Một bông hồng mùa đông

Nguyễn văn Trần

 

“Sách quốc ngữ,
Chữ nước ta.
Con cái nhà,
Đều phải học.

Miệng thì đọc,
Tai thì nghe.
Đừng ngủ nhè,
Chớ láu táu…”

Trên đây là một bài học thuộc lòng mà ngày nay, các cụ chắc còn nhớ. Người soạn sách giáo khoa cho trẻ con thường chọn những bài văn vần để dễ đi vào trí nhớ non nớt của chúng nó. 

Bài học thuộc lòng này là một đoạn ngắn của bài thơ « Lên Sáu » dài hơn hai trăm câu (220 câu) của Tản Đà viết năm 1919. Chọn 8 câu đầu làm bài học thuộc lòng cho trẻ con chắc người làm sách có ý muốn mọi người nhận thấy tầm quan trọng của chữ quốc ngữ lúc bấy giờ. 

Năm Tản Đà làm bài thơ « Lên Sáu » cũng là năm khoa cử cuối cùng của hệ thống giáo dục cũ. Chế độ khoa cử ở Việt Nam bắt đầu năm 1075 và kết thúc năm 1919. Suốt 844 năm, các triều đại nước ta đã tổ chức được 185 khóa thi theo nho học.

Khóa thi năm 1919 chấm dứt chế độ giáo dục và khoa cử cũ. Lý do quan trọng được vua Khải Định đưa ra trong lời phê tờ trình của Bộ Học như sau: “Kỳ thi năm nay là khoa thi cuối cùng, đường khoa cử từ đây dứt hẳn. Trẫm nghĩ rằng quy chế cựu học đã không còn đáp ứng được điều mong muốn, trong khi con đường tương lai của tân học đang thênh thang mở rộng trước mặt” (sách Khải Định chính yếu sơ tập, theo Lê Thái Dũng, « Kiến thức lịch sử văn hóa », Hà Nội).

Có lẽ vì đây là khóa cuối cùng nên vua Khải Định trong lời phê chuẩn có nói thêm, “Lần này là khoa thi Hội cuối cùng của triều đình nên trẫm muốn gia ân cho sinh viên sĩ tử khoa mục trong cả nước, hễ ai thông thạo cả hai thứ chữ Nho và chữ Pháp thì trình lên bộ Học để xin vào ứng thí, lấy tên khoa này là Ngự tứ ân khoa”.

Và phải chăng đây cũng là lúc: 

                                 « Cái học nhà nho đã hỏng rồi,
                                    Mười người đi học, chín người thôi …. » (Trần Tú Xương) 

Cái học nhà nho đã hỏng rồi thì thân phận chữ Nho cũng không tránh khỏi bị mai một. Vũ Đình Liên là một trong những nhà thơ của phong trào thơ mới (1930-1945). Ông giải bày nỗi lòng hoài cổ của ông, và cũng là tâm trạng chung của những nhà nho lỡ vận còn sót lại cùng thời, qua bài thơ « Ông Đồ » viết bằng quốc ngữ:

                             «…  Giấy đỏ buồn không thắm
                                    Mực đọng trong nghiên sầu…
                                    Ông đồ vẫn ngồi đấy
                                    Qua đường không ai hay… » 

Lúc này chữ quốc ngữ đã kiện toàn. Nhiều ấn phẩm bằng quốc ngữ thi nhau ra mắt dân chúng. Ở xứ Nam kỳ, từ cuối thế kỷ XIX, về báo bằng chữ quốc ngữ đã có « Gia Định Báo », về truyện văn xuôi, có cuốn « Thầy Lazaro Phiền » của tác giả Nguyễn Trọng Quản, do nhà J. Linage, đường Catina, Sài Gòn, xuất bản năm 1887, ra mắt công chúng. Nhà văn Nam kỳ Hồ Biểu Chánh cho biết nhờ ảnh hưởng ba cuốn truyện: « Thầy Lazaro Phiền » của Nguyễn Trọng Quản, « Hoàng Tố Anh » của Trần Chánh Chiếu và « Phan Yên ngoại sử » của Trương Duy Toản mà ông viết tiểu thuyết, trở thành nhà văn lớn, có hơn 100 tác phẩm đủ thể loại bằng chữ quốc ngữ. Riêng về tiểu thuyết, ông có 64 cuốn xuất bản. 

Chữ quốc ngữ đơn giản, dễ học, dễ viết, phô biến rộng khắp, giúp ký âm tiếng Việt Nam một cách trung thực, chính xác và diễn tả được cảm xúc phức tạp của con người.

Như vậy từ nay Việt Nam có 3 thứ chữ viết: Chữ Hán Việt, chữ Nôm và chữ quốc ngữ. Nhưng ghi lại tiếng nói của người Việt, chỉ có chữ Nôm và chữ quốc ngữ. Chữ Hán là thứ chữ chết. 

Chữ quốc ngữ, hồn trong nước! 

Việt Nam từ hơn trăm năm nay đã chánh thức sử dụng chữ quốc ngữ thay thế chữ Nho và chữ Nôm trong sanh hoạt hằng ngày. Hồi đầu thế kỷ XX, các nhà trí thức tân học ca ngợi chữ quốc ngữ là « Hồn trong nước », và tin rằng « nước Việt Nam sau này hay hay dở cũng ở chữ quốc ngữ »! 

Trước đây, nhiều người cho rằng chữ quốc ngữ là do tu sĩ công giáo người Pháp Alexandre de Rhodes làm ra. 

Nhưng qua những khám phá sau này, thì chữ quốc ngữ trong giai đoạn đầu hình thành do sự đóng góp công sức của các thừa sai người Bồ-Đào-Nha vì theo thỏa thuận do giáo hoàng giàn xếp giàn xếp, giáo sĩ Bồ-Đào-Nha hoạt động về phía Đông nên trong đó có Việt Nam. 

Những chiếc thuyền đầu tiên của người Bồ tới vùng đất Đàng Trong của Việt Nam năm 1523. Nhựt Bổn cấm đạo (1612) và các thừa sai Dòng Tên bị trục xuất nên về Macao tu dưỡng chờ nhiệm vụ mới.

Ít lâu sau, theo lời khuyên của nhà buôn Fernandes da Costa, ba vị Thừa sai đầu tiên là Francesco Buzomi (1575-1639), Diogo Carvalho (1578-1624) và António Dias (1585-?) được cử tới Đàng Trong và họ cập bến Cửa Hàn ngày 18 tháng 01 năm 1615. Sứ mạng do Ngài Ignace de Loyola tổ chức và được Giáo hoàng Paul III phê chuẩn. Thời gian đầu, các Thừa sai được giáo dân Nhựt Bổn giúp đỡ và làm thông ngôn với người Việt. 

Nhưng họ cần học tiếng Việt để tiếp xúc với dân bản xứ và nhứt là để truyền đạo. Năm 1615, ở Đàng Trong, họ bắt đầu dùng mẫu tự La-Tinh ghi âm tiếng Việt. Theo báo cáo của João Roiz, Lm Francisco de Pina tới Đàng trong năm 1617 và qua năm 1619, ông đã viết xong một bản tự vựng tiếng Việt. Sau đó, Lm Gaspar do Amaral cũng làm xong một cuốn tự vựng tiếng Việt nữa. Nhưng các bản thảo viết tay này đều bị thất lạc.  Năm 1626, họ đem tiếp tục ở Đàng Ngoài. Cho tới năm 1861, chữ quốc ngữ được cải thiện với nhiều tiến bộ, nhưng chỉ sử dụng trong phạm vi giáo hội (Ts Phạm thị Kiều Ly, Lịch Sử Chữ Quốc Ngữ Từ 1615 – 1861). Hoàn toàn không vì ơn ích cho dân Việt Nam. 

Sau đó, chữ quốc ngữ của giai đoạn đầu này được từng bước hoàn chỉnh như ta biết sau này. 

Tiếng Việt được các giáo sĩ ghi âm bằng vần La-Tinh thành chữ viết là trường hợp cá biệt của Việt Nam trong vùng các nước chịu ảnh hưởng lâu đời chữ Hán, trái lại chỉ là một trường hợp bình thường trong hằng trăm ngôn ngữ khác nhau của nhiều nước trên thế giới nơi có giáo sĩ công giáo tới truyền đạo. Chỉ riêng Dòng Tên, từ năm 1540 tới năm 1773, đã soạn được 164 cuốn từ điển, 165 cuốn ngữ pháp và 430 văn bản của 134 ngôn ngữ. 

Nhờ biết tiếng Việt và biết chữ Nôm, các giáo sĩ dùng La-Tinh ký âm tiếng Việt, làm ra chữ quốc ngữ cũng tương đối dễ hơn các nho sĩ Việt Nam trước kia sáng tạo chữ Nôm từ chữ Hán. 

Điều quan trọng là nếu không có biến cố chánh trị, tức Pháp đô hộ và ban hành chế độ giáo dục mới, mở trường học miễn phí ở khắp nơi và cưỡng bách trẻ con đi học, thì chữ quốc ngữ vừa được các giáo sĩ sáng tạo, có hay tới đâu đi nữa cũng chỉ là công cụ thuần túy truyền giáo và sử dụng trong phạm vi giáo hội mà thôi. Dĩ nhiên, chánh quyền thực dân có dụng ý của họ khi cho phổ biến chữ quốc ngữ để giúp lớp trẻ Việt Nam học qua chữ Pháp cũng dễ dàng hơn từ chữ Nho chuyển qua. Và đào tạo một lớp người mới phục vụ bộ máy cầm quyền của họ. 

Năm 1882, Thống đốc Lafont quyết định tất cả các văn kiện phải viết bằng quốc ngữ và kể từ năm 1886, nhơn viên hành chánh phải biết chữ quốc ngữ. Tới năm 1889, Hội đồng Giáo dục thống nhứt chương trình theo đó học sinh phải biết đọc, biết viết quốc ngữ, làm toán bằng quốc ngữ, ngoài tiếng Pháp. 

Sau Hiệp ước Bảo hộ (1884-1885), việc học và phổ biến chữ quốc ngữ mở rộng ra Trung kỳ và Bắc kỳ. Trường học dạy quốc ngữ và chữ Pháp theo chương trình mới do nhà cầm quyền Pháp mở ra khắp nơi nhanh chóng thay thế những lớp học chữ Nho trong làng của mấy thầy đồ cũ. Hai trường đào tạo quan trường và ngạch hành chánh là Quốc học (1895) và Hậu bổ (1897) lần lượt ra đời dạy quốc ngữ và Pháp ngữ (Ts Phạm thị Kiều Ly, Chữ Quốc Ngữ Thuở Giao Thời). 

Sự đổi mới nào cũng khó tránh khỏi mặt tiêu cực của nó. Việc học chữ quốc ngữ rầm rộ thay thế chữ Nho ở Nam kỳ đã dẫn đến sự bất ổn xã hội và giảm giá trị đạo đức truyền thống ở con người. Học chữ Nho có cổ hủ thật nhưng nó lại giúp người dân gìn giữ nền nếp văn hóa dân tộc làm cho đời sống xã hội được yên lành, như Toàn quyền Simoni nhận xét năm 1910. Nên ông đề nghị nhà trường ở Trung kỳ và Bắc kỳ dạy quốc ngữ và Pháp ngữ mà vẫn giữ một số giờ học cho chữ Nho. 

Từ đây chữ quốc ngữ thật sự trở thành chữ viết của người Việt Nam vì người Việt sử dụng nó. 

Chống đối trào lưu quốc ngữ 

Việc mở trường và dạy quốc ngữ ở Việt Nam, sớm ở Nam kỳ, của người Pháp tuy được dân chúng hưởng ứng khá nồng nhiệt nhưng vẫn vấp phải chống đối không nhỏ của lớp sĩ phu nho học cũ. Vì dưới mắt lớp người này, chữ quốc ngữ vẫn là công cụ đồng hóa của Tây, nhằm xóa bỏ truyền thống ngàn năm của ông cha. Họ cho rằng học quốc ngữ là cái học theo quân cướp nước. Vì vậy chữ quốc ngữ phải chịu áp lực của phía chống đối gồm những nhà nho học cũ như Nguyễn Đình Chiểu, Phan văn Trị, Bùi Hữu Nghĩa… Còn phe ủng hộ gồm những người xuất thân từ trường Dòng Tên như Trương Vĩnh Ký, Trương Minh Ký, Huỳnh Tịnh Của. Việc đối nghịch không khoan nhượng không chỉ trong phạm vi chữ quốc ngữ và chữ Nho, mà cốt ở hai thái độ chánh trị và văn hóa: « yêu nước » hay « Việt gian », giữ « đạo nhà » hay « ông cha không thờ »! 

Những người ủng hộ chữ quốc ngữ cho đó là vũ khí sắc bén trong công cuộc phổ biến tân học, khai dân trí, truyền bá tư tưởng chánh trị yêu nước, tiến tới giải phóng dân tộc, đem lại độc lập cho nước nhà. Là thứ chữ viết đơn giản, dễ học nên sẽ là phương tiện hiệu quả để tiếp thu những kiến thức mới và nền văn minh khoa học tân tiến. 

Người chống thì lên án đó là thứ chữ của kẻ “xâm lược tôn giáo và xâm lược lãnh thổ”.  Học giả Phạm Quỳnh đúc kết hai xu hướng trên «văn tự, có khó khăn mới thâm thúy. Nay chữ Quốc ngữ dễ quá, đứa bé lên năm, học trò sơ học mở quyển sách ra cũng đọc lau láu được ngay, thì cái văn chương sản xuất bằng thứ chữ ấy tất là thô thiển bỉ tiện, không xứng đáng là văn chương được. Nhưng nó lại là cái bè giúp ta thoát khỏi bể trầm luân trong cái học cũ quá nặng nề». 

Chữ Nôm hay chữ dân tộc 

Tàu đô hộ nước ta hằng ngàn năm. Họ đem chữ Tàu dạy ta học. Nhưng cũng nhờ đó ta có chữ viết, thoát ra khỏi hoàn cảnh có tiếng nói phong phú mà không có chữ viết, và đem sử dụng trong mọi sanh hoạt, từ triều đình tới dân dã, suốt 19 thế kỷ. Khi đô hộ nước ta, người Tàu chủ trương đem chữ Hán dạy ta học là để đồng hóa dân ta như những chủng tộc khác nhưng không thành công vì ta có nền văn hóa của ta lâu đời. Riêng về chữ nghĩa, họ dạy ta học chữ Tàu như người Tàu nhưng ta phát âm khác hơn, theo cách riêng của ta, âm Hán-Việt. Nhờ giữ tiếng nói không bị mất mà Việt Nam vẫn tồn tại là một nước riêng biệt cho tới ngày nay. 

Chữ Hán tuy đọc theo âm Việt nhưng nó không ghi được tiếng Việt như ta nói nên từ thời Nhà Lý, tổ tiên ta đã có sáng kiến dùng những nét chữ Hán họp lại ký âm tiếng Việt làm thành một thứ chữ mới, khi đọc lên đúng như tiếng nói của người Việt Nam nói. Ta gọi đó là chữ Nôm. Việc sáng tạo chữ Nôm của Tổ tiên ta thật sự còn mang đậm ý nghĩa quyết tâm chống lại chủ trương nham hiểm của giặc Tàu tìm cách đồng hóa ta về mặt văn hóa và ngôn ngữ, một cách thôn tính mà kẻ mất nước không bao giờ mong có thể phục quốc được. 

Từ khi có chữ quốc ngữ, nhiều tài liệu văn học xưa hàng ngàn năm bằng chữ Nôm được các học giả sau này viết lại bằng chữ quốc ngữ làm cho nhiều người đọc cứ tưởng đó là những bản văn quốc ngữ, mà quên đi đã có chữ Nôm và nền văn học chữ Nôm. Nên việc học chữ Nôm ngày nay vẫn là điều cần thiết và quan trọng. 

Học giả Đào Duy Anh, trong Lời tựa quyển « Chữ Nôm, nguồn gốc, cấu tạo, diễn biến », Hà Nội, 1973, xác định chữ Nôm là thứ chữ dân tộc của ta đã được dùng trong gần 10 thế kỷ, mãi đến cuối thời Pháp thuộc, nó trở thành cổ tự, như chữ Hán, không còn được sử dụng trong đời sống hằng ngày nữa. 

Rất tiếc vì nó không còn thông dụng nên từ đó không còn mấy người đọc và hiểu được. Nhưng cũng như chữ Hán, chữ Nôm là kho tàng gìn giữ một phần quan trọng văn hóa dân tộc. Muốn tiếp xúc với văn hóa dân tộc, phải biết chữ Hán và chữ Nôm. 

Muốn học chữ Nôm, phải biết chữ Hán. Nhưng chưa đủ, mà còn phải biết lịch sử, đời sống xã hội, cách cấu tạo chữ Nôm qua các thời kỳ…. 

Về nguồn gốc chữ Nôm, học giả Đào Duy Anh có kể ra chuyện chuông đồng chùa Vân Bản có khắc nhiều hàng chữ Hán trong đó có vài chữ Nôm nhưng chính ông không thấy tài liệu in chụp lại rõ ràng nên sau cùng ông căn cứ vào tấm bia chùa Tháp Miếu, huyện Yên Lãng, tỉnh Vĩnh Phú, có ghi đầu năm 1210, đời Lý Cao-tôn, là chứng tích có nhiều chữ Nôm rõ ràng. 

Về những người nghiên cứu văn hóa và ngôn ngữ Việt Nam bằng chữ Nho và chữ Nôm, trước ông, là những người Pháp như ông Maspéro, … Riêng kẻ nghiên cứu  chữ Nôm một cách nghiêm túc, có hệ thống, theo ông, cũng người Pháp, được ông nhắc tới, đó là ông A. Chéon với quyển « Cours de Chữ Nôm ». 

Tên đầy đủ của ông A. Chéon là Jean-Nicolas-Arthur Chéon (1856 – 1928), nghạch công chức cao cấp của chánh quyền Pháp. Ông được đề cử làm giáo sư dạy ở trường bổn quốc Collège Chasseloup-Laubat. Năm 1889, ông làm Phụ tá cho ông Antony Landes, đặc trách Phòng Chánh Trị của Chánh phủ Nam kỳ. Năm sau, ông bị đổi ra Hà Nội làm Đổng Lý Văn Phòng cho Phủ Thống Sứ. 

Ông am hiểu tường tận tiếng Việt Nam. Trong những công trình nghiên cứu của ông về ngôn ngữ học, đáng kể là quyển « Văn phạm chữ Hán » (1904), « Cours de langue annamite » (Sách dạy tiếng An nam, Hà Nội, 1904), « Tuyển tập 100 bài văn annamites, chú giải và dịch » (Hà Nội, 1899), « Phân tích 100 bài văn trong  sách Cours d’Annamite dịch ra chữ Nôm », « Một bản nghiên cứu tiếng lóng (Argot) Annamite và một ghi chú về những thổ ngữ (dialectes) Nguồn, Sắc và Mường » (BEFEO, tập V và VII), « Un Cours de chữ Nôm »,…. Ông là người bạn đầu tiên của Trường Viễn Đông Bác Cổ ở Hà Nội. 

Ông Đào Duy Anh nhắc tới quyển «Cours de chữ Nôm » của ông Jean-Nicols-Arthur Chéon nhưng ông lấy làm tiếc là không thấy cuốn đó vì trong thư viện của Viện Khoa học xã hội không còn cuốn sách đó. Nó bị mất từ lâu. 

Chữ Nôm là gì? Ông Đào Duy Anh nhắc lại định nghĩa của học giả người Tàu, ông Vương Lực, năm 1948, viết trong một bài nghiên cứu về tiếng Hán-Việt, chữ Nôm là « Chữ Việt mô phỏng theo chữ Hán mà tạo thành ». 

Không thoát khỏi hoàn cảnh chữ quốc ngữ lúc ra đời, chữ Nôm trong suốt thời gian dài bị giới nho sĩ hủ nho kịch liệt chống đối, dè biểu cho rằng chữ Nôm chỉ là thứ chữ « nôm na là cha mách qué » (nôm na là cách nói, cách diễn đạt mộc mạc, theo cách người dân thường không biết chữ Nho, còn mách qué là cách nói thiếu văn hoá đến mức đáng khinh). Cũng vì những xung đột gay gắt do lòng đố kỵ chỉ nhằm bảo vệ cái mũ cánh chuồng và chiếc áo thụng của giới quan lại mà chữ Nôm trong suốt thời gian dài đã không hoàn chỉnh và thống nhứt được. Mất chữ Nho đồng nghĩa với mất địa vị của họ. 

Khi nghiên cứu về chữ Nôm, ông Đào Duy Anh lấy làm tiếc hiện nay không có nhiều người Việt Nam am hiểu chữ Nôm để đọc lại sách xưa và diễn dịch, chú giải giúp người ngày nay hiểu văn học và văn hóa của mình thời tổ tiên trước đây. Theo ông, hiện nay trong thư viện của Viện Khoa Học Xã Hội ở Hà Nội còn giữ được 1148 quyển sách bằng chữ Nôm mà chưa được khai thác đúng mức. Ngoài ra, ông nghĩ chắc chắn còn nhiều tài liệu chữ Nôm trong dân gian và ở rải rác trong các thư viện ngoại quốc như Anh, Pháp, Nhựt, Tàu, Đại Hàn.… 

Đúng như ông nghĩ, riêng ở thư viện quốc gia Pháp, thư viện trường Viễn Đông Bác Cổ Paris còn giữ một số lớn tài liệu bằng chữ Nôm. Có nhiều tài liệu chưa được khai thác. 

Cách nay vài năm, cứ mỗi năm vào mùa thu, Giáo sư Hán Nôm Nguyễn văn Sâm, qua Paris một tháng, dành nhiều thì giờ vào thư viện tìm những bản văn Nôm của tác giả xứ Nam kỳ để diễn dịch ra quốc ngữ với thêm chú giải. Cách nay hai năm, vì không kịp đọc tại chỗ, ông in lại hơn 3000 trang ôm về Huê kỳ đọc và phiên dịch. Ông nói thấy ham quá nhưng bây nhiêu đây cũng phải mất nhiều thì giờ mới làm xong. Năm rồi ông không qua Paris được vì dịch Vũ Hán. 

Giáo sư Nguyễn văn Sâm và chữ Nôm 

Trước 30/04/75, Giáo sư Nguyễn văn Sâm dạy văn chương tại Đại học Văn Khoa Sài Gòn, Đại học Vạn Hạnh, Đại học Cần Thơ…

Năm 1979, ông tỵ nạn ở Mỹ. Ông không biên khảo nữa mà viết truyện ngắn (lối 90 truyện) và làm một số bài thơ, đăng trên nhiều tạp chí của người Việt hải ngoại. Ông tâm sự « Vì những thôi thúc phải nói lên sự suy nghĩ của mình về quê hương và thân phận người Việt, ngay trên quê hương, hay lạc loài tha hương ». 

Gần đây, ông chọn trở về với gia tài cổ của dân tộc ở miền đất Nam kỳ bằng cách phiên âm các tuồng hát bội, truyện thơ viết bằng chữ Nôm chưa từng được phiên âm mà nguyên bản hiện còn đang nằm trong các thư viện lớn ở Paris (Theo trang P.Ký internet). Như ông vừa làm xong « Tuồng Kim Vân Kiều Nam bộ » và giới thiệu: 

« Học giới để ý tới truyện Kiều đều biết tác phẩm nầy có nhiều phó phẩm, nào là tuồng hát bội Kiều, tuồng chèo Kiều, thơ Vịnh Kiều, thơ Xử Án Kiều, Kim Vân Kiều Ca, Kim Vân Kiều Diễn Ca, Túy Kiều Phú… và hàng trăm bài thơ lẫy Kiều nhiều cách ngắn dài, kể cả có người viết lại toàn thể truyện Kiều và thay những chữ ông ta cho là khó hiểu để tạo nên một bản văn Kiều mới mà ông cho rằng có tánh cách dân tộc hơn. Đặc biệt phó phẩm viết theo toàn bộ các sự kiện trong truyện Kiều bằng một thể loại văn học khác hẳn để phù hợp với sự thưởng thức của một vùng miền mới phải kể đến nhiều tuồng Kiều ». 

Giáo sư Lê Hữu Mục, cùng dạy ở Văn Khoa với Giáo sư Nguyễn văn Sâm, cũng chuyên về Hán-Nôm. Cách nay khá lâu, ông qua Paris làm tiếp công trình phiên dịch chữ Nôm của ông Tạ Trọng Hiệp ở Trung Tâm Quốc Gia Nghiên Cứu Khoa Học (CNRS) bỏ dở dang vì sức khỏe. 

Trước ông Tạ Trọng Hiệp là Giáo sư Hoàng Xuân Hãn. 

Nay các ông Hoàng Xuân Hãn, Tạ Trọng Hiệp và Lê Hữu Mục đều đã lần lượt qua đời. Tôi chưa nghe nói ở Pháp, về ngành Hán-Nôm, có ai nối tiếp. 

Ông Lê Hữu Mục nghiên cứu văn học chữ Nôm nhưng ông không mấy quan tâm tới những tài liệu cổ của các nhà văn, học giả Nam Kỳ vì ông cho không có giá trị văn chương đúng mức. Trong lúc đó ông Nguyễn văn Sâm để tâm lục tìm những bản văn chữ Nôm của tác giả Nam kỳ để phiên dịch và chú giải. Trước khối tài liệu đồ sộ còn giữ trong thư viện ở Paris, ông lo ngại không biết thời gian cho phép ông hoàn tất được tới đâu! 

Nay, công trình biên soạn chữ Nôm xứ Nam kỳ của ông đã khá đồ sộ. Đáng khâm phục. Tên tuổi của ông nổi bật trong giới Văn học chữ Nôm là điều không ai có thể lấy làm lạ được. Những tác phẩm về chữ Nôm của ông đã in có nhiều thể loại: truyện, thơ, tuồng hát… (coi “Tuyển tập Nguyễn văn Sâm”). Những thứ này, tôi nghĩ, nếu không có Giáo sư Nguyễn văn Sâm làm, chắc tât cả cũng sẽ còn nằm yên trong các “tàng kinh các” không biết tới chừng nào? Vì không có giá trị văn chương để cho các học giả Hán Nôm để ý tới? 

Tháng 10/2019, Giáo sư Nguyễn văn Sâm có giới thiệu nhơn buổi nói chuyện với “anh em văn nghệ sĩ tự do” ở Paris “Nữ tắc của Trương Vĩnh Ký, Phiên âm và chú giải”, 56 trang (sách biếu). Về Mỹ, năm sau, ông cho in cuốn “Tuồng Kim Vân Kiều Nam Bộ” do ông phiên âm và chú giải như những quyển khác ông đã làm. 

Đây là một ấn bản hiếm còn giữ được ở một gia đình tư nhơn miền đồng bằng sông Cửu Long nên ở lời cuối sách, ông đã không quên tỏ lòng biết ơn người giữ sách đã có nhã ý trao lại ông quyển sách hiếm: 

“Nhân đây tôi xin gởi lời cám ơn tới người đã trao đổi với tôi bản tuồng nầy mà tôi sẽ nói tên khi được chấp thuận. Những sự trao đổi tư liệu văn học nào cũng có mặt tích cực của nó. Ở xa đất nước, nếu không nhờ sự trao đổi tôi sẽ khó lòng có được những bản tuồng quí, và hôm nay quí vị đã không có quyển sách lạ đang cầm trên tay: Quyển Tuồng Kiều Nam Bộ hay tuồng Kim Vân Kiều ở Đồng Bằng Cửu Long, hay tuồng Kiều ở Miền Nam”. (Tôi muốn gọi nhiều cách để nhấn mạnh trên tính cách Miền Nam của bản tuồng). 

Truyện Kiều của Nguyễn Du được nhiều người phiên âm, phóng tác, viết lại theo các thể loại khác nhau như Phú, Ca, Tuồng hát,… vì nó là một tuyệt tác (Unesco chọn) và viết bằng chữ Nôm. Trong số tác giả đó có khá nhiều là người xứ Nam kỳ. Họ cũng viết lại truyện Kiều văn bác học của nguyên tác theo ngôn ngữ Nam kỳ, theo sở thích và sanh hoạt Nam kỳ. Để họ thưởng thức. Đánh giá cái hay của Truyện Kiều theo họ! 

Từ Truyện Kiều được Nguyễn Du sáng tác bằng chữ Nôm tới nay chưa có một tác phẩm nào bằng quốc ngữ mà hay bằng hoặc hay hơn. Vì người ta đã bỏ quên chữ Nôm mà dùng chữ quốc ngữ với mẫu tự La-Tinh? Nó thiếu cái hồn dân tộc?

Người nghiên cứu, phiên âm, chú giải chữ Nôm ra quốc ngữ để phổ biến là người giữ hồn dân tộc. Giữ Hồn Nước! 

Giáo sư Nguyễn văn Sâm là người trong số rất hiếm quí làm công việc không còn mấy người làm này. Nhưng trong hoàn cảnh hiện nay tre đã già đang chờ măng mọc! 

Hà Nội có Viện Hán-Nôm, có học giả Hán-Nôm nhưng tại sao học giả Đào Duy Anh lại than trong thư viện của Viện Khoa Học Xã Hội nay còn giữ những 1148 quyển chữ Nôm chưa được khai thác vì thiếu người chuyên môn? Theo Giáo sư Lê Hữu Mục thuật lại chuyện được ông sử gia Trần văn Giàu tới nhà thăm và nài nỉ ông ở lại giảng dạy và nghiên cứu Hán-Nôm vì các nhà Hán-Nôm học của ta, theo ông Trần văn Giàu, có được mặt này thì lại mất mặt kia. 

Mùa thu năm rồi, Giáo sư Nguyễn văn Sâm, trong thư thăm hỏi nhau thường lệ, báo tin ông sẽ cho ra mắt một quyển truyện Kiều mới chữ Nôm, phiên âm và chú giải, vào cuối năm. Ông ngỏ ý muốn tôi viết vài hàng về tác phẩm này của ông. Tôi vội thưa với ông là nếu viết thì tôi viết kiểu tay ngang. Ông đồng ý: “Viết kiểu nào cũng được!” 

Vì ông biết tôi đúng là tay ngang nếu cầm viết. 

Tôi hứa với ông. Vì thật lòng cảm kích tình cảm của ông dành cho tôi và nhứt là kính trọng ông ở tuổi này mà vẫn say mê làm công việc gìn giữ chữ Nôm, tức giữ Hồn Nước! Ông đã không quan tâm tới tôi sẽ viết hay dở thế nào. Miễn có chút vết tích của bạn mà thôi! 

Vậy quí vị bất chợt có đọc bài viết này, xin hiểu cho tại sao nó có ở đây mà niệm tình lượng giải cho. 

Trân trọng, 

Paris, mùa đông 2020 

Nguyễn văn Trần 

Ghi chú:
Phạm thị Kiều Ly, trích dẫn ở trên, trình luận án Tiến sĩ về ngôn ngữ học ở Đại học Sorbonne III năm 2018. Đề tài: “La grammatisation du vietnamien (1615-1919): histoire des grammaires et de l’écriture romanisée du vietnamien”.
Cuối năm 2019, bà thuyết trình về nội dung luận án của bà ở Dòng Chúa Cứu Thế, Sài Gòn. Có tin luận án của bà sẽ xuất bản ở hải ngoại bằng tiếng Việt Nam.