Đàm Trung Pháp 

DANH THẦN TRIỀU LÊ KÉN RỂ QUA VĂN PHONG

 

Để đánh dấu thời điểm bước qua tuổi “cổ lai hy” cách đây ít lâu, bút giả ngồi đọc cuốn Gia Phả Họ Đàm Bắc Ninh với một niềm cung kính. Cuốn gia phả cũ kỹ với các trang giấy đánh máy trên giấy pelure trắng mỏng nay đã chuyển sang màu vàng ố và dễ rách ấy là do nghiêm đường để lại cho con cháu mà bút giả có cơ duyên được gìn giữ như một gia bảo. Cuốn sách – hoàn tất năm 1953 – là kết quả của một nỗ lực làm việc nghiêm túc xuyên qua nhiều thế hệ. Thế mới biết người xưa thiết tha gắn bó với dòng họ và quê quán của mình biết bao nhiêu!

Khởi thủy là cuốn Đàm Thị Gia Kê do cụ quốc sư Đàm Công Hiệu soạn năm 1718 bằng chữ nho, khi cụ làm thượng thư bộ lễ thời Vĩnh Thịnh triều Lê. Gần hai thế kỷ sau, cụ nghè Đàm Liêm mới bổ khuyết và nhật tu cuốn gia phả ấy vào năm 1909, khi cụ làm đốc học tỉnh Thanh Hóa. Năm 1939, để giúp những người không đọc được chữ nho, thứ nam cụ nghè Liêm là ông tuần phủ Đàm Duy Huyên đã dịch cuốn sách ấy sang chữ quốc ngữ. Năm 1953, ông thân sinh của bút giả là Đàm Duy Tạo (em thúc bá của ông tuần Huyên) bổ khuyết và hiệu đính bản văn. Sau cùng, vào năm 1955, người anh thúc bá Đàm Trung Mộc của bút giả đã cho đánh máy cuốn gia phả này thành nhiều bản để phân phối cho các gia đình trong họ đã di cư vào Nam sau hiệp định Genève 1954.

Bút giả không ngờ việc đọc gia phả của họ nhà mình lại có thể là một điều vừa cảm động vừa thân thương đến thế – tựa như đi tìm hiểu các sinh hoạt đời thường trong thời gian đã mất của tổ tiên. Bút giả xin thuật lại cuộc đời của một vị thủy tổ họ Đàm, trong đó có câu chuyện cụ kén rể trong đám môn sinh của cụ tại tỉnh Bắc Ninh – xưa kia cũng gọi là Trấn Kinh Bắc.

Cụ Đàm Thận Huy (1463-1526) là người thông minh, khí khái, làm thơ phú rất tài, ý cao lời đẹp. Vua Lê Thánh Tông đã phải khen cụ, một vì sao sáng trong Tao Đàn Nhị Thập Bát Tú, là “thiên hạ đệ nhất danh thi nhân.”  Cụ đỗ hương cống năm 1486 và tiến sĩ năm 1490. Sau khi làm thượng thư nhiều bộ, năm 1518 cụ được thăng thiếu bảo và được mời  giảng sách dạy vua học.

Năm 1522, Mạc Đăng Dung tiếm bức, Vua Chiêu Tông trốn ra Mộng Sơn thuộc tỉnh Sơn Tây để cầu quân cần vương. Cụ Đàm Thận Huy, bấy giờ đã trí sĩ, nhận được huyết chiêu của vua bèn cùng một số người thân tín mộ được hơn sáu ngàn quân dựng cờ khởi nghĩa đánh Mạc. Lúc mới, cụ thắng mấy trận nhỏ. Ít lâu sau, Đăng Dung tiến đại binh, chia làm 6 toán, thay phiên đánh dồn dập luôn mấy ngày. Quân cụ tan vỡ cả, phải lui lên thủ hiểm ở Thọ Thành thuộc tỉnh Bắc Giang. Cuối cùng, cụ từ tạ các bạn nghĩa, giải tán quân sĩ, và viết thư tuyệt mệnh gửi cho con, cháu. Ngày mồng ba tháng tám năm bính tuất (1526), cụ ngoảnh mặt về hướng Lam Sơn khóc lễ rồi uống thuốc độc tự tử, thọ 64 tuổi. Năm sau, Đăng Dung mới cướp hẳn ngôi vua Lê. Vì cảm phục cụ là người trung nghĩa, Đăng Dung cho rước hài cốt về chôn ở quê cụ là làng Hương Mặc, phủ Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, và ban sắc phong tước hầu cho cụ. Nhưng sắc phong ấy khi rước về gần đến làng Hương Mặc thì bỗng bùng lửa cháy mất; mọi người kinh hãi, cho là hồn cụ thiêng không thèm nhận sắc phong của nhà Mạc. Năm 1666, Vua Lê Huyền Tông phong cụ là Tiết Nghĩa Đại Vương và cho lập đền thờ tại làng. Từ đó cụ được gọi là “Cụ Tiết.”

Cụ bà họ Nghiêm, người làng Quan Độ, cách làng Hương Mặc khoảng một cây số. Cụ là em gái của tiến sĩ Nghiêm Ích Khiêm, đồng khoa với cụ Đàm Thận Huy. Khi vinh quy, cụ Khiêm bảo cụ Huy rằng “Ông chưa có vợ, mà cô em tôi hiền lành lắm; ông bằng lòng lấy thì tôi xin gả.” Cụ Huy cười nói “Xin vâng,” thế là cưới ngay! Khi cụ ông khởi nghĩa đánh Mạc, cụ bà cũng đi theo.

Hai cụ được bốn ông con trai và bốn bà con gái. Bà con gái lớn tên là Thúy, lấy ông bảng nhãn Nguyễn Chiêu Huấn, học trò cụ Tiết. Ông Huấn người huyện Yên Phong, làm quan đến chức trung thư. Lúc trước cụ Tiết bà muốn gả bà Thúy cho ông Nguyễn Giản Thanh diện mạo khôi ngô và cũng là cư dân Hương Mặc, nhưng chuyện đó không thành, như câu chuyện dưới đây giải thích:

Một hôm, buổi giảng sách đã xong, trời mưa học trò không về được. Cụ Tiết bèn ra câu sau này cho các học trò đối:

Vũ vô quan tỏa năng lưu khách [雨 無 關 鎖 能 畱 客]
(Mưa không có cửa khóa mà giữ được khách).

Ông Thanh ứng khẩu đối rằng:

Sắc bất ba đào dị nịch nhân [色 不 波 濤 易 溺 人] *
(Sắc đẹp chẳng có sóng cồn nhưng dễ đắm đuối người)

Ông Huấn thì đối rằng:

Nguyệt tự loan cung bất xạ nhân [月 似 彎 弓 不 射人]
(Mặt trăng giống như cung dương lên mà chẳng bắn ai)

Cụ Tiết cho câu của ông Thanh là hay hơn, nhưng ghét có ý lẳng lơ lãng mạn. Vì cụ thích câu của ông Huấn có ý trung hậu, cụ mới gả bà Thúy cho ông học trò hiền lành này. Đến khoa thi, ông Thanh đỗ trạng nguyên, ăn khao hơn một tháng trời. Thấy cụ Tiết bà hối tiếc mãi, cụ ông bảo rằng “Anh này đỗ trạng nguyên thì anh kia rồi cũng phải đỗ bảng nhãn. Tuy kém hơn, nhưng bụng nó trung hậu, con cháu chắc sẽ khá hơn nhiều.” Sau khoa thi kế tiếp, lúc cụ Tiết đang tắm ngoài ao thì nghe tin con rể Huấn vừa đỗ tiến sĩ. Cụ không kịp mặc quần áo, cứ thế tồng ngồng chạy về nhà hô to với cụ bà rằng “Huấn cũng đỗ ông nghè rồi đấy!” Đến khi xướng danh, quả nhiên ông Huấn đỗ bảng nhãn, đúng như lời cụ đoán. Và cũng như lời cụ đoán, về sau con cháu ông bảng nhãn Nguyễn Chiêu Huấn hưng thịnh hơn con cháu ông trạng nguyên Nguyễn Giản Thanh nhiều.

–––––––––––––––––––––––––––––

* Tương truyền khi cụ trạng đối xong thì cụ Nguyễn Hữu Nghiêm (năm 18 tuổi đã đỗ thám hoa cùng khoa với cụ trạng) đối ngay rằng Phẩn bất kinh quyền dị tị nhân [糞 不 經 權 易 避人] (Phân chẳng có kinh quyền mà dễ làm người ta phải tránh xa). Cụ Tiết nghe xong cười tủm tỉm vì biết là cụ Nghiêm có ý khinh câu đối của cụ trạng nên nhại lại coi là bẩn thỉu. [Giai thoại này cũng chỉ được ghi như là một truyện “tương truyền” trong cuốn gia phả].

[ĐTP 07/2017]