ĐẤT, NƯỚC, VÀ CON NGƯỜI Ở MIỀN BẮC VIỆT NAM 

 

Thái Công Tụng

 

 

1. Các vùng thiên nhiên

 

Đây là những vùng bao gồm đất, nước, rừng, khí hậu .. gần giống nhau. Con người sử dụng môi trường như khai thác trồng trọt, chăn nuôi, săn bắn…

 

Ta phân biệt: vùng Tây Bắc, vùng Đông Bắc và vùng đồng bằng sông Hồng:

 

vùng Tây Bắc như Hoà Bình, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu , Lao Cai, Yên Bái

 

vùng Đông Bắc bao gồm Phú Thọ Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Bắc Giang, Quảng Ninh

 

-vùng đồng bằng sông Hồng trong đó phải kể Hà Nội, Bắc Ninh, Hà Nam, Hải Dương, Hải Phòng, Hưng Yên, Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình, Vĩnh Phúc.

 

Sau đây là bảng với tên tỉnh, diện tích và dân số

 

Tên Tỉnh

Diện tích (km2)

Dân số (người)

Hoà Bình

4608

808.200

Sơn La

14174

1.195.107

Điện Biên

9541

557 400

Lai Châu

9068

404 500

Lao Cai

6383

656 900

Yên Bai

6686

771 600

Phú Thọ

3533

1 351 000

Hà Giang

7915

771 200

Tuyen Quang

5867

746 700

Cao Bằng

6707

517 900

Bắc Cạn

4 659

330 100

Thái Nguyên

3 536

1 227 400

Lạng Sơn

3 849

1 657 600

Bắc Giang

3849

1 657 600

Quảng Ninh

6 102

1 224 600

HaNoi

3358

10 215 933

Bắc Ninh

822

1 200 200

Hà Nam

860

811 126

Hải Dương

1656

2 463 890

Hải Phòng

1561

2 352 000

Hưng Yên

926

1 480 000

Nam Định

1652

1 839 900

Ninh Bình

1378

927 000

Thái Bình

1570

1 790 500

Vĩnh Yên

1235

1 066 000

 

(Nguồn gốc: Thống kê Việt nam 1992)

 

Lao Kay và Yên Bái tức tỉnh Hoàng Liên Sơn ngày xưa.

 

Hà Giang và Tuyên Quang, trước kia gọi là Hà Tuyên.

 

Bắc Giang, Bắc Ninh, có núi Yên tử là núi cao nhất. .Nằm ở vị trí đệm giữa khu vực núi đông bắc và đồng bằng sông Hồng.

 

Hoà Bình nằm trên sông Đà, trước kia nằm trong tỉnh Hà Sơn Bình

 

Tổng số diện tích miền núi và Trung du là 102 949 km2, với 11 832 000 người, với mật độ chung là 115 ngườikm2.

 

Miền Châu thổ sông Hồng có 7 tỉnh là: Hà Nội, Hải Phòng, Hà Tây, Hải Hưng, Thái Bình, Nam Hà, Ninh Bình

 

Như vậy, châu thổ sông Hồng, với một diện tích là 12 457 km2, và một dân số là 13 518 000 người, tức mật độ dân số là 1 085 người/km2.

 

So sánh, chúng ta thấy ngay sự mất cân đối giữa 2 vùng: châu thổ sông Hồng, chỉ gần bằng 10% diện tích miền núi phải nuôi một số dân cư cao hơn toàn dân số miền núi.

 

Miền đồng bằng thì:

 

. mật độ dân số rất cao

 

. cảnh quan bằng phẳng;

 

. nước và lúa

 

. người Kinh

 

Miền núi (Thượng du và Trung du) khác hoàn toàn vì:

 

. dân cư thưa thớt

 

. nhiều núi non hiểm trở

 

. đất triền đồi dốc và khô

 

. dân tộc thiểu số như người Nùng, Tày, Mèo (H’Mong)

 

2. Cảnh quan các vùng thiên nhiên

 

Sau đây là các chi tiết của các vùng thiên nhiên nói trên:

 

1.1 Vùng Thượng Du : bao gồm cả núi non lẫn các cao nguyên đá vôi Mộc Châu, Nà Sản (Sơn La) cũng như các thung lũng Lai Châu, Điện Biên, Thượng du bao gồm nhiều tỉnh như Lạng Sơn, Cao bằng, Bắc cạn, Hà giang, Lao kay, Hoà Bình.

 

Miền núi có những đỉnh núi rất cao như đỉnh Făng xi păng cao 3143m.

 

Vùng núi hiện ra như sự nối dài theo hướng Đông-Nam của núi và cao nguyên Vân Nam.

 

Trong vùng Thượng du, có thể phân biệt ngay vùng Tây bắc và vùng Đông Bắc.

 

1.1.1 Vùng Tây Bắc (hữu ngạn sông Hồng)

 

Trong vùng Tây Bắc, có:

 

.các rặng núi giữa sông Hồng và sông Đà, trải dài từ biên giới Hoa Việt đến khúc quanh của sông Đà và sông Hồng; các dãy núi cao Fansipan là các đường phân thủy,phân chia khí hậu giừa thung lũng sông Hồng vớI thung lũng sông Đà .

 

.các cao nguyên giữa sông Đà và biên giới Lào Việt, trải dài từ biên giới Trung hoa cho tới châu thổ sông Hồng, dài trên 200km, rộng khoảng 25-30km, thuộc địa phận 2 tỉnh Lai châu và Sơn La. Cao nguyên Tả Phìng-Mộc Châu vớI cao độ 600-800 m giảm dần dần xuống miền Ninh Bình-Thanh Hoá. Trên các cao nguyên này cũng có nhiều thung lũng trồng lúa phì nhiêu. Đây là cao nguyên xứ Thái.

 

.vùng núi dọc biên giới Lào-Việt : dọc biên giới có các rặng núi nối tiếp với vùng Thượng Lào như rặng Pou-nam-lương, Pou-nam-sao có nhiều đỉnh cao gần 2000m. Giừa 2 rặng núi này, chính là thung lũng Điện Biên, nơi xảy ra nhiều trận chiến ác liệt giữa Pháp và Bắc Việt năm 1954.

 

Mật độ dân số thấp; phần lớn dân cư tập trung ở các thị xã như Lao Kai, Yên Bái .Nổi tiếng với nhiều loại cây ăn trái ôn đới như táo, đào, lê, mận và các cây dược liệu như tam thất, xuyên khung, bạch chỉ . Vùng này có nơi nghỉ mát nổi tiếng là Sa Pa . Lao Kay, sát biên giới Hoa-Việt ,xua kia rất hẻo lánh nên ca dao thường có câu:

 

Ai mang tôi dến chốn này

 

Bên kia Cóc Lếu, bên này Lào Cai

 

1.1.2 Vùng Đông Bắc (tả ngạn sông Hồng)

 

Miền núi Đông Bắc Bắc Bộ có tổng diện tích tự nhiên 4,27 triệu ha, bao gồm 6 tỉnh: Cao Bằng, Lạng Sơn, Hà Giang, Tuyên Quang, Bắc Thái, Quảng Ninh.

 

Vùng Đông Bắc phần lớn toàn là đồi núi thấp toả ra hình vòng cung:

 

Kể từ tây sang đông có các:

 

. vòng cung Đông Triều, chạy dài từ Phủ Lạng Thương (tỉnh Bắc Giang) đến Mong Cái . Rặng này lan ra ven vịnh Bắc Việt. Thực vậy, nhiều đảo trong vịnh Hạ Long được xem như là một vùng núi nằm dưới biển và còn sót lại phần trên mặt. Vòng cung Đông Triều có một mạch than đá rất lớn :mỏ than Hòn Gai

 

. vòng cung Bắc Sơn nhiều đá vôi ( do đó có nhiều hang động, thung lủng sụp) chạy dọc thung lủng sông Thương từ Thái Nguyên lên tới Cao Bằng.Thượng lưu sông Thương có thung lủng Ải Nam quan thông sang Trung Hoa ở Lạng Sơn

 

. vòng cung Ngân Sơn , trải dài từ Bắc kạn lên tới Đồng văn thuộc tỉnh Cao Bằng. Nằm dọc phía tây thung lủng sông Cầu .

 

Hai tỉnh Lạng Sơn và Cao Bằng được nhắc nhở trong các ca dao sau đây:

 

Con cò bay lả bay la,

 

Bay ra cửa bể, bay về Đồng Đăng

 

Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa

 

Có nàng Tô Thị, có chùa Tam Thanh

 

Ai lên xứ Lạng cùng anh,

 

Tiếc công bác mẹ sinh thành ra em

 

Cao Bằng gần Lạng Sơn cũng có những câu ca dao tương tự:

 

Cái cò lặn lội bờ sông

 

Gánh gạo đưa chồng, tiếng khóc nỉ non

 

Nàng về nuôi cái cùng con

 

Để anh đi trẩy nước non Cao Bằng

 

. vòng cung sông Gầm, trải từ Tuyên Quang lên tới Hà Giang, cao trung bình 1 000m

 

Ngoài các rặng núi , còn có thể phân biệt:

 

.các cao nguyên giữa sông Hồng và sông Chảy, cao 400m (cao nguyên Bảo Hà),

 

.cao nguyên giữa sông Chảy và sông Lô như chổ giáp giới với Trung Hoa có cao nguyên Pakha cao độ trên 1000m và cao nguyên Lục An Châu, cao độ 600m, chạy dọc theo sông Chảy.

 

.cao nguyên giữa sông Lô và sông Gầm, rộng lớn, cao phía tây (800m) và thấp dần phía đông (500m)

 

Nhiều đồng bằng giữa núi mà xưa kia là các hồ đệ tam nguyên đại . Đó là trường hợp các vùng quanh các thành phố Cao Bằng, Lạng Sơn, Tuyên Quang.

 

Tiềm năng thủy điện dồi dào nên vùng này có nhà máy thủy điện Thác Bà. Hồ Ba Bể cũng như các núi vôi Đồng Văn, Bắc Kạn rất ngoạn mục.

 

Tóm lại, hai vùng thiên nhiên Tây Bắc và Đông Bắc khác biệt về nhiều mặt, cả về cổ kiến tạo, về tân kiến tạo, về địa hình, thủy văn, thổ nhưỡng.

 

1.2 Vùng Trung du

 

Đây là vùng chuyển tiếp giữa miền núi và cao nguyên với miền châu thổ sông Hồng, phân bố ở rìa châu thổ với một phần đất của các tỉnh Hà Bắc, Vĩnh Phú, Bắc Thái, Hà Tây, Hoà Bình, Quảng Ninh và Phú Thọ .

 

Về địa hình, Trung du gồm những đồi thấp, dạng bát úp, xen kẻ với các thung lủng hẹp (nhiều nơi gọi là dọc). Độ dốc phần lớn từ 5 đến 25 độ, độ cao từ 50 đến 500 m .

 

Cao nhất vùng Trung Du có ngọn Tam Đảo gần Việt Trì .Cũng nằm trong vùng Trung du là các đồi dá vôi thấp trải dài từ khúc quanh sông Đà (thuộc các tỉnh Hoà Bình, Sơn Tây) cho tới Ninh Bình, còn gọi là Hạ Long cạn. Nơi đây, có nhiều người Mường, tức người Việt cổ sinh sống.

 

Ở khúc quanh sông Đà có những ngọn núi cao như Ba Vì (1250m) Núi Ba vì gần Sơn Tây là một ví dụ điển hình của các đồi sót lại từ lúc châu thổ sông Hồng còn là biển cả; cả 2 địa danh Sơn Tây và Ba vì đã được nhà thơ Quang Dũng bất hủ hoá như sau:

 

Em ở Thành Sơn chạy giặc về

 

Tôi từ chinh chiến cũng ra đi

 

Cách biệt bao ngày quê Bất Bạt

 

Chiều xanh không thấy bóng Ba Vì

 

Núi Ba vì , còn gọi là núi Tản viên ( Nhà thơ Tản Đà lấy tên của núi Tản và sông Đà làm bút hiệu).

 

Về mặt địa hình, có thể phân biệt núi, đồi và gò. Núi thường có độ cao vài trăm mét, xưa kia toàn là rừng. Đồi thì thấp hơn (70-120m) , được sử dụng làm nương sơn, nương sắn nhưng thường là đòi cỏ tranh, sim, mua ..Còn gò thì cao độ thấp hơn ,đất bạc màu

 

1.3 Vùng châu thổ sông Hồng

 

Hình tam giác bao gồm đồng bằng sông Hồng, sông Thái Bình với cư dân Việt .Đất đai trù phú, gồm các đất phù sa mới, củ, phèn, mặn do hệ thống sông Hồng (bao gồm sông Chảy, sông Lô, sông Gầm, sông Thương và sông Lục Nam) bồi đắp, bao gồm các tỉnh như Bắc Ninh, Hải dương, Hưng Yên, Kiến An, Thái Bình, Nam định, Hà nam, Hà Đông, Vĩnh yên, Phúc yên.

 

Đồng bằng sông Hồng dễ bị lụt nên từ đời nhà Lý, đã xây đê trị lụt. Từ lúc xây đê, sông Hồng đổ phù sa trên cửa biển, thay vì trên đất liền, do đó trong vùng châu thổ vẫn còn nhiều nơi trũng như tại Hà Bắc và Hà Nam Ninh.

 

Có thể phân biệt nhiều loại hình như sau:

 

.hai bên bờ sông Hồng và các sông nhánh thường có các sống đất (bourrelets, river levees) do nước lủ bồi đắp, cao có khi tới 15mét, rộng tới vài trăm mét, dốc đứng về phía lòng sông và thoải dần về phía các bãi bồi châu thổ. Các sống đất ấy đã ngăn châu thổ thành từng ô trủng khó tiêu nước.

 

.các ô trủng ngập sâu trong đó đáng kể nhất là ô trủng Hà Nam Ninh khó tiêu nước khi mưa to , gồm những loại đất lầy sâu. Các vùng trủng nhiều lau sậy (chiến khu Bãi Sậy thời Cần Vương chống Pháp)

 

.vùng ven biển, ta nhận thấy kiểu địa hình hỗn hợp sông biển như các cồn cát và các vùng trũng giữa cồn xưa kia là các đầm phá nay được biến thành ruộng lúa. Ví dụ: Kim Sơn và Tiền Hải đã được Nguyễn Công Trư giúp dân cải tạo, thoát nước rửa mặn trước khi trồng lúa .Tại vùng ven biển, phù sa của sông Hồng và sông Thái Bình đã bồi ra biển mỗi năm quảng từ 60-80 mét.

 

.các bãi triều nhiều cây sú vẹt.

 

Tại vùng ven biển, thảo mộc nhiều cây sú vẹt chịu đươc nước mặn (Quảng Ninh, Hải phòng..) .

 

.các đồi sót lại như các đồi đá vôi ở Đồ sơn, Nam Định, Ninh Bình .Núi Yên tử là một ví dụ khác. Núi này ở Quảng Ninh ngày nay .Tục truyền vua Trần Thái Tông đã lên núi này và đi tu tại đây.

 

Nếu so sánh diện tích của miền núi và đồng bằng sông Hồng với toàn bộ diện tích cả nước, ta thấy ngay là miền thượng du và trung du Bắc bộ có diện tích tự nhiên là 31%, còn đồng bằng sông Hồng chiếm 3.8% của cả nước.

 

Các miền Thượng du, Trung du ảnh hưởng lớn đến châu thổ vì các vật liệu trên lưu vực các dòng sông được bào mòn và chuyên chở đến dhâu thổ và lắng tụ ở đấy.

 

3. Khí hậu

 

3.1 Miền Thượng du

 

3.1.1 Cùng một cao độ nhưng khí hậu Tây Bắc (Sơn La, Lai châu ) nóng hơn và ẩm hơn khí hậu Đông Bắc. Thực vậy, Tây Bắc nhờ các giãy núi cao theo hướng Tây Bắc đến Đông Nam tạo thành bức tường thiên nhiên chắn gió và bão nên khí hậu vùng này ấm hơn các tỉnh Đông Bắc,vì không chịu ảnh hưởng trực tiếp của các luồng gió lạnh Đông Bắc. Khí hậu có 2 mùa rõ rệt. Mùa khô từ tháng 10 đến tháng 4 năm sau . Mùa mưa tập trung từ tháng 6 đến tháng 9. Vùng này chịu ảnh hưởng của gió tây nóng ( gió Lào) do hiện tượng fơn vì mưa rơi ở phía Ai Lao khi gió thổi qua rặng núi Hoàng Liên Sơn đã bị mất hơi nước và trở nên nóng. Từ tháng 10 đến tháng 4, lượng bốc hơi luôn luôn cao hơn lượng mưa .

 

Vũ lượng cao hơn khu Đông Bắc nên rừng tái sinh dễ dàng, tre nứa phát triển thuận lợi ; các loại cây họ Dầu đã nhiều lên (chò nâu, chò chỉ, táu), thực bì thứ sinh cũng mang tính chất ẩm với mỡ, bồ đề, xoan đào.

 

Tại nhiều thung lũng khuất gió, mùa khô kéo dài và vũ lượng giảm sút, vì vậy thảo mộc cũng là các savan rừng, savan cây bụi, rừng thưa cây.

 

Khu vực có lượng mưa lớn là các sườn đón gió của các núi cao như Pusilung (3076m), Pusam cao (2504m). Khí hậu của Tây bắc, vì cao trên 500m, mang tính chất á nhiệt đới rõ rệt, mát về mùa hạ , rét về mùa đông và có nhiều sương muối, băng giá.

 

3.1.2 Khu Đông Bắc thường bị gió mùa đông tràn qua, do đó mà lạnh và khô khan. Vào mùa hạ, khu lại bị khuất gió từ biển vào nên vũ lượng thấp, sông ngòi do đó có lưu lượng kém vì vậy rừng bị phá thì khó phục hồi.

 

3.2 Miền Trung du 

 

Khí hậu Trung du cũng mang tính chất chuyển tiếp riêng biệt của khí hậu nhiệt đới ẩm. Nhiệt độ trung bình hàng năm 23-24 độ . Lượng mưa 1800-2000 mm mỗi năm. Mùa mưa bắt đầu từ tháng 4 nhưng vào giữa tháng 3 cũng có một vài đợt mưa nặng hạt Tại miền núi, nhiệt độ giảm dần theo cao độ, cứ mỗi 100m, lại giảm 0.5 C. Từ 600 đến 2600mét, đó là vùng á nhiệt đới miền núi. Trên 2600 mét, đó là vùng ôn đới miền núi.

 

Địa phương Cao độ (mét) / Nhiệt độ trung bình: 

 

Tam Đảo 900 / 18.2C

 

Sa Pa 1 570 / 15.6C

 

Hoàng Liên Sơn 2 600 / 12.3C

 

3.3 Châu thổ sông Hồng

 

Vũ lượng ở Hà nội là 1678mm, so với Huế là 2890mm và Saigon 1979mm.

 

Mùa mưa cũng là mùa nóng, kéo dài từ tháng 5 đến tháng 10 dương lịch .Nhiệt độ thường cao, trung bình 27 o và mưa dao động mỗi tháng 200 mm vào tháng 5, tháng 6 đến gần 300mm tháng 8, tháng 9. Mùa lạnh cũng là mùa khô ráo, kéo dài từ tháng 11 năm trước đến tháng 4 năm sau và vì có gió mùa đông bắc nên gây ra mưa phùn.

 

Các yếu tố khí hậu ảnh hưởng rất nhiều đến năng suất hoa màu:

 

Mưa sớm giúp đất được thau chua rửa mặn sớm nên năng suất lúa cao, còn mưa muộn thì cây lúa làm đòng bị thiếu nước.

 

Nhiệt độ cũng ảnh hưởng đến sự sinh trưởng của hoa màu như lúa: nếu trời lạnh, gặp lúc phải cấy lúa Đông-Xuân, lúa sẽ chết. Nắng qúa và mưa ít làm lưu lượng nước sông giảm nhiều khiến cho nước mặn tràn sâu vào nội đîa làm đất dọc các kinh rạch bị nhiễm mặn.

 

4. Tài nguyên đất đai và sự sử dụng đất

 

4.1 Thượng Du

 

Miền Thượng du có nhiều đất feralit vàng đỏ (Ferralic Acrisols) phong hoá từ nhiều loại đá khác nhau (sa thạch, phiến thạch..) , gặp ở tỉnh Tuyên Quang và phần lớn trồng chè và một số cây lâu năm khác như rừng cung cấp nguyên liệu cho nhà máy giấy Bãi Bằng (bồ đề).

 

Ttrên núi cao, có các đất mùn alit (Humic Alisols).Đất mùn alit núi cao thường gặp trên các đỉnh núi cao như trên ngọn núi Fanxipan, độ cao 2000 mét trở lên, nhiều đỗ quyên, trúc lùn và các cây lá kim ôn đới . Đá phong hoá yếu, tầng đất mỏng, trên cùng là một lóp thảm lá mục, có lá lẫn rêu.

 

Còn gặp các đất tích vôi (Haplic Calcisols). Các đất tích vôi, màu vàng, hình thành tại các thung lũng đá vôi xung quanh là núi đá vôi khép kín, địa hình khó thoát nước, chứa nhiều canci và magné, pH cao và thường gặp tại các thung lũng tại tỉnh Cao Bằng.

 

Các vùng cao trên 1500 m, ít nóng, ở cao nguyên Đồng văn, vùng núi cao của cánh cung Ngân sơn phù hợp với cây ôn đới như táo tây, lê, mận, đào, hồng ..Hiện nay, phần lớn là mận, và tập trung chủ yếu ở Hà Giang, Lạng sơn và Cao Bằng.

 

Những nơi cao độ thấp hơn, chủ yếu ở các tỉnh Cao bằng, Lạng sơn, nam Hà giang và một phần nhỏ phía bắc tỉnh Quảng Ninh thích hợp với cây ăn qủa á nhiệt đới như cam, quýt, vải, nhãn, mơ, hạt dẻ ..Hiện nay, quýt chiếm nhiều diện tích ở Lạng Sơn, còn ở Hà Giang thì cam nhiều.

 

4.2 Trung du

 

Các loại đất chính thường gặp ở Trung du là:

 

đất phù sa ven suối

 

đất feralit nâu vàng trên phù sa cổ

 

đất feralit vàng và đỏ vàng phát triển trên đá phiến hoặc trên đá nai .Đây là nhóm đất phổ biến nhất vùng Trung du . Nhóm đất này phân bố trên các dạng địa hình, độ dốc và độ cao khác nhau .

 

đất phù sa cổ có địa hình gò bằng, thấp thoai thoải, phân bố khắp các khu đồi . Thường chỉ 20-30cm đã gặp tầng kết von xen lẫn với lớp cuội tròn. Cấu trúc phẫu diện không đồng nhất.

 

Đất đá phiến chiếm diện tích khá lớn, địa hình đồi thấp. Cấu trúc phẫu diện rất đồng nhất. Hiện tượng kết von ít hình thành.

 

Có thể trồng cây công nghiệp nhiệt đới: chè, cà phê, dứa, trẩu .

 

-đất xám bạc màu trên phù sa cổ (Haplic Acrisols) , phân phối rộng rãi ở các tỉnh vùng Trung du . Đất bạc màu được hình thành gắn liền với quá trình sử dụng và canh tác lúa nước, với quá trình rửa trôi và bào mòn.

 

Đất này có nhiều yếu tố hạn chế như hàm lượng hữu cơ và các chất dinh dưỡng thấp nên năng suất cây trồng thường rất thấp. Cấu trúc phẫu diện đất bạc màu thường có phân tầng rõ rệt theo màu sắc. Phẫu diện thường xuất hiện loang lổ đỏ vàng xen lẫn các ổ kaolin trắng. Hằng năm, trên đất này trồng 1 vụ khoai và 1 vụ lúa. Mùa mưa đất hoàn toàn ngập nước và mực nước ngầm nằm cao . Mùa khô, đất bạc màu khô hạn ở lớp mặt và mạch nước ngầm nằm thấp 3-5 mét. Tầng trên mặt thiếu nước thường xuyên, tầng đế cày trở xuống sâu luôn luôn có độ ẩm cao . Tầng này chịu ảnh hưởng trực tiếp của mạch nước ngầm.

 

Các đất bạc màu trên phù sa cổ gặp ở Hà Bắc, Việt Trì, Tam Đảo, Vĩnh Phú. Ba cơ cấu cây trồng phổ biến nhất trên đất bạc màu hiện nay là:

 

-lạc xuân-lúa mùa sớm-khoai lang đông

 

-lạc xuân-lúa mùa sớm-ngô đông

 

-lúa xuân-đậu nành hè-lúa mùa muộn

 

Vùng nóng hơn như Tuyên Quang, Bắc Thái, Quảng Ninh thích nghi với cây ăn qủa nhiệt đới như na, mít, dứa .

 

4.3 Châu thổ sông Hồng

 

Tại đồng bằng sông Hồng, có thể phân biệt 4 vùng sau đây:

 

4.3.1 Vùng phù sa ven sông 

 

Đất phù sa là những đất được bồi tụ suốt nhiều thế kỷ nên rất phì nhiêu. Những loại đất phù sa trung tính, ít chua (Eutric Fluvisols) , nhiều dưỡng liệu nên nông dân thường trồng các loại hoa màu như mía, chuối, hoa màu như bắp, đău; bài ca dao sau đây cho thấy sự sử dụng đất phù sa:

 

Quê ta mát đất phù sa,

 

Trồng rau, rau tốt, trồng cà cà sai

 

Quê ta lắm bắp nhiều khoai,

 

Đồng trong chắc lúa, bãi ngoài xanh dâu

 

Dâu xanh, xanh ngắt một màu,

 

Xóm làng đan né, rủ nhau chăn tằm

 

Ruộng vườn, ta bón ta chăm,

 

Cho dâu đầy lá, cho tằm thêm tơ

 

Quanh các đô thị lớn có nhiều nhu cầu tiêu thụ rau cải, nên nông dân trồng nhiều loại rau như ca dao sau đây chứng tỏ:

 

Đi đâu mà chẳng biết ta,

 

Ta ở kẻ Láng vốn nhà trồng rau

 

Rau thơm, rau húng, rau mùi

 

Thìa là, cải cúc, đủ mùi hành hoa

 

Mồng tơi, mướp đắng, ớt, cà

 

Bí đao, đậu ván, vốn nhà trồng nên

 

Ngoài lúa, rau cải, hoa màu phụ, phải kể dâu tằm.

 

Dâu trồng trên các bãi phù sa dọc sông Hồng cho nhiều lợi tức vì đó là chất liệu nuôi tằm nhả tơ để dệt lụa, trong đó lụa Hà Đông đã được nhà thơ Nguyên Sa nhắc đến trong bài thơ đã được phổ nhạc:

 

Nắng Sài gòn anh đi mà chợt mát

 

Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông

 

Anh vẫn yêu màu áo ấy vô cùng

 

Đây là vùng nhiều đất phì nhiêu, có khả năng thâm canh cao vì dân đông.

 

Cần để ý là tuy châu thổ mới nhìn thì bằng phẳng, nhưng thực ra, địa hình cũng không đồng nhất vì có chổ cao, chổ thấp. Thông thường, ở châu thổ sông Hồng, có các tiểu địa hình sau đây:

 

Độ cao / Phân loại / Chế độ nước

 

5-6 m / biển Vàn cao / Thoát nước

 

4-5 m / biển Vàn / Thoát nước vừa

 

2.m5-4 m / biển Vàn thấp / Lầy đầm

 

Dưới 2m.5 / Trũng / Úng nước quanh năm

 

Đất phù sa ở các vàn thấp là những đất phù sa chua (Dystric Fluvisols) thường bao quanh đất phù sa trung tính ít chua và thường trồng 2 vụ lúa . Đất nằm ở các địa hình trũng là đất glây (Dystric Gleysols) , có thời gian ngập úng trên 6 tháng trong năm, ở đây chỉ trồng 1 vụ lúa với năng suất thấp và bấp bênh.

 

Sông Hồng chuyên chở nhiều lượng phù sa, trong chất phù sa đó, có chứa vôi, lân, đạm nhưng từ ngày có đập thủy điện Sông Đà, lượng phù sa giảm dần do đó trong tương lai, ruộng phải sử dụng phân hoá học nhiều hơn.. Cũng cần nói thêm ở đây là chính nhờ lượng phù sa rất lớn mà tốc độ tiến ra biển các vùng duyên hải như Kim Sơn, Tiền Hải rất nhanh, có nơi mỗi năm bồi ra biển từ 80-100m .Trong điều kiện thâm canh, sâu bệnh thường phát triển mạnh hơn làm cho năng suất không ổn định, cần dùng nhiều thuốc trừ sâu bệnh. Trên các vùng đất phù sa sông Hồng, sự thâm canh rất tích cực.

 

Cần để ý 2 loại:

 

-đất ngoài đê được bồi tích hàng năm nên luôn luôn trẻ và màu mỡ

 

-đất trong đê, không được bồi tích. Với đà gia tăng dân số như hiện nay, châu thổ sông Hồng phải thâm canh tích cực như: trồng 3 vụ lúa (lúa xuân, lúa mùa, lúa đông) thay vì 1-2 vụ lúa như trước. Có nơi, nông dân phải thay giống lúa xuân bằng khoai tây . Các vùng chuyên canh ven đô trồng rau cải vì dễ tiêu thụ và cho lợi tức cao.

 

4.3.2 Vùng chiêm trủng

 

Hệ thống đê điều toàn vùng đồng bằng đã khiến cho sự bồi đắp không đồng đều; thực vậy, bề mặt nhiều nơi còn lồi lõm. Những vùng vỡ đê củ thì nước lụt tràn vào đem theo nhiều trầm tích phù sa và làm xáo trộn địa hình: nơi bị đào khoét, nơi bị lấp vùi, nơi thì toàn cát. Vùng trũng miền Châu thổ tập trung ở hai dải đất thấp:

 

-dải đồng chiêm trũng phía bắc sông Hồng kéo dài từ Hà Bắc sang Hải Dương, Hưng yên,Thái Bình.

 

-dải đồng chiêm trũng, phía nam sông Hồng kéo dài từ Sơn Tây đến Ninh Bình, Nam Định.

 

Đây là vùng có ruộng đất trên đầu người cao nhất và năng suất thấp nhất đồng bằng. Năng suất vụ chiêm xuân thấp vì đất chua và thiếu lân còn vụ mùa thấp vì diện tích bị ngập úng cao . Khả năng làm vụ đông bị hạn chế nhiều vì ruộng trũng; tuy vậy tiềm năng phát triển của vùng này còn cao:

 

-có thể sử dụng các giống năng suất cao, chịu chua và thiếu lân ở vụ chiêm xuân

 

–vụ mùa dùng các giống chịu ngập úng để hạn chế tác hại của ngập úng

 

-cố gắng phát triển vụ đông để đẩy mạnh chăn nuôi

 

4.3.3 Vùng ven biển

 

Đây là vùng có diện tích đất phèn mặn cao . Đất phèn, đất phèn mạnh và đất mặn phân bố dọc theo bờ biển như Hải Phòng. Đất này hình thành do phù sa của hệ thống sông Thái Bình, giàu hữu cơ và sắt hỗn hợp với trầm tích biển giàu lưu huỳnh lắng đọng chậm ở các cửa sông có dạng hình phễu lạch triều. Đó là điều kiện thuận lợi cho sự hình thành pyrit (FeS2) . Tính chất đất phèn thay đổi phụ thuộc vào khí hậu, chế độ nước, địa hình và càng sâu, độ chua mặn càng cao .Vào mùa khô, độ chua mặn của đất tăng cao, độ độc nhiều .Vào mùa mưa, độ chua mặn thấp nhất. Do đó, lúa vụ Đông Xuân trên đất này chịu ảnh hưởng độc hại hơn vụ mùa: độc nhôm (aluminium toxicity) vì đất càng chua, lượng Al 3+ càng nhiều nên nhôm thường gây độc cho lúa mới cấy và độc sắt (iron toxicity) vì đất này nhiều Fe2+ mà nhiều sắt thì làm cho cây cằn, đẻ nhánh chậm và ít .

 

Một số nơi do thiếu nước ngọt nên bị phèn và mặn hại cây, khả năng phát triển vụ đông ở đất phèn mặn có khó khăn. Cần sử dụng các giống lúa chịu chua, thiếu lân, kháng mặn để nâng cao năng suất của đất phèn mặn và trên các đất đã cải tạo, nên phát triển cây vụ đông để phát triển chăn nuôi.

 

4.3.4 Vùng nửa đồi núi là vùng nhiều đất bạc màu và chưa chủ động nước, trình độ thâm canh chưa cao và năng suất cây trồng còn thấp. Phải nâng cao độ phì nhiêu trên các loại đất này.

 

Ước tính diện tích tự nhiên các vùng trên như sau:

 

-đất phù sa ven sông: 450 000 hecta

 

-đất vùng chiêm trũng: 275 000 hecta

 

-phù sa ven biển: 305 000 hecta

 

-vùng nửa đồi núi: 306 000 hecta

 

5. Văn minh sông Hồng: văn hoá Hoà Bình, Đông Sơn và văn hoá thực vật

 

Vùng rừng núi Hoà Bình là quê hương của văn hoá Hoà Bình lâu đời và nổi tiếng, đã để lại nhiều di chỉ như lưỡi rìu, lưỡi dao bằng đá từ thời kỳ đồ đá giữa, cách nay khoảng 10000 năm. Đây là nơi cư trú của dân tộc Mường.

 

Văn hoá Hoà Bình là văn hoá nguyên thủy, từ Hoà bình lên phía Bắc đến Sơn La, vào phía nam tới Thanh hoá, Nghệ An, .Nhưng trung tâm chính vẫn là Hoà Bình. Vùng rừng núi Hoà Bình là nơi cư trú của dân tộc Mường vốn là người Việt cổ, có ngôn ngữ rất gần với tiếng Việt cổ, nhưng ở hai trình độ chênh nhau về tiến hoá.

 

Tiếp nối văn hoá Hoà Bình (thời đại đồ đá) là văn hoá Đông Sơn cách đây 4000 năm và còn để lại nhiều công cụ bằng đồng như các trống đồng.Thuộc thời đại Hùng Vương dựng nước đầu tiên tại đất Phong Châu (Vĩnh Phú), nơi hội tụ của sông Hồng và các chi lưu lớn nhất như sông Đà, sông Lô đã để lại di tích nhiều trống đồng, trên đó đã khắc hình người giã gạo, cấy lúa . Nói đến văn minh sông Hồng phải đề cập ngay đến cây lúa vì lúa là lương thực chính của người Việt từ rất xa xưa . Người Việt từ thuở xa xưa đã biết lợi dụng nước thủy triều để trồng lúa. Nói đến cây lúa, là nói đến nước. Ca dao ta đã để lại vô số bài thơ mô tả các khâu trồng trọt, khâu cày cấy, khâu thu hoạch.

 

Khâu trồng trọt:

 

Người ta đi cấy lấy công

 

Tôi nay đi cấy còn trông nhiều bề

 

Trông trời trông đãt trông mây

 

Trông mưa trông gió trông ngày trông đêm

 

Khâu làm đất:

 

Trâu ơi ta bảo trâu này

 

Trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta

 

Cày cấy vốn nghiệp nông gia

 

Ta đây trâu đãy ai mà quản công

 

Nhổ mạ và cấy lúa:

 

Trên đồng cạn dưới đồng sâu

 

Chồng bừa vợ cấy con trâu đi cày

 

Văn minh nông nghiệp, chủ yếu là lúa, được phô diễn trong các bài hát quan họ, hát trống quân:

 

Anh đi lúa chửa chia vè

 

Anh về lúa đã đỏ hoe đầy đồng

 

Anh đi em chửa có chồng

 

Anh về em đã tay bồng tay mang

 

Cũng vì “nhất nước, nhị phân, tam cần, tứ giống” nên vấn đề trị thủy là vấn đề then chốt : hệ thống đê điều ven sông Hồng được xây đắp từ trước đời nhà Lý, củng cố suốt các triều đại vua chúa đã giúp nông dân chống cự được lũ lụt . Ven biển, vì sự xâm nhập của nước biển nên nông dân phải làm quai đê lấn biển để thêm đất trồng trọt y như người Hoà Lan ở Âu châu .

 

Ngoài lúa, phải kể đến cây tre . Làng nào cũng có lũy tre bao bọc. Nói đến miền Bắc, phải nói ngay dến rau muống:

 

Anh đi anh nhớ ruộng nhà

 

Nhớ canh rau muống, nhớ cà dầm tương

 

Vì nghề trồng lúa là cơ bản của nền kinh tế và phụ thuộc nhiều thông số như:

 

Trông trời, trông đất, trông mây

 

Trông mưa, trông gió, trông ngày, trông đêm

 

nên mỗi một cái TRÔNG là một đối tượng cần được thờ:thần trời, thần đất, thần mưa, thần gió ..Do đó, trong châu thổ sông Hồng, ta gặp rất nhiều đình, chùa, đền, miếu, thờ các vị thần cùng nhiều lễ hội cổ truyền cúng tế trong đó nhiều lễ hội mang nặng màu sắc nông nghiệp như hội cướp ‘kén’, hội giã bánh dày kèm các trò chơi, các cuộc thi tài. có các điệu hát như hát quan họ Bắc Ninh. Kinh tế nông nghiệp đã dựa vào cây lúa nước nên các lể hội cổ truyền cũng được xếp đặt sao cho không ảnh hương đến các tháng nông dân rất bận trong việc cày cấy, gặt hái. Nông lịch cũng đã được ghép thành ca dao:

 

Tháng hai trồng đậu, trồng khoai, trồng cà 

 

Tháng ba thì đậu đã già

 

Ta đi ta hái về nhà phơi khô

 

Nhiều lễ hội cổ truyền đã phản ánh cách làm ăn, cày cấy, ước mơ mùa màng tươi tốt. Nào là lễ rước nước, lễ cầu mưa. Các vua nhà Lý cũng như nhà Trần với tinh thần trọng nông còn tổ chức lễ tịch điền trong đó nhà vua đích thân cầm cày xuống ruộng.

 

6 . Tài nguyên thảo mộc.

 

Tài nguyên thực vật khá đa dạng vì các vùng núi miền Bắc chỉ là những nối dài của các rặng núi Hoa Nam nên nhiều giống cây miền Hoa Nam cũng thường gặp ở miền Bắc. Thực vậy, các họ Lauraceae, Moraceae, Fagaceae, Liliaceae, Betulaceae, Juglandaceae, Ebenaceae, Hamamelidaceae, Magnoliaceae, Annonaceae, Sterculiaceae, Meliaceae, Sapindaceae, Sapotaceae gặp ở miền núi Bắc phần cũng là những họ gặp ở Quảng Tây, Quảng Đông.

 

Từ Vân Nam và Quế Châu bên Nam Hoa, nhiều giống cây thuộc hệ thống thưc vật chúng Himalaya tức đai ôn đới núi cao (trên 1500m) như nhiều giống lá hình kim như thiết sam (Tsuga Yunnanensis), lãnh sam (Abies pindrow) pơmu (Fokiena hodginsi, họ Bách Cupressaceae), Cunninghamia lanceolata, Podocarpus imbricatus . và nhiều giống cây lá rộng như dẻ, hoàng đàn và nhiều loài khác thuộc các họ Fagaceae, Lauraceae, Ericaceae. Ví dụ: cây đổ quyên tức Rhododendron simsì, họ Ericaceae gặp nhiều từ 2000m trên đỉnh núi Hoàng liên sơn. 

 

Ở chân núi, gặp lim (Erythrophloeum fordì), táu (Vatica sp), chò chỉ (Parashorea stellata), sến (Madhuca pasquieri, họ Sapotaceae).

 

Nhiều loài cây trồng làm bột giấy như bồ đề (Styrax tonkinensis, họ Styracaceae) trồng ở Vĩnh Phú.

 

Có cây cho dầu như cây sở (Thea drupifera), dầu cây sở được dùng trong công nghiệp xà phòng, mĩ phẩm .Cây dầu lai (Aleurites moluccana, họ Euphorbiaceae).

 

Nhiều huyện ở Vĩnh Phú có tập quán lâu đời trồng cây sơn (Rhus succedanea, họ Anacardiaceae).

 

Đặc sản vùng Lạng sơn có cây hồi (Illicium verum, họ Illiciaceae), hạt hồi cũng chứa dầu.

 

Có nhiều cây thuốc như ở Ninh Bình và Hưng yên có trồng cây hoắc hương (Pogostemon cablin, họ Labiateae),cho tinh dầu thơm ; cây đương quy (Angelica sinensis).

 

Thảo mộc rừng rú sầm uất nhất là tại lưu vực Sông Gầm. Các loài rừng thứ cấp và rừng tre thường gặp ở các lưu vực Sông Lô, Sông Chảy .

 

Trên đất vôi, có nhiều sắc mộc như nghiến (Parapentace tonkinensis họ Tiliaceae), lát hoa (Chukrasia tabularis, họ Meliaceae), mọc chung với các loài như trai (Garcinia fagraeoides, họ Guttiferae), cây bứa (Garcinia oblongifolia, họ Guttiferae), cây gội (Aglaia gigantea, họ Meliaceae) giổi (Talauma Gioi).

 

Quảng Ninh , có lim mọc chung với sến, táu, ngát , trám (Canarium nigrum, họ Burseraceae) .

 

Rừng cung cấp nhiều nguyên liệu trong công nghệ xây cất (gổ), công nghệ đóng bàn ghế, công nghệ bột giấy.

 

Rừng là nơi nông dân khai thác các loại gỗ (sồi, ngát, lim, sến, thiềng mực …) để làm cột nhà; tre nứa; cỏ tranh ..Rừng cũng là nơi cung cấp các sản phẩm hái lượm như củ mài, củ nâu; các loại nấm, mộc nhỉ, các loại măng; các loại lá nấu nước uống (lá đỏ ngọn, lá nhân trần…).

 

Rừng còn là nơi trú ẩn của nhiều loài động vật như cọp, beo, voi, khỉ, vượn, hươu, nai, lợn rừng.

 

Tuy nhiên hiện nay, sự phá rừng đã làm độ che phủ thực vật bị giảm nhanh chóng.

 

7. Tài nguyên thủy lợi (sông, biển, hồ, ao)

 

7.1 Sông Hồng là con sông lớn nhất ở Bắc bộ, bắt nguồn từ Vân Nam và chảy qua nước ta ở Lao kai đầu tiên và do Sông Đà và Sông Lô họp lại . Sông Lô lại do Sông Chảy và Sông Gầm tạo nên . Trên sông Chảy có nhà máy thủy điện Thác bà còn trên sông Đà có nhà máy thủy điện Hoà Bình, công suất gần 2000 MW.

 

Từ Việt trì trở ra biển, sông Hồng có những phân lưu như sau: Tả ngạn có các sông Đuống và sông Luộc . Sông Đuống nối sông Hồng với sông Thái Bình đã được nhà thơ Hoàng Cầm thi vị hoá trong bài thơ ‘Bên kia sông Đuống’ (1948):

 

Em ơi buồn làm chi

 

Anh đưa em về sông Đuống

 

Ngày xưa cát trắng phẳng lì

 

hoặc:

 

Ai về bên kia sông Đuống

 

Có nhớ từng khuôn mặt búp sen

 

Những cô hàng xén răng đen

 

Cười như mùa thu tỏa nắng

 

Phụ lưu chính phía hửu ngạn của sông Hồng Hà là sông Đáy. Sông Đáy được nhắc đến trong thơ của Quang Dũng:

 

Bao giờ trở lại đồng Bương Cấn

 

Lên núi Sài Sơn ngó lúa vàng

 

Sông Đáy chậm nguồn qua Phủ Quốc

 

Sáo diều khuya khoắt thổi đêm trăng

 

(Đôi mắt người Sơn Tây)

 

Sông Nam định và sông Phủ lí nối sông Hồng và sông Đáỵ.

 

7.2 Sông Thái Bình do 3 sông là sông Lục nam, sông Thương và sông Cầu họp nên ở ngang Phả Lại và đổ ra biển. Đền thờ Trần Hưng Đạo,-một danh tướng đời nhà Trần vào thế kỷ 13 vì đã đánh thắng quân Nguyên- ở Kiếp Bạc thuộc tỉnh Hải Dương; phía Đông Nam Kiếp Bạc có núi Phả lại, nay có nhà máy điện cùng tên. Phía Đông Kiếp Bạc là các dãy núi Côn sơn vốn có nhiều di tích lịch sử. Nguyễn Trãi (cháu ngoại của Trần Nguyên Đán) cũng thường ở ẩn tại rặng núi Côn sơn.

 

sông Lục Nam bắt nguồn từ Lạng sơn, thượng lưu lòng hẹp, gồ ghề, lắm thác ghềnh nên tốc độ dòng chảy mạnh.

 

sông Thương cũng phát nguyên từ Lạng sơn.

 

sông Cầu bắt nguồn từ vùng Bắc cạn (Bắc Thái).

 

7.3 Sông Kì Cùng (thị xã Lạng Sơn nằm trên sông Kì Cùng) gồm có sông Kì Cùng, sông Bắc Giang, sông Bắc Khê.

 

Hai hệ thống sông Kì Cùng và sông Thương đã tạo nên giao thông đường thủy khá quan trọng, chở nhiều cây tre, nứa, song, mây, gỗ, dược liệu và các lâm sản khác đã theo thuyền bè về xuôi.

 

Các hồ

 

Nhiều hồ thiên nhiên như hồ Ba Bể (thuộc Cao Bằng), hồ Cấm Sơn, hồ Khuôn Thần ở Hà Bắc (hai hồ này thuộc huyện Lục Ngạn, rất rộng, chứa nhiều nước ngọt) nên có thể đóng góp nhiều cho du lịch cũng như dùng nuôi cá.

 

Trong sông ngòi cũng như tại các ô trũng, có nhiều tài nguyên thủy sản như cua, ốc, tôm, cá.

 

8. Tài nguyên khoáng sản

 

Tại miền Bắc, có rất nhiều mỏ: mỏ than đá nhiều nhất ở Quảng Ninh (Đông Bắc), chiếm 98% tổng trữ lượng các loại than của Việt Nam. Than Quảng Ninh chủ yếu là than antraxit, có nhiệt lượng trên 8.000 calo/kg. Than đá giúp chạy nhiều nhà máy nhiệt điện lớn.

 

Về quặng mỏ kim loại, phải kể mỏ sắt Thái Nguyên, còn các loại quặng khác như mangan, titan, đồng, niken, kẽm, chì có rải rác nhiều nơi, nhưng trữ luợng không nhiều.

 

Còn quặng mỏ phi kim loại, phải kể ngay mỏ apatít ở Lao Kay, cung cấp nguyên liệu cho ngành phân bón (supephotphat Lâm Thao).

 

9 Các dân tộc ít người

 

9.1 Vùng Tây Bắc tức hữu ngạn sông Hồng

 

Ở đây ngoài người Kinh, còn nhiều dân tộc thiểu số như người Mèo (H’Mông), người Tày, người Dao, người Thái, chưa kể nhiều dân tộc khác như Nhắng, Phu Lá, Pa ni, Khơ Mú, Tà Ôi Trên 20 tộc người cư trú, trong đó văn hoá Thái, Mường mang tính đại diện hơn cả .Nhạc cụ hơi như khèn, sáo, những điệu múa xoè.

 

Dân tộc Mường cư trú thành 1 dải vòng cung từ Vĩnh Phú dến Sơn Tây lan tận miền Tây Thanh Nghệ Tĩnh. Nền văn hóa Hoà Bình với nghề trồng luá ra đời 5000 năm trước Công Nguyên.

 

Dân tộc Thái từ 6 đến hàng chục ngàn năm về trước đã có người Thái từ nam Trung Hoa theo các sông suối tỏa vào các thung lũng để khai thác ruộng nương từ hữu ngạn sông Hồng đến thượng du Thanh Nghệ. Thái trắng tập trung ở Lai Châu và Hoàng Liên Sơn .Thái đen tập trung ở Nghĩa Lộ, Sơn La.

 

Nổi bật so với các dân tộc khác, dân tộc Thái thích và có khả năng về âm nhạc, văn nghệ, câu ca điệu hát trữ tình.

 

9.2  Vùng Đông Bắc tức tả ngạn sông Hồng

 

Vùng Đông bắc gồm nhiều cư dân nhưng là chủ yếu người Tày, Nùng với y phục giản dị

 

Dân tộc Nùng tập trung ở Cao Bằng, Lạng Sơn, di cư sang Việt Nam từ 300-400 năm gần đâỵ Thơ nhiều thể loại và có cả truyện thơ, truyện cổ giàu tính hiện thực.

 

Dân tộc Tày sống xen với người Nùng trong các thung lũng của trung và thượng du của lưu vực các sông Bằng giang, Kì Cùng, sông Lô, sông Gầm, sông Chảỵ Người Tày tiếp thu văn hoá nhanh chóng của người Việt. Trình độ kinh tế, văn hoá cao nhất so với các dân tộc thiểu số ở miền Bắc.

 

Dân tộc Hmong (Mèo) sống trên các rẻo cao chủ yếu ở Hà Tuyên và trên các sườn núi cao hơn 1500mét. Trồng thuốc phiện, ngô, chăn nuôi, săn bắn giỏi.

 

Dân tộc Dao, sống từ 700 đến 1000 mét.Tập trung ở Hà Tuyên, du canh.nhưng cũng có mặt ở Cao Bằng. Đây là dân tộc láng giềng và gần gũi nhất của dân tộc Hmong.

 

Đó là chưa kể các dân tộc Khơ Mú, Xinh Mun (Sơn La), Ngái (Cao bằng), Sán Dìu, Cao Lan (Vĩnh Phú, Hà Bắc).

 

Sinh hoạt nghệ thuật các dân tộc thiểu số rất đa dạng như người Mường, người Thái, người Tày có múa mùn, múa xòe, múa sạp .Người H’mông có múa khèn, múa ô . Người Dao có múa chuông, muá chim, người Mường thì giỏi đánh cồng.

 

10 Vài cá biệt văn hoá miền Bắc

 

Trước hết văn hoá miền châu thổ sông Hồng vốn là một nền văn hoá nông nghiệp. Nhận xét này kéo theo nhiều tiền đề sau đây:

 

1. Miền châu thổ sông Hồng và sông Thái Bình, đất hẹp người đông, dễ bị lụt. Miền Bắc nhiều lụt hơn các vùng khác nên ngay từ thế kỷ 12 một hệ thống đê điều đã được xây dựng và củng cố qua nhiều thời đại, trải qua triều đại nhà Lý đến ngày nay. Đê vỡ là nạn đói kém xẩy ra .Châu thổ sông Hồng chỉ mới lồi ra khỏi mặt biển chừng 7000 năm nay mà thôi; trước đó là một vịnh biển. Vì mới thành hình nên nhiều nơi vẫn là sình lầy, ao tù ; nhân dân phải phấn đấu với thiên nhiên như lụt, hạn hán để trồng một cây lương thực chủ yếu là lúa nước. Cảnh quan miền châu thổ gồm nhiều cánh đồng bằng phẳng cũng như các ao hồ, các vùng úng trủng.

 

Nhiều ao, hồ, úng trủng nên nông nghiệp có rau muống mọc đầy ao, cây cói, cây đay, bèo hoa dâu; ngoài ra, muốn nuôi sống một dân số đông đảo, cây lương thực thích hợp vơi đất úng nước nhất là cây lúa nước mà cây lúa đòi hỏi nhiều nhân công. Từ lúc cày cấy đến cấy lúa đến thu hoạch, nông nghiệp cổ truyền cần nhiều nhân công nên ngày xưa có các phong tục như:

 

ở rễ (ví dụ: Công anh làm rễ đã tài, ăn hết mười một mười hai vại cà),

 

tảo hôn (vì dụ: Lấy chồng từ thuở mười lăm, chồng chê tôi bé, không nằm với tôi ),

 

đa thê (vì dụ: Trai năm thê bảy thiếp, gái chính chuyên một chồng) .

 

Từ cây lúa nẩy sinh vô vàn ca dao tục ngữ:

 

từ địa hình, địa vật (vì dụ: nơi thì cày cạn, nơi thì bừa sâu ..ruộng sâu cấy trước, ruộng gò cấy sau ..) đến cày cấy (vì dụ: cày cấy vốn nghiệp nông gia, ) đến khí hậu tác oai tác quái (lạy trời mưa xuống, lấy nước tôi uống ..) hoặc

 

Trông trời, trông nước, trông mây

 

Trông mưa, trông gió, trông ngày, trông đêm

 

hoặc:

 

Ơn trời mưa nắng phải thì

 

Thiên tai, lụt lội, hạn hán khiến người dân thường cầu xin cho tai qua nạn khỏi; các lễ hội cổ truyền phản ánh nhiều ước mong(lễ hạ điền, lễ cầu mưa ..) . Đời sống nông nghiệp lam lũ thôn quê , đầu tắt mặt tối nẩy sinh ra nhu cầu giải trí để có thư giãn: các hình thức nghệ thuật dân gian xuất hiện với nhiều thể điệu: hát quan họ, hát chèo, trong đó nhiều ca dao phản ánh thiên nhiên hiền hoà, đồng quê gió mát, tình tự gái trai.

 

Muốn trị thủy, hệ thống đê điều cần xây dựng và củng cố,điều đó đòi hỏi sự đoàn kết của người trong làng, trong xã để đắp đê, một vấn đề sống còn của nhân dân, do đó tổ chức làng xã rất chặt chẽ.

 

2. Miền trung du gò đồi thì nhiều tre bao bọc làng mạc vừa giữ trộm cướp, vừa cho nguyên liệu làm nhà, làm võng, làm nôi; từ thuở lọt lòng mẹ, hài nhi đã được ru trong nôi tre; tường nhà, dụng cụ bắt cá cũng bằng tre; khi nói đến làng mạc, ta luôn luôn hồi tưởng các lũy tre xanh; phải chăng tre, bèo, cây cọ, cây đa đầu đình há chẳng phải là các yếu tố môi sinh phản ánh trung thực các cá biệt của văn hoá miền Bắc?

 

3 Miền núi cao nhiều sắc tộc Thái, Mường cũng có văn hoá riêng của họ với các phong tục tập quán khác nhau.

 

Tóm tắt,môi trường thiên nhiên như khí hậu, đất đai, nước, núi như vậy đã ảnh hưởng đến cảnh quan, đến thực vật, đến các loại hình văn hoá.

 

Sau đây, một vài cá tính đặc biệt của văn hoá nông nghiệp miền châu thổ sông Hồng sẽ được đề cập đến:

 

a/ Bèo hoa dâu

 

Văn chương hạ giới rẽ như bèo

 

Thi sĩ Tản Đà có lần đã than vãn như vậỵ Bèo hoa dâu sử dụng như phân bón ruộng. Trong lá bèo hoa dâu (Azolla) có chứa tảo lam Anabaena azollae có men nitrogenaza cố định nitơ tự do của khí quyển và chuyển thành nitơ hữu cơ . Nông dân còn có lễ hội cổ truyền về bèo dâu, ở vài nơi tỉnh Thái Bình, có nghề ương bèo hoa dâu; nhiều nơi đổ về đây mua bèo giống để đem bón ruộng nhà:

 

Lúa chiêm mà thả kín bèo,

 

Như con nhà nghèo trời đổ của cho

 

b/ Dâu tằm

 

Trên các đất phù sa ven sông miền Bắc, nhiều nương dâu xanh ngắt mà ít gặp miền Trung . Dâu cho lá nuôi tằm, tằm làm kén; kén cho tơ; tơ dệt lụa; ngành tầm tang rất phồn thịnh trước đây và đã sinh ra nhiều ngành nghề khác nhau .Mỗi năm nhiều làng có hội cầu tằm, cướp kén cầu mong sản phẩm lá dâu-con tằm-sợi tơ tươi tốt. Nghề tầm tang ở nông thôn cần nhiều lao động trong gia đình: làm ruộng ăn nằm, chăn tằm ăn đứng; ngành tầm tang đã để lại trong văn học Việt Nam rất nhiều vần thơ tuyệt vời như:

 

Ngàn dâu xanh ngắt một màu (Chinh phụ ngâm)

 

Trải qua một cuộc bể dâu (Truyện Kiều)

 

Năm năm tiếng lụa xe đều

 

Những ngày lạnh rớt gió vèo trong cây (thơ Lưu Trọng Lư)

 

Một cô gái trồng dâu bên bờ sông đã trở thành Ỷ Lan phu nhân

 

c/ Rau muống

 

Vì nhiều ao hồ nên rau muống mọc khắp ruộng, ao. Rau muống vừa ăn lá, vừa làm thức ăn chăn nuôi . Ngoài Bắc, rau muống cũng phổ thông như giá trong Nam.

 

d/ Cây ăn trái ôn đới như mận, lê, táo Sapa , đào và á nhiệt đới như vải (letchi), như hồng mà ở các miền Trung, miền Nam không có .

 

e/ Dược thảo

 

Cũng vì miền Bắc có nhiều vùng rất cao nên có nhiều dược thảo như bạch truật, tam thất. Hoa tam thất có tác dụng an thần, củ tam thất cầm máu nhanh.

 

g/ Cà

 

Cà và rau muống là 2 thức ăn thông dụng trong bữa cơm:

 

Anh đi anh nhớ vợ nhà

 

Nhớ canh rau muống, nhớ cà dầm tương

 

hoặc:

 

Công anh làm rể Chương Đài

 

Ăn hết mười một mười hai vại cà

 

Giếng đâu thì xách ăn ra

 

Không thì anh chết vại cà nhà em

 

Cà có nhiều loài nhưng cà ở đây là cà pháo dùng để muối

 

h/ rau sắng

 

Ngoài ra, phải kể đến 1 loại rau mà Tản Đà đã ghi trong câu thơ:

 

Muốn ăn rau sắng chùa Hương,

 

Tiền đò ngại tốn, con đường ngại xa

 

Mình đi ta ở lại nhà,

 

Cái dưa thì khú cái cà thì thâm

 

Sau khi bài thơ được đăng trên báo thì mấy hôm sau, có nhận một bưu kiện gửi đến trong đó có một bó rau sắng chùa Hương còn xanh tươi kèm thêm mảnh giấy với 4 câu thơ:

 

Kính dâng rau sắng chuà Hương,

 

Tiền đò đỡ tốn, con đường đỡ xa

 

Không đi thời gửi lại nhà,

 

Thay cho dưa khú cùng là cà thâm

 

Vậy cây rau sắng là gì ?

 

Tên thực vật là Meliantha suavis Pierre thuộc họ Rau sắng (Opiliaceae) có nhiều trong vùng của chùa Hương miền Bắc.Tại sao gọi là suavis? là vì lá dùng nấu canh ăn rất ngọt (suave: ngọt) . Chùa Hương được bất hủ hoá qua nhiều bài thơ được phổ nhạc

 

Còn dưa khú trong bài thơ trên cũng còn gặp trong ca dao sau đây, ám chỉ đến cảnh vợ già, chồng trẻ :

 

Ai làm cho cải tôi ngồng

 

Cho dưa tôi khú, cho chồng tôi chê

 

Chồng chê thì mặc chồng chê

 

Dưa khú nấu với cá trê ngọt lừ!

 

Dưa khú nấu với cá trê là món ăn rất cá biệt miền Bắc.

 

h /Thịt cầy

 

Nhiều người vẫn lầm tưởng con cầy là con chó .Thực ra, con cầy là một loài thú hoang mà tên khoa học là Viverricula malaccensis (cầy hương), nặng 4-5 kg. Cày hương có lông xám vàng với những cụm lông màu sẫm dọc thân thường ở theo các bụi tre, rừng rậm..Cày hương có mùi xạ thơm như mùi cơm nếp.

 

Ngày nay vì không còn con cầy nên người miền Bắc ăn thịt chó. Đây cũng là một cá biệt ở miền Bắc hiên đại với nhan nhản quán thịt chó dọc đường từ Vĩnh Phú đến Hà Nội; sau này với cao trào di cư năm 1954 vào trong Nam nên mới xuất hiện nhiều quán ‘nai đồng quê ‘ (để chỉ thịt chó) ở Gò vấp, Hóc Môn, Hố nai, Gia kiệm …

 

i / cây cọ có nhiều ở miền Bắc như ở Bắc Thái, Vĩnh Phú . Lá cọ dùng lợp nhà, làm nón.

 

j / cây cói mọc hoang trên nhiều đầm lầy ở Ninh Bình, Nam định và dùng để dệt chiếu.

 

Cây cói cũng đã để lại nhiều dấu ấn trong văn học Việt nam. Khi Nguyễn Trãi hỏi Thị Lộ:

 

Ả ở đâu nay bán chiếu gon

 

Chẳng hay chiếu ấy hết hay còn

 

Xuân xanh nay độ bao nhiêu tuổi

 

Đã có chồng chưa được mấy con

 

thì Thị Lộ, một cô gái 16 tuổi đã trả lời

 

Tôi ở Tây hồ bán chiếu gon

 

Cớ chi ông hỏi hết hay còn

 

Xuân xanh nay độ trăng tròn lẽ

 

Chồng còn chưa có có chi con

 

k/ Thuốc lào

 

. Cây thuốc này có nhiều vùng Hải dương, Nam Định. Họ lấy lá phơi cho khô rồi thái nhỏ mà đóng thành bánh rồi mới bán cho người ta hút. Hút thuốc Lào phải có bình điếu (làm bằng sành, sứ, tre, gỗ ..)và xe điếu (bằng rễ trúc). Khi hút, phải đổ nước vào bình, cắm xe vào bình điếu, để thuốc, châm lửa và đưa xe kề đến tận miệng để hút; thuốc này vì chứa nhiều nicotin nên phải hút qua nước và xe điếu rất dài để giảm bớt nồng độ nicotin khi hút:

 

Nhớ ai như nhớ thuốc Lào

 

Đã chôn điếu xuống lại đào điếu lên

 

l / Cà cuống có nhiều trong ruộng nước; đó chỉ là một loài sâu có khả năng tiết ra từ các túi dưới cánh một chất mùi rất cay, thường làm gia vị ăn với bánh cuốn .

 

Ca dao sau đây có nhắc đến cà cuống:

 

Con cò chết rũ trên cây

 

Cò con mở lịch xem ngày làm ma

 

Cà cuống uống rượu la đà

 

Chim ri ríu rít bò ra chia phần

 

Chào mào thì đánh trống quân

 

Chim chích cởi trần, vác mỏ đi rao

 

Ca dao này nói lên khi người chết vừa nằm xuống, đã có dân làng rủ rê nhau tham dự để chia nhau ăn uống

 

m/ Lễ hội

 

Nhiều lễ hội trong dân gian như hội chùa Hương, hội đền Hùng, hội Thánh Gióng, hội lên đồng thờ mẫu .Lễ hội là một tổng thể gồm nhiều yếu tố lễ và hội, có phần thiêng liêng và phần đời thường, có cả ước mong và hiện thực. Lễ hội là sơi giây tâm linh liên kết sức mạnh của làng xã

 

Vì miền Bắc cư dân phải đương đầu với những trở ngại thiên nhiên như thiên tai, hạn hán, lụt lội nên làng nào cũng có đền, miếu, am để cầu khẩn các đấng thiêng liêng phù trợ.

 

Hội đền Hùng vào mùa xuân để nhớ ơn Tổ theo câu ca dao:

 

Dù ai đi ngược về xuôi

 

Nhớ ngày giỗ Tổ mồng mười tháng ba

 

Tín ngưỡng thờ mẫu tiếp thu Đạo giáo có tục lên đồng hầu bóng.

 

Nhiều nghi lễ liên quan đến việc gieo hạt, làm đất, cầu mùa; nào là lễ cầu mưa, lễ cầu tằm cướp kén, lễ xuống đồng.

 

n/ Các điệu hát như quan họ (quan họ Bắc Ninh), hát trống quân, hát chèo, hát ả đào cũng là những nét cá biệt trong văn hoá châu thổ sông Hồng.

 

11. Đánh giá các tài nguyên

 

11.1 Các thế mạnh và các hạn chế miền núi

 

Miền núi và Trung du có diện tích tự nhiên hơn 9,8 triệu ha, là vùng diện tích rộng và có tầm quan trọng lớn đối với vùng châu thổ vì mọi ảnh hưởng tiêu cực trên thượng lưu đều ảnh hưởng đến miền đồng bằng: sự phá rừng đưa đến hiện tượng xói mòn, lủ lụt. Miền núi là nơi nhiều tài nguyên khoáng sản và lâm sản nhưng đến nay chưa tận dụng được tiềm năng. Phá rừng do làm rẩy, do lạm thác làm hại đến qũy gien, làm giảm đi sự đa dạng sinh học.

 

Vùng Trung du có nhiều đất có vấn đề, chứa nhiều yếu tố hạn chế như đất chua, nghèo dinh dưỡng, nhiều kết von laterit, bị rửa trôi và xói mòn.

 

Tuy nhiên miền núi có nhiều tiềm năng về du lịch, về thủy lợi, về phát triển các cây ăn trái ôn đới hoặc á nhiệt đới: tiềm năng phát triển các loại cây mận, mơ cũng như cây công nghiệp đa niên như chè, như cà phê, cây có dầu ( như trẩu, thầu dầu) ,chè cũng như chăn nuôi gia súc như bò sữa vì nhiều vùng Thượng du có đồng cỏ . Ngoài ra, ngành lâm nghiệp có nhiều tiềm năng phát triển như rừng gổ, tre trúc cung cấp vật liệu cho các ngành công nghiệp chế biến gỗ, giấy .

 

11.2 Các thế mạnh và các hạn chế miền châu thổ

 

Châu thổ với diện tích tự nhiên hơn 1,7 triệu ha thì đất hẹp người đông nên hiện nay, diện tích trồng trọt cho mỗi người dân chỉ còn 500m2. Số lượng lao động quá dư thừa ở châu thổ sông Hồng, mặc dù từ xưa, dân cư châu thổ đã di chuyển lên cao nguyên, vào miền Nam lập nghiệp.

 

Ngoài cưỡng chế ‘đinh đa, điền thiểu’, châu thổ bị lũ lụt vào mùa mưa . Đó là chưa kể nhiều vùng trủng, phèn, mặn. Tuy nhiên, châu thổ có tiềm năng thâm canh để sản xuất nhiều lương thực (khoai tây, lúa, bắp, đậu nành..) do đó có thể dùng các phó sản nông nghiệp để làm thức ăn gia súc hầu phát triển kỷ nghệ nuôi heo, gà, .Tại các chân trủng, có khả năng nuôi vịt; ở các mặt nước (ngọt, lở, mặn), có khả năng nuôi trồng thủy sản như tôm, cua, sò, ốc …

 

12 Kết luận

 

Từ các nhận xét trên, ta thấy ngay các thế mạnh và thế yếu của 2 sinh hệ thiên nhiên: cần khắc phục các thế yếu và triển khai các thế mạnh.

 

Tuy nhiên, trong đường hướng phát triển, cần luôn luôn chú trọng đến các điểm được tóm gọn trong 4 chữ S sau: Security (Food) nghĩa là An Toàn Lương Thực, Sustainability (Development) nghĩa là Phát triển bền vững, Saving, nghĩa là tích lũy và dĩ nhiên phải kiểm soát nạn buôn lậu xuyên biên giới tức Smuggling. An toàn lương thực vì đó là yếu tố cần thiết để dân đủ ăn, không bị đói kém. Phát triển bền vững để vừa thoả mãn nhu cầu của dân chúng hiện nay mà vẫn không làm hao tổn tài nguyên cho các thế hệ mai sau . Tích lũy để có ngoại tệ và tái đầu tư . Tích lũy là phải tìm mọi khả năng để xuất cảng,xuất cảng các sản phẩm nông sản (chè, đậu phụng, rau qủa ..), ngư sản (tôm đông lạnh ), súc sản (heo đông lạnh, vịt, ) để từ đó có ngoại tệ để đầu tư, thoát khỏi lối sản xuất tự cung, tự cấp thường có từ xưa .Kiểm soát buôn lậu qua biên giới vì không những thất thu thuế má mà còn gây thêm nạn thất nghiệp trong nước.

 

12.1 Núi và trung du:

 

Đồi trọc còn nhiều; phải biến các đồi trọc thành đồi cỏ chăn nuôi, thành rừng cây lấy hạt ép dầu, cây ăn quả, cây dược liệu, gỗ củi theo phương hướng kinh doanh toàn diện, lấy ngắn nuôi dài để tăng thêm tổng sản phẩm xã hội (về nông-lâm nghiệp).

 

Nhiều vùng núi trồng lúa rẫy, làm sự sói mòn tăng thêm, như vậy làm hư tài nguyên cả rừng lẫn đất; loại canh tác này cần nhường chỗ cho các hệ canh tác gồm các cây đa niên rễ sâu như trà, cà phê, sơn, cây ăn trái vừa giúp tái tạo đất, vừa tránh xói mòn.: đó là nông lâm kết hợp (agroforestry), giúp cho sự định canh thay vì du canh. Thực vậy,mối quan hệ hữu cơ giữa nông nghiệp và lâm nghiệp có tính cách quyết định; từ xưa, vì sự tách rời giữa nông nghiệp và lâm nghiệp ở miền núi mà đất đai bị xói mòn nghiêm trọng.

 

Miền Đông Bắc rất phù hợp với cây ăn qủa, vì còn nhiều tiềm năng.Thế yếu là khâu chế biến còn rất thô sơ, yếu kém nên cần phải đầu tư để mở ra hướng xuất cảng nhiều hơn. Công tác giống trở nên rất quan trọng khi mở rộng diện tích cây ăn qủa. Du nhập thêm các giống mới để nâng cao chất lượng và độ đồng đều của sản phẩm, đáp ứng yêu cầu của các thị trường khu vực và quốc tế.

 

Trung du thích hợp để quy hoạch vùng nguyên liệu làm bột giấy (vì có sẵn nhà máy giấy Bãi Bàng) và các cây công nghiệp dài ngày như chè và nhiều cây có hiệu qủa kinh tế cao . Cải tạo đất Trung du đòi hỏi trồng các cây họ Đậu để trồng xen hoặc che bóng cho cây trồng chính, như vậy rất lợi vì cây che bóng giải quyết được năng lượng chất đốt, vừa chống xói mòn rửa trôi, vừ cải thiện độ ẩm của đất..

 

12.2 Châu thổ:

 

Tận dụng tối đa đất bằng cách thâm canh, tăng vụ, phát triển giống chu kỳ ngắn, sản xuất các mặt hàng dễ xuất cảng thay vì chỉ bó khuôn trong khung cảnh tự túc của thôn làng.

 

Xưa kia, miền đồng bằng sông Hồng chủ yếu trồng lúa và màu (đậu nành, bắp, rau cải, khoai lang..) nhưng cần đa dạng hơn bằng cách trồng những loại cây có chu kì ngắn như khoai tây, lúa mì ..có thể trồng ở vụ đông .Các đất ven bãi sông ngòi có nhiều khả năng trồng chuối đem lợi tức nhiều hơn gấp bội lúa, đồng thời nhanh, hiệu qủa kinh tế cao, các vùng ven đô có thể trồng hoa cảnh hoặc rau cải vì dễ tiêu thụ.

 

Công tác thủy nông như trạm bơm điện, hệ thống cống, đập, máng nổi, mương chìm giúp hoàn chỉnh khai thác diện tích vùng chiêm trũng, giúp trồng thêm vụ đông như khoai tây, đậu nành, Đem các giống lúa năng suất cao, kháng sâu bệnh, kháng lạnh. Cơ giới hoá nông nghiệp nhất là sử dụng các máy nhỏ làm đất, giúp trồng được nhiều màu vì làm đất nhanh hơn.

 

Tạo các vùng chuyên canh như vùng cây ăn trái, vùng cây công nghệ ngắn ngày (đậu nành, mè, lạc…), các cây công nghiệp dài ngày (chè, trẩu, cà phê …).

 

Nuôi trồng thủy sản như cá bè trên sông, trên biển, cá nước ngọt, cá nước mặn, các thủy sản khác vì miền Bắc còn nhiều tiềm năng nuôi trồng thủy sản và hải sản.

 

12.3 Môi sinh và phát triển

 

Các tài nguyên thiên nhiên giúp nhiều trong sự phát triển. Vài ví dụ:

 

Lâm sản giúp các kỷ nghệ giấy, kỷ nghệ mộc, kỷ nghệ cưa.

 

Nông sản giúp kỷ nghệ chế biến: nhà máy ép dầu ăn, đóng đồ hộp, nhà máy chế biến trà, caphê, đường, nhà máy xay lúa, sản xuất thực phẩm chăn nuôi.

 

Hải sản giúp các kỷ nghệ như tôm đông lạnh,rất dễ xuất cảng.

 

Khoáng sản như: đá vôi, sét giúp vào kỷ nghệ sản xuất ra ximăng.

 

.quặng apatit ở LaoKay giúp sản xuất ra phân lân.

 

.sét trong các trầm tích giúp vào kỷ nghệ đồ gốm, đồ sứ .cát, vôi, xi măng, gổ lại đóng góp vào kỷ nghệ xây cất, vì dân số đô thị càng ngày càng tăng thì nhu cầu xây dựng càng nhiều.

 

Sự phát triển phải đi đôi với bảo vệ môi trường vì môi trường trong đó có tài nguyên thiên nhiên đóng góp vào các nguyên liệu dùng để chế tạo sản phẩm.

 

Thực vậy, nếu ta không bảo vệ và làm giàu thêm môi sinh như phá rừng, hủy hoại môi sinh thì không còn nguyên liệu cho kỷ nghệ mộc, kỷ nghệ bột giấy, kỷ nghệ cưa.

 

Nếu không có rừng đầu nguồn trên lưu vực thượng lưu , sự xói mòn đất đai của thượng lưu dòng sông sẽ chuyên chở bùn cát hư hại mùa màng ở hạ lưu, khiến hoa màu bị thiệt hại, không có nguyên liệu để sử dụng cho các nhà máy biến chế thực phẩm , đó là chưa nói đến tuổi thọ của các hồ thủy điện (như hồ nước của các nhà máy điện Hoà Bình trên sông Đà, Thác Bà trên sông Chảy ..) bị giảm mạnh vì hồ bị lóng bùn nhiều.

 

Nếu nước ô nhiễm đô thị (từ nhà ở, từ các bệnh viện ..) chảy vào các dòng sông mà không có xử lý trước , nhiều loài hải sản, thủy sản sẽ chết hết. Thực vậy, trong nước thải, ngoài các chất vô cơ, các gốc kim loại nặng và các gốc hữu cơ (hydrocacbua vòng, phenol ..) gọi chung là ô nhiễm hoá học, còn có ô nhiễm sinh học do các vi khuẩn truyền bệnh. Mùi hôi thối của nguồn nước thải, nhất là gần các khu kỷ nghệ gây nên các bệnh về hô hấp.

 

Châu thổ sông Hồng với diện tích tự nhiên hơn 1,7 triệu ha, nhưng với sự đô thị hoá, kỷ nghệ hoá cọng thêm sự gia tăng dân số hàng năm nên đất canh tác trong nông nghiệp càng ngày càng nhỏ: dưới 500m2 cho mỗi đầu người canh tác. Số lượng lao động quá dư thừa ở châu thổ sông Hồng, mặc dù từ xưa, dân cư châu thổ đã di chuyển lên cao nguyên, vào miền Nam lập nghiệp, di cư trước Thế chiến thư hai qua Tân Đảo (Nouvelle Calédonie). Sự gia tăng dân số quá nhanh đã tạo nên áp lực mạnh trên các tài nguyên. Dân đông thì phải xây nhà cửa nên phải đốn rừng lấy củi đốt, lấy gổ làm nhà . Phá rừng thì qũy gen giảm xuống, không còn đa dạng sinh học.

 

Dân đông mà ruộng vườn cũng chỉ chừng ấy thì số nông dân thừa thải ở thôn quê phải ra đô thị để kiếm việc làm, nhưng việc thì không có, nên gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực trong xã hội (thiếu nhi phạm pháp, xì ke, tai nạn lưu thông, mãi dâm..) Dân đông, đô thị hoá làm mất thêm đất canh tác, làm qũy đất nông nghiệp giảm dần. . Do sức gia tăng dân số quá nhanh, nên có sự mất cân đối nghiêm trọng giữa nông nghiệp và lâm nghiệp, giữa trồng trọt và chăn nuôi, giữa khai thác gỗ với việc tu bổ và bảo vệ rừng, giữa cây lương thực và cây công nghiệp.

 

Tóm lại, dân số quá nhiều tạo áp lực trên tài nguyên thiên nhiên.

 

Ngoài cưỡng chế ‘đinh đa, điền thiểu’, châu thổ bị lũ lụt vào mùa mưa . Đó là chưa kể nhiều vùng trủng, phèn, mặn.

 

Tuy nhiên, châu thổ có tiềm năng thâm canh để sản xuất nhiều lương thực (khoai tây, lúa, bắp, đậu nành..) do đó có thể dùng các phó sản nông nghiệp để làm thức ăn gia súc hầu phát triển kỷ nghệ nuôi heo, gà,hoặc trồng các loại cây có hiệu qủa kinh tế cao như các loại rau cải, hoa, cây cảnh, dược liệụ .Tại các chân trủng, có khả năng nuôi vịt; ở các mặt nước (ngọt, lở, mặn), có khả năng nuôi trồng thủy sản như tôm, cua, sò, ốc ..Tại các nơi quanh đô thị, có thể xoay qua các nghề trồng hoa, trồng cây kiểng, có nhiều trị giá gia tăng (value added) hơn là lúa.

 

Tận dụng tối đa đất bằng cách thâm canh, tăng vụ, phát triển giống chu kỳ ngắn, sản xuất các mặt hàng dễ xuất cảng thay vì chỉ bó khuôn trong khung cảnh tự túc của thôn làng.

 

Xưa kia, miền đồng bằng sông Hồng chủ yếu trồng lúa và màu (đậu nành, bắp, rau cải, khoai lang..) nhưng cần đa dạng hơn bằng cách trồng những loại cây có chu kì ngắn như khoai tây, lúa mì ..có thể trồng ở vụ đông. Những ruộng bị ngập úng thì lúa mùa nhiều năm bị thất thu, do đó nên nuôi cá vì lợi tức của cá cao hơn nhiều so với lúa. Các đất ven bãi sông ngòi có nhiều khả năng trồng chuối đem lợi tức nhiều hơn gấp bội lúa, đồng thời nhanh, hiệu qủa kinh tế cao, các vùng ven đô có thể trồng hoa cảnh hoặc rau cải vì dễ tiêu thụ. Nuôi trồng thủy sản như cá bè trên sông, trên biển, cá nước ngọt, cá nước mặn, các thủy sản khác vì miền Bắc còn nhiều tiềm năng nuôi trồng thủy sản và hải sản.

 

Tóm lại, cần lưu ý các lợi thế so sánh (comparative advantages) trong sự sử dụng đất đai.

 

Công tác thủy nông như trạm bơm điện, hệ thống cống, đập, máng nổi, mương chìm giúp hoàn chỉnh khai thác diện tích vùng chiêm trũng, giúp trồng thêm vụ đông như khoai tây, đậu nành. Thử nghiệm các giống lúa năng suất cao, kháng sâu bệnh, kháng lạnh. Cơ giới hoá nông nghiệp nhất là sử dụng các máy nhỏ làm đất, giúp trồng được nhiều màu vì làm đất nhanh hơn.

 

Sự phát triển phải đi đôi với bảo vệ môi trường vì môi trường là gì, nếu chẳng phải là không khí ta thở, đất mẹ nuôi ta, rừng cho nguyên liệu, bảo vệ chu kỳ nước, nước sinh hoạt, nưóc kỷ nghệ:

 

Nước trôi ra bể lại mưa về nguồn

 

Nước non hội ngộ còn luôn

 

Bảo cho non chớ có buồn làm chi.

 

Bền vững về phát triển (development sustainability) phải đi đôi với bền vững về môi sinh (environment sustainability) và bền vững về mặt xã hội (social sustainability).

 

Thực vậy, nếu ta vẽ ra 3 vòng tròn, mỗi vòng tròn tượng trưng cho mỗi thứ bền vững nêu trên, thì chỗ 3 vòng tròn ấy giao nhau có thể gọi là bền vững; không bảo vệ và làm giàu thêm môi sinh như phá rừng, hủy hoại môi sinh thì không còn nguyên liệu cho kỷ nghệ để phát triển,phát triển kinh tế mà không đoái hoài đến các nan đề xã hội như giáo dục, y tế, cách biệt quá đáng giữa giàu và nghèo thì không thể gọi là bền vững.

 

Sự gia tăng dân số, sự đô thị hoá tạo nên áp lực trên đất đai ; muốn thoát khỏi áp lực đất đai là phải tạo các hoạt động phi nông nghiệp trong các lãnh vực như:

 

lãnh vực kỷ nghệ sạch, không ô nhiễm môi trường như kỷ nghệ may mặc, dệt, kéo sợi, kỷ nghệ thông tin văn hoá (máy điện toán, điện thoại di động, ráp lắp truyền hình ..) vốn càng ngày càng quan trọng trong một hành tinh càng ngày càng nhỏ hẹp.

 

lãnh vực dịch vụ như:

 

.du lịch ngoài biển, dọc các hồ thiên nhiên lớn.

 

. du lịch trên đất liền như chùa Hương, các động thiên nhiên như động Hương Tích, ‘nam thiên đệ nhất động’.

 

.dịch vụ bảo hiểm, ngân hàng, giao thông vận tải.

 

Có sự tác động qua lại giữa ba yếu tố: môi sinh, dân số và phát triển. Dân số ảnh hưởng đến môi sinh; môi sinh ảnh hưởng đến sự phát triển; phát triển ảnh hưởng đến dân số.

 

Nếu 3 yếu tố ấy mất thăng bằng, hệ thống kinh tế xã hội sẽ bị rối loạn. Trong nhiệt động học, người ta gọi một hệ thống như vậy bị luật entropy chi phối! 

 

Sự phát triển kinh tế phải đi kèm với sự phát triển xã hội (giáo dục, y tế) và trong sự phân phối đồng đều lợi tức; chỉ số phát triển con người của Việt nam (Human development index) xếp hạng 116 trên 173 nước đủ cho thấy Việt nam cần cố gắng rất nhiều để vươn lên trong sự phát triển nhưng trong sự hài hoà với tài nguyên thiên nhiên.

 

Xem vậy, mọi việc đều có những quan hệ tương tác với nhau. Sự tương tác này được thể hiện:

 

bên trong hệ thống: chăn nuôi liên hệ chặt chẻ đến trồng trọt, trồng trọt liên hệ đến lâm nghiệp.

 

bên ngoài hệ thống: giữa nông nghiệp và kỷ nghệ nhẹ và kỷ nghệ hàng tiêu dùng , giữa dân số và môi sinh . Tóm lại vấn đề đòi hỏi một tiếp cận toàn bộ (holistic approach) để giải quyết.

 

Thái Công Tụng