GIÁO DỤC VIỆT NAM

nhân bản – khai phóng – khoa học

Lưu Văn Vịnh

Triết Lý Giáo Dục

Cổ nhân dùng từ Giáo-Dục mang ý nghĩa giáo hoá chuyển đổi Dục-tức phần căn bản của sinh vật người, dục tính, nhằm thoát khỏi trạng thái tự nhiên của tạo vật sinh ra ( Đào Duy Anh-Hán Việt Từ Điển), định nghĩa giáo dục của Tây phương cũng không khác: từ Education gốc La tinh, ducere=conduire, là dẫn dắt một đứa trẻ thành người lớn, là phát triển mọi tiềm năng (facultes) trí tuệ, tâm lý, đạo đức ( khác với từ Instruction, nghiêng về trí dục).

Quan niệm về giáo dục thay đổi tuỳ thời : 25 thế kỷ trước, Socrate và Đức Phật đều dậy môn sinh tự mình thắp đuốc lên mà đi, tự mình suy ngẫm, người thầy, sư, chỉ mặt trăng nhưng ngón tay không phải là mặt trăng, Socrate dùng phương pháp “đỡ đẻ” tinh thần, giúp thanh thiếu niên bật ra thiên tư sẵn chứa trong lòng, thức tỉnh lương tri. Sau này phương pháp giáo dục trẻ em của Dr. Maria Montessori ( người Ý-1870-1952) cũng bắt nguồn từ triết lý giáo dục ấy, tôn trọng thiên tư, cho trẻ em tự do, tự học, người thầy chỉ hướng dẫn cách dùng các trợ huấn cụ.

Vạn thế sư biểu Khổng Tử cho rằng nên tạo sung túc trước rồi mới giáo hoá : Phú chi giáo chi và ngài cũng cho rằng “ trong các loài, thì loài người đáng sợ nhất ”, may thay, nhân chi sơ tính bản thiện, nên mới có thể giáo hoá con người từ ác sang thiện! Sau này Vương Dương Minh ( đời Minh 1472-1528) đề cao Trí lương tri và Tri Hành hợp nhất làm hướng đi cho Nho học. Môn đệ ông, Chu Di Du có sang VN đời chúa Nguyễn thuyết phục nhưng không được các nho sĩ Việt hưởng ứng nên ông bỏ sang Nhật và thành công ở đây.

Các tư tưởng gia Pháp như Rabelais tk 16, muốn đổ đầy óc học sinh ( une tête bien pleine), Montaigne lại muốn một đầu óc được đào luyện tốt ( une tête bien faite), Rousseau tk 18 chủ trương cần thiên nhiên (nature) làm khởi điểm cho Đạo đức, Auguste Comte tk 19 nhấn mạnh yếu tố xã hội tạo nên nhân cách và mang lại lương tri ( former et réformer l’esprit dans le bon sens) .

Nói chung một nền giáo dục đầy đủ phải bao gồm Trí dục, Đức dục, Thể dục, tổng quát thì thời xưa giáo dục nghiêng về Đức dục mà thiếu Trí dục, ngày nay lại nghiêng nhiều về Trí dục mà thiếu Đức dục. Đức dục chỉ còn trông cậy vào Tôn giáo và gia đình, công dân giáo dục giao cho luật pháp điều lệ chỉ dẫn !

Truyền Thống Giáo Dục của Văn Hoá Việt

Mỗi nền văn hóa đều kết tinh nên một loại người gương mẫu (role model, idol, hay Pháp ngữ : homme type), mẫu người Quân tử của Nho giáo, mẫu người Lịch sự quý phái-gentleman của Anh quốc, người hiệp sĩ (chevaliers) thời Trung cổ, mẫu người Võ sĩ Samurais của Nhật bản, mẫu người đạo sĩ-yogi của Ấn độ, Tiên ông tiên nữ của Lão Trang, trượng phu và thiện trí thức của Phật.. mẫu người xả thân vì giáo vụ như nhà truyền giáo Thiên chúa giáo (missionnaires) chưa kể các mẫu người khác như người công dân tốt – bon citoyen của Pháp, mẫu người kinh doanh quản trị của xã hội kinh thương mới-businessman, entrepreneur, hoặc mẫu người do ý thức hệ tạo ra như siêu nhân của Nietzsche (1)

Xã hội Việt Nam, cả hai nghìn năm thấm nhuần văn hóa Tam giáo, cả ba nghìn năm đặt căn bản trên làng xã lũy tre xanh, hẳn cũng kết tinh một mẫu người lý tưởng bình dân thuần túy dân tộc : đấy là mẫu người HIỀN LÀNH.

Thật vậy, trong ngôn ngữ Việt, phẩm từ HIỀN được dùng nhiều nhất để chỉ định một người TỐT : Mẹ hiền, vợ hiền, cha hiền, anh hiền, chị hiền, vua hiền, tôi hiền..hiền như Bụt, ở Hiền gặp lành.. hay hiền như ma soeur.!

Ta nói Ở hiền gặp lành, thì cũng như nói làm Phước thì có Đức, ngược lại với câu “ Đời cha ăn mặn đời con khát nước”, đó là lối bình dân diễn ý nhân quả,..một cách thiết thực nôm na. Người hiền lành chính là người lương thiện, có đức, có độ lượng..là đối cực của ác, bất lương, hung dữ.

HIỀN trong tiềm thức Việt bao gồm ý nghĩa : hiền lành, hiền lương, hiền đức, hiền hòa..hơn là hiền tài, hiền triết, hiền giả, mặc dầu nội dung của HIỀN nôm na và HIỀN nho bao bọc nhau, hiền thê hay vợ hiền cũng cùng một ý.

Khi nói ông Tô Hiến Thành là bậc tôi hiền thì không có nghĩa là hiền như cục đất, hay hiền triết cao xa, mà chỉ có nghĩa là người lương thiện, có tài năng đức độ chăm lo việc nước, hiền hòa với mọi người.

Người Hiền là người gương mẫu của dân Việt, được mọi người ngưỡng mộ, khi ở cấp quốc gia, như vua Hùng gặp giặc Ân phải đi cầu hiền đánh giặc, triều Trần xây gác Tập Hiền (1280) trong thành Thăng Long để quy tụ các người hiền trong dân gian theo truyền thống vua dân một lòng của hội nghị Diên Hồng..Chúa Nguyễn trọng dụng người hiền Đào Duy Từ, vua Quang Trung vời người hiền La sơn phu tử..ra giúp nước v..v..

Cũng có thể nói mẫu người HIỀN LÀNH Việt Nam là kết tinh của văn hóa hiếu hòa dân tộc, bao dung nhân bản, đồng tôn mọi đạo giáo, chủng tộc, là ước mơ của người dân được sống yên lành, là mục tiêu của giáo dục lễ giáo, lấy LỄ NGHĨA hun đúc con người, tước bỏ thú tính hung ác, bồi đắp nhân tính, Hiền từ bên trong, Lành ra bên ngoài, tạo dựng một xã hội văn hóa HỮU LỄ, tránh sát phạt nhau, tránh tiêu diệt nhau, tránh bạo động..Mẫu người Hiền Lành Việt là kết tinh của đức từ bi nhẫn nhục, đức vô vi nhân ái thương người như thể thương thân, mà người dân tôn sùng kính trọng, là lý tưởng giáo huấn của cổ nhân nhằm xây dựng một xã hội trên thuận dưới hòa với bậc thang giá trị tinh thần sĩ, nông, công, thương, hoặc như mong ước của người mẹ có dâu hiền rể thảo.

Lễ phép hiền hòa là đầu mối của một xã hội nhân bản, làm sao có làng xóm yên vui nếu không giữ lễ phép với nhau? Bỏ lễ phép, cá mè một lứa, xã hội gẫy đổ tán loạn, dân chủ bình đẳng hiểu lệch lạc dẫn tới độc tài phong kiến mới, do bè nhóm bất lương, bất thiện, cặn bã đầu đường xó chợ, hay tư bản gian tham, lôi kéo lương dân vào địa ngục thù hận giai cấp đấu tranh chèn ép nhau.

Mẫu người Hiền Lành quả là kết tinh cần thiết để thực hiện một xã hội thanh bình, ổn định, dân chúng cần người hiền hơn là cần người tài, như Nguyễn Du cho biết :

Có tài mà cậy chi tài

Chữ tài liền với chữ tai một vần

Tài dễ mang đến tai họa cho người và cho mình, hiền mang đến sự lành cho tất cả, nhiều người tài đưa tới tranh chấp, nhiều người hiền mang tới an lạc ..cho nên cổ nhân có tôn trọng kẻ sĩ, có tài, có học, thì cũng không bao giờ quên “ chiêu hiền đãi sĩ”, nghĩa là người Hiền tiêu biểu cho đức độ, luôn luôn được đề cao bên cạnh kẻ sĩ, tiêu biểu cho trí óc. Nhưng, dường như cổ nhân đặt hiền trước sĩ, hiền là con người từ thứ dân đến thiên tử đều kính trọng, còn sĩ vẫn là người xuất thân cửa Khổng sân Trình, vẫn còn vướng vào khoa bảng sách vở, vẫn là người được Tiến Cử lên vua..hiền có thể xuất thân bình dân, có thể không khoa bảng, lấy đức độ khoan dung làm cách xử thế tiếp vật, vua cầu hiền chứ hiền không quỵ lụy vua..Hiền vượt trên danh lợi tham sân si, hiền ở đẳng cấp giai tầng nào cũng là người lành, người tốt, cảm hóa được quần chúng..Tài giỏi là một phẩm tính, hiền lành là một đức tính, khi cổ nhân đặt tiến trình giáo dục nhân cách tu, tề , trị, bình, thì tu, tề nghiêng về đức tính HIỀN, trị, bình nghiêng về phẩm tính TÀI, hiền là gốc, tài là ngọn, có đủ hai, HIỀN TÀI, thì càng hay, còn không thì phải giữ lấy cái gốc HIỀN trước, bàn dân thiên hạ không phải ai cũng có tài năng, nhưng nếu mọi người đều hiền lành thì xã hội mới trở thành an lạc thanh bình, một thiên đường dưới thế vậy.

Một sai lầm trầm trọng của nền giáo dục từ chương, và nhất là nền giáo dục Tây phương hiện tại, là chú trọng tới việc rèn luyện Tài năng, chồng chất kiến thức, mà lơ là hoặc bỏ quên gốc giáo dục tôi luyện tính Hiền Lành..Mục đích của giáo dục đúng nghĩa là tước bỏ thú tính của con người, rèn luyện tu tập thành mẫu người văn vẻ (civilized), chẳng khác gì luyện mãnh thú, hoang thú, thành hiền hòa ngoan ngoãn, sống cạnh nhau, tôn trọng nhau, biết kính biết nhường, ý thức nhân vị nhân tính.

Trong thời đại văn minh kỹ thuật, bên cạnh việc giáo dục trọng kỹ thuật, ta còn cần phát huy gốc giáo dục trọng LỄ của cổ nhân, nói như Nã Phá Luân, phải giáo dục con em từ 30 năm trước khi ra đời, nghĩa là giáo dục chính cha mẹ, thày cô ở học đường.

Văn hóa Việt Nam cốt tủy là văn hóa HỮU LỄ qua cách xưng hô theo gia tộc cô dì chú bác anh em ông cụ..hậu thế con cháu cần bồi đắp văn hóa gốc nguồn này bằng một nền giáo dục nhắm đào tạo mẫu người HIỀN LÀNH, kết tinh của văn hóa Bách Việt Hữu Lễ, chính là lý tưởng sâu rễ bền gốc của giống nòi Việt vậy.

————————————————————————————

(1) Mẫu người văn hoá thường là kết tinh tự nhiên của đạo đức cộng đồng, thành một tấm gương cho quần chúng noi theo ( thí dụ người hiền lành, người lịch thiệp )- Khác với mẫu người do ý thức hệ hay phe nhóm đặt ra như cái khuôn gò ép, mẫu người giả tạo này có thể đưa tới hệ quả tiêu cực ( thí dụ Siêu nhân, Cán bộ… )

MÔ HÌNH GIÁO DỤC ĐỜI THỊNH TRỊ LÝ-TRẦN tk 11-14

Không phải tự nhiên Trời cho mà hai đời Lý Trần sản sinh vô kể

lương tướng tôi hiền như vậy. Suốt 400 năm hai đời Lý Trần đã

thành công vì giữ được ba cơ sở tinh thần dân tộc sau đây:

Cơ sở tinh thần dân bản Hùng Vương

Tuy bị Tàn đô hộ gần ngàn năm, tinh thần dân bản Văn Lang

vẫn kiên thủ ở làng xã và tới Đinh, Lê, Lý, Trần tinh thần này lại có dịp

vươn lên. Các vua quan thời Lý, Trần rất gần gũi với dân, vua Lý

lấy áo đắp cho người già yếu, vua Trần và hoàng thích “gá chân

nhau nằm ngủ”, tướng sĩ coi nhau như cha con anh em (đặc biệt là

Phạm Ngũ Lão), lúc quốc biến thì Vua cẩn trọng hội ý bô lão toàn

quốc (trọng lễ), lúc tuyển tướng chọn quân thì dựa trên đức

độ hiền tài (trọng hiền) nên những người áo vải dân đen như

Phạm Ngũ Lão ngồi đan sọt, Trần Khánh Dư bán than, Nguyễn Khoái,

Yết Kiêu, Dã Tượng… đều có dịp lập công với nước. Tinh thần dân

bản này đã huy động được toàn dân từ làng xóm thôn quê, từ tận

“đáy” dân tộc, nên Lý Thường Kiệt mới phá Tống Bình Chiêm,

Hưng Đạo mới ba lần đại phá Mông Cổ, bằng tự lực tự cường không

có ngoại bang nào trợ giúp đằng sau.

Cơ sở giáo dục văn ôn vũ luyện

Lối học của đời Lý Trần là đạo học làm người, quân bình văn và võ,

không chuộng hư văn khoa bảng, nên đời Lý mới xuất ra những bậc

văn võ toàn tài như Lý Thường Kiệt, Tô Hiến Thành, Lý Đạo

Thành… đời Trần như Hưng Đạo, Trần Quang Khải, Trần Quốc Toản, Phạm Ngũ Lão… Các vua

đời Lý, Trần có đạo lý và dũng lược, lúc

quốc sự đều thân chính đi đẹp giặc, vào sinh ra tử với quan quân,

không ngồi hưởng ngai vàng ngâm hoa vịnh nguyệt như các đời

sau. Đức Trần Hưng Đạo từ sáu tuổi đã được rèn luyện trong cửa chùa chẳng khác chi truyền thống huấn luyện Samurais nơi cổng Thiền !

Truyền thống văn ôn vũ luyện đúng là truyền thống giáo dục

thích hợp với xã hội Việt-Nam, luôn luôn tao loạn và toàn dân

phải thường trực phòng vệ tổ quốc. Truyền thống này, song song

với bao chiến công hiển hách, hiển nhiên là cơ sở giáo dục đúng

nhất cho con người Việt-Nam. Thời loạn, nó cung ứng cho dân tộc

những chiến sĩ thao lược, thời bình nó hun đúc tinh thần thượng

võ, ngay thẳng và quả cảm, có thể ngăn ngừa được kẻ gian ác độc

tài hại dân hại nước. Một xã hội trọng văn, một lớp sĩ “trói

gà không chặt”, khó chống được giặc trong thời loạn, khó cản được

tà trong thời bình”.

Tiếc thay truyền thống giáo dục cao đẹp này từ thế kỷ XV trở đi

(sau Nguyễn Trãi) bắt đầu bị khoa cử hư văn làm lu mờ dần bằng

tiêu chuẩn giáo dục “Tiên học lễ hậu học văn”.

Cơ sở tinh thần dung hóa khai phóng

Bốn trăm năm thịnh trị Lý, Trần đã nhào nặn đúc kết một nền văn

hóa bền vững, nằm trong đại khối văn hóa Đông phương nhưng vẫn

mang sắc thái đặc biệt dân tộc. Phật giáo được xiển dương theo

hướng “Phật tại tâm” của Thiền môn Vạn Hạnh, Trúc Lâm, Nho

giáo được phát huy theo tinh thần “cùng lý chính tâm” của

Chu Văn An, Lão giáo phối hợp với nội đạo Thần Tiên và cùng với

Phật, Nho, bổ túc cho đạo sống quân bình xuất xử, tình và lý,

thiên nhiên và tâm linh.

Nhà Trần đã kết tạo được một “cốt cách” văn hiến, một

bản lãnh trí thức cho kẻ sĩ Việt, một phong độ hiệp sĩ trượng phu bền chặt đến nỗi trải bao

thăng trầm thử thách, nó vẫn tiềm tàng trong một Nguyễn Trường Tộ

theo mới mà không bỏ gốc, trong một Phan Chu Trinh sâu rễ bền gốc

để thâu hóa tân trào, một Nguyễn Thái Học “không thành công thì

thành nhân” phản ảnh rõ rệt bản lãnh truyền thống Đại Việt mà

nhà Trần đã trao truyền lại.

 

MÔ HÌNH GIÁO DỤC TRONG THỜI ĐẠI KỸ THUẬT

Kỹ thuật, kỹ thuật và kỹ thuật

 

Kỹ thuật là chìa khóa của văn minh và là bảo đảm cho sinh tồn nòi giống.

Những cao điểm của văn minh Việt đều gắn liền với cao điểm kỹ thuật: văn minh trống đồng, kỹ thuật nỏ thần mũi tên đồng gần 3000 năm trước, đời nhà Trần kháng được quân Mông nhờ kỹ thuật chế tạo vũ khí (tại trung tâm Vạn Kiếp), thuật đóng cọc xuống lòng sông, hố bẫy ngựa… nhà Mạc coi trọng công thương… các nhà khác từ Hậu Lê chỉ thiên về từ chương nên Việt Nam cả ngàn năm kỹ thuật vẫn ở mức “con trâu kéo cầy”, máy móc không có, dụng cụ nghèo nàn. Nguyễn Ánh không có tàu chiến của người Tây giúp thì không đánh bại được Tây Sơn, súng Cao Thắng không cản được quân Pháp, trận Điện Biên không thể thắng nếu thiếu 200 cỗ pháo đặt quanh núi.

Viện Kỹ Nghệ, Kinh Tế và Thương Mại Đại Hàn (KIET) đưa ra con số sau đây: cứ 100,000 người Đại Hàn thì có 80 kỹ sư, ở Nhật là 41/100,000 ( thời 1980). Nhờ khối kỹ sư đông đảo, Đại Hàn đã đủ nhân lực để vận chuyển guồng máy đại kỹ nghệ ngang hàng với các cường quốc kinh tế khác.

Nhưng ở Việt Nam vì tinh thần từ chương đã bén rễ quá lâu nên cần có cuộc Cách Mạng Giáo Dục mới mong chuyển hóa được xã hội nông nghiệp sang xã hội công nghiệp. Cuộc Cách Mạng Giáo Dục có thể bắt đầu bằng cách chuyển ít nhất 50% các trường tiểu học và trung học thành trường tiểu học và trung học kỹ thuật. Số học sinh khổng lồ này học lên thành kỹ sư các ngành, bỏ ra đi làm có nghề trung cấp trong các ngành công kỹ nghệ. Trong khoảng hai mươi năm, không những có đủ số kỹ sư, số thợ, số cai thợ, mà còn chuyển hướng xã hội về công kỹ nghệ là hướng tất yếu để tồn tại và cạnh tranh trong thế giới kỹ thuật tràn ngập đời sống hàng ngày, từ thành thị đến thôn quê.

Số trường còn lại 50%, cũng phải được chuyển sang thực học, khoa học nhân văn hoặc khoa học thực nghiệm với chủ hướng huấn nghiệp hơn là cung cấp kiến thức tổng quát trên trời dưới đất. Giáo dục thực tiễn này sẽ đào tạo ra một lớp trí thức thực tế, trọng lao động, những “con ong thợ”, những con kiến xây dựng, hơn là những trí thức sa lông, viển vông tranh cãi, dễ đưa xã hội tới loạn động hoặc bất động vì nghĩ mình là “ong chúa” trong tháp ngà.

Ảnh hưởng từ chương của Tàu, ảnh hưởng trí thức Pháp, đã không giúp Việt Nam tiến bộ. Ngược lại ảnh hưởng Anh, Mỹ đã giúp nhiều nước thoát cảnh chậm tiến, nguyên do là nền giáo dục Anh Mỹ trọng làm hơn nói, trọng lao động, đó là nền giáo dục cộng đồng đại chúng uyển chuyển theo nhu cầu thời đại và địa phương. Xã hội ổn định, an cư lạc nghiệp làm sự ghen ghét sân hận giai cấp được giảm thiểu tối đa, tầng lớp trung lưu chuyên nghiệp (professionals, middle class) càng lớn thì xã hội càng bớt xáo trộn, tầng lớp trí thức không tưởng và chính trị gia chuyên nghiệp càng ít thì xã hội càng bớt phiêu lưu. Những xáo trộn của chính trường Pháp, Ý.. trong những năm 1960-1970 đã bớt dần dần từ thập niên 1980 chính là nhờ ở sự chuyển hướng xã hội sang nền kinh tế đại thị trường với kỹ thuật điện tử, tạo ra một lớp chuyên viên và trung lưu đông đảo. Tân Gia Ba, Mã Lai, Nam Dương, Phi, Đại Hàn, Đài Loan, Thái Lan… đã và đang đi theo chiều hướng này. (Tầng lớp trung lưu ở Mỹ, Tây Âu được ước lượng là 80% dân số, ở Viễn Đông và Nam Á là 8 – 11%).

 

Để chuyển hướng xã hội chậm tiến Việt Nam

 

Sức mạnh của xã hội Việt phụ thuộc vào sức mạnh thể xác và tinh thần của người dân, vì thế trọng tâm đại kế kiến quốc phải là:

Quốc sách Dưỡng Sinh và Giáo dục Võ Thuật

Bồi dưỡng cơ thể thiếu dinh dưỡng, chú trọng tới dinh dưỡng mẫu nhi để bảo đảm sức khỏe cho thế hệ tương lai. Nâng cao y tế đại chúng, vệ sinh thành thị và nông thôn, diệt trừ ô nhiễm môi sinh.

Thể dục và Võ thuật cần trở thành môn học bắt buộc từ lớp 1 tới lớp 12. Chính tinh thần thể thao và tinh thần võ đạo là chìa khóa lành mạnh hóa xã hội, là động cơ chuyển vận con người về hướng thiện, thẳng thắn, trung thực, khác hẳn với tinh thần “cạo giấy, mọt sách, mưu mô thủ đoạn…” Thể xác lành mạnh tạo trí lực lành mạnh, nâng cao năng suất làm việc… Xã hội trọng võ thuật đời Lý, Trần, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ (thể thao)… có thể minh chứng cho lập luận trên.

Quốc sách Giáo dục kỹ thuật

Chuyển 50% các trường tiểu học và trung học (từ lớp 1 đến lớp 10) thành trường Kỹ Thuật, 50% còn lại thành trường Huấn nghiệp Cộng đồng dựa trên nhu cầu địa phương. Kiến thức tổng quát được giảng dạy song song nhưng phần áp dụng thực tế phải là trọng điểm sư phạm.

Lớp 11, 12 dành cho các môn nhiệm ý dự bị Đại Học, nhờ thế chương trình Đại Học có thể rút ngắn và tập trung vào các môn chuyên nghiệp. Một số trường có thể dành riêng cho các học sinh có năng khiếu đặc biệt.

Các cuộc cách mạng xã hội xưa nay trong lịch sử phần nhiều là các đột biến tranh giành phe phái, thay chúa đổi ngôi hơn là hoán cải gốc rễ xã hội. Nước Anh không cần hủy bỏ quân chủ mà vẫn có dân chủ trước nước Pháp, nước Nga thay thế phong kiến này bằng loại phong kiến khác, nước Tàu cách mạng văn hóa để thụt lùi… Xét ra cách mạng giáo dục kỹ thuật mới có cơ tạo được lớp người mới, xã hội mới, vừa hợp với trào lưu thế giới, vừa hợp với khung cảnh phức tạp của chính trị nước nhà. Cuộc cách mạng này là cuộc chuyển hoán trường kỳ, tự nhiên, thúc đẩy mọi xu hướng, toàn dân vào lề lối sinh hoạt mới trong vòng 20 năm. Đây không phải là xu hướng tôn thờ máy móc cơ tâm, đây là trào lưu thế giới giúp con người thoát ly bệnh mọt sách, tôn thờ giáo điều, tôn thờ lãnh tụ. Càng hướng về “làm” bao nhiêu, óc khoa bảng và không tưởng càng bớt đi bấy nhiêu; càng hướng về “kỹ thuật” bao nhiêu, tri thức càng bén nhậy và chính xác bấy nhiêu. Đạt tới mức xã hội kinh tế phát triển, kỹ thuật tân tiến, những căn bệnh chậm tiến tự nó sẽ bớt dần và xã hội sẽ có cơ ổn định lâu dài.

Việc Thi cử  

Tránh tối đa việc biến sĩ tử thành nạn nhân của giám khảo, của thiên kiến chủ quan, việc chấm điểm cả trăm ngàn bài thi không những sai lầm mà còn vô lý vì tiêu chuẩn không thể giống nhau giữa các giám khảo, cho nên lối thi trắc nghiệm điện tử phải được áp dụng triệt để, ngoại trừ một số đề luận văn.

Việc dân chủ hoá học đường phải được thanh sát kỹ lưỡng: học sinh không phải nô lệ vào chủ quan tính của thày cô, và thày cô cũng cần thường xuyên tham dự các buổi tu nghiệp cả về sư phạm, nhân cách lẫn kiến thức.

 

TÓM TẮT :

Mẫu người Văn Hoá Hữu Lễ VN là NGƯỜI HIỀN LÀNH.

Đời Lý Trần thịnh trị nhờ vua hiền, tôi hiền, sư hiền, nhờ tinh thần tôn giáo Đồng tôn, dân tộc Đồng quy, xã hội Đồng tiến.

Giáo dục hiện đại cần chú trọng tới việc đào tạo người hiền nhằm phục hưng văn hoá hữu lễ, song song với việc huấn nghệ chuyên môn kỹ thuật.