĩ nhiên là văn của Nguyễn Văn Sâm nó có một cái hấp dẫn riêng biệt của nó như lớp sơn bề ngoài thu hút nhãn thị của người xem. Nhưng cái cốt lõi của nó mới chính là cái tạo nên sự bền vững, lâu dài sau này. Tập truyện ngắn mới nhất Giọt Nước Nghiêng Mình của Nguyễn Văn Sâm cũng có những yếu tố đó. Văn chương Nam bộ như đã thấm nhuần vào trong từng tế bào của ông và khi ông sáng tác thì nó cũng tuôn tràn ra như từng hơi thở. Tất cả mọi truyện ngắn trong tuyển tập này được sáng tác khi ông đã ngoài 70 tuổi. Ở trong văn chương Việt Nam, hiếm có những tác giả còn sáng tác khi đã đến tuổi “thất thập cổ lai hy”. Người ta vẫn có thể tiếp tục viết tùy bút, hồi ký, hoặc khảo cứu đề tài chuyên môn của họ. Nhưng nếu nói về sáng tác thì đa số đã bẻ bút khi qua đến tuổi ngoài sáu mươi. Có lẽ khi đã đến tuổi hưu trí, người ta muốn có một cuộc sống an nhàn, muốn cho đầu óc được thanh thản, không muốn nhúng tay vào sự đời, bon chen trong cuộc sống. Có lẽ khi đến tuổi này, người ta thấy được sự vô vọng trong nguyện ước cải cách xã hội, thay đổi con người. Xã hội nào cũng có những sự bất công, có những con người xấu cũng như tốt, nhưng người ta không thay đổi được bản tính con người. Xã hội ngày hôm nay cũng không khác gì xã hội thời xưa. Khi sáng tác các truyện ngắn này, Nguyễn Văn Sâm đã trên 70 tuổi nên chắc chắn ông cũng nắm vững được điều này. Nhưng ông vẫn còn một khao khát, vẫn còn một nguyện vọng thay đổi lòng người khi viết về những sự bất công, trái ngược ở trong cuộc sống. Tuy rằng ông đã khẳng định ngay từ lúc ban đầu: “Những truyện ngắn viết trong khoảng thời gian mà những nỗi đau buồn của thời đại luôn làm trái tim chúng ta đau đớn khi phải bị bắt buộc chứng kiến hằng ngày.” Đây là những truyện ngắn được viết từ những cảm hứng có từ trong thời gian hiện tại, nhưng bối cảnh các câu truyện bao gồm những gì ông đã chứng kiến được trong suốt cuộc đời của ông từ khi còn là học sinh giữa thập niên 50 cho đến khi đã thành một ông ngoại đi thăm linh của cháu gái ở chùa. Do đó đây không phải chỉ là vấn nạn của xã hội ngày hôm nay nhưng là một vấn nạn chung của xã hội Việt Nam trải qua gần một thế kỷ.

Với cái nhìn của một đạt giả, một người đã từng cảm nghiệm được, Ông đã nhìn thấy được cái sân si, cái lòng tham của con người. Khi nhận ra được cái điều này, Nguyễn Văn Sâm đã tốn nhiều công sức tìm hiểu triết lý Phật để giúp hóa giải cái tham, sân, si để đem lại sự bình an, hạnh phúc cho con người. Triết lý của ông nó đơn sơ hơn những lời giảng dạy của các vị lãnh đạo tôn giáo. Các tôn giáo dạy cho người ta chú trọng vào việc thờ phụng, tôn thờ các thần thánh, xây cất nhà thờ, chùa chiền. Lý thuyết của ông là nhắm vào việc tu thân, thay đổi con người của mình trước:  Ít uống rượu, ăn nhiều cháo, không ăn thịt, ăn nhiều rau, ít mở miệng, nhiều nhắm mắt, năng tắm tửa, ít trau dồi, thiểu chung chạ, đa riêng tư, ít vàng bạc, nhiều sách vở, ít cầu danh, nhiều nhịn nhục, ít ham sang, nhiều làm phước, biết nhịn thua, thương cây cối, không chấp trước… Đó là căn bản của đường tu, nghĩa là sửa mình, nghĩa là sám hối, chớ không phải tu là tụng kinh, gõ mõ hay lạy Phật thường xuyên.

Đáng lý ra những điều chiêm nghiệm của một đạt giả phải gây ra được một tiếng vang. Nhưng trong xã hội hiện tại, nó lại là “một tiếng vang trong hoang địa”.  Người ta đang hối hả sống trong xã hội hiện tại. Hạnh phúc được đánh đổi, đo lường bằng vật chất, bằng những bữa ăn nhậu, những cuộc vui chơi, bằng những lời khen, những lời chê bai, ganh tị ở trên Facebook, Instagram, Youtube, v.v… Nếu không ai biết được mình đang có sự hạnh phúc thì thật sự mình có hạnh phúc hay không? Vì vậy người ta càng phải phô trương để có được sự công nhận của người khác. Làm sao có thể thoát được sự sân si trong khi xung quanh mình ai cũng muốn phô trương sự giàu sang, cái đẹp đẽ, hoặc sự may mắn của họ. Hàng ngày có biết bao nhiêu người vào trong Facebook để đọc các post hoặc các blog cá nhân. Ai muốn viết gì, muốn tuyên bố gì, muốn chia sẻ gì thì đều có quyền và bình đẳng như nhau. Người ta có thể đọc các tin sốt dẻo, những tin vịt, những tin làm cho họ bất bình, những tin làm cho họ vui, những chuyện làm cho họ cảm thấy thích thú, giúp họ thư giãn. Muốn đọc truyện ngắn, họ có thể vào biết bao nhiêu các trang mạng đọc truyện ngắn online như Wattpad.com, Truyenfull.com, v.v. mà đa số người viết chỉ viết làm sao để có nhiều độc giả, có nhiều “likes”. Tác giả sáng tác sao cho phù hợp với nhu cầu, sở thích của người đọc. Thể dạng thì đủ kiểu để cho ai cũng có thể tìm được tác giả hoặc thể loại mà mình thích. Nếu không đọc truyện online thì có thể coi phim online với bao nhiêu phim Trung Hoa, Hàn Quốc để xem. Trong một môi trường mà có nhiều chọn lựa để giải trí thì người ta sẽ chọn những cái phù hợp với sở thích của họ, quen thuộc, dễ hiểu để có thể đem lại một khoái cảm nhanh chóng, hữu hiệu nhất. Giống như một người nghiện chỉ muốn chích làm sao cho chóng phê để thỏa mãn sự đòi hỏi của thể xác. Trong một xã hội hiện tại như vậy, thiết nghĩ làm sao những sự kêu gọi con người ta tu thân, hoàn thiện, sống công bằng và bác ái không khỏi bị coi như là “tiếng kêu trong hoang địa”?

Dĩ nhiên những người có một triết lý sống khác xa với trào lưu thì họ không thể viết theo trào lưu để trở nên thịnh hành, có nhiều “likes” từ độc giả. Chúng ta hãy nhìn lại nhà văn Hồ Biểu Chánh. Trong hơn 45 năm sáng tác, ông vẫn không thay đổi lối viết văn của ông cũng như cốt truyện, cái triết lý “ở hiền gặp lành” của ông. Sau 45 năm, văn chương Việt Nam trải qua nhiều sự thay đổi, đổi mới, phong trào nhưng văn phong và triết lý của Hồ Biểu Chánh vẫn không thay đổi. Thực sự người “ở hiền” có luôn luôn “gặp lành” hay không? Điều này chúng ta không biết được nhưng chúng ta vẫn chứng kiến trong xã hội người ác bao giờ cũng sướng hơn người lương thiện vì họ không phải sống trong sự bất công. Họ không phải chịu cảnh thiệt thòi vì họ luôn tìm cách để đem lợi thế về cho họ bằng mọi thủ đoạn. Nguyễn Văn Sâm viết, “Ai khôn thì nhờ, ai nghèo khó, thấp cổ bé miệng thì chịu thiệt thòi. Em phát biểu linh tinh có ngày vô tù sớm…” (trang 60). Vậy thì ai dại gì mà sống cho ngay thẳng để chịu thiệt thòi trong khi Nghịch lý người thấp cổ bị bách hại không được sáng soi trong khi kẻ ác độc xu thời, trải đời mình bằng nịnh hót, không dám đứng thẳng gối trước nghịch quyền thì hưởng lợi vô vàn.” (trang 82)

Trong nền giáo dục của Việt Nam thời phong kiến, người ta lấy những lời giảng dạy của Khổng Tử làm kim chỉ nam. Người ta đề cao chữ hiếu và chữ trung, đạo làm con và đạo làm tôi. Phụ nữ thì được khuyến khích phải phục tùng chồng, phải lo cho gia đình, phải có đầy đủ “công, dung, ngôn, hạnh”. Trong các tác phẩm Nôm có liên quan đến phụ nữ như “Gia Huấn Ca”, “Trinh Thử”, “Bần Thán Nữ” đều nêu cao những đức tính này. Thanh niên thì mơ tưởng đến cảnh “ngựa anh đi trước, võng nàng theo sau”. Do đó nếu có cơ hội thì học cho thuộc kinh sử để mong có được ngày “vinh quy bái tổ”.  Đến khi đã đỗ đạt rồi thì chỉ lo phục vụ cho cấp trên, chèn ép lớp dưới, lo củng cố địa vị của mình hơn là phát triển văn hóa, thay đổi xã hội. Một phần là do chế độ quân chủ cần được bảo tồn để giữ vững ngôi vị của giới cầm quyền, do đó thay đổi tư tưởng xã hội là một điều không được giới cầm quyền ủng hộ. (Đã là một nước bị trị để kết quả là phải rập khuôn nước cai trị, há dễ tránh tình trạng này, dẫu vậy lịch sử Việt Nam cũng cho thấy những tấm gương yêu nước qua từng thời kỳ, khoa bảng là phương tiện để đền ơn nước, làm những việc ích nước lợi dân). Dẫu vậy trong bối cảnh này, khi nhìn lại trong suốt mấy trăm năm trước chữ quốc ngữ, đa số thơ Hán văn và truyện Nôm dựa theo cốt tích ở bên Trung Hoa với những tư tưởng chính thống của họ. Hỏi tại sao? Nguyễn Văn Sâm đã trả lời: “Tại người mình không chịu viết truyện là do làm biếng suy nghĩ với làm biếng tưởng tượng, có viết thì ăn cắp ý, có khi còn cọp-py nguyên con. Để cho thiên hạ viết thay mình thì phải bị như vậy thôi.” (trang 34). Thỉnh thoảng chúng ta mới thấy được một vài tác phẩm khuyến khích người thanh niên có một tinh thần độc lập và cầu tiến.

Một tư tưởng nổi bật nhất ở trong thời điểm này là Nguyễn Công Trứ với quan niệm anh hùng và chí làm trai. Theo ông tuổi trẻ là phải xả thân giúp nước, phải sống cho có khí phách: “Làm trai cho đáng nên trai, xuống đông đông tĩnh lên đoài đoài tan.” Nhưng Nguyễn Công Trứ cũng đã chấp nhận hiện trạng, chế độ quân chủ và tất cả những bất công của nó. Ông không muốn thay đổi chế độ. Ông chỉ muốn phục vụ nó với tất cả khả năng của ông cho trọn đạo làm tôi của thời đó. Khi nhìn lại cuộc đời, ông phải ngậm ngùi với số phận làm trai, làm tôi ở trong một chế độ quân chủ tuyệt đối. Ở trong xã hội Việt Nam này không có sự công bằng, bình đẳng mà chỉ có hai giai cấp –  giới  cầm quyền và người dân thường. Nguyễn Công Trứ đã nếm phải sự cay đắng, tủi nhục của phận làm dân đen khi ông bị cách chức và bị đi đày làm lính thú.

Kiếp sau xin chớ làm người
Làm cây thông đứng giữa trời mà reo
Giữa trời vách đá cheo leo
Ai mà chịu rét thì trèo với thông

Trải qua xã hội phong kiến, Việt Nam lại rơi vào sự đô hộ của người Pháp. Trong thời Pháp thuộc, chí anh hùng của người trai là phải chống lại thực dân để giải phóng đất nước. Có những người làm cách mạng, dùng vũ khí để lật đổ chính quyền như Nguyễn Thái Học. Cũng có những người dùng ngòi bút, trí óc để làm lung lay guồng máy cai trị thực dân như Nguyễn Văn Vĩnh. Tuy nhiên tất cả đều nhắm vào một ý chí duy nhất là lật đổ chính quyền thực dân và giành lại độc lập cho đất nước. Khi đã giành lại được độc lập từ ngoại xâm, một lần nữa người anh hùng là những người chống Cộng hoặc là “những anh bộ đội đánh Mỹ cứu nước” (tùy là người nhận định đứng về “bên nào”). Trong bối cảnh này, những công tác xã hội, những hình thức bề ngoài quan trọng hơn là sự tu thân. Người anh hùng là những người sống tranh đấu, hy sinh mình vì đất nước để chống ngoại xâm. Còn cuộc sống nội tâm nó không là một mối quan tâm, không được đề cao. Do đó, ở trong xã hội Việt Nam mới có những tình trạng mà đi tu là đồng nghĩa với sự thờ cúng. Nguyễn Văn Sâm đã viết “Đó là căn bản của đường tu, nghĩa là sửa mình, nghĩa là sám hối, chớ không phải tu là tụng kinh, gõ mõ hay lạy Phật thường xuyên.” Nói cho cùng, tuy xã hội đề cao đến việc tu thân nhưng chưa được nhấn mạnh đúng mức, thêm vào là tình trạng nhiễu nhương và tha hoá, người ta dễ chấp nhận sự chênh lệch trong xã hội, coi đó như là một sự cần thiết, một sự đền bù, phúc lợi cho những người nắm quyền, có mối quan hệ. Nên khi có được cơ hội là người ta vơ vét, không kể đến sự công bằng cho những người khác. Mặc dù ở ngoài miệng người ta có thể cho mình là yêu quê hương, dân tộc, nước nòi đi chăng nữa, nhưng người ta khó có thể mà cưỡng lại được lòng tham.

“Là bọn đêm ngày cầu mong có được ruộng vườn chim bay gãy cánh chó chạy cong đuôi, bọn hoạt đầu gạt đầu nầy cướp đầu nọ để được nhà sang cửa rộng ấy mà! Bọn ham cái gì thì ôm cứng không chịu buông tay ra. Cầu biệt thự thênh thang ở Ô Cấp, ở Đà Lạt, ở Nha Trang, Phú quốc…, kéo vô kéo vô cho tràn họng, cho ngập mặt thì hỏi làm sao có lòng với người nghèo khổ, với tổ quốc được. Khi lòng tham muốn quơ quào quá lớn thì lòng thiện còn đâu chỗ trú?” (trang 35)

Nên khi nhìn lại văn học Việt Nam và tìm những tác phẩm có tư tưởng kêu gọi sống công bằng trong xã hội thì có lẽ đây là một hoang địa thật sự. Lịch sử Việt Nam trải qua chế độ quân chủ và thực dân đã không cho phép người ta có tinh thần công bằng. Người Pháp đã chế riễu là trong lòng mỗi một người Việt Nam là một ông quan hoặc người Việt Nam nào cũng mơ tưởng mình là một ông quan. Những người Việt Nam sinh trưởng tại Mỹ, chưa hề hấp thụ văn hóa Việt Nam sẽ bỡ ngỡ khi phải tiếp xúc với văn hóa quan liêu này. Do đó những tư tưởng kêu gọi sống công bằng trong xã hội, đừng hại đến môi trường, trực tiếp hoặc gián tiếp ảnh hưởng đến người khác là một tiếng kêu trong hoang địa văn hóa Việt Nam. Nguyễn Văn Sâm đã kêu gọi người ta can đảm sống theo lương tâm của mình mà đừng theo trào lưu xã hội.  Ông đã chú trọng vào cái tâm và lấy cái tâm làm chính. “Niết Bàn Địa Ngục đều do tâm mà ra. Tâm mình tạo cho mình cái cảnh giới đày đọa hay tưởng thưởng mình.” (trang 72). Nguyễn Văn Sâm tuy là một Phật tử nhưng lời kêu gọi của ông cũng không khác gì “tiếng kêu trong hoang địa” của ngôn sứ Gioan Tẩy Giả của Thiên Chúa Giáo hơn hai ngàn năm trước đây.

Thế hệ hiện tại chỉ có biết đến Facebook, Wattpad, đọc truyện online, blog cá nhân. Giới trẻ sống ở trong nước thì bị Cộng Sản cấm cách, bưng bít, không cho nói đến những thực trạng nên họ chỉ biết đến những trào lưu, xu hướng thời đại, chủ nghĩa vật chất. Giới trẻ sống ở hải ngoại thì hấp thụ văn hóa ngoại quốc, không còn quan tâm đến văn hóa Việt Nam. Do đó, thời này cũng cần có những người như Nguyễn Văn Sâm luôn luôn nhắc nhở con người ta phải sống cho công bằng, không hại người khác. Người Việt Nam không thiếu những anh hùng dân tộc. Tuy nhiên đa số được tưởng nhớ vì có công chống lại ngoại xâm, bảo vệ bờ cõi, giành lại nền độc lập cho đất nước. Văn hóa Việt Nam chỉ có một ít gương của những người đấu tranh cho sự công bằng trong xã hội (Nguyễn Thế  Truyền, Nguyễn An Ninh, Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh , Phan Văn Hùm, Trần Văn Thạch, v.v…). Từ sau vấn nạn Pháp thuộc, dường như người ta làm ngơ nhiều hơn, cố tình làm như không thấy những bất công trong xã hội. Họ có thể đổ thừa là xã hội, thời nào cũng thế, “khôn sống, dại chết”, từ xưa đến giờ nó đã vậy. Hình như Nguyễn Văn Sâm muốn xóa bỏ cái não trạng giai cấp luôn luôn có trong xã hội Việt Nam, khi mà đa số phải phục vụ cho một thiểu số để từ đó chấp nhận cảnh bóc lột, đàn áp người dân bé miệng của một xã hội bất công ngay cả khi chế độ quân chủ đã không còn.

Ở trong mỗi một truyện ngắn của Nguyễn Văn Sâm thường có ít nhất một anh hùng. Anh hùng ở đây không theo ý nghĩa bình thường. Nhưng anh hùng ở đây là một người có can đảm sống theo lương tâm của họ. ‘Người Tàu họ tinh quái lắm. Họ không nói dũng nhơn, hảo dũng, anh kiệt hay gì gì đó mà nói hảo hớn có nghĩa là người Tàu tốt, người Tàu giỏi, hay người Tàu anh hùng. Làm như thiên hạ không ai là anh hùng như người Tàu, người Hán.’ (trang 32). Những nhân vật ở trong các tác phẩm của ông tuy rằng họ chỉ là những người bình dân, họ không có công trạng lớn lao với đất nước, nhưng trong cuộc sống hàng ngày của họ, họ phải đối đầu với những sự bất công, những tham vọng của con người. Họ phải chiến đấu với chính bản thân, đối phó với những định kiến xã hội để không sống trong sự thiếu công bằng, ngược đãi người khác. Đó là những người như Ông Đạo Chuối, Lão Hát Rong, Cô Trinh, Cô Huê ở trong truyện “Hoa Nhân Sinh” hoặc thằng Tín ở trong “Người Em Xóm Giếng”. Qua những nhân vật này, Nguyễn Văn Sâm đã dựng nên những anh hùng dân tộc thời đại để làm gương cho một giai đoạn mới, một giai đoạn mà mối đe dọa lớn nhất cho xã hội Việt Nam không phải do ngoại xâm mà từ chính người Việt Nam đã đối xử với nhau như thế nào.

Ngày nay chúng ta đọc các tác phẩm Nôm để tìm hiểu hai trăm năm trước người xưa có những tư tưởng gì, những yếu tố nào đã uốn nắn xã hội của họ. Vài chục năm trước đây, chúng ta tìm đọc Hồ Biểu Chánh để tìm hiểu đời sống và tâm lý của người miền Nam trước sự giao tiếp giữa văn hóa Tây Phương và văn hóa cổ truyền. Trong tương lai, chúng ta sẽ tìm đọc Nguyễn Văn Sâm như những lời kêu gọi của một tiên tri thao thức trước những vấn nạn xã hội Việt Nam và hy vọng những anh hùng thời đại của ông sẽ làm mô típ cho một thế hệ mới quan tâm đến sự bình đẳng, môi trường và hạnh phúc cá nhân của mọi người.

Nguyễn Tuấn Huy

Houston. Ngày 12 tháng 3 năm 2021.