PHƯƠNG PHÁP GHI CHÚ

TRONG KHẢO LUẬN

ĐÀO ĐỨC CHƯƠNG

Khảo luận là nghiên cứu, tìm biết, rồi dựa vào lý lẽ mà suy ra, luận bàn về một vấn đề gì. Người biên soạn phải căn cứ vào những tài liệu khả tín, những sách vở đạt tiêu chuẩn văn bản học, để biện minh, để lập luận cho đề tài mình viết.

Vì vậy, bài khảo luận dù đã nghiên cứu kỹ lưỡng, tham khảo nhiều tài liệu, và trích văn hoặc nêu những ý kiến của các nhà tư tưởng để luận cứ vững vàng; mà không ghi chú về xuất xứ tài liệu, không liệt kê thư mục rõ ràng, thì việc ra sức củng cố lập luận vẫn thiếu cơ sở, không đứng vững được. Uổng công dã tràng! Vì bài viết đã không mang tính thuyết phục, khó lòng gây ấn tượng tốt, mà còn tạo sự nghi ngờ nơi độc giả.

Tuy mục Ghi chú và Thư tịch nằm ở vị trí khiêm tốn, chót cùng quyển sách, chỉ trước phần phụ bản (nếu có), nhưng lại giúp cho bài khảo luận có giá trị. Người đọc, nhờ có ghi chú và thư tịch, càng hiểu rõ nội dung khúc chiết và sự khả tín của bài viết.

Thực hiện việc ghi chú, có nhiều phương cách khác nhau. Miễn sao hợp lý và khoa học. Người đọc dễ hiểu, người viết thuận tiện cho việc biên soạn, và đa số chấp nhận là được.

Trong phạm vi bài này, chỉ bàn vấn đề ghi chú. Còn thư mục, cũng quan trọng không kém, sẽ đề cập ở phần khác.

Đi vào lãnh vực ghi chú, lần lượt thử tìm hiểu: Thế nào là ghi chú? Cách đánh số và đặt vị trí của ghi chú ra sao? Xếp loại và phân tích thành phần của ghi chú gồm những gì? Có mấy trường hợp điển hình về ghi chú? Quy tắc Quốc tế của ghi chú như thế nào? Ghi chú xuất xứ trong mỗi loại tài liệu có khác biệt không? Và sau cùng là lời kết về tầm quan trọng của ghi chú.

I – GHI CHÚ LÀ GÌ?

Ghi chú là chép thêm vào để nói rõ hơn. Ghi chú còn giảng giải làm rõ nghĩa một chữ, một điển cố, một ý, hoặc bổ sung, hay cung cấp những chi tiết cần thiết nên cũng gọi là chú thích.

Ngoài ra, ghi chú còn giới thiệu xuất xứ một đoạn văn trích, một ý kiến, một tin tức trong một tài liệu tham khảo nào đó. Và ghi chú được đặt vào cuối mỗi trang giấy, hay cuối mỗi bài, mỗi chương, hoặc cuối sách; nên còn gọi là cước chú.

II – CÁCH ĐÁNH SỐ VÀ VỊ TRÍ CỦA GHI CHÚ

Ở đầu mỗi ghi chú có đánh số thứ tự, và các số ấy nằm trong dấu móc sổ [1], [2], [3]…; hoặc dấu ngoặc đơn còn gọi là ngoặc vòng (1), (2), (3)…; hoặc đánh số viết cao hơn và kích thước nhỏ hơn hàng chữ thường để phân biệt với các con số bình thường khác. Thí dụ²

Nếu bài khảo luận rất ít ghi chú, chỉ cần dùng dấu hoa thị thay thế cho con số cũng được, chẳng hạn ghi chú số 2 thì ghi hai dấu hoa thị ** .

Các số thứ tự hoặc số dấu hoa thị đã ghi sau mỗi từ ngữ, hay sau đoạn văn cần chú thích, phải được chép lại trong mục ghi chú và ở đầu mỗi ghi chú tương ứng.

Xong mỗi ghi chú đều phải sang hàng, cũng có thể cách một hàng ngang để phân biệt. Và tùy ở vị trí đặt mục ghi chú, có bốn phương cách:

01 – Đặt ghi chú ngay trong bài viết:

Nếu chọn cách ghi chú ngay trong bài viết, thường đặt sau một đoạn văn, sau một nhóm chữ hoặc từ ngữ cần được ghi chú. Phần ghi chú được đặt trong dấu móc sổ [ ] hay dấu ngoặc vòng ( ) để phân biệt với bài viết, và không cần đánh số thứ tự cho mỗi ghi chú.

Cách trình bày và vị trí của lối ghi chú này có tiện lợi là người đọc hiểu ngay những điều cần giải thích thêm, khỏi mất thì giờ và tốn công tìm kiếm ghi chú ở cuối trang, cuối chương, hay cuối sách. Nhưng chỉ tiện lợi ở những ghi chú ngắn, chẳng hạn như:

a/ Ghi chú năm sinh, năm mất của một người. Có 3 cách trình bày, tùy chọn. Thí dụ:

– Nguyễn văn X (1940 – 2005): viết năm sinh, cách 1 space, đánh dấu ngang, cách 1 space, viết năm mất.

– Hay (1940- 2005): viết năm sinh, đánh dấu ngang, cách 1 space, viết năm mất.

– Hoặc (1940-2005): viết năm sinh, đánh dấu ngang, viết năm mất.

– Khi đã chọn 1 trong 3 cách, thì phải nhất quán.

b/ Ghi chú thời gian trị vì của một triều đại.

Thí dụ: Đời Lê Thánh Tông (1460 – 1497) nước ta cực thịnh về mọi mặt.

c/ Ghi chú để đối chiếu giữa năm Âm lịch và Dương lịch.

Thí dụ: Hòa ước năm Quý Mùi (1883) có 27 điều khoản.

d/ Ghi chú cho những chữ ít phổ biến, nếu có một ngoại ngữ thông dụng kèm theo để xác định ngữ nghĩa.

Thí dụ: Sông St Lawrence có nhiều đảo và chỗ nông (shoals). Tiền sảnh (lobby) của khách sạn.

đ/ Ghi chú cho một từ ngữ mà người đời thường phát âm sai, hay quen gọi trại. Vậy cần có chữ Nho đi kèm để định danh từ ngữ ấy.

– Trường hợp phát âm sai, chẳng hạn phát âm “Kh” thành “Ph”:

Thí dụ: Tên là “Đặng Thị Khuê,” nhưng người đọc phát âm thành “Đặng Thị Phê,” người ghi cứ theo âm chép là “Phê.” Để tránh trường hợp “tam sao thất bổn” khi viết tên họ người Việt Nam, cần ghi chú thêm chữ Nho, như: Đặng Thị Khuê (鄧 氏 珪).

– Trường hợp gọi trại, chẳng hạn chuyển hóa dấu nặng (.) thành dấu ngã cho dễ phát âm.

Thí dụ: Bà Từ Dụ (mẹ vua Tự Đức), nguời đời quen gọi trại là “Từ Dũ.” Vậy khi viết, cần kèm theo chữ Nho để xác định Từ Dụ (慈 裕) chứ không thể là “Từ Dũ” vì trong chữ Nho không có âm “dũ.”

Ở Bình Định có một số làng, địa danh không thống nhất. Như làng “Bằng Châu” còn gọi là “Bàng Châu”; “Hưng Nghĩa” cũng gọi là “Hương Nghĩa”; “Lộc Lễ” gọi là “Lục Lễ” v.v… phải tra vào Địa bạ Triều Nguyễn để xác định tên gọi đúng. Vậy khi viết những địa danh này cần phải kèm theo ghi chú chữ Nho: làng Lộc Lễ (祿 禮), làng Bằng Châu (憑 洲); làng Hưng Nghĩa (興 義).

e/ Ghi chú cho một phiên âm. Thí dụ: Bạch Cư Dị (Bai Du Yi) là nhà thơ lớn thời Trung Đường. Thành phố Tô Châu (Su Zhou) có nhiều di tích cổ.

Đối với những ghi chú dài, chẳng hạn như: nêu xuất xứ một đoạn văn, giải thích một sự kiện, kể một điển tích… không nên đặt ghi chú ở vị trí này, sẽ làm gián đoạn ý tưởng của bài viết và thường theo ba cách dưới đây.

Tuy nhiên, vẫn có trường hợp ngoại lệ, đem ghi chú xuất xứ hòa nhập vào bài viết. Thí dụ: Theo Trần Trọng Kim, Việt Nam Sử Lược, trang 274, Mạc Đăng Dung cùng bọn Vũ Như Quế cả thảy hơn 40 người đã làm nhục quốc thể và dâng đất (5 động) cho nhà Minh.

02 – Đặt ghi chú ở cuối trang giấy:

Nếu chọn ghi chú ở cuối mỗi trang giấy, phải phân biệt với phần bài viết bằng dấu ngăn cách, tức là một gạch dài chừng 1/3 hàng ngang của trang giấy và bắt đầu từ lề trái. Ghi chú được viết dưới gach ngang với khổ chữ nhỏ hơn.

Đánh số thứ tự ghi chú từ 1 cho đến hết trang giấy đó, tức là phần bài viết trong trang giấy có bao nhiêu ghi chú phải liệt kê cho hết. Sang trang khác, nếu có ghi chú cũng đánh số thứ tự bắt đầu từ 1.

Cách đánh số này có lợi điểm là nếu ta muốn thêm, hay bớt một số ghi chú thì chỉ cần điều chỉnh số thứ tự của trang liên hệ và người đọc lại được thuận tiện xem phần ghi chú ngay trang đang đọc.

Tuy nhiên, ghi chú ở cuối trang gặp phải khuyết điểm là trình bày không đẹp, rời rạc và lộn xộn. Hơn nữa, phần ghi chú phân bố vào các trang không đều, đôi khi gặp phải các ghi chú dồn dập vào một trang, nhất là loại ghi chú cần tìm hiểu cặn kẽ, như giải thích điển cố, trình bày một lý thuyết, một sự kiện; chiếm cả vài trang giấy, gây sự lẫn lộn giữa phần khảo luận và phần ghi chú, làm rối mắt độc giả.

03 – Đặt ghi chú ở cuối chương:

Nếu chọn ghi chú ở mỗi cuối chương sách thì phải chừa khoảng cách vài hàng ngang và viết: “Ghi chú của chương…” đậm nét hay chữ khổ lớn để độc giả biết rõ chỉ ghi chú trong phạm vi chương đó mà thôi.

Đánh số thứ tự ghi chú từ 1 cho đến hết chương. Cách đánh số này tránh được khuyết điểm của cách ghi chú ở cuối mỗi trang, và nếu có thêm bớt ghi chú cũng chỉ cần điều chỉnh trong chương liên hệ, chứ không ảnh hưởng toàn thể mục ghi chú.

04 – Đặt ghi chú ở cuối sách:

Nếu chọn ghi chú ở cuối quyển sách thì không những phải viết lớn chữ “Ghi chú” làm đề mục, mà còn phải sang trang.

Cách đánh số ghi chú liên tục từ 1 đến cuối tác phẩm, được lợi điểm là không trùng số và thu gồm tất cả các ghi chú vào vị trí cố định ở cuối sách (trước phần thư mục), độc giả dễ tìm kiếm. Nhưng cách này gặp phải bất tiện một khi muốn thêm hay bớt ghi chú, phải điều chỉnh số thứ tự toàn thể ghi chú suốt cả bài khảo luận.

– Trường hợp thêm ghi chú: Để làm giảm nhẹ cách điều chỉnh toàn bộ số thứ tự ghi chú, một khi có các ghi chú bổ sung, người viết vẫn dùng số thứ tự ghi chú kề trên và thêm a, b, c…

Thí dụ: Toàn tác phẩm có 80 ghi chú đánh số từ 1 đến 80.

Cần thêm một ghi chú nữa kề dưới ghi chú số 5. Người viết đặt tên số thứ tự ghi chú ấy là 5a. Nếu cần thêm nhiều ghi chú nữa tiếp liền theo, sẽ có 5b, 5c, 5d. Cách ghi này, tuy vẫn thấy số 80 là ghi chú cuối cùng, nhưng thực tế đã tăng thành 83 ghi chú.

– Trường hợp giảm ghi chú: Nếu bỏ bớt ghi chú nào, người viết chỉ cần xóa bỏ số thứ tự đó, mà không cần điều chỉnh các số khác.

Thí dụ: Muốn bỏ bớt ghi chú số 3. Bài viết sẽ còn: Ghi chú 1, 2, 4, 5, 6, … 80. Tuy vẫn thấy số 80 là ghi chú cuối cùng, nhưng thực tế chỉ còn 79 ghi chú.

Áp dụng cách ghi chú thêm, bớt này, người viết không phải khổ công dò tìm từng ghi chú trong bài viết để điều chỉnh con số. Tuy vậy, độc giả vẫn thấy tác phẩm này, cách trình bày số thứ tự ghi chú thiếu khoa học, vì con số biểu thị cho số ghi chú cuối cùng không đúng với thực tế.

05 – Nhận xét:

Tóm lại chọn cách đánh số thứ tự ghi chú nào cũng không toàn vẹn. Tuy vậy, nếu công trình khảo cứu lớn, gồm nhiều chương và mỗi chương có nhiều chú thích, nên chọn cách ghi chú thứ hai, tức ghi chú ở cuối chương là tiện nhất. Nếu bài viết ngắn (chừng vài chục trang trở lại), chọn cách ghi chú cuối bài, thích hợp nhất.

Dù đã chọn cách ghi chú cuối trang, cuối chương, hay cuối sách; nhưng khi gặp 5 trường hợp kể trên (xem tiểu mục số 1) cũng cần áp dụng ghi chú ngay trong bài viết.

III – PHÂN LOẠI VÀ PHÂN BIỆT TỪNG PHẦN TRONG GHI CHÚ

Xét về mục đích, ghi chú có ba loại:

1 – Ghi chú bổ nghĩa:

Bổ nghĩa là thêm vào cho đầy đủ nhằm giải thích hay nói rõ hơn, rộng hơn, sâu hơn một vấn gì mà bài viết không thể trình bày hết.

Thí dụ: Đào Đức Chương; Trang Sử Nam Quốc Sơn Hà Trong Buổi Đầu Nền Tự Chủ (Tập San Việt Học Journal, tháng 11- 2018); trang 9 & 10, có đoạn viết:

“Năm 1075, Nhân Tông sai Lý Thường Kiệt và Tôn Đản đem hơn 10 vạn quân vào nước Tàu, tiêu diệt các đồn trại quân Tống ở miền Nam hai tỉnh Quảng Đông (Guang Dong) và Quảng Tây (Guang Xi). Lý Thường Kiệt còn viết nhiều Lộ bố (truyền đơn ngày xưa) [26], kể tội họ Vương, nêu chính nghĩa việc chinh phạt, để cho dân bản xứ khỏi lo sợ và hợp tác với đoàn quân Đại Việt.”

Ghi chú 26, nơi trang 18, thuộc loại ghi chú Bổ nghĩa:

“Lộ bố là Công văn không niêm phong, bài hịch văn truyền ra trong lúc chiến tranh tuyên bố thật rõ ràng lý do hành quân. Ngày xưa, vị tướng đem quân đến một vùng nào để đánh dẹp, thường niêm yết lộ bố, kể tội quân địch và nêu chính nghĩa của sự chinh phạt. Mục đích làm an lòng dân chúng ở địa phương đó và tranh thủ nhân tâm, một hình thức của tâm lý chiến.”

2 – Ghi chú hiệu đính:

Ghi chú hiệu đính là loại ghi chú chuyên xem xét và đối chiếu để sửa chữa lại cho đúng một chi tiết hay một sự kiện nào đó, sau khi đã phân tích kỹ những thiếu sót hoặc sai lầm.

Thí dụ: Đào Đức Chương; Qui Nhơn, Những Ngôi Trường Ngày Cũ; Đặc San Liên Trường Qui Nhơn, 2011 (Orange County, CA); trang 307 – 348.

Trong bài viết nơi trang 309, có đoạn:

“Ngày 30- 9- 1970, Sắc lệnh số 113-SL/NV của Thủ tướng VNCH, cải biến xã Qui Nhơn thuộc quận Tuy Phước, tỉnh Bình Định và các phần đất phụ cận, thành thị xã Qui Nhơn. Địa phận Thị xã, trên cơ sở sáp nhập 4 xã: Qui Nhơn, Phước Hải, Phước Hậu, Phước Tấn (ấp Xuân Quang và Xuân Vân đã nhập vào Qui Nhơn năm 1961); chia thành 2 quận [10]:

a /Quận Nhơn Bình, gồm:

– Một phần xã Qui Nhơn cũ có các ấp: Cường Để, Đào Duy Từ, Ghềnh Ráng, Hải Cảng, Hàm Nghi, Lê Lợi, Nguyễn Du, Nguyễn Huệ, Xuân Quang.

– Xã Phước Hải có các ấp: Hải Đông, Hải Giang, Hải Nam, Hải Ninh.

– Xã Phước Tấn.

b/ Quận Nhơn Nhơn Định, gồm:

– Một phần xã Qui Nhơn cũ có các ấp: Bạch Đằng, Huyền Trân, Lý Thường Kiệt, Nguyễn Công Trứ, Phan Bội Châu, Tháp Đôi.

– Xã Phước Hậu có các ấp: An Thạnh, Bình Thạnh, Đông Định, ‘Hưng Thạnh’ (chép lầm, xem hiệu đính ở ghi chú 11), Lạc Trường, Lương Nông, Nhơn Mỹ, Phú Hòa, Phú Vinh, Phụ An, Tây Định, Thuận Nghi, Tường Vân, Vân Hà.” (sđd trang 309)

Phần ghi chú số 10 và 11, nơi trang 340 và 341 (Đặc San Liên Trường 2011) đã hiệu đính về trường hợp ấp Hưng Thạnh, như sau:

Trong Sắc lệnh số 113-SL/NV, ký ngày 30- 9- 1970 (Nguyễn Quang Ân, Việt Nam Những Thay Đổi Địa Danh Và Địa Giới Các Đơn Vị Hành Chinh 1945 – 1997, trang 216; và Trần Đình Thái, Ai Có Về Qui Nhơn, trang 19) đều phổ biến Sắc lệnh số 113-SL/NV, trong đó ghi ấp “Hưng Thạnh thuộc xã Phước Hậu” (quận Tuy Phước).

Cần xét trường hợp của Hưng Thạnh, có thuộc ấp của xã Phước Hậu hay không?

Theo địa bạ lập năm 1839, thôn Hưng Thạnh thuộc tổng Tuy Hà, huyện Tuy Phước, phủ An Nhơn, tỉnh Bình Định. Nhưng từ ngày 30- 4- 1930, thôn Hưng Thạnh được sáp nhập vào Qui Nhơn; lúc ấy thành phố Qui Nhơn chia làm 5 khu, Hưng Thạnh cải biến thành Khu Năm (Đỗ Bang – Nguyễn Tấn Hiểu, Lịch Sử Thành Phố Qui Nhơn, trang 106). Đến năm 1948, xã Phước Hậu được thành lập, trên cơ sở sáp nhập 3 xã nhỏ là Thanh Hương, Khánh Lộc, và Đôn Hậu, bao gồm 12 thôn: Tường Vân, Nhơn Mỹ, Phụ An, An Thạnh, Vân Hà (nguyên thuộc xã Thanh Hương); Thuận Nghi, Lạc Trường, An Định (nguyên thuộc xã Khánh Lộc cũ); Lương Nông, Bình Thạnh, Phú Vinh, Phú Hòa (nguyên thuộc xã Đôn Hậu cũ), không có thôn Hưng Thạnh. Năm 1954, xã Phước Hậu có 13 thôn vì An Định chia làm hai thôn là Đông Định và Tây Định, cũng không có thôn Hưng Thạnh.

Nói tóm lại, Hưng Thạnh sáp nhập vào Qui Nhơn (30- 4- 1930), trước khi xã Phước Hậu ra đời (khoảng đầu năm 1948). Vậy không thể liệt kê Hưng Thạnh vào các thôn của xã Phước Hậu.” (ĐSLT 2011, trang 340 và 341)

Chú ý: Hai loại ghi chú Bổ nghĩa và ghi chú Hiệu đính, không bắt buộc phải theo một quy tắc nào, miễn sao trình bày rõ ràng và đạt sự thuyết phục là được

3 – Ghi chú xuất xứ:

Ghi chú xuất xứ, nhằm giới thiệu gốc gác một tài liệu nào được dùng làm luận cứ; người biên soạn tùy nghi chọn một phương cách nào thích hợp, nhưng khi đã chọn thì phải tuân thủ quy tắc đó để cách trình bày được nhất quán.

Xét về cấu tạo, loại ghi chú xuất xứ có 4 thành phần: tác giả, tác phẩm, xuất bản, số trang; dùng dấu chấm phẩy (;) để tách các phần. Và trong mỗi thành phần, nếu chứa nhiều chi tiết thì dùng dấu phẩy (,) để phân biệt từng chi tiết. Riêng thành phần xuất bản, đặt trong dấu ngoặc đơn (dấu mở, dấu đóng), và các chi tiết trong thành phần này có dấu phẩy để ngăn cách.

Thí dụ: Đào Đức Chương; Tổ Chức Giáo Dục Thời Nho Học; Tạp Chí Văn Học (Garden Grove, CA), số 230, tháng 3 & 4/ 2006; trang 50 – 68. Trong bài này có đoạn:

“Tỷ số lấy đậu Tiến sĩ rất thấp, thường không quá 1/100, chẳng hạn khoa Quý Mùi (1463), niên hiệu Quang Thuận 4, đời Lê Thánh Tông, có 4400 thí sinh, lấy đậu 44 người, trong đó 1 Trạng nguyên, 1 Bảng nhãn, 1 Thám hoa, 15 Hoàng giáp và 26 Tiến sĩ [12].” (sđd trang 64)

Ghi chú 12, nơi trang 68, thuộc loại Ghi chú Xuất xứ, vì cho biết rõ tài liệu dưới đây đã cung cấp những số liệu này:

“Ngô Đức Thọ chủ biên; Các Nhà Khoa Bảng Việt Nam (Hà Nội, nxb Văn Học, 1993); trang 14 – 15 và 105 – 118.” [1]

IV – CÁC TRƯỜNG HỢP GHI CHÚ

01 – Trích văn lần đầu:

Đoạn văn trích để đưa vào bài khảo luận, phải nằm trong dấu ngoặc kép, đánh số thứ tự, và được ghi chú rõ về xuất xứ như:

– Tác giả: Tên họ hay biệt hiệu

– Tác phẩm: Tên tác phẩm, số quyển (nếu bộ sách có nhiều cuốn), tên dịch giả (nếu là sách chuyển ngữ), lần tái bản (nếu có);

– Hồ sơ xuất bản: nơi xuất bản, nhà xuất bản, năm xuất bản;

– Số trang được trích.

Chú ý: Những chi tiết về xuất bản gồm: nơi xuất bản, nhà xuất bản, năm xuất bản phải nằm trong dấu ngoặc vòng ( ), nên không cần có dấu chấm phẩy (;) để ngăn cách phần tên tác phẩm với phần chi tiết về xuất bản. Thí dụ:

Trần Trọng Kim; Việt Nam Sử Lược, in lần thứ 7 (Sài Gòn, nxb Tân Việt, 1964); trang 528.

Hoàng Cơ Thụy; Việt Sử Khảo Luận, Cuốn 6 (Paris, nxb Nam Á, 2002); trang 3758.

Quốc Sử Quán Triều Nguyễn; Đại Nam Nhất Thống Chí, Phạm Trọng Điềm dịch, Tập 5, tái bản (Huế, nxb Thuận Hóa, 1992); trang 269.

02 – Trích văn lần nữa, cùng tác phẩm, cùng trang, ghi chú mang số thứ tự kế tiếp:

Để tránh sự lặp lại về xuất xứ đoạn văn thứ hai cùng trang được trích, dùng nhóm chữ “cùng một trang” hay “sách đã dẫn”, nếu là sách Việt; hoặc ghi “Ibid” là chữ viết tắt của Ibidem (tiếng La Tinh), nếu là sách tiếng Anh, Pháp; và gạch dưới các chữ ấy. Thí dụ:

[1] Trần Trọng Kim; Việt Nam Sử Lược, in lần thứ 7 (Sài Gòn, nxb Tân Việt, 1964); trang 528.

[2] Cùng một trang

(hoặc có thể ghi)

[2] Sách đã dẫn

(hay có thể ghi bằng từ ngữ La Tinh đã quốc tế hóa)

[2] Ibid.

Chú ý: Những số ghi chú như thế này “Thí dụ:[1], [2], [3], [4], …” chỉ dùng vào việc làm mẫu cho thí dụ, không tính vào chương mục ghi chú đặt sau bài viết này.

03 – Trích văn lần nữa, cùng tác phẩm, khác trang, ghi chú mang số thứ tự kế tiếp:

Trường hợp này vẫn dùng nhóm chữ “cùng tác phẩm”, hoặc “sách đã dẫn”, nhưng phải ghi thêm số trang của đoạn văn mới trích. Với sách tiếng Anh và Pháp, dùng chữ “Ibid”. Thí dụ:

[1] Trần Trọng Kim; Việt Nam Sử Lược, in lần thứ 7 (Sài Gòn, nxb Tân Việt, 1964); trang 528.

[2] Cùng tác phẩm; trang 530.

(hoặc có thể ghi)

[2] Sách đã dẫn; trang 530.

(hay có thể ghi bằng từ ngữ La Tinh đã Quốc tế hóa)

[2] Ibid.; trang 530.

04 – Trích văn lần nữa, cũng đoạn văn đã trích lần trước, ghi chú có số thứ tự cách quãng bởi một hay nhiều ghi chú khác:

a/ Cách quãng gần (vài ghi chú):

Trường hợp này, không cần ghi lại xuất xứ đầy đủ, chỉ viết “họ và tên” tác giả (nếu là sách tiếng Việt), hoặc chỉ có “họ” mà thôi (ở sách Anh, Pháp). Rồi viết “trong chỗ đã kể trên” hay “cùng một chỗ”, nếu là sách tiếng Việt; hoặc viết “Loc. Cit.” là chữ viết tắt của Loco Citato (tiếng La Tinh), dùng cho sách tiếng Anh và Pháp.

Thí dụ: [1] Trần Trọng Kim; Việt Nam Sử Lược, in lần thứ 7 (Sài Gòn, nxb Tân Việt, 1964); trang 528.

Thí dụ: [3] Trần Trọng Kim; trong chỗ đã kể trên.

Thí dụ: [3] Trần Trọng Kim; cùng một chỗ.

Thí dụ: [3] Trần Trọng Kim; Loc. Cit.

Cần nhớ: Mặc dù chỉ cách quãng một ghi chú, mà ghi chú đó lại trích văn ở một tác phẩm khác cũng của tác giả đã ghi trên, nên phải ghi tên tác phẩm để xác định rõ, trong 2 tác phẩm kê trên, ghi chú số 3 đã trích văn từ tác phẩm nào. Thí dụ:

[1] Trần Trọng Kim; Việt Nam Sử Lược, in lần thứ 7 (Sài Gòn, nxb Tân Việt, 1964); trang 528.

[2] . . . . . . . . . . . . . ; Việt Thi, tái bản (Los Alamitos, CA, nxb Xuân Thu, không năm); trang 64.

[3] . . . . . . . . . . . . . . ; Việt Nam Sử Lược; trong chỗ đã kể trên.

b/ Cách quãng xa (nhiều ghi chú):

Nếu ghi chú có số thứ tự cách quãng xa bởi nhiều ghi chú khác, cần ghi thêm tên tác phẩm, để độc giả dễ nhận biết.

Thí dụ: [1] Trần Trọng Kim; Việt Nam Sử Lược, in lần thứ 7 (Sài Gòn, nxb Tân Việt, 1964); trang 528.

(Ngăn cách bởi số thứ tự của 7 ghi chú khác)

Thí dụ: [9] Trần Trọng Kim; Việt Nam Sử Lược; trong chỗ đã kể trên.

05 – Trích văn lần nữa, cùng tác phẩm, cùng trang, ghi chú có số thứ tự cách quãng bởi một hay nhiều ghi chú khác:

Trường hợp này, không cần ghi lại xuất xứ đầy đủ, chỉ viết “họ và tên” tác giả (nếu là sách tiếng Việt), hoặc chỉ có “họ” mà thôi (ở sách Anh, Pháp). Rồi viết “cùng một trang” hay “sách đã dẫn,” nếu là sách tiếng Việt; hoặc viết “Loc. Cit.” là chữ viết tắt của Loco Citato (tiếng La Tinh), dùng cho sách tiếng Anh và Pháp. Thí dụ:

[1] Trần Trọng Kim; Việt Nam Sử Lược, in lần thứ 7 (Sài Gòn, nxb Tân Việt, 1964); trang 528.

(Ngăn cách bởi số thứ tự của 2 ghi chú khác)

[4] Trần Trọng Kim; cùng một trang

(hoặc có thể ghi)

[4] Trần Trọng Kim; sách đã dẫn

(hay có thể ghi bằng từ ngữ La Tinh đã quốc tế hóa)

[4] Trần Trọng Kim; Loc. Cit.

06 – Trích văn lần nữa, cùng tác phẩm, khác trang, ghi chú có số thứ tự cách quãng:

Trường hợp này, không cần ghi lại xuất xứ đầy đủ, chỉ viết họ và tên tác giả (nếu là sách tiếng Việt), hoặc chỉ có “họ” mà thôi (ở sách Anh, Pháp). Rồi viết nhóm chữ “cùng tác phẩm” hay “sách đã dẫn”, nếu là sách tiếng Việt; hoặc viết “Op. Cit.” là chữ viết tắt của Opere Citato (tiếng La Tinh), dùng cho sách tiếng Anh và Pháp. Sau cùng phải ghi số trang của đoạn văn mới trích. Thí dụ:

[1] Trần Trọng Kim; Việt Nam Sử Lược, in lần thứ 7 (Sài Gòn, nxb Tân Việt, 1964); trang 528.

(Ngăn cách bởi 2 ghi chú khác)

[4] Trần Trọng Kim; cùng tác phẩm; trang 531.

(hoặc có thể ghi)

[4] Trần Trọng Kim; sách đã dẫn; trang 531.

(hay có thể ghi bằng từ ngữ La Tinh đã quốc tế hóa)

[4] Trần Trọng Kim; Op. Cit.; trang 531.

07 – Trích văn lần nữa, cùng tác phẩm, cùng trang, ghi chú có số thứ tự cách quãng, và trước đó tác phẩm này được trích nhiều lần ở các trang khác nhau:

Giả sử: Trích văn 5 lần trong sách Văn Học Miền Nam Tổng Quan của tác giả Võ Phiến. Ghi chú số 1 trích văn ở trang 43, ghi chú số 2 trích đoạn khác cũng trang 43, ghi chú số 3 trích đoạn văn ở trang 70, ghi chú số 7 trích trang 123. Đến ghi chú thứ 9, lại trích đoạn văn thuộc trang 70 (cùng trang với ghi chú số 3).

Vậy trường hợp này (ghi chú số 9), phải ghi: Tên tác giả; sách đã dẫn (hoặc cùng một trang, hoặc Loc. Cit.); số trang có đoạn văn được trích.

Và trong bản ghi chú, cách trình bày các lần trích văn ấy như sau, thí dụ:

[1] Võ Phiến; Văn Học Miền Nam Tổng Quan, in lần thứ 2 (Westminster, CA, nxb Văn Nghệ, 1988); trang 43. (trích văn lần đầu)

[2] Cùng một trang. Hoặc có thể ghi: Ibid. (cùng trang, số thứ tự kế tiếp)

[3] Sách đã dẫn; trang 70. Hoặc có thể ghi: Ibid.; trang 70. (khác trang, số thứ tự kế tiếp)

[4] Ghi chú bổ nghĩa (không dính dáng gì đến việc trích văn).

[5] Ghi chú xuất xứ: Trích văn của tác giả khác.

[6] Ghi chú hiệu đính (cũng không liên quan đến việc trích văn).

[7] Võ Phiến; cùng tác phẩm (hoặc sách đã dẫn, hay Op. Cit.); trang 123. (khác trang, số thứ tự cách quãng)

[8] Ghi chú xuất xứ: Trích văn của tác giả khác nữa.

[9] Võ Phiến; sách đã dẫn (hoặc Loc. Cit.); cùng trang 70 (với ghi chú số 3).

08 – Ghép nhóm các số thứ tự ghi chú:

Trường hợp trích văn nhiều lần cùng trang hay khác trang của một tác phẩm và số ghi ghú liên tục hay gián đoạn; có thể áp dụng cách ghi chép giản tiện sau đây: Viết các số thứ tự liên hệ trong dấu móc sổ, ghi họ tên tác giả, tên tác phẩm, các chi tiết về xuất bản, sau cùng ghi các số trang lần lượt tương ứng với các số thứ tự đã ghi. Thí dụ:

[1, 2, 4, 7, 10] Vũ Ngọc Phan; Nhà Văn Hiện Đại, tái bản (Sài Gòn, nxb Thăng Long, 1960); các trang 51, 71, 108, 175, 250.

Thông thường phải mất nhiều hàng mới chép đủ 5 ghi chú đã kê trên, nếu áp dụng cách ghép nhóm có thể thu ngắn rất nhiều. Và người đọc cũng hiểu được, ghi chú số 1 trích văn nơi trang 51, số 2 trang 71, số 4 trang 108, số 7 trang 175, số 10 trang 250 trong tác phẩm Nhà Văn Hiện Đại của Vũ Ngọc Phan. Tuy vậy, chỉ ghép thành nhóm cho những số thứ tự kề cận nhau, hoặc không cách nhau xa lắm, để người đọc dễ tìm thấy.

09 – Đoạn văn khác, trích trong sách khác nhưng cùng một tác giả, và ghi chú mang số thứ tự kế tiếp:

Trường hợp này, thay thế tên tác giả bằng từ ngữ “Cùng một người” hay “Cùng tác giả”, nếu là sách Việt; hoặc viết chữ “Idem” (không được viết tắt là “Id”), dùng cho sách tiếng Anh và Pháp. Rồi viết tên tác phẩm, ghi chi tiết xuất bản (trong dấu ngoặc vòng), số trang.

Có thể dùng dấu gạch dài (_____) hay dấu nhiều chấm (……….) để thay thế cho tên tác giả. Chiều dài dấu gạch dài hay dấu nhiều chấm bằng chiều dài họ và tên tác giả. Thí dụ:

[1] Thanh Lãng; Bảng Lược Đồ Văn Học Việt Nam, Quyển hạ (Sài Gòn, nxb Trình Bày, 1967); trang 393.

[2] Cùng tác giả; 13 Năm Tranh Luận Văn Học, Quyển III (Sài Gòn, nxb Văn Học, 1995); trang 535.

(hay có thể ghi bằng từ ngữ La Tinh đã quốc tế hóa)

[2] Idem; 13 Năm Tranh Luận Văn Học, quyển III (Sài Gòn, nxb Văn Học, 1995); trang 535.

(hoăc có thể thay thế bằng dấu gạch dài, hay dấu nhiều chấm)

[2] __________; 13 Năm Tranh Luận Văn Học, quyển III (Sài Gòn, nxb Văn Học, 1995); trang 535.

10 – Đoạn văn khác, trích trong sách khác nhưng cùng tác giả, và ghi chú mang số thứ tự cách quãng:

Trường hợp này không thể viết nhóm chữ “cùng một người” hoặc dùng dấu gạch dài (_____), hay dấu nhiều chấm (……….) để thay thế cho tên tác giả, vì bị ngăn cách bởi nhiều số thứ tự khác.

Ghi chú, phải viết đủ các chi tiết như ghi chú lần đầu (tên tác giả, tên tác phẩm, chi tiết xuất bản, số trang có đoạn văn được trích). Thí dụ:

[1] Lộc Xuyên Đặng Quý Địch; Nhân Vật Bình Định (Sài Gòn, Soạn giả xuất bản, 1971); trang 168.

(Ngăn cách bởi 2 ghi chú khác)

[4] Lộc Xuyên Đặng Quý Địch; Mai Viên Cố Sự (Vestminster CA, Tập San Văn Lang xuất bản, 1994); trang 15.

Chú ý: Các thuật ngữ như: “Ibid.,” “Idem,” “Loc. Cic.,” “Op. Cit.,” “Cùng một chỗ,” “Cùng một trang,” “Cùng tác phẩm,” “Cùng tác giả,” “Sách đã dẫn”… có thể gạch dưới, dùng dấu ngoặc kép, hoặc viết chữ xiên để được nổi bật những ghi chú đặc biệt này.

11 – Bộ sách gồm nhiều cuốn:

– Trường hợp 1, cả bộ sách xuất bản cùng lượt, nên các quyển sách có cùng chi tiết về xuất bản (nơi xuất bản, nhà xuất bản, năm xuất bản).

Chẳng hạn: Mộng Bình Sơn; Gió Lộng Cờ Đào, gồm 2 tập; Tiền Giang, nxb Tiền Giang, 1989.

– Trường hợp 2, bộ sách gồm nhiều cuốn nhưng xuất bản khác nhau. Điển hình là bộ sách Việt Sử Tân Biên của Phạm Văn Sơn, gồm 7 cuốn nhưng đều khác nhau về chi tiết xuất bản, như: Quyển 1: Sài Gòn, Khai Trí tái bản, 1968. Quyển 2: Sài Gòn, nxb Văn Hữu Á Châu, 1958. Quyển 3: Sài Gòn, tác giả xuất bản, 1959. Quyển 4: Sài Gòn, tác giả xuất bản, 1961. Quyển 5: Sài Gòn, tác giả tái bản, 1962. Quyển 6: Sài Gòn, tác gia tái bản, 1963. Quyển 7: Sài Gòn, tác giả tái bản, 1972.

Vì thế, khi ghi chú xuất xứ, phải viết số quyển sau tên tác phẩm và ở trước chi tiết xuất bản, để thống nhất vị trí số tập cho cả hai trường hợp.

Thí dụ 1: Mộng Bình Sơn; Gió Lộng Cờ Đào, Tập 2 (Tiền Giang, nxb Tiền Giang, 1989); trang 45.

Thí dụ 2: Phạm Văn Sơn; Việt Sử Tân Biên, Quyển 4 (Sài Gòn, tác giả xuất bản, 1961); trang 197.

Thí dụ 3: Quốc Sử Quán Triều Nguyễn; Đại Nam Nhất Thống Chí, bản dịch của Phạm Trọng Điềm, Tập 3 (Huế, nxb Thuận Hóa, 1992); trang 6.

12 – Phần ghi chú chép ngay trong bài viết:

Gặp những ghi chú quan trọng, cần cho người đọc thấy rõ ngay vấn đề, đôi khi soạn giả đưa ghi chú vào bài viết. Trường hợp này, phải tạo cho ghi chú liền lặn với bài viết.

Thí dụ: Đào Đức Chương; Con Gái Bình Định; Đặc San Bình Định Bắc California 2004 (San Jose, Hội Tây Sơn Bình Định Bắc Cali xuất bản, 2004); trang 62, có đoạn đã đưa ghi chú vào bài viết, như sau:

“Theo tài liệu của Quách Tấn và Quách Giao, trong Nhà Tây Sơn, trang 57: Bùi Đắc Lương, một cự phú ở thôn Xuân Hòa (nay thuộc xã Bình Phú, huyện Tây Sơn) sanh ba trai là Bùi Đắc Chí, Bùi Đắc Trung, Bùi Đắc Tuyên và hai gái là Bùi Thị Loan, Bùi Thị Nhạn. Bà Nhạn kết duyên với Nguyễn Huệ sau khi vợ cả là Phạm Thị Liên qua đời. Bùi Thị Xuân là con của Bùi Đắc Chí, vua Quang Toản là con của bà Bùi Thị Nhạn, bà Xuân (con cậu) là chị của Quang Toản (con cô), và gọi Bùi Đắc Tuyên bằng chú ruột.” (Trích bài Con Gái Bình Định của Đào Đức Chương, 17 trang).

V – QUY TẮC QUỐC TẾ CỦA GHI CHÚ

1 – Việc sử dụng các từ ngữ Quốc tế:

Một số thuật ngữ ngoại quốc, đa số gốc La Tinh, đã được quốc tế hóa, thường dùng trong các tác phẩm văn chương Âu – Mỹ, nhất là trong lãnh vực khảo luận.

– Ad hoc (tiếng La Tinh): Riêng biệt, cá biệt, đặc thù.

– Ad inf., viết tắt từ chữ “Ad infinitum” (tiếng La Tinh): Vô tận, không giới hạn, mãi mãi.

– Ad val., viết tắt từ chữ “Ad valorem”: Tùy giá trị, theo giá hàng.

– Ante bellum: Trước chiến tranh, tiền chiến.

– A priori (Anh và Pháp): Trước, ưu tiên, tiên nghiệm.

– A posteriori (Anh và Pháp): Về sau, hậu nghiệm.

– Apropos: Hợp thời, thích hợp, đúng lúc, đúng điệu,

– BBC., viết tắt từ chữ “British Broadcasting Corporation”: Đài phát thanh khắp thế giới, từ Luân Đôn, nước Anh.

– BC., viết tắt từ chữ “Before Christ”: Trước công nguyên, trước Thiên Chúa.

– Bona fide: hết lòng, chân thành.

– Carte blanche: Trọn quyền.

– Cf., viết tắt từ chữ “Confer”: So với, so sánh.

– Chap , số nhiều là Chaps: Chương.

– Coup de grâce (Pháp), Coup de grace (Anh): Phát súng ân huệ.

– Coup d’état (tiếng Pháp): Cuộc đảo chánh.

– Ed., viết tắt từ chữ “editor” (Anh), hay “Éditeur” (Pháp): Chủ bút. Giám đốc biên tập, gọi tắt là Giám biên. Viết tắt là “Gb” cho những sách Việt.

– E. g., viết tắt từ chữ “Exempli gratia”: Thí dụ, chẳng hạn.

– Et al., viết tắt từ chữ “Et alii”: Và những người khác. Tương đương với chữ “các tác giả khác,” viết tắt là “các tgk.” trong sách Việt.

– Etc., viết tắt từ chữ “Et cetera”: Vân vân, viết tắt là “v.v.” trong sách tiếng Việt.

– Et seq., số nhiều là Et sqq., viết tắt từ chữ “Et sequens”: Và (người hay những người) sau đây.

– Ex officio (tiếng Anh): Đương nhiên, mặc nhiên (do chức vụ).

– Fig. 2 , số nhiều Figs, viết tắt từ chữ “Figure”(Anh, Pháp): Hình số 2, viết tắt “H 2” cho sách tiếng Việt.

– Fn., viết tắt từ chữ “Footnote”: Cước chú.

– F. v., viết tắt từ chữ “Folio verso”: Trang phía sau.

– Ibid., viết tắt từ chữ “Ibidem” (La Tinh): Dùng cho cả hai trường hợp (xem “Các trường hợp ghi chú”, Tiểu mục thứ 2, 3):

*Trích văn lần nữa, cùng trang, ghi chú mang số thứ tự kế tiếp. Tiếng Việt là: “Cùng một trang”, hoặc “Sách đã dẫn” viết tắt là “sđd”. Không ghi số trang.

*Trích văn lần nữa, cùng tác phẩm, khác trang, ghi chú mang số thứ tự kế tiếp. Tiếng Việt là: “Cùng tác phẩm”, hoặc “Sách đã dẫn”. Có ghi số trang.

– Ida., viết tắt từ chữ “Idaho”: Không chính thức.

– Idem (Anh và Pháp, không được viết tắt là “Id”): Cùng một người, cũng như trên, cũng vậy, cũng thế.

– I. e., viết tắt từ chữ “Id est”: Nghĩa là, tức là.

– Interview (Anh và Pháp): Phỏng vấn.

– ISBN., viết tắt từ chữ International Standard Book Number (tiếng Anh): Mã số tiêu chuẩn Quốc tế cho sách.

– LCCN., viết tắt từ chữ Library of Congress Control Number (tiếng Anh): Số kiểm soát Thư viện Quốc hội.

– Letter (Anh), Lettre (Pháp): Thư từ .

– Loc. cit., là chữ viết tắt của “Loco Citato” (tiếng La Tinh): Dùng cho cả ba trường hợp (xem “Tiết mục: Các trường hợp ghi chú”, Tiểu mục: thứ 4, 5, 6):

* Trích văn lần nữa, cũng đoạn văn đã trích lần trước, ghi chú có số thứ tự cách quãng bởi một hay nhiều ghi chú khác. Tiếng Việt là: “Trong chỗ đã kể trên”, hoặc “Cùng một chỗ”. Không ghi số trang.

* Trích văn lần nữa, cùng tác phẩm, cùng trang, ghi chú có số thứ tự cách quãng. Tiếng Việt là: “Cùng một trang”, hoặc “Sách đã dẫn”. Không ghi số trang.

* Trích văn lần nữa, cùng tác phẩm, cùng trang, ghi chú có số thứ tự cách quãng, và trước đó tác phẩm này được trích nhiều lần ở các trang khác nhau: Tiếng Việt là: “Sách đã dẫn”. Có ghi số trang, cùng trang với một trong các lần trích văn trước.

– N. b., viết tắt từ chữ “Nota bene” (Anh và Pháp): Ghi chú.

– N.d., viết tắt từ chữ “No date” cho tài liệu bằng tiếng Anh. Pas de date, viết tắt là P.d., cho sách tiếng Pháp. Không năm, viết tắt là “K.n.” dùng cho tài liệu tiếng Việt.

– No. (số nhiều là Nos: những con số): Số.

– N.p., viết tắt từ chữ No publisher” (tiếng Anh): Không đề nhà xuất bản, viết tắt là “Không nxb” (tiếng Việt). Dùng để chỉ tài liệu tham khảo không ghi tên nhà xuất bản.

– Op.Cit., viết tắt từ chữ “Opere Citato” (tiếng La Tinh), dùng cho trường hợp: Trích văn lần nữa, cùng tác phẩm, khác trang, ghi chú có số thứ tự cách quãng. Tiếng Việt là: “Cùng tác phẩm,” hoặc “Sách đã dẫn.” Có ghi số trang.

– P., viết tắt từ chữ “Page” (Anh và Pháp): Trang, viết tắt là “Tr.” (tiếng Việt). Nếu trích dẫn nhiều trang thì ghi “p.p.” (Thí dụ: p.p. 3 – 5)

– Passim (La Tinh): Đó đây, khắp nơi, ở nhiều chỗ.

– P.d., viết tắt từ chữ “Pas de date”, dùng cho sách tiếng Pháp (No date – N.d.: tiếng Anh): Không năm, viết tắt là “K.n.” (tiếng Việt). Dùng để chỉ tài liệu tham khảo không ghi năm xuất bản.

– P.e., viết tắt từ chữ “Pas d’éditions” (tiếng Pháp): Không tên, viết tắt là “K.t.”(tiếng Việt). Dùng để chỉ tài liệu tham khảo không có tên nhà xuất bản.

– Per annum: Mỗi năm, hằng năm.

– Per capita: Mỗi đầu người.

– Per cent: Phần trăm, bách phân.

– Per se (tiếng La Tinh): Tự nó, cho chính nó, đích thị.

– Pro rata: Theo tỷ lệ.

– Pt I (số nhiều Pts.) viết tắt từ chữ “Part” (Anh và Pháp): Tập I, Phần I.

– Q. v., viết tắt từ chữ “Quod vide” (tiếng La Tinh): Xem ở, tham khảo ở.

– Sec., viết tắt từ chữ “Section”: Mục (Phần của sách trình bày trọn vẹn một điểm hoặc một vấn đề).

– Sic: (Chung cho Anh và Pháp – Tiếng dùng để chỉ sự sai lầm , khinh bỉ): Sao nguyên văn. Đúng như trong nguyên văn.

– S. p., viết tắt từ chữ “Sine prole”: Không phát hành.

– S. v., viết tắt từ chữ “Sub voce”: Dưới tiêu đề.

– Status quo: Nguyên trạng, hiện trạng.

– Trans, viết tắt từ chữ “translator” (tiếng Anh): Dịch giả, người dịch.

– Trad, viết tắt từ chữ “traducteur” (tiếng Pháp): Dịch giả, người dịch.

– U. s., viết tắt từ chữ “Uti supra”: Như ở trên.

– V. i., viết tắt từ chữ “Vide infra”: Xem ở dưới.

– Vs. (số nhiều Vss.) viết tắt từ chữ “Versus”: Chống, chống lại, đấu với.

– V. s., viết tắt từ chữ “Vide supra”: Xem ở trên.

– Via: Qua, ghé.

– Vice versa: Ngược lại, lộn lại.

– Visa: Khán, kiểm nhận.

– Vis- à- vis (Pháp), Vis- a- vis (Anh): Đối diện, đối với.

– VOA., viết tắt từ chữ “Voice Of America”: (Đài) Tiếng Nói Hoa Kỳ.

– Vol. (số nhiều là Vols.) viết tắt từ chữ “Volume”: Tập, quyển.

Vì đã được quốc tế hóa nên một số những thuật ngữ trên đây, thỉnh thoảng cũng thấy trong các sách Việt.

Thí dụ 1: Vũ Ngư Chiêu; Các Vua Cuối Nhà Nguyễn, Phần II: Thiên Mệnh Đại Pháp, Tập 3: 1932 – 1945 (Houston, TX, nxb Văn Hóa, 2000); trong Thư Mục, trang 1071, đã viết:

“Trần Huy Liệu, et al. Ed. Cách mạng tháng tám: Tổng khởi nghĩa ở Hà- Nội và các địa phương. 2 vols. Hanoi: NXB Văn Sử Học, 1960.” [1]

Thí dụ 2:

– Dùng chữ [sic] trong dấu móc để lưu ý độc giả chỗ sai lầm.

Bà A viết: “Trần Bình Trọng nói lời khẳng khái, Toa Đô [sic] thấy không dụ được, sai quân đem chém.”

– Nếu không dùng chữ [sic] thì phải điều chỉnh, và cũng nằm trong dấu móc.

“Trần Bình Trọng nói lời khẳng khái, Toa Đô [Thoát Hoan] thấy không dụ được, sai quân đem chém.”

Thí dụ 3: Nước Việt Nam ta về đời Hồng Bàng (2897 – 258 BC) gọi là Văn Lang.

2 – Cách viết tên tác giả trong phần ghi chú:

– Tác giả dùng biệt hiệu dù là sách tiếng Việt hay sách Anh Pháp, cứ ghi theo thứ tự trong sách đã ghi.

– Tác giả dùng tên thật, nếu là người Việt hay Trung Hoa, ghi chú viết theo thứ tự: Họ + chữ lót + tên.

– Mẫu tự đầu của họ, tên, chữ lót đều phải viết hoa.

Thí dụ tên Người Việt: Trần Thị Minh Đào, Nguyễn Trọng Bình; người Tàu: Bạch Cư Dị (Bai Ju Yi). Nhờ có quy tắc trong biên khảo, người đọc biết chắc chắn người đầu: họ “Trần”, tên lót “Thị”, tên chính “Minh Đào”. Người thứ 2: họ “Nguyễn”, tên lót “Trọng”, tên chính “Bình”. Người thứ 3: họ “Bạch” (Bai), tên lót “Cư”(Ju), tên chính “ Dị” (Yi).

Người Âu Mỹ dùng tên thật, ghi chú viết theo thứ tự: Tên (first name) + chữ lót (middle name, viết tắt tiếp sau có dấu chấm) + họ (last name). Thí dụ: Robert W. Komer. Theo trật tự này, người đọc nhận biết người Mỹ này có tên chính “Robert,” tên lót viết tắt “W.” và họ “Komer.”

Chú ý: Theo Nguyễn Hữu Phương và 2 tác giả khác, Phương Pháp Soạn Và Viết Khảo Luận, nxb Đại Chúng, năm1971, nơi trang 86; cách ghi tên họ tác giả Âu Mỹ trong phần ghi chú và phần thư tịch khác nhau. Cách viết tên ở ghi chú: tên + chữ lót + họ (chữ lót viết tắt tiếp sau có dấu chấm); ở thư tịch: họ + tên + chữ lót (giữa họ và tên có dấu phẩy, chữ lót viết tắt tiếp sau có dấu chấm).

VI – GHI CHÚ XUẤT XỨ TRONG MỖI LOẠI TÀI LIỆU

Tùy theo cách trình bày của tác giả, ghi chú xuất xứ ở mỗi tài liệu có thay đổi một ít. Nhưng tựu trung, vẫn có 4 phần: tác giả, tác phẩm, xuất bản, số trang.

Sau chi tiết về tác giả có dấu chấm phẩy (;). Sau chi tiết về tác phẩm là chi tiết về xuất bản, có dấu ngoặc vòng mở và đóng phần này. Kế tiếp là dấu chấm phẩy trước khi viết số trang.

01 – Ghi chú đối với Sách tham khảo:

– Tên tác giả;

– Tên tác phẩm (viết xiên) – chi tiết về xuất bản (trong ngoặc vòng);

– Trang sách có đoạn văn được trích.

Thí dụ 1: Trích bài Kê Minh Thập Sách của Nguyễn Thị Bích Châu, vợ của vua Trần Duệ Tông. Ghi chú về xuất xứ bài này, trích từ:

Nguyễn Đổng Chi; Việt Nam Cổ Văn Học Sử (Hà Nội, nxb Hàn Thuyên, 1942); trang 203 – 206.

Thí dụ 2: Trường hợp sách dịch, tên dịch giả đặt sau tên tác phẩm, tiếp đến ghi số tập (nếu có), rồi đến chi tiết về xuất bản (trong ngoặc vòng).

Quốc Sử Quán Triều Nguyễn; Đại Nam Nhất Thống Chí, Phạm Trọng Điềm dịch, Tập 3 (Huế, nxb Thuận Hóa, 1992); trang 42.

02 – Ghi chú đối với Bách khoa từ điển:

– Tên tác giả (nếu có);

– Tên bài viết (chữ xiên);

– Tên quyển bách khoa (trong ngoặc kép), số quyển, tên người chủ biên hay thực hiện quyển sách – chi tiết về xuất bản (trong ngoặc vòng);

– Trang sách có đoạn văn được trích. Thí dụ:

a/ Trường hợp có tên tác giả:

Phan Quang; Đồng Bằng Sông Cửu Long; “Văn Hóa Việt Nam”, một quyển, Trần Độ chủ biên (Hà Nội, Ban Văn Hóa Văn Nghệ Trung Ương, 1989); trang 78. (Bài này chiếm 2 trang, 78 và 79, nhưng chỉ ghi số trang có đoạn văn được trích)

b/ Trường hợp không có tên tác giả:

Organisation Des Nations Unies; “Grand Larousse Encyclopédique,” Vol. VII (1963); trang 997. (Bài này chiếm 3 trang, 996 – 998, nhưng chỉ ghi số trang có đoạn văn được trích)

03 – Ghi chú đối với Luận án, Tiểu luận, Luận văn:

– Tên tác giả;

– Tên đề tài (chữ xiên);

– Danh mục tác phẩm (ghi là: Luận án choViệt, hay Thesis cho Anh, hoặc Thèse cho Pháp) – nơi chốn, tên trường, năm (trong ngoặc vòng);

– Số trang có đoạn văn được trích. Thí dụ:

a/ Trích văn trong tập luận án, ghi chú sẽ là:

Cao Huy Thuần; Đạo Thiên Chúa Và Chủ Nghĩa Thực Dân Tại Việt Nam 1857 – 1914 (nguyên tác tiếng Pháp: Christianisme et Colonialisme au Vietnam); Luận án Tiến Sĩ Quốc Gia Khoa Học Chính Trị (Paris, Viện Đại Học Paris, 1968); trang 370. (Trích Điều 1, Hiệp Ước Harmand ký ngày 25- 8- 1883)

b/ Trích văn trong tập tiểu luận, ghi chú sẽ là:

Nguyễn Văn Sâm; Văn Chương Nam Bộ Và Cuộc Kháng Pháp 1945 – 1950; Tiểu luận Cao học (Sài Gòn, Đại Học Văn Khoa Sài Gòn – Los Alamitos, CA, nxb Xuân Thu tái bản, 1988); trang 29 – 30. (Trích danh sách thi phẩm)

c/ Trích trong bài luận văn, ghi chú sẽ là:

Nguyễn Công Lượng; Sinh Hoạt Trong Hội Đồng Xã; Luận văn tốt nghiệp Ban Đốc Sự Khóa XVI, 1968 – 1971 (Sài Gòn, Học Viện Quốc Gia Hành Chánh, 1971); trang 1. (Trích phần mở đầu)

04 – Ghi chú đối với Báo chí:

a/ Báo:

– Tên tác giả (nếu có);

– Tên bài viết (chữ xiên);

– Tên tờ báo (gạch dưới, hay trong ngoặc kép) – nơi xuất bản (trong ngoặc vòng), số báo, ra ngày;

– Số trang có đoạn văn được trích. Thí dụ:

1/ Có tên tác giả:

Đinh Tấn Khương; Nước Mắt Có Bao Giờ Chảy Ngược; “Việt Nam Nhật Báo” (San Jose, California), số 6388, ra Thứ Sáu ngày 2- 9- 2011; trang 28, cột 4 [2]. (Bài này đăng 2 trang: 27 và 28, nhưng chỉ ghi số trang có đoạn văn được trích)

2/ Không đề tên tác giả:

Thần Đồng Gốc Việt Tại Hoa Kỳ (theo VOA); Nhật Báo Calitoday (San Jose, California), số 2894, ra Thứ Tư & Thứ Năm ngày 21 & 22 tháng 9 năm 2011; trang 4A. (Bài này đăng 2 trang, 4A và 11A, nhưng chỉ ghi số trang có đoạn văn được trích)

b/ Tạp chí:

– Tên tác giả;

– Tên bài viết (chữ xiên);

– Tên tạp chí (gạch dưới, hay trong ngoặc kép) – nơi phát hành (trong ngoặc vòng), số tập, kỳ xuất bản (với tuần báo và bán nguyệt san ghi đủ ngày tháng năm, với nguyệt san ghi tháng năm, quý san ghi mùa hay ghi các tháng, niên san chỉ ghi năm);

– Số trang có đoạn văn được trích. Thí dụ:

1) Ngô Nhân Dụng; Mùa Xuân Địa Trung Hải; “Tuần Báo Mõ San Francisco/ Oakland” (San Francisco, California), số 1252, ngày 10- 9- 2011; trang 69. (Bài này chiếm 3 trang, từ 67 – 69, nhưng chỉ ghi số trang có đoạn văn được trích)

2) Hồng Huy; Lưu Danh Thiên Cổ; “Nguyệt San Làng Văn” (Toronto, Canada), số 218, tháng 10- 2001; trang 58. (Bài này có 4 trang, từ 55 – 58, nhưng chỉ ghi số trang có đoạn văn được trích)

3) Đào Đức Chương; Thư Họa Vũ Hối; “Quý San Cỏ Thơm” (Reston, Virginia), số 37, Đông 2006; trang 77. (Bài này chiếm 9 trang, từ 74 – 79, nhưng chỉ ghi số trang có đoạn văn được trích)

4) . . . . . . . . . . . . . ; Con Gái Bình Định; “Đặc San Bình Định Bắc California 2004” (San Jose, Hội Tây Sơn Bình Định Bắc Cali xuất bản, 2004); trang 59 và 60. (Bài này chiếm 17 trang, từ 54 – 70, nhưng chỉ ghi số trang có đoạn văn được trích)

5) Trần Anh Tuấn; Về Một Số Bộ Thông Sử Sau Việt Nam Sử Lược; “Chuyên San Dòng Sử Việt” (Alameda, California), số 5, tháng 10- 12 năm 2007; trang 125. (Bài này chiếm 6 trang, từ 122 – 127, nhưng chỉ ghi số trang có đoạn văn được trích).

c/ Báo Điện tử (Vi báo):

Tài liệu tham khảo xuất xứ từ báo điện tử, có bốn phần, lần lượt ghi:

– Tên tác giả (chữ in hoa);

– Tên bài viết (chữ xiên);

– Tên trang mạng (website) báo điện tử – thể loại (trong ngoặc vòng), ngày đăng;

– Số trang có đoạn văn được trích. Cũng thường gặp những bài trên mạng không ghi số trang, thì chi tiết này chừa trống. Điển hình hai trường hợp, thí dụ:

*Không có số trang: Đào Đức Chương; Đầm Thị Nại; Website Tập San Việt Học Journal (mục Môi trường, Địa lý, Lịch sử), đăng tháng 11- 2018.

Trần Đình Sơn; Lỗ Hổng Ozone Có Làm Nguy Hại Đến Con Người Hay Không? Website http://cuongde.org/ (mục Khảo cứu), đăng ngày 9- 11- 2009.

*Có ghi số trang: Đào Đức Chương; Giọng Bình Định; Website http://cuongde.org/ (mục Viết về Bình Định, tiểu mục Văn hóa), đăng ngày 15- 11- 2010; trang 10. (Bài này có 14 trang, nhưng chỉ ghi số trang có đoạn văn được trích).

05 – Ghi chú đối với văn kiện Chính phủ:

– Tên chính phủ;

– Tên văn kiện (viết chữ xiên);

– Phân loại (thông tri, sắc lệnh, quyết định, nghị định, công báo, văn thư), số hồ sơ – nơi chốn xuất phát, tên cơ quan, ngày ký (trong ngoặc vòng);

– Quyển và số trang có đoạn văn được trích. Thí dụ:

a/ Việt Nam Cộng Hòa; Quy Pháp Vững Tập; (Sài Gòn, Công Báo, 1962); Quyển III, trang 210. (Trích từ: Nguyễn Hữu Phương và 2 tgk; Phương Pháp Soạn Và Viết Khảo Luận {Không đề nơi, nxb Đại Chúng, 1971}; trang 72.)

b/ Việt Nam Cộng Hòa; Thị Xã Qui Nhơn, Thành Lập Quận Và Khu Phố; Nghị Định số 495- BNV/HC/26/ĐT/NĐ (Sài Gòn, Tổng Trưởng Nội Vụ, ký ngày 11- 6- 1971); trang 1. (Theo Nguyễn Quang Ân; Việt Nam Những Thay Đổi Địa Danh và Địa Giới các Đơn Vị Hành Chinh 1945 – 1997 {Hà Nội, nxb Văn Hóa – Thông Tin, 1997}; trang 220 – 221.)

c/ Việt Nam Cộng Hòa; Sự Vụ Lệnh Bổ Nhiệm; số 3720-GD/NV/2P/SVL (Sài Gòn, TUN Tổng Trưởng Bộ Giáo Dục, Phụ tá Đặc biệt Đặc Trách Ngành TTH/BDGD ông Nguyễn Thanh Liêm, ký ngày 2- 12- 1972); trang 1 và 2. (Sự Vụ Lệnh này gồm 2 trang – Tài liệu cá nhân)

d/ Việt Nam Cộng Hòa; Nghị định hợp thức hóa tình trạng hành chánh; số 468- GD/NV/2P/NĐ (Sài Gòn, Tổng trưởng Bộ Giáo Dục Ngô Khắc Tỉnh, ký ngày 21- 2- 1973); trang 1 và 2. (Nghị Định này gồm 2 trang – Tài liệu cá nhân).

06 – Ghi chú đối với bản phúc trình:

– Tên người hoặc nhóm (nếu có) làm công tác phúc trình;

– Tên bản phúc trình viết chữ xiên – nơi và ngày phúc trình (trong ngoặc vòng);

– Số trang có đoạn văn được trích. Thí dụ:

a/ Vũ Quốc Thúc và David E. Lilienthal (first name, middle name viết tắt tiếp sau có dấu chấm, last name); Phúc Trình Sơ Khởi của Nhóm Nghiên Cứu Kế Hoạch Kinh Tế Hậu Chiến (Saigon, ngày 16 tháng 11 năm 1967); trang 81.

b/ ADPA Committee; Report on Civil Corruption (Saigon, November, 1967); trang 8.

c/ Paul Reuter; Rapport du Group Hydroélectrique Irrigation (Paris, Juin 1958); trang 27.

(a, b, c: Theo Nguyễn Hữu Phương và 2 tgk; Phương Pháp Soạn Và Viết Khảo Luận, trang 74)

07 – Ghi chú đối với bài Giảng thuyết:

– Họ tên người thuyết trình;

– Tên đề tài (viết chữ xiên);

– Hình thái (gạch dưới) ghi là: Giảng thuyết (Việt), hay Lecture (Anh), hoặc Conférence (Pháp) – Nơi đăng đàn, ai tổ chức, ngày thực hiện (trong dấu ngoặc vòng);

– Số trang có đoạn văn được trích (nếu biết). Thí dụ:

a/ Nguyễn Đình Hòa; Bảo Tồn Tiếng Việt Tại Hải Ngoại; giảng thuyết (San Jose, Đại Hội Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại kỳ IV, tháng 11 năm 1993); số trang không rõ.

b/ Lê Hữu Mục; Những Chuẩn Thằng Nôm Học Của Nguyễn Trãi; thuyết trình (Westminster, Ca, Viện Việt Học, Hội Nghị Quốc Tế Về Tiếng Việt, ngày 1- 7- 2011); số trang không rõ.

c/ Đào Đức Chương; Bình Định, Xứ Sở Và Con Người; thuyết trình (Santa Ana, Hội Tây Sơn Bình Định Nam Cali + Viện Việt Học, ngày 11- 6- 2006); trang 5.

d/ Eliodoro G. Robles (first name, middle name, last name); Democracy; Lecture (Manila, Far Eastern University, 18 August 1966); trang 9.

e/ Sakutaro Kachi; La Souveraineté et l’Indépendance de l’État et les Questions Intérieures en Droit International; Conférence (Paris, Faculté de Droit et des Sciences Economiques de Paris, 27 Juin 1962); trang 8.

08 – Ghi chú đối với thư từ:

– Họ tên, nghề nghiệp hay chức vụ người gửi;

– Hình thái ghi là: Với tiếng Việt có Thư tín (thư gửi qua bưu điện), Thư tay (thư nhờ người mang đến), Thư ngỏ (thư viết công khai gửi cho ai). Letter (Anh); Lettre (Pháp). Ngày nay còn có thư gửi qua Internet, gọi là Email, Điện thư hay Vi thư.

– Địa điểm, ngày viết thư (trong ngoặc vòng);

– Số trang có đoạn thư được trích. Thí dụ:

a/ Thư từ qua bưu điện:

Mộng Bình Sơn, nhà văn; thư tín (Sài Gòn, ngày 15- 12- 1993); trang 2. (Bức thư này có 3 trang, nhưng chỉ ghi số trang có đoạn thư được trích).

b/ Thư từ qua Internet:

Phan Bá Trác, cựu Phó Ty Trưởng Ty Giáo Dục và Thanh Niên Bình Định; email: tracbphan@aol.com (Dallas, Texas, Wednesday, July 7, 2010, 8:41:53 AM); trang 1. (Email này có 2 trang, nhưng chỉ ghi số trang có đoạn thư được trích).

09 – Ghi chú đối cuộc phỏng vấn:

a/ Phương pháp cổ điển:

– Họ tên, lý lịch nhân vật được phỏng vấn;

– Hình thái thực hiện (ghi là: “Phỏng vấn” cho Việt, “Interview” cho Anh, Pháp). Phỏng vấn trực tiếp bằng cách đến gặp mặt, qua điện thoại. Phỏng vấn gián tiếp bằng vấn bút qua e-mail, thư phúc đáp qua đường bưu điện – Nơi và ngày phỏng vấn (trong dấu ngoặc vòng). Thí dụ:

Chú ý: Trong bài viết, khi trích chép lời của người được phỏng vấn, có hai cách: trực tiếp hay gián tiếp. Nếu là trực tiếp, đoạn chép ấy phải có dấu ngoặc kép. Nếu trích chép gián tiếp, không cần dấu ngoặc kép (xem Ghi chú về trường hợp trích văn).

Nguyễn Mai, người thôn Vĩnh Lộc, xã Bình Hòa, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định, cựu sĩ quan cảnh sát thuộc tỉnh Bình Định; phỏng vấn bằng điện thoại (San Jose, ngày 15- 10- 1996).

b/ Phương pháp biên niên:

Trường hợp, phỏng vấn nhiều người cùng một đề tài, có thể ghi theo thứ tự thời gian và cách trình bày khác với phương pháp cổ điển.

– Ngày tháng năm;

– Hình thái thực hiện;

– Tên và lý lịch người được phỏng vấn.

Thí dụ: Trong bài “Qui Nhơn, Những Ngôi Trường Ngày Cũ” có đến 20 trường Trung Học và Cao Đẳng, cần phỏng vấn nhiều người mới viết được:

*Ngày 11- 5- 2011; phỏng vấn bằng điện thoại; ông Hồ Sĩ Duy, cựu Hiệu trưởng trường Trung Học Tăng Bạt Hổ Qui Nhơn, hiện ở Bình Dương, Việt Nam.

*Ngày 17- 5- 2011; phỏng vấn bằng điện thoại; bà Nguyễn M. Nghĩa, cựu SPQN khóa 6, nay là Chủ Tịch Hội Ái Hữu Trường Sư Phạm Qui Nhơn, hiện ở Huntington Beach, Nam California.

*Ngày 22- 5- 2011; phỏng vấn bằng điện thoại; các ông: Võ Trấp, nguyên sáng lập trường Trung Tiểu Học Nghĩa Thục Tự Lực Qui Nhơn, hiện ở Reseda, Nam CA; Vũ Xuân Trinh, cựu Giáo sư Trường Nghĩa Thục Tự Lực, hiện ở Fountain Valley, Nam CA; Tạ Chí Thân, cựu Học sinh trường Sư Phạm Thực hành, hiện ở Chatsworth, Nam CA; ông Nguyễn Hữu Thời, cựu Dân biểu VNCH, hiện ở Lake Forest, Nam CA.

10 – Ghi chú về trường hợp trích văn:

Trích văn để làm bằng chứng cho lập luận được vững chắc, dù trích trực tiếp hay trích gián tiếp đều phải ghi chú về xuất xứ.

a/ Trích văn trực tiếp:

Còn gọi là “Trích nguyên văn,” đoạn được trích phải nằm trong ngoặc kép và viết xiên để dễ phân biệt (xem ghi chú số [3]).

Thí dụ: Hành vi mãi quốc cầu vinh, làm nhục quốc thể, của Mạc Đăng Dung, sử gia Trần Trọng Kim nhận xét:

“Mạc Đăng Dung đã làm tôi nhà Lê mà lại giết vua để cướp ngôi, ấy là một người nghịch thần; đã làm chủ một nước mà không giữ lấy bờ cõi, lại đem cắt đất mà dâng cho người, ấy là một người phản quốc. Làm ông vua mà không giữ được cái danh giá cho trọn vẹn, đến nỗi phải cởi trần ra trói mình lại, đi đến quỳ lạy ở trước cửa một người tướng của quân nghịch để cầu lấy cái phú quý cho một thân mình và một nhà mình, ấy là một người không biết liêm sỉ.”

Ghi chú xuất xứ đoạn văn trích trên:

Trần Trọng Kim; Việt Nam Sử Lược, bản in lần Thứ Bảy (Sài Gòn, nxb Tân Việt, 1964); trang 274.

b/ Trích văn gián tiếp:

Còn gọi là “Trích ý,” tức là dùng ý của tài liệu tham khảo mà viết ra câu văn khác. Trường hợp này không cần có dấu ngoặc kép, cũng không viết xiên, nhưng vẫn phải có ghi chú xuất xứ của đoạn văn đã được tham khảo, và phải có chữ “Theo” đứng trước tên tác giả để phân biệt với trích văn trực tiếp.

Thí dụ: Mạc Đăng Dung làm quan to được phong tước hầu dưới triều Lê mà đem lòng soán ngôi, giết Vua và Hoàng Thái Hậu, quả là một nghịch thần. Khi làm vua, nghe tin Nhà Minh sang đánh, thay vì bảo vệ non sông, lại đem cắt một phần lãnh thổ dâng cho ngoại bang để được giữ yên ngai vàng, đích thực là tên phản quốc. Làm chủ một nước, mà không giữ phẩm giá của đấng quân vương, tự cởi trần và trói mình, đến cửa Nam Quan quỳ lạy viên tướng Tàu xin đừng động binh, ấy là người vô liêm sỉ, phạm trọng tội làm nhục quốc thể [2].

Ghi chú [2]: Theo Trần Trọng Kim; Việt Nam Sử Lược, bản in lần Thứ Bảy (Sài Gòn, nxb Tân Việt, 1964); trang 274.

VII – LỜI KẾT

Ghi chú không nằm trong phần nhập đề, thân bài và kết luận của tác phẩm, nhưng rất quan trọng, làm rõ vấn đề, mở rộng tầm hiểu biết mà bài viết chưa đạt tới. Và nhất là tạo sự tin tưởng của độc giả đối với bài khảo luận.

Lãnh vực ghi chú rộng mở, càng đào sâu trong phạm vi đề tài càng tốt. Tuy nhiên, không thể lạm dụng, dẫn dắt người đọc đi quá xa với đề tài: càng lạc lõng, càng giảm giá trị của tác phẩm.

Về hình thức, ghi chú có nhiều cách. Miễn sao lối trình bày mang tính khoa học: gọn, đầy đủ, rõ ràng, phổ quát. Những điều kiện ấy là phương pháp ghi chú tốt nhất.

Nói tóm lại, ghi chú là để bổ túc cho bài viết, làm tăng thêm giá trị cho tác phẩm. Nếu ghi chú không thực hiện được những điều cần và đủ của bài viết thì trở thành vô ích.

San Jose, ngày 2- 10- 2011

Bổ chính ngày 3- 3- 2019

ĐÀO ĐỨC CHƯƠNG

GHI CHÚ

[1] Trích nguyên văn và y theo cách trình bày của tác giả trong ấn phẩm.

[2] Trích đoạn văn (Việt Nam Nhật Báo số 6388, ra ngày 2- 9- 2011, trang 28):

“Nền giáo dục Tây phương thì nương theo sự phát triển tự nhiên của thể chất và tinh thần của con trẻ. Nền giáo dục Á Đông thì dựa trên quyền lực và theo cái khuôn mẫu ‘Xưa Bày, Nay Làm’.”

[3] Trích văn trực tiếp, còn gọi là trích nguyên văn, có 4 cách:

a/ Phương thức trụt vô: Đoạn văn được trích nằm trong ngoặc kép và trụt vô một Tab (nhảy dài) kể từ lề trái.

Có người cho rằng: Chỉ cần trụt vô đối với những đoạn văn trích dài. Đoạn văn trích ngắn, 1 hay 2 hàng ngang, dễ dàng thấy dấu ngoặc kép mở và đóng, nên vẫn viết sát với lề trái, như bình thường. Cách này gây cho người đọc dễ nhận biết đoạn văn dài được trích, nhưng lại thiếu nhất quán trong cách trình bày.

Vậy, khi áp dụng theo cách này, không nên phân biệt đoạn văn trích dài hay ngắn, tất cả đều trụt vô 1 tab.

b/ Phương thức ngoặc kép: Trích đoạn văn dài hay ngắn, vẫn viết sát lề trái, ngoài việc mở đóng ngoặc kép ở đầu và cuối đoạn, còn có ngoặc kép ở đầu mỗi hàng. Tuy nhiên với đoạn văn ngắn (1, 2 trang) chỉ cần dấu mở và đóng ngoặc kép ở đầu và cuối câu.

c/ Phương thức viết xiên: Viết xiên đoạn văn trích và nằm trong ngoặc kép là đủ. Nếu trong đoạn văn trích, có những nhóm chữ vốn đã viết xiên từ trước, chẳng hạn như tên tác phẩm, thì giờ đây phải gạch dưới (Italic) những chữ ấy để phân biệt.

d/ Phương thức kết hợp: Vừa trụt vô 1 tab, vừa có dấu ngoặc kép ở đầu mỗi hàng. Tuy nhiên chỉ áp dụng đánh dấu ngoặc kép ở đầu mỗi hàng ở những đoạn văn trích từ 3 hàng ngang trở lên.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

SÁCH

01/ CAO HUY THUẦN; Đạo Thiên Chúa Và Chủ Nghĩa Thực Dân Tại Việt Nam 1857 – 1914 (nguyên tác tiếng Pháp: Christianisme et Colonialisme au Vietnam), Luận án Tiến Sĩ Quốc Gia Khoa Học Chính Trị Đại Học Paris; Los Angeles, nxb Hương Quê, 1988.

02/ HOÀNG CƠ THỤY; Việt Sử Khảo Luận, Cuốn 6; Paris, nxb Nam Á, 2002.

03/ LỘC XUYÊN ĐẶNG QUÝ ĐỊCH; Mai Viên Cố Sự; Vestminster (CA), Tập san Văn Lang xuất bản, 1994.

04/. . . . . . . . . . . . . . . ; Nhân Vật Bình Định; Sài Gòn, Soạn giả xuất bản, 1971.

05/ MỘNG BÌNH SƠN; Gió Lộng Cờ Đào, 2 tập; Tiền Giang, nxb Tiền Giang, 1989.

06/ NGÔ ĐỨC THỌ chủ biên; Các Nhà Khoa Bảng Việt Nam; Hà Nội, nxb Văn Học, 1993.

07/ NGUYỄN ĐỔNG CHI; Việt Nam Cổ Văn Học Sử ; Hà Nội, nxb Hàn Thuyên, 1942.

08/ NGUYỄN HỮU PHƯƠNG và 2 tgk.; Phương Pháp Soạn Và Viết Khảo Luận; không đề nơi, nxb Đại Chúng,1971.

09/ NGUYỄN QUANG ÂN; Việt Nam Những Thay Đổi Địa Danh Và Địa Giới Các Đơn Vị Hành Chinh 1945- 1997; Hà Nội, nxb Văn Hóa- Thông Tin, 1997.

10/ NGUYỄN VĂN SÂM; Văn Chương Nam Bộ Và Cuộc Kháng Pháp 1945- 1950, Tiểu luận Cao học, Đại Học Văn Khoa Sài Gòn; Los Alamitos (CA), nxb Xuân Thu, 1988.

11/ NHIỀU TÁC GIẢ; Kỷ Yếu Quốc Gia Hành Chánh 1952 – 1975; Không đề nơi, Tổng Hội Cựu Sinh Viên Quốc Gia Hành Chánh (nhiệm kỳ 1997 – 1999) xuất bản, 1999.

12/ PHẠM VĂN SƠN; Việt Sử Tân Biên, bộ 7 quyển; Sài Gòn, nxb và tác giả xuất bản, 1958- 1972.

13/ QUỐC SỬ QUÁN TRIỀU NGUYỄN; Đại Nam Nhất Thống Chí, Phạm Trọng Điềm dịch, Tập 5, tái bản; Huế, nxb Thuận Hóa, 1992.

14/ THANH LÃNG; Bảng Lược Đồ Văn Học Việt Nam, quyển hạ; Sài Gòn, nxb Trình Bày, 1967.

15/ . . . . ; 13 Năm Tranh Luận Văn Học, Quyển II; Sài Gòn, nxb Văn Học, 1995.

16/ TRẦN ĐỘ chủ biên; Văn Hóa Việt Nam; Hà Nội, Ban Văn Hóa Văn Nghệ Trung Ương, 1989.

17/ TRẦN TRỌNG KIM; Việt Nam Sử Lược, in lần thứ 7; Sài Gòn, nxb Tân Việt, 1964.

18/ VÕ PHIẾN; Văn Học Miền Nam Tổng Quan, in lần thứ 2 (Westminster, CA, nxb Văn Nghệ, 1988); trang 43.

19/ VŨ NGỌC PHAN; Nhà Văn Hiện Đại, tái bản; Sài Gòn, nxb Thăng Long, 1960.

20/ VŨ NGƯ CHIÊU; Các Vua Cuối Nhà Nguyễn, Tập 3; Houston (Texas), nxb Văn Hóa, 2000.

BÁO CHÍ

21/ ĐÀO ĐỨC CHƯƠNG; Con Gái Bình Định; “Đặc San Bình Định Bắc California 2004” (San Jose, Hội Tây Sơn Bình Định Bắc Cali xuất bản, 2004); trang 54 – 70.

22/ . . . . . . . . . . . . . . . . . ; Giọng Bình Định; Website http://cuongde.org/, mục Viết Về Bình Định, tiểu mục Văn Hóa, đăng ngày 15 11- 2010; bài 14 trang.

23/ . . . . . . . . . . . . . . . . ; Qui Nhơn, Những Ngôi Trường Ngày Cũ; “Đặc San Liên Trường” (Orange County, Hội Cựu Học Sinh Liên Trường Qui Nhơn, 2011); trang 307 – 348.

24/ . . . . . . . . . . . . . . . . ; Thư Họa Vũ Hối; “Quý San Cỏ Thơm” (Reston, Virginia), số 37, Đông 2006; trang 74 – 79.

25/ . . . . . . . . . . . . . ; Tổ Chức Giáo Dục Thời Hán Học; “Tạp Chí Văn Học” (Garden Grove, CA), số 230, tháng 3 & 4/ 2006; trang 50 – 68.

26/ . . . . . . . . . . . . . . ; Trang Sử Nam Quốc Sơn Hà Trong Buổi Đầu Nền Tự Chủ; “Tập San Việt Học Journal”, mục Lịch sử, đăng tháng 11- 2018.

27/ . . . . . . . . . . . . . . . . ; Đầm Thị Nại, “Tập San Việt Học Journal,” mục Môi trường, Địa lý, Lịch sử), đăng tháng 11- 2018.

28/ ĐINH TẤN KHƯƠNG; Nước Mắt Có Bao Giờ Chảy Ngược; “Việt Nam Nhật Báo” (San Jose, California), số 6388, ra Thứ Sáu ngày 2- 9- 2011; trang 27 – 28.

29/ HỒNG HUY; Lưu Danh Thiên Cổ; “Nguyệt San Làng Văn” (Toronto, Canada), số 218, tháng 10- 2001; trang 55 – 58.

30/ KHÔNG TÊN; Thần Đồng Gốc Việt Tại Hoa Kỳ (theo VOA); “Nhật Báo Calitoday” (San Jose, California), số 2894, ra Thứ Tư & Thứ Năm ngày 21 và 22 tháng 9 năm 2011; trang 4A và 11A.

31/ NGÔ NHÂN DỤNG; Mùa Xuân Địa Trung Hải; “Tuần Báo Mõ San Francisco/ Oakland” (San Francisco, California), số 1252, ngày 10- 9- 2011; trang 67 – 69.

32/ TRẦN ANH TUẤN; Về Một Số Bộ Thông Sử Sau Việt Nam Sử Lược; “Chuyên San Dòng Sử Việt” (Alameda, California), số 5, tháng 10- 12 năm 2007; trang 122 – 127.

CÁC TÀI LIỆU KHÁC

33/ ĐÀO ĐỨC CHƯƠNG; Bình Định, Xứ Sở Và Con Người, thuyết trình trong Ngày Bình Định do Hội Tây Sơn Bình Định và Viện Việt Học tổ chức (Santa Ana, CA, ngày 11- 6- 2006); 14 trang.

34/ . . . . . . . . . . . . . . . . . . ; Viện Việt Học & Hội Nghị Quốc Tế Về Tiếng Việt;

tài liệu chưa đăng báo (San Jose, ngày 15- 10- 2011); 49 trang.

35/ PHAN BÁ TRÁC, cựu Phó Ty Trưởng Ty Giáo Dục và Thanh Niên; Email , tracbphan@aol.com ; Dallas, Texas, Wed. July 7, 2010. 8: 41: 53 AM; trang 1 và 2.