CHIA XẺ KINH NGHIỆM VỀ

PHƯƠNG CÁCH GIẢNG DẠY TẠI

CENTENNIAL COLLEGE, CANADA

Ðàm Trung Phán

Thể theo lời yêu cầu của một số thân hữu, chúng tôi xin bắt đầu viết đề tài về những kinh nghiệm của đời đi dậy. Bài viết “Chia xẻ …” này được viết để ra mắt quý độc giả trong loạt bài viết về “Ðời Ði Dậy”. Bài này được viết dựa theo bài “Principles of Teaching” mà tôi đã nộp cho Ban Giám Khảo của Centennial College khi họ tuyển lựa và trao giải thưởng “Cách Giảng Dậy Xuất Sắc” (Teaching Excellence) vào năm 2001 trước khi tôi được Centennial College tại Canada và University of Texas at Austin tại Hoa Kỳ trao tặng cho tôi giải thưởng này.

Tuy rằng đây là những kinh nghiệm giảng dậy trong lãnh vực khoa học và kỹ thuật của riêng tôi nhưng tôi muốn viết ra đây như để chia xẻ với độc giả, với những thầy/cô, với những ai đang muốn đi vào ngành giáo dục … những gì mà tôi đã học hỏi được khi tôi còn là một nhà giáo trước khi tôi về hưu. Hy vọng rằng những ai đã từng đi dậy cũng có thể tìm thấy ít nhiều mẫu số chung qua bài viết này.

Xin kính mời quý độc giả vào xem các hình ảnh liên quan tới mái trường bằng cách bấm vào Website dưới đây:

http://www.pbase.com/tamlinh/mai_truong__getting_involved_with_education

* * * * *

Sau khi tôi đã dạy được vài năm, tôi thường nói với học trò:

“Học hỏi là gì? Theo tôi thì tự mình phải biết là mình thực sự không hiểu, không biết những điều gì trong lãnh vực nào, ở đâu … để rồi mình có thể bắt đầu học từ những phần không hiểu biết đó.”

Theo lối nhìn của một kỹ sư như tôi, học trò cần phải thực hiểu bài (lesson) hay môn mình đang học (subject) để mà có thể áp dụng phần lý thuyết (theory) hay khái niệm (concept) vào công việc mình làm và ngay cả vào đời sống của mình nữa. Cả thầy/cô lẫn học trò cần phải cảm thấy thoải mái trong lớp học; học trò phải cảm nhận được cái hứng thú để mà có thể tìm hiểu, phân tích, tổng hợp và áp dụng. Thầy/cô nên hướng dẫn tường tận để học trò được rèn luyện cho họ có lòng tự tin và hứng khởi để mà tự họ đi tìm kiếm tài liệu, sau đó tự học hỏi bởi vì rằng số giờ để giảng dậy trong lớp tương đối khá ít ỏi.

Bản thân tôi đã có cái may mắn được cập nhật hóa với nhiều điều mới lạ trong lãnh vực kỹ thuật tân kỳ vì tôi có cơ duyên liên lạc được với nhiều sinh viên đã tốt nghiệp và đang đi làm. Các sinh viên này đã móc nối cho tôi tới nhiều nhân viên trong ngành kỹ thuật ngoài đời và họ đã cung cấp cho tôi biết bao nhiêu là tài liệu quý báu mà họ đã hay đang dùng. Những tài liệu này không có (hay chưa có) trong các sách giáo khoa vì hãy còn mới lạ. Tôi đã phải tự học hỏi những tài liệu mới lạ này và áp dụng vào các bài soạn (lecture notes) để rồi cả thầy và trò cùng được cập nhật hóa và theo kịp đà tiến hóa của nền kỹ nghệ ngoài đời.

Những năm về sau này, tôi vẫn tiếp tục gặt hái thêm được nhiều kinh nghiệm về nghệ thuật ăn nói (communication skills), phương cách giảng dậy và học hỏi (teaching-learning skills), những kỹ thuật mới trong kỹ nghệ (new technology). Vì những lý do đó mà tôi cảm thấy không bị “dậm chân tại chỗ” và điều này làm cho tôi thêm thích thú trong công việc dậy học nhất là những khi tôi bắt buộc phải phải soạn thảo để dậy một môn học mới (tôi đã dậy tất cả 33 môn khác nhau trong Phân Khoa Kỹ Thuật tại Centennial College trong vòng 32 năm của đời đi dậy). Mỗi lần mà tôi phải dậy một môn mới, phần soạn bài vở là một thử thách rất là nặng nề nhưng tôi cảm thấy hứng khởi (motivated) trong cái “thử lửa” (new challenge) đó; tôi hăng say cố gắng để tìm kiếm những phương cách trong việc soạn bài, giảng dậy những môn học mới mẻ này.

Khi hết học kỳ (semester), tôi thấy như được đền bù khi nghe thấy những điều sinh viên nói với tôi như :

“Chúng em không có gì phàn nàn về nội dung (course content), về phần trình bầy (lecture delivery), cách chấm điểm của Thầy hết. Chúng em cũng biết có đôi khi Thầy bị lúng túng vì Thầy mới dậy môn này lần đầu, nhất là trong phần làm thực tập ở trong phòng thí nghiệm. Chung quy là vì nhà trường không có đủ máy móc cho sinh viên thực tập, mà lớp lại đông học trò. Chúng em mong rằng chúng em còn được tiếp tục học ở Thầy những môn học khác trong những học kỳ tới (semester). Chúng em xin cám ơn Thầy rất nhiều, nhất là phần tận tâm (commitment) của Thầy!”

Càng dậy thêm các môn mới trong Phân Khoa Khoa Học và Kỹ Thuật (School of Engineering Technology and Applied Sciences), tôi càng thấy rõ những mối tương quan khắng khít của các môn học (courses) và của các ngành nghề kỹ thuật (technical programs). Sau khi đã đi dậy được nhiều năm, tôi cảm thấy rất may mắn và hứng khởi vì tôi đã học thêm được biết bao nhiêu là điều mới lạ. Là một nhà giáo trong phân khoa Kỹ Thuật, tôi cảm thấy tôi may mắn hơn và học hỏi được nhiều hơn so với “đời sống bay nhẩy” của một kỹ sư chuyên nghiệp (professional engineer) mà tôi đã hằng mong ước trong những năm đầu tiên khi tôi trở thành một “nhà giáo bất đắc dĩ”!

Nhiều năm về sau, một số cựu sinh viên đang đi làm cho tôi biết là họ vẫn còn giữ lại tất cả các “lecture notes” (tất cả các tài liệu liên quan tới môn học) của các môn học do tôi phụ trách. Không những vậy, nhiều người còn mang vào văn phòng làm việc của họ những “cours” này để làm tài liệu tra khảo khi họ phải “design” (kiến tạo), hay họ phải “construct” (xây dựng) hay “inspect” (khám xét) một số những công việc mà họ đang phải làm. Ðối với tôi, đây là một phần thưởng tinh thần rất quý giá vì những nỗ lực đi tìm kiếm tài liệu để tự học hỏi và những đêm khuya ngồi soạn bài giảng (lecture notes), bài nộp (assignments), bài thi (tests, exams), tuy có nhiều lúc làm tôi lên cơn đau bao tử nhưng chúng đã mang lại những kết quả khả quan. Những tài liệu này đã đáp ứng được những nhu cầu (up-to-date and relevant materials) của ngành nghề (industry) mà nhiều khi không tìm được trong các sách giáo khoa .Vì vậy mà tôi càng cảm thấy thích thú trong việc tiếp tục đi tìm kiếm tài liệu (manuals, drawings, reports, specifications, videos …) và những kỹ thuật mới lạ (new technology) trong ngành công chánh và trong lãnh vực khoa học và kỹ thuật để rồi tôi phổ biến phần kiến thức này trong những môn học mới cũng như cũ mà tôi đã từng hay đang giảng dậy .

Trong quãng đời đi dậy tại College, tôi đã được chứng kiến rất nhiều những thay đổi trong ngành giáo dục tại tỉnh bang Ontario. Trong thập niên 90, sự thay đổi có tác động mạnh mẽ nhất tại College, theo tôi, chắc đó là hiện tượng “đa dạng” (diversity) trong hệ thống giáo dục tại Ontario liên quan tới gốc gác của sinh viên và ban giảng huấn. Số sinh viên da mầu (visible minority), các di dân nói chung (immigrant) mà Anh Ngữ không phải là tiếng mẹ đẻ (non native speakers of English) đã lên tới 45% của tổng số sinh viên không những tại trường tôi mà còn tại các College khác nữa. Vì là một người di dân (immigrant) mà Anh Ngữ không phải là sinh ngữ mẹ đẻ của tôi (mother tongue) cho nên tôi có thể cảm nhận và thấu hiểu được những cái khó khăn của sinh viên di dân (immigrant students) trong lãnh vực học hành như: sinh ngữ, khác biệt về văn hóa, những kỳ vọng trong xã hội mới (expectations in the new society), những khó khăn về tài chánh, lòng nhớ quê quán cội nguồn (homesickness), đời sống gia đình và xã hội gặp nhiều khó khăn, cũng như nghề nghiệp và tương lai bấp bênh của họ. Trong tư thế của một giáo sư, tôi còn đóng vai trò của một người bạn, một người hướng dẫn (mentor, guide), một người cổ võ (advocate), một người cố vấn (adviser), một mẫu người để họ noi theo (role model) trong xã hội mới hội nhập.

Tôi thường hay trò truyện với học trò trong lớp học cũng như ngoài giờ học và vì vậy mà tôi được biết nhiều về họ hơn. Cũng chính vì vậy mà tôi biết cách để làm sao tôi có thể giảng dậy cho có hiệu quả hơn cho cả lớp.Thầy trò tôi đâm ra tránh được ít nhiều những xích mích với nhau. Trong những giờ phút giảng dậy và học hỏi (teaching-learning process), thầy trò chúng tôi không thấy không khí căng thẳng cho lắm (stressful moments). Nhờ giao thiệp với các sinh viên, các đồng nghiệp, các bạn hữu trong trường cũng như ngoài xã hội mà đời sống của tôi được thêm phong phú hơn (enriched) vì chính bản thân tôi đã học hỏi được ở họ những kinh nghiệm cá nhân, sự khôn khéo (wisdom) và những điều hay trong nền văn hóa của họ (cultures)… Tôi cũng đã từng gặp nhiều bà mẹ của học trò khi họ đến văn phòng nhờ tôi đóng vai một người cha để chỉ dẫn và bắt buộc con trai của họ phải đi học cho đều đặn (regular class attendance) và học hành cho có kết quả khá hơn. Xin thú thực với quý vị rằng cái “bổn phận bất đắc dĩ” này chẳng có dễ dàng gì hết mà thực sự ra cũng chẳng phải là “bổn phận trong nghiệp đoàn giáo chức” của tôi nữa nhưng tôi cũng đã có hai con trai nên tôi thông cảm với các bà mẹ này nên tôi hứa tôi sẽ cố gắng giúp họ được chút nào hay chút ấy.Tôi cũng đã bị một, hai “quý tử” trả lời “Việc gì tới Ông Thầy!?” (Mind your own business!) nhưng mà kỳ diệu thay, sau đó tôi thấy tay “yêng hùng” đi học đều đặn trở lại. Không những thế, sau khi các “đứa con nuôi bất đắc dĩ” này của tôi đã ra trường và đi làm, họ đã gọi điện thoại cho tôi để nói lời cám ơn và :

“Mẹ em cũng gửi lời hỏi thăm Thầy và cám ơn Thầy nữa đấy, thưa Thầy!”

Tự nhiên tôi cảm thấy có một đại gia đình (extended family), thật là trân quý biết bao.

Tôi xin “vào đề” và nói rõ về Phương Thức Giảng Dậy (Principles of Teaching) mà tôi đã áp dụng trong nhiều năm:

1.0 Vấn đề truyền thông (Communication)

Theo tôi nghĩ, đây là một việc hết sức quan trọng. Các thầy/cô có thể làm cho học trò thêm hứng khởi (motivated) trong công việc giảng dậy và học hỏi (teaching-learning process) nhưng ngược lại, các thầy/cô cũng có thể làm cho học trò nản chí (turned off) qua các bài giảng (lectures, lesson plans), qua các cử chỉ và lời ăn tiếng nói của họ trong lớp học hay cách ứng xử của họ khi tiếp xúc với học trò.

Nghệ thuật ăn nói tùy thuộc vào:

1.1 Soạn bài (Lecture preparation, lesson plan)

Tôi xin mạn phép méo mó nghề nghiệp viết theo khía cạnh của ngành kỹ thuật mà tôi biết khá rành rõi. Hầu hết các môn học trong ngành kỹ thuật đều có phần thực hành trong các phòng thí nghiệm (hands-on components), phòng vẽ (drafting room, Auto Cad lab, field work).

Tôi đã từng phải tự ý kiến tạo (design) và thực tập (conduct) những bài học trong phòng thí nghiệm (laboratory experiments). Vì nhà trường không đủ ngân sách để thuê thêm chuyên viên làm việc trong các phòng thí nghiệm , trước khi vào lớp, chính tôi đã phải tự ý kiểm soát tất cả những dụng cụ liên quan tới bài học đó trong phòng thí nghiệm và phải tự hỏi rằng liệu sinh viên có đủ thì giờ và dụng cụ để làm xong các phần thí nghiệm trong những giờ thực tập của họ không? Các bài học trong phần thí nghiệm (lab experiments) liệu có thể giúp học trò hiểu rõ thêm phần lý thuyết không? Tôi thường chỉ dẫn học trò đi theo từng bước một (step-by-step method) từ dễ đến khó (logical and numerical sequence) trong những giờ làm thực tập cũng như trong các giờ học trò ngồi học ở trong lớp (lecture, tutorial sessions). Nhờ phương pháp chỉ dẫn này mà tôi có thể móc nối khá dễ dàng được các bài giảng trong lớp đến các chương (chapters) trong sách giáo khoa và tài liệu học tập (textbook, reference book, handout materials …), các bài tập và các bài nộp (exercises and assignments) và các đề án (projects)…

Thầy/cô không nên ỷ y cho rằng ”điều này quá dễ, chắc là học trò biết hết rồi mà”! Thực ra, có rất nhiều điều, học trò chẳng biết, hoặc là chưa biết gì hết. Chẳng biết có phải tại học trò đã bị đuối sức trong những năm học ở trung học hay không!?

Các bài thi (tests, exams) được soạn thảo với mục đích để đo lường khả năng (measure) xem học trò đã hiểu và có thể áp dụng được những phần họ đã học đến mức độ nào? Các bài tập, bài nộp và đề án có mục đích làm cho học trò thực tập các bài giảng để họ thấy “thích thử lửa” (challenging) mà tự tìm hiểu hoặc là chính họ sẽ đến gặp tôi để hỏi thêm. Học trò phải làm các bài tập, bài nộp, đề án ở nhà trước để họ tự ý biết những phần nào họ bị lúng túng và không hiểu để rồi trong giờ giảng dậy sau đó, tôi sẽ giải nghĩa cho họ hiểu rõ ràng hơn và tôi sẽ chỉ dẫn cho họ cách làm bài. Sinh viên sẽ phải tự ý làm các bài giải để mà họ “học hành là để biết những điều mình không biết hay không hiểu để rồi tự đó mà học hỏi cho đến nơi, đến chốn”.

Ðể tránh nạn “cọp dê” (copy), tôi thích ra các đề thi theo lối “mở sách” (open book tests/exams). Lời văn viết trong mỗi câu hỏi (questions) trong đề thi (test/exam papers) thì giống nhau nhưng đề thi trong lớp lại có 3 loại các con số khác nhau (3 different sets of given data) cho nên trong giờ thi, tôi có 3 loại đề thi A, B, C (test papers A, B, C).Học trò không thể viện lý rằng “đề thi của em khó quá so với đề thi của bạn em” vì rằng tất cả các đề thi A, B, C đều giống nhau về cách chấm bài và cho điểm nhưng chỉ khác nhau ở các con số (given data) mà thôi. Trước khi vào lớp, các đề thi đã được xếp theo thứ tự A, B, C, A, B, C…và tuyệt nhiên học trò không hề hay biết cái “món ăn chơi này” của chúng tôi! Sau khi các sinh viên đã ngồi vào chỗ đâu vào đó, người coi thi cứ việc đi theo từng giẫy bàn (rows of tables) mà phát đề thi theo thứ tự A, B, C, A, B, C, A, B, C … kia. “Quân gian” khó lòng mà có thể tráo được các đề thi để mà A ngồi cạnh A, B ngồi cạnh B, C ngồi cạnh C được. Ðây là một bài học mà nhà giáo chúng tôi đã học được qua những “kinh nghiệm chiến trường cọp dê” của các “yêng hùng vua cọp dê người bạn láng giềng” để đối phó với họ cho “hợp lý, hợp tình”!.

Trong lãnh vực khoa học, kỹ thuật, các chuyên viên kỹ thuật (technicians, technologists), các kỹ sư … thường phải dùng đến các “handbooks” (sách cẩm nang chuyên môn cho ngành nghề), các “manuals” (sách chỉ dẫn), các sách giáo khoa (textbooks, reference books), các đồ thị (graphs, charts, tables) và họ phải thật hiểu rõ cách dùng những tài liệu này để mà lấy các dữ kiện (data-gathering) để rồi dùng trong các bài giải (solution) cho các câu hỏi trong đề thi . Lối thi “mở sách” (open book tests/exams) giống như khi học trò đang đi làm vậy: họ phải biết cách tự đi tìm các tài liệu để mà áp dụng cho các phần giải đáp. Mà thật ra cái phần tính toán giải đáp (analysis and problem solving) mới là phần chính và phần “mở sách” chỉ là phần phụ giúp cho sinh viên đi kiếm các dữ kiện mà thôi. Sinh viên phải thật hiểu các câu hỏi của đề thi để phân tích rồi đặt phương trình để đưa đến đáp số (answer). Sinh viên mà bí quá thì cũng chẳng thể “cóp đại” người “hàng xóm” được vì thực sự là họ có 2 đề thi khác nhau! Cọp dê bài của người bên cạnh là “giẫm trúng mìn” liền!

Người viết đã cảm thấy “đỡ nhức đầu” khi phải trả lời những câu hỏi “cổ như trái đất” của các chàng/nàng “gà mờ” như:

  • Thầy ơi, bạn em nó được 10 trên 10, tại sao Thầy lại cho em zero điểm trong khi em có cùng đáp số y như bạn em?

Tôi sẽ sàng trả lời:

  • Em mang bài của bạn em và của em lên đưa cho tôi coi, tôi sẽ trả lời em, OK?

Rất nhiều lần, ông thầy sau khi xem 2 đề thi của “đôi bạn song sinh”, đã chu chéo la lên:

  • Trời đất ơi, bài thi của em thuộc loại “A” (giả dụ như có 360 con gà), trong khi đó bài thi của bạn em thuộc loại “B” (giả dụ như có 630 con gà, trông hơi giông giống như 360 con gà vậy!). Một đằng có 360×2=720 chân gà, một đằng có 630×2=1260 chân gà thì làm sao mà hai đề thi của 2 em có thể có cùng chung một đáp số được?

Cả lớp nghe khoái trí, cười rộ làm “đôi tri kỷ” cảm thấy “quê một cục” trước mặt các “bá quân văn võ“ và không dám phàn nàn gì thêm nữa.

Các “yêng hùng” mà làm khó dễ hay nặng lời với thầy/cô, thầy/cô bèn đề nghị “đôi ta” lên gặp ông/bà Trưởng Phòng (Program Co-ordinator) để người này phán quyết, đỡ phải cãi vã tay đôi cho mất thì giờ của thầy/cô!

Sách giáo khoa (textbooks) càng ngày càng đắt tiền cho nên tôi đã cố gắng dùng chung một cuốn sách giáo khoa cho 2 môn trong 2 học kỳ (Semesters) khác nhau để giúp học trò đỡ tốn tiền mua sách. Ðây là một việc làm chẳng đặng đừng nên tôi đã phải soạn ra và cho nhà trường đem in phần bài soạn thêm (Supplementary Lecture Notes, Laboratory Manuals) mà sách giáo khoa không có. Phần in thêm này được bầy bán trong hiệu sách nhà trường (college bookstore), giá rẻ mạt so với cuốn textbook và dĩ nhiên là “tác giả bất đắc dĩ” chẳng nhận được đồng xu teng nào để mà mua quà bánh cho vợ con! Ðược cái an ủi là học trò không hề than phiền về vụ phải mua thêm phần tôi viết vì họ thừa biết là họ đã được một “good deal” (giá hời) đỡ phải tốn tiền mua thêm một cuốn sách giáo khoa mắc mỏ (giá chừng 150 dollars Canadian một cuốn).

1.2 Giảng bài trong lớp (In-class lecture delivery)

Học trò hay viện cái “lý sự cùn” như:

  • Thế hôm nay tụi em có phải học phần nào quan trong lớp không hả Thầy?

hay

  • Tại sao tụi em lại phải học cái phần này, thưa Thầy?

Ðể tránh những câu hỏi này, trước khi vào đề, tôi thường kể một câu truyện liên quan tới đề tài mà tôi sắp giảng dậy và sau đó tôi đặt câu hỏi cho học trò để cho họ có cơ hội thi nhau tìm hiểu và trả lời. Lấy một thí dụ: Trong giờ Ðịa Chánh (Field Surveying), cách dễ nhất để đo chiều cao của một cái cao ốc (building) là trèo lên sân thượng rồi thả cái đầu thước đo xuống đất và đọc con số của chiều cao. Trên phương diện thực tế, làm như vậy thật là khó. Tôi hỏi học trò các lý do khó khăn này và tôi cũng hỏi học trò cho biết cách làm sao mà ước lượng cho khá chính xác chiều cao của cái cao ốc đó.

Ðây là cách vào đề trực tiếp (direct approach) để tôi dậy học trò cách sử dụng cái máy đo góc (transit) mà chúng tôi dùng trong phần Ðịa Chánh. Tôi mang cái transit ra, đặt tạm tại một vị trí cho vững, rồi đo bề dài theo chiều ngang (horizontal distance) – tạm gọi là “L” – từ cái transit theo chiều thẳng góc đến cái building (tôi giả dụ là một chân tường của lớp học). Sau đó, học trò sẽ dùng máy để mà đo góc giữa đường ngang chân trời (horizontal line) và nóc của building (tạm gọi là góc “A”).Tôi đứng cạnh cái transit để chỉ rõ cho học trò chiều ngang “L” và góc “A” rồi vẽ trên bảng đen cái họa đồ đó . Vẽ xong, tôi hỏi học trò cách tính chiều cao – tạm họi là “H”- của building. Lúc này là lúc học trò thích “chỉ” cho thầy biết cách tính toán ra sao: (H = L x tanA).

Sau khi học trò đã hiểu nguyên lý, tôi dần dần chỉ dẫn học trò tất cả các chi tiết sử dụng transit và đọc góc cho thật chính xác. Nói tóm lại, tôi muốn học trò phải lắng nghe và chú ý đến (focus) đề tài mà tôi sẽ nói tới và tôi đặt câu hỏi với học trò để họ trả lời thay vì chỉ một mình tôi nói trong lớp mà thôi. Có những đối thoại và vài câu pha trò giữa thầy/cô và học trò mới có cái lý thú trong lúc giảng dậy và học trò mới không buồn ngủ trong lớp học vì chính họ cũng đang “diễn tuồng” (getting involved in the teaching-learning process)!

Thầy/cô cần phải nói (tiếng Anh hay ngôn ngữ dùng trong lớp học) cho đúng (precise), ngắn gọn và giản dị (short sentences and simple words), nói to (loud voice) để cho cả lớp nghe thấy rõ ràng, dễ hiểu và để gây uy thế của thầy/cô với học trò (in control of the classroom); điệu bộ của nét mặt và chân tay cho tự nhiên (good body language) để học trò cảm thấy như đang được xem một cái “show” cho đỡ buồn ngủ (interested)! Tính hài hước (sense of humour) của thầy/cô làm cho học trò/người nghe cảm thấy tươi cười, thoải mái (entertained) và nhờ vậy mà thầy/cô và học trò dễ phá tan được cái bức tường vô hình (invisible barrier) ngăn cách giữa thầy/cô, học trò và nhất là đề tài đang được trình bầy không khô khan và khó hiểu.

Chữ viết của thầy/cô trên bảng đen cần phải rõ ràng (good/neat handwriting), quy củ (organized) và các hình chiếu (overhead transparencies) trên phông (screen) đâu ra đấy sẽ giúp học trò thấy thoải mái (less stressful) và dễ theo kịp thầy/cô hơn (easy to follow, effective communication skills). Ngoài ra, đây cũng là lúc mà học trò còn học hỏi được nghệ thuật ăn nói trước công chúng (public speaking) để sau này họ sẽ đỡ bị bỡ ngỡ khi chính họ phải trình bầy một vấn đề gì cho nhân viên trong sở.

Trong lớp, thây/cô nên hỏi học trò:

  • Các em có theo kịp thầy/cô không?(Are you with me or do you follow me?). Nếu không hiểu, các em cứ giơ tay lên mà hỏi, OK?

Tôi còn hay hỏi thêm:

  • Nếu có ai trong lớp này bị khuyết tật (handicapped), xin cho tôi biết với!

Ở tỉnh bang Ontario, Canada, các sinh viên bị khuyết tật như: loạn sắc (colour blind), lãng tai (hearing problem), chậm hiểu (slow learning)… thường được nhà trường cho hưởng những quyền lợi đặc biệt. Thầy cô nên biết trước để biết cách chỉ dẫn cho họ một cách có hiệu quả hơn và cũng để chuẩn bị tinh thần luôn.

Thầy/cô cần phải nghiêm túc (professional) khi trả lời các câu hỏi của học trò và cổ võ học trò hỏi thêm để họ thực sự hiểu bài giảng ở trong lớp. Cách ăn nói (communication skills) vừa cởi mở (easy-going), vừa đi thẳng vào vấn đề (direct approach) mà lại thêm phần pha trò làm cho thầy/cô và học trò thấy vui vẻ (enjoyable), thoải mái (relaxing, less stressful), nhất là cho các thầy/cô trong lúc giảng dậy.

Thầy/cô nên tránh tối đa lối nói gièm pha học trò (belittle students), thí dụ như:

  • Dễ như vậy mà tại sao em lại không hiểu? Chắc em không đọc sách thêm chứ gì? Thôi, đừng hỏi tiếp nữa cho đỡ mất thì giờ của tôi ở trong lớp, OK? Em về nhà đọc thêm phần sách giáo khoa đi! (Everything is in the textbook, just read it!).

Học trò sẽ có nhiều phản ứng dội ngược lại (strong reactions) đối với thầy/cô vì họ cảm thấy bị chạm tự ái (belittled, humiliated), chán nản (frustrated, turned off) và do đó họ trở nên “tác yêu tác quái trong lớp” (rebellious) để trả đũa lại với thầy/cô (get even with the teacher). Một số thầy/cô đã mắc phải lỗi lầm này và vị giáo sư Trưởng Phòng (Program Co-ordinator) đã phải nghe các sinh viên than phiền đến điếc tai về thầy/cô vì cách ăn nói này đã làm cho học trò không muốn tới lớp học của các thầy/cô này nữa. Trong nhiều trường hợp, một số sinh viên còn cùng nhau lên gặp vị Khoa Trưởng (Faculty Dean) với hy vọng là nhà trường sẽ có thái độ rõ rệt với các thầy/cô này.

2.0 Giáo dục ngoại lớp (Non-class room education)

Nhà giáo chúng tôi đã thấy có nhiều sinh viên khi đi học thì học rất giỏi nhưng khi ra đời thì lại lẹt đẹt về nghề nghiệp và đời sống riêng tư của họ nữa. Thoạt đầu, chúng tôi không rõ ngã ngũ ra sao. Sau nhiều lần cùng ngồi xuống để mà bàn luận, mổ sẻ, tìm nguyên nhân, chúng tôi nhận thấy cách ứng xử (interpersonal skills) thuộc về phần “thông minh cảm xúc” (emotional intelligence quotient, viết tắt là EQ) là cái đầu mối để đưa con người tới thành công hay thất bại khi bắt đầu ra đời làm việc. Phần thông minh đầu óc (Intelligence quotient, viết tắt là IQ) giúp con người suy nghĩ, học hành dễ dàng hơn và nhà trường thường chỉ chú trọng tới phần IQ này mà thôi! Phần “thông minh cảm xúc” (EQ) giúp con người biết cách ứng xử để rồi thành công và thăng tiến trong nghề nghiệp. Cho tới bây giờ (năm 2005), nhà trường vẫn chưa có các ngân khoản hay phương tiện giúp cho học trò để họ có thể học hỏi (learn), áp dụng (practice) và thâu nhận (acquire) phần “thông minh cảm xúc” này trong lớp học hàng ngày (regular classes). Các sinh viên nói trên có phần IQ khá cao nhưng phần EQ theo chỗ chúng tôi nhận xét thì lại khá thấp cho nên mới ra như vậy.

Tôi đã tạo cơ hội cho sinh viên của tôi để cho họ có thể hiểu biết thêm, áp dụng và thâu nhận phần ”thông minh cảm xúc” này bằng cách tham gia vào các sinh hoạt ngoại khóa như:

2.1 Các Hội quán (Clubs) cho sinh viên

  • Hội quán cho các sinh viên ngành Công Chánh của Centennial College: Club này được thành lập năm 1980 và đóng cửa theo ngành vào năm 1995. Tôi là giáo sư hướng dẫn (professor and adviser)
  • Hội quán cho các sinh viên ngành Bảo Vệ Môi Sinh của Centennial College: Hội này được thành lập vào năm 1991 và vẫn còn hoạt động mạnh mẽ sau khi tôi về hưu năm 2002

– Hội Ái Hữu Sinh Viên – Cựu Sinh Viên Việt Nam của Centennial

College: Hội này được thành lập năm 1985 và bành trướng mạnh mẽ

vào năm 1994. Tôi là một trong những sáng lập viên của hội

(founding members) và cũng là Giáo Sư hướng dẫn từ năm 1985. Sau

khi tôi về hưu, tôi vẫn còn là Giáo Sư hướng dẫn.

Các Hội Quán này hoàn toàn do các sinh viên quản trị và điều động các chương trình hoạt động. Nhờ vậy mà sinh viên học được cách ứng xử, cách tổ chức, cách ăn nói giữa đám đông và làm việc trong tinh thần đồng đội và thiện nguyện (volunteer team work). Cũng nhờ vào các clubs này mà Centennial College đã thâu nhận được thêm nhiều sinh viên mới qua sự giới thiệu của các “club members” (hội viên của các clubs). Ngoài ra, một số sinh viên mới ra trường đã kiếm được việc do các cựu sinh viên hiện đang làm việc trong công kỹ nghệ giới thiệu và “chỉ đường dẫn lối” cho biết cách ăn nói cho đúng cách trong lúc được “job interview” (phỏng vấn). Cũng nhờ các hội viên của các clubs này mà nhiều sinh viên của chúng tôi cũng như cá nhân tôi đã móc nối được với giới công kỹ nghệ (industry) và được giới này trợ giúp rất nhiều về phần kỹ thuật (technical know how, cho các tài liệu “mới ra lò”) và phần kiếm việc cho sinh viên (job placement).

Hội Ái Hữu Sinh Viên Việt Nam đã tổ chức các buổi sinh hoạt như: Tham dự ngày triển lãm thế giới hàng năm (Annual International Day) tại College, các buổi nói truyện về học hành và nghề nghiệp, các sinh hoạt thể thao (bowling, indoor/outdoor soccer, badmington), đi cắm trại, đi picnic, dạ vũ Giáng Sinh (Christmas party), ăn Tết Nguyên Ðán (Vietnamese Lunar New Year celebration), ăn mừng các tân khoa (graduation dìnner party), hướng dẫn các tân sinh viên trước khi tựu trường (orientation session) … Nhiều sinh viên tốt nghiệp đã có những cơ sở thương mại tại Việt Nam và Canada khá thành công tạo một niềm vui cho College và cộng đồng Việt nam sở tại.

2.2 Các nhóm Email (Email groups)

Các sinh viên của ngành Công Chánh, Bảo Vệ Môi Sinh, Hội Ái Hữu Sinh Viên Việt Nam đều có nhóm Email riêng của họ để tiện việc loan báo cho nhau biết các tin tức về học hành, công ăn, việc làm, các tiến triển về ngành nghề (technical changes, new technology), các sinh hoạt văn hóa – xã hội… Các tân sinh viên và cựu sinh viên đã trao đổi tin tức với nhau rất là thoải mái, mặc dù là họ chưa hề gặp nhau nhưng họ cảm thấy gần gũi nhau hơn vì họ học chung cùng một chương trình tại cùng một College.

Tôi đã học được nhiều bài học quý giá về các kinh nghiệm hoạt động ngoại khóa (extra curricular activities) này khi tôi còn là một sinh viên đang theo học tại đại học New South Wales, Úc Ðại Lợi và tôi cũng đã từng hăng say tham dự các sinh hoạt sinh viên lúc bấy giờ. Sau khi bắt đầu đi dậy, những kinh nghiệm rút tỉa được qua các sinh hoạt ngoại khóa này đã giúp ích cho tôi rất nhiều trong việc ứng xử, điều động, nghệ thuật ăn nói trước đám đông, sinh hoạt chung với sinh viên … Trong cương vị một giáo sư và nhất là giáo sư hướng dẫn của các “clubs”, tôi muốn chia xẻ và truyền lại cho các sinh viên của tôi những kinh nghiệm quý báu mà tôi đã may mắn có được trong thời đi học và dậy học .

Sang đến thế kỷ 21, trên mạng lưới toàn cầu (worldwide web) đã có nhiều các bài viết về ngành nghề (technical papers) rất mới mẻ và bổ ích cho sinh viên trong nhiều môn học. Thầy-trò chúng tôi đã tận dụng triệt để các bài viết này để bổ túc cho phần “lecture notes”, một điều mà tôi không dám mong ước trong các thập niên trước đó . Bắt đầu từ năm 2001, sinh viên còn mang máy hình digital (digital cameras) vào lớp và xin phép tôi cho họ chụp hình những phần tôi viết trên bảng đen trong giờ dậy học vì lý do

“Tụi em viết chữ vừa chậm lại vừa xấu xí nên không chép kịp. Các hình ảnh này sẽ giúp chúng em “ghi chép” vừa nhanh, vừa rõ ràng lại vừa có thì giờ nghe Thầy giảng bài”!

Năm 2000, nhà trường đã bắt đầu rục rịch dậy hàm thụ qua Internet (ngày xưa gọi là Correspondence Study, sau đó đổi là Distance Learning và bây giờ – năm 2005- được mệnh danh là Online education). Online education rất là tiện lợi cho sinh viên vì họ không phải mất thì giờ lái xe đi học, họ chỉ cần có Computer và Internet; nhà trường thì tha hồ mà “vỗ tay reo” vì càng có nhiều sinh viên ghi danh, nhà trường càng thu nhận được nhiều tiền. Chỉ khổ cho nhà giáo phải ngày đêm đầu tắt mặt tối mà đánh vật với bài vở, thi cử, trả lời Email, chấm bài qua Internet, đưa bài lên mạng lưới…! Hú hồn là tôi đã về hưu non và thoát nợ được cách giảng dậy trên xa lộ thông tin này: mệt thân, mệt óc, mệt mắt lắm lắm vì phải đọc bài của học trò đến hụt hơi … quý vị ơi!

2.3 Các Giải Thưởng (Awards)

Ðể khuyến khích sinh viên trong việc học hành cho thật giỏi khi theo học chương trình mà chúng tôi giảng dậy, với sự giúp đỡ và trợ cấp về tiền bạc của nhiều giáo sư trong Phân Khoa Kỹ Thuật, chúng tôi đã may mắn lập ra được một số giải thưởng bằng hiện kim trao hàng năm cho sinh viên như:

  • Giải Thưởng của ban giảng huấn ngành Công Chánh (Civil Faculty Award) từ năm 1981 cho đến năm 1995 khi ngành Công Chánh phải bắt buộc đóng cửa .
  • Giải Thưởng của ban giảng huấn ngành Bảo Vệ Môi Sinh (Environmental Protection Faculty Award) bắt đầu từ năm 1994.
  • Giải Thưởng của ban giảng huấn ngành Sinh Vật Học (Biological Technology Faculty Award) bắt đầu từ năm 1998.
  • Giải thưởng Gia Long (Gia Long Award) bắt đầu từ năm 1994, với sự trợ giúp về tiền bạc rất hồ hởi của các chi em cựu học sinh trường trung học Gia Long, tôi đã là người trung gian giữa nhóm Gia Long Toronto với Centennial College. Nhà trường đã phát giải thưởng Gia Long cho một nữ sinh viên Canadian, không phân biệt chủng tộc, có điểm số cao nhất trong Phân Khoa Kỹ Thuật.

Các giải thưởng này đã mang lại một tác dụng rất sâu đậm tới những sinh viên được lĩnh thưởng. Nữ sinh viên Maria Campos, gốc người Phi, đã viết cho tôi như sau:

“Số tiền mà em nhận được qua giải thưởng của các giáo sư trong ngành Sinh Vật Học đã được em dùng để mua sách giáo khoa cho học kỳ thứ 4 (Semester 4). Em cũng xin báo tin cho Thầy biết là chính Thầy cũng là một trong những người đã giúp em được thành công trong đời. Em xin chân thành cám ơn Thầy và xin Thượng Ðế ban phước lành cho Thầy!”

Ðể kết thúc bài viết này, người viết chỉ biết xin thưa cùng quý vị là tôi rất yêu thích nghề đi dậy bởi vì biển học mênh mông, học cả đời không hết và nhất là cái tình người đối xử với nhau (human bondage) đã làm tôi say mê và trân quý đời đi dậy. Tôi đã học được rất nhiều từ các sinh viên, bạn hữu ở trong trường cũng như ở ngoài xã hội. Những vị này và gia đình, anh chị em của tôi đã là niềm hứng khởi (inspiration) giữ chân tôi ở lại với mái trường thay vì là tôi “bay nhẩy” trong cương vị của một kỹ sư chuyên nghiệp (professional engineer) trong các công, tư sở ở ngoài đời. Tôi đã rất may mắn được sống trong cả hai văn hóa Ðông Phương lẫn Tây Phương để mà hấp thụ được nhiều cái hay, cái đẹp của hai nền văn hóa này. Tôi cố gắng tìm cách chia xẻ những điều này với học trò của tôi cũng như là các kiến thức ngành nghề mà tôi đã may mắn học hỏi được trong rất nhiều năm.

Tôi đã giảng dậy từ trong tâm huyết của tôi (from the bottom of my heart), từ trong cái trí tò mò luôn luôn muốn học hỏi (inquisitive mind) và tôi đã cố gắng dùng hết khả năng của mình trong cương vị của một giáo sư để góp phần vào ngành giáo dục đa văn hóa tại Ontario, Canada trong 32 năm dậy học. Tôi vẫn còn yêu thích nghề đi dậy nhưng thân xác đã thấy khá mệt mỏi với nghề nghiệp này rồi: con tằm đã thấy thấm mệt trong cái kiếp“con tằm nhả tơ” rồi! Chỉ xin ghi lại nơi đây những gì mà tôi đã thu nhận được qua những kinh nghiệm dậy học mà tôi rất trân quý mà thôi.

Ðàm Trung Phán                                                                                                                              Giáo sư về hưu                                                                                                                               Centennial College                                                                                                                        Toronto, Canada                                                                                                                                 August 29, 2005