LƯỢC SỬ CHẾ ĐỘ KHOA CỬ VIỆT NAM

THỜI NHO HỌC

ĐÀO ĐỨC CHƯƠNG

Theo các tài liệu sử, từ thời Đông Hán (25 – 220), nước ta đã có nhiều người sang Tàu du học, đỗ đến Mậu tài hoặc Hiếu liêm. Tuy có trình độ thông thái nhưng vua Hán (Han) không tin dùng vào việc lớn, chỉ cho làm lại thuộc trong xứ. Họ đã nhiều lần kêu nài nhưng mãi đến đời Hán Linh Đế (Han Ling Di; 168 – 189) mới có Lý Tiến giữ chức Thứ sử Giao Chỉ, Lý Cầm làm Tư lệ Hiệu úy (tương đương tể tướng), và Trương Trọng làm Thái thú Kim Thành. Khi Sĩ Nhiếp (Shi She; 187 – 226) làm Thái thú Giao Châu (Giao Chỉ cũ) có mở mang việc học chữ Nho (đã bị gọi lầm là chữ Hán) [1] và trọng đãi trí thức bản xứ, nền giáo dục nước ta bắt đầu phát triển.

Sau đời Sĩ Nhiếp, việc học ở nước ta cũng được các vua chúa Tàu từ Ngô (Wu; 244 – 248), Ngụy (Wei; 264), Ngô – Tấn (Wu Jin; 265 – 279), Tấn (Jin; 280 – 420), Tống (Song; 420 – 479), Tề (Qi; 479 – 505), Lương (Liang; 505 – 543), Tùy (Sui; 603 – 617), Đường (Tang; 618 – 906), Hậu Lương (907 – 922), Hậu Đường (923 – 931) tiếp tục duy trì, nhưng chỉ nhằm đào tạo lớp thư lại giúp việc cho guồng máy cai trị của họ.

Từ năm 931, Dương Đình [2] Nghệ (揚 延 藝) rồi tiếp theo là Ngô Quyền (吳 權) mở ra trang sử mới về nền tự chủ lâu dài. Các triều Ngô (吳; 939 – 965), Đinh (丁; 968 – 980), Tiền Lê (黎; 980 – 1009) còn phải lo cấp thiết về binh bị và ngoại giao hơn là chính trị, chưa thể lưu tâm đến việc học hành và thi cử.

Tuy vậy, việc học chữ Nho vẫn phát triển, nhưng theo chiều hướng tự chủ, ta không đọc theo âm Tàu mà lại là âm Việt. Nơi chùa chiền có những nhà sư học vấn uyên thâm, thông kinh điển, giỏi việc nước, rành văn thơ. Đó là Thiền sư Đỗ Pháp Thuận (杜 法 順; 915 – 990), Ngô Chân Lưu (吳 真 流; 933 – 1011), Nguyễn Vạn Hạnh (阮 萬 行; 938 – 1018) đáng bậc quân sư, đóng góp nhiều cho việc kiến quốc. Sư Vạn Hạnh còn có công dạy dỗ, gầy dựng và mưu lập Lý Công Uẩn (李 公 蘊) lên ngôi (1010 – 1028), khai sáng triều đại Nhà Lý, gây thịnh trị lâu dài cho đất nước.

Một khi nền tự chủ đã vững mạnh, guồng máy hành chánh cần nhiều quan văn có khả năng cáng đáng việc nước; nhu cầu học hành tất phải được mở rộng, và thi cử là điều cần thiết để tuyển chọn hiền tài.

Nền Khoa cử thời Nho học ở nước ta, cũng theo suốt chiều dài nền độc lập, sống huy hoàng suốt 844 năm, khởi đầu từ năm 1075 (Ất Mão), đời Lý Nhân Tông (李 仁 宗; 1072 – 1128), rồi chấm dứt năm 1919 (Kỷ Mùi) đời Khải Định ( 啟定; 1916 – 1925).

Nói một cách khác, nước ta, mạch khoa cử thời Nho học thường gắn bó với dòng lịch sử qua các triều đại:

I – NHÀ LÝ KHAI SINH NỀN KHOA CỬ

Tháng 8 năm Canh Tuất (1070) niên hiệu Thần Vũ (神 武) thứ 2, Lý Thánh Tông (李 聖 宗; 1054 – 1072) lập Văn Miếu ở phía Nam thành Thăng Long cho các hoàng tử vào học, sai đắp tượng Chu Công (Zhou Gong), Khổng Tử (Kong Zi), Tứ phối: Nhan Tử (Yan Zi), Tăng Tử (Zeng Zi), Tử Tư (Zi Si), Mạnh Tử (Meng Zi), và Thất Thập Nhị Hiền (72 học trò giỏi của Khổng Tử) để thờ. Đây là lần lập Văn Miếu và đúc tượng đầu tiên của nước ta.

15_BaiDuongVanMieu_bachKhoaToanThuMo_Wikkipedia

H 1: Bái Đường Văn Miếu.

(Ảnh từ Bách Khoa Toàn Thư Mở)

Để cổ súy Nho giáo và việc học hành khắp nước, vua cho lập Văn chỉ ở các địa phương, hằng năm xuân thu nhị kỳ cúng tế long trọng, chọn ngày Thượng đình tế ở Văn Miếu, ngày Trung đình tế ở Văn chỉ hàng tỉnh, ngày Hạ đình tế ở Văn chỉ hàng xã [3].

Sang đời Lý Nhân Tông (1072 – 1128), niên hiệu Thái Ninh 4 (太 寧), tháng 2 năm Ất Mão (1075) mở khoa thi tuyển Minh Kinh Bác Học Cập Nho Học Tam Trường. Đây là khoa thi Nho học đầu tiên của nước ta. Lê Văn Thịnh (黎 文 盛; 1050 – ?) người làng Đông Cứu, tỉnh Bắc Ninh đỗ thủ khoa, là người có tài, làm quan đến chức Thái sư.

Năm Bính Thìn (1076), Nhân Tông cho lập Quốc Tử Giám ở khu cuối của Văn Miếu, chọn quan viên văn chức có trình độ hoặc những ai nổi tiếng hay chữ cho vào học. Lệ mở trường Quốc Tử Giám tại kinh đô có từ đấy.

Tháng 8 năm Bính Dần (1086) niên hiệu Quảng Hựu 2 (廣 祐), Nhân Tông mở khoa thi Thiên Hạ Văn Học [4]. Mạc Hiển Tích (莫 顯 績; 1060 – ?) người làng Lũng Động, tỉnh Hải Dương đỗ thủ khoa, sung vào Hàn lâm viện Học sĩ và làm quan đến Thượng thư.

Dưới triều Lý Anh Tông (李 英 宗; 1138 – 1175) niên hiệu Đại Định 13 (大 定), tháng 10 năm Nhâm Thân (1152), vua đích thân hỏi thi, như thi Đình, gọi là thi Điện, không rõ tên khoa và số người thi đỗ.

Tháng 8 năm Ất Dậu (1165) niên hiệu Chính Long Bảo Ứng 3 (政 龍 寶 應), Anh Tông mở khoa thi Thái học sinh, có kỳ thi về cách trị dân [5].

Lý Cao Tông (李 高 宗; 1176 – 1210) niên hiệu Trinh Phù 10 (貞 符), năm Ất Ty (1185) mở khoa Sĩ nhân [6] cho thí sinh từ 15 tuổi trở lên, lấy đỗ những người thông kinh Thư, Thi cho vào hầu Ngự điện, tức nơi giảng sách của vua. Khoa này chọn 20 người [7] nhưng chỉ rõ tên 3 người, trong đó Đỗ Thế Diên (杜 世 延) người làng Cổ Liêu, huyện Đường Hào, nay là thôn Thanh Xá, xã Nghĩa Hiệp, huyện Mỹ Vân, tỉnh Hải Dương, đỗ đầu.

Năm Quý Sửu (1193), Thiên Tư Gia Thuỵ 8 (天 資 嘉 瑞), Cao Tông mở thi chọn người tài vào hầu vua học, không rõ tên khoa và số đậu.

Năm Ất Mão (1195), Thiên Tư Gia Thuỵ 10, mở khoa Tam giáo (thi về Nho, Lão, Phật), chọn người thông kinh điển cho đỗ xuất thân.

Còn một khoa nữa trong thời Lý Huệ Tông (李 惠 宗; 1211 – 1224) chép tên 5 người đỗ ở phần Biệt Lục [8], vì tài liệu ghi năm thi (Mậu Thìn, 1208) không phù hợp giữa niên hiệu và triều đại, cần tra cứu thêm.

Nhà Lý trị vì 215 năm (1010 – 1225), ghi được 7 khoa Nho học và 1 khoa Tam giáo, các khoa rất thưa và không đều, trung bình 11 năm và một lần cách 66 năm, có lẽ vì thiếu tài liệu nên sử sách đã bỏ sót, số đậu chỉ ghi được 38 nhưng biết rõ tên chỉ còn 11 người.

II – NHÀ TRẦN ĐEM THI CỬ VÀO NỀN NẾP

Dưới triều Trần Thái Tông (陳 太 宗; 1225 – 1258), năm Đinh Hợi (1227) niên hiệu Kiến Trung 3 (建 中), mở khoa thi Tam giáo, chọn người tinh thông cả Nho, Lão, Phật.

Khoa Nhâm Thìn (1232) niên hiệu Kiến Trung 8, tháng 2 mở khoa thi Nho học đầu tiên của triều Trần, đặt lệ Tam giáp tức chia người trúng tuyển làm ba hạng và gọi tên khoa thi là Thái học sinh. Lấy đậu hàng Đệ Nhất giáp có Trương Hanh (張 亨, 1200 – ?) thứ nhất, Lưu Diễm (劉 燄; 1210 – ?) thứ hai; hàng Đệ Nhị giáp có Đặng Diễn (鄧 演) thứ nhất, Trịnh Phẫu (鄭 缶) thứ hai; hàng Đệ Tam giáp có Trần Chu Phổ (陳 周 普).

Tháng 8 năm Bính Thân (1236) niên hiệu Thiên Ứng Chính Bình 5 (天 應 政 平), Thái Tông chọn nho sinh đã thi đỗ vào hầu vua, sau thành định lệ.

Khoa Kỷ Hợi (1239) niên hiệu Thiên Ứng Chính Bình 8, tháng 2 thi Thái học sinh, đặt lệ hàng Đệ Nhị giáp không phân vị thứ nữa. Khoa này, Đệ Nhất giáp có Lưu Miễn (劉 免) đỗ thứ nhất, Vương Giát (王 戛) đỗ thứ hai; Đệ Nhị giáp có Ngô Khắc (吳 克) và Vương Thế Lộc (王 世 祿).

Tháng 7 năm Bính Ngọ (1246) niên hiệu Thiên Ứng Chính Bình 15, thi Đại tỷ Thủ sĩ (Thái học sinh) lấy đỗ 44 người nhưng chỉ biết tên 3 người, định lệ 7 năm 1 khoa từ đấy. Khoa thi này còn thiếu cứ liệu, nên cũng chỉ được chép ở phần Biệt Lục [9].

Tháng 2 năm Đinh Mùi (1247) niên hiệu Thiên Ứng Chính Bình 16, thi Thái học sinh, định lệ danh hiệu Tam khôi là Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa để phân vị thứ 3 người đậu Đệ Nhất giáp. Khoa này lấy đỗ 48 người, xuất thân theo thứ bậc: Nguyễn Hiền (阮 賢; 1235 – 1255/1256) Trạng nguyên, Lê Văn Hưu (黎 文 休; 1230 – 1322) Bảng nhãn, Đặng Ma La (鄧 摩 羅; 1234 – 1285) Thám hoa. Đến tháng 8 lại thi khoa Thông Tam giáo.

Tháng 2 năm Bính Thìn (1256) niên hiệu Nguyên Phong 6 (元 豐), Thái Tông cho thi Thái học sinh, lấy đậu 43 người, có 2 Trạng nguyên: Trần Quốc Lặc (陳 國 勒) người Hải Dương, đỗ Trạng nguyên Kinh; Trương Xán (張 燦; 1228 – ?) người Quảng Bình đỗ Trạng nguyên Trại [10].

Sang đời Trần Thánh Tông (陳 聖 宗; 1258 – 1278) niên hiệu Thiệu Long 9 (紹 隆), tháng 3 năm Bính Dần (1226) mở khoa thi Thái học sinh, lấy đỗ 47 người. Trạng nguyên Kinh là Trần Cố (陳 固) người Hải Dương, Trạng nguyên Trại là Bạch Liêu (白 遼) người Nghệ An, và cũng là khoa chót lấy 2 Trạng nguyên.

Trong đời Trần Anh Tông (陳 英 宗; 1293 – 1314) niên hiệu Hưng Long 12 (興 隆), tháng 3 năm Giáp Thìn (1304) mở khoa thi Thái học sinh lớn nhất kể từ đầu Nhà Trần [11] có hàng ngàn thí sinh, lấy đỗ 44 người, có 330 người không đậu nhưng qua 4 kỳ nên được vào học ở Quốc Tử Giám. Cải phép thi ra tứ trường, thêm môn ám tả thi ở kỳ nhất, thí sinh viết bài về Thiên y quốc và truyện Mục Tử [12]. Đặt lệ cho các vị Tam khôi đi dạo khắp kinh thành 3 ngày, dùng danh hiệu Hoàng giáp thay cho Đệ Nhị giáp bắt đầu từ đấy. Khoa này, Trạng nguyên là Mạc Đĩnh Chi ( ; 1272 – 1346), cháu nhiều đời của Thủ khoa Mạc Hiển Tích, Bảng nhãn là Bùi Mộ (裴 慕), Thám hoa Trương Phóng (張 放), Hoàng giáp Nguyễn Trung Ngạn (阮 忠 彥; 1289 – 1370) .

Từ sau năm Giáp Thìn (1304) đến năm Giáp Dần (1374), Đại Việt Sử Ký Toàn Thư còn ghi 3 khoa nữa: tháng 10 năm Giáp Dần (1314) Đại Khánh (大 慶) nguyên niên [13], tháng 3 năm Ất Dậu (1345) niên hiệu Thiệu Phong 5 (紹 豐) đời Trần Dụ Tông, và tháng 3 năm Quý Mão (1363) niên hiệu Đại Trị 6 (大 治). Hai khoa đầu thi Thái học sinh, khoa sau cùng thi về văn nghệ tuyển người làm việc trong những quán, các.

Đời Trần Duệ Tông (1373 – 1377) niên hiệu Long Khánh 2 (隆 慶), tháng 2 năm Giáp Dần (1374) tổ chức thi Đình ở cung Trùng Hoa phủ Thiên Trường (thuộc Nam Định) vì vua đang ngự ở đấy. Tên khoa thi Thái học sinh đổi là Tiến sĩ, lấy đỗ 44 người [14], Trạng nguyên là Đào Sư Tích, Bảng nhãn Lê Hiến Phủ, Thám hoa Trần Đình Thám, Hoàng giáp La Tu (羅 修).

Ba khoa Thái học sinh tiếp theo: thứ nhất, mở vào tháng 2 năm Tân Dậu (1381) niên hiệu Xương Phù 5 (昌 符) đời Trần Phế Đế (陳 廢 帝; 1377 – 1388); thứ hai, mở vào tháng 2 năm Giáp Tý (1384) niên hiệu Xương Phù 8; và thứ ba, mở vào tháng 2 năm Quý Dậu (1393) niên hiệu Quang Thái 6 (光 泰) đời Trần Thuận Tông (陳 順 宗; 1388 – 1398). Riêng khoa Giáp Tý, thi ở chùa Vạn Phúc núi Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh.

Năm Bính Tý (1396) niên hiệu Quang Thái 9 đời Thuận Tông, lần đầu tiên trong lịch sử khoa cử nước ta phân cấp thi Hương và thi Hội. Có chiếu quy định cách thức thi Hương, dùng phép thi bốn kỳ, kỳ 1 thi Kinh nghĩa (bỏ môn ám tả), ai trúng tuyển gọi là Cử nhân và mới được dự thi Hội. Định lệ năm trước thi Hương, năm sau thi Hội [15] có từ đấy.

Tóm lại, nhà Trần (1225 – 1400) quy chế thi cử khá đầy đủ, hạn kỳ mở các khoa thi tương đối đều, trừ giai đoạn chống Nguyên. Tuy vậy, tư liệu về khoa cử mất mát nhiều vì cuộc xâm lăng (1407 – 1427) của nhà Minh, nay chỉ còn biết được 21 khoa thi Thái học sinh của thời Trần, với số liệu tạm có là 383 người thi đỗ, nhưng chỉ biết rõ tên 51 người, trong đó có 9 Trạng nguyên, 8 Bảng nhãn, 9 Thám hoa, 6 Hoàng giáp và 19 Tiến sĩ..

06_VanMieuMon_CongDanVaoKhuThuNhat_Wipipedia

H 2: Văn Miếu Môn ở Hà Nội [16]

III – NHÀ HỒ CẢI TIẾN THI CỬ

Khoa Canh Thìn (1400) niên hiệu Thánh Nguyên 1 (聖 元) đời Hồ Quý Ly (胡 季 犛; 1400 – 1401), mở thi Thái học sinh, lấy đỗ 20 người. Đệ Nhất giáp có Lưu Thúc Kiệm (劉 叔 儉, 1373 – 1434), Đệ Nhị giáp có Nguyễn Trãi (阮 廌; 1380 – 1442), Lý Tử Tấn (李 子 晉; 1378 – 1457), Vũ Mộng Nguyên (武 夢 原; 1380 – ?), Hoàng Hiến (黃 憲), Nguyễn Thành (阮 誠), Bùi Ứng Đẩu (裴 應 斗) đều là người có tài nên khoa này rất nổi tiếng.

Năm Giáp Thân (1404) niên hiệu Khai Đại 2 (開 大) đời Hồ Hán Thương (胡 漢 蒼; 1401 – 1407), có nhiều cải cách về thi cử, cứ tháng 8 năm này thi Hương, ai đỗ được miễn lao dịch; tháng 8 năm sau thi ở bộ Lễ, ai đỗ thì được tuyển bổ; rồi tháng 8 năm sau nữa thi Hội, ai đỗ là Thái học sinh. Và tiếp tháng 8 năm sau nữa trở lại thi Hương, chu kỳ 3 năm 1 khoa. Phép thi đến 5 kỳ vì có thêm môn viết chữ và toán pháp. Quân nhân, người làm trò, kẻ phạm tội không được dự thi [17].

Khoa Ất Dậu (1405) niên hiệu Khai Đại 3, thi các Cử nhân ở bộ Lễ, trúng cách 170 người nhưng chưa kịp thi Hội (vào tháng 8 năm sau) thì xảy ra cuộc xâm lăng của quân Minh. Khoa này lấy đỗ Hồ Ngạn Thần (胡 彦 臣), Lê Củng Thần (黎 拱 宸) sung chức Thái học sinh Lý hành (Thái học sinh chưa chính thức), Cù Xương Triều (瞿 昌 朝) sung làm Tư Thiện Đường học sinh (nhà học của Thái tử).

Hồ Quí Ly lên ngôi ngày 28 tháng 2 năm Canh Thìn thì tháng 8 mở khoa thi Thái học sinh; Hán Thương cải tiến thi cử, chú trọng nhân tài. Một triều đại quá ngắn ngủi (1400 – 1407), phần thì lo cả thù trong lẫn giặc ngoài, vẫn mở được hai lần đại khoa, lấy đỗ 190 người nhưng vì sách vở của nước ta bị quân Minh thu về Kim Lăng tiêu hủy nên chỉ còn biết rõ tên 13 người, trong đó có 1 Thám hoa, 6 Hoàng giáp và 6 Tiến sĩ.

IV – NHÀ LÊ CHÚ TRỌNG KHOA CỬ, KHÍCH LỆ NHÂN TÀI

Ngay từ lúc còn vây thành Đông Đô và đặt bản doanh ở dinh Bồ Đề, Lê Lợi (黎 利) đã mở khoa thi Bính Ngọ (1426) niên hiệu Thiên Khánh 1 (Trần Cảo), lấy đỗ 32 người, chia làm hai hạng: Giáp đẳng có Đào Công Soạn (陶 公 僎; 13811458), Nguyễn Dực (阮 翼); Ất đẳng có Nguyễn Tông Vĩ (阮 宗 偉)…

Dưới triều Lê Thái Tổ (黎 太 祖; 1428 – 1433), năm Kỷ Dậu (1429) niên hiệu Thuận Thiên 2 (順 天), mở khoa Minh Kinh Bác Học, số người đỗ không rõ, sử sách ghi được 7 người như Triệu Thái (趙 泰), Trình Thuấn Du (程 舜 俞; 1402 – 1481), Phan Phù Tiên (潘 孚 先; 1370 – 1482)…

Năm Tân Hợi (1431) niên hiệu Thuận Thiên 4, mở khoa Hoành từ, không rõ số đậu.

Khoa Quý Sửu (1433), Thuận Thiên 6, vua lại thân thi văn sách, số đậu không rõ, chỉ biết 1 người là Chu Xa (朱 車).

Lê Thái Tông (黎 太 宗; 1434 – 1442) năm Thiệu Bình 1 (紹 平; 1434) xuống chiếu định phép thi chọn kẻ sĩ, cứ thi Hương năm trước ở các đạo thì năm sau thi Hội ở Đô Sảnh đường, định lệ 3 năm 1 khoa, phép thi bốn kỳ: Trường 1, thi kinh nghĩa và Tứ Thư nghĩa; Trường 2, thi chiếu, chế, biểu; Trường 3, thi thơ, phú; Trường 4, thi văn sách.

Và khoa thi Tiến sĩ năm Nhâm Tuất (1442), niên hiệu Đại Bảo 3 (大 寶) đời Thái Tông, là quy củ nhất. Quan trường được chuẩn hoá chức danh, phân nhiệm rõ rệt: quan Đề điệu giám sát, chịu trách nhiệm tổng quát khoa thi; chánh phó Chủ khảo và các Giám thí trách vụ chấm bài; vị Tuần xước cai quản quân canh, lính hầu, voi ngựa, lo việc trật tự trường thi; ban Di phong lo niêm phong, đánh mật mã, rọc phách bài thi; ban Đằng lục trách nhiệm sao chép y nguyên văn bài làm của thí sinh; ban Đối độc lo việc đối soát giữa bản chính và bản sao của bài thi. Các tân khoa được ban áo mũ Tiến sĩ, dự tiệc yến ở vườn Quỳnh Lâm, được cấp lính hầu và ngựa tốt, đón rước về quê quán vinh quy bái tổ và được khắc tên vào bia đá dựng ở Văn Miếu. Những ân điển đó thành lệ bắt đầu từ khoa này.

Đời Lê Nhân Tông (黎 仁 宗; 1443 – 1459), các khoa thi vẫn tiến hành theo định lệ. Niên hiệu Thái Hoà 6 (太  和), tháng 8 năm Mậu Thìn (1448) thi Hội. Vào thi Đình, Ngự đề văn sách hỏi về lễ, nhạc, hình, chính; chia số người đỗ làm hai hạng: Chính bảng gồm Tam khôi và 12 vị Hoàng giáp, Phó bảng gồm 12 người đỗ Đệ Tam giáp Đồng Tiến sĩ xuất thân.

Riêng hai khoa Quý Dậu (1453) và Mậu Dần (1458) không thi Đình nên chỉ có Hội nguyên mà không có Tam khôi.

Triều Lê Thánh Tông (黎 聖 宗; 1460 – 1497) niên hiệu Quang Thuận 3 (光 順), mở khoa thi Hương năm Nhâm Ngọ (1462) ở các đạo, gọi những người trúng cả 4 trường là Hương cống (Cử nhân), trúng 3 trường là Sinh đồ (Tú tài). Định lệ thi Hương vào các năm Tý, Ngọ, Mẹo, Dậu; thi Hội các năm Sửu, Thìn, Mùi, Tuất. Đặt lệ bảo kết cho thi Hương: kẻ nào bất hiếu, bất mục, bất nghĩa, loạn luân, điêu toa dù có văn tài cũng không được dự thi. Ngoài ra, những kẻ phường chèo, con hát, tội phản nghịch, ngụy quan có tiếng xấu thì bản thân và con cháu (3 đời) bị cấm thi. Xã trưởng làm giấy bảo đảm và quan sở tại ký nhận người dự thi có đủ đức hạnh và không phạm những điều trên.

Khoa thi Hội năm Quý Mùi (1463) niên hiệu Quang Thuận 4, các Hương cống về kinh dự thi đến 4400 người, lấy đỗ 44 Tiến sĩ, vẫn theo lệ nhà Trần phân Tam giáp và Tam khôi, nhưng danh hiệu Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa thì gọi là Đệ Nhất giáp Tiến sĩ cập đệ Đệ Nhất danh, Đệ Nhị danh, Đệ Tam danh; Hoàng giáp gọi là Đệ Nhị giáp Tiến sĩ xuất thân, không phân biệt thứ bậc, chỉ yết bảng theo thứ tự số điểm cao thấp; hàng Đệ Tam giáp gọi là Đệ Tam giáp Đồng Tiến sĩ xuất thân (không phân thứ hạng). Đặt lệ trao cờ Tam khôi, truyền lô ở nhà Thái học, treo bảng vàng ở cửa Đông Hoa. Khoa này nổi tiếng vì hàng Tam khôi có Lương Thế Vinh (梁 世 榮; 1441 – 1496) Đệ Nhất danh, Quách Đình Bảo (郭 廷 寶; 1440 – ?) Đệ Tam danh; hàng Đệ Nhị giáp có Vũ Hữu (武 有; 1444 – 1530); hàng Đệ Tam giáp có Lê Nghĩa (黎 義) đều là những nhân tài, chính trực danh tiếng.

Khoa Tân Sửu (1481) niên hiệu Hồng Đức 12 (洪 德) đời Thánh Tông, lấy đỗ 40 người gồm 3 Tiến sĩ cập đệ, 8 Tiến sĩ xuất thân và 29 Đồng Tiến sĩ xuất thân. Phạm Đôn Lễ (范 敦 禮; 1455 – ?) đỗ đầu cả ba khoa Hương, Hội, Đình lúc 27 tuổi, người đời gọi là Tam nguyên Đôn Lễ.

Khoa Giáp Thìn (1484) Hồng Đức 15, thi Hội có 44 người trúng cách, Phạm Trí Khiêm (范 智 謙; 1461 – ?) đạt Hội nguyên nhưng vào thi Đình, gặp ngự đề văn sách “Triệu Tống dùng Nho” chỉ được học vị Đệ Nhị giáp Tiến sĩ xuất thân (Hoàng giáp), Nguyễn Quang Bật (阮 光 弼; 1463 – 1505) vượt lên lãnh Đệ Nhất giáp Tiến sĩ cập đệ Đệ Nhất danh (Trạng nguyên). Đáng nhớ hơn hết, khoa Giáp Thìn đánh dấu một sự kiện quan trọng, lần đầu tiên trong lịch sử khoa bảng thực hiện dựng bia đồng loạt cho các khoa Tiến sĩ từ năm 1442 đến 1884, gồm 10 tấm, đặt ở Vườn Bia trước Đại Thành Môn trong khu Văn Miếu tại kinh đô Thăng Long.

41c

H 3: Vườn Bia Tiến Sĩ trong khu Văn Miếu.

(Nhiếp ảnh gia Nguyễn Huy Trực chụp, 1993)

Triều Lê gần đúng 100 năm (1428 – 1527), ngay từ lúc mới nối ngôi, năm 1434, niên hiệu Thiệu Bình 1, Lê Thái Tông đã xuống chiếu nói rõ chủ trương: “Muốn có được nhân tài, trước hết phải chọn lựa kẻ sĩ, mà phép chọn lựa kẻ sĩ phải lấy thi cử làm đầu...” [18].

Vì thế suốt thời đại ấy việc học hành, thi cử phát triển mạnh và thành nền nếp. Từ năm 1505 càng về sau liên tiếp gặp biến loạn nhưng thi cử vẫn thịnh, các khoa Tiến sĩ vẫn mở đều ở các năm 1505, 1508, 1511, 1514, 1518, 1520, 1523, 1526, sĩ tử vẫn đông. Chẳng hạn khoa Giáp Tuất (1514) niên hiệu Hồng Thuận 6 (洪 順) đời Lê Tương Dực (黎 襄 翼; 1509 – 1516) có đến 5700 Hương cống (Cử nhân) dự thi.

Tóm lại, thời Lê sơ đã mở 31 khoa thi Tiến sĩ, có đến 1038 lượt người thi đỗ, biết rõ tên 1008 người, trong đó có 20 Trạng nguyên, 21 Bảng nhãn, 22 Thám hoa, 316 Hoàng giáp và 629 Tiến sĩ.

V – NHÀ MẠC, THI CỬ THEO NỀN NẾP THỜI LÊ

Dưới triều Mạc Đăng Dung (莫 登 庸; 1527 – 1529), niên hiệu Minh Đức 3 (明 德), năm Kỷ Sửu (1529) mở khoa Tiến sĩ, lấy đỗ 27 người: hàng Đệ Nhất giáp Tiến sĩ cập đệ có Đỗ Tông (杜 綜; 1504 – ?) Đệ Nhất danh, Nguyễn Hãng (阮 沆; 1488 – ?) Đệ Nhị danh, Nguyễn Văn Huy (阮; 1486 – ?) Đệ Tam danh; hàng Đệ Nhị giáp Tiến sĩ xuất thân có 8 người, Nguyễn Vân Quang (阮 雲 光) đứng đầu; hàng Đệ Tam giáp Đồng Tiến sĩ xuất thân có 16 người, Nguyễn Hữu Hoán (阮 有 煥) đứng đầu.

Nhưng khoa thi nổi tiếng vẫn là khoa Ất Mùi (1535) niên hiệu Đại Chính 6 (大 正) đời Mạc Đăng Doanh (莫 登 瀛; 1530 – 1540), lấy đỗ 32 người. Nguyễn Bỉnh Khiêm (阮 秉 謙; 1491 – 1585) cả 5 trường thi (4 kỳ thi Hội và kỳ thi Đình) đều đỗ đầu, xứng đáng đạt học vị Đệ Nhất giáp Tiến sĩ cập đệ Đệ Nhất danh. Tuy ông xuất thân dưới triều Mạc, nhưng cả ba thế lực Mạc, Trịnh, Nguyễn đều nể trọng, xem như bậc thầy, các việc trọng đại đều hỏi ý kiến, và người đời quen gọi là Trạng Trình (đỗ Trạng nguyên và tước Trình Quốc Công).

Trong 68 năm (1527 – 1595) nhà Mạc trị vì, đất nước ta lâm vào tình trạng nội chiến khốc liệt giữa Nam Bắc Triều, nhưng các vua Mạc vẫn mở khoa thi Tiến sĩ đều đặn 3 năm một lần, từ khoa năm 1529 đến 1592 cả thảy là 22 khoa với 485 lượt người thi đỗ và biết rõ tên, trong đó có 11 Trạng nguyên, 12 Bảng nhãn, 19 Thám hoa, 101 Hoàng giáp và 342 Tiến sĩ.

VI – LÊ TRUNG HƯNG VỚI CÁC KHOA THI ĐẶC BIỆT

Lúc đầu, chưa dẹp được nhà Mạc, các khoa thi Tiến sĩ và tương đương được tổ chức tại Hành cung thuộc làng Vạn Lại, thôn An Trường, huyện Thuỵ Nguyên (nay là Thọ Xuân), trấn Thanh Hoá. Các khoa thi từ năm 1580 về trước có ban học vị như định lệ nhưng chưa thi Đình nên gọi là Chế khoa.

Năm Giáp Dần (1554) niên hiệu Thuận Bình 6 (順 平), đời Lê Trung Tông (黎 中 宗; 1549 – 1556), mở Chế khoa đầu tiên kể từ khi Trung Hưng (1533), lấy đỗ 13 người, chia làm hai giáp gồm: Đệ Nhất giáp Chế khoa xuất thân có 5 người, đứng đầu là Đinh Bạt Tuỵ (丁 拔 萃; 1527 – 1600) [19]; Đệ Nhị giáp Đồng Chế khoa xuất thân có 8 người, đỗ đầu là Chu Quang Trứ (朱 光 箸).

Lần thứ hai thi Chế khoa vào năm Ất Sửu (1565) niên hiệu Chính Trị 8 (正 治) đời Lê Anh Tông (黎 英 宗; 1557 – 1573). Lần thứ ba vào năm Đinh Sửu (1577) niên hiệu Gia Thái 5 (嘉 泰) đời Lê Thế Tông (黎 世 宗; 1573 – 1600).

Năm Canh Thìn (1580) niên hiệu Quang Hưng 3 (光 興) đời Lê Thế Tông, bắt đầu phục lại thi Hội và lệ 3 năm một khoa, chưa có thi Đình, lấy đỗ 6 người gồm 4 Đệ Nhị giáp Tiến sĩ xuất thân và 2 Đệ Tam giáp Đồng Tiến sĩ xuất thân. Hàng Đệ Nhị giáp đứng đầu là Nguyễn Văn Giai (阮 文 階; 1554 – 1628), thứ hai là Phùng Khắc Khoan (馮 克 寬; 1528 – 1613), cả hai đều là nhân tài của đất nước. Thế nhưng, họ Phùng vẫn được người đời tôn kính với biệt danh Trạng Bùng (Trạng nguyên ở làng Bùng).

Năm Ất Mùi (1595) Quang Hưng thứ 18, lần đầu tiên của triều đại Lê Trung Hưng tổ chức thi Hội cho các Cống sĩ (Cử nhân) tại kinh thành Thăng Long ở bến Thảo Tân (bờ phía Nam sông Nhị), trúng cách 6 người, Nguyễn Viết Tráng (阮 曰 壯; 1558 – 1600) đỗ Hội nguyên. Vào thi Đình lấy Nguyễn Thực (阮 實; 1555 – 1637) và Nguyễn Viết Tráng đỗ Đệ Nhị giáp Tiến sĩ xuất thân, Nguyễn Đức Mậu (阮 德 茂) và 3 người nữa đậu Đệ Tam giáp Đồng Tiến sĩ xuất thân.

Năm Nhâm Thìn (1652) niên hiệu Khánh Đức 4 (慶 德) đời Lê Thần Tông (黎 神 宗; 1649 – 1662), thi Hội lấy 9 người trúng cách, vào thi Đình phân ra 2 người Đệ Nhị giáp và 7 người Đệ Tam giáp. Một sự kiện đáng kể là khoa này khởi công xây dựng 25 tấm văn bia cho các khoa còn tồn đọng từ năm 1554. Đây là đợt dựng bia lớn nhất trong lịch sử khoa bảng nước ta, hoàn thành năm 1653.

Khoa Tiến sĩ năm Ất Mùi (1715) niên hiệu Vĩnh Thịnh 11 (永 盛) đời Lê Dụ Tông (黎 裕 宗; 1705 – 1729), tiến hành dựng 21 bia bị tồn đọng từ khoa 1656, đợt dựng bia đồng loạt thứ ba tại Văn miếu Thăng Long.

Ngoài các khoa thi Tiến sĩ chính thức và Chế khoa, thời Lê Trung Hưng còn mở thêm các khoa thi Sĩ vọng (đời Lê sơ gọi là Hoành từ, cuối Lê Trịnh gọi là Tuyển cử). Người đỗ Hương cống (Cử nhân) mới được dự thi, trúng tuyển ghi là “đỗ khoa Sĩ vọng,” chưa được gọi là Tiến sĩ nên có thể dự thi Hội. Các khoa Sĩ vọng điển hình như: khoa Mậu Tuất (1658) niên hiệu Vĩnh Thọ 1 (永 壽) đời Lê Thần Tông (黎 神 宗; 1649 – 1662) lấy đỗ 22 người; khoa Đinh Sửu (1697) niên hiệu Chính Hoà 18 (正 和) đời Lê Hy Tông (黎 熙 宗; 1676 – 1705) lấy đỗ 19 người; khoa Quý Mùi (1703) Chính Hoà 24 lấy đỗ 20 người. Riêng năm Đinh Sửu (1757) niên hiệu Cảnh Hưng 18 (景 興) đời Lê Hiển Tông (黎 顯 宗; 1740 – 1786) có hai lần thi Sĩ vọng: khoa tháng 7 gọi là Tuyển cử, khoa tháng 9 gọi là Hoành từ. Một loại thi đặc biệt nữa, trên cấp Tiến sĩ, gọi là khoa Đông các, dành cho những vị Tiến sĩ làm việc tại triều mới được dự thi.

Nói chung, thời Lê Trịnh vẫn giữ lệ 3 năm 1 khoa, phép thi có phần nghiêm chỉnh nhưng so với thời Lê sơ (1428 – 1527) thì quá kém cỏi. Phan Huy Chú, Khoa Mục Chí, đã nhận xét:

Khi trước văn gọn và ý sâu, đến sau Trung Hưng thì văn rườm rà mà ý cạn. Khi trước văn lưu loát mà rộng, đến sau Trung hưng thì văn hẹp hòi mà quê mùa. Vì từ đời Quang Hưng (1578 – 1599), Hoàng Định (1601 – 1619) về sau, văn vận đã biến, học nghiệp cũng khác; người đi học chỉ biết noi theo khuôn sáo, không biết học rộng là hơn; người chấm văn chỉ cầu lấy người nhớ sách thuộc cú, mà không nghĩ hiểu rộng là đáng chuộng. Theo thường giữ cũ, quê vụng thành nề, các triều sau dẫu muốn đổi mới, nhưng thói quen đã lâu, khó lòng sửa đổi…” [20].

Đến đời Lê Hiển Tông (黎 顯 宗; 1740 – 1786), từ năm Canh Ngọ (1750), niên hiệu Cảnh Hưng 11 (景 興), đặt lệ thu tiền thông kinh tức người đi thi Hương muốn miễn khảo hạch thì nộp 3 quan tiền; thời ấy có câu ví von “sinh đồ 3 quan” chê trách việc ấy. Tuy vậy cũng có vài khoa thi chọn được người tài như khoa Nhâm Thân (1752), Cảnh Hưng 13, hàng Tam khôi chỉ chọn một người là Lê Quý Đôn (黎 貴 惇; 1726 – 1784) đỗ Đệ Nhất giáp Tiến sĩ cập đệ Đệ Nhị danh; khoa Ất Mùi (1775), Cảnh Hưng 36, chỉ lấy đỗ Đệ Tam giáp Đồng Tiến sĩ xuất thân, có Ngô Thì Nhậm (吳 時 壬; 1746 – 1803) và Phan Huy Ích (潘 輝 益; 1751 – 1822) là những ngôi sao sáng của xứ Bắc hà.

Tóm lại, thời Lê Trung Hưng (1533 – 1788) mở 71 khoa thi Tiến sĩ với 807 lượt người thi đỗ, nhưng biết rõ tên là 774 người; trong đó có 6 Trạng nguyên, 7 Bảng nhãn, 20 Thám hoa, 108 Hoàng giáp và 633 Tiến sĩ.

11_ToanCanhThienQuangTinh_HaiBenLaHaiKhuNhaBia_Wikipedia

H 4: Toàn cảnh Thiên Quang Tỉnh

trong Văn Miếu [21].

VII – CHÚA NGUYỄN ĐẶT PHÉP THI RIÊNG

Từ sông Gianh (Quảng Bình) vào Nam là xứ Đàng Trong thuộc quyền Chúa Nguyễn, việc học và thi không theo nền nếp cũ, cần thực tiễn để đáp ứng với hoàn cảnh mới.

Năm Tân Mùi (1631), chúa Sãi Hy Tông Nguyễn Phúc Nguyên (阮 福 源; 1613 – 1634), tương đương với niên hiệu Đức Long 3 (德 隆) đời Lê Thần Tông (1619 – 1643), mở khoa Nhiêu học đầu tiên của xứ Đàng Trong gọi là Xuân Thiên Quận Thí (quận thí mùa xuân) tại các trấn dinh. Việc quan trường, chúa dùng tri phủ, tri huyện làm sơ khảo, ký lục làm phúc khảo. Đề thi gồm một bài thơ, một đạo văn sách, thời hạn 1 ngày, người thi đỗ gọi là Nhiêu học được miễn sưu thuế 5 năm. Lại thi Hoa văn Tự thể (viết chữ Nho), trúng tuyển được bổ ở Tam ty: Xá sai (văn án, tố tụng), Tướng thần (thu thuế, phát lương), Lệnh sử (tế tự, lễ tiết, quan điền).

Năm Bính Tuất (1646), chúa Thượng Thần Tông Nguyễn Phúc Lan (阮 福 瀾, 1635- 1648), tương đương niên hiệu Phúc Thái 4 (福 泰) đời Lê Chân Tông (黎 真 宗; 1643 – 1649), định phép thi Thu vi Hội thí (thi hội mùa thu) 9 năm 1 kỳ, mở khoa Chánh đồ và Hoa văn tại phủ chúa ở Phú Xuân. Thi Chánh đồ dùng các quan tri phủ, tri huyện, văn chức làm sơ khảo; cai bộ, ký lục làm phúc khảo; nha úy làm giám khảo; nội tả, nội hữu, ngoại tả, ngoại hữu làm giám thí. Phép thi 3 kỳ: kỳ nhất tứ lục, kỳ nhì thơ và phú, kỳ ba văn sách; thi trong 3 ngày, mỗi ngày 1 môn. Danh sách trúng tuyển trình lên Chúa, chia làm ba hạng: Giáp, Ất, Bính. Hạng Giáp gọi là Giám sinh, bổ Tri phủ, Tri huyện; hạng Ất gọi là Sinh đồ, bổ Huấn đạo; hạng Bính cũng gọi là Sinh đồ, bổ Lễ sinh hoặc cho Nhiêu học suốt đời. Thi Hoa văn cũng 3 ngày, mỗi ngày làm 1 bài thơ, trúng tuyển có 3 hạng, bổ ở Tam ty hoặc được Nhiêu học.

Năm Giáp Dần (1674), chúa Hiền Thái Tông Nguyễn Phúc Tần (阮 福 瀕; 1648 – 1687), tương đương niên hiệu Đức Nguyên 1 (德 元) đời Lê Gia Tông (黎 嘉 宗; 1672 – 1675), mở khoa Chánh đồ và Hoa văn, phép thi như trên [22].

Năm Ất Mão (1675) chúa Hiền Nguyễn Phúc Tần đặt thêm khoa Thám phỏng, thi trong 1 ngày, hỏi việc binh, dân và cách đối phó với Lê Trịnh. Ai trúng, được bổ vào ty Xá sai.

Năm Giáp Tý (1684) chúa Hiền Nguyễn Phúc Tần bãi bỏ phép thi Nhiêu học và Hoa văn, chỉ giữ lại khoa Chánh đồ.

Năm Kỷ Tỵ (1689) chúa Nghĩa Anh Tông Nguyễn Phúc Trăn (阮 福 溱; 1687 – 1691), tương đương niên hiệu Chính Hòa 10 (正 和) đời Lê Hy Tông (1676 – 1705), trở lại phép thi trước có cả Chánh đồ và Hoa văn.

Năm Ất Hợi (1695) chúa Quốc Hiển Tông Nguyễn Phúc Chu (阮 福 週;1691 – 1725), tương đương niên hiệu Chính Hoà 16, bắt đầu đặt khoa Văn chức và khoa Tam ty, thi ở sân phủ chúa. Thi Văn chức theo phép 3 kỳ: kỳ nhất tứ lục, kỳ nhì thơ và phú, kỳ ba văn sách. Khoa Tam ty, nếu là thi Xá sai hỏi việc ngục tụng xử quyết trong 1 năm; nếu thi Tướng thần hỏi việc xuất nhập thóc; thi Lệnh sử phải làm 1 bài thơ.

Năm Quý Tỵ (1713) chúa Quốc Nguyễn Phúc Chu, tương đương niên hiệu Vĩnh Thịnh 9 (永 盛) đời Lê Dụ Tông (1705 – 1729), thi Chánh đồ vào mùa thu; có 130 người trúng được dự kỳ thi, nhưng vì khảo quan bất hoà nhau nên đánh hỏng cả. Chúa phải cho thi lại và tự ra đề thi, lấy trúng cách 1 sinh đồ bổ làm Huấn đạo, và 7 Nhiêu học bổ làm Lễ sinh. Thi Hoa văn và Thám phỏng lấy đỗ hơn 10 người, bổ vào Tam ty.

Năm Quý Mão (1723) chúa Nguyễn Phúc Chu mở thi Nhiêu học, trúng cách 77 người, dư luận không tốt về khoa thi này. Chúa ra lệnh hợp tất cả thí sinh ở Chính dinh để thi lại môn tứ lục, thơ và phú, không ai đạt được nên bị truất cả.

Năm Canh Thân (1740) chúa Võ Vương Thế Tông Nguyễn Phúc Khoát (阮 福 濶; 1738 – 1765), tương đương niên hiệu Vĩnh Hựu 6 (永 祐) đời Lê Ý Tông (1735 – 1740), định lại phép Thu vi Hội thí có 4 kỳ: kỳ nhất thi tứ lục, ai trúng gọi là Nhiêu học tuyển trường, được miễn sai dịch 5 năm; kỳ hai thi thơ phú và kỳ ba thi kinh nghĩa, ai đỗ gọi là Nhiêu học thí trúng, được miễn sai dịch suốt đời; kỳ bốn thi văn sách, ai đỗ gọi là Hương cống được bổ tri phủ, tri huyện, huấn đạo.

Chúa Nguyễn giữ đất Nam Hà 217 năm (1558 – 1775), về phía Bắc phải thường trực đối phó với lực lượng hùng hậu của Lê Trịnh, về phía Nam lo mở mang bờ cõi để có được hậu phương giàu mạnh. Vấn đề thi cử là việc thứ yếu nên còn sơ lược, phép thi chưa hoàn bị, khoa thi thưa thớt. Tuy vậy, xứ Đàng Trong đã mở các khoa Hoa văn, Thám phỏng, Tam ty tuyển người có khả năng chuyên môn cho các ngành sở, mà xứ Đàng Ngoài không hề có. Các khoa Chính đồ, Văn chức chú trọng đến văn học hơn, nên phép thi tương tự như thi Hương. Theo Lê Quý Đôn (Phủ Biên Tạp Lục) tỷ số lấy đậu khoa Hoa văn gấp năm lần khoa Chính đồ để đủ cung ứng viên chức cho các ty sở.

Nói chung, đặc điểm nền thi cử Nam Hà hướng vào thực tiễn, nhằm đào tạo lớp viên lại giỏi, và các quan chức am hiểu tình thế, hợp thành guồng máy vững mạnh trong công cuộc giữ nước, kiến quốc và an dân. Dưới thời Chúa Nguyễn không lập Quốc Tử Giám (trường đại học công) nhưng có mở Thu thí tại sân phủ Chúa ở Phú Xuân, tiếc rằng thiếu tài liệu thống kê các khoa thi ấy.

VIII – TÂY SƠN ĐEM QUỐC ÂM VÀO THI CỬ

Việc học hành mở rộng đến tận cấp xã, trường làng gọi là Xã học, chọn nho sĩ tại địa phương làm Xã giảng, dưới quyền quan Huấn đạo ở huyện. Lập Viện Sùng Chính, mời Nguyễn Thiếp (阮 浹; 17231804) [23], tức La Sơn Phu Tử (羅 山 夫 子) làm viện trưởng, chuyên dịch sách chữ Nho ra chữ Nôm. Vua Quang Trung (光中; 1788 – 1792) có tinh thần quốc gia mãnh liệt, song song việc dạy chữ Nho, lại muốn dùng chữ Nôm làm chữ viết chính thức. Theo Việt Nam Sử Lược, thời ấy thường dùng chữ Nôm trong việc cai trị, nên nhà vua bắt quan trường ra đề bằng Quốc âm và thí sinh làm bài bằng chữ Nôm.

Đối với hạng “sinh đồ 3 quan” của thời Lê Hiển Tông, đều bị truất và phải chịu lao dịch như thường dân.

Năm Kỷ Dậu (1789) niên hiệu Quang Trung 2, mở khoa Tuấn sĩ (như thi Hương) tại Nghệ An, Nguyễn Thiếp làm Đề điệu (từ để gọi chức Chánh khảo thời ấy). Theo Việt Sử Tân Biên, thí sinh trúng, vào trường ba thi thơ, phú bằng Quốc âm.

Rất tiếc thời Tây Sơn quá ngắn ngủi, hơn nữa trong 14 năm (1788 – 1802) có đến hai lần đại phá quân ngoại xâm và nội chiến liên miên, vua Quang Trung lại mất đột ngột (1792), mọi việc dở dang nên chỉ mở 1 khoa thi Hương, chưa có thi Hội.

14_LoiThoVuaQuangTrungOVanMieu_QuocTuGiam_Wikipedia

H 5: Lời của vua Quang Trung.

Trưng bày tại Văn Miếu Hà Nội [24].

IX – NHÀ NGUYỄN, PHÉP THI NHIỀU CẢI CÁCH

1 – Nguyễn Thế Tổ (1802 – 1819): mở thi Hương, chưa thi Hội

Năm Đinh Mão (1807), niên hiệu Gia Long thứ 6 (嘉 隆), mở khoa thi Hương đầu tiên ở 6 trường thi là Nghệ An lấy đỗ 8 người, Thanh Hoa 2 người, Kinh Bắc 7 người, Sơn Tây 19 người, Sơn Nam 20 người, Hải Dương 5 người; tổng cộng 61 Cử nhân. Phép thi 4 trường, lệ 6 năm 1 khoa, vào những năm Mẹo, Dậu, và chỉ thi Hương, chưa mở thi Hội.

Khoa Quý Dậu (1813) Gia Long 12, vẫn 6 trường thi Hương nhưng đổi địa điểm, gồm trường Quảng Đức (Huế) lấy đỗ 9 người, Nghệ An 12 người, Thanh Hoa 9 người, Thăng Long 16 người, Sơn Nam 28 người và Gia Định 8 người; tổng cộng 82 Cử nhân.

Còn một khoa nữa vào năm Kỷ Mão (1819) Gia Long 18, vẫn thi ở 6 trường trên, lấy đỗ đến 112 Cử nhân.

03

H 6: Chòi canh Trường Hà Nam (Hà Nội và Nam Định),

khoa Đinh Dậu. Ảnh tài liệu xưa, 1897.

2 – Nguyễn Thánh Tổ (1820 – 1840): thi cử với nhiều lệ mới

Năm Tân Tỵ (1821) Minh Mạng 2 (明 命), mở ân khoa thi Hương, thi sớm hơn hạn kỳ, rồi đến năm đúng kỳ vẫn mở chính khoa. Lệ Ân khoa có từ đấy. Vẫn dùng 6 trường thi trên, lấy đỗ 132 Cử nhân, đổi tên Trường Thanh Hoa ra Thanh Hoá, vì chữ “Hoa” là tên vợ vua.

Năm Nhâm Ngọ (1822) Minh Mạng 3, mở khoa thi Hội đầu tiên của triều Nguyễn, lấy trúng cách 8 người, Hà Tông Quyền (何 宗 權; 1798 – 1839) đạt Hội nguyên. Vào thi Đình, Nguyễn Ý (阮 懿; 1796 – ?) đỗ Đệ Nhị giáp Tiến sĩ xuất thân (Hoàng giáp), 7 người kia cho đỗ Tam giáp Đồng Tiến sĩ xuất thân. Đặt lệ “Tứ bất” [25] nên không ban học vị Trạng nguyên; còn hơn thế nữa, suốt thời Minh Mạng không lấy đỗ Bảng nhãn và Thám hoa.

Năm Ất Dậu (1825) Minh Mạng 6, mở chính khoa thi Hương với nhiều sửa đổi lớn. Từ đây, theo lệ cũ của nhà Lê, 3 năm 1 khoa, thi Hương vào mùa thu các năm Tý, Ngọ, Mẹo, Dậu; thi Hội vào mùa xuân năm sau tức Sửu, Thìn, Mùi, Tuất. Trường thi Hương ở Vị Hoàng, đổi tên là Trường Nam Định, Trường Trực Lệ đổi thành Trường Thừa Thiên. Người đỗ tứ trường trước gọi là Hương cống, nay theo lệ nhà Trần gọi là Cử nhân, đậu Tam trường gọi là Tú tài thay cho Sinh đồ.

Khoa thi Tiến sĩ năm Kỷ Sửu (1829) Minh Mạng 10, lấy đỗ 1 Đệ Nhị giáp Tiến sĩ xuất thân (Hoàng giáp), 8 Đệ Tam giáp Đồng Tiến sĩ xuất thân và 5 Phó bảng. Lệ đặt học vị Phó bảng vào hàng đại khoa có từ đấy, ai đỗ không được thi Hội nữa, vì xem như tương đương với Tiến sĩ, nhưng quyền lợi thì thua kém hơn.

Khoa thi Hương năm Giáp Ngọ (1834) Minh Mạng 15, giải thể Trường Thanh Hoá, trong nước chỉ còn 5 trường thi, từ đây dùng phép thi ba kỳ và một kỳ phúc khảo làm một đề biểu mừng. Năm sau thi Hội cũng dùng phép thi ba kỳ.

Khoa thi Hương năm Ất Mùi (1835), Minh Mạng 16, mở thi riêng cho Trường Gia Định vì chính khoa Giáp Ngọ (1834) gặp biến Lê Văn Khôi, trường này không thi được. Lệ khoa triển hạn bắt đầu từ đấy.

3 – Nguyễn Hiến Tổ (1841 – 1847): định lệ lịch thi, hạn số lấy đậu

Năm Tân Sửu (1841), niên hiệu Thiệu Trị 1 (紹 治), mở Ân khoa thi Hương, quy định lấy đậu 123 Cử nhân, chia 5 trường như sau: Trường Thừa Thiên 38 người, Nghệ An 25 người, Hà Nội 23 người, Nam Định 21 người, Gia Định 16 người. Lệ định số lấy đỗ Cử nhân ở các trường có từ đấy nhưng thường trồi sụt tùy ở số lượng và học lực của thí sinh trong mỗi khoa, chẳng hạn khoa này lấy đỗ 114 Cử nhân, ít hơn hạn số là 9 người.

Chính khoa thi Hương năm Quý Mão (1843), Thiệu Trị 3, định lệ lịch thi, chấm bài và yết bảng: Mồng 1 thi kỳ nhất, mồng 9 thi kỳ hai, ngày 18 thi kỳ ba, ngày mồng 1 tháng sau ra bảng, hạn định 1 tháng phải hoàn tất không được kéo dài. Cứ tháng 7 thi ở Trường Thừa Thiên, Nghệ An; tháng 9 thi ở Trường Gia Định và tháng 10 ở trường Hà Nội, Nam Định. Việc chấm bài cũng sửa đổi; những quyển thi bị các quan sơ khảo loại phải giao cho quan phúc khảo duyệt lại để khỏi bị oan.

Nhờ có lệ Ân khoa, Triển khoa tiến hành cùng lúc với Chính khoa nên liên tiếp 4 năm (1840 – 1843) đều có mở thi Hương; thi Hội cũng 4 khoa liền từ năm 1841 – 1844. Trước kia, trường thi là bãi đất trống, mỗi lần mở khoa thi mới rào kín chung quanh bằng tre, dựng nhà tạm bằng tranh tre cho các quan trường ở và làm việc; thi xong tháo gỡ đi. Kể từ khoa Quý Mão, lệnh xây nhà cố định cho quan trường, còn 4 vi vẫn để đất trống, khi có khoa thi mới cất lều. Riêng Trường Thừa Thiên, các vi đều xây những dãy nhà dài, chia làm nhiều gian để thí sinh ngồi làm bài. Thi Hương, mỗi gian chứa 4 thí sinh; thi Hội thì mỗi gian chỉ có 1 thí sinh.

4 – Nguyễn Dực Tông (1848 – 1883) : thêm nhiều trường thi và khoa thi

Năm Mậu Thân (1848), niên hiệu Tự Đức 1 (嗣 德), mở Ân khoa thi Hương ở 6 trường thi như cũ vì có thêm Trường Thanh Hóa mà nhà vua vừa cho tái lập sau một thời gian dài suốt 9 khoa (1834 – 1847) bị giải thể.

Khoa thi Hương năm Canh Tuất (1850) Tự Đức 3, dùng lại phép thi 4 kỳ, chia thang điểm làm 7 bậc: ưu, ưu thứ, bình, bình thứ, thứ, thứ thứ, liệt.

Năm Tân Hợi (1851) vừa thi xong Chính khoa Tiến sĩ lại mở thêm Chế khoa Cát sĩ, cao hơn cấp Tiến sĩ. Năm ấy Vũ Duy Thanh (武 維 清; 1811 – 1863) [26] vừa đậu Phó bảng khoa Tiến sĩ lại ứng thí khoa Cát sĩ, đỗ thủ khoa, được ban học vị Bác học hoành tài Đệ Nhất giáp Cát sĩ cập đệ Đệ Nhị danh (Bảng nhãn). Nguyễn Thái (阮 泰; 1819 – ?) vừa đỗ Phó bảng, lại trúng Bác học hoành tài Đệ Nhị giáp Cát sĩ xuất thân (Hoàng giáp). Và cũng từ năm này, các khoa thi Hội dùng lại phép thi 4 kỳ cho tới khi chấm dứt nền Nho học (1919).

Khoa thi Hương năm Nhâm Tý (1852) Tự Đức 5, lập Trường thi Bình Định, quy định lại số lấy đậu Cử nhân: trường Hà Nội 20, trường Nam Định 20, Thanh Hoá 20, Nghệ An 18, Thừa Thiên 20, Bình Định 13, Gia Định 13.

Khoa thi Hương năm Mậu Ngọ (1858) Tự Đức 11, dùng lại phép thi 3 kỳ, bỏ môn thi phú nhưng thi Hội vẫn dùng vì còn áp dụng phép thi 4 kỳ.

Năm Ất Sửu (1865) Tự Đức 18, vừa thi xong Chính khoa Tiến sĩ lại mở thêm khoa Nha sĩ, kém hơn cấp Tiến sĩ nhưng vẫn là đại khoa, được khắc tên vào bia đá dựng ở Văn Miếu (Huế). Đặng Văn Kiều (鄧 文 喬; 1824 – 1881) đỗ Đình nguyên Đệ Nhất giáp Tiến sĩ cập đệ Đệ Tam danh khoa Nha sĩ (Thám Hoa), Nguyễn Thượng Phiên (阮 尚 翻 ; 1829 – 1905), thân phụ của Hoàng giáp Nguyễn Thượng Hiền, là 1 trong 4 người đỗ Đệ Nhị giáp Tiến sĩ xuất thân khoa Nha sĩ (Hoàng giáp).

Khoa thi Hương năm Bính Tý (1876) Tự Đức 29, kỳ 2 bỏ chiếu biểu luận, trở lại thi thơ phú, lối văn tứ lục cũng bỏ, đến thi Hội mới dùng. Từ khoa này quy định lấy đỗ cứ 1 Cử nhân là 2 Tú tài.

06

H 7: Hội đồng Giám khảo

Trường thi Hà Nam đang làm việc [27].

5 – Nguyễn Giản Tông (1883 – 1884): vài sửa đổi nhỏ

Năm Giáp Thân (1884), niên hiệu Kiến Phúc 1 (建 福), mở khoa Triển hạn thi Hội (đáng lẽ thi vào năm trước là Quý Mùi, 1883). Sau khoa này, lệ Triển hạn cho kỳ thi Hội không còn nữa, nhưng vẫn còn áp dụng cho thi Hương.

Cũng năm Giáp Thân (1884) mở Ân khoa thi Hương, có sửa đổi ở kỳ phúc hạch. Trước chỉ làm một bài tứ lục để định vị thứ Cử nhân, nay phải làm tất cả các môn đã thi ở ba kỳ trước, hạn thi một ngày. Trường Hà Nội và Nam Định, chiến sự còn tiếp diễn, tạm thi ở Thanh Hoá, gọi là Khoa thi Xứ Thanh.

6 – Nguyễn Hàm Nghi (1885): hoãn thi vì biến cố

Năm Ất Dậu (1885), mở Chính khoa thi Hương, đồng thời cũng mở Ân khoa thi Hội. Năm ấy Trường Bình Định mở thi Hương sớm; còn Trường Thừa Thiên vừa thi Đình xong, chưa kịp truyền lô [28] thì rạng ngày 5 tháng 7 năm 1885 kinh đô thất thủ, vua Hàm Nghi (咸 宜) bôn đào. Các trường chưa kịp thi Hương thì đình lại, Trường Bình Định đang thi nên cố cho xong, phần lớn các thí sinh ở các tỉnh xa bỏ ra về, vào phúc hạch chỉ có 7 người ở Bình Định và 1 người ở Phú Yên, quan trường cho đỗ cả.

7 – Nguyễn Cảnh Tông (1886 – 1888): thi cử chưa ổn định

Năm Bính Tuất (1886), niên hiệu Đồng Khánh 1 (同 慶), mở thi Hương vừa là ân khoa vừa triển hạn, tuy nhiên tình hình chưa ổn định, chỉ có Trường Hà Nam tổ chức được mà thôi. Cũng từ khoa này, Trường Hà Nội đóng cửa vĩnh viễn, sĩ tử vào thi chung với Trường Nam Định nên đổi tên gọi là Trường thi Hà Nam.

Khoa Đinh Hợi (1887) mở lại khoa Triển hạn cho các trường năm trước không thi được, nhưng chỉ có Trường Thừa Thiên tổ chức được. Năm Mậu Tý (1888) đúng hạn kỳ mở Chính khoa thi Hương nhưng chỉ có 3 trường tham dự là Hà Nam, Nghệ An và Thừa Thiên. Suốt triều Đồng Khánh không mở được thi Hội.

8 – Nguyễn Thành Thái (1889 – 1907): kỷ lục số lấy đậu

Dưới triều Thành Thái (成 泰) giữ đúng hạn kỳ 3 năm 1 khoa, bỏ lệ Ân khoa và khoa Triển hạn, gặp lễ mừng thì tăng số lấy đỗ ở Chính khoa. Vì vậy 6 khoa thi Hương ở triều Thành Thái đều có số đậu cao:

Khoa Tân Mão (1891) lấy đỗ 151 Cử nhân, chiếm hàng thứ năm trong các khoa thi Hương triều Nguyễn; khoa Giáp Ngọ (1894) lấy đỗ 148 Cử nhân, chiếm vị thứ sáu; khoa Đinh Dậu (1897) có 166 Cử nhân, xếp hạng nhì; khoa Canh Tý (1900) có 204 Cử-nhân, chiếm hạng nhất; khoa Quý Mão (1903) có 135 Cử nhân, chiếm hạng 11 và khoa Bính Ngọ (1906) có 158 Cử nhân, chiếm hạng tư.

Đáng kể nhất là khoa Canh Tý (1900), Thành Thái 12, Trường Nghệ An có Phan Bội Châu (1867 – 1940) vừa chiếm Giải nguyên vừa chiếm độc bảng. Trong khi đó tại Trường thi Thừa Thiên, Huỳnh Thúc Kháng (1876 – 1946) đoạt Giải nguyên. Hai vị thủ khoa này trở thành hai nhà cách mạng nổi tiếng trong lịch sử chống Pháp.

Song song với 6 khoa Cử nhân, có 6 khoa Tiến sĩ, số thi đậu cũng tương đối cao. Trong đó, đáng kể là khoa Nhâm Thìn (1892) niên hiệu Thành Thái 4, có Vũ Phạm Hàm (武 范 諴; 1864 – 1906) đạt Tam nguyên Đệ Nhất giáp Tiến sĩ cập đệ Đệ Tam danh (Thám hoa), Nguyễn Thượng Hiền (阮 尚 賢; 1868 – 1925) đứng đầu hàng Đệ Nhị giáp Tiến sĩ xuất thân (Hoàng giáp), Chu Mạnh Trinh (朱 孟 楨; 1861 – 1905) Đệ Tam giáp Đồng Tiến sĩ xuất thân, là những bậc danh tài. Ngoài ra, khoa Giáp Thìn (1904), Thành Thái 16, có Trần Quý Cáp (陳 季 恰 ; 1870 – 1908) và Huỳnh Thúc Kháng (黃 叔 抗; 1876 – 1946) [30] đỗ Đệ Tam giáp Đồng Tiến sĩ xuất thân, là hai nhà cách mạng nổi tiếng.

08

H 8: Lễ xướng danh thi Hương khoa Đinh Dậu [29].

9 – Nguyễn Duy Tân (1907 – 1916): đổi mới phép thi

Từ triều Duy Tân (維 新)về sau vẫn giữ lệ của Thành Thái là dù thi Hương hay thi Hội, chỉ mở Chính khoa đúng hạn kỳ và không có khoa đặc biệt.

Khoa thi Hương năm Kỷ Dậu (1909) Duy Tân 3, có nhiều cải tổ quan trọng. Bộ Học ra đời từ năm 1907 nên việc học hành và thi cử không thuộc về bộ Lễ nữa. Phép thi thay đổi, kỳ nhất ra 10 bài văn sách, tối thiểu phải làm 5 bài; kỳ hai thi thơ phú, mỗi loại 1 bài; kỳ ba 1 đề luận chữ Nho và 1 đề luận chữ Quốc ngữ. Thang điểm cho từ 0 đến 20, bài kỳ nhất được 10 điểm trở lên thì trúng và được thi kỳ hai, các kỳ sau cũng vậy. Riêng có kỳ thi tình nguyện (không bắt buộc) dịch Pháp văn ra quốc ngữ, đề do Toà Khâm ra, nếu trên 10 điểm, sẽ cộng số điểm thặng dư vào ba kỳ. Cộng điểm 3 kỳ và kỳ tình nguyện (nếu có) được 40 điểm thì vào phúc hạch để thi tổng quát các môn đã thi ở 3 kỳ; nếu được 7 điểm trở lên thì trúng kỳ phúc hạch, rồi lấy điểm tổng cộng các kỳ thi để xếp hạng Cử nhân. Ngoài ra những ai được điểm từ 30 đến 39 đều xếp vào hạng chọn Tú tài, rồi căn cứ vào nguyên ngạch 1 Cử nhân 3 Tú tài mà lấy từ cao xuống thấp. Riêng trường Hà Nam thuộc Bắc Kỳ, có phép thi khác: kỳ nhất thi văn sách 5 bài; kỳ hai luận chữ Nho 2 đề; kỳ 3 luận chữ Quốc ngữ 2 đề; vào phúc hạch 1 bài luận chữ Nho và 1 bài luận chữ Quốc ngữ. Các đề thi chữ Quốc ngữ do phủ Thông sứ soạn ra, có riêng hội đồng chấm bài, xong giao cho quan trường vào điểm kỳ thi.

Các khoa thi Hương sau tiếp tục cải tiến, có thi văn chương, toán, sử hoặc địa hay khoa học thường thức và làm bài bằng chữ Quốc ngữ. Năm Ất Mão (1915), Duy Tân 9, là khoa thi Hương cuối cùng ở Bắc Kỳ, môn thi luận quốc ngữ ra đề bằng Pháp văn, thí sinh phải dịch ra Việt, mới làm bài được.

10 – Nguyễn Hoằng Tông (1916 – 1925): những khoa thi cuối cùng

Tại Trung Kỳ, nuối tiếc kéo dài thêm một khoa nữa, đó là khoa thi Hương năm Mậu Ngọ (1918), Khải Định 3 (啟 定). Trên danh nghĩa có danh sách riêng của 4 trường thi là Thanh Hoá, Nghệ An, Thừa Thiên và Bình Định, nhưng hợp thí ở hai địa điểm là trường Thừa Thiên (cho trường Bình Định thi nhờ) và trường Nghệ An (cho Thanh Hoá thi nhờ).

Lần thi Tiến sĩ cuối cùng và chấm dứt hẳn nền Nho học, đó là khoa Kỷ Sửu (1919) Khải Định 4, lấy đỗ 23 người: hàng Tiến sĩ 7 người, có Nguyễn Phong Di (阮 豐 貽; 1889 – ?) đỗ Đình nguyên Đệ Tam giáp Đồng Tiến sĩ xuất thân; hàng Phó bảng gồm 16 người, có Nguyễn Xuân Đàm (阮 春 談; 1889 – ? ) dẫn đầu.

11

H 9: Thí sinh xem yết bảng danh sách

trúng tuyển thi Hương [31].

11 – Thống kê khoa cử thời Nguyễn:

Từ khi nhà Nguyễn lên ngôi đến lúc nền Nho học cáo chung (1802 – 1919) là 117 năm, cả thảy có 88 khoa Cử nhân, Tiến sĩ và tương đương, chia ra như sau:

– Thi Hương có 48 khoa, lấy đỗ 5236 Cử nhân và khoảng 12.252 Tú tài [32] ở các trường thi sau đây: Trường Hà Nội 29 khoa (1813 -1884) lấy đỗ 691 Cử-nhân; Sơn Tây 1 khoa (1807) lấy đỗ 19 Cử nhân; Kinh Bắc tức Bắc Ninh 1 khoa (1807) đỗ 7 Cử nhân; Hải Dương 1 khoa (1807) đỗ 5 Cử nhân; Nam Định tức Sơn Nam 29 khoa (1807 – 1879) đỗ 658 Cử nhân; Hà Nam (hợp nhất trường Hà Nội và Nam Định) 11 khoa (1886 – 1915) đỗ 650 Cử nhân; Thanh Hoá 32 khoa (1807 – 1918) đỗ 449 Cử nhân; Nghệ An 42 khoa (1807- 1918) đỗ 868 Cử nhân; Thừa Thiên 42 khoa (1813 – 1918) đỗ 1265 Cử nhân; Bình Định 23 khoa (1852 – 1918) đỗ 355 Cử nhân; Gia Định 19 khoa (1813 – 1858) đỗ 259 Cử nhân, An Giang 1 khoa (1864) đỗ 10 Cử nhân.

– Thi Hội và thi Đình có 40 khoa (39 khoa thực hiện đầy đủ và 1 khoa bỏ cuộc), cả thảy 572 lượt người thi đỗ [33], nhưng chính thức có tên 558 lượt người, gồm: 2 Bảng nhãn, 9 Thám hoa, 54 Hoàng giáp, 227 Tiến sĩ, và 266 Phó bảng.

13

H 10: Các tân khoa được Triều đình ban áo mũ

và lạy tạ tại Văn Miếu [34].

X – NHÂN TÀI NHO HỌC QUA CÁC TRIỀU ĐẠI

Nền giáo dục Nho học đã cống hiến cho đất nước Đại Việt những nhà khoa bảng lỗi lạc suốt chiều dài lịch sử:

– Thời Lý (1010 – 1225), có Thủ khoa Lê Văn Thịnh (khoa Ất Mão, 1075) là người khai khoa, cũng là nhà ngoại giao tuyệt vời dưới triều Lý Nhân Tông: nhờ tài thuyết phục của ông, năm 1084 (Giáp Tý), nhà Tống đã trả nốt 6 huyện và 2 động cho Đại Việt.

– Thời Trần (1225 – 1400) có sử gia Lê Văn Hưu, đỗ Bãng nhãn khoa Đinh Mùi (1247), tác giả Đại Việt Sử Ký, bộ Quốc sử đầu tiên của nước ta. Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi (khoa Giáp Thìn, 1304), nổi tiếng văn tài, ứng đối lanh lẹ, vua nhà Nguyên phải cảm phục và phong “Lưỡng quốc Trạng nguyên.” Chu Văn An (朱 文 安; 1292 – 1370), đỗ Tiến sĩ [35], là nhà giáo nổi tiếng không những ở thời Trần mà suốt cả chiều dài nền Giáo dục Việt Nam.

– Thời Hồ (1400 – 1407) và giai đoạn Bình Định Vương (1418 – 1428), có Hoàng giáp Nguyễn Trãi (khoa Canh Thìn; 1400), ông là nhà Nôm học, một chính trị gia lỗi lạc, một vị tham mưu và ngoại giao xuất chúng, đã giúp Lê Lợi chống Minh dành độc lập.

– Thời Hậu Lê (1428 – 1527) có: Phan Phù Tiên đỗ Thái học sinh (Tiến sĩ) rồi đỗ khoa Minh kinh vào năm Kỷ Dậu (1429), là sử gia nổi tiếng, tác giả bộ Đại Việt Sử Ký Tục Biên, chép từ Trần Thái Tông cho đến lúc quân Minh rút về nước (1225 – 1428), và biên soạn Việt Âm Thi Tập, bộ hợp tuyển thơ văn đầu tiên của nước ta. Trạng nguyên Lương Thế Vinh đỗ khoa Quý Mùi (1463), nhà toán học thời Hậu Lê, là tác giả cuốn Đại Thành Toán PhápKhải Minh Toán Học. Hoàng giáp Vũ Hữu đỗ khoa Quý Mùi (1463), tác giả cuốn Lập Thành Toán Pháp, sách chỉ dẫn cách đo ruộng đất, xây nhà cửa và thành lũy. Có thể nói Vũ Hữu và Lương Thế Vinh là hai thiên tài toán học đầu tiên của nước ta. Hoàng giáp Vũ Tụ (武 聚; 1466 – ?) đỗ khoa Quý Sửu (1493), nổi tiếng thanh liêm, được vua Lê Thánh Tông ban cho hai chữ “Liêm Tiết.”

– Thời Mạc (1527 – 1595) có Trạng nguyên Nguyễn Bỉnh Khiêm (khoa Ất Mùi, 1535), nhà tiên tri có một không hai, ông được cả 3 thế lực thời ấy là vua Mạc, chúa Trịnh và chúa Nguyễn kính nể.

– Thời Lê Trung Hưng (1533 – 1788) có: Hoàng giáp Phùng Khắc Khoan (khoa Canh Thìn, 1580), nổi tiếng tinh thông chữ nghĩa, hai lần đi sứ đều được nhà Minh tôn kính, không xưng tên. Bảng nhãn Lê Quý Đôn đỗ khoa Nhâm Thân (1752), là một bác học có nhiều công trình nghiên cứu biên soạn rất giá trị. Hoàng giáp Bùi Huy Bích (裴 輝碧; 1744 – 1802) đỗ khoa Kỷ Sửu (1769), là nhà văn học và sử học, có công sưu tập văn, thơ cổ của nước ta, xếp thành hai tập: Hoàng Việt Thi TuyểnHoàng Việt Văn Tuyển. Tiến sĩ Ngô Thời Nhậm (吳 時 任; 1746 – 1803) đỗ khoa Ất Mùi (1775), một văn thần đầy mưu lược và lòng cả quyết dưới triều Quang Trung (1788 – 1792). Ông đã thuyết phục đám võ thần theo chiến lược“Dĩ dật đãi lao” (以 逸 待 勞), dưỡng lấy cái nhàn cho quân ta để chống lại cái mệt nhọc của giặc, góp phần không nhỏ trong việc đánh tan 20 vạn quân Thanh.

– Thời Chúa Nguyễn (1558 – 1775) có Đào Duy Từ (陶 維 慈; 1572 – 1634), vị quân sư cao kiến hiến kế lên chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên vừa trả được sắc phong, vừa an toàn cho sứ giả. Ông còn là một kiến trúc sư lỗi lạc xây hai lũy Trường Dục và Động Hải, chận đứng bảy cuộc tấn công rất quy mô của quân Trịnh vào những năm 1627, 1634, 1643, 1648, 1655, 1662, 1672.

– Thời nhà Nguyễn tự chủ (1802 – 1885), có các Hoàng giáp Nguyễn Tư Giản (阮 思 僩; 1822 – 1890), Phạm Văn Nghị (范 文 誼, 18051884), đáng bậc danh sĩ, suốt đời thanh bạch, với nỗi lòng thiết tha vì dân vì nước. Cử nhân Bùi Viện (裴 援; 1839 – 1878), với lòng yêu nước nhiệt thành, cứu nước bằng đường ngoại giao, đã hai lần đến tận nước Mỹ cầu viện. Về văn học, có các thi hào như: Tam nguyên Yên Đỗ (1835 – 1909), nhà thơ tả cảnh đồng quê hay nhất nước; và Cử nhân Nguyễn Du (阮 攸; 1766 – 1820) với kiệt tác Đoạn Trường Tân Thanh muôn đời bất hủ. Có một Tú tài như Phan Huy Chú (潘 輝 注; 1782 – 1840), đáng bậc học giả, với bộ Lịch Triều Hiến Chương là sách Bách khoa toàn thư đầu tiên của nước ta, và bộ Hoàng Việt Dư Địa Chí, chép về địa lý Việt Nam.

Thời Pháp thuộc (1885 – 1945), các thủ lãnh Phong trào Cần Vương đều xuất thân từ khoa bảng của triết lý giáo dục lấy nhân, lễ, nghĩa, trí, tín làm đầu và lấy trung hiếu làm nền tảng. Ở Bắc Kỳ, vùng Tây Bắc có Hoàng giáp Nguyễn Quang Bích (阮 光 碧; 1832 – 1890), vùng đồng bằng có Cử nhân Nguyễn Thiện Thuật (阮 善 述; 1841 – 1926). Miền Bắc Trung Kỳ, ở Hà Tĩnh có Đình nguyên Phan Đình Phùng (潘 廷 逢; 1844 – 1895), ở Thanh Hóa có Tiến sĩ Tống Duy Tân (宋 維 新; 18371892). Miền Nam Trung Kỳ, ở Quảng Nam có Phó bảng Nguyễn Duy Hiệu (阮 維 效; 1847 – 1887), ở Quảng Ngãi có Cử nhân Lê Trung Đình (黎 中亭; 1863 – 1885), ở Bình Định có Cử nhân Mai Xuân Thưởng (梅 春 賞; 1860 – 1887), ở Phú Yên có Tú tài Lê Thành Phương (黎成方; 1825 – 1887), ở Khánh Hòa có Tú tài Nguyễn Khanh.

Tiếp nữa, còn có Giải nguyên Phan Bội Châu (潘 佩 珠; 1867 – 1940), Tiến sĩ Trần Quý Cáp (陳 季 恰; 1870 – 1908), Phó bảng Phan Chu Trinh (潘 周 楨; 1872 – 1926), Tiến sĩ Huỳnh Thúc Kháng (黃 叔 抗; 1876 – 1947), Học giả Trần Cao Vân (陳 高 雲; 1866 – 1916;) đều đáng bậc danh sĩ, vừa là những chí sĩ hiến dâng cả cuộc đời cho quốc gia dân tộc.

Trên đây chỉ nêu vài nhân vật tiêu biểu, còn biết bao danh sĩ và anh hùng hào kiệt nữa cũng xuất thân từ khoa bảng Nho học, đã đóng góp cho Đại Việt cường thịnh, duy trì nền văn hóa truyền thống của dân tộc, giữ vững được bờ cõi, xây đắp nền độc lập, đủ sức đương đầu với Bắc phương, kẻ thù truyền kiếp của dân tộc, lúc nào cũng lăm le xâm chiếm nước ta.

XIPHẦN KẾT

Nền khoa cử Nho học nước ta dù có sửa đổi cải tiến nhưng vẫn nặng về văn chương và thiếu hoặc rất ít về khoa học, kỹ thuật. Tuy nhiên cũng có những thời điểm đáng ghi nhớ: triều Hồ đưa toán pháp vào thi cử, một sáng kiến mà mãi đến 508 năm sau (1404 – 1912) mới được chấp nhận, và triều Tây Sơn chủ trương dùng Quốc âm thay chữ Nho. Rất tiếc hai triều đại ấy quá ngắn ngủi, và những việc làm đó bị các triều đại kế tiếp chê trách và hủy bỏ.

Nếu chỉ tính riêng đại khoa, kể cả khoa Tam giáo và bao gồm số lẻ tẻ người trúng tuyển đã được góp nhặt ghi vào phần Biệt Lục và Bổ Di [36] cả thảy có thể tổng kết như sau:

Bảng tổng kết các khoa thi Tiến sĩ và tương đương thời Nho học

Triều đại

Niên đại

Số khoa thi

Số trúng tuyển

Biết rõ tên

Trạng nguyên

Bảng nhãn

Thám hoa

Hoàng giáp

Tiến sĩ

Phó bảng

1010- 1225

8

38

11

11

Trần

1225- 1400

21

383

51

9

8

9

6

19

Hồ

1400-1407

2

190

13

0

0

1

6

6

Lê sơ

1428-1527

31

1038

1008

20

21

22

316

629

Mạc

1527-1595

22

485

485

11

12

19

101

342

LêTrung Hưng

1533-1788

71

807

774

6

7

20

108

633

Chúa Nguyễn

1558-1775

Tây Sơn

1788-1802

0

0

0

0

0

0

0

0

Nguyễn

1802-1945

40

572

558

0

2

9

54

227

266

Chín Triều đại

1075-1919

195

3513

2900

46

50

80

591

1867

266

Do tài liệu thất lạc nên số khoa thi, số trúng tuyển và danh sách đỗ đại khoa thời Chúa Nguyễn không thể tổng kết được; còn các triều Lý, Trần lại gặp nhiều thiếu sót; ngay cả triều Hồ có 2 khoa thi, trúng tuyển đến 190 người nhưng chỉ biết rõ tên 13 người. Từ triều Lê về sau, các số liệu về khoa Tiến sĩ và tương đương tạm đủ; duy có triều Nguyễn hiện còn đầy đủ các số liệu không những ở cấp đại khoa mà còn có cả các kỳ thi Hương nữa.

Tóm lại, nền Nho học nước ta tồn tại trong 844 năm, dù ghi chép thiếu sót vẫn có đến 195 khoa Tiến sĩ và tương đương, trung bình 4 năm rưỡi có 1 khoa, số trúng tuyển lên đến 3513 lượt người, cho thấy việc học và thi cử thời ấy rất thịnh, cống hiến cho quốc gia nhiều nhân tài trong công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước.

San Jose, ngày 03- 09- 2000

Bổ chính lần 4: 30- 07- 2014

ĐÀO ĐỨC CHƯƠNG

GHI CHÚ

[1] Hà Văn Thùy (tài liệu trên Net):

– Không Có Cái Gọi Là “Từ Hán Việt” (trích):

Đó chính là chữ Việt, tiếng Việt được tổ tiên ta sáng tạo trong quá khứ. Việc khẳng định bản quyền tiếng Việt cổ là khám phá có ý nghĩa đặc biệt, nó giúp ta tự tin, làm chủ tài sản vô giá của dân tộc.”

Cần một cuộc cách mạng loại bỏ thuật ngữ ‘từ Hán Việt’ khỏi ngôn ngữ Việt để thay vào đó tên gọi đúng: tiếng Việt cổ! Đồng thời dùng lại thuật ngữ chữ Nho để gọi văn tự của tổ tiên mà xưa nay vẫn lầm tưởng là chữ nước ngoài.” (hết trích).

– Chữ Việt Là Chủ Thể Tạo Nên Chữ Trung Hoa (trích):

Phát hiện chữ viết của người Lạc Việt lần này sẽ viết lại lịch sử chữ viết ở Trung Quốc, chứng minh văn hóa Lạc Việt là một trong những nguồn gốc trọng yếu của văn hóa Trung Hoa.” (hết trích).

[2] Chữ “廷” (đình) và chữ “延” (diên) gần giống nhau, nên có thể lầm nét chữ. Vì thế, tên đệm của vị Tiết độ sứ này có nhiều tài liệu cổ viết khác nhau:

– Chép là Dương Ðình Nghệ (楊 廷 藝), các sách: Ðại Việt Sử Ký Toàn Thư, phần Ngoại Kỷ Toàn Thư, Quyển V, tờ 18a, dòng 4 & 5 chép: “愛 州 人 楊 廷 藝” (Ái Châu nhân Dương Ðình Nghệ); và tờ 18b, dòng 7 & 8, cũng chép: “廷 藝 自 稱 節 度 使 鎮 州事” (Đình Nghệ tự xưng Tiết độ sứ trấn châu sự). Rồi các tài liệu như: Nguyễn Khắc Thuần, Thế Thứ Các Triều Vua Việt Nam, trang 39; Phạm Văn Sơn, Việt Sử Toàn Thư, trang 149; Trần Ðộ, Văn Hóa Việt Nam, trang 154, đều chép theo như vậy.

– Chép là Dương Diên Nghệ (楊 延 藝) có các sách: Quốc Sử Quán Triều Nguyễn, Khâm Ðịnh Việt Sử Thông Giám Cương Mục, nhóm Hoa Bằng dịch, Tập I, trang 221; Phạm Văn Sơn, Việt Sử Tân Biên, Quyển I, trang 237; Hoàng Cơ Thụy, Việt Sử Khảo Luận, Cuốn I, trang 166; Trịnh Vân Thanh, Thành Ngữ Ðiển Tích Danh Nhân Từ Ðiển, Quyển I, trang 188; Nguyễn Q. Thắng & Nguyễn Bá Thế, Từ Ðiển Nhân Vật Lịch Sử Việt Nam, trang 97; Nguyễn Huyền Anh, Việt Nam Danh Nhân Từ Ðiển, trang 246.

Riêng có Trần Trọng Kim, Việt Nam Sử Lược, trang 72, cũng chép là “Dương Diên Nghệ” nhưng lại chú chữ Nho kèm theo: “楊 藝” (đọc là: Dương Đình Nghệ);

– Chúng tôi, tác giả bài này, theo âm đọc của chữ “楊 廷 藝” trong Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, chép là Dương Đình Nghệ.

[3] Phạm Văn Sơn; Việt Sử Tân Biên, Tập I (Sài Gòn, Khai Trí, 1968); trang 345.

[4] Trần Độ chủ biên; Văn Hóa Việt Nam Tổng Hợp (Hà Nội, Văn Hóa Văn Nghệ Trung Ương, 1989); trang 206.

[5] Toan Ánh; Nếp Cũ Con Người Việt Nam (Sài Gòn, Khai Trí, 1970); trang 71.

[6, 7] Khoa thi năm Ất Tỵ (1185), Đại Việt Sử Ký Toàn Thư ghi “Mùa Xuân, tháng Giêng, thi sĩ nhân trong nước… Lấy đỗ bọn Bùi Quốc Khái, Đặng Nghiêm 30 người, còn thì đều ở lại học.” Theo Các Nhà Khoa Bảng Việt Nam, căn cứ vào Đỉnh Khiết Đại Việt Lịch Triều Đăng Khoa Lục (viết tắt LTĐK), số thi đỗ 20 người nhưng chỉ ghi tên 3 người: Đỗ Thế Diên đỗ đầu, Bùi Quốc Khái, Đặng Nghiêm. Còn chữ “Sĩ nhân” không rõ là tên khoa thi hay chỉ là tiếng gọi chung những người có học.

[8, 9] Nguyên trong Đỉnh Khiết Đại Việt Lịch Triều Đăng Khoa Lục có ghi phần Biệt Lục và Bổ Di để bổ túc danh sách trúng tuyển trong các kỳ thi Tiến sĩ và tương đương của Triều Lý, Trần, Hồ còn thiếu sót vì tài liệu chính đã thất lạc. Biệt Lục chép những người thi đỗ hiện còn thiếu cứ liệu, cần tham khảo thêm. Bổ Di chép những người thi đỗ, có dữ kiện chính xác nhưng vì chưa rõ năm thi, hoặc vì lý do nào đó chưa ghi vào danh sách chính thức được.

[10] Bốn trấn ở Bắc Kỳ gọi là Kinh, từ Thanh Hóa trở vào gọi là Trại. Chủ trương lấy hai Trạng nguyên là nâng đỡ thí sinh ở xa kinh đô.

[11] Ngô Đức Thọ chủ biên; Các Nhà Khoa Bảng Việt Nam (Hà Nội, Văn Học, 1993); trang 9.

[12] Theo Từ Hải, truyện Mục Tử viết về “Châu Mục Vương Tây Du,” là truyện tối cổ của Trung Hoa, tìm thấy trong mộ vua Ngụy Tương Vương, sau được Quách Phát chú giải.

[13] Từ ngày 18 tháng 3 Giáp Dần (1314) là niên hiệu Đại Khánh năm thứ 1 (大 慶) đời vua Trần Minh Tông (Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, bản dịch Hoàng Văn Lâu, Tập 2, trang 99).

[14] Phan Huy Chú; Lịch Triều Hiến Chương Loại Chí, Tổ phiên dịch Viện Sử Học Việt Nam dịch, Tập 2 (Hà Nội, Khoa Học Xã Hội, 1992); trang 154.

[15] Quốc Sử Viện Triều Lê; Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, bản Chính Hòa, khắc in năm 1697; Hoàng Văn Lâu dịch, Tập 2 (Hà Nội, nxb Khoa Học Xã Hội, 1993); trang 189.

[16] Ảnh từ Bách Khoa Toàn Thư Mở (hình 2).

[17, 18] Quốc Sử Viện Triều Lê, cùng tác phẩm, cùng tập, trang 207, 319.

[19] Năm sinh và mất của Đinh Bạt Tụy chép theo: Ngô Đức Thọ, cùng tác phẩm, trang 429; nhưng tài liệu trên mạng lại ghi là: 1516 – 1589.

[20] Phan Huy Chú, cùng tác phẩm, cùng tập, trang 171.

[21, 24] Ảnh từ Bách Khoa Toàn Thư Mở (hình 4 và 5).

[22] Trần Trọng Kim; Việt Nam Sử Lược (Sài Gòn, Tân Việt, 1964); trang 325 ghi lầm: “năm Đinh Hợi (1674).” Nếu là năm 1674 thì phải là năm Giáp Dần, còn nếu là năm Đinh Hợi tức phải là năm 1647 hoặc 1707.

[23] Cùng tác phẩm, trang 380, chép là: “Nguyễn Thiệp” có kèm theo chữ Nho “阮 浹” (phiên âm đúng là “Nguyễn Tiếp”); Hoàng Cơ Thụy, Việt Sử Khảo Luận, Cuốn II, trang 870, cũng chép “Nguyễn Thiệp.”

Các tài liệu khác đều chép là “Nguyễn Thiếp” gồm có: Đại Nam Nhất Thống Chí, bản dịch, Tập 2, trang 209; Việt Sử Tân Biên, Quyển III, trang 462; Thành Ngữ Điển Tích Danh Nhân Tự Điển, Quyển II, trang 863; Từ Điển Nhân Vật Lịch Sử Việt Nam, trang 650.

[25] Tứ bất: Bất thiết Tể tướng, bất thủ Trạng nguyên, bất lập Hoàng hậu, bất phong Đông cung; nghĩa là: không đặt chức Tể tướng, không lấy đỗ Trạng nguyên, không lập Hoàng hậu, không phong Đông cung.

[26] Năm sinh và mất của Vũ Duy Thanh chép theo: Ngô Đức Thọ, cùng tác phẩm, trang 838 & 839; nhưng tài liệu trên mạng lại ghi là: 1807 – 1859.

[27] Ảnh từ tài liệu xưa (hình 7), chụp năm 1897.

[28] Quốc Sử Quán Triều Nguyễn; Đại Nam Thực Lục Chính Biên, Phan Huy Giu dịch, quyển 37 (Hà Nội, Khoa Học Xã Hội, 1977); trang 37: Khoa Ất Dậu (1885) thi Hội lấy chánh phó trúng cách 14 người; Trần Đạo Tiềm đỗ Hội nguyên, Đặng Quỹ đỗ thứ 14, vào thi Đình chưa kịp truyền lô thì gặp biến Kinh đô thất thủ đêm rạng ngày 5 tháng 7 năm 1885 nên bỏ cuộc.

[29, 31] Ảnh tài liệu xưa (hình 8, 9), chụp năm 1897.

[30] Năm sinh và mất của Huỳnh Thúc Kháng chép theo: Ngô Đức Thọ, cùng tác phẩm, trang 925; nhưng tài liệu trên mạng lại ghi ông mất ngày 21- 4- 1947.

[32] Từ năm 1876 lệ định 1 Cử nhân lấy đỗ 2 Tú tài, từ năm 1884 cứ 1 Cử nhân là 3 Tú tài.

[33] Trong 572 lượt người thi đỗ, bao gồm 14 người trúng thi Hội khoa Ất Dậu (1885).

[34] Ảnh tài liệu xưa (hình10), chụp năm 1897.

[35] Ngô Đức Thọ, sách đã dẫn, trang 71: trong phần Bổ di có ghi tên Chu Văn An là người thứ 69 đỗ Tiến sĩ, tính từ khoa đầu tiên năm 1075.

[36] Xem ghi chú số 8 và 9.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

01/ CAO XUÂN DỤC; Quốc Triều Hương Khoa Lục, Nguyễn Thúy Nga và Nguyễn Thị Lâm dịch; Sài Gòn, nxb TP/ HCM, 1993.

02/ . . . . . . . . . . ; Quốc Triều Khoa Bảng Lục, Trúc Viên Lê Mạnh Liêu dịch; Hà Nội, nxb Văn Học, 2001.

03/ HOA BẰNG; Quang Trung Nguyễn Huệ; (Hà Nội, xuất bản lần đầu, 1944), Glendale CA, nxb Đại Nam tái bản, không đề năm.

04/ HOÀNG CƠ THỤY; Việt Sử Khảo Luận; Paris, nxb Nam Á, 2002.

05/ NGÔ ĐỨC THỌ chủ biên; Các Nhà Khoa Bảng Việt Nam; Hà Nội, nxb Văn Học, 1993.

06/ PHẠM VĂN SƠN; Việt Sử Tân Biên, bộ 7 quyển; Sài Gòn, tác giả xuất bản, Khai Trí phát hành, 1958 – 1972.

07/ PHAN HUY CHÚ; Lịch Triều Hiến Chương Loại Chí, Tổ phiên dịch Viện Sử Học Việt Nam dịch; Hà Nội, nxb Khoa Học Xã Hội, 1992.

08/ PHAN KHOANG; Việt Sử: Xứ Đàng Trong 1558 – 1777; Sài Gòn, Khai Trí, 1970.

09/ QUỐC SỬ QUÁN TRIỀU NGUYỄN; Đại Nam Thực Lục Chính Biên, Phạm Huy Giu và Trương Văn Chinh dịch, Quyển 37; Hà Nội, nxb Khoa Học Xã Hội, 1977.

10/ QUỐC SỬ VIỆN TRIỀU LÊ; Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, bản Chính Hòa, khắc in năm 1697, gồm 27 quyển; bản dịch ấn hành thành 4 tập: Ngô Đức Thọ dịch Tập I (10 quyển), Hoàng Văn Lâu dịch Tập II (9 quyển), Hoàng Văn Lâu và Ngô Thế Long dịch Tập III (8 quyển), Tập IV sao chụp nguyên văn chữ Nho; Hà Nội, nxb Khoa Học Xã Hội, 1993.

11/ TOAN ÁNH; Nếp Cũ Con Người Việt Nam, in lần thứ hai; Sài Gòn, Khai Trí, 1970.

12/ TRẦN ĐỘ chủ biên; Văn Hóa Việt Nam Tổng Hợp; Hà Nội, Ban Văn Hoá Văn Nghệ Trung Ương xuất bản, 1989.

13/ TRẦN HỒNG ĐỨC; Các Vị Trạng Nguyên, Bảng Nhãn, Thám Hoa Qua Các Triều Đại Phong Kiến Việt Nam; Hà Nội, nxb Văn Hóa Thông Tin, 1999.

14/ TRẦN TRỌNG KIM; Việt Nam Sử Lược, in lần thứ bảy; Sài Gòn, nxb Tân Việt, 1964.

15/ VỤ BẢO TỒN BẢO TÀNG; Niên Biểu Việt Nam; Hà Nội, nxb Khoa Học Xã Hội, 1984.