CHƯƠNG 04

KIM VÂN KIỀU ĐÍNH GIẢI

Hương Ngạn Đào Tử ĐÀM DUY TẠO

trước tác năm 1986

(Thứ nam) Đàm Trung Pháp

hiệu đính và phổ biến năm 2020

* * * * *

CÂU 1 ĐẾN CÂU 6

“Mệnh ghét trai tài, trời ghen gái sắc”

1. Trăm năm trong cõi người ta, [1]

Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau. [2]

3. Trải qua một cuộc bể dâu, [3]

Những điều trông thấy đà đau đớn lòng.

5. Lạ gì bỉ sắc tư phong, [4]

Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen. [5]

Đính chính và xác định

Câu 4: Chữ “đà” ở câu này, nhiều bản in là “mà”; chỉ có vài bản in là “đà.” Xét ra chữ “đà” có lẽ đúng hơn, vì nó tiếp nghĩa với chữ “một cuộc” ở câu trên, làm cho lời than đau đớn thêm, thấm thía sâu rộng; mới trải có một cuộc bể dâu, mà những điều trông thấy “đà” làm cho tác giả đau đớn lòng, thì từ xưa đến nay, lại từ nay về sau, còn có bao nhiêu cuộc bể dâu nữa? Nêu để chữ “mà” thì hai câu lục bát này không khẩn thiết với nhau.

Chú giải và dẫn điển

[1] Trăm năm có nhiều nghĩa. Chữ trăm năm ở đây thì nghĩa là quãng thời gian lâu dài của một đời người do câu chữ nho [人 生 百 嵗 為 期 = nhân sinh bách tuế vi kỳ = đời sống của người lấy trăm năm làm kỳ hạn]. Ta chúc các cụ già sống lâu trăm tuổi, tức là chúc các cụ được sống đầy đủ cuộc đời trời định. Tác giả dùng chữ trăm năm để chỉ chính đời tác giả.

[2] Tài mệnh ghét nhau lấy ý từ câu chữ Hán [古 来 才 命 两 相 妨 = cổ lai tài mệnh lưỡng tương phương = xưa nay phần tài hoa và phần số mệnh, hai bên nó vẫn làm hại lẫn nhau ở trong đời người].

[3] Cuộc bể dâu cũng gọi là cuộc tang thương, nghĩa là cuộc biến đổi to lớn ở đời như ruộng dâu (tang điền [桑 田]) biến thành biển rộng (thương hải [滄 海]) hay biển rộng biến thành ruộng dâu. Trong truyện thần tiên, bà tiên Ma Cô [蔴 姑] có nói “Từ khi ta được vào hội tiên đến giờ ta đã thấy ba lần biển Đông hóa ra ruộng dâu rồi. Dạo vừa rồi ta đi dự hội ở đảo Bồng lai ta thấy nước biển trong và nông bằng nửa lần hồi trước, có lẽ lại sắp hóa thành ruộng dâu chăng?” Cuộc bể dâu nói đây là cuộc chính biến cuối Lê sang Nguyễn.

[4] Bỉ sắc tư phong [彼 嗇 斯 豐] = Phần kia thiếu thốn; phần này đầy đủ. Sách chữ Hán có câu [豐 于 才 嗇 于 遇 = phong vu tài sắc vu ngộ = đầy đủ về phần tài hoa thì thiếu kém về phần gặp gỡ may mắn].

[5] Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen lấy ý từ câu chữ Hán [造 物 妬 紅 顔 = tạo vật đố hồng nhan = thợ trời ghen với gái má hồng].

Diễn ra văn xuôi

Câu 1 và 2 = Trong một đời người thường gọi trăm năm, ta được sống ở trên cõi người ta này, ta thấy người có tài thì thường số mệnh xấu, cùng khổ suốt đời. Điều này khiến ta khéo nghĩ vẩn vơ, tin rằng người xưa vẫn nói “chữ tài và chữ mệnh ghét nhau” là rất đúng và lòng ta thường uất hận vì những lẽ bất công đó.

Câu 3 và 4 = Ấy bởi cái lẽ tài mệnh ghét nhau như thế nên mới trải qua một cuộc vận nước biến đổi to lớn như ruộng dâu hóa biển cả này mà những điều ta trông thấy đã khiến lòng ta đớn đau vô cùng.

Câu 5 và 6 = Nhưng thôi, mình tuy kém phần vận mệnh may mắn kia, thì đã được đầy đủ phần tài hoa đáng quý này rồi. Luật bù trừ, trời đất xưa nay vẫn thế.

Nhận xét về đoạn mở đầu này

Xét trong đoạn này, tuy ngắn gọn chỉ có 6 câu nhưng ý tứ thật đầy đủ dồi dào, thật bao la tha thiết, vừa than thở cho chính mình tác giả tài cao mệnh yểu (câu 1 và 2), vừa than thở cho khách anh hùng xưa nay cũng gặp bước không may như mình trong buổi loạn lạc (câu 3 và 4) vừa than thở cho một hồng nhan bị ông xanh ghen ghét đày đọa mà mình sắp kể truyện lại vừa để tự an ủi mình và vừa để làm mối chuyển tiếp vào truyện chính. Đọc 6 câu mở đầu này rồi, càng ngẫm nghĩ ta càng thấy cái thiên tài cao siêu phi thường của Tố Như tiên sinh.

Những chữ hay câu có ý móc nối

Nhóm chữ “những điều trông thấy” đọc qua thì thấy chỉ có ý nghĩa bình dân là [“vận khứ anh hùng ẩm hận đa” = vận trời đã bỏ, khách anh hùng phải nuốt hận nhiều], nhưng đâu phải chỉ nói có thế? Chúng còn nói cả đến điều [“thời lai đồ điếu thành công dị” = gặp thời, kẻ câu cá, kẻ hàng thịt cũng làm nên công danh rất dễ nữa]. Những bọn vô tài hữu mệnh mà tác giả than thở kín đáo đó là ai? Xin độc giả cũng nghĩ mà hiểu ngầm như tác giả nói ngầm.

CÂU 7 ĐẾN CÂU 38

“Trang trọng khác vời, phong lưu rất mực” 

7. Cảo thơm lần giở trước đèn, [1]

Phong tình cổ lục còn truyền sử xanh. [2, 3]

9. Rằng năm Gia Tĩnh triều Minh,

Bốn phương phẳng lặng, hai kinh vững vàng. [4]

11. Có nhà viên ngoại họ Vương, [5]

Gia tư nghỉ cũng thường thường bực trung. [6, 7]

13. Một trai con thứ rốt lòng, [8]

Vương Quan là tự, nối dòng nho gia. [9]

15. Đầu lòng hai ả tố nga,

Thúy Kiều là chị, em là Thúy Vân.

17. Mai cốt cách, tuyết tinh thần, [10]

Mỗi người mỗi vẻ, mười phân vẹn mười.

19. Vân xem trang trọng khác vời,

Khuôn trăng đầy đặn, nét ngài nở nang. [11]

21. Hoa cười ngọc thốt đoan trang, [12]

Mây thua nước tóc, tuyết nhường màu da.

23. Kiều càng sắc sảo, mặn mà,

So bề tài, sắc, lại là phần hơn.

25. Lờ thu thủy, nhợt xuân sơn, [13]

Hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh. [14]

27. Một, hai nghiêng nước nghiêng thành, [15]

Sắc rành đòi một, tài rành họa hai.

29. Thông minh vốn sẵn tư trời,

Pha nghề thi họa, đủ mùi ca ngâm.

31. Cung thương làu bậc ngũ âm, [16]

Nghề riêng ăn đứt hồ cầm một trương.

33.Khúc nhà tay lựa nên chương, [17]

Một thiên bạc mệnh, lại càng não nhân. [18]

35. Phong lưu rất mực hồng quần,

Xuân xanh sấp xỉ tới tuần cập kê [19]

37. Êm đềm trướng rủ màn che,

Tường đông ong bướm đi về mặc ai. [20]

Đính chính và xác định

Câu 18: Nhóm chữ “mỗi người mỗi vẻ” ở câu này nhiều bản Kiều quốc ngữ in lầm ra “mỗi người một vẻ”; lại có bản in lầm là “một người một vẻ.” Tất cả đều nghe không êm thuận tự nhiên bằng “mỗi người mỗi vẻ” để đi với “mười phân vẹn mười”, vì 2 chữ mỗi đi với 2 chữ mười nghe lưu loát tự nhiên hơn.

Câu 25: “Lờ thu thủy, nhợt xuân sơn” là diễn theo ý nghĩa câu chữ Hán [眼 光 秋 氺 眉 淡 春 山] = nhỡn quang thu thủy mi đạm xuân sơn = mắt trong sáng hơn nước trong lặng mùa thu, lông mày tươi đẹp hơn núi cỏ xanh tươi mùa xuân. Hai câu lục bát này tả vẻ đẹp của Kiều bằng 4 cách so sánh: (1) mắt thì trong sáng làm lờ được nước mùa thu, (2) lông mày thì tươi đẹp làm nhợt được vẻ tươi đẹp núi mùa xuân đầy cỏ non xanh tươi, (3) đôi má hồng thì làm hoa phải ghen vì thua màu đỏ thắm, và (4) đôi lông mày thì làm cho liễu phải hờn vì kém màu xanh đẹp. Nghĩa rõ ràng là thế, mà các bản Kiều quốc ngữ và phần nhiều các bản Kiều nôm đều in lầm ra thành “Làn thu thủy, nét xuân sơn [瀾 秋 氺 涅 春 山]”!

Câu 28: “Sắc rành đòi một, tài rành họa hai” các bản quốc ngữ đều in là “Sắc đành đòi một, tài đành họa hai” nghe thật tối nghĩa. Vậy xin xác định là “Sắc rành đòi một tài rành họa hai” cho rõ nghĩa hơn. Trong bản Kiều chữ Nôm, có nhiều chữ [火+亭] rành khắc lầm ra [停] đành như thế.

Chú giải và dẫn điển

[1] Cảo thơm = Cảo là quyển vở do chính tay người chép. Các cụ nhà nho xưa vẫn gập lá cây trạch lan vào trong sách quý để trừ mọt. Trạch lan cũng gọi là cây mần tưới là loại thảo thân có từng đốt, mỗi đốt có hai lá mọc đối nhau, hình giống lá đào có mùi thơm dịu, ăn được; về mùa đông thì các cụ đeo ở trong túi áo trừ bọ chét, về mùa hè thì nấu tắm trừ ghẻ lở. Cây mần tưới chữ Hán gọi là vân 芸, nên sách có để lá mần tưới thì gọi là vân cảo [芸 槁].

[2] Phong Tình Lục [風 情 録] = Tên cuốn truyện ông Nguyễn Du đi sứ Tàu mua được. Ông thấy Vương Thúy Kiều tả ở trong truyện cũng tài cao số kém gặp cảnh long đong thất chí như ông, nên ông mới mang về diễn ra thành truyện Đoạn Trường Tân Thanh để ký thác tâm sự đau buồn của mình. Người sau cho là ông dịch ở “Thanh Tâm Tài Nhân” ra là lầm. Tôi sẽ có lời kể rõ chuyện tưởng lầm này ở sau đoạn cuối quyển Truyện Kiều tôi chú giải này.

[3] Sử xanh = Người xưa lúc chưa biết làm giấy, lấy mũi dùi nhọn viết chữ vào những thanh cột tre còn lượt tinh xanh, rồi khoan lỗ một đầu xâu lại thành sách. Những sách truyện bằng thanh tre xanh đó người ta gọi là thanh sử [青 史] (sử xanh). Chữ sách [册] trong chữ nho tượng hình sách thanh tre đó.

[4] Hai kinh = Vua Thành Tổ nhà Minh nguyên là con thứ vua Minh Thái Tổ, phong vương ở Yên Kinh sau cướp ngôi vua của cháu ở Nam Kinh, mới gọi Yên Kinh là Bắc Kinh. Bởi vậy nhà Minh có hai kinh đô.

[5] Viên ngoại = Về đời nhà Tống đến đời nhà Minh bên Tàu, những người nhà giàu đứng đắn đều gọi là viên ngoại, chứ không phải là một chức viên ngoại, lang trung ở các bộ.

[6] Gia tư [家 資] = Tất cả vốn liếng tài sản của gia đình.

[7] Nghỉ = Một đại danh từ cổ của ta, tương đương với nó, hắn, ông ấy, cô ấy, vân vân. Trong truyện xưa có câu nói về cô Mỵ Châu “nghỉ ngây, nghỉ dại, nghỉ tin người” (= cô ấy ngây, cô ấy dại, cô ấy tin Trọng Thủy).

[8] Rốt = Người con cuối cùng, cùng với nghĩa chữ út.

[9] Tự = Tên chính thức đặt cho một người, nhất là cho con gái, đã cáo với tổ tiên; nhiều bản quốc ngữ dịch là chữ. Theo tục lệ Tàu trước kia, cha mẹ không đặt tên con sẵn cho con gái lúc nhỏ. Lúc sắp lấy chồng, hai họ mới bàn nhau đặt tên cho cô dâu, để tránh trùng tên với các cụ bên nhà rể. Do đó, con gái chưa có chồng gọi là vị tự [未 字] (= chưa có tên chính thức).

[10] Mai cốt cách [梅 骨 骼] = Hình dáng người có vẻ thanh tao lịch sự như cành hoa mai – Tuyết tinh thần [雪 精 神] = Vẻ mặt tỏ ra có tinh thần sáng sủa và nghiêm trang như tuyết.

[11] Khuôn trăng đầy đặn nét ngài nở nang lấy điển trong sách tướng: Mặt như mặt trăng đầy, lông mày đậm và ngang như con tằm nằm là tướng tốt có lòng phúc hậu, con cháu đông đúc đề huề.

[12] Thốt = Nói. Ta có câu: “Biết thì thưa thốt, không biết thì dựa cột mà nghe”. Ngọc thốt = Nói toàn những lời đứng đắn đáng quý.

[13] Lờ thu thủy = Lòng mắt trong sáng hơn mặt nước trong lặng mùa thu như lờ đục đi. Nhợt xuân sơn = Lông mày có vẻ tươi đẹp hơn mặt núi có cỏ xanh rờn về mùa xuân, so sánh với nhau thì vẻ tươi núi mùa xuân trông như nhợt bớt đi.

[14] Liễu hờn kém xanh = Đời nhà Đường con gái thường bôi lông mày bằng sáp xanh. Hai câu 25 và 26 dùng 4 cách so sánh để tả sắc đẹp của Kiều: mắt thì trong sáng hơn thu thủy, lông mày thì tươi đẹp hơn xuân sơn. Sắc má thì đỏ đẹp hơn hoa, sắc lông mày thì xanh đẹp hơn lá liễu.

[15] Một hai nghiêng nước nghiêng thành lấy điển từ câu hát của Lý Diên Niên đời Hán Vũ Đế để tả vẻ đẹp em gái chàng cho vua nghe [北 方 有 佳 人 絶 世 而 獨 立] = bắc phương hữu giai nhân, tuyệt thế nhi độc lập = phương bắc có người đẹp tuyệt trần, đứng riêng một mình. [一 顧 傾 人 城 再 顧 傾 人 國] = nhất cố khuynh nhân thành, tái cố khuynh nhân quốc = nhìn một cái làm nghiêng một thành, nhìn hai cái làm nghiêng cả nước người.

[16] Cung, thương, giốc, trủy, vũ = Năm âm về ca nhạc xét theo giọng đục, trong, cao, thấp. Cung là âm đục thấp nhất, thương âm đục thấp thứ hai, giốc âm trung bình giữa trong đục cao thấp, trủy âm trong cao bực nhì, vũ âm trong cao nhất. Trong câu lục-bát “Trong như tiếng hạc bay qua / đục như nước suối mới sa nửa vời” thì trong là âm vũ, đục là âm cung.

[17] Chương [章] = Bài hát. Trương [張] = Cây đàn.

[18] Một thiên bạc mệnh = Tên bản đàn Kiều đặt ra để tả nổi xấu số khổ sở của người đàn bà, con gái.

[19] Cập kê = Đến tuổi sắp lấy chồng.  [筓] = Trâm cài búi tóc. Kinh Lễ nói con gái năm 15 tuổi thì búi tóc gọn lên mà cài cái kê vào, do đó tuổi ấy là tuổi cập kê.

[20] Tường đông ong bướm đi về mặc ai lấy điển từ câu Mạnh Tử [踰 東 隣 而 摟 其 処 女 = du đông lân nhi lâu kỳ xử nữ = trèo sang hàng xóm bên đông mà lôi con gái chưa chồng người ta đi]. Đây ý nói Kiều không để ý đến cậu con trai nào ngấp nghé cả.

Diễn ra văn xuôi

Câu 7, 8 = Ngồi trước đèn giở lần lần những chập sách thơm phức những mùi lá trạch lan ra xem, ta thấy có quyển Phong Tình Lục chép truyện sau đây.

Câu 9, 10 = Truyện chép rằng: Trong đời Gia Tĩnh (1522 – 1566) triều nhà Minh, bốn phương yên ổn và hai kinh Nam, Bắc đều vững vàng không có giặc giã đe dọa.

Câu 11, 12 = Hồi đó ở Bắc Kinh có nhà ông viên ngoại họ Vương, tài sản ông ta cũng vào hạng trung bình.

Câu 13, 14 = Ông có một trai là út đặt tên là Vương Quan và sẽ là người con nối nghiệp học hành nhà sau này.

Câu 15, 16 = Hai con sinh trước là hai cô gái rất trắng đẹp như tiên trên cung trăng; chị tên là Thúy Kiều; em tên là Thúy Vân.

Câu 17, 18 = Hai cô này đều có hình dáng thanh tao như hoa mai và tinh thần trong sáng nghiêm trang như tuyết. Tuy mỗi cô có một vẻ khác nhau, cô nào cũng mười phần đẹp hoàn toàn cả mười.

Câu 19, 20 = Nàng Vân xem ra có vẻ đứng đắn cẩn thận, rất mực khác đời; khuôn mặt thì đầy đặn kín đáo như mặt trăng rằm; đôi lông mày thì nở nang gọn gàng như con tằm nằm.

Câu 21, 22 = Vẻ mặt nàng cười trông tươi đẹp như hoa, giọng nàng nói đã hay, lại thốt ra những lời đứng đắn đáng quý như vàng ngọc; màu tóc nàng đen mượt so với mây, mây phải thua; mà da nàng trắng mịn so với tuyết, tuyết phải nhường.

Câu 23, 24 = Còn nàng Kiều tinh thần trông lại càng sắc sảo, vẻ đẹp trông lại càng mặn mà ưa mắt. So với nàng Vân, thì Kiều hơn về tài sắc.

Câu 25, 26 = Vẻ trong sáng của đôi mắt nàng so với nước mùa thu thì nươc mùa thu phải lờ đục hơn; đôi lông mày tươi đẹp của nàng so với mặt núi mùa xuân xanh rờn những cỏ, thì màu núi mùa xuân phải nhợt đi; sắc tươi thắm mặt nàng so với hoa thì hoa phải thua mà sinh lòng ghen; màu xanh đẹp của lông mày nàng so với liễu thì liễu phải kém mà sinh lòng hờn tức.

Câu 27, 28 = Nàng thật đúng là bực giai nhân tột bực – liếc mắt ngó một cái làm nghiêng đổ một thành người ta; lại liếc mắt ngó cái nữa là làm nghiêng đổ cả nước người ta. Về phần nhan sắc, thì rành rành là chỉ có nàng là nhất, về phần tài hoa thì rành rành là họa may mới được một người bằng nàng nữa là hai.

Câu 29, 30 = Nàng lại sẵn được trời cho tư chất thông minh – thi, họa, ca ngâm, tài hoa đủ nghề.

Câu 31, 32 = Nàng rất giỏi về âm nhạc – các cung các bậc trong âm lục nàng đều lầu thuộc cả, nhất là ngón tài riêng về đánh đàn hồ cầm thì thật ăn đứt không ai theo kịp.

Câu 33, 34 = Chính tay nàng làm ra một bản đàn gọi là “Thiên bạc mệnh” mà khi gảy lên lại càng khiến người ngồi nghe phải sầu não ruột gan.

Câu 35, 36 = Nàng thật là một trang gái tài mạo phong nhã vào bậc nhất trong bọn quần hồng, và xuân xanh đã đến tuổi quấn tóc cài trâm (15, 16 tuổi).

Câu 37, 38 = Hàng ngày nàng vẫn vui ở nơi kín đáo trong nhà trướng rũ màn che, thật êm đềm lặng lẽ không để ý gì đến những kẻ ngấp nghé dòm ngó.

Những câu hay chữ có ý móc nối

Trong truyện Kiều, lắm câu mới đọc thì thấy như là thừa, chỉ đặt cho đủ câu, cho liền vần. Nghĩ vậy là lầm, vì chính những câu đó thường là câu quan hệ, đặt để móc nối những việc về sau. Những câu rất tầm thường trong đoạn này như: “Bốn phương phẳng lặng…”, “Gia tư … bực trung” đều dụng ý móc nối ấy cả. Câu trên thì móc nối xa với câu Kiều khuyên Từ Hải: “Ngẫm từ khởi sự binh đao / đống xương vô định đã cao bằng đầu” cho biết rằng Từ Hải đã bắt đầu làm mất cảnh thái bình ấy. Câu dưới: “Gia tư … bực trung” thì móc nối với sự Viên ông bị tống tiền vì có tài sản.

Những câu tả tướng tốt về Thúy Vân như: “hoa cười ngọc thốt” và “khuôn trăng đầy đặn” gợi trước cho ta biết hạnh phúc của nàng. Những câu tả tướng “anh hoa phát tiết ra ngoài” của Kiều như: mắt trong, lông mày tươi, nét mắt liếc nhìn quyến rũ, để gợi cho ta biết cuộc đời giang hồ của nàng. Những câu tả tài hoa của Kiều như “pha nghề thi họa, đủ mùi ca ngâm” và “cung thương làu bực ngũ âm” thì móc nối với biết bao nhiêu cuộc đề thơ và gẩy đàn của nàng về sau.

Câu “Êm đềm trướng rủ màn che” thì dùng ý để móc nối với ý ngược lại của cuộc “bộ hành chơi xuân” cho mãi đến lúc “bóng chiều như giục cơn buồn”. Ý câu “Tường đông ông bướm đi về mặc ai” cũng dùng để móc nối ngược lại với câu “Khách đà lên ngựa, người còn nghé theo” và với câu tưởng nhớ đến Kim Trọng “Người đâu gặp gỡ làm chi / trăm năm biết có duyên gì hay không?”

[ĐÀM DUY TẠO]