Chính sách dinh điền

trên đồng bằng Cửu Long

Lạp Chúc Nguyễn Huy

Nhà Nguyễn đã mở mang đất nước bằng sức mạnh quân sự, thành lũy kiên cố bảo vệ di dân, mở mang nông địa và hoàn tất định ranh giới hiện nay của đồng bằng Cửu Long.

Khi dân Việt bành trướng bờ cõi đến đồng bằng Cửu Long, trước cảnh đối diện với vùng đất hoang rừng rậm, sình lày, nước đọng mênh mông, Nhà Nguyễn và sau này Đệ Nhất Cộng Hòa đã áp dụng chính sách dinh điền (mở rộng ruộng) để chinh phục vùng đất mới.

Giai đoạn lịch sử mở mang bờ cõi

Nhà Nguyễn đã áp dụng biện pháp ngoại giao, chính trị lẫn quân sự để mở mang bờ cõi vào miền nam.

Năm 1620, chúa Nguyễn gả một công nữ cho vua Chân Lạp Chetta II và được phép cho người Việt đến lập nghiệp ở Prey Kôr (Sài Gòn).

Năm 1698, chúa sai thống xuất Nguyễn Hữu Kinh vào kinh lược, chia đất Đông Phố, lấy xứ Đồng Nai đặt huyện Phước Long lập dinh Trấn Biên (nay là Biên Hòa), lấy Sài Gòn làm huyện Tân Bình lập dinh Phiên Trấn (Gia Định).

Năm 1679, chúa Thái Tôn sai Xá Sai Vân Trình cầu vua Chân Lạp cấp đất đai cho các bại tướng nhà Minh. Tướng sĩ Long Môn của Dương Ngạn Dịch đến định cư ở Mỹ Tho, binh sĩ của Trần Thượng Xuyên vào cửa Cần Giờ đến định cư tại Bàn Lân (Biên Hòa).

Mỗi lần gởi quân sang giúp vua Chân Lạp đánh quân Xiêm xâm lăng hoặc can thiệp vào nội chính xung đột dành ngôi trong triều đình cao miên, chúa Nguyễn đều đòi trả công bằng sát nhập thêm đất đai Cửu Long.

Từ năm Mậu Ngọ (1738) đến năm Đinh Sửu, vua Chân Lạp đền ơn bằng dâng đất. Vua Nặc Nguyên dâng Tầm Đôn (Tân An) và Xuy Lạp (Gò Công). Vua Nặc Nhuận hiến Trà Vang (Trà Vinh, Bến Tre) và Ba Thắc (Sóc Trăng, Bạc Liêu) để xin được phong vương. Vua Nặc Tôn được Võ Vương đưa về nước đã dâng vùng Tầm Phong Long. Để tạ ơn, vua Nặc Tôn dâng Tầm Phong Long (Châu Đốc, Sa Đéc), Hương Úc, Cần Vọt, Chân Sum, Sài Mạt, Linh Quỳnh (Kiên Giang, Long Xuyên).

Trong vòng một thế kỷ (1658-1759) cả vùng Thủy Chân Lạp từ Biên Hòa đến Cà Mau đã thuộc về lãnh thổ Việt Nam. Theo kế « tàm thực », dân chúng từ Bố Chính trở vô được khuyến khích di dân vào Gia Định khai khẩn ruộng đất, xây dựng xã thôn, phường ấp để lập nên lục tỉnh.

Mốc di dân đầu tiên

Năm Kỷ Mùi (1673), 3000 binh sĩ với 50 chiến thuyền của các bại tướng nhà Minh được chúa Nguyễn cho vào định cư ở vùng Tiền Giang chưa được kinh lý.

Binh sĩ của Trần Thượng Xuyên vào cửa biển Cần Giờ, lên đồn trú ở Bàn Lăng xứ Đồng Nai, khai phá đất hoang, lập chợ phố thương mại, giao thương với người Tàu, Nhật, Tây Dương, Đồ Bà… thuyền buôn tụ đông đảo, phong hóa từ đấy lan ra khắp vùng Giản Phố[1].

Binh sĩ Long Môn của Dương Ngạn Địch vào cửa Tiểu, cửa Đại nương theo thủy triều lớn, vượt qua địa thế sình lày, nước mặn, nước lợ rồi đến vùng nước ngọt ở Mỹ Tho và định cư ở vùng Ba Giồng[2] rất thuận lợi làm canh nông. Tiếp theo, tướng Văn Trinh dẫn binh sĩ của Long Môn đến đóng dinh trại ở địa phương Mỹ Tho rồi dựng nhà cửa, tụ tập người kinh, người thượng kết thành chòm xóm[3]. Tại sao chọn Mỹ Tho làm nơi định cư ? Với người Hoa, phong thủy (long mạch, tứ linh, minh đường thủy tụ…) là lý do chính yếu lựa chọn nơi định cư. Địa thế Mỹ Tho nhìn ra Tiền Giang được Trịnh Hoài Đức mô tả như sau :« Cù lao Qui Sơn khuất khúc uốn lưng như hình con rồng…đứng giữa cảnh phong ba, rộng lớn mà cây cối tươi tốt, đất phì nhiêu… cù lao Long Ẩn thì quanh co u ảo, có vực sâu, ở giữa có một cồn, hình dạng có gáy có đuôi, ở giữa sông lớn, chẳng khác con giao long giỡn nước, dấu kín đầu sừng. Hơn nữa là cồn hẹp cây thấp, lại giống con giao long ẩn »[4]. Ngoảnh lại phía sau gặp từng thế đất cao dài của vùng Ba Giồng trông như long mạch thích hợp cho định cư.

Cũng trong thời kỳ này, người Hoa đến quy tụ tại Hà tiên với Mạc Cửu để giao thương với ghe thuyền qua lại trong vịnh Thái Lan. Một số nông dân và thương gia Hoa Kiều quy tụ ở Bạc Liêu, Sóc trăng làm nghề rãy và thương mại.

Hướng bành trướng di dân

Từ năm 1698, mỗi lần sát nhập thêm một vùng đất mới, triều đình cho xây thành đắp lũy, cử quan binh vào cai trị, chia cắt đất đai thành phủ huyện, chiêu dụ dân chúng từ miền Trung vào cư dân lập nghiệp. Vì lưu dân việt lấy nghề trồng lúa làm chánh, nên vùng phù sa nước ngọt tưới bón, thoát thủy dễ dàng của trung tâm đồng bằng đã định hướng tự nhiên cho làn sóng di dân lập ấp, trồng lúa. Công cuộc di dân việt nối liền dần các mốc định cư hoa kiều đầu tiên, men theo phù sa nước ngọt sông Cửu, tựa vào các cứ điểm quân sự như :

– Thành trì lớn như thành Sài Gòn, thành Vĩnh Long, thành Châu Đốc án ngữ vị trí chiến lược và giao thông

– Thành trì nhỏ của các đạo trấn giữ hai bên sông Cửu như Tân Châu (cù lao Giêng), Đông Khẩu (Sa Đéc),

– Đồn binh nhỏ trấn giữ các vàm rạch lớn với binh thuyền kiểm soát giao thông, giữ gìn an ninh.

Dinh điền dưới Triều Nguyễn

Dưới triều nhà Nguyễn, khi dân Việt bành trướng xuống đồng bằng Cửu Long bát ngát đất đai mầu mỡ, vấn đề chính yếu của dinh điền là thiếu nông dân đến canh tác nên triều đình phải áp dụng nhiều biện pháp khuyến khích di dân như :

Doanh điền có tính cách tư nhân

– Chính sách đồn điền

Doanh điền có tính cách tư nhân

Dưới thời quân chủ, trên lý thuyết, tất cả ruộng đất là thuộc quyền sở hữu của vua. Trong thực tế hành sử quyền hành đó nhằm giảm bớt diện tích đất tư hữu và tăng diện tích đất công (công điền, công thổ). Cuối thế kỷ XIV, luật pháp nhà Hồ cấm mỗi người dân sở hữu trên 10 mẫu ruộng (trừ hoàng tử, công chúa)[5] và luật Hồng Đức cấm lập trang trại.

Trước cảnh đồng bằng Cửu Long bát ngát, đầy rừng rậm hoang vu, sình lày nước đọng, triều đình nhà Nguyễn đã bỏ lệ cũ (giảm tư điền, cấm lập trang trại lớn) và đặt lệ mới cho tư nhân phát triển quyền tư hữu đất đai với nhiều tự do và dễ dãi, khuyến khích doanh điền của tư nhân bằng những biện pháp thích hợp sau[6] :

  • Nếu đất khẩn hoang rộng trên 15 mẫu, thôn dân được tha thuế, miễn dịch, ban chánh cửu phẩm, bá hộ…tùy theo mỗi địa phương.
  • Tiền thuế tư điền nhẹ hơn công điền ;
  • Được mộ tá điền, nông nô từ các thành phần nghèo đói…

Mỗi người dân được tùy nghi chọn đất cao hay ẩm thấp để ở hay cày cấy và chỉ việc đến quan địa phương khai báo là trở thành sở hữu chủ chính thức của mảnh đất đó. Ngay cả việc đóng thuế cũng dễ dãi, người dân được chọn hộc lớn hay hộc nhỏ…

Theo lệ, muốn lập ấp, xin khai khẩn đất hoang, phải có đủ 10 người dân cam kết nạp thuế, hưởng nhiều tự do, ít bị câu thúc. Trịnh Hoài Đức viết : « Pháp chế còn khoan dung, giản dị. Có đất ở hạt Phiên Trấn mà Kiến Trung (sở thuế) làm đất ở hạt Trấn Biên… cũng tùy theo dân nguyện không có ràng buộc chi cả, cốt yếu khiến dân mở đất khẩn hoang cho thành điền, lập làm thôn xã mà thôi…đến như rào mẫu khoảnh sở tùy theo miệng khai rồi biên vào bộ chứ không hạ thước đo khám »[7].

Triều đình còn khuyến khích các người giàu có, quan chức bỏ tiền ra mộ dân khẩn hoang, lập điền ở miền Nam. Giới này được hưởng nhiều ân huệ như được quyền tuyển nông dân, tá điền trong đám dân lậu thuế, tù binh, dân thiểu số[8]. Ngoài ra các chủ điền này còn được miễn thuế, ban thưởng quan chức, thí dụ ai mộ dân lập ấp được 30 người thì miễn xâu thuế trọn đời, 100 người thì được ban chánh bát phẩm. Khi chết các bá hộ trở thành tiền hiền thờ trong đình làng[9].

Trước khi người Pháp đến, các lưu dân hướng về miền nước ngọt sông Cửu. Các vùng trũng đất phèn (Đồng Tháp), đất nước mặn gần duyên hải, rừng sát đất hữu cơ miền Cà Mau coi như bỏ hoang.

Từ thế kỷ XVI, áp lực nhân khẩu, loạn lạc đã thúc đẩy một số nông dân hoa kiều nhất là nông dân Tiều[10] đến định cư tại Bạc Liêu, Ba Xuyên, Cà Mau. Địa điểm cư dân Tiều là :

– Giồng đất cao làm rãy (rau cải xanh, dưa, củ cải làm sái pấu…), trồng cây trái nhất là nhãn ;

– Đầu vàm sông rạch làm chài lưới (đẩy sịp, đặt đăng nò, dăng lưới)[11];

– Ven rừng chồi, làm ruộng muối[12].

Đến năm 1836, quan kinh lược Trương Minh Giảng cho đo được 630 075 mẫu ở lục tỉnh.

Đồn Điền

Chính sách đồn điền cư dân lập ấp khẩn hoang bắt đầu từ thời nhà Lê, nhưng thực sự bành trướng trên đồng bằng Cửu Long dưới triều nhà Nguyễn trực tiếp điều hành và kiểm soát.

Mục đích

– Bình định đất mới hoang vu. Đồn điền là pháo đài tiền phong của nông dân vừa làm ruộng vừa tập luyện vũ khí,

– Giải tỏa áp lực nhân khẩu « đa đinh, điền thiểu » ở miền Trung. Chính quyền khuyến khích nông dân nghèo đói, vô sản gia nhập đồn điền,

– Kinh tế. Khẩn đất hoang làm ruộng và đóng thuế lúa. Nguyễn Tri Phương tâu : « Đất Nam Kỳ liền với giặc miên, dân xiêu tán nhiều. Nay mượn điều chiêu mộ để dụ dân về đốc việc khai khẩn để nuôi ăn, thật là một cách quan yếu… »[13].

Định chế

Năm 1830, thành Sài Gòn được chọn làm nơi luyện tập thí nghiệm đồn điền. Binh lính làm đồn điền chia thành 4 đội, mỗi đội 50 người dưới quyền một đội trưởng được hưởng đất vua ban. Hàng năm, đồn điền đóng địa tô là 2 nén bạc, 10 giạ lúa và hàng năm phải về thành Gia Định ôn luyện lại võ nghệ, binh khí[14].

Định chế đồn điền được ấn định trong dụ ngày 1 tháng 1 năm Tự Đức thứ 6 (1853). Đồn điền được tổ chức thành đội và cơ.

– Đội. Mỗi đội 50 người, nộp địa tô sau 7 năm khẩn hoang, phải dựng chợ buôn bán, xây đồn lũy gần sông rạch kiểm soát lưu thông, tập trung vũ khí, canh gác mỗi đêm. Theo lệ, người mộ đươc một đội được phong làm suất đội và đương nhiên làm ấp trưởng sau này.

– Cơ. Mỗi cơ tập trung 10 đội. Ai mộ được một cơ được phong làm chánh đội và sau này lãnh chức tổng trưởng theo qui chế dân sự.

Hình ảnh đồn điền. Pallu mô tả « …giống như làng binh lính Kì Hòa. Nhà của đội trưởng ở giữa với cái cồng, một cái trống để tập họp khi có báo động. Tất cả đồn điền được bao quanh bởi những vị trí chiến đấu tạm »[15].

Trợ cấp của triều đình

Vua cấp 300 quan cho mỗi 300 người để mua điền khí và 200 quan mua trâu cày[16] và đồng thời phong chức sắc cho những người có phương tiện tài chánh (bá hộ) đi mộ dân làm đồn điền. Các đồn điền được miễn thuế 7 năm đầu và chỉ phải đi lính khi việc binh khẩn yếu.

Thành quả

Khởi đầu các đồn điền gồm 6 cơ (3000 người) rồi tăng lên 24 cơ (10 000 người) rải rác trong 5 tỉnh : Gia Định (7 cơ), Mỹ Tho (6 cơ), Vĩnh Long (5 cơ), Biên Hòa (4 cơ), An Giang (2 cơ). Chỉ mới phát triển điều hòa trong vòng 12 năm thôi, chánh sách đồn điền đã thành lập được 500 làng, khẩn hoang ít nhất 100 000 Ha đất ở khắp miền Nam.

Năm 1842, thí điểm đồn điền đã thành công tại xã Thanh Sơn, tổng Lợi Trinh (Mỹ Tho), đồn điền được phát triển mạnh bởi Nguyễn Công Trứ. Nguyên trong vùng Cần Thơ thôi, đồn điền đã dựng được các chợ thương mại như chợ Bình Thủy, Cái Răng, Ô Môn, Trà Ôn… Hiện nay ở Châu Đốc, một số thôn dân chàm và mã lai (chà và) sống ở xã Châu Giang là di tích chính sách đồn điền thời nhà Nguyễn. Với kế hoạch « tận dân vi binh », triều đình Huế cho phép thâu dụng người Chàm và Mã Lai lập đồn điền, chia thành 9 đội dưới quyền một quan hiệp quản ở Châu Giang để phòng giữ biên giới, sống tập trung trong 7 làng với khoảng 5000 dân[17]. Năm 1973, theo ty phát triển sắc tộc ở Châu Đốc, có 8348 dân chàm sống trong 9 ấp từ đầu cù lao Ka Tầm Bong đến rạch Bình Gĩ.

Trên đường bành trướng đồn điền từ Sài Gòn đến Vĩnh Long, qua hành lang Long An xuống vùng Miệt Vườn sông sâu nước chảy (Mỹ Tho, Sa Đéc, Phong Dinh…), lưu dân bị ngăn chặn ở phía bắc bởi vùng trũng đất phèn Đồng Tháp. Binh sĩ đồn điền đồn trú tại xã Thanh Sơn (Mỹ Tho) đã khởi công khẩn hoang Đồng Tháp Mười lập nên chợ Vàm Ngựa và Cai Lạy[18]. Ra đến duyên hải, lưu dân bị cản trở bởi nước mặn ; tại đây chính quyền đã lập đồn điền ở Tân Lý Tây (Gò Công) và đồn điền Cầu Ngạn (Vĩnh Bình).

Trong trận Kì Hòa vì đồn điền cung cấp lính đánh Pháp nên De La Grandière đã ký nghị định 20/9/1867 hủy bỏ và sát nhập vào làng địa phương.

Khó khăn của khẩn hoang

Ngoài những khó khăn thiên nhiên như đất ngập lụt sình lày, nhiều phèn, quá mặn, luồng di dân ngừng lại bởi cản trở kỹ thuật canh tác thô sơ, dân số quá thưa thớt trước diện tích bao la của đồng bằng.

Khó khăn kỹ thuật

Kỹ thuật canh tác cổ truyền trông cậy vào loại cày mun, cày vơi, dùng nhiều sức người và trâu bò. Khi sa mưa, dẫn trâu ra cày lật đất, nhổ mạ, cấy lúa cho đến khi gặt bông lúa chín vàng, nông dân thường xuyên chăm sóc khó nhọc lúa mạ chống lại côn trùng, chuột bọ. Tài chánh eo hẹp lại thiếu kỹ thuật thoát thủy đào thải khoáng chất độc hại cho cây lúa nên diện tích chiếm hữu hẹp thường không quá 5Ha. Lý do đó đã khiến cho việc mở mang ruộng đất ngừng lại những trước những điều kiện địa lý khắt khe sau : gặp lung bào lớn sình lày, ngập nước úng thủy quanh năm, độ phèn quá cao (pH dưới 3), nước mặn vùng duyên hải.

Khó khăn dân số

Dưới thời nhà Nguyễn, dân số lục tỉnh quá thưa thớt so với diện tích của đồng bằng, vì vậy, đất hoang dã còn rộng lớn cho phép giải tỏa áp lực nhân khẩu ở miền Trung và định cư dân tỵ nạn miền Bắc dưới thời Đệ Nhất Cộng Hòa. Các tài liệu xưa chỉ cho biết số dân đinh (người có đóng thuế thân) nên nay phải cộng thêm 5 lần nữa để có tổng số vì theo quan niệm thời đó « suy theo cái số cố giả, một người cày ruộng phải nuôi năm người ».

Dựa vào Đại Nam Nhất Thống Chí, số dân đinh tại Nam kỳ lục tỉnh biến chuyển như sau[19].

Triều Gia Long

1836

Triều Tự Đức

Biên Hòa

Gia Định

Định Tường

Vĩnh Long

An Giang

Hà Tiên

10 600

28 200

19 800

37 000

7 500

10 242

34 124

20 167

27 457

75 136

1 481

16 949

51 788

26 799

41 336

22 998

5 724

Dưới thời Tự Đức, tổng số dân đinh là 165 598 và cộng thêm 5 lần, số dân là 993 588 người. Số dân đã tăng lên 1 960 032 (1894)[20], 4 483 000 (1936)[21] và vẫn tiếp tục tăng dần.

C:\Users\Admin\Documents\cd634.jpg

Nam Kỳ Lục Tỉnh

Dinh điền thời Đệ Nhất Cộng Hòa

Dưới thời Đệ Nhất Cộng Hòa, khó khăn không phải là thiếu nông dân mà là thiếu đất khả canh để hữu sản hóa thôn dân. Trong khoảng gần một triệu người bắc tỵ nạn cộng sản, có khoảng gần 200 000 nông dân và một số binh sĩ giải ngũ cần được tái định cư. Ngoài ra một số lớn nông dân nghèo, vô sản trên các đồng bằng miền Trung đa đinh điền thiểu sẵn sàng di dân vào Nam. Vì vậy, khó khăn chính yếu của quốc sách dinh điền là vấn đề đất khả canh.

Điều kiện đất canh tác

Ở Miền Đông đồng bằng, vùng đất xám có rất nhiều diện tích chưa chiếm hữu còn bỏ hoang, bao phủ bởi rừng thưa. Cho nên, phân phát đất cho di dân không đụng chạm đến quyền sở hữu tư nhân, chỉ cần có xe phá rừng ủi đất là thôn dân có đất canh tác lúa rãy, trồng cây kỹ nghệ, cây ăn trái, xẻ gỗ rừng bán làm nhà hoặc hầm than.

Trái lại, ở Miền Tây đồng bằng Cửu Long, chính phủ gặp nhiều khó khăn sau :

  • Đất canh tác bỏ hoang nhưng thuộc quyền sở hữu của một số điền chủ ;
  • Đất hoang như ở Đồng Tháp Mười, Cà Mau thì gặp nạn phèn chua, nước mặn phải có cơ giới và tài chánh để đào kênh rửa phèn.

Các khó khăn trên đã được chính phủ áp dụng các biện pháp giải quyết như sau.

Giải pháp áp dụng

Sau hiệp định Genève, để có đất khả canh phân phát cho nông dân, TT Diệm ban hành 2 Dụ (số 2 và số 7) đánh dấu bước đầu của cải cách điền địa, thiết lập qui chế tá canh thiết yếu liên quan đến địa tô. Theo hai dụ trên, địa tô được ấn định 15% vụ lúa thu hoạch (ruộng cấy một mùa), từ 15% đến 25% vụ lúa chánh nếu ruộng cấy 2 mùa.

Sau đó tổng thống ban hành dụ số 57 ngày 22 tháng 10 năm 1956, thiết lập chính sách cải cách điền địa với các điểm chính sau :

– Mỗi chủ điền được quyền giữ lại tối đa 100 Ha, trực canh 30Ha, 70 Ha cho tá điền thuê theo quy chế tá canh. Điền chủ bị truất hữu được bồi thường thỏa đáng : 10% trị giá ruộng bị truất hữu được trả bằng tiền mặt, 90% được trả bằng trái phiếu trong thời hạn 12 năm;

– Ruộng bị truất hữu sẽ bán lại cho tá điền, trả trong 12 năm, (mỗi gia đình được quyền mua tối đa 5 Ha).

Để hỗ trợ quốc sách cư dân mở mang nông địa, Tổng Thống Diệm cho thiết lập :

-Phủ Tổng Ủy Dinh Điền điều hành trực tiếp quốc sách cư dân lập ấp phát triển nông nghiệp,

– Quốc Gia Nông Cụ Cơ Giới Cuộc với sự trợ giúp kỹ thuật và tài chánh của Hoa Kỳ và Pháp. Cơ quan này được trang bị xáng đào kênh dẫn nước ngọt rửa phèn, muối vùng trũng Đồng Tháp, Cà Mau, đem máy cày bừa sửa soạn đất sẵn sàng cho vụ mùa đầu ; ở Miền Đông đất xám thì dùng máy ủi phá rừng, san đất, chia lô trước khi di dân đến.

– ban hành nghị định số 65 DTCC tháng 4 năm 1957 lập Quốc Gia Nông Tín Cuộc, cơ quan quốc doanh tự trị, yểm trợ chính sách cải cách điền địa, ngư nghiệp, lâm nghiệp, thủ công nghiệp, cho vay không đòi hỏi vật thể thế chấp hoặc người bảo lãnh, cho vay tiền lãi xuất thấp để giúp nông dân canh tác, mua trâu bò, heo nái giống ngoại quốc cho năng xuất cao (Landrace, Duroc Berkshire). Lãi xuất được áp dụng là :1% /tháng (vay dưới 18 tháng), 8% /năm (vay từ 18 tháng đến 5 năm), 6% /năm (vay từ 5 đến 15 năm).

Với những biện pháp thực tiễn trên, TT. Diệm cho phát động quốc sách dinh điền và khu trù mật.

Quốc sách dinh điền

Năm 1957, sau khi đi thị sát miền rừng núi cao nguyên và vùng sình lày bỏ hoang trên đồng bằng Cửu Long, Tổng Thống Diệm quyết định hoạch định chính sách dinh điền để tiếp tục công cuộc doanh điền (mở rộng thêm ruộng) và tiếp tục chính sách đồn điền của triều Nguyễn.

Sắc lệnh số 103 TTP ngày 23 tháng 4 năm 1957 và nghị định số 1502 và 1503 TTP ngày 25 tháng 9 năm 1957 thiết lập bốn vùng dinh điền cao nguyên trung phần, Đồng Tháp Mười, Ba Xuyên và Cái Sắn. Chính sách dinh điền đươc nâng lên hàng quốc sách được điều hành bởi Phủ Tổng Ủy Dinh Điền, tiếp nối chính sách cư dân tỵ nạn sau hiệp định Genève.

Mục đích

Ngày quốc khánh song thất (7-7-1958), trong thông điệp gởi đồng bào, TT Diệm nói rõ mục đích chính sách dinh điền : « Võ trang vật chất cho dân theo đúng chính sách thăng tiến cần lao, đồng tiến xã hội. Chính phủ chủ trương hữu sản hóa dân vô sản, trái với chủ trương của cộng sản là vô sản hóa nhân dân. Chính phủ chủ trương mỗi người dân được làm chủ một tư sản cơ bản cụ thể cho đời sống tự do cho mình và gia đình đồng thời là cái vốn để tiến tới một đời sống mới ngày thêm sung túc ». Ngoài ra, chính sách dinh điền còn theo đuổi các mục đích sau :

– Mở rộng đất canh tác trên những cánh đồng bỏ hoang vì chiến tranh, khẩn hoang vùng đất phèn sình lày, miền Đồng Tháp, khai phá lau lác, rừng sát miền Hậu Giang, phá rừng làm rẫy và trồng cây kỹ nghệ miền Đông và cao nguyên…

– Định cư các đồng bào vô sản địa phương, binh sĩ giải ngũ, đồng bào nghèo miền Trung đi tìm một tương lai sáng lạn hơn ;

– Gia tăng sản xuất lúa gạo để xuất cảng ;

– Quy dân thành những xã lớn cho tiện thiết lập các cơ sở cộng đồng (trường học, bệnh xá…) cải tiến dân sinh [22].

Thực hiện

Tại mỗi vùng dinh điền, các địa điểm dinh điền được tuần tự thành lập theo cách « vết dầu loang » đã được nhà Nguyễn áp dụng trước đây. Sự hình thành địa điểm dinh điền trải qua nhiều giai đoạn. Khởi đầu, Phủ Tổng Ủy Dinh Điền lo các công việc chính sau với sự hỗ trợ kỹ thuật, tài chánh của chính phủ :

– Điều nghiên địa thế của khu cư trú đối với hệ thống giao thông, dẫn thủy, đặc tính thổ nhưỡng khả canh ;

– Trù liệu đồ án : phân lô đất canh tác và đất dựng nhà vườn, phác họa đường xá, vị trí các cơ sở cộng đồng (trường học, bệnh xá, chợ, trụ sở ban quản trị, chùa hoặc thánh đường, ước tính phí tổn ngân sách…

– Kế hoạch cư dân : trợ cấp cất nhà, ngưu canh điền khí, gạo đủ ăn từ 5 đến 9 tháng ;

– Vận động di dân và lập danh sách các gia đình xin định cư ; theo nguyên tắc, mỗi gia đình phải gồm có một đàn ông và hai người trưởng thành khỏe mạnh để có thể canh tác đất cấp phát (3 đến 5 Ha) và thu ngắn thời gian lệ thuộc chính phủ ;

– Chuyên chở di dân đến địa điểm dinh điền ;

– Định cư : chia lô đất (cất nhà, làm ruộng hay rãy), tổ chức cất nhà, cơ sở cộng đồng, tôn giáo, cấp bằng khoán, hướng dẫn canh tác, đào kênh, xẻ mương, đào đìa cá…

Trợ cấp của chính phủ

Mỗi địa điểm dinh điền gồm độ 200 gia đình (khoảng 1000 người), chính phủ dự trù hai loại trợ cấp : trợ cấp trực tiếp cho mỗi cá nhân và trợ cấp xây dựng địa điểm.

Trợ cấp trực tiếp cho mỗi cá nhân thành niên.

Tính theo

đồng VN$

Chuyên chở

Phí tổn cất nhà

Tiền mặt cho 3 tháng đầu

Tiền mặt cho 3 tháng sau

Số lượng gạo cho 9 tháng

Mùng, mền, chiếu

Nông cụ

Gia súc

Hạt giống

Thuốc men

Khai hoang

Tổng cộng

300

300

540

360

945

60

70

100

70

60

2000

4805

Tiền trợ cấp xây dựng cơ sở cộng đồng dự chi cho một địa điểm dinh điền 200 gia đình gồm khoảng 2000 người.

Tính theo

đồng VN$

Cơ sở hành chánh, giếng nước

Lương bổng hàng năm cho nhân viên

Quản trị

Tổ chức từ thiện

Văn phòng phẩm

Xăng nhớt

Bảo trì, sửa chữa máy móc

Tổng cộng

213 912

223 200

73 000

34 000

101 160

36 000

681 272

Trước khi dân đến định cư, Quốc Gia nông cụ cơ giới cuộc đến khai hoang và cày bừa. Cơ quan này được trang bị 234 máy kéo, 168 máy ủi, 393 máy cày bừa. Trong trường hợp một địa điểm dinh điền gặp khó khăn như mất mùa, cây khó mọc vì đất xấu… chính phủ viện trợ thêm cho ngân sách và gia tăng thêm thời hạn trợ cấp cho tới 12 hay 18 tháng với mục đích giúp dân tự túc và hội nhập mau chóng vào môi sinh mới.

Quản trị hành chánh

Mỗi địa điểm dinh điền dặt dưới sự điều khiển của một ban quản trị gồm 5 người: chủ tịch địa điểm, thư ký, y tá, bà mụ, ủy viên canh nông. Năm địa điểm dinh điền nằm gần nhau sẽ trở thành một tiểu khu dinh điền đặt dưới quyền một sĩ quan quân đội với hai phụ tá lo về kỹ thuật máy móc nông cụ. Một khi đã tự túc được, địa điễm sẽ mất quy chế dinh điền và trở thành một ấp hay xã.

Thành quả

Năm 1963, theo tài liệu của phủ Tổng Ủy Dinh Điền, các địa điểm dinh điền đã canh tác 119 788 Ha ruộng, trồng 28 678 Ha cây cao su, 1 208 Ha cây cacao, kenaf và cây sơn. Chính phủ đã làm được 1313 cây số đường lộ nối với hệ thống giao thông cũ, đào 66 giếng nước đào tay và 970 giếng đào máy, xẻ 37 cây số kênh đào, bắc 1678m cầu, dựng 25 990 căn nhà, 14 kho chứa đồ, 26 trạm y tế và hộ sanh, 37 trường học.

Từ năm 1957 đến năm chấm dứt chính sách dinh điền (1963), tổng cộng chính phủ đã thành lập 192 địa điểm dinh điền, định cư 50 931 gia đình (khoảng 289 790 người).

năm

Chi phí của chính phủ

(đồng VN$)

Số địa điểm

Số dân định cư

1957

1958

1959

1960

1961

1962

1963

240 080 000

145 780 000

388 400 000

495 000 000

401 770 000

430 000 000

267 900 000

17

29

35

40

21

29

21

40 582

43 479

57 880

51 840

33 182

33 537

29 270

Bảng phân phối số địa điểm dinh điền theo vùng và tỉnh năm 1963

Tỉnh

Số địa điểm

(năm 1963)

Miền Tây Nam Phần

Kiến Phong

Kiến Tường

Kiên Giang

An Xuyên

Ba Xuyên

8

11

4

7

1

Miền Đông Nam Phần

Phước Long

Bình Tuy

Tây Ninh

Bình Long

Phước Thành

Bình Dương

Long Khánh

Phước Tuy

Bình Thuận

25

10

3

11

7

6

7

3

2

Cao nguyên

Quảng Đức

Darlac

Pleiku

Kontum

Phú Bổn

9

14

20

4

7

Bảng phân tích quê quán, tuổi, tín ngưỡng và nghề nghiệp của 289 720 dân định cư tại dinh điền.

Quê quán

Dân di cư miền Bắc

Quảng Ngãi

Bình Định

Quảng Nam

Quảng Ngãi

Thừa Thiên

Đồng bào Thượng

Cựu binh sĩ

Trung Hoa

Số khác

Tỷ lệ % theo

Tổng số

26

14

11

22

10

4

5

4

2

2

Tuổi

Dưới 16

Từ 16 đến 59

Trên 60

48,6

45

6,4

Tôn giáo

Phật giáo

Công giáo

Tôn giáo khác

48,3

45

6,4

Nghề nghiệp

Nông nghiệp

Ngư nghiệp

Công nghệ

Thương mại

Nghề khác

93,2

2

2

0,1

2,7

Các bảng thống kê trên cho chúng ta những nhận xét sau.

– Từ 1961, số di dân và địa điểm dinh điền giảm dần vì chính phủ ưu tiên cho chính sách ấp chiến lược,

-Trên tổng số dân dinh điền, gốc ở miền trung chiếm 61% tổng số, làm nghề nông 93,2%.

Để có một cái nhìn chi tiết về chính sách dinh điền, chúng tôi mô tả sự định cư ở hai địa điểm dinh điền Cái Sắn và Tư Hiền mà chúng tôi có dịp tìm hiểu tại chỗ.

Dinh điền Cái Sắn

Tháng 3 năm 1958, Phủ Tổng Ủy Dinh Điền nhận đơn xin định cư ở dinh điền Cái Sắn 2 nằm trong tỉnh Kiên Giang. Địa điểm dinh điền rộng khoảng 4000 Ha gồm 1515 Ha ruộng truất hữu do luật cải cách điền địa số 57, diện tích còn lại là ruộng của chính phủ mua lại của điền chủ pháp theo thỏa ước Việt-Pháp ký năm 1956.

Rút được kinh nghiệm và thành công của khu định cư tỵ nạn Cái Sắn 1, dinh điền Cái Sắn 2 dập theo đồ án chia lô của Cái Sắn 1. Đất dinh điền được chia thành 1304 lô, mỗi lô rộng 3Ha, phân chia như sau:

-276 lô nằm đầu kênh cạnh tỉnh lộ dành cho các chủ điền bị truất hữu

-28 lô dùng để xây cơ sở cộng đồng: công sở, trường học, nhà hộ sanh, giáo đường…

-1000 lô còn lại phát cho 1000 gia đình (đa số là người tỵ nạn gốc Bùi Chu, Nam Định).

Cái Sắn 2 chia thành hai xứ đạo, thánh đường do tín đồ góp công xây cất.

Hình thức cư trú giống như Cái Sắn 1. Nhà nhìn ra kênh, ruộng sau nhà, lô này nằm sát lô kia chạy dài hai bên bờ hai kênh mới đào xong. Kênh số 7 dài 11,2 cây số, rộng 9m, sâu 2m, tập trung 441 gia đình. Kênh số 8 dài 10,7 cây số tụ tập 559 gia đình. Hai kênh này nối với hai kênh chính Cái Sắn, Chương Bàu, nằm cách nhau 2000m.

Trước khi di dân đến, Quốc Gia Nông Giới Cuộc đã cho cày bừa đất sẵn sàng chờ vụ mùa tới.

Sau khi đã chọn lô đất, mỗi gia đình nhận được một sườn nhà, một tam bản, mùng mền chiếu, hạt giống, gạo đủ ăn trong 3 tháng…

Nhờ kinh nghiệm của Cái Sắn 1, sự ổn định định cư chỉ kéo dài 6 tháng. Cuối năm 1958, dinh điền Cái Sắn 2 được sát nhập vào xã Thạnh Đông tỉnh Kiên Giang.

Địa Điểm dinh điền Cái Sắn 3. Sau thành công của Cái Sắn 2, Tổng Ủy Dinh Điền cho thành lập dinh điền Cái Sắn 3 nằm kế bên Cái Sắn 2 với dự tính:

– Định cư 1500 gia đình khoảng 75 000 người,

– Gia cư và ruộng vườn chạy dài dọc theo 3 kênh đào (số 6, 9, 10) trên một diện tích 12 000Ha.

Xây dựng địa điểm dinh điền này bỏ dở coi như bị thất bại vì không giải quyết được vấn đề bồi thường cho các điền chủ cũ.

Sau khi địa phương hóa, các khu định cư Cái Sắn được sát nhập vào 3 xã địa phương:

– Xã Thạnh An, quận Thốt Nốt, tỉnh An Giang,

– Xã Thạnh Đông, quận Kiên Tân, tỉnh Kiên Giang,

– Xã Tân Hiệp, quận Kiên Tân, tỉnh Kiên Giang.

Dinh điền Tư Hiền

Năm 1956, TT Diệm quyết định cho thành lập tỉnh Phước Long để thu hút di dân khai thác cây kỹ nghệ giữa miền rừng hoang vu ở miền đông Nam Phần. Việc cư dân mở rộng đất canh tác dựa vào chính sách dinh điền.

Năm 1957, Tổng Ủy Dinh Điền cho thành lập thí điểm dinh điền tiền phong: địa điểm Phước Quả nằm gần tỉnh lỵ và địa điểm Vĩnh Thiện cạnh quốc lộ 14. Tiếp theo các địa điểm khác được thiết lập tuần tự dựa vào kinh nghiệm của hai thí điểm trên. Đến năm 1963, tỉnh Phước Long xây dựng được 25 địa điểm dinh điền chia ra làm hai khu vực.

Khu vực dinh điền 1 gồm các địa điểm sau: Phước Quả, Phước Tín,, Bà Rạt, Đức Bổn, Hiếu Phong, Lễ An,, Thuần Kiệm, An Lương, Phong Thuần, Thuần Kiên 4, Vi Thiện, Vĩnh Thiện, Văn Đức, Trạch Thiện, Thuận Đáo, Rạch Cát.

Khu vực dinh điền 2: Nhơn Lý, Phú Văn, Đức Hạnh, Tư Hiền, Khiêm Chưng, Tùng Thiện, Khắc Khoang, Hòa Kỉnh, Phú Nghĩa.

Để có một ý niệm về các địa điểm dinh điền ở Phước Long, chúng tôi chọn địa điểm dinh điền Tư Hiền làm thí dụ.

Tháng 4 năm 1962, trong dịp đi kinh lý tỉnh Phước Long, TT Diệm đặt lại tên địa điểm Trúc Sơn là Tư Hiền vì đa số dân quê quán xã Tư Hiền, tỉnh Thừa Thiên. Địa điểm dinh điền được thành lập năm 1961, cách tỉnh lỵ 2 cây số. Đợt di dân đàu tiên đến Tư Hiền gồm 50 gia đình, 305 người. Đợt thứ hai gồm 40 gia đình, 262 người. Ngay khi đến, 65 gia đình nhận được 65 căn nhà đã dựng sẵn, mỗi gia đình còn lại nhận được 1300 VN$ để dựng nhà. Cũng như các địa điểm khác, đất khả canh đã đươc khai hoang, phân thành lô. Mỗi gia đình chiếm một lô 30m/50m và có thể mở rộng sâu vào trong tùy theo khả năng tài chánh và nhân công của mỗi gia đình. Trong 6 tháng đầu định cư, mỗi người lãnh trợ cấp hàng tháng là 360 VN$, 15 kí lô gạo (trẻ em dưới 15 tuổi lãnh 180 VN$, 9 kí lô gạo). Số trợ cấp sẽ giảm đi một nửa trong 5 tháng tiếp theo.

Sau khi định cư rồi, các di dân lo trồng cây ăn trái quanh nhà, soạn đất trồng đậu phọng, khoai lang, khoai mì, lúa mọi… Vì là đất rẫy trên phù sa cổ, nghèo nàn, thiếu nước tưới nên năng xuất thấp, nhất là cấy lúa mọi.

Từ năm 1973, các địa điểm dinh điền ở Phước Long tan rã trước sức tấn công của cộng sản. Dân dinh điền phải di tản về Bình Dương.

scan35

Bản đồ hành chánh thời Đệ Nhất Cộng Hòa

Lạp Chúc Nguyễn Huy

  1. Trịnh Hoài Đức, Gia Định Thành Thông Chí, Nha Văn Hóa, quyển trung, Sài Gòn, tr. 9-10

  2. Ngày nay là Tân Hiệp, Tân Lý Tây, Bến Tranh (Định Tường).

  3. Trịnh Hoài Đức, Gia Định…sđd, quyển hạ, tr.119.

  4. Trịnh Hoài Đức, Gia Định Thành… sđd quyển thượng, tr.67-68

  5. Nguyễn Thành Nhã, Le tableau économique du Việt Nam au 17 et 18e siècle, Édit. Cujas, Paris 1970, tr. 60

  6. Nguyễn Thế Anh, Kinh tế và xã hội Việt Nam dưới các vua triều Nguyễn, Lửa Thiêng, Sài Gòn 1971. tr. 150-154

  7. Trịnh Hoài Đức, Gia Định Thành Thông Chí, quyển trung, Nha Văn hóa, Sài Gòn, 1972, tr.17

  8. Nguyễn Thành Nhã, Le tableau économique du Viet Nam aux XVII et XVIIIè siècles, Paris, Édit.Cujas, 1970, tr.102

  9. Sơn Nam, Lịch sử khẩn hoang miền Nam, Đông Phố, Sài Gòn, 1973, tr.102

  10. Người phủ Triều Châu, tỉnh Quảng Đông

  11. Trên bãi bùn lớn ở Bạc Liêu, mỗi lần thủy triều xuống, tôm cá ăn từng bày dầy đặc ở lằn nước từ 0, 5m ra sâu 4m.

  12. Nguyễn Huy, Huỳnh Tư, Les marais salants de la province de Bạc Liêu, Société des Études indochinoises, T. XLIX. 1974

  13. Quốc Triều Chính Biên, tr.297 do Sơn Nam trích dẫn, Lịch sử khẩn hoang, sdd, tr.101

  14. Deschaseaux E., Note sur les anciens đồn điền annamites dans la Basse Cochinchine, Impri. Coloniale, 1883, tr.5-7

  15. Pallu L., Histoire de l’expédition de Cochinchine en 1861, Paris, Hachette et Cie, 1864, tr.308

  16. Pallu L., Histoire de l’expédition de Cochinchine en 1861, sđd, tr.302

  17. P. Schreiner, Les institutions annamites en Basse Cochinchine avant la conquête française, T.3, Saigon 1902, tr.77

  18. Deschaseaux, E, Note sur les anciens don dien…sđd, tr.6

  19. Nguyễn Thế Anh, Kinh tế và xã hội Việt Nam dưới các vua triều Nguyễn, Lửa Thiêng, Sài Gòn 1971, tr 16

  20. Baurac J.C, La Cochinchine et ses habitants, Saigon, Imp.com., Rey Curiol et Cie, 1894, tr. 47

  21. État de la Cochinchine française pendant l’année 1903, Saigon, Imp. Nat. 1904, tr.65

  22. Chính sách dinh điền, cải cách điền địa, nông tín, Văn Hữu Á Châu xuất bản, Sài Gòn 1959, tr.12,13.