Văn Hóa Uống Cà Phê Việt Nam

Nguyễn Văn Ngưu

Người Pháp đem cà phê vào Việt Nam trong thế kỹ thứ 19. ở Việt Nam, ban đầu cà phê chỉ dành riêng cho giới quý tộc, các quan chức Pháp, hay tầng lớp trí thức nơi thành thị. Dần dần thức uống này trở thành thứ thức uống phổ biến trong cuộc sống của người dân. Uống cà phê do đó đả đỉ vào văn hóa Việt Nam.

Phần lớn cà phê trồng ở Việt Nam là cà phê Robusta; được trồng tại vùng Tây Nguyên, Việt Nam, nhất là vùng đất bazan (Gia lai, Đắclắc). Cà phê Robusta có mùi thơm nồng, không chua, độ cafein cao. Cà phê Arabica và cà phê Cheri thi không phổ biến lắm. Hiện nay tại Quảng Trị đang trồng thí nghiệm Cà phê Catimor thuộc loại cà phê Arabica.

VIETNAMESE COFFEE

Bạn có thể gặp người Việt Nam uống cà phê vào buổi sáng hay buổi trưa, buổi chiều, và ngay cả buổi tối. Vào buổi sáng, những người cao tuổi thường rủ nhau ngồi bên những quán vỉa hè trò chuyện, tán gẫu các vấn đề thời sự bên ly cà phê phin tí tách, chậm rãi. Đa phần họ là những người đàn ông, họ có thể nhâm nhi và bàn chuyện nhiều giờ liền. Buổi chiều, những công chức tan sở tụ tập nhau ở một quán ngoài trời giản dị, ngồi trên những chiếc ghế nhựa xanh đỏ, không có tựa lưng, nhìn đường hoặc hồ nước. Buổi tối là thời điểm của những đôi tình dân trẻ, họ thường hẹn hò nhau trong các quán cà phê lãng mạn và ấm cúng hơn. Gần đây có xuất hiện những quán cà phê sang trọng với không gian thưởng thức cà phê riêng, độc đáo; và những quán cà phê cao ốc với phong cách trang trí sang trọng, lịch sự để thu hút du khách và giới doanh nhân.

Người Việt có phong cách thưởng thức cà phê rất riêng, họ không coi cà phê là thức uống nhanh, mà thưởng thức cà phê như một thứ văn hóa: nhâm nhi và suy tưởng. Cà phê tại Việt Nam thường được thưởng thức qua các phin cà phê (gốc là từ filtre trong tiếng Pháp). Hạt cà phê thường được xay nhỏ, nén vào trong các phin thường được làm bằng nhôm và nước sôi được đổ lên trên để được lọc vào một ly, hay tách, tại bên dưới của phin. Cà phê phin được coi là thứ thức uống được ưa thích nhất của người Việt. Cái cảm giác ngồi chờ đợi từng giọt từng giọt cà phê rơi thật là thú vị. Cái vị đăng đắng, đầm đậm bên đầu lưỡi, mùi hương hạnh nhân, mùi đất lan tỏa bên tách cà phê khiến cho người ta phải ngất ngây…và cứ như thế cà phê đi vào lòng người.

Ngồi bên tách cà phê, vừa nhấp từng ngụm nhỏ vừa đọc báo, nghe nhạc, trò chuyện cùng bạn bè, cùng đối tác làm ăn, hay ngồi làm việc, và còn để suy ngẫm về cuộc sống, về con người. Bên những cốc cà phê thơm lừng, nghi ngút khói, dân nghiền bóng đá có thể “buôn dưa lê” các chuyện trên trời dưới biển, cũng có những người vừa ngồi nhâm nhi cà phê vừa lặng lẽ đọc báo quên hết mọi ồn ã xung quanh. Cũng có người ngồi uống cà phê để lặng lẽ nghe những cay đắng và mất mát sau khi bị mất tình, như bạn trẻ Độc Cô Cầu Tình viết gần đây.

Ly cà phê

Đêm nay uống cà phê
Cho đêm nay thức trắng
Để biết Đời cay đắng
Và biết Tình đắng cay.
Ôi, mộng ước mê say
Bao nhiều Tình cho Đủ
Bao nhiêu Phũ cho Vừa
Bao nhiêu Lừa cho Hết.
Ly cà phê tôi uống
Có pha chút ngọt đường
Nhưng dường như vẫn đắng
Đắng tận vào tâm can.
Tôi thức trắng đêm nay
Say bên giọt Đắng nồng…

Tác giả: Độc Cô Cầu Tình

Một tách cà phê đen nóng, có thể pha thêm chút sữa, uống nóng hay uống đá tùy theo sở thích của mỗi người. Thông thường, ở các quốc gia khác như Italy, người ta hay pha cà phê chung với sữa tươi, còn ở Việt Nam, chúng ta sử dụng sữa đặc. Sữa chua cà phê là một sự kết hợp độc đáo. Vị chua thanh, không gắt của sữa chua, vị ngọt bùi của sữa đặc quyện với chút nước cà phê phin tạo thành thức uống khó quên. Nghệ thuật nằm ở chỗ vị sữa tan vào hương cà phê nồng nàn. Cà phê mang đi là dạng cà phê nhanh, dùng cho những người bận rộn và thường xuyên di chuyển. Hiện nay tại thị trường Việt Nam, cà phê mang đi còn khá mới mẻ và chưa thật sự được phổ biến rộng rãi.

Trong thập niên 1990, sản xuất cà phê ở Việt Nam bắt đầu tăng nhanh. Tính đến năm 2012, Việt Nam là nước sản xuất cà phê Robusta lớn thứ hai trên thế giới, chỉ sau Brazil. Việt Nam là một trong những nước xuất khẩu cà phê lớn, nhưng Việt Nam lại ít được nhắc đến về mặt thương hiệu cà phê. Trung Nguyên là thương hiệu cà phê Việt Nam duy nhất có xuất khẩu cà phê. Thương hiệu cà phê Trung Nguyên được thành lập trong năm 1996 ở thành phố Buôn Ma Thuột. Ngoài thương hiệu cà phê Trung Nguyên, thương hiệu cà phê nội hay Việt Nam có cà phê Phúc Long, cà phê Passio, cà phê Milano, và cà phê PhinDeli. Những thương hiệu cà phê nước ngoài ở thị trường Việt Nam có Coffee Bean & Tea Leaf (USA), Starbucks (USA), và Caffe Bene (South Korea).

Gần đây có diễn ra một cuộc cạnh tranh mạnh mẽ của mô hình cà phê chuỗi giữa ngoại và nội. Việc có mặt của nhiều thương hiệu cà phê lớn đang cho thấy sức hấp dẫn của thị trường cà phê Việt Nam.

December 2014