Căn-cứ vào sách-vở và báo-chí, có lẽ chưa có thời nào người Việt lại coi rẻ người Việt như một số nhà cầm bút vào nửa trước thế-kỉ 20. Những người này gồm nhà báo, nhà văn, người viết sử, v.v. Có người là bậc thầy của mấy thế-hệ, mỗi câu nói, mỗi dòng chữ được học trò răm-rắp rập khuôn.

Dương-Quảng-Hàm, trong cuốn Việt-Nam Văn-Học Sử-Yếu (Sài-gòn: Trung-tâm Học-liệu, 1968), viết: “Dân-tộc ta, sau khi chiếm-lĩnh đất bắc-kì và phía bắc Trung-kì và tự tổ-chức thành xã-hội – lúc ấy dân ta còn ở trình-độ bán khai – thì bị nước Tàu chinh-phục và đô-hộ hơn một nghìn năm…” (trang1).

Căn-cứ vào đâu Dương-Quảng-Hàm dám nói “dân ta còn ở trình-độ bán khai”?

Trong Việt-Nam Sử-lược quyển I (Sài-gòn: Trung-tâm Học-liệu, 1971), Trần-Trọng-Kim viết: “Khi người một xã-hội đã văn-minh như Tàu mà đi mở đất chưa khai như đất Giao-Châu lúc bấy giờ,…”

Một lần nữa, cũng một câu hỏi được nêu lên: Căn-cứ vào đâu Trần-Trọng-Kim dám nói đất Giao-Châu là “đất chưa khai” trong khi đề-cao Tàu là “người một xã-hội đã văn-minh”?

Bậc thầy coi rẻ người Việt thủa xưa như vậy, học trò khinh-chê tổ-tiên cũng không có gì đáng ngạc-nhiên.

Cùng thời với các tác-giả này, trên báo-chí, nhan-nhản những bài, những truyện, những tranh vẽ chế-giễu, đả-kích, bài-bác phong-tục và truyền-thống của người Việt. Một vài bài, một vài đoạn có ý tốt, chỉ đả-kích hủ-tục, nhưng số đó rất ít. Còn lại, toàn là những bài a-dua, theo thời, đả-phá tất cả những gì họ cho là cổ xưa, những gì họ chê là nhà quê (dù rằng hầu hết người Việt sống gần ruộng vườn), những gì của ông cha tổ-tiên để lại. Họ đả-phá cả cách ăn mặc, cách nói, cách cười… của người Việt. Cố-ý hoặc vô-tình, những người này, những người chịu ảnh-hưởng văn-hoá Pháp, đã tiếp tay với người Pháp tiêu-diệt văn-hoá Việt.

Về phía người nước ngoài, nhất là người Pháp, hầu-hết đều nói xấu người Việt, miệt-thị văn-hoá Việt. Chỉ có một số rất nhỏ nghiên-cứu và tìm-hiểu đứng-đắn hơn một chút.

Sự thực ra sao?

Khi bị quân Tàu cướp nước, người Việt có còn ở trình-độ bán-khai như Dương-Quảng-Hàm nói không? Đất Giao-Châu (tên người Tàu đặt cho đất nước người Việt năm Quý-Mùi [203]) có phải là đất chưa khai như Trần-Trọng-Kim viết không? Công-cuộc nghiên-cứu của ngành khảo-cổ và tài-liệu lịch-sử sẽ được dùng để giải-đáp vấn-đề này.

Khi nói tới ngành khảo-cổ, đồ đồng – đặc-biệt là trống đồng – là bằng-cớ vững-chắc nhất. Trống đồng đã được thế-giới biết tới từ lâu; nhưng vì không rõ xuất-xứ nên ít người chú-ý. Đến năm 1889, tại Hội chợ Đấu-xảo Quốc-tế Paris (Exposition universelle de Paris), một trống đồng trên đất của người Việt đã làm cho bao nhiêu người ngạc-nhiên và thán-phục. Cái trống này mang tên Moulié, một người Pháp làm phó sứ tỉnh Hoà-Bình (phía bắc nước Việt) lấy ở nhà một vị quan lang người Mường tại vùng sông Đà, tỉnh Hoà-Bình. Sau đó, rất nhiều người nước ngoài đổ xô tới miền bắc nước Việt để tìm trống đồng. Tới năm 1900, hơn 150 cái đã bị khám-phá. Cho đến ngày nay, số trống đồng nổi tiếng khá nhiều. Trong đó, hai cái được đề-cập tới luôn-luôn là: trống đồng Ngọc-lũ và trống đồng Hoàng-hạ.

Ngoc-lu-hinh2

Trống đồng Ngọc-lũ do dân làng Ngọc-lũ, huyện Bình-lục, tỉnh Hà-nam đào được vào khoảng 1883-1884, và để ở đình làng. Năm 1902, qua sự dàn-xếp của viên công-sứ Phủ-lí, được đưa về nhà Bác-cổ Viễn-đông Hà-nội. Sau này, làng Ngọc-Lũ còn đào được mấy cái trống đồng nữa, nên cái kể trên được gọi là trống đồng Ngọc-lũ I.

trong-dong-hoang-ha1

Trống đồng Hoàng-hạ do dân làng Hoàng-hạ, huyện Phú-xuyên, tỉnh Hà-đông đào được năm 1937.

Vào khoäng giữa thời-gian tìm được trống đồng Ngọc-lũ I và trống đồng Hoàng-hạ, Pajot điều-động cuộc khai-quật ở khu mộ cổ Đông-sơn, tỉnh Thanh-hoá từ năm 1924 đến năm 1929.

Trong Dong Dong-son

Đồ đồng Đông-sơn là bằng-cớ của một thời đại rất văn-minh, được gọi là văn-minh Đông-sơn.

Ngoài miền Bắc nước Việt, còn có nhiều trống đồng ở vùng Hoa-nam (phía bắc Việt-Nam), ở Miến-Điện, Lào, Miên (Cam-Bốt, Cam-Pu-Chia), Thái-Lan (phía tây), ở Phi-Luât-Tân (phía đông), ở Mã-Lai và Nam-Dương (phía nam).

Mỗi trống đồng một khác. Khác về hình-dáng, kích-thước, hình vẽ; khác về tuổi-tác, kĩ-thuật, mĩ-thuật… Những người nghiên-cứu tạm đồng-ý chia trống đồng ra làm bốn loại. Trong đó, loại I trội nhất. Trội hơn về mọi lãnh-vục. Loại này gồm các trống đồng đa-số tìm thấy trên đất của người Việt xưa và nay (miền bắc nước Việt ngày nay).

Trống đồng loại I là chứng-tích sự huy-hoàng của văn-minh Việt vào thời-đại đồ đồng. Không ai chối-cãi điều đó. Tuy-nhiên, về năm-tháng (niên-đại), những người nghiên-cứu ước-đoán khác nhau. Thí-dụ, năm 1937, Goloubew cho là những năm đầu đời Hậu-Hán (= Đông-Hán [25-220]) bên Tàu. Đến năm 1944, Paul Lévy cũng vậy, dựa vào tiền đồng đời nhà Hán bên Tàu (sự thật là tiền Vương Mãng) lẫn với các đồ đồng Đông-sơn, cho rằng trống đồng loại I làm vào khoảng đầu kỉ-nguyên dương-lịch. Năm 1942, Bernhard Larlgren cho là đồ đồng Đông-sơn chịu ảnh-hưởng đồ đồng thung-lũng sông Hoài ở bên Tàu, và bảo rằng đồ đồng Đông-sơn có trước niên-đại do Goloubew ước-đoán vào khoảng hai hay ba thế-kỉ. Cả hai lối ước-đoán đều dựa vào những điểm liên-hệ với văn-minh Tàu.

Tác-giả lối ước-đoán thứ nhất (Goloubew và Lévy) không để ý tới một điều rất thực-tế và rất tự-nhiên. Khi chôn-giấu, không phải toàn là những đồ-vật làm cùng một thời-gian. Có thứ xưa lắm, có thứ xưa vừa-vừa. Trong lúc vội-vàng (vì phải chạy giặc, sợ bị tịch-thu, lúc tang-ma, sợ trộm-cướp, v.v.) thấy cái gì tưởng là quý cũng chôn. Vì thế, các đồ-vật có từ một vài trăm năm trước, một nghìn năm trước, hay xưa hơn, có thể được chôn lẫn với vài đồng tiền và mấy đồ-vật khác của Tàu thấy ở trong nhà. Người chôn có thể gồm cả những người không biết vật nào xưa ít, vật nào xưa nhiều, vật nào của người Việt, vật nào của người Tàu. Nếu căn-cứ vào mấy đồng tiền Vương Mãng của Tàu (vào khoảng từ năm 9 đến năm 23) và vài đồ-vật của Tàu mà bảo đồ đồng của người Việt được làm vào khoảng những năm đầu đời Hậu-Hán (= Đông-Hán [25-220]) hay khoảng đầu kỉ-nguyên dương-lịch thì chưa đủ vững để thuyết-phục mọi người.

Tác-giả lối ước-đoán thứ hai (Bernhard Karlgren) mang nặng một thành-kiến: văn-minh Tàu phải hơn văn-minh Việt và có trước văn-minh Việt. Thấy vài điểm giống nhau giữa đồ đồng của người Việt và đồ đồng thung-lũng sông Hoài bên Tàu mà bảo đồ đồng của người Việt ảnh-hưởng đồ đồng của Tàu và có sau đồ đồng của Tàu thì giá-trị lối ước-đoán này cũng chẳng khác gì lối trên.

Vài điểm tương-tự giữa hai loại đồ đồng chưa đủ để kết-luận loại nào có trước loại nào, loại nào chịu ảnh-hưởng loại nào. Có-thể đồ đồng thung-lũng sông Hoài bên Tàu chịu ảnh-hưởng đồ đồng Đông-sơn và có sau đồ đồng Đông-sơn [1] .

Năm 1975, Nguyễn-Văn-Huyên và Hoàng-Vinh trong cuốn Những Trống Đồng Đông-sơn đã phát-hiện ở Việt-Namsau khi kiểm-điểm và tìm-hiểu kĩ-lưỡng các công-cuộc nghiên-cứu có trước và căn-cứ thêm vào các trống đồng mới tìm được, đã cho rằng: “Thời-gian xuất-hiện và phát-triển rực-rỡ của trống đồng Đông-sơn là từ thế-kỉ VII trước công-nguyên đến cuối thế-kỉ II trước công-nguyên” và “… quá-trình biến-dạng của nghệ-thuật trống đồng diễn ra dưới thời-kì thống-trị của đế-quốc Hán trên địa-bàn tương-ứng với miền bắc Việt-Nam hiện-đại” (trang 115).

Xem thế, văn-minh Đông-sơn (hay văn-minh trống đồng loại I) là một nền văn-minh huy-hoàng của thời-đại đồ đồng. Hầu hết trống đồng loại I đều tìm thấy trên đất của người Việt từ thủa xa xưa cho tới nay. Như vậy, văn-minh Đông-sơn chính là văn-minh Việt.

Về niên-đại, đến nay chưa được rõ-ràng. Thời cực-thịnh kéo dài bao lâu cũng chưa chắc-chắn. Sách-vở thời cổ-xưa của người Việt đã bị Tàu tiêu-huỷ. Tài-liệu lịch-sử của Tàu tuy có viết về trống đồng và người Việt nhưng chỉ thấy lác-đác từng đoạn ngắn-ngủi.

Qua các tài-liệu chúng tôi thấy tận mắt và qua sách vở của người Việt, tài-liệu sử và sách-vở của Tàu đề-cập tới hai điểm có ích cho việc tìm-hiểu:

1. Trống đồng là sản-phẩm của người Việt.

2. Người Tàu, khi chiếm đất của người Việt, đã tìm đủ cách tiêu-diệt văn-minh và văn-hoá Việt.

Một đoạn bao gồm cả hai điểm trên được ghi trong cuốn 後 漢書 (Hậu Hán Thư = sử đời Hậu-Hán [25-220]) của Tàu, do 范曄 Phạm Việp – có nơi phiên âm là Phạm Hoa) sưu tập (nhà Trung-Hoa xuất-bản, không rõ nơi và ngày tháng, trang 840). Đoạn đó như sau: 援好騎 善別名馬 於交阯得駱越銅鼓 乃鑄爲馬式 (Viện hiếu kị, thiện biệt danh mã, ư Giao-chỉ, đắc Lạc-Việt đồng-cổ, nãi chú vi mã thức.)

(= Viện thích đi ngựa, giỏi phân-biệt ngựa nổi tiếng. Khi ở Giao-chỉ, lấy được trống đồng của người Lạc-Việt, bèn đúc thành hình ngựa.) Viện, tức là Mã Viện, người thắng Hai Bà Trưng.

Cuối đời nhà Triệu, nước Việt (lúc đó tên là Nam-Việt) bị nhà Tây-Hán (của Tàu) chiếm (năm 111 trước dương-lịch), đổi tên là Giao-Chỉ-Bộ. Các thái-thú và thứ-sử người Tàu vô cùng dã-man và tàn-bạo. Người Việt nổi dậy khắp nơi nhưng không thành-công. Đây là Bắc-thuộc lần thư nhất. Mãi đến năm 40 sau dương-lịch, Hai Bà Trưng (Bà Trưng-Trắc và em là Bà Trưng-Nhị) mới đánh đuổi được quân của thái-thú Tô Định về Tàu. Hai Bà xưng vương, đóng đô ở Mê-linh (nay thuộc tỉnh Phúc-yên). Ba năm sau, nhà Hán sai Mã Viện sang đánh. Hai Bà thua trận, tự-trầm ở sông Hát (năm 43).

Mã Viện vô-cùng tàn-ác và xảo-quyệt, tìm đủ mọi cách để tiêu-diệt văn-minh và văn-hoá Việt.

Ngoài hành-động tịch-thu trống đồng để đúc ngựa, Mã Viện còn đúc một cây trụ khắc sáu chữ 銅柱折,交阯滅 (Đồng trụ chiết Giao Chỉ diệt = cây trụ đồng này gẫy thì Giao-Chỉ bị mất). Dân Việt tức-giận, không muốn thấy mấy chữ xấc-láo đó, mỗi lần đi qua đều ném một cục đất hay một cục đá. Chỉ ít lâu sau trụ đồng bị lấp.

Trong cuốn 後漢書 (Hậu Hán Thư) vừa dẫn trên, ghi thêm nỗi lo-âu của Mã Viện. Dù đã bị đô-hộ 150 năm (111 trước dương-lịch – 39 sau dương-lịch) người Việt vẫn còn theo lề-lối luật-lệ của người Việt. Vì thế, chính Mã Viện đứng ra lo việc tiêu-diệt: 越律與漢律駮者十餘事,與越人申明舊制以約束之,自後駱越奉行馬將軍故事

(Việt luật dữ Hán luật bác giả thập dư sự, dữ Việt nhân thân minh cựu chế dĩ ước thúc chi. Tự hậu, Lạc-Việt phụng hành Mã tướng quân cố sự).

(Luật-lệ của người Việt và luật-lệ của người Hán khác nhau hơn mười điều, (Mã Viện) tự mình giải-thích luật cũ cho người Việt để bắt ép họ (phải theo mình). Từ đó về sau, Lạc-Việt theo lối của tướng-quân họ Mã).

Ngoài mặt phải theo, nhưng ở xóm-làng và trong gia-đình, ít bị nhòm-ngó, lại là việc khác.

Văn-minh và văn-hóa khác nhau, luật-lệ khác nhau là sự đương-nhiên. Nếu người đứng đầu, tuổi đã già, công việc bận-rộn mà phải đích-thân đôn-đốc, nhất-định phải là việc rất quan-trọng. Hành-động của Mã Viện chứng-tỏ sự vững-vàng của luật-lệ Việt và sự tiến-bộ của văn-minh Việt.

Để đối-phó với sự tàn-ác thâm-độc của Mã Viện, người Việt phải chôn-giấu trống đồng. Nhờ vậy, trống đồng còn lại một số. Cũng trong thời-kì này, nhiều người Việt chịu không nổi sự hà-khắc của quân Tàu, đã trốn ra nước ngoài, người lên phía bắc, kẻ xuống phía nam, người sang phía đông phía tây. Có người đem theo trống đồng, có người biết đúc trống đồng. Ở nơi đất khách, người Việt lại đúc trống đồng và truyền dạy cho con cháu và học trò. Thế-hệ trẻ, tài-nghệ chưa được bằng thầy, nên trống đồng không còn đẹp như trước nữa. Các trống đồng loại này chính là trống đồng loại II, loại III và loại IV.

Những đoạn, những câu trong sách vở Tàu viết về trống đồng và người Việt còn nhiều. Vài ba đoạn đã được trích-dịch trong nhiều tác phẩm của người Việt [2].

Đến khi người Việt giành lại được độc-lập vững-vàng (từ năm 939 trở về sau), vai trò quan-trọng của trống đồng trong đời sống của người Việt vẫn còn. Đời nhà Trần, vào thế-kỉ 13, trống đồng được dùng trong các trận đánh giặc Nguyên [3]. Trống đồng được dùng làm nhạc-khí (đời Lê [đời Lê sau], đời Nguyễn Tây-Sơn) và dùng làm đồ thờ (làng Thượng-lâm, huyện Mĩ-đức, tỉnh Hà-đông,v.v.)

Sau khi tìm-hiểu sơ-lược về văn-minh trống đồng Việt qua tài-liệu khảo-cổ và tài-liệu sử, vấn-đề niên-đại (= năm-tháng/tuổi/ tuổi-tác) của văn-minh trống đồng Việt có thể tính ngược lại như sau:

Trong thời-kì bị lệ-thuộc Tàu lần thứ hai (bắt đầu năm 43), trống đồng bị tịch-thu. Đây là thời-kì xuống dốc của văn-minh trống đồng Việt. Như vậy, thời cực-thịnh phải có trước năm 43.

Hai Bà Trưng giành lại được độc-lập ba năm (40-43). Ba năm chưa đủ để hồi-phục 150 năm bị áp bức. Ba năm này không thể là thời cực-thịnh của văn-minh trống đồng Việt. Hay nói một cách khác, thời cực-thịnh phải có trước năm 40.

Trong thời-kì lệ-thuộc Tàu lần thứ nhất (111 trước dương-lịch đến 39 sau dương-lịch), tịch-thu trống đồng có lẽ chưa phải là chính-sách của thực-dân Tàu, nhưng người Việt bị ngược-đãi, bị bóc lột đến tận xương-tuỷ. Khắp nơi nổi lên chống lại quân thù và bị đàn-áp dã-man. Thời-kì này không thể là thời cực-thịnh của văn-minh trống đồng Việt. Các hình-ảnh trên trống đồng mô-tả cuộc sống phồn-thịnh và đầy-đủ về nhiều lãnh-vực: kinh-tế, nghệ-thuật, kĩ-thuật, tôn-giáo… Nhất-định những trống quan-trọng phải được chế-tạo khi dân no-ấm, đất nước giàu-mạnh. Còn trong thời-kì bị lệ-thuộc Tàu, có thể một số trống đồng được đúc theo khuôn-mẫu cũ rồi biến-đổi đi, một hình-thức tưởng-nhớ quá-khứ huy-hoàng. Như vậy thời cực-thịnh của trống đồng Việt phải có trước năm 111 trước dương-lịch.

Trước đó là nhà Triệu. Vị vua đầu tiên là Triệu Đà. Tuy là vua nước Nam-Việt, nhưng không phải là người sinh-đẻ trên đất Việt, Triệu Đà quê ở Chân-định [4] bên Tàu, làm tướng dưới quyền quan-úy Nam-Hải là Nhâm Ngao. Dù không phải là quân của nhà Tần, nhưng khi nhà Tần thịnh, đã phải thần-phục một thời-gian. Nhâm Ngao nuôi mộng lập một nước riêng. Giấc mộng đó, năm 207 trước dương lịch, Triệu Đà đã thực-hiện được. Triệu Đà đặt tên nước là Nam-Việt. Như vậy, tuy không sinh-đẻ trên nước Việt, nhưng đã sống chết vì nước Việt và ở trên nước Việt. Triệu Đà đã trở thành người Việt. Chính văn-minh và văn-hoá Việt đã làm cho Triệu Đà trở thành người Việt. Nếu người Việt còn ở trình-độ bán-khai, Triệu Đà đã không có cái hãnh-diện được làm vua của nước Việt ở phía nam, có nghĩa là Triệu Đà đã không đặt tên nước là Nam-Việt. Cũng chính vì người Việt và nước Việt, Triệu-Vũ-Vương (Triệu Đà) xưng là Nam-Việt Hoàng-Đế, sai quân đánh quận Trường-sa 長沙 của Tàu (nay là tỉnh Hồ-Nam 湖南), làm cho vua quan nhà Hán bên Tàu lo sợ cuống-cuồng. Nói một cách khác, thời cực-thịnh của văn-minh trống đồng Việt đã có từ trước khi Triệu Đà đặt tên nước là Nam-Việt.

Trước nhà Triệu là nhà Thục. Có thể đời nhà Thục là thời-kì văn-minh trống đồng Việt đang thịnh. Chính vì nền văn-minh văn-hoá Việt ở thời-kì này đã làm cho Triệu Đà lật đổ nhà Thục. Đời nhà Thục quá ngắn, chỉ kéo dài 50 năm (257 trước dương-lịch đến 207 trước dương-lịch), lại phải xây thành hình trôn ốc (Cổ-loa) và đúc tên đồng để phòng-bị… Như vậy, tuy đời nhà Thục là thời-kì thịnh-đạt của thời-đại đồ đồng nhưng không phải là thời cực-thịnh của trống đồng.

Nói khác đi, thời cực-thịnh của văn-minh văn-hoá trống đồng Việt có trước năm 257 trước dương-lịch, tức là dưới đời nhà Hồng-Bàng.

Đúc-kết lại toàn-thể vấn-đề, trước khi đất nước của người Việt bị Tàu xâm-chiếm, văn-minh trống đồng Việt đã phát-triển rực-rỡ. Thời cực-thịnh bắt đầu từ đời Hồng-Bàng. Năm 111 trước dương-lịch, dưới chế-độ hà-khắc và dã-man của quân xâm-lăng, nền văn-minh ấy đột-ngột suy-vi. Ba năm độc-lập dưới triều-đại của Hai Bà Trưng (40-43) chưa kịp hồi-phục, lại bị Mã Viện tận-lực tiêu-diệt. Năm 43 là khởi-điểm của những ngày đen-tối nhất. Dần-dần người Việt bị bắt-buộc phải tiếp-nhận ảnh-hưởng Tàu.

Phạm-Văn-Hải

Phạm-Quân-Khanh

1987

 

o o o O o o o

 

Văn-Minh Việt ở Thời-đại Đồ Đồng

Tác-giả góp thêm ý với cụ Đào-Trọng-Cương

Phạm-Văn-Hải

Phạm-Quân-Khanh

____________________________________________________

Sau khi bài “Văn-minh Việt ở Thời-đại Đồ Đồng” được đăng trên Tạp chí Liên Hội số 18, một độc-giä, cụ Đào-Trọng-Cương (theo lối xưng-hô của Toà soạn Liên-hội), là người “đã lưu tâm về mấy vấn đề được viết trong bài” “và cũng là nhân-chứng của thời Pháp-trị cực-thịnh” góp ý trên Liên Hội số 20.

Cụ Cương “góp ý theo ba vấn-đề”:

“1. Việc nghiên cứu cổ sử, khảo cổ, và văn minh Việt ở thời đại đồ đồng,

2. Tương quan giữa văn hoá Pháp với văn hoá Việt,

3. Triệu Đà.”

Chúng tôi tiếp-nhận ý-kiến của cụ Đào-Trọng-Cương với sự vui-vẻ và biết ơn. Vui-vẻ vì sự thành-thật của cụ Cương. Biết ơn vì công-lao của cụ đã đắn-đo suy-nghĩ và lời-lẽ khá trầm-tĩnh, xứng-hợp với tuổi-tác.

Cụ Cương còn cẩn-thận nhắc tới cả linh-mục Kim-Định, người chúng tôi ngưỡng-mộ từ lâu về sự thành-khẩn và hăng-say trong mọi vấn-đề liên-quan đến văn-hoá Việt. Tuy-nhiên, để khỏi lạc-đề, chúng tôi xin góp ý với cụ Cương những gì cụ “góp thêm ý” trực-tiếp với chúng tôi mà thôi.

1. Vấn-đề thứ nhất, cụ viết: “Không sống trên địa bàn quê hương để làm việc khảo cổ, chúng ta chỉ còn cách tìm những tài liệu đã được viết ra từ xa xưa cũng như gần đây, và một khi đã được ta viết ra thì tất nhiên là những gì ta có thể cho là hợp lý, tránh hết sức làm cho độc giả nghĩ rằng đó là những nhận xét, hay khám phá của chính mình.

Chúng tôi cũng như nhiều người Việt khác, đã được sống trên đất nước của người Việt. Lúc còn ở quê nhà, chúng tôi đã được thấy nhiều đồ đồng, đã được học-hỏi về văn-hoá Việt và dành nhiều thì-giờ để nghiên-cứu về trống đồng, chiêng đồng… Chúng tôi nhận thấy có bổn-phận phải trao-đổi những điều đã biết, đã thấy, đã học, đã tìm ra được với những người đã biết và phải giới-thiệu với những người chưa biết, nhất là những người trẻ, sẵn-sàng tìm-tòi, nghiên-cứu, học-hỏi và chưa bị thành-kiến làm mắt loà, tai điếc, đầu óc hôn-mê vì mới chỉ thấy một khía-cạnh nào đó của văn-hoá khác.

Trong bài “Văn-minh Việt ở Thời-đại đồ đồng”, chúng tôi không làm việc khảo-cổ, chúng tôi căn-cứ vào khoa-học khảo-cổ. Khi biết về khoa khảo-cổ, biết dùng tài-liệu của khoa khảo-cổ, tất-nhiên có thể dùng những tài-liệu của khoa-học đó để làm căn-cứ cho công-cuộc nghiên-cứu của mình. Nếu lập-luận của người khác không chính-xác, chúng tôi nhắc lại và nhận-xét. Phần nào của người nào đều được phân-biệt rõ-ràng. Nếu cụ đọc lại, cụ sẽ thấy như vậy. Những gì không nói là của người khác, thưa cụ, là của chúng tôi đó. Chúng tôi đưa ra những khám phá, những chứng-minh mà từ trước chưa ai nói tới hoặc chưa chứng-minh được. Trong bài kế-tiếp, “Chữ Viết của Người Việt Trước khi Bị Lệ-thuộc Người Phương Bắc”, chúng tôi còn chứng-minh người Việt thủa xưa đã có chữ viết. Cả hai bài này đã được tóm-tắt bằng chữ Anh trong cuốn The Influence of T’ang Poetry on Vietnamese Poetry Written in Nôm characters and in the Quốc-ngữ Writing System [Ảnh-hưởng Thơ Đường trong Thơ Việt-Nam Viết Bằng Chữ Nôm và Chữ Quốc-ngữ] (Washington, D.C.: Georgetown University [Ph.D. Dissertation #5083], 1980.) Bài thứ hai chưa được xuất-hiện trên Liên Hội, nhưng phần tóm-tắt đã được đăng trên nhiều kỉ-yếu và báo-chí của Mĩ từ năm 1983.

Theo chúng tôi, căn-cứ vào tài-liệu của khoa khảo-cổ chưa đủ chứng-minh rõ-ràng những người chế-tạo ra trống đồng, chiêng đồng là người Việt, nên cần phải dùng cả tài-liệu lịch-sử nữa. Ở lĩnh-vực này, chúng tôi dùng tài-liệu lịch-sử Tàu. Người Tàu là kẻ thù của người Việt. Từ xưa, người Tàu thường nói xấu, miệt-thị, coi thường người Việt. Ngay khi nói tới cái hay của người Việt cũng cố ý viết thành không có gì đáng kể. Vì thế, sự cân-nhắc cũng phải cẩn-thận. Thông-thường, kẻ thù phải nói tới cái hay thì chắc-chắn là có; kẻ thù nói tới cái không hay thì nên nghi-ngờ. Nếu kẻ thù của người Việt phải nhận trống đồng là của người Việt thì nhất-định trống đồng là của người Việt. Nhưng nếu kẻ thù của người Việt nói người Việt man-rợ, ngu-dốt thì phải xét lại, không được chép lại từng chữ. Nếu không có bằng-cớ đứng-đắn không được nói kẻ thù của người Việt (kẻ thù của người Việt = Tàu) là bậc thầy của người Việt.

2. Vấn-đề thứ hai, “tương quan giữa văn hoá Pháp với văn hoá Việt”, cụ Cương nhắc lại lời của chúng tôi: “người Pháp chủ-trương đả-kích, bài-bác phong-tục và truyền-thống dân Việt ta… Những người chịu ảnh-hưởng văn-hoá Pháp đã tiếp tay với người Pháp tiêu-diệt văn-hoá Việt. Về phía người ngoại-quốc, nhất là người Pháp, hầu hết đều nói xấu, đều miệt-thị văn-hoá Việt.” [Trong bài “Văn-minh Việt ở Thời-đại Đồ Đồng” không có mấy chữ “Người Pháp chủ-trương đả-kích, bài-bác phong-tục và truyền-thống dân Việt ta…” (Nguyên văn: “Cùng thời với các tác-giả này, trên báo-chí, nhan-nhản những bài, những truyện, những tranh chế-giễu, đả-kích, bài-bác phong-tục và truyền-thống của người Việt…”]). Rồi cụ Cương đặt câu hỏi: “Không hiểu do tài liệu nào mà hai tác giả đã võ đoán được như vậy?”

Chúng tôi hơi tiếc, cụ chưa cho chúng tôi trả lời đã trách chúng tôi võ-đoán.

Thưa cụ, chúng tôi không võ-đoán. “Nói có sách, mách có chứng.” Chúng tôi có đầy-đủ tài-liệu để viết những dòng trên. Sau hai bài “Văn-minh Việt ở Thời-đại Đồ Đồng” và “Chữ Viết của Người Việt Trước khi Bị Lệ-thuộc Người Phương Bắc”, chúng tôi së ghi lại các tài-liệu tham-khảo.

Chúng tôi căn-cứ vào rất nhiều sách-vở do người Pháp viết, hành-động của người Pháp trên đất nước của người Việt, chính-sách của Pháp và những gì người Việt đã phải chịu dưới ách bảo-hộ của Pháp. Nhân-chứng của thời-kì hãi-hùng đó, nhiều người vẫn còn sống. Không ai có thể chối-cãi người Pháp đã xâm-lăng nước Việt, bóc-lột dân Việt. Bao nhiêu người Việt bị giết, bao nhiêu người bị tù-đày, bao nhiêu cảnh hãm-hiếp. Tài-sản của người Việt bị đem về làm giầu cho người Pháp.

Không phải chúng tôi không biết, ở dưới thời thuộc Pháp, một số người, nếu so với tất cả người Việt, tỉ số rất thấp, đã được hưởng ân-huệ của Pháp. Nhiều người có học hợp-tác chặt-chẽ với Pháp, làm tay sai cho Pháp, có người dốt-nát được Pháp nâng-đỡ, cho chức-quyền bổng-lộc… Những người này, sống sung-sướng trong khi những người khác đói-khát, lầm than. đối với những người này, Pháp văn-minh, văn-hoá Pháp đáng kính. Không phải họ không biết nước bị mất, dân bị bóc-lột, tài-sản quốc-gia bị khai-thác,… nhưng vì quyền-lợi cá-nhân mà quên cái nhục của con người có lương-tri.

Vì vậy, chúng tôi không ngạc-nhiên khi cụ nhận là “nhân chứng của thời Pháp trị cực thịnh.” Thưa cụ, lúc đó là thời cực đen-tối của người Việt có liêm-sỉ. Những cái hay đẹp (nếu cụ có tài-liệu thật) chỉ là vài hạt cát trắng trên một bãi bao-la bẩn-thỉu nhầy-nhụa.

Vì tài-liệu quá nhiều và sẽ cho in một phần sau này, chúng tôi chỉ đưa ra mấy thí-dụ:

Về sự tai-hại của sách-vở do người Pháp viết, chúng tôi nêu trường-hợp cuốn French Indo-China của Virginia McLean Thompson (New York: Octagon Books, 1968 [In lại bản in năm 1937]). Virginia Thompson đã tham-khảo sách-vở do người Pháp viết và cả những người làm việc ở thời Pháp cai-trị Việt, Miên và Lào để hoàn-thành tác-phẩm này. [The printed work and conversations with men and women versed in the colony’s history and actuality have been the data from which conclusions were drawn. (trang 11)]. Cuốn này có ở hầu hết các thư-viện quan-trọng và là tài-liệu tham-khảo của rất nhiều tác-phẩm viết về Việt-nam. Từ đầu đến cuối, ý khinh-thường người Việt khi ẩn khi hiện, không chỗ nào không có:

It cost the Chinese a great military effort to tame and teach this vagrant people, and for the Annamites it was far more helpful than harmful to be subordinated to an infinitely more disciplined and cultured nation. (Giữa trang 19 [trang đầu chương I].)

Legend relates him [Hoàng-đế An-Nam] to the Emperor of China, of whom he is at least spiritually the descendant. (Giữa trang 25) (Phần trong ngoặc [ ] là lời chú của chúng tôi theo ý của Virginia Thompson.)

The Annamite nervous system is certainly less sensitive than that of Occidentals. There is a singnificant lack of comfort in even the homes of the wealthy. Clothes reveal the same disdain. Their colour is drab at the outset, and their general negligence is increased by layers of dirt and betel-chewing. Native methods of eating show a similar indelicacy. There is absolutety no thought of the body’s beauty, and they have a great shame of the nude… (Giữa trang 43.)

A more subtle effect of the climate upon Annamite psychology is their inability to receive sharp, clear-cut impressions… he cannot distinguish between people and things. The animal, vegetable, and mineral kingdoms are thought to share the same feelings as humans… In eating, the Annamite starts with a foundation bowl of rice, to which he adds what pleases him from the many ingredients that lie at hand. It is impossible to get precise information from an Annamite. Not that they are incurious – they will insistently put questions of the most personal nature – but their replies are notoriously inaccurate… (Đầu và giữa trang 44.)

In spite of centuries of Chinese domination, the Annamites managed to retain their own language. Unfortunately it is a poor intellectual heritage… In construction it is simple enough, and adapted to the mentality of a primitive people. The vocabulary is limited and lacking in words to express the major emotions… (Cuối trang 45.)

Since Chinese has always been the language of cultured people and Annamite only the vernacular used by the masses, it is natural enough that the latter was never developed into a rich medium of expression. (Phần trên trang 46.)

Music is handed down by oral tradition. The method of notation is imperfect,… The few musical rules that exist, as well as the official Department of Music under the Minister of Rites, are copied from the Chinese. (Phần trên trang 48.)

In addion to being monotonous, Annamite architecture is impermanent. This is partly due to the materials used. The country has much wood, but in Tonkin no stone. The Annamites have only a very limited knowledge of the use of bronze and iron. (Cuối trang 50.)

The love of ceramics is universal in Annam, but little such work is now done there. The famous Bleus de Hué came from China, as did the Annamites’ potter-teachers, and their art unfortunately disappeared when they returned to their native land. (Cuối trang 51.)

Annamite medicine is purely empirial and based upon no knowledge of anatomy or physiology… It was easier to become a doctor in Annam than in Moliere’s plays, for it sufficed to give oneself a diploma. (Cuối trang 52 – đầu trang 53.)

The religions of Annam have been compared to a tropical forest where no one tree can live isolated. There is no clear-cut boundary between them, and one person may hold simultaneously and without friction a half-dozen beliefs. The Annamite work on the principle that if one religion is good, three are better… (Giữa trang 54.)

…..

Annamites are notoriously poor at giving information about themselves… Frankness and sincerity are thus discouraged in the Annamite child as obstacles to his rise in life,… (Giữa trang 316.)

The Annamites were more deadly if not quite so barbarous. (Giữa trang 323.)

Nếu những dòng chữ này chưa đủ, chúng tôi sẽ dẫn thêm, không những của Virginia Thompson, mà còn của nhiều người khác nữa. Tuy nhiên, chúng tôi cố tránh việc chuyển-dịch sang tiếng Việt, sợ sẽ làm cho những người chưa đủ vốn-liếng về vấn-đề Việt-Nam không hiểu dã-tâm của người Pháp, sẽ hổ-thẹn về dòng-giống của mình.

Sự hèn-kém, xấu-xa, tệ-hại, ngu-dốt,… của người Việt do người Pháp cố-tình bịa-đặt, bôi bẩn đã được in thành sách, được làm tài-liệu tham-khảo cho nhiều sách-vở. Không biết bao giờ người Việt mới gột-rửa cho được!

Còn về phía người Việt, “những người chịu ảnh-hưởng văn-hoá Pháp đã tiếp tay với người Pháp tiêu-diệt văn-hoá Việt”. Trong bài “Văn-minh Việt ở Thời-đại Đồ Đồng”, chúng tôi đã nhắc tới vài hành-động có tính-cách tiếp tay với Pháp. Sợ ra ngoài đề, chúng tôi không đi vào chi-tiết. Nhưng sự thật, nhiều người Việt – có tiếng tăm ở thời thuộc Pháp – đã có nhiều hành-động đáng trách.

Thí-dụ, Nguyễn-Văn-Vĩnh, trong bài “Gì Cũng Cười”, đã mạt-sát nụ cười của người Việt một cách quá đáng. Bài này được dùng làm tài-liệu giáo-khoa trong nhiều năm trời.

Cùng một vấn-đề, nếu khen cũng dễ mà chê cũng dễ. Chỉ đả-phá mà không biết xây-dựng (chứ không phải không xây-dựng) thì sự đả-phá sẽ vô-cùng tai-hại. Đúng lúc văn-hoá Việt bị Pháp tìm đủ mọi cách để tiêu-diệt (kể cả cách ghê-tởm: mua quan bán tước), bài “Gì Cũng Cười” chẳng xây-dựng bao nhiêu nhưng tàn-phá rất nhiều. Chúng tôi hi-vọng Nguyễn-Văn-Vĩnh không có ý-định đó. Nhưng sự thật vẫn là sự thật.

Báo Phong hoá đưa ra mấy mẫu người điển-hình ở làng xã để chọc cười, để đả-phá hủ-tục. Nhưng vô-tình (hay cố-ý [?])đã làm cho nhiều người Việt có học thấy cái gì ở làng xã cũng đáng bỏ, làm cho nhiều người ở làng xã có mặc-cảm tự-ti. Thế mà những người có học đó về sau đã nắm-giữ những chức-vụ then-chốt trong xã-hội: giáo-chức, nhân-viên chính-quyền. Hậu-quả, vì thế, càng tai-hại hơn.

3. Vấn-đề thứ ba: Triệu Đà

Trước hết, chúng tôi xin góp ý về một tài-liệu cụ nói tới: Việt nam Sử lược. Cuốn này của Trần-Trọng-Kim (không phải của Dương-Quảng-Hàm). Sứ-giả nhà Hán [= Tàu] là Lục Giả (không phải là Lữ Gia).

Theo ý nông-cạn của chúng tôi, tài-liệu không cần nhiều, nhưng cần phải xem tài-liệu có chính-xác không và có hiểu được không.

Triệu Đà có hãnh-diện được làm vua nước Việt ở phía Nam (= Nam-Việt) không?

Trước khi làm vua nước Việt ở phía Nam (= Nam-Việt), Triệu Đà cầm quyền ở Nam-Hải. Năm 208 trước Dương-lịch (năm 50 đời vua An-Dương nước Âu-Lạc) mới lấy được nước Âu-Lạc. Triệu Đà đặt tên chung cho cả Âu-Lạc và Nam-Hải là Nam-Việt.

Nếu không vì người Việt, nếu không hãnh-diện được làm vua dân Việt, Triệu Đà không đặt tên nước là Nam-Việt (= nước Việt ở phía Nam, nước của người Việt ở phía Nam).

Triệu Đà không chịu phục nhà Hán của Tàu, không tiếp sứ Tàu theo lối Tàu, đem quân đánh quận Trường-sa của Tàu, nhận mình là Hoàng-Đế nước Nam-Việt, v.v… Như vậy không phải là hãnh-diện được làm vua nước Nam-Việt mà hành-động sao?

Thử đặt vào địa-vị của Triệu Đà, nếu Triệu Đà không hãnh-diện vì được làm vua người Việt, không đặt tên nước là Nam-Việt, không nhận mình là Hoàng-Đế nước Nam-Việt.

Làm chính-trị phải có lúc mềm-dẻo lúc cứng-rắn, lúc nhường lúc găng. Nhưng tên nước, tên mình tự-nhận tỏ rõ lòng mình đối với đa-số giống người ở đó. Không phải lệ-thuộc từng chữ trong sách rồi chép lại y-hệt mới là biết dùng tài-liệu.

Đến đây, hi-vọng đã góp được một số ý-kiến với cụ Cương đủ để làm sáng tỏ ba vấn-đề cụ nêu lên. Các phần liên-hệ tới các vị khác, chúng tôi không dám lạm-bàn. Lời tuy dài nhưng vẫn sợ chưa đủ rõ và chưa diễn được hết sự thành-thật biết ơn của chúng tôi đối với cụ Cương. Nếu cụ muốn chúng tôi góp ý thêm nữa, chúng tôi sẽ vâng lời. Chỉ xin một điều: đừng lẫn-lộn hoặc gán-ép công-việc của người này với người khác. (Thí-dụ, bài “Văn-minh Việt ở Thời-đại Đồ Đồng” không hề nói tới “công việc phá nho” như cụ đề-cập ở vấn-đề thứ hai.)

Phạm-Văn-Hải

Phạm-Quân-Khanh

  1. Trong bài “New Light on a Forgotten Past” (Tia sáng mới rọi vào quá-khứ bị lãng-quên) trên tờ National Geographic ở Mĩ, số 3 tập 139, tháng 3-1971 (vol. 139, No 3 – March 1971), từ trang 330 đến trang 339, Wihelm G. Sotheim II dùng phương-pháp Các-bon 14 (Carbon-14) để định niên-đại đã đồng-ý với một số học-giả khác về Trung-tâm Văn-hoá Hoà-bình (Trung-âm văn-minh và văn-hoá tồn-tại trước Đông-sơn) như sau:- Trung-tâm văn-hoá Hoà-Bình biết trồng-trọt đầu tiên trên thế-giới (vào khoảng 15000 năm trước D.L.)- Ảnh-hưởng văn-hoá Hoà-bình lan sang phía bắc châu Úc (20000 năm trước D.L.) Nhật-Bản (10000 năm trước D.L.) – Hai trung-tâm văn-hoá Lungshan và Yangshao của Tàu đều phát-triển từ gốc Hoà-bình.Nếu công-cuộc nghiên-cứu này đúng thì vấn-đề trước sau và sự ảnh-hưởng giữa văn-minh văn-hoá Việt và văn-minh văn-hoá Tàu đã rõ-ràng. 
  2. Thí dụ:Lê Văn Siêu trong Việt-Nam Văn-minh Sử-lược Khảo (Tập thượng – Từ Nguồn gốc đến Thế kỉ X) (Sàigòn: Trung tâm Học liệu, 1972), trang 67 trích-dịch một đoạn trong sách “Tuỳ Thú Địa lí Chí”: “Từ núi Ngũ lĩnh đến hơn hai mươi quận phía Nam, các rợ đều đúc đồng làm trống lớn. Khi mới hoàn thành để ở giữa sân, đặt rượu mời đồng bào. Người đến dự có trai gái nhà giầu lấy vàng bạc làm chiếc thoa lớn cầm đánh vào trống, xong rồi để lại cho chủ nhân, gọi là thoa đồng cổ. Chúng hay chém giết nhau gây thù oán. Muốn đánh nhau thì đánh vào trống ấy, người kéo đến cuồn cuộn như mây vần. Kẻ nào có trống là Đô-Lão. Quần chúng đồng tình suy tôn và tùng phục v.v.NguyÍn Văn Huyên và Hoàng Vinh trong Những Trống Đông Đông-sơn Đã Phát hiện ở Việt-Nam (Hà Nội: Viện Bảo Tàng Lịch Sử Việt-Nam, 1975) trang 111-112 trích-dịch mấy đoạn trong Hậu Hán Thư, Quyển 54, tờ 86; Thuỷ Kinh Chú, Quyển 14; mấy cuốn dẫn trong Đồng cổ khảo lược của Trịnh Sư hứa (Thượng hải, 1937), bản dịch của Viện Mĩ thuật Mĩ nghệ, trang 6-7.”Cửa (sông) ấy thông với Đồng cổ, bên ngoài vượt đến cửa Hoàng cương tâm khẩu huyện An-định. Nhờ cửa sông ấy mà (quân đội) tiến vào Đồng cổ, tức là đất Lạc Việt. Vì đây có trống đồng nên gọi là (đất) “Đồng cổ”. Mã Viện lấy trống ở đó đúc ngựa đồng” (Thuỷ Kinh Chú, Quyển 14).Phạm Thành Đại đời Tống trong sách Quế hải ngu hành chí cũng viết: “Người Man Di xưa sử-dụng trống đồng, thường đào được ở miền đất phương nam, tương truyền đó là của Mã Phục Ba để lại: Trống giống như một cái đôn, phía dưới hổng; trống trang-trí đầy hoa-văn nhỏ rất khéo-léo, tỉ-mỉ, bốn góc có những tượng cóc nhỏ. Hai người vừa khiêng vừa lấy tay vỗ vào, tiếng nghe hoàn-toàn giống như tiếng trống da vậy”. (Trịnh Sư hứa. Đồng cổ khảo lược. Bản dịch, trang 7), v.v. 
  3. Trong một bài thơ của Trần Phu, sứ-thần nhà Nguyên tại nước Việt (lúc đó tên nước là Đại-Việt) có hai câu:”Kim qua ảnh lí đan tâm khổ,Đồng cổ thanh trung bạch phát sinh.”(Trong bóng giáo vàng, lòng đau-đớn,Giữa tiếng trống đồng, tóc bạc phơ.) 
  4. Chân-định 貞定 (ngày nay là Chính-định 正定 tỉnh Hà-bắc 河北 bên Tàu [?])