TÍN NGƯỠNG TRUYỀN THỐNG VIỆT NAM

THỜ TỨ BẤT TỬ

Lưu Văn Vịnh

Đời Hùng Vương, khởi đầu muộn lắm vào 700-800 năm trước Tây lịch, cách đây khoảng 3000 năm, quy tụ con dân sinh hoạt tập trung quanh vùng châu thổ sông Hồng tới châu thổ sông Mã, mạn Bắc lên tới vùng Yên Tử Hạ Long, mạn Nam tới dẫy núi đá vôi Ninh Bình Thanh Hóa.

Nhìn hình các trống đồng tiêu biểu nền văn minh Lạc Việt thời đại lập quốc này có thể thấy Mặt Trời hay gọi tắt là Trời chính là tín ngưỡng của dân tộc cổ xưa, sau này nhân cách hóa thành Ông Trời, Trời Xanh (Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen),Trời Cao, Trời già…Nhật Bản thờ Thái dương thần nữ, người Âu châu nghìn năm trước Thiên chúa giáo có lẽ cũng thờ Mặt trời, có tài liệu cho rằng ông già Noel mặc áo đỏ là dấu vết của tín ngưỡng thờ mặt trời xa xưa.

Cũng như nhiều dân tộc khác và nhiều nền văn minh khác trên thế giới, tín ngưỡng cổ sơ nhất của người Việt là tin vào thần lực vũ trụ thiên nhiên: thần sấm thần sét, thần gió, thần mưa, hoặc quanh mình như thần sông thần núi, thần cây thần đá, thần hang thần động…con người không sinh hoạt biệt lập mà liên lập với thế giới linh thiêng, cầu mong phù trợ của thần lực gia tăng cho đời sống luôn luôn bị thiên nhiên đe dọa.

Khi Đạo Phật vào Việt Nam, khoảng thế kỷ thứ II, và Sĩ Nhiếp tôn sùng cả Phật lẫn Nho, thì tín ngưỡng cổ sơ của Lạc Việt bắt đầu chuyển hóa: thần Sấm thần Sét thành Pháp Lôi Pháp Điện, thần gió thần mưa thành Pháp Vân Pháp Vũ… tứ Pháp này cũng giống như diễn trình Phật hóa đạo Bons bên Tây Tạng thế kỷ thứ VI, đạo Phật gieo hạt giống khế cơ với tín ngưỡng địa phương để dung hòa phát triển mà không triệt tiêu tín ngưỡng bản xứ.

Thời đại Hùng Vương bắt đầu với một bà mẹ: Âu Cơ, lịch sử quật khởi dân tộc bắt đầu với một nữ anh hùng: Trưng Vương, thì lịch sử đạo pháp dân tộc cũng khởi đi từ một người đàn bà: Man Nương.

Man Nương là một cô gái nghèo ở chùa vùng Luy Lâu (phía bắc Hà Nội bây giờ), được pháp sư Khâu Đà La (Ksudra) truyền dậy phép thần thông từ thuở 12 tuổi, lại trao cho nàng một cây gậy trúc trước khi vân du và dặn khi nào hạn hán thì cắm cây gậy xuống đất thì mạch nước sẽ trào ra. Suốt 3 năm Man Nương mang phép gậy trúc ra hoằng dương giúp nhà nông có nước cầy cấy, chuyện đến tai Sĩ Vương, Sĩ Vương cho người đi rước Khâu Đà La thì pháp sư đã đi xa rồi. Truyền thuyết nói Man Nương mang linh thai, sinh ra một gái, nàng bế con trao cho Khâu pháp sư, pháp sư đặt đứa bé vào hốc cây đa giao cho thần cây giữ gìn, sau cây đa bị đổ, thân cây trôi về bến sông Dâu. Khi ấy Man Nương đã già (80 tuổi) ngồi ở bến sông cửa chùa, thấy mọi người không kéo nổi cây đa vào bến, mang búa chặt thì búa gãy, bà mới hỏi cây đa “ có phải là con thì vào đây với mẹ ! “ thì tự nhiên cây đa dạt vào bến. Man Nương biết là cây đã thành thần nên xin với Sĩ Vương cho tạc thành tượng để thờ. Khi thợ xẻ khúc đầu thì trời nổi mây (pháp vân), xẻ khúc nhì trời mưa xuống (pháp vũ), xẻ khúc ba, khúc tư thì trời nổi sấm sét (lôi, điện). Riêng khoảng hốc cây trước kia giữ đứa bé thì cứng như đá, phát hào quang nên được tạc thành Thạch Quang Phật cùng thờ với tượng Pháp Vân ở chùa Dâu, là ngôi chùa cổ nhất Việt Nam và theo sư Pháp Hiền (tk VI-VII) thì là linh địa số một nước Nam ta.

Chuyện Man Nương cho thấy: cây đa có thể thiêng thành Phật, mưa gió sấm sét có thể hóa phép thành pháp độ chúng sinh, chưa kể đứa con (có thể do mối tình vụng trộm giữa Man Nương và pháp sư ! ?) phải dấu đi, phản ánh phần nào phong tục cổ Việt 1800 năm trước.

Trong khi Phật, Lão và Nho du nhập đất Việt thì tín ngưỡng đời Hùng vẫn tồn tại, đó là tín ngưỡng bình dân, là Thần đạo, thờ thần sông, thần núi, thờ anh hùng, thờ nhân vật dị kỳ …gọi chung là ĐẠO NỘI, đối lại với các đạo từ ngoài mang vào. TỨ BẤT TỬ là bốn vị thần chính của Đạo Nội.

TỨ BẤT TỬ LÀ BỐN VỊ THẦN NÀO ?

1. CHỬ ĐỒNG TỬ

Chử lấy tên làng Chử xá, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên bây giờ, Đồng Tử chỉ người mang tâm hồn trong trắng hồn nhiên (như nhi đồng), đấy cũng là xích tử chi tâm của Mạnh Tử ( tâm hồn trẻ sơ sinh ), là Tâm thanh khiết theo Kinh Thánh Thiên Chúa Giáo “ bienheureux ceux qui ont le coeur pur car ils verront Dieu “ (Mathieu) (xem Nguyễn Đăng Thục, Tư Tưởng VN tr. 153).

Chuyện xẩy ra từ đời Hùng Vương thứ III: cha con họ Chử (hay Sử) nhà bị cháy, hết sạch của cải chỉ còn một chiếc khố chia nhau mặc. Khi người cha, Chử Cù Vân chết, dặn con chôn mình trần để khố lại cho con mặc, nhưng người con thương cha nên không nỡ chôn cha trần truồng nên chôn khố theo, còn mình chịu ở truồng, ngày thì trốn tránh dưới cát, dưới sông chờ thuyền buôn qua lại ăn xin hay câu cá ven sông mà sống.

Tình cờ một hôm công chúa Tiên Dong con vua Hùng và đoàn thuyền tuần du đến bến Chử Xá, thấy phong cảnh tươi đẹp liền ghé bãi giăng màn cởi xiêm áo mà tắm, lúc dội nước cát trôi đi mới thấy Chử Đồng Tử nằm trốn trần truồng dưới lớp cát trong bãi lau sậy! Công chúa cho là kỳ duyên bèn cho họ Chử mặc quần áo rồi vời xuống thuyền yến tiệc. Sau đó hai người thành vợ chồng mặc dù vua Hùng không ưng thuận, vì thế công chúa Tiên Dong và Chử Đồng Tử ở lại Chử Xa cùng nhau buôn bán làm ăn.

Chẳng bao lâu, cả vùng ven biển sầm uất, khách buôn ngoại quốc qua lại coi Tiên Dong là chủ xóm làng. Một người lái buôn rủ Chử Đồng Tử đi ra bể xa buôn đồ quí, chỉ một năm tất lời bội phần.Chử Đồng Tử theo lời mang vàng bạc ra bể đi buôn, đến núi Quỳnh Lãng neo thuyền, ghé lên am nhỏ gặp một nhà sư trẻ tên Phật Quang, sư thấy Đồng Tử tiên phong đạo cốt nên bảo Chử Đồng Tử ở lại học đạo. Hơn một năm sau, trước khi trở về đất liền, đạo sư trao cho Chử Đồng Tử một cây gậy và một cái nón có phép thần thông.Chử Đồng Tử đem đạo pháp về dậy Tiên Dong rồi cả hai vợ chồng bỏ việc buôn bán đi theo đường đạo. Một hôm đi đã xa, trời tối mà không thấy dân cư, Chử Đồng Tử mới chống gậy và che cái nón để dừng chân tạm nghỉ. Canh ba đêm ấy, bỗng nhiên chỗ cắm gậy hiên ra thành quách lầu ngọc, đủ hàng văn võ thị nữ tiểu đồng như một tiểu quốc, dân chúng quanh vùng kinh ngạc tấp nập tới dâng cúng ! Vua Hùng nghe tin, tưởng là con làm loạn bèn sai quân tướng tới đánh. Tiên Dong cười nói: “ việc này tự trời xui nên, không phải tại ta làm, sống chết đã có trời, ta đâu dám chống lại cha ! “. Khi quan quân tiến đến bờ sông, đóng trại ở châu Tự Nhiên (sau là Khoái Châu phủ), chưa kịp sang sông thì nửa đêm hôm ấy giông bão nổi lên, cả thánh quách điện đài người vật của vợ chồng Tiên Dong Đồng Tử bay mất lên trời, chỉ còn lại bãi đất không giữa đầm lầy mà thôi. Bãi ấy gọi là bãi Tự Nhiên và đầm ấy gọi là đầm Nhất Dạ (một đêm).

Nhận Xét:

1- Trong bốn vị Tứ Bất Tử, Chử Đồng Tử xuất hiện từ đời Hùng Vương thứ III, xưa nhất.

2- Hai tên Tiên Dong và Đồng tử, bãi Tự Nhiên… cho thấy chuyện này mang ảnh hưởng đạo tu Tiên, mọi sự đều tự nhiên, có, không, giầu nghèo, từ không có khố đến giầu sang cung điện, từ cây gậy cái nón thành lâu đài, trong một đêm rồi lại bay đi mất… Họ Chử từ cửa biển Khoái châu (sau này thứ nhất kinh kỳ thứ nhì phố Hiến cũng từ cảng này!) ra biển Đông, phải chăng là học đạo thần thông từ các nhà tu Bà La Môn hay Phật giáo Tiểu Thừa, trên các thuyền buôn ngoại quốc ? giống như An Tiêm cũng ra biển với chuyện dưa hấu tự nhiên trời sinh trời dưỡng, tất cả từ tiền thân mà thành. Chử Đồng Tử có cây gậy thần, Tản Viên có gậy đầu sinh đầu tử, Phù Đổng nhổ tre làm gậy… phải chăng cây gậy biểu tượng thần lực, hoặc là một pháp khí ?

3- Công trạng hiển linh phù trợ dân nước :

a- Theo truyền thuyết Chử Đồng Tử sau lại gập Tây Cung Tiên Nữ và lấy làm thứ thất, Chử Đồng Tử cầm gậy trúc đọc thần chú cứu người chết đi sống lại, còn Tây Cung thì có thuật viết chữ son đỏ lên giấy đốt đi rồi hòa vào nước làm thuốc chữa bệnh ôn dịch cứu mạng cả trăm người.

Ghi Chú : dưa hấu của An Tiêm gọi là Tây qua và An Tiêm được dân gọi là Tây qua phụ mẫu, từ phương Tây tới.

b -Thời Triệu Việt Vương (tk VI) bị tướng Tầu nhà Lương là Dương Sàn vây ở đầm, Vương bèn lập đàn cầu khấn thì thấy Chử Đồng Tử hiển linh cưỡi rồng xuống đàn, cho Triệu Việt Vương một vuốt chân rồng, dặn cắm lên chỏm mũ thì sẽ phá được giặc. Từ đấy Triệu Việt Vương thấy mình mạnh mẽ bội phần, đánh tan quân Tầu, chém chết được Dương Sàn.

2- Phù Đổng Thiên Vương

Đời vua Hùng Vương thứ VI, nước ta bị giặc Ân đe dọa, vua cho lập đàn cúng tế Long quân xin ngài giáng thiên tướng xuống cứu dân. Ba ngày cầu khấn bỗng trời mưa gió sấm sét ầm ầm thì có một cụ già cao 9 thước râu tóc bạc trắng ngồi ở ngã ba đường, cười nói, múa may… vua thấy dị nhân liền tới thăm hỏi vận nước thì cụ già khuyên vua hãy đi khắp nước tìm kiếm kỳ tài phá giặc, ba năm nữa tất giặc sẽ kéo đến, rồi cụ già biến mất lên trời !

Vua Hùng nghe lời cho sứ giả đi khắp làng mạc tìm nhân tài giúp nước. Khi sứ giả tới làng Phù Đổng, huyện Võ Ninh (nay là Võ Giàng, Bắc Ninh) thì sứ giả gặp một cậu bé lên ba, chỉ nằm ngửa, không biết nói. Khi cậu bé thấy sứ giả đến bỗng nhiên biết nói với mẹ : “ mẹ gọi sứ giả lại đây! “, bà mẹ lấy làm lạ kể chuyện với láng giềng, sứ giả nghe thấy liền tới gặp cậu bé lên ba. Cậu bé nói sứ giả về tâu với vua Hùng: đúc cho ta một con ngựa sắt cao 18 thước, một thanh kiếm dài 7 thước, một nón sắt, để ta phá giặc, không việc gì phải lo !

Sứ giả mừng rỡ, biết là gặp dị nhân, về tâu ngay với vua Hùng, vua mừng lắm liền sai người đúc ngực sắt, rèn kiếm, mũ mão, đem đến cho cậu bé làng Phù Đổng. Biết sứ giả nhà vua sắp đến, bà mẹ lo lắng không biết con mình nói thật hay nói xằng, cậu bé mới cười bảo mẹ: “ mẹ cứ cho con ăn uống mau lớn, việc đánh giặc chẳng phải lo “. Từ đấy cậu bé bỗng lớn lên như thổi :

Bảy nong cơm, ba nong cà

Uống một hơi nước cạn đà khúc sông

Khi giặc An đến núi Châu sơn (huyện Tiên Du, Kinh Bắc), cậu bé liền đứng dậy vươn vai cao hơn 2 trượng, ngửa mặt lên trời gầm lên mươi tiếng, cầm kiếm nhẩy lên ngựa sắt vua ban, hét lên rằng: “ ta là thiên tướng nhà Trời đây “ rồi xông thẳng ra trận, đằng sau dân làng trai tráng kéo theo đánh giặc rất đông.

Ngựa Thánh hí ra lửa, Thánh cầm gươm xông vào đám giặc chân núi Châu sơn giết một hồi lâu đến gãy cả gươm, Thánh liền nhổ cả cây tre mà quất vào giặc :

Đứa thì sứt mũi, sứt tai

Đứa thì chết chóc vì gai tre ngà

Quân giặc khiếp sợ quỳ lạy xin tha: “ ngài là thần tướng trên trời, chúng tôi xin hàng cả “. Đánh tới núi Ninh sóc thì giặc hoàn toàn tan dã, Thánh cởi áo bỏ lại trên núi rồi cưỡi ngựa sắt bay lên trời biến mất. Bây giờ trên núi Sóc sơn còn dấu người ngựa, khóm tre Ngài nhổ lên đánh giặc nay mọc thành rừng ở huyện Gia bình gọi là tre Đằng ngà, chỗ ngựa của Thánh khạc ra lửa cháy mất một xóm nay gọi là làng Cháy.

Vua Hùng tưởng nhớ công đức, phong ngài làm Phù Đổng Thiên Vương, lập đền thờ ngay tại vườn nhà ngài khi trước, lại ban trăm mẫu ruộng cho dân làng để bốn mùa cúng tế.

Nhận xét :

1- Công đức với dân với nước: cậu bé lên ba làng Phù Đổng khi thấy có xâm lăng thì vụt lớn như thổi, cùng dân làng nhổ tre lên mà đánh giặc giữ nước, đánh xong thì biến mất, chẳng màng công danh trần thế. Đây là Triết lý truyền thống cao cả của dân tộc: nhập thế trong tinh thần xuất thế, giúp dân giúp nước vô vị lợi, lúc bình thì hòa vào dân, lúc biến thì cùng cả làng xóm từ lũy tre xanh mà vụt lên đánh giặc, lúc xong việc thì mai danh ẩn tích quên cả chính mình.

2- Đức Trần Hưng Đạo, thường được coi là hóa thân của Phù Đổng Thiên Vương, sau 3 lần đánh Mông Cổ vào thế kỷ 13, được quốc dân tôn thờ như thánh ngay khi còn sống ở đền Sinh Từ, Thăng Long. Ngài giữ đúng truyền thống cao cả của anh hùng dân tộc khởi đi từ Phù Đổng Thiên Vương : quên chuyện nhà lo việc nước, chẳng màng ngôi cao, cùng toàn dân một lòng như cha con đánh cường địch, lấy đoản kháng trường…khi chết lại truyền thiêu xác mình làm tro bón cây.

3- Tín ngưỡng thờ thần của dân tộc tin rằng khi đất nước gặp cơn hiểm nghèo thì trời giáng thiên tướng để cứu dân cứu nước, khi non sông bị ma vương quỷ sứ ám hại tất có ngày thánh xuất để trừ gian diệt ác, dân tộc thờ những bậc anh hùng dấy lên từ dân, cùng sức dân mà oanh liệt bảo vệ quốc gia, chứ không bao giờ trọng người vong bản, lừa dân, hại nước. Đấy cũng là lý do về sau dân chúng tôn thờ Nguyễn Huệ, mặc dầu ở một tầm mức hữu hạn hơn. Thần tướng thánh nhân anh hùng dân tộc có thể định nghĩa là bậc anh tài giết giặc mà không giết dân, cứu nước mà không đưa nước vào vòng binh lửa tranh chấp triền miên quốc tế.

4- Man nương có cây gậy phép, Chử Đồng Tử có cây gậy và cái nón thần thông, tới Phù Đổng thì đã có gươm (có sách lại ghi là cây roi sắt) và ngựa sắt, phải chăng tới thời Hùng Vương thứ VI, văn minh trống đồng, đất Việt đã có lò đúc gang sắt để tiến tới thời mũi tên đồng Cổ Loa khoảng 300 năm trước Tây lịch ? Cụ già cao 9 thước, ngựa sắt cao 18 thước..cho thấy những con số 9, 18 là những biểu tượng, như nói 18 đời vua Hùng thì có thể hiểu là đời vua Hùng rất dài, không nhất thiết là đúng 18 đời hay 18 chi như một số sử gia cố gò cho đúng số 18, cũng như sông Cửu Long không phải có 9 cửa sông mà số 9 chỉ tiêu biểu cho cực đại, như ta nói 9 tầng mây cao.

3- Thánh Tản Viên

Cuối đời Hùng Vương, tức Hùng Vương thứ 18, vua đã già mà không có con trai truyền ngôi, nên nhường ngôi cho con rể, lấy công chúa Ngọc Hoa, là tướng Nguyễn Tuấn, hóa thân của Sơn tinh núi Tản. Lúc ấy Thục Phán, thủ lãnh Au Việt, một bộ tộc ở vùng Tây Bắc nước Việt, đang đánh nước Lạc Việt của nhà Hùng, Nguyễn Tuấn là vị tướng cột trụ mang quân chống trả mãnh liệt.Vua Hùng Vương bị tấn công bất ngờ phải nhảy xuống giếng tự tử, quân Thục giết gần hết họ Hùng và quan quân, riêng phò mã Nguyễn Tuấn mang vợ, Mỵ Nương, chạy lên cố thủ ở vùng Tản Viên Ba Vì. Tướng nhà Thục là Lý Thân tức Lý Ong Trọng tiến đánh từ sông Đà lên, hai bên đánh nhau suốt 2 ngày bất phân thắng bại.Sau cả hai bãi binh, giảng hòa, Thục Phán chém đá ăn thề bảo vệ tôn miếu vua Hùng, tảng đá thề chặt làm hai, một nửa thờ trên đền Hùng, một nửa mang về Cổ Loa, kinh đô mới của nhà Thục. Có thể Nguyễn Tuấn và Mỵ Nương đã chết trên non Tản cùng với nhóm quan quân Lạc hầu Lạc tướng sót lại, có thể lúc này quân Tần với Đồ Thư đang tấn công nước Việt nên Lạc Việt và Thục phải đoàn kết mà chống xâm lăng to lớn hơn…cũng có thể họ Thục đã hoàn toàn thành công nhưng phải an lòng dân Lạc Việt bằng cách tôn thờ lăng miếu vua Hùng…

Người sau thờ Nguyễn Tuấn là Thánh Tản, còn Lý Thân hiệu Ông Trọng sau này An Dương Vương cống cho Tần Thủy Hoàng làm danh tướng (cao 2 trượng 6 thước, khỏe như thần) đánh Hung nô và khi về quê nhà (Từ Liêm tức làng Chèm) chết cũng được thờ làm thánh Chèm.

Truyền thuyết về Thánh Tản rất nhiều và lẫn lộn giữa sử và huyền sử: Nguyễn Tuấn là thần núi Tản, thần núi Tản là Sơn tinh, hay Nguyễn Tuấn là hóa thân của thần núi Tản? Chuyện Sơn tinh-Thủy tinh phản ánh chuyện chống lụt thời xưa khi đồng bằng sông Hồng còn ngập nước, dân cư tụ tập trên miền trung du núi non như Ba Vì, Hương sơn, Việt trì Tam đảo… hay chuyện Sơn tinh Thủy tinh cũng phản ánh khúc Việt sử đời Hùng bị Thục diệt, chuyện đánh nhau ở núi Tản, Nguyễn Tuấn trên núi cao chống với Lý Thân từ Hắc Long Giang (sông Đà) đánh lên ? Có phải Nguyễn Tuấn và Thục Phán, hai chàng trai, cùng đến xin cưới công chúa Mỵ Nương con vua Hùng, rồi Nguyễn Tuấn được vợ mà Thục Phán thì ghen tức nên mang quân đến đánh, hay Thục Phán chủ ý cướp nước Lạc Việt của vua Hùng? hoặc giả tiền lễ, hậu binh, họ Thục thật sự muốn thông gia Hùng-Thục mà họ Hùng thì không muốn ?

Truyền thuyết kể rằng Sơn tinh mang dâng lễ cưới vàng bạc châu báu, các loài chim quí thú lạ như voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao, một chĩnh vàng cốm…đến trước Thủy tinh nên cưới được vợ, còn Thủy tinh đến sau, hụt vợ, nên tức giận làm ra mưa to gió lớn, dâng nước lên để đuổi theo toan cướp Mỵ Nương đã theo Sơn tinh về non Tản chót vót! Sơn tinh làm lưới sắt chắn ngang đường thượng lưu huyện Từ Liêm, Thủy tinh lại đi đường khác từ sông Lý Nhân vào sát chân núi Quảng Oai, men theo bờ Hát giang, ra sông Lư, vào sông Đà đánh mé sau núi Tản, mở cả sông nhỏ dâng nước đánh phía trước núi Tản, “ Đi qua các làng Cam giá, Đông lân, Cổ nhạc, Mỵ xá, đi đến đâu xoáy nước đến thành vực để làm chỗ cho các giống thủy tộc ở, rồi tiến nước lên đánh nhau với thần núi. Thần núi thì bảo dân xung quanh đấy đan phên chắn nước và dùng cung nỏ bắn xuống; lại sai các loại hùm beo, voi gấu, bẻ cây cối vận đá ném xuống sông. Mỗi phen đánh nhau, mưa gió sấm chớp ầm ầm, trời đất mù mịt. Đánh nhau xong rồi thì thấy các loài cá, ba ba, thuồng luồng, chết nổi cả trên mặt sông. Từ đấy hai thần thù nhau, mỗi năm đánh nhau một chuyến “ (Nam Hải Dị Nhân-Phan Kế Bính- Mạc Lâm xb 1968-tr.146-47).

Thánh Tản là thượng đẳng thần, thiêng liêng nhất nước Việt, Cao Biền đời Đường (tk th 8) lập đàn định sát hại như pháp thuật đối với các thần khác, thì thấy thần cưỡi ngựa trắng trên đám mây nhổ vào cỗ tế mà đi. Cao Biền sợ quá tâu với vua Đường là Thánh Tản thiêng quá, không dám ở lâu trên đất Việt và xin trở về Tầu !

Nguyên thánh Tản nhà nghèo vào rừng kiếm củi, chặt phải cây cổ thụ,hôm sau có sao Thái Bạch hiện ra cứu cây sống lại rồi cho ngài một cây gậy đầu sinh đầu tử có phép cứu nhân độ thế. Một hôm ngài thấy lũ trẻ chăn trâu đánh chết một con rắn to, trên đầu có chữ vương nên biết là rắn lạ, liền dùng gậy thần gõ vào đầu rắn làm rắn sống lại, rắn hồi sinh bò xuống sông đi mất. Vài hôm sau, một chàng trai xuất hiện đem vàng bạc châu báu tới biếu ngài xưng là Tiểu long hầu, con Nam Hải Long Vương, mải đi chơi trên trần chẳng may bị bọn trẻ con đánh chết, Tiểu long hầu được thánh Tản cứu sống nên tới tạ ơn. Ngài nhất định không nhận đồ biếu nên Tiểu long hầu mới biếu ngài một cái ống linh tê có thể rẽ sóng xuống thăm Thủy cung. Ngài nhận lời xuống thăm Long cung, Long Vương gặp ngài mừng rỡ mở tiệc 3 ngày khoản đãi, trước khi ra về Long Vương tặng gì ngài cũng không nhận, sau Long Vương mới tặng ngài một cuốn Sách Ước, ước gì được nấy. Từ đó trở đi, thánh Tản trở thành vị thánh thượng đẳng, không thánh thần nào sánh được.Từ biển Nam, qua cửa Thần phù, ngài tới vùng Ba Vì, thấy dân thuần hậu, đất cao ráo, núi xuè ra như cái lọng, bèn ngụ tại đấy, hóa thân quanh vùng tế độ dân gian, diệt trừ yêu quái.

Nhận Xét:

– Làng Lý Nhân có liên quan gì tới Lý Thân, vị tướng nhà Thục đánh nhau với Nguyễn Tuấn không ? Lý Thân tức Lý Ông Trọng có tội giết người đời vua Hùng, có phải vì thế mà quay ra theo nhà Thục xâm lăng không ?

Tại sơn vô hổ lang , câu sấm Trạng Trình cho thấy vùng rừng núi Ba Vì không có hùm beo, vậy truyền thuyết Thánh Tản sai hùm beo voi gấu…đánh lại Thủy tinh chắc là cường điệu hoặc giả thời ấy khu này còn có hổ lang ? Truyền thuyết kể rằng cha Nguyễn Tuấn làm nghề bán dầu ở chân núi Tản, còn Tuấn làm nghề hái củi, về sau làm phò mã và thế vua Hùng làm vua, là ông vua họ Nguyễn đầu tiên trong sử Việt.

– Thục Phán đánh Lạc Việt năm 259 tr.TL, lập nước Âu Lạc năm 258 tr.TL, mãi tới năm 214 tr.TL tức 44 năm sau Đồ Thư nhà Tần mới sang đánh Việt, vậy Thánh Tản đánh nhau với nhà Thục, rút lên núi Tản, và không có chuyện hai bên Âu-Lạc hòa nhau để chống Tần. Sử liệu về khoảng thời gian này rất mù mờ, chưa xác định được. Cột đá thề, một nửa để ở đền Hùng, một nửa để ở Cổ Loa, là Thục Phán thề với ai? chắc Nguyễn Tuấn Thánh Tản không ở đó, có thể Thục Phán chém đá ăn thề cho yên lòng dân Lạc Việt của vua Hùng mà họ Thục đang cần vỗ về để thực hiện việc đoạt nước Việt. Cần ghi thêm là khu ngoài chùa Hương có đền Trình thờ một vị tướng có công bảo vệ vua Hùng, vị tướng này có phải vào đời Hùng Vương thứ 18 không ?

– Truyền thuyết khá rõ, trận đánh giữa Sơn tinh Thủy tinh trộn lẫn chuyện lụt lội với trận chiến giữa vua Hùng cuối (Tản Viên) và nhà Thục, giữa Lạc Việt và Tây Âu. Nhà Thục thắng, xây thành Cổ Loa theo kiến trúc khác hẳn Lạc Việt phương Nam, việc xây thành mãi không xong, phải nhờ tới thần Kim Qui, phải chăng là bị dân Lạc Việt bản địa chống đối. Nhà Thục nói tiếng gì? Tiếng Tầu Tứ Xuyên, tiếng Quảng, hay ngôn ngữ khác ? Được 50 năm nhà Thục bị Triệu Đà đánh bại (207 tr.TL), họ Thục và họ Triệu đều là từ phương Bắc xâm lăng, con cháu Lạc Việt họ Hùng 250 năm sau, lại phục hưng dành lại non sông là Hai Bà Trưng và các nữ tướng … điều này chứng tỏ họ Hùng và Lạc Việt vẫn tồn tại, là căn cơ của dân tộc, không bọn xâm lăng ngoại tộc nào làm mất được.

Núi thắt cổ bồng mà có Thánh sinh , Thánh đây là Thần núi Tản viên hóa nhập vào một đại nhân vật cứu tinh dân tộc, hay Thánh đây chính là Nguyễn Tuấn vị vua cuối đời Hùng, hóa thân trên non Tản, thành Thánh được quốc dân thờ phụng và sẽ hóa thân thành một đại nhân vật cứu quốc tương lai? Dù sao, các sách Dư Địa Chí, như sách của Nguyễn Trãi, đều xác định núi Tản là Tổ sơn của phong thủy đất Việt ta (thuộc tay hổ, Tam Đảo là tay long, sông Hồng chảy ở giữa), Cao Biền thế kỷ thứ 8 sang nước Việt tìm cách trấn yểm cũng phải nhận là Thánh Tản thiêng nhất nước Nam, Hoàng Phúc đời Minh cũng chỉ dám dựng bia trên Tam Đảo chứ không dám động tới núi Tản. Nguyễn Tuấn đã được dân gian nhập một với Sơn thánh núi Tản. Công trình với dân với nước của ngài đã rõ ràng : bảo vệ non sông Hồng Bàng chống lại quân Thục xâm lăng.( Nguyên nước Thục là một nước nhỏ ở vùng Ba Thục bên Tầu, bị Tần diệt, gia tướng mang được bà phi có thai chạy sang Sở, Sở không chứa, phải bỏ sang đất Tây Au, Quảng Tây gần nước Việt ta, bà hậu phi sinh ra Thục Chế, Thục Chế sinh ra Thục Phán, sau Tây Au cho họ Thục ra ở đất Nam Cương tức vùng Cao Bằng, Bắc Việt bây giờ-Khó có thể nói rằng họ Thục thuộc Bách Việt vì gốc ở mãi Ba Thục, trên Tứ Xuyên, vả lại vua Hùng Duệ Vương phải nhảy xuống giếng tự vẫn(?) hoặc vua Hùng và toàn gia tướng, nhạc công.. có thể bị họ Thục giết chết ở núi Sái gần Cổ Loa, nếu thuyết này đúng thì họ Thục không thể là huynh đệ của Lạc Việt ).

– Theo huyền thoại thì Thánh Tản có sao Thái Bạch cho cây gậy thần đầu sinh đầu tử để cứu mạng người, lại có Sách Ước của Long Vương trao tặng. Được cả trên trời lẫn dưới nước phù trợ bản thần, thánh Tản mới trở thành vô song, bất tử. Huyền thoại cũng có ẩn ý nhắc Thánh Tản liên hệ với Long vương hay Lạc Long Quân. Sách Ước của thánh cũng là cuốn kinh của dân, thuở xa xưa khi dân Lạc Việt có hoạn nạn gì thì cầu Bố Lạc Long về cứu, như Lạc Long Quân từng về Hồ Tây diệt Hồ tinh chín đuôi, con tinh này sống hơn ngàn năm thấy thần núi Tản mặc áo trắng- Bạch Y man- nên cũng giả dạng mặc áo trắng bắt trai gái cư dân vùng núi mang về hang động làm hại. Về sau ở Tây hồ (Thăng Long), các nhà sư có pháp thuật mới lập chùa quán để trấn yểm yêu khí, con Hồ tinh này thường được coi là ác sát lực ẩn hiện bên dòng sử Việt cho tới hiện đại.

– Cuốn Sách Ước đã đi vào tiềm thức cộng thể dân tộc, sau này khi các giáo sĩ Tây phương sang truyền đạo có thể đã dùng chữ Ước để dịch tên Cựu Ước và Tân Ước chăng ? Nếu thực vậy, thì các nhà truyền giáo Tây phương quả là rất thâm hiểu nội đạo Việt.

4- Liễu Hạnh Thánh Mẫu

Nàng Công Chúa xinh đẹp như tiên giáng sinh trong gia đình Lê Thái Công mẹ họ Trần, giữa đêm rằm tháng Tám cách đây 500 năm, vào năm 1557 (đời Mạc Phúc Nguyên) tại làng Vụ Bản, Nam Định. Theo sự tích thì nàng là Công chúa thứ hai, con Ngọc Hoàng Thượng đế, lỡ tay làm rơi chén ngọc nên bị trích giáng xuống nước Nam. Nàng lớn lên xinh đẹp lạ thường, thi nhạc đều giỏi, có để lại 4 khúc Xuân,Hạ,Thu,Đông cầm ca. Thái Công cho nàng làm con nuôi bạn, họ Trần, rồi gả nàng cho Đào lang, là con nuôi của ông quan hàng xóm họ Trần ấy. Chúa lấy Đào Lang- một chàng con nuôi họ Trần khi còn thơ ấu bị bỏ rơi nằm dưới gốc Đào- năm 18 tuổi, sinh được một trai, không bệnh mà về trời ngày 3 tháng 3, năm 21 tuổi. Lúc cải táng không thấy hình hài xương cốt mà chỉ thấy một chiếc giầy như dấu tích của tiên để lại cõi tuc. Vì thế Giáng Tiên Liễu Hạnh được thờ ở Phủ Giầy, Nam Định. Chúa thường hiển linh về an ủi mẹ, an ủi chồng và rồi sau đưa chàng về cõi tiên. Xong xuôi Tiên Chúa hóa hiện độ dân lành từ ải Lạng Sơn vào đến cõi Nam…

Xuất thế vi Tiên, Giáng thế vi Phật“. Phật ở đây là Phập nhập thế, là Bồ Tát như Quan Thế Âm, mặc áo trắng, cứu khổ trừ tà… hiển linh làm cô gái đẹp bán nước, kẻ đùa bỡn đều bị thánh phạt lăn ra chết, làm kinh động vua quan ở đèo Ngang Phố Cát, Thanh Hóa, đến nỗi vua phải phong làm Mã Vàng Công Chúa, sửa lại đền miếu cầu thánh cho dân thoát nạn dịch tễ, sau lại tôn làm Chế Thắng Bảo Hòa Hiệu Đại Vương vì Chúa phù trợ quân vua đánh thắng giặc Mán Chiêm Thành! Nhưng sự hiển linh chỉ có thể trở thành một đạo nội lan tràn từ Lạng Sơn tới Thanh Nghệ, từ Phủ Giầy Nam Định tới Đền Sòng Thanh Hóa, Sóc Hương Nghệ An… nếu Tiên Chúa có những tông đồ biết hoằng đạo, biết gieo hạt giống xuống thửa ruộng bình dân đất Việt. Tông đồ ấy là Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan, mà họ Phùng lại là một cao đồ của Trạng Trình, (cũng như Nguyễn Dữ, tác giả Truyền Kỳ Mạn Lục người vào tận Thanh Hóa “tu tiên”, viết truyện kinh dị kim cổ kỳ bút và Trương Thời Cử, thâm hiểu sấm ký)! Thế nên rất có thể cả môn phái Bạch Vân Am phò trợ một linh chúa thành Thánh Mẫu, mở ra một loại tôn giáo bình dân để giữ lấy gốc, mà lúc ấy, đời Hậu Lê độc tôn Nho Giáo, đời Mạc đã có các giáo sĩ du nhập giảng đạo Tây dương… cơ hồ làm cho nền Tam Giáo và nền văn hóa hữu lễ tâm linh Hùng Vương lay động!

Phùng Khắc Khoan gặp Thánh Mẫu Liễu Hạnh hiển linh hai lần ; lần đầu ở chùa Thiên Minh Lạng Sơn là nơi chúa trụ trì, quanh đây có khi chúa hóa hiện làm người đàn bà ngâm thơ dưới trăng, có khi làm bà lão chống gậy bên đường, lúc chúa đang ngồi dưới gốc cây tùng gảy đàn mà hát :….tùng minh vạn hác hề thanh tiêu tiêu…vũ đàn trường khiếu hề độc tiêu dao…

Dịch:

thông reo cửa động rì rào

vỗ đàn vang tiếng tiêu dao một mình

thì vừa lúc sứ giả họ Phùng đi sứ Tầu về nước. Hai người xướng họa đối đáp nhau một hồi thì Chúa biến mất, để lại tên chiết tự thành chữ Liễu Hạnh và một chữ khởi, ngụ ý bảo họ Phùng khởi công làm đền thờ.

Lần thứ hai, họ Phùng và các bạn thơ Lý, Ngô…chơi thuyền lạc lối vào khóm đào xanh tươi, giữa có lầu cao đề bốn chữ “ Tây hồ phong nguyệt “ ngay ở Hồ Tây, Thăng Long. Chúa lần này mặc áo hồng như một thiếu nữ khuê các trên lầu, xướng họa với nhóm thi tửu họ Phùng, tới lúc Chúa kết thúc với câu :

Trăng tròn soi một bóng tiên thôi

thì nhóm bạn bè họ Phùng mới biết là Chúa Liễu hiển linh nơi Tam Tòa Thánh Mẫu, sau Phủ Giầy ( nhất tòa) và Sòng Sơn ( nhị tòa).

Nhận xét :

Ba vị tứ bất tử trước đều ở vào thời xa xưa đời Hùng Vương, Chúa Liễu là vị bất tử nữ giới độc nhất và xuất hiện sau cùng, cách đây khoảng 500 năm (1557).

Tài liệu về Chúa Liễu, theo học giả Nguyễn Đăng Thục, có chép trong sự tích Sòng Sơn Thánh mẫu của Hội Chân Biên của Thanh Hòa Tử, vào đời Nguyễn, “ từ đời Lê đến nay (1847), từ hàng nhất phẩm triều đình, các quan không ai không cúi đầu chịu thờ phụng.. “ (Tư Tưởng Việt Nam tr. 181). Điểm cần nhấn mạnh Chúa Liễu Hạnh xuất hiện vào Triều Mạc, trên đất Nam Định lúc ấy thuộc nhà Mạc (cho tới mãi sông Mã), vậy không thể viết là Chúa sinh vào đời Lê được. Nhiều sử liệu của ta bị nịnh thần nhà Lê sơ và Lê Trịnh thay đổi, rất cần điều chỉnh lại (nhà Lê mất ngôi 65 năm từ 1527 đến 1593, giai đoạn Lê trung hưng trong góc rừng Thanh Hóa-Ai Lao không thể gọi là chính triều, đất chiếm đóng cũng chỉ nhỏ bằng đất Cao Bằng của nhà Mạc sau này và quốc đô Thăng Long suốt 65 năm vẫn thuộc nhà Mạc). Việc thờ cúng Chúa Liễu đi theo với tục lên Đồng bóng, cộng với việc xưng tụng là Thánh Mẫu, cho thấy có nỗ lực đưa Chúa Liễu làm Bà Mẹ thiêng liêng cũa quần chúng nữ giới, từ xưa nay tín ngưỡng dân tộc tồn tại và phát triển là nhờ vào thành phần này. Đàn ông lên đình họp, đàn bà lên đền cúng, cúng Thánh, lạy Phật cùng một thể, và Thánh Mẫu cũng có khi gọi lẫn là Phật Bà, Phật Mẫu, không phân biệt theo cặp mắt bình dân. Ở Tây phương, thờ Chúa Ky Tô, cũng phải thờ thêm Đức Mẹ đồng trinh, cũng có thể là do nhu cầu của nữ giới vốn rất đông và vốn cảm thông với siêu linh sâu mạnh hơn nam giới. Tín ngưỡng hang động, như động Hương tích, cho thấy phần âm, tĩnh, sâu, tiềm ẩn, là phần không thể thiếu trong tâm thức tín đồ.

Chúa Liễu mãi tới đời vua Tự Đức còn được sùng kính, khi Pháp xâm lăng, nhà vua còn cử sứ thần tới đền Sòng xin cơ bút, bài cơ bút này, giống như sấm Trạng Trình, tiên tri sự xuất hiện một bậc thánh nhân vào thời thánh đạo: Trời Nam mở vận Viêm bang…Non xanh mà mọc trắng răng mới kỳ… trắng răng tức Bạch Xỉ, là bậc đại nhân mà Trạng Trình hay nhắc tới.

Ta có câu :

Tháng Tám giỗ Cha

Tháng Ba giỗ Mẹ

Giỗ Cha là giỗ Đức Thánh Trần Hưng Đạo ở đền Kiếp Bạc, hóa thân của Thánh Gióng, Giỗ Mẹ là giỗ Chúa Liễu, bậc thánh Mẫu Trời giáng xuống cõi Nam bang. Dân tộc có Cha Thần Mẹ Thánh kế tiếp cặp Rồng Tiên Lạc Long-Au Cơ để phù tŕ dân tộc.

KẾT LUẬN

Tứ bất tử là bốn vị chính của Đạo Nội, nhưng không phải là tất cả đạo nội. Sau này Đức Thánh Trần, được thờ cúng ngay lúc còn sống (đền Sinh từ) vì đại công đánh Mông Cổ, được coi là hóa thân của Thánh Gióng, đền Kiếp Bạc trở thành một thánh địa của Đạo Nội, cầu đảo trừ tà diệt ma, theo truyền thuyết gươm Thánh Trần linh thiêng, từng chém chết tên phù thủy lai Tầu Nguyên Bá Linh tức Phạm Nhan. Đạo Nội, danh từ không biết từ đời nào, thường dùng để chỉ tín ngưỡng cổ truyền, thờ cúng các bậc linh thánh giúp dân giúp nước trừ tà diệt ma như Từ Đạo Hạnh đời Lý học được phép Mật tông bùa chú trong hang Phật tích, kết hội Bạch liên, dùng gậy thần trôi ngược dòng sông đánh kẻ giết cha là Đại Điên, hùm báo chung quanh đều sợ, lại có phép lột xác tái sinh thành Hoàng tử Lý Dương Hoán…(1116), học trò Đạo Hạnh là Minh Không có phép chữa bệnh cuồng điên hóa hổ cũa vua Lý Thần Tôn (1136), biết phép rút đất, hóa cơm gạo cho nhiều người ăn, khi chết dân thờ cầu đảo mưa nắng rất nghiệm.

Sau này, đời Lê, xuất hiện các người học phép biến hóa thành tiên như Phạm Viên (Nghệ An), Trần Lộc (Thanh Hóa) cao tay phù thủy đặt ra một hàng môn sinh, tự xưng là Phật tổ, hàng dưới là Bồ tát, Kim cương…một thời được dân địa phương mê tín tuân phục, cũng có khi gọi là Đạo nội nhưng không lan tràn rộng. Trong Văn tế sống hai Cô Gái Trường Lưu, Nguyễn Du cũng có nhắc đến đạo sĩ Phạm Viên :

Lên chùa Giằng, toan tu với sư Viên

Rũ sạch làu làu, mua chưa được mũ ni áo vá…

Riêng Từ Thức và Tú Uyên là hai vị thành tiên, có lẽ nhờ phép tu hành của Lão Trang, hoặc hướng về tiên đạo, không phải là Tứ Bất Tử, nhưng cũng được thờ, như Tú Uyên ở đền Bích Câu, Thăng Long. Có thể sách của Hội Chân Biên chép tất cả các vị tu tiên, có tài biến hóa thần thông, nên gây ra ngộ nhận giữa Đạo Nội và Tứ Bất Tử. Đạo Nội có đủ cả Tứ Bất Tử và nhiều vị linh thánh khác, còn ngôi Tứ Bất Tử thì chỉ có bốn vị Chử Đồng Tử, Thánh Gióng, Tản Viên và Liễu Hạnh.

Tứ Bất Tử, cột trụ của đạo nội, nghiêng nhiều về Tiên thánh hoặc Mật tông Phật và Ân Độ Giáo (ảnh hường thấy rõ vào đời Đinh, Lê với các cột kinh Đà La Ni Tổng Trì Tam Ma Địa vùng Hoa Lư), nên đưa tiêu chuẩn Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Dũng… của đạo Nho để gán làm tiêu biểu cho mỗi vị e rằng không thích hợp, mặc dù các vị đều có đủ các đức tính trên của Nho giáo. Lòng tin giản dị của bình dân, đi vào tiềm thức cộng thể, tôn thờ những linh thánh giúp dân giúp nước, mà bao đời công đức hóa hiện đã được dân gian nghiệm là thiêng liêng bất tử, cho nên mang tri thức phân tích vào có thể làm hỏng lòng tin đi.

Cũng như Nhật Bản có Thần Đạo và Thiền làm cốt tủy tôn giáo, Việt Nam cũng có Thần đạo Tứ Bất Tử song hành với Thiền môn Lý Trần làm chủ đạo tinh thần dân tộc.Việc hưng phấn nội lực phải bắt đầu bằng việc phục hưng đạo nội, nội lực tinh thần yếu đuối thì không thể phát khởi một xã hội hùng cường, cơ sở tâm linh trống rỗng thì không thể xây dựng một quốc gia phồn thịnh. Lịch sử cổ kim Đông Tây đều tỏa rực nhân lý đó.


Tín ngưỡng bình dân : thờ cúng ông Địa

.