ĐÀM TRUNG PHÁP

ĐIỂM SÁCH

FROM THE CITY INSIDE THE RED RIVER

NGUYỄN ĐÌNH-HÒA

1999 / 217 pages / $29.95
McFarland & Company Box 611, Jefferson, NC 28640

C:\\Users\\Phap Dam\\AppData\\Local\\Microsoft\\Windows\\INetCache\\Content.Word\\NĐHòa bìa.jpg

 

Đã từ lâu, tôi ngưỡng mộ các bài viết về ngôn ngữ và văn học Việt Nam mà Giáo sư Nguyễn Đình-Hòa được mời đóng góp trong các tự điển bách khoa như International Encyclopedia in Linguistics (Oxford University Press, 1992) và The New Princeton Encyclopedia of Poetry and Poetics (Princeton University Press, 1993), cũng như cuốn sách Vietnamese / Tiếng Việt Không Son Phấn (John Benjamins Publishing Company, 1997) của ông.

Những đóng góp uyên bác của ông đã giúp thế giới bên ngoài hiểu biết một cách nghiêm chỉnh về ngôn ngữ và văn học Việt nam. Tôi cũng rất vui mỗi khi được giới thiệu những tài liệu quý báu vừa kể cho các sinh viên cũng như giáo giới Mỹ tại Texas muốn tìm hiểu về văn hóa Việt. Từ khi Giáo sư Nguyễn Đình-Hòa thôi dạy học tại Southern Illinois University và về hưu tại Bắc California, tôi thường điện thoại vấn an và được biết ông đang mê say hoàn tất một cuốn hồi ký. Theo tôi hiểu, nhà giáo lão thành này đã chu đáo chuẩn bị cả đời cho cuốn From the City Inside the Red River mà phụ đề là A Cultural Memoir of Mid-Century Vietnam, bằng những trang nhật ký ghi chép từng biến cố từ thời thơ ấu đến nay với những chi tiết được phối kiểm trong chuyến về thăm đại gia đình tại Hà Nội và Saigon lần cuối cùng vào cuối năm 1994, khi ông vừa tới tuổi “thất thập cổ lai hy.”

Ngoài biệt tài trình bày ngắn gọn, trong sáng trong lãnh vực giáo khoa, Giáo Sư Nguyễn còn có khả năng viết hồi ký hấp dẫn như tiểu thuyết tình cảm. Tôi đã chú tâm đọc trọn cuốn hồi ký để được cùng với tác giả “sống” lại trong cái khoảng thời gian và không gian đã mất ấy, mặc dù tôi kém ông khá xa về tuổi đời. Thói quen “đi tìm thời gian đã mất” của một người hoài cổ như tôi quả thực vừa thích thú vừa bổ ích cho tâm hồn, dù cho nó có gây ra ít nhiều tiếc nuối trong lòng. Những tiết lộ về cuộc sống nội tâm của tác giả đã giúp tôi hiểu được thêm khía cạnh tình cảm của một đồng nghiệp vong niên khả kính của tôi. Tôi vui với niềm vui của ông và thấm thía những nỗi buồn của ông. Tôi hãnh diện lây khi thấy ông du học thành tài, về nước được bổ nhiệm Khoa trưởng Đại học Văn khoa Saigon năm 33 tuổi (1957); tôi háo hức theo dõi ông trong các hội nghị văn hóa quốc tế; tôi quý trọng lời ông kể về những đóng góp lớn lao của Giáo sư Hoàng Xuân Hãn (mà ông coi như một thần tượng) vào nền giáo dục phôi thai của Việt nam; tôi ngưỡng mộ cái thái độ của một kẻ sĩ dạy học “nghèo mà vui” mà ông giữ được từ trước đến nay.

Tôi rất xúc động khi đọc đến những dòng cuối cuốn sách mà ông dùng để như âu yếm nói chuyện riêng với thân mẫu đã qua đời từ lâu. Những lời hiếu thảo nồng nàn từ trái tim của một người con trai đã bảy mươi lăm tuổi đầu thì thầm với mẹ dưới suối vàng thực là một sự lựa chọn toàn bích để kết luận một cuốn sách xứng đáng để đời.

Một dấu hiệu quan trọng về giá trị của hồi ký là mức chính xác về các chi tiết của các nhân vật, các biến cố đã bị thời gian bỏ quên. Về điểm này, tác giả đã làm tôi bàng hoàng – ông có trí nhớ siêu phàm về từng tiểu tiết và ông cũng không quản ngại liên lạc với những người khác để phối kiểm sự chính xác. Trong số các thầy giáo cũ mà ông rất kính trọng và biết ơn khi ông còn học tiểu học tại Hà Nội là cụ Đàm Duy Trước (trang 40) và cụ Phan Trọng Kiên (trang 41). Những nhận xét của tác giả về hai nhà giáo gương mẫu này (đã quá cố từ lâu) liên hệ đến nơi cư ngụ, hình dáng, cách phục sức, phong cách dạy học, những câu các cụ thường dùng để khen hay chê học trò, vân vân, đều thực chính xác. Cụ Trước là bác của tôi và cụ Kiên cũng là thầy cũ của tôi năm 1952 tại Hà nội nên tôi biết hai cụ rất rõ. Trong khi viết cuốn sách, Tiến sĩ Nguyễn có điện thoại cho tôi để phối kiểm vài điều về cụ Trước.

Những trang sách ngập tràn kỷ niệm, cả vui lẫn buồn, về cuộc đời của một nhà giáo lỗi lạc từ giữa thế kỷ 20 đến nay cũng là những tài liệu quý báu cho những ai nghiên cứu về dân tộc học (ethnography). Người đồng hương đọc cuốn sách sẽ được ôn lại một nếp sống Việt nam đầy tình tự dân tộc, trong đủ mọi lãnh vực, nào là lai lịch của địa danh Hồ Hoàn Kiếm (trang 36), nào là lịch sử và ý nghĩa của Văn Miếu và Quốc Tử Giám (trang 80), nào là sự tích Bích Câu đẹp như mơ giữa Tú Uyên và Giáng Kiều (trang 82). Ngoài những điều cụ thể về văn hóa ở mức nổi (surface culture) như đồ ăn thức uống, độc giả ngoại quốc sẽ được biết đến những khía cạnh “khó nhìn ra” (intangible aspects) của văn hóa Việt Nam ở mức sâu thẳm (deep culture) mà Giáo sư Nguyễn đã trình bầy cặn kẽ và trong sáng (như phong thủy, địa lý, bán khoán, vân vân). Những trang ông viết về từng chi tiết đám tang thân phụ tại Saigon năm 1960 (từ trang 161 đến trang 165) thật là một bài học sống động về nếp sống đạo lý người Việt – trong đó chữ “hiếu” chiếm một vị trí thiêng liêng.

Chữ nghĩa và văn phong tiếng Anh mà tác giả dùng trong cuốn hồi ký này cũng xứng đáng với giá trị nội dung của nó, và có thể được coi như một khuôn mẫu cho những kẻ hậu sinh. Ông cẩn trọng đến nỗi còn cho cả tên khoa học bằng tiếng La-tinh cho những chữ Việt thông thường như “cau” là “areca catechu”, “cây thuốc phiện” là “papaver somniferum”, vân vân, để người đọc (nhất là người ngoại quốc) không thể nhầm lẫn. Tôi đặc biệt phục tài ông dịch rất thoát những thành ngữ, chẳng hạn như “cưới chạy tang” và “miếng trầu là đầu câu truyện”, sang Anh ngữ thành “the marriage running ahead of the funeral” và “a civil conversation starts with a quid of betel.” Ngoài ra, những bức hình, những trang thư tịch, và nhất là mục “index” làm tăng thêm giá trị cuốn sách cho giới tra cứu.

Trào lưu giáo dục đa văn hóa (multicultural education) tại Hoa kỳ hiện nay đánh giá rất cao và chú trọng rất nhiều đến những khía cạnh văn hóa ở mức sâu, cũng như sự chính xác của các tài liệu dân tộc học. Những giá trị ấy đầy ắp trong cuốn sách mà tôi đang giới thiệu. Trong vườn tài liệu về giáo dục đa văn hóa tại các quốc gia nói tiếng Anh, From the City Inside the Red River của Giáo sư Nguyễn Đình-Hòa sẽ là một đóa hoa rực rỡ và ngát hương.

ĐÀM TRUNG PHÁP, Giáo sư Ngữ học

TEXAS WOMAN’S UNIVERSITY 2001