OCEAN VUONG, MỘT THIÊN TÀI XUẤT HIỆN TRONG VĂN HỌC MỸ THẾ KỶ XXI

Vĩnh Đào 

Từ một cậu bé Việt Nam tỵ nạn đến một nhà văn thiên tài mà trong 100 năm
chỉ xuất hiện được một vài người.

 

Ocean Vuong, tên khai sinh là Vương Quốc Vinh, sinh năm 1988 tại Sài Gòn. Ông ngoại là một nông dân tên Paul, gốc ở Michigan, gia nhập Hải quân và được gởi đi tham chiến tại Việt Nam. Ông gặp và yêu một cô gái thôn nữ ít học tên Lan. Từ mối tình đó họ có ba người con gái. Khi Sài Gòn thất thủ thì Paul đang về nghỉ phép thăm gia đình ở Michigan, không kịp trở lại. Một trong ba người con gái, Hồng là mẹ của Vinh, lấy chồng và sinh ra Vinh năm 18 tuổi.
Sau chiến tranh, cả gia đình sống rất khó khăn, cũng như các gia đình con lai khác. Năm 1990, khi đứa bé Vinh được 2 tuổi, một tổ chức thiện nguyện thu xếp cho cả gia đình gồm bà ngoại Lan, cha mẹ Vinh và hai người dì, sang tạm trú tại Philippines trong lúc chờ làm thủ tục định cư tại Hoa Kỳ. Đến Mỹ, cả gia đình 6 người thuộc ba thế hệ sống chung trong một căn hộ chật hẹp trong khu lao động thành phố Hartford, thủ phủ tiểu bang Connecticut. Cha của Vinh, một người đàn ông cộc cằn và nóng nảy, bỏ đi mất tích sau khi bạo hành vợ.
Vinh lớn lên trong một gia đình toàn phụ nữ: bà ngoại, mẹ và dì, đều là những người ít học. Cậu bé cũng như mắc phải chứng khó đọc di truyền (dyslexia), đến 11 tuổi mới biết đọc. Mẹ hành nghề trong một tiệm làm móng tay, nuôi con với giấc mộng bình thường của bất cứ người mẹ Việt Nam nào là mong cho con vào được đại học. Như muốn cắt bỏ quá khứ, mẹ Vinh muốn đặt một tên mới cho con. Một ngày, bà học được từ một khách hàng một từ mới là “ocean” (đại dương), từ đó đứa bé mang tên Mỹ là Ocean Vuong.
Ocean khi được 13 tuổi được nhận vào một trường trung học công danh tiếng tại Glastonbury, trong quận Hartford, nhưng lại gặp phải những định kiến, thái độ kỳ thị chủng tộc, bị nghi mắc phải chứng dyslexia… khiến đứa trẻ bị bơ vơ, lạc lõng. Theo lời khuyên của một cố vấn học đường, Ocean vào thư viện trường tìm đọc sách về Phật giáo và tìm được những ý tưởng tích cực hơn, cưỡng lại những cám dỗ bỏ cuộc, rơi vào cạm bẫy của ma túy… Cho đến nay, anh còn giữ thói quen tập Thiền.
Mặc dầu những buổi đầu khó khăn, Ocean Vuong cũng tốt nghiệp trung học và vào học một trường đại học cộng đồng (community college) ở địa phương. Cuộc đời anh bước vào một bước ngoặc khi một ngày nghe cô giáo nói: “Hôm nay chúng ta sẽ đọc Foucault. Có nhiều điều cao quá sẽ vượt khỏi đầu các bạn, nhưng một số sẽ vướng lại và các bạn sẽ hiểu.” [1]
Khi học xong, anh đã biết thêm về Baudelaire và Langston Hughes, và chàng con lai hiểu rằng mộng của anh là sau này trở thành thi sĩ, nhưng phải gác lại mơ ước đó một bên vì phải tìm cách làm việc giúp mẹ. Anh ghi tên học một lớp tiếp thị quốc tế tại Pace University ở New York, nhưng chán nãn bỏ học sau 8 tuần lễ vì lý do “quá mệt mỏi vì cứ phải học cách nói dối.”
Từ đó anh sống lang thang, ngủ nhờ nhà người quen, không dám nói với mẹ là mình đã bỏ học. Anh bắt đầu tiếp xúc với giới văn nghệ, dự các buổi đọc thơ, và tập làm thơ. Có người bảo muốn làm thi sĩ phải có văn bằng đại học về văn chương Anh. Nhờ may mắn, anh ghi tên được vào Đại học Brooklyn và làm quen với những tên tuổi lớn của nền thi ca Anh-Mỹ. Sau khi tốt nghiệp BA về Văn chương Anh, anh sống cuộc đời một thi sĩ trẻ trong một căn phòng chật hẹp rẻ tiền ở New York, trên vách căn phòng dán đầy những bài thơ do anh sáng tác.
Anh quen làm thơ ban đêm, ban ngày đi học ở Brooklyn University hay phục vụ tại một quán café để kiếm sống. Năm 2016, anh gom các bài trong một tập thơ lấy tên là Night Sky With Exit Wounds (“Trời đêm với những vết thương xuyên thấu”) và gởi đi dự một cuộc thi thơ với lời hứa của ban tổ chức là tất cả những tác phẩm dự thi không được giải đều sẽ nhận được lời phản biện của ban tổ chức. Anh nghĩ lời phản biện quí báu sẽ giúp anh vài ý kiến và bí quyết để tiếp tục sáng tác sau này. Nhưng thay vì lời phản biện, tập thơ được nhà xuất bản Copper Canyon Press ở Seattle đề nghị xuất bản. Cùng lúc, tập thơ được nhà Jonathan Cape xuất bản tại Anh.

Tập thơ được đón tiếp nồng nhiệt quá sức tưởng tượng của tác giả. Ngay năm đó, 2016, tập thơ Night Sky With Exit Wounds dày 84 trang, gồm 35 bài thơ, nhận được giải Whiting Award, một giải thưởng 50,000 USD giúp các tác giả mới nổi có phương tiện dành toàn thời gian cho việc sáng tác. Cùng năm đó tại Anh, tập thơ đầu tay của Ocean Vuong cũng được trao hai giải Forward Prize for Poetry và T.S. Eliot Prize là hai giải thưởng lớn dành cho thi phẩm hay nhất trong năm xuất bản tại Anh.
Tập thơ được dịch sang 8 thứ tiếng, và không thể kể hết những giải thưởng khác đã được trao cho tác phẩm này: Felix Dennis Prize dành cho một tác phẩm đầu tay, Stanley Kunitz Memorial Prize do tập san American Poetry Review trao tặng, tạp chí Foreign Policy bình chọn Ocean Vuong trong số 100 nhà tư tưởng hàng đầu trên thế giới năm 2016… Tờ báo New York Times liệt kê tập Night Sky With Exit Wounds trong số 10 quyển sách hay nhất trong năm, trong khi tập san New Yorker đưa tập thơ của Ocean Vuong lên ngay hàng đầu, như là tập thơ hay nhất trong năm 2016.
Nhà điểm sách Kate Kellaway của tập san Observer ca ngợi một tác phẩm trong đó sự “hung bạo của cuộc đời hiện hữu song song với những nét thanh tao”. Nhà phê bình Michiko Kakutani của tờ New York Times nhận thấy trong tập thơ một sự chính xác tỉ mỉ làm nhớ đến tác phẩm của Emily Dickinson cùng với việc sử dụng âm thanh và nhịp điệu của chữ như Gerard Manley Hopkins. Nhà phê bình của tờ nhật báo lớn ở New York không ngần ngại so sánh thi sĩ trẻ gốc Việt với Emily Dickinson, nhà thơ nổi tiếng nhất của Mỹ và Gerard Manley Hopkins, một trong những nhà thơ lớn nhất của Anh thế kỷ XIX! [2].
Một trang web soạn cả một tài liệu giáo trình với tiểu sử tác giả, giới thiệu tổng quát tác phẩm, phân tích một số chủ đề và một số bài thơ để giúp các giáo sư môn văn học giảng dạy tập thơ Night Sky With Exit Wounds cho sinh viên và học sinh trung học [3]… Nhiều công trình nghiên cứu đại học, luận văn thạc sĩ [4], đã lấy tập thơ đầu tay của Ocean Vuong làm đề tài nghiên cứu. Thử hỏi, có mấy lần tác phẩm đầu tiên của một nhà văn được tán thưởng và được các nhà phê bình văn học chú ý đến mức đó trong lịch sử văn học Hoa Kỳ?

Một bài thơ trong tập Night Sky With Exit Wounds được chọn để đặt tên cho quyển tiểu thuyết đầu tay On Earth We’re Briefly Gorgeous (“Trên đời ta có một thoáng huy hoàng”) do Penguin Press xuất bản năm 2019, mới ra mắt đã thuộc hàng sách bán chạy nhất.
Sách đã được dịch ra 30 thứ tiếng, phát hành trên toàn thế giới. Tác giả được tặng một trong những giải thưởng cao quí nhất dành cho nhà văn là McArthur “Genius Grant”, trị giá 625,000 USD để tưởng thưởng tài nghệ và óc sáng tạo của tác giả. Mục đích của giải thưởng là giúp nhà văn khỏi phải lo vấn đề sinh kế trong một thời gian dài để dành hết thời giờ cho việc sáng tác.
Nhật báo Washington Post nhận xét: “Không phải chỉ là một thoáng huy hoàng, mà là một sự thán phục kỳ diệu liên tục.” Tờ The Times bình luận: “Tất cả đều tuyệt đẹp trong quyển tiểu thuyết đầu tay này. Vuong có tính sáng tạo độc đáo trong máu.”
Dịch giả ấn bản tiếng Pháp Marguerite Capelle giới thiệu: “Quyển tiểu thuyết đầu tay này, viết với một văn phong đẹp huy hoàng, đi sâu một cách khẩn trương và với một cung cách thanh nhã đáng kinh ngạc những vấn đề về chủng tộc, giai cấp và nam tính. Ocean Vuong trầm mình trong vùng nước vẫn đục của bạo lực, sự mất gốc, nghiện ngập, bù lại bằng những nét dịu dàng và cảm thông. Một quyển sách chứng tỏ rất chính xác khả năng của chữ để băng bó những vết thương rỉ máu từ nhiều thế hệ.”

Ngày nay Ocean Vuong sống trong một căn hộ tại Northampton, tiểu bang Massachusetts, cùng với người bạn trai và “người tình 10 năm” Peter Bienkowski, lúc trước là sinh viên Luật, quen trong thời gian mấy tháng học lớp tiếp thị tại New York.
Anh cũng làm giảng viên lớp sáng tác nghệ thuật dành cho nhà thơ và nhà văn trong chương trình thạc sĩ Mỹ Thuật (Master of Fine Arts, MFA) của trường Đại học Massachusetts, thành phố Amherst. Điều làm anh hài lòng nhất là đã mua được nhà cho mẹ. Anh nói: “Mẹ vẫn muốn một căn nhà có khu vườn, và bà đã có được nhờ thơ!” Nhưng bà Hồng không hưởng được lâu hạnh phúc đó, và ít lâu sau đã mất vì chứng ung thư ngực ở giai đoạn 4.

Thông thường, một nhà văn chỉ chuyên về một lãnh vực, hoặc thơ, hoặc tiểu thuyết, ít người nổi tiếng trong cả hai. Trong văn chương Anh-Mỹ, có thể kể vài tên: Charles Dickens, Edgar Allan Poe, Charles Bukowski… Suốt 8 thế kỷ văn học Pháp, chỉ có thể nhắc đến Victor Hugo. Nhưng chắc hẳn chưa có ai mà tiếng tăm vang dội chỉ với hai tác phẩm đầu tiên. Có thể nói Ocean Vuong là một thiên tài văn học mà trong một thế kỷ chỉ xuất hiện một vài người.
Cuộc hành trình nào đã đưa một đứa bé 11 tuổi mới biết đọc, biết viết, chưa đến 20 năm sau trở thành một nhà thơ có khả năng “chỉnh sửa” ngôn ngữ Anh [5], đứng trên bục giảng giải thích cho các văn sĩ, thi sĩ Mỹ kỹ thuật sáng tác?
Thêm một câu hỏi: Ocean Vuong, một người đồng tính sinh ra trong một gia đình ít học, lớn lên không có cha, có thể làm gì với cuộc đời mình nếu không có cơ hội được một tổ chức thiện nguyện giúp sang định cư tại Hoa Kỳ?

Vĩnh Đào