CÁI BÁNH CỦA CUỘC SỐNG

Nguyễn Văn Ngưu

Bánh tráng là một sản phẩm được làm từ gạo và được dùng rất rộng rãi trong quần chúng người Việt.

Sân đẩy dĩa chả giò còn nóng để mời Hổ và nói với bạn rằng đây là chả giò ngon nhất trong phố huyện. Ngày hôm qua, khi được tin Hổ sẽ đến thăm, vợ Sân đi chợ mua sắm đồ để sửa soạn món ăn cho bạn quý của chồng. Chị ta mua 1 kg thịt heo ba rọi còn tươi và sau khi về đến nhà chị cắt bầm nó ra từng miếng rất nhỏ rồi ướp với muối, tiêu, hành. Chị cũng cắt những sợi miến ra khúc nhỏ và đánh hai cái trứng gà, mà chị lấy từ ổ trứng của con gà mái ở nhà, nhuyễn ra. Chị cho thịt đã ướp và miến vào trứng đã đánh nhuyễn và để qua đêm cho gia vị thấm vào thịt. Khi Hổ đến thăm nhà chị bắt đầu lấy bánh tráng (wrapper of life) của nhà để làm chả giò đãi bạn chồng.

Tình bạn giữa Sân và Hổ thế cũng đã dài gần 40 năm rồi. Vào năm 1965 Sân là một nông dân và Hổ là một sinh viên đại học. Họ gặp nhau trong một buổi chiều khi Hổ đi công tác đến giúp nông dân trồng lúa trong xóm của Sân. Khi cuộc chiến tranh càng lúc càng khốc liệt, Sân bị kêu đi lính. Hổ sau khi tốt nghiệp đi du học. Tình bạn giữa hai người vẫn tiếp tục qua các lá thư không đều và tưởng đã không còn nữa.

Sân và Hổ ngồi ở phòng khách nhỏ của nhà Sân có cửa sổ nhìn ra con sông. Họ nhấm chả giò với nhiều loại rau thơm và uống rượu đế và nhớ lại kỷ niệm và tình bạn qua tháng năm. Nước sông bên nhà của Sân lên xuống theo thủy triều một ngày hai lần. Khi nước biển Đông dâng lên làm lòng sông dâng nước lên gần đến thềm nhà của Sân; khi thủy triều kéo về biển nước sông xuống thấp.

Dòng sông trở nên ồn ào khi triều dâng với người và thuyền bè đổ vào chợ bên nhà Sân. Những lúc đó chợ một phần ở trên đất và một phần ở trên mặt sông. Thuyền đủ loại và kích thước khác nhau, đi và đến tấp nập. Có thuyền lớn đi từ biển xa vào hay từ các làng xa đến. Có thuyền nhỏ chỉ có một nguời chèo với rau cải. Thuyền chở hàng hóa từ khắp nơi về và người ta bận rộn đem hàng từ thuyền xuống chợ và đem hàng từ chợ lên thuyền. Người ta mặc cả giá, nói lớn tiếng để tránh đụng nhau khi đem hàng lên xuống trong lối đi nhỏ, và trao đổi cả trăm chuyện khác nhau. Tiếng máy thuyền, tiếng heo kêu, tiếng gà vịt kêu chen lẫn với tiếng người làm phiên chợ trở nên sống động nhưng ồn ào không thể nào diễn tả đủ được. Trong những mặt hàng bán ở chợ, có những bánh tráng mà vợ chồng Sân làm.

Sau vài tuần rượu, Sân thoải mái gác cái chân còn lại lên cái ghế trống ở trước mặt và nói với Hổ rằng cái bánh tráng mà họ vừa ăn là cái bánh của cuộc sống của gia đình Sân.

Sân mất một chân trong cuộc chiến tranh và anh trở về phố huyện không có công ăn việc làm. Chỉ có một chân, Sân không thể làm ruộng như ngày xưa được. Cuộc chiến tranh đã thay đổi cả cuộc đời anh. Buồn chán và thất vọng đi vào anh. Ban đầu anh đi bán vé số, bán kẹo, và thuốc lá dọc đường như các thương binh khác. Số tiền kiếm được thì rất ít vì người bán thì nhiều và người mua thì ít. Ngày qua ngày không khí trong căn nhà của anh càng thêm ngột ngạt. Số tiền mà gia đình anh đã để dành trong những năm tháng anh đi lính trước đây cứ vơi cạn dần. Gia đình anh đã đi đến con ngõ tắt của cuộc sống và nghèo khó bước vào đời sống của gia đình anh.

Cuộc sống của gia đình anh thay đổi một cách đột ngột và bất ngờ sau khi anh nói chuyện với một người bạn cũ trong một buổi chiều. Người bạn này khuyên anh nên dựa vào lúa gạo để có công ăn việc làm. Đương nhiên với một chân anh không thể trồng lúa, nhưng anh có thể tận dụng gạo để làm báng tráng để bán. Người bạn này đã viết và để lại cho vợ chồng Sân cách làm bánh tráng trước khi rời nhà của Sân.

Sau nhiều ngày bàn thảo, vợ chồng Sân quyết định đi theo lời khuyên của bạn. Hai vợ chồng đem số tiền nhỏ còn lại mua nồi niêu, cối chày và các vật dụng khác để làm bánh tráng. Cố gắng ban đầu của họ không có mấy thành công, nhưng bà con lối xóm nhìn họ cố gắng thay đổi cuộc sống đã giúp đỡ bằng cách mua bánh tráng mà vợ chồng Sân làm cho dù phẩm chất không được cao. Điền này đánh dấu một bước đi mới trong đời sống của gia đình Sân. Mặc dù số tiền kiếm được qua việc làm và bán bánh tráng vẫn còn nhỏ nhưng nó đã đem lại hy vọng cho gia đình. Mặc dù số tiền kiếm được không đủ để mua thức ăn và áo quần cho gia đình nhưng nó đã tạo ra một hướng đi để sinh tồn.

Một ngày, Sân về thăm làng quê cũ và cái đẹp của những cánh đồng lúa xanh với lá uống cong trước gió nhẹ buổi sáng đánh vào tâm khảm của anh và gợi cho anh nhớ lại những tháng ngày thơ ấu vui đẹp trong làng. Anh nhớ đến những lời chỉ dạy của cha mẹ, những giống lúa mà gia đình anh và bà con trong làng đã trồng trong những tháng năm đó. Đặc biệt nhất anh nhớ đến cái thơm, dẻo và ngon của lúa nếp mà làng anh đã trồng. Anh còn cảm thấy cái vị dẻo ngọt của xôi trên đầu lưỡi của anh. Có lẽ đây là những kỷ niệm không thể quên. Sân nghĩ thầm, nhưng anh vẫn còn nhớ cái ngon của gạo nếp này so với gạo mà anh ăn ngày nay.

Trong bữa ăn với bà con ở làng, Sân nói về những cảm nghĩ của mình về giống lúa nếp mà làng đã trồng trong những năm xưa. Bà con bảo với anh rằng hiện nay dân làng chỉ trồng giống lúa này trên một diện tích đất giới hạn mà ở đó không có nước tước tiêu. Phần lớn dân làng trồng các giống lúa cao năng suất để có đủ thức ăn và tiền bạc cho cuộc sống. Lúa nếp cũ chỉ được nấu trong những ngày kỵ giỗ hay hội làng.

Trước khi rời làng Sân nhờ bà con mua được chừng một chục kí lô gạo nếp này để đem về nhà. Anh và vợ dùng gạo nếp để thử làm bánh tráng. Kết quả tới một cách không ngờ. Bánh tráng của anh ngon hơn rất nhiều. Bà con hàng xóm và ngay cả những người trong phố huyện bắt đầu mua nhiều bánh tráng của anh. Ngay cả các cửa hàng ăn uống tron phố cũng đã đặt mua bánh tráng của anh để làm chả giò cho khách. Anh gởi tin về làng yêu cầu bà con mua thêm gạo nếp này để làm bánh tráng. Nhờ có nhiều người mua giá bánh tráng của vợ chồng anh cũng tăng lên.

Kinh tế ở phố huyện của anh cũng có nhiều phát triển. Nhờ vậy dân chúng đã có nhiều tiền hơn và họ bắt đầu thay đổi lối ăn, từ hai ba bữa cơm một ngày qua một bữa cơm vào chiều tối. Ăn sáng họ ăn phở, ăn bánh cuốn tươi, và các hàng khác. Yêu cầu bánh tráng của gia đình anh ngày càng tăng và vợ chồng anh làm bánh tráng khô và bánh tráng ướt để đáp ứng cho nhu cầu của phố huyện.

Sân thu xếp với bà con trong làng để trồng nhiều giống lúa nếp này và anh đặt mua với giá cao hơn bởi vì anh biết năng suất của giống này thì thấp. Nhờ bánh tráng mà kinh tế của gia đình anh trở nên vững chắc hơn, có tiền cho con cái đi học trở lại. Vợ chồng anh cũng đã giúp cho bà con trong làng qua việc mua gạo nếp với giá cao để làm bánh tráng.

Nhìn nhau trong yên lặng, hưỡng thụ tình bạn và vị ngon của chả giò và rượu đế. Hổ đồng ý với bạn rằng:

Cái bánh tráng mà Hổ ăn là cái bánh của cuộc sống.