KHẢI HOÀN CA ĐẦY HÀO KHÍ

CỦA TRẦN QUANG KHẢI

Đàm Trung Pháp

Nguồn hình minh họa: The Internet

Trong lịch sử đấu tranh dành độc lập của Việt Nam, đời nhà Lý (1010-1225) và đời nhà Trần (1225-1400) là hai triều đại vinh quang hơn cả. Trong 400 năm ấy, nước Đại Việt đã hun đúc được nhiều anh hùng nhất, mặc dù đất đai hồi đó chưa bằng một nửa bây giờ và bờ cõi cực nam ngừng tại Nghệ An. Quân xâm lăng từ miền bắc, gồm cả những kỵ binh Mông cổ dũng mãnh, đã nhiều phen nhòm ngó và quyết tâm chiếm lấy mảnh đất cẩm tú này của Đại Việt. Nhưng lần nào chúng cũng bị đại bại đau thương, với hàng ngàn binh lính cùng với các hoàng tử và tướng lãnh của chúng bị mất mạng sau những trận chiến khiếp đảm. Trong số những thiên tài văn võ song toàn thời nhà Lý và nhà Trần, nổi bật nhất là Lý Thường KiệtTrần Quang Khải. Thống soái Lý Thường Kiệt đời nhà Lý, sau nhiều đại thắng địch quân, đã viết bài thất ngôn tứ tuyệt Nam Quốc Sơn Hà (南國山河) (bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của đất nước). Tể tướng Trần Quang Khải đời nhà Trần cũng lập được những chiến công oanh liệt và viết bài ngũ ngôn tứ tuyệt Tòng Giá Hoàn Kinh (從駕還京) (bài khải hoàn ca rất ngắn nhưng đầy hào khí sau đại thắng quân Nguyên lần thứ hai).

Quân Mông cổ nổi tiếng là những kỵ binh đáng sợ, di chuyển rất mau và sử dụng cung tên thiện nghệ. Họ cũng hiếu chiến, hung bạo, cảm tử và tuyệt đối vâng lệnh cấp trên. Tổ tiên họ là gốc Hung nô, thường được chúng ta gọi là “rợ Hồ.” Đó là loại quân địch táo tợn và hung bạo mà các binh lính anh dũng đời nhà Trần phải đối diện ngoài mặt trận.

Trần Quang Khải (1241-1294) là con trai thứ ba của vua Trần Thái Tông và em ruột của vua Trần Thánh Tông. Với sự hợp tác của người anh con nhà bác là danh tướng Trần Hưng Đạo, Trần Quang Khải đã đóng vai trò lớn nhất trong sứ mệnh đánh bại quân xâm lược Mông cổ. Đại thắng tại Chương Dương Độ cuối năm 1284 đã chiếm lại Thăng Long, khiến hoàng tử Mông cổ Thoát Hoan (tổng chỉ huy quân xâm lược) phải thục mạng bỏ chạy. Trần Quang Khải đã đích thân hộ giá vua Trần Nhân Tông an bình trở về Thăng Long. Trong buổi tiệc ăn mừng đại thắng tại kinh đô Thăng Long, Tể tướng Trần Quang Khải đã ngâm vang một bài thơ ông viết bằng chữ Hán. Ngợi ca chiến thắng, khuyên bảo dân chúng nỗ lực làm việc trong thời bình, và cầu mong sự tồn tại dài lâu cho đất nước là nội dung của bài tụng ca lịch sử ấy. Tuy chỉ gồm 20 chữ Hán với ý nghĩa cao cả và hùng tráng, Tòng Giá Hoàn Kinh (“Hộ vệ nhà vua trở lại kinh đô”) xứng đáng là một khải hoàn ca đầy hào khí trong lịch sử dân tộc. Bài khải hoàn ca này được trân trọng ghi lại dưới đây, lần lượt qua các dạng Hán tự, Hán-Việt, Việt ngữ, và Anh ngữ:

 Hán tự

奪 槊 章 陽 渡

擒 胡 菡 子 關

太 平 須 努 力

萬 古 此 江 山

Hán-Việt

Đoạt sáo Chương Dương Độ

Cầm Hồ Hàm Tử Quan

Thái bình tu nỗ lực

Vạn cổ thử giang san

Việt ngữ

Chương Dương cướp giáo giặc [1]

Hàm Tử bắt quân thù [2]

Thái bình nên gắng sức

Non nước ấy nghìn thu

(Bản dịch của Trần Trọng Kim)

Anh ngữ

We seized spears at Chương Dương Ferry

We captured Huns at Hàm Tử Port

In peace let us maintain our strength

Forever shall live this nation

(Bản dịch của Huỳnh Sanh Thông)

CƯỚC CHÚ

[1] Bến Chương Dương nay thuộc phủ Thường Tín, tỉnh Hà Đông. Đây là nơi Trần Quang Khải đánh bại hoàng tử Thoát Hoan, một người con của hoàng đế Hốt Tất Liệt (sáng lập ra triều đại nhà Nguyên nước Tàu) năm 1285.

[2] Hàm Tử Quan nay thuộc quận Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. Đây là nơi Trần Nhật Duật đánh bại Toa Đô (một viên tướng Mông cổ) năm 1285.

THƯ TỊCH

Huỳnh Sanh Thông (1979). The heritage of Vietnamese poetry. Yale U. Press.

Phạm Văn Sơn (1960). Việt sử toàn thư. Saigon: Thư Lâm Ấn Thư Quán.

Trần Trọng Kim (1971). Việt Nam sử lược (Quyển I). Saigon: Bộ Giáo Dục.

Trần Trọng San & Trần Trọng Tuyên (1997). Hán Việt tự điển. Toronto: Bắc Đẩu.