NGOẠI TÔI

Lâm Vĩnh Thế

 

Ðọc sách báo, thơ văn, chúng ta thấy rất nhiều tác giả nói về quê ngoại với tình cảm rất sâu đậm. Tại sao ít nói về quê nội, mà thường nói về quê ngoai? Theo thiển ý, đây chính là do một đặc tính của văn hóa cổ truyền của dân tộc Việt. Theo phong tục Việt, người phụ nữ khi lập gia đình thì về sống bên nhà chồng. Khi có con cái, hai vợ chồng có thể ra riêng nhưng vẫn sống ở quê chồng. Các đứa con sống và lớn lên tại quê nội. Lâu lâu mới có dịp theo mẹ về quê ngoại. Ðối với trẻ con, quê ngoại mang lại nhiều điều mới lạ, hấp dẫn, chớ không phải như quê nội là nơi chúng sống hàng ngày đã trở thành quá quen thuộc. Ðối với ông bà, vì lâu mới được gặp các cháu, ông bà ngoại, và dĩ nhiên nhứt là Bà Ngoại, thường cưng chiều các cháu. Tất cả những điều nầy đã tổng hợp lại và tạo nên cái tình cảm quyến luyến, thương yêu quê ngoại nhiều hơn nơi trẻ con. Do đó, đối với đứa trẻ, quê ngoại thường được ghi đậm nét hơn trong tâm tưởng. Về sau, lớn lên, khi viết văn, làm thơ, họ khó tránh khỏi nhớ và nói về quê ngoại một cách đậm đà tình cảm. Về phần tôi, khi tôi chào đời, Bà Ngoại tôi đã ngoài 70 tuổi. Tôi không có những kỷ niệm được Ngoại cưng chiều như nhiều người khác. Tuy vậy tôi vẫn có nhiều kỷ niệm với Ngoại mà tôi không thể nào quên được.

 

Quê ngoại của tôi là Thủ Ðức, một quận lỵ giữa đường Sài Gòn đi Biên Hòa. Qua Cầu Ngang, trước khi vào chợ Thủ Ðức, ở cả hai bên Quốc Lộ 15, phần lớn là nhà ở, cửa tiệm của bà con bên ngoại tôi. Vừa xuống dốc Cầu Ngang, ngay bên trái là đề-pô la ve nước ngọt của Chị Năm, con Má Hai. Không biết có phải là do Bà Ngoại đặt ra hay không nhưng trong họ ngoại của tôi tất cả con cháu đều gọi các Dì bằng Má hết. Lớn nhứt là Má Hai, rồi tới Má Tư, Mẹ tôi là Má Năm, rồi đến hai người em gái kế là Má Sáu và Má Bảy. Ong Bà Ngoại chỉ có hai người con trai; con lớn là Cậu Ba và con út là Cậu Tám. Cách đó vài căn phố là nhà ở của chính gia đình Chị Năm. Ðối diện bên kia đường là nhà của Anh Tư, con Cậu Ba. Tới chút nữa, là nhà của Má Hai, rồi sát bên là nhà của Bà Ngoai. Ði thêm chút nữa là cửa tiệm sửa đồng hồ của Cậu Tám, con Bà Chín, em Ông Ngoại tôi. Ðằng sau dãy phố ngang hông chợ Thủ Ðức là một con rạch nhỏ chảy ra Cầu Ngang. Bên kia bờ rạch lại cũng phần lớn là nhà cửa của bà con bên ngoại tôi. Má Bảy tôi lấy chồng là đông y sĩ; Dượng Bảy có một căn phố bên hông chợ vừa làm phòng xem mạch vừa là tiệm thuốc Bắc luôn.

 

Nghe Mẹ tôi kể lại hồi xưa Ông Ngoại làm Cai Tổng coi luôn chín xã của Thủ Ðức. Trước khi làm Cai Tổng, nghề nghiệp của Ông Ngoại là đi ghe cá. Nói vậy chớ không phải Ông Ngoại là dân tay chèo, tay chống mà thật sự là chủ ghe cá, đi xuống tận Cà Mau để mua cá về bán. Ông Ngoại còn làm chủ cả một cái vựa cá lớn ngay tại Cầu Ngang, bỏ mối cho các bạn hàng cá tại các chợ trong khắp vùng Thủ Ðức – Dỉ An. Vựa cá nầy nằm bên bờ của rạch Cầu Ngang, ngay phía sau ngôi nhà rất lớn của Ngoại. Về sau, khi Ông Ngoại đã làm Cai Tổng rồi thì nghề đi ghe cá nầy giao lại cho Cậu Ba. Việc tiếp xúc, mua bán với bạn hàng cá thì tiếp tục do một tay Bà Ngoại trông coi. Mẹ tôi là con gái cưng của Ông Ngoại nên được cho đi học tới hết Lớp Ba, nhờ vậy có thể giúp Bà Ngoại lo việc sổ sách cho cái vựa cá của gia đình. Mãi cho tới khi đi lấy chồng, theo Ba tôi về sống ở Chợ Lớn, thì việc sổ sách nầy mới giao lại cho Má Bảy. Cậu Ba bị bạo bệnh qua đời lúc còn rất trẻ, Ông Ngoại buồn nhiều nên mất mấy năm sau đó; công việc làm ăn của gia đình cũng gặp nhiều khó khăn do cuộc khủng hoảng kinh tế của thập niên 30. Sau cùng Bà Ngoại phải bán cái nhà và vựa cá, rồi ra mua mấy căn phố dưới dốc Cầu Ngang cho gia đình ở.

 

Khi tôi lên chín, học lớp Ba trường tiểu học Ða Kao, Bà Ngoại tôi đã trên tám mươi. Mổi năm, không kể mấy ngày Tết, thỉnh thoảng Mẹ tôi lại về Thủ Ðức thăm Ngoại, có khi tôi được đi theo nếu là ngày nghĩ, không phải đi học. Các chuyến đi nầy chỉ ngắn ngủi trong ngày, đến chiều thì hai mẹ con tôi lại trở về Ða Kao. Tôi không nhớ được gì nhiều lắm về những chuyến đi nầy. Ngược lại, tôi nhớ rất rõ về những lần ngoại xuống ở nhà Mẹ tôi ở Ða Kao. Mỗi lần như vậy, Mẹ tôi mướn một chiếc taxi đi lên Thủ Ðức đón Ngoại và đưa về nhà Mẹ ở Ða Kao. Mổi lần như vậy, Ngoại đều ở chơi lâu, có khi cả một, hai tuần lể. Ngoại ngủ chung với Mẹ, trên cái giường lớn ở trong buồng trong. Sáng nào cũng vậy, Ngoại dậy sớm lắm, khoảng bốn hay năm giờ sáng gì đó là Ngoại đã thức dậy rồi. Cả nhà đều thức dậy theo Ngoại hết vì đâu có ngủ thêm được. Ngoại ngồi đó, và ngoái trầu trong một cái ống ngoái bằng đồng lúc nào cũng bóng loáng, vừa ê a hát Vân Tiên. Ngoại hát đi hát lại, chỉ có bốn câu:

 

Có người ở quận Ðông Thành

 

Tu nhơn, tích đức, sớm sanh con hiền

 

Ðặt tên là Lục Vân Tiên

 

Tuổi vừa hai tám, nghề chuyên học hành

 

Có người ở quận Ðông Thành …

 

Giọng Ngoại nhẹ nhàng, hơi nhừa nhựa một chút, nhưng vẫn còn rất rõ, nghe sao mà êm tai hết sức. Lúc đó Mẹ tôi đã dậy, dọn dẹp mùng màn hết rồi và đã đi xuống nhà dưới để nấu nước pha trà cho Ngoại uống buổi sáng. Tôi cũng dậy liền, bò qua giường Ngoại, chụp cái ng ngoáy và dành ngoáy trầu cho Ngoại; Ngoại cười hiền lành và giao cho tôi làm cái việc ngoáy trầu cho Ngai. Tôi ngoáy rất lâu, rất kỷ, khi thấy trầu đã nhuyển đều thì mới đưa ống ngoáy cho Ngoại. Ngoại dùng cái cây ngoáy, tự đưa trầu vào miệng, và bắt đầu nhai trầu. Tôi nhìn Ngoại nhai trầu, càng thấy thương Ngoai nhiều hơn. Ngoại đã mất hết răng rồi, miệng Ngoại móm xọm, nhai trầu nhóp nhép, lâu lâu Ngoại lại đưa cái khăn điều lên chậm chậm vào hai bên mép. Một lúc sau, Mẹ tôi mang trà lên, thì Ngoại lại nhổ cổ trầu đi, Mẹ tôi đưa cho Ngoại ly nước ấm ấm để Ngoại xúc miệng, rồi sau đó Ngoại mới uống trà. Chuyền nầy mổi buổi sáng đều diễn ra như vậy trong suốt thời gian Ngoại ở chơi, và sáng nào tôi cũng được cái sung sướng ngoáy trầu và xem Ngoại ăn trầu. Mọi chuyện tắm rửa, thay quần áo, làm vệ sinh, ăn uống của Ngoại đều do chính Mẹ tôi lo hoặc Má Sáu (ở chung nhà với gia đình tôi) tôi lo nếu Mẹ không có ở nhà. Trong suốt thời gian ở chơi nhà Mẹ tôi, tôi thấy lúc nào Ngoại củng bận áo dài, khi thì bằng hàng the đen, khi thì bằng vải trắng; những thứ nầy đều do một tay Mẹ tôi mua sắm vải và đích thân may cho Ngoại. Một điều nữa rất đặc biệt về Ngoại là móng tay rất dài và cong của Ngoại. Mẹ tôi nói cho chúng tôi biết là Ngoại chỉ để móng tay mọc dài từ sau khi ăn Lục Tuần, chớ hồi còn trẻ Ngoại cực lắm, đâu có để móng tay dài được. Sau đó, không nhớ là vào năm nào, Ngoại quyết định cắt hết các móng tay dài đó, nhưng rồi sau đó Ngoại bị bịnh một trận rất nặng, tưởng không qua khỏi được. Sau trận bịnh nặng đó, Ngoại để móng tay dài lại như cũ vì Ngoại tin rằng do cắt móng tay Ngoại mới bị bịnh nặng như vậy. Mẹ tôi lại đích thân cắt tóc cho Ngoại. Ðầu Ngoại bạc phơ, những lúc Ngoại bận áo dài trắng thì trông rất là tiên phong đạo cốt, lại thêm tính tình hiền hậu, nên đối với cặp mắt trẻ thơ của tôi, Ngoại như là một bà tiên trong chuyện cổ tích. Hình ảnh bà tiên đó của Ngoại vẫn còn y nguyên trong đầu tôi cho đến bây giờ, khi tôi đã bước vào tuổi nghĩ hưu.

 

Tôi còn thương và nhớ Ngoại nhiều hơn nữa vì hai chuyện sau đây. Chuyện thứ nhứt tôi chỉ nghe Chị Hai tôi kể lại vì lúc đó tôi chưa ra đời. Chuyện như thế nầy: có một lần, Ngoại nhớ Mẹ tôi quá nên Ngoại liều đi xe đò từ Thủ Ðức xuống Sài Gòn để tìm thăm Mẹ tôi; Ngoại xuống xe đó ngay trước rạp chớp bóng Casino Ðakao dưới dốc Cầu Bông rồi cứ đứng đó hỏi thăm người qua đường, nhờ người ta chỉ đường để đi đến nhà Mẹ tôi; Ngoại cứ hỏi người ta: “Làm ơn chỉ giùm nhà con gái tôi là con Năm Ất, nó có hai đứa con gái là Con Mười và Con Một đó.” (Xin mở dấu ngoặc ở đây để nói thêm một chút về hai người chị nầy của tôi; đó chính là Chị Hai và Chị Ba của tôi hiện nay; trước khi hai chị sanh ra Ba Mẹ tôi bị mất ba người con gái liên tiếp trong cùng một năm nên Ba Mẹ tôi rất sợ, không muốn sống trong căn nhà từ đường của dòng họ Lâm trong Chợ Lớn nữa, nên mới xin phép Ông Nội tôi cho ra ở riêng trong căn phố mướn ở đường Mayer; sau đó Mẹ tôi lại sanh ra hai người con gái nữa, Mẹ tôi vẫn còn sợ nên đã làm một cái lễ gọi là “ký bán” hai người con gái nầy cho Má Tư tôi; Má Tư tôi lúc đó đã có tám người con gái rồi, đó là các chị từ Chị Hai tới Chị Chín, nên gọi tiếp hai người chị nầy là Con Mười và Con Mười Một–trong nhà thường gọi tắt là Con Một–; mãi về sau nầy khi tôi đã lớn thì Mẹ tôi mới bảo chúng tôi sửa lại gọi là Chị Hai và Chị Ba; xin đóng dấu ngoặc lại ở đây); may sao có người biết và dẫn Ngoại về nhà Mẹ tôi ở đường Mayer (thời VNCH đổi gọi là đường Hiền Vương, bây giờ là đường Võ Thị Sáu); sau nầy Mẹ tôi nhiều lần năn nỉ, nói riết để Ngoại đừng liều lĩnh đi một mình như vậy nữa. Chuyện thứ nhì có liên quan đến bản thân tôi: đó là khi Ngoại mất, ngày cất đám Ngoại ở Thủ Ðức, tôi không có mặt; lý do: tôi phải vào thi vấn đáp kỳ thi Tú Tài 2, Khóa Một, hè 1960. Nghe kể lại, đám tang của Ngoại tôi đông vô cùng, nội con cháu không cũng đã đến mấy trăm người rồi, vì lúc đó Ngoại đã có đến cháu kêu Ngoại bằng Bà Sơ rồi. Nói theo xưa, cái đó gọi là “ngủ đại đồng đường,” một điều xưa nay hiếm có. Còn một chuyện nữa về đám tang của Ngoại cũng rất đáng ghi nhớ: khi Ngoại mất, Mẹ tôi vào Chùa Huê Nghiêm ở Thủ Ðức, định lấy cái quan tài mà Ngoại tôi đã mua và gởi trong Chùa lúc Ngoai ăn Lục Tuần về để lo đám tang cho Ngoại thì mới biết là cái hòm đó không còn xài được nữa vì sau ba mươi năm để trong cái chái bên hông Chùa đã bị hư hỏng, biến dạng rất nhiều. Mẹ tôi phải tức tốc về Sài Gòn ngay để mua cái quan tài mới cho Ngoai ở tiệm hòm Tô Bia ở Tân Ðịnh. Ba ngày sau, hôm mở cửa mả cho Ngoại, tôi mới được về Thủ Ðức cùng với Mẹ. Mộ Ngoại nằm trong miếng đất thổ mộ trong vườn cao su của Chi Năm Nga, con gái riêng của Mợ Ba với người chồng sau (cũng nghe nói lại, chính Ngoại là người đã đứng ra gả Mợ Ba, con dâu lớn của Ngoại, cho người chồng sau đó vì khi Cậu Ba mất thì Mợ Ba còn quá trẻ, Ngoại thương con dâu, thấy tội nghiệp nên quyết định cho Mợ Ba được tái giá). Nhìn lên mộ bia của Ngoại, tôi mới được biết là Ngoại sống gần trọn một thế kỷ, sinh năm 1870, mất năm 1960, tròn chín mươi năm. Tính ra, Ngoại đã sống qua một giai đoạn lịch sử đầy những biến động lớn của đất nước. Ngoại sinh ra khi nước mình vẫn còn Vua (Vua Tự Ðức), Ngoại đã lớn lên và sinh sống suốt thời Pháp thuộc, và khi Ngoại vĩnh viễn nằm xuống thì Việt Nam đã trở thành một nước Cộng Hòa (thời cực thịnh của Ðệ Nhứt Cộng Hoà với Tổng Thống Ngô Ðình Diệm). Về sau tôi càng thương Ngoại nhiều hơn nữa khi được biết thêm chuyện nầy: Ngoại là người Gò Công, từ khi lập gia đình với Ông Ngoại và về ở Thủ Ðức, Ngoại chưa một lần được về thăm cha mẹ mình ở Gò Công. Khi Mẹ tôi đã làm ăn khá, có thể lo cho Ngoại được, thì Ngoại đã lớn tuổi lắm rồi và ở Gò Công cũng đâu còn ai là thân nhân nữa để đưa Ngoại về thăm. Khoảng cách giữa Thủ Ðức và Gò Công, trong thời Ngoại còn trẻ, thật đã như là “ngàn trùng xa cách.”