CHƯƠNG 07

KIM VÂN KIỀU ĐÍNH GIẢI

Hương Ngạn Đào Tử ĐÀM DUY TẠO

trước tác năm 1986

(Thứ nam) Đàm Trung Pháp

hiệu đính và phổ biến năm 2018

* * * * *

CÂU 243 ĐẾN CÂU 362

“Giong sầu đuổi bóng, nhờ của gặp người”

243. Cho hay là giống hữu tình, [1]

Đố ai gỡ mối tơ mành cho xong. [2]

245. Chàng Kim từ lại thư song,

Nỗi nàng canh cánh bên lòng biếng khuây. [3]

247. Sầu giong càng khắc càng chầy, [4]

Ba thu dón lại một ngày dài ghê. [5]

249. Mấy lần khóa kín phòng the, [6]

Bụi hồng liệu nẻo đi về chiêm bao. [7]

251. Tuần trăng khuyết, đĩa dầu hao, [8]

Mặt mơ tưởng mặt, lòng ngao ngán lòng.

253. Buồng văn hơi lạnh như đồng,

Trúc se ngọn thỏ, tơ chùng phím loan. [9, 10]

255. Mành tương phân phất gió đàn, [11, 12]

Hương gây mùi nhớ, trà khan giọng tình. [13, 14]

257. Ví chăng duyên nợ ba sinh, [15]

Thì chi đem thói khuynh thành trêu ngươi. [16]

259. Bâng khuâng nhớ cảnh, nhớ người,

Nhớ nơi kỳ ngộ vội dời chân đi. [17]

261. Một vùng cỏ mọc xanh rì,

Nước ngâm trong vắt, thấy gì nữa đâu! [18]

263. Gió chiều như gợi cơn sầu,

Vi lô hiu hắt như màu kháy trêu. [19]

265. Nghề riêng nhớ ít tưởng nhiều, [20]

Xăm xăm đè nẻo Lam kiều lần sang. [21]

267. Thâm nghiêm kín cổng cao tường,

Cạn dòng lá thắm, dứt đường chim xanh. [22, 23]

269. Lơ thơ tơ liễu buông mành,

Con oanh học nói trên cành mỉa mai. [24]

271. Mấy lần cửa đóng then cài,

Dẫy thềm hoa rụng, biết người ở đâu? [25]

273. Tần ngần đứng trót giờ lâu, [26]

Dạo quanh chợt thấy mé sau có nhà.

275. Là nhà Ngô Việt thương gia, [27]

Buồng không để đó, người xa chưa về.

277. Lấy điều du học hỏi thuê, [28]

Túi đàn cặp sách đề huề dọn sang [29, 30]

279. Có cây, có đá sẵn sàng, [31]

 Có hiên Lãm Thúy, nét vàng chưa phai. [32]

281. Mừng thầm suy ý chữ bài, [33]

Ba sinh âu hẳn duyên trời chi đây.

283. Song hồ nửa khép cánh mây, [34, 35]

Tường đông ghé mắt ngày ngày hằng trông. [36]

285. Tấc gang đồng khóa, nguồn phong, [37]

Tít mù nào thấy bóng hồng vào ra.

287. Nhẫn từ quán khách lân la, [38]

Tuần trăng thấm thoắt nay đà thèm hai. [39]

289. Cách tường phải buổi êm trời, [40]

Dưới đào dường thấy bóng người thướt tha.

291. Buông cầm, xốc áo, vội ra,

Hương còn thơm nức, người đà vắng tanh.

293. Lần theo tường gấm dạo quanh, [41]

Trên đào nhác thấy một cành kim thoa.

295. Giơ tay cất lấy về nhà, [42]

Này trong khuê các đâu mà đến đây? [43]

297. Ngẫm âu người ấy báu này,

Chẳng duyên chưa dễ vào tay ai cầm!

299. Liền tay ngắm nghía biếng nằm,

 Hãy còn thoang thoảng hương trầm chưa phai.

301. Tan sương đã thấy bóng người,

Quanh tường ra ý tìm tòi ngẩn ngơ.

303. Sinh đà có ý đợi chờ,

Cách tường lên tiếng xa đưa ướm lòng: [44]

305. Thoa này bắt được hư không, [45]

Biết đâu Hợp Phố mà mong châu về? [46]

307. Tiếng Kiều nghe lọt bên kia: [47]

“Ơn lòng quân tử sá gì của rơi!

309. Chiếc thoa nào của mấy mươi [48]

Mà lòng trọng nghĩa khinh tài xiết bao!” [49]

311. Sinh rằng: “Lân lý ra vào [50]

Gần đây, nào phải người nào xa xôi!

313. Được rầy nhờ chút thơm rơi

Kẻ đà thiểu não lòng người bấy nay.

315. Bấy lâu mới được một ngày

Dừng chân gạn chút niềm tây gọi là!” [51, 52]

317. Vội về thêm lấy của nhà

Xuyến vàng đôi chiếc khăn là một vuông.

319. Bực mây dón bước ngọn tường, [53, 54]

Phải người hôm nọ rõ ràng chăng nhe?

321. Sượng sùng giữ ý rụt rè, [55]

Kẻ nhìn tận mặt người e cúi đầu.

323. Rằng: “Từ ngẫu nhĩ gặp nhau. [56]

Thầm trông trộm nhớ bấy lâu đã chồn. [57]

325. Xương mai tính đã rũ mòn, [58]

Lần lừa ai biết hãy còn hôm nay!

327. Tháng tròn như gởi cung mây, [59]

Trần trần một phận ấp cây đã liều! [60]

329. Tiện đây xin một hai điều,

Đài gương soi đến dấu bèo cho chăng?” [61, 62]

331. Ngần ngừ nàng mới thưa rằng:

“Thói nhà băng tuyết, chất hằng phỉ phong, [63, 64]

333. Dù khi lá thắm chỉ hồng, [65, 66]

Nên chăng thì cũng tại lòng mẹ cha.

335. Nặng lòng xót liễu vì hoa,

Trẻ thơ đã biết đâu mà dám thưa!”

337. Sinh rằng: “Rày gió mai mưa, [67]

Ngày xuân đã dễ tình cờ mấy khi!

339. Dù chăng xét tấm tình si, [68]

Thiệt đây mà có ích gì đến ai?

341. Chút chi gắn bó một hai,

Cho đành rồi sẽ liệu bài mối manh.

343. Khuôn thiêng dù phụ tấc thành, [69]

Cũng liều bỏ quá xuân xanh một đời.

345. Lượng xuân dù quyết hẹp hòi, [70]

Công đeo đuổi chẳng thiệt thòi lắm ru!”

347. Lặng nghe lời nói như ru,

Chiều xuân dễ khiến nét thu ngại ngùng. [71, 72]

349. Rằng: “Trong buổi mới lạ lùng,

Nể lòng có lẽ cầm lòng cho đang!

351. Đã lòng quân tử đa mang,

Một lời vâng tạc đá vàng thủy chung.” [73]

353. Được lời như cởi tấm lòng,

Giở kim thoa với khăn hồng trao tay. [74]

355. Rằng: “Trăm năm cũng từ đây, [75]

Của tin gọi một chút này làm ghi.

357. Sẵn tay bả quạt hoa quỳ, [76, 77]

Với cành thoa ấy tức thì đổi trao.

359. Một lời gắn bó tất giao, [78]

Mái sau dường có xôn xao tiếng người.

361. Vội vàng lá rụng hoa rơi,

Chàng về viện sách, nàng dời lầu trang.

Đính chính và xác định

Câu 247: “Sầu giong càng khắc càng chầy”. Chữ giong đây nghĩa là buông thả cho chạy, như ta nói trâu giong bò dắt, giong cương cho ngựa chạy nhanh. Do đó, nghĩa cả câu là: chàng Kim không biết nén hãm lòng sầu nhớ Kiều cho khuây đi để ngủ, lại cứ buông thả mãi con ngựa sầu nhớ trong lòng ra và giong cho nó chạy đuổi theo bóng Kiều, những mong chóng sáng mà đi tìm nàng, thành ra lại càng thấy mỗi trống canh mỗi dài mãi ra. Câu này tác giả lấy ý ở câu thơ của thi sĩ Ngô Tư Kinh [ 愁 逐 漏 声 長 = sầu trục lậu thanh trường = ngồi mà thả lòng sầu cho đuổi thì giờ, thì càng thấy tiếng nước đồng hồ nhỏ giọt càng kéo dài thêm mãi]. Chữ “giong” nôm, nếu là chính mình đi (tự động từ) như giong mát, thì viết [𨀐] (= túc [足] + đông [冬]). Chữ giong này ít dùng nên ít người biết. Các nhà xuất bản Truyện Kiều không biết nghĩa chữ “sầu giong” là gì, nên đổi bừa câu này thành những câu ngô nghê vô nghĩa như:

Sầu đông càng khắc càng chầy (đổi [𨀐] giong ra [冬] đông ).

Sầu đong càng khắc càng đầy (đổi giong [𨀐] ra đong [𣁲] , chầy ra đầy).

Sầu đong càng lắc càng đầy (đổi giong ra đong, khắc ra lắc).

Rõ là câu rất hay, mà đổi bừa thành các câu rất dở.

Câu 250: “Bóng hồng liệu nẻo đi về chiêm bao” – Hai câu lục bát này lấy ý ở hai câu kết bài thơ của Từ An Trinh [徐安貞] đời Đường, tả tình thi sĩ đêm nghe cô gái nhà hàng xóm gẩy đàn tranh (chép cả bài ở dưới đây) và nghĩa là : Kim Trọng nghĩ rằng chắc Kiều cũng muốn gặp mình lắm –mà không sao được, nên đành khóa cửa đi ngủ (“mấy lần khóa kín phòng the”), để may ra mộng hồn đi, về được với mình (câu 250). Chữ “bóng hồng” ở câu 250 là mộng hồn của Kiều.

° [北 斗 横 天 夜 欲 闌 = bắc đẩu hoành thiên dạ dục lan = chòm sao Bắc đẩu đã ngang trời đêm đã sắp hết] ° [愁 人 倚 月 思 無 端  = sầu nhân ỷ nguyệt tứ vô đoan = người buồn sầu này ngồi tựa dưới trăng nghĩ vẩn vơ] ° [忽 聞 畫 閣 秦 筝 逸 = hốt văn họa các Tần tranh giật = Bỗng nghe trên lầu vẽ kia có tiếng đàn tranh vẳng lại] ° [知 是 隣 家 趙 女 彈 = tri thị lân gia Triệu nữ đàn = Ta biết đó là tiếng đàn cô gái nước Triệu nhà hàng xóm gảy] ° [曲 成 虚 憶 青 蛾 歛 = khúc thành hư ức thanh nga liễm = khúc đàn gẩy xong, ta đoán là lông mày cô nhíu lại] ° [調 急 遙 知 玉 指 寒 = điệu cấp dao tri ngọc chỉ hàn = điệu đàn mau gấp, ta biết là ngón tay nàng cóng rét] ° [銀 鑰 重 関 聽 未 闢 = ngân dược trùng quan thính vị tịch = khóa bạc ở hai lần cửa, ta chưa nghe tiếng mở] ° [不 如 眠 去 夢 中 看 = Bất như miên khứ mộng trung khan = gì bằng ngủ đi để gặp thấy nhau trong mộng vậy].

Vì chàng tưởng là hồn mộng Kiều sẽ tìm đến với chàng như vậy, nên khi chàng thấy “Mành tương phân phất gió đàn” chàng yên trí là hồn Kiều đến, nên chàng đốt hương để chào, pha trà để mời, thì thấy mùi hương cũng nồng như mùi thơm của nàng lúc chiều, và trà chàng uống cũng được Kiều mời mà hóa ra đậm đà khan lên những giọng tình tứ.

Câu “Bóng hồng liệu nẻo đi về chiêm bao” nghĩa rõ ràng như thế và khẩn thiết với hai câu “Mành tương phân phất gió đàn / hương gây mùi nhớ, trà khan giọng tình” như thế, mà sao phần nhiều các bản Kiều quốc ngữ lại đổi bóng hồng thành bụi hồng và phiên âm liệu nẻo  料裊 ra lẽo đẽo? “Bụi hồng lẽo đẽo đi về chiêm bao” nghĩa là gì? Thật vô nghĩa, vậy cần phải xác định, không nên để Truyện Kiều có những câu vô nghĩa như vậy.

Câu 258: Hai chữ “đem thói khuynh thành trêu ngươi” ở câu này, nhiều bản quốc ngữ in thành “những thói khuynh thành trêu ngươi” e vô nghĩa, vì khuynh thành làm gì có nhiều thói ?

Câu 264: Hai chữ “kháy trêu” ở câu này, nhiều bản quốc ngữ dịch ra là “khơi trêu” e không xác đáng, vì hai chữ khơi trêu chỉ có nghĩa là trêu người thôi, còn kháy trêu đã đúng âm với chữ nôm 慨 撩 (khái liêu) lại đúng ý nghĩa hơn: các ngọn lau sậy hình như chúng thấy chàng ngơ ngẩn tẽn tò, chúng bèn phất phơ tỏ ý chế nhạo trêu ghẹo chàng. Chữ kháy là có ý trêu đùa cho tức thẹn.

Câu 281: Bốn chữ “suy ý chữ bài” ở câu này, các chữ nôm đều khắc chữ suy [推] lầm ra chốn [准] , còn chữ ý [意] thì cũng đọc sai là ấy. Các bản quốc ngữ đều theo các bản nôm mà dịch lầm ra “Mừng thầm chốn ấy chữ bài” thành ra gần như vô nghĩa. Suy ý chữ bài nghĩa là suy ý chữ đề ở biển “lãm thúy hiên” (nơi mái hiên để ngồi chơi mà vơ bằng mắt lấy những cảnh hoa cỏ xanh đẹp). Nhưng chàng cho đó là “cái hiên để vơ lấy các cô Thúy.”

Câu 285: Bốn chữ động khóa nguồn phong [洞 鎖 源 封] nghĩa là cửa động thiên thai thì khóa lại, nguồn nước đào nguyên thì lấp đi. Nhiều bản nôm khắc chữ động [洞] làm chữ đồng [銅], người phiên âm trước không biết cứ theo chữ [銅] mà dịch là đồng, thành ra bắt buộc phải dịch câu này là “Tấc gang đồng tỏa nguyên phong” và giải nghĩa là: cái khóa đồng vẫn còn khóa kín nguyên vẹn như cũ (cho chữ  nguồn [源] là chữ nguyên [原]). Nên cần phải đính chính xác định lại cho rõ nghĩa, kẻo mất hết ý hay lời đẹp của câu này.

Câu 286: “Tít mù nào thấy bóng hồng vào ra” – Tít mù nghĩa là xa xôi biệt thẳm, đối lại với chữ tấc gang là rất gần ở câu trên = chỉ gần gần thế mà thành ra xa xôi vô chừng. Nhiều bản quốc ngữ dịch lầm chữ tít mù ra tịt mù, nghe lời đã quê thô, nghĩa lại không đúng, không khẩn thiết với câu trên.

Câu 287: Chữ “nhẫn” câu này, bản nôm viết là nhẫn [忍] , chớ không viết là nhận [認] . Chữ nhẫn nghĩa là tất cả, là hết sức kiên nhẫn mà chờ đợi. Nhiều bản quốc ngữ in là “nhận từ…”, kể ra cũng có nghĩa là tính ra từ …, nhưng lời không mạnh và ý không xác đáng bằng “nhẫn từ…”

Câu 295: “Giơ tay cất lấy về nhà” – Chữ cất câu này nghĩa là dùng tay sẽ sàng cẩn thận để nhấc lên cho khỏi gẫy khỏi rơi. Đặt chữ cất vào tình trạng đáng nâng niu âu yếm này thật hay vô cùng. Lắm bản Kiều đổi là “với lấy” thì thật hết ý vị tinh tế.

Câu 307: “Tiếng kiều nghe lọt bên kia” – Tiếng kiều đây là tiếng có giọng trong trẻo trẻ trung non mềm của con gái. Chữ kiều [嬌] đây nghĩa là non mềm. Nhiều bản in lầm chữ kiều này ra Kiều [翹] , cho nghĩa là tiếng nàng Kiều, đó là một sự lầm to, vì Kim Trọng khi ấy đã biết tiếng Kiều bao giờ mà nhận được là tiếng cô ta?

Câu 322: “Kẻ nhìn tận mặt, người e cúi đầu” – Hai chữ tận mặt câu này, nhiều bản in là rõ mặt, thế là sai quá. Vì chàng có nhìn tận mặt thì nàng mới phải e lệ cúi đầu, và phải cần nhìn tận mặt cho biết rõ ràng là người hôm nọ rồi mới dám ngỏ lời nói chuyện.

Câu 325: “Xương mai tính đã rũ mòn” – Hai chữ rũ mòn đây cũng nghĩa như gầy mòn, nhưng rũ mòn xác đáng hơn vì ta thêm được ý mỏi mệt như câu thơ Đường mà tác giả đã dùng làm điển tích [梅 骨 瘦 難 支 = mai cốt sấu nan chi = vóc xương thanh lịch như cành mai, gầy quá đi như không đứng được].

Chú giải và dẫn điển

[1] Giống hữu tình = hạng người tài hoa. Sách nho có chỗ nói: Hạng thánh nhân thì không có tình, hạng ngu đần thì không biết tình là gì, chỉ có hạng người tài hoa mới là hạng người hữu tình. Bởi vậy người ta gọi bọn người tài hoa là [情 種 = tình chủng = giống đa tình]. Đây nói Kim Trọng, Thúy Kiều đều là tình chủng.

[2] Mối tơ mành = sợi tơ rất mỏng manh mà khó dứt đứt được; đó tức là sợi tơ tình, không trông thấy mà gỡ không ra, dứt không đứt được.

[3] Canh cánh = vương vít như gài bám vào lòng.

[4] Sầu giong: Xem lời đính chính câu 247 bên trên.

[5] Ba thu dón lại một ngày: Kinh Thi có câu [ 一日不 見 如 三 秋 兮 = nhất nhật bất kiến như tam thu hề = một ngày không thấy mặt nhau, lâu bằng ba mùa thu]. Chữ dón nghĩa là rèn cái que sắt cho nhỏ lại và dài ra.

[6] Mấy lần khóa kín phòng the “Mấy lần khóa kín” do bốn chữ “Ngân thược trùng quan”. Các bản quốc ngữ chép nhầm “mấy lần” ra “mấy tần” hoặc “mây Tần” thật vô nghĩa.

[7] Bóng hồng = hình bóng người con gái đẹp. Liệu nẻo = đoán chừng có lẽ bóng vía nàng sẽ tìm đến đây với ta, trong lúc nàng mơ ngủ.

[8] Đĩa dầu – Người ta đốt đèn bằng dầu hột, đổ dầu vào đĩa rồi thả bấc vào, để một đầu bấc hở trên miệng đĩa mà đốt.

[9] Trúc se ngọn thỏ – Bút viết chữ hán quản làm bằng ống trúc, ngòi làm bằng lông thỏ. Trúc se ngọn thỏ ý nói khi chàng muốn làm thơ, thì nghĩ không ra, hình như ngòi bút nó khô mực lại, viết không được.

[10] Phím loan = phím đàn hình đầu ngoài thường làm hình đầu chim phượng. Tơ chùng phím loan ý nói khi chàng muốn gẩy đàn cho khuây thì gẩy không ra tiếng, như dây đàn chùng cả đi.

[11,12] Mành tương = mành làm bằng những gióng trúc con, da có vân đồi mồi, tiện ra từng đoạn ngắn, rồi xâu lại thành từng dây dài mà treo nhiều dây rũ xuống thành bức mành che cửa. Khi gió thổi vào, tiếng trúc đụng nhau kêu xoang xoảng như tiếng đàn.

[13,14] Hương gây mùi nhớ, trà khan giọng tình – Xem lời xác định câu 250 bên trên. Chàng Kim thấy gió đụng mành kêu cho là mộng hồn Kiều đến với mình, vội vàng đốt hương lên để mừng và pha trà để cùng uống, chàng thấy mùi hương thơm nồng ngậy lên những mùi chàng nhớ đã được ngửi lúc chiều và vị nước trà đậm đà quá như khan họng những giọng tình trước mặt nàng.

[15] Duyên nợ ba sinh = ba đời, ba kiếp; đôi tình nhân đã thề ước mà không lấy được nhau, thì phải trải qua ba đời lời thề ấy mới tan. Điển tích từ Tình sử: Lý Nguyên [李源] và Viên Trạch [圓 澤] yêu nhau tha thiết. Khi nàng Viên ốm nặng gần chết hẹn với chàng Lý 12 năm sau thì đến Hàng Châu gặp nhau. Lúc chàng đến Hàng Châu chỉ gặp thằng bé chăn trâu hát rằng:

(1) [三 生 石 上 舊 精 魂  = tam sinh thạch thượng cựu tinh hồn = tinh hồn trên đá ba sinh] (2) [賞 月 吟 風 不 要 言 = thưởng nguyệt ngâm phong bất yếu ngôn = thưởng trăng hát gió, kể tình nữa chi] (3) [慚 愧 故 人 遠 相 訪 = tàm quý cố nhân viễn tương phỏng = thẹn mình gặp bạn cố tri] (4) [此 身 雖 異 性 長 存 = thử thân tuy dị tính trường tồn = thân này dù khác, tình kia vẫn còn] .

[16] Ví chăng duyên nợ ba sinh / làm chi đem thói khuynh thành trêu ngươi = nếu không có duyên nợ kiếp trước với nhau, thì làm gì nàng lại nhìn theo ta, như vậy để làm lòng ta vương vít. Điển lấy từ Tây Sương Ký: Khi Thôi Oanh Oanh thấy Trương Hồng vào, nàng vội tránh vào buồng, nhưng lại ngó lại nhìn chàng một cái, làm cho chàng say sưa và nghĩ:

[我 明 日透 骨 髓 相 思 病 纏 = Ngã minh nhật thấu cốt tủy, tương tư bệnh triền]

[怎 當 她  臨 去 秋 波 那 一 轉 = Chẩm đương tha lâm khứ, thu ba ná nhất chuyển]

[我 便 鉄 石 人 也 意 惹 情 牽 = Ngã tiện thiết thạch nhân dã, ý nhạ tình khiên]

Ba câu trên có nghĩa = Ngày mai ta sẽ mắc bệnh tương tư thấm vào đến xương tủy. Ta chịu sao nổi cái khóe mắt của cô ta khi lánh đi, lại ngó lại liếc ta một cái. Ta dẫu có là người sắt đá cũng phải để ý vương tình.

[17] Kỳ ngộ = cuộc gặp gỡ lạ lùng tình cờ.

[18] Nước ngâm trong vắt ngụ ý nói chỉ thấy nước im lặng trong vắt chẳng có bóng ai như chiều hôm qua nữa.

[19] Kháy trêu = có ý đùa cợt trêu ghẹo cho tức, cho thẹn.

[20] Nhớ ít tưởng nhiều = thật ra chỉ nhớ có ít, nhưng vì cứ tưởng tượng thêm mãi ra, niềm nhớ mới tăng lên nhiều.

[21] Lam kiều = cầu Lam. Bùi Hàng [裴 航] đời Đường gặp cô tiên tên là Vân Kiều phu nhân, có cho chàng một bài thơ trong có câu [藍 橋 本 是 神 仙 窟 = Lam kiều bản thị thần tiên quật = Lam kiều là chỗ thần tiên ở]. Về sau, một hôm chàng đi qua cầu Lam vào một quán xin nước uống, gặp nàng tiên Vân Anh [雲 英] đẹp lắm. Chàng ước ao muốn lấy, bà mẹ nàng bảo nếu tìm được cái chầy ngọc để bà tán thuốc thì bà gả nàng cho. Khi chàng được một bà tiên cho chầy ngọc, đem lại nộp thì lấy được Vân Anh. Lam kiều đây chỉ nhà Thúy Kiều ở.

[22] Lá thắm – Đời vua Đường Huy Tông, Vu Hựu vớt được một cái lá ngô đồng màu đỏ từ ngòi nước ở trong cung vua chảy ra, trên lá có đề bài thơ hẹn ai bắt được lá này thì kiếp sau sẽ lấy làm chồng. Hựu quý lắm, về giữ cẩn thận, và cũng lấy cái lá ngô đỏ khác đề thơ họa lại, rồi lên đoạn ngòi trên cung vua mà thả xuống cho trôi vào. Sau có lệnh thải các cung nữ cho ra lấy chồng, Hựu lấy được cô họ Hàn và cả hai bên đều còn giữ đủ hai lá đề thơ.

[23] Chim xanh – Vua Hán Vũ Đế một hôm sắp đi chơi xa, bỗng thấy hai con chim xanh bay vào hành cung. Đông Phương Sóc tâu nhà vua chúng là sứ giả của bà Tây Vương Mẫu đưa tin báo trước. Được một lúc, quả nhiên bà đến thật.

[24] Mỉa mai = chê cười chế nhạo (sáng tìm Kiều như bị lau sậy trêu cười ở ngoài đồng ; trưa tìm Kiều thì như bị chim oanh cười chế ở trước cổng nhà Kiều).

[25] Dẫy = đầy. Ta cũng hay nói đầy dẫy.

[26] Trót giờ lâu = đứng trọn vẹn lâu một giờ.

[27] Ngô Việt thương gia = nhà buôn bán xa ở vùng đất Ngô đất Việt, là vùng phía đông nam nước Tàu. Từ Bắc Kinh xuống Ngô Việt xa lắm.

[28] Du học = từ xa đến đó ở trọ để học hành.

[29] Cặp sách = cái quang treo sách chữ nho, làm bằng gỗ, dưới có cái ván gỗ rộng độ 2 gang, dài độ 3 gang, 2 đầu có đục 2 cái lỗ để lùa 2 thanh gỗ lên làm thành cái quang để xếp 2 chồng sách vào. Khi ở nhà thì treo lên, khi đi đâu thì gánh cho tiện.

[30] Đề huề = dọn sách vở đồ đạc sang nhà trọ một cách đàng hoàng có ý cho ai cũng biết, để hòng đưa tin đến hai cô láng giềng rõ chuyện mình đến đó.

[31] Đá = cảnh núi non bộ chất đá ở giữa cái hồ con.

[32] Lãm thúy hiên [攬 臎 軒] – Xem lời đính chính câu 281 bên trên.

[33] Suy ý chữ bài – Xem lời đính chính câu 281 bên trên.

[34] Song hồ = cửa sổ, cánh có dán một thứ giấy phết dầu cho trong, ánh sáng có thể qua được.

[35] Cánh mây = cánh cửa ở trên gác cao.

[36] Tường đông = nhà phái nữ trú ngụ.

[37] Động khóa nguồn phong – Xem lời đính chính câu 285 bên trên.

[38] Nhẫn – Xem lời xác định câu 287 bên trên.

[39] Thèm haiThèm = sắp sửa. Thèm hai = sắp sửa được hai tháng rồi.

[40] Phải = bất kỳ gặp phải. Truyện Kiều có mấy chỗ chữ phải có ngụ ý thật ra là hữu tình mà làm ra như có vẻ vô tình mà xảy ra như vậy. Chữ phải trong câu “Buồng the phải buổi thong dong” dùng nghĩa này, để nói : gặp buổi tết đoan ngọ thong dong vắng khách nên Kiều vô ý tắm trần không đóng cửa, chứ thực ra Kiều dụng tâm làm ra vô ý để Thúc Sinh được nhìn rõ tấm thân thoát y của mình như “một tòa thiên nhiên”, mục đích để cố kết lòng chàng hết sức ra tay cứu mình khỏi lầu xanh.

[41] Tường gấm = bức tường có đắp hình mây, hình triện nổi lên cho đẹp. Xem lời giải [53] về chữ bực mây bên dưới.

[42] Cất lấy = lấy tay sẽ nhấc cao cành hoa lên mà lấy ra một cách rất nhẹ nhàng, nâng niu để khỏi gãy, khỏi rơi.

[43] Khuê các = buồng trên gác, nơi đàn bà con gái ở rất lịch sự.

[44] Ướm lòng = thử nói để dò xét xem lòng nàng ra ý thế nào.

[45] Hư không = bỗng dưng.

[46] Hợp phố xưa kia thuộc về Giao châu (tên gọi nước Nam ta ngày trước), nay thuộc miền giáp biển tỉnh Quảng đông nước Tàu. Hồi bắc thuộc, quan Tầu tham nhũng bắt dân Hợp phố mò ngọc trai đem nộp, cho nên các loài trai có ngọc bỏ đi nơi khác hết. Sau có quan thứ sử là Mạnh Thưởng làm quan thanh liêm, loài ngọc trai lại trở về Hợp phố. Điển tích lấy từ câu [珠 還 合 浦 = châu hoàn Hợp phố = của quý của ai lại trả về người ấy].

[47] Tiếng kiều – Xem lời đính chính câu 307 bên trên.

[48] Nào của mấy mươi = có đáng giá bao nhiêu đâu.

[49] Trọng nghĩa khinh tài = lòng đứng đắn biết trọng điều nghĩa mà khinh của cải.

[50] Lân lý [隣 里] – Lân = hàng xóm. = làng.

[51] Gạn = hỏi tỉ mỉ rõ ràng mọi điều.

[52] Niềm tây = điều riêng tư trong lòng.

[53] Bực mây = những hình mây đắp nổi lên ở mặt tường gấm có thể dùng làm bực leo lên được. Có bản giải thích bực mây là bực vân thê [雲 梯] (thang mây) thật là lầm, vì vân thê là thứ thang để trèo lên ngó vào thành giặc, cao hàng 4 hay 5 mươi thước, phần dưới là cái bục cao có bốn bánh xe, nhiều người có thể đi kín ở dưới đẩy bục thang đi được. Trên bục dựng hai từng thang, mỗi từng cao 20 thước. Thang mây cao như thế, chứ đâu phải cái thang thường ta dùng.

[54] Dón bước = trèo một cách nhanh nhẹn.

[55] Sượng sùng = ngượng nghịu, e thẹn.

[56] Ngẫu nhĩ = tình cờ, bỗng dưng.

[57] Đã chồn = đã mỏi mệt lắm.

[58] Rũ mòn – Xem lời xác định câu 325 bên trên.

[59, 60] Tháng tròn như gửi cung mây / trần trần một mực ấp cây đã liều – Cung mây tức cung trăng ở trên mây, ý nói chỗ người đẹp ở như cô Hằng Nga trên cung trăng. Ấp cây là điển tích lấy từ ba chữ [守 株 人 = thủ châu nhân = người giữ gốc cây]. Xưa có anh thợ cầy ngồi nghỉ ở gốc cây, bỗng một con thỏ sợ chó săn, chạy đâm đầu vào gốc cây chết, anh ta bắt được. Từ hôm đó ngày nào anh ta cũng ra ngồi giữ gốc cây ấy để đợi bắt thỏ. Ý nói Kim Trọng bõ công hàng tháng để mong may ra được gặp Kiều.

[61] Đài gương cũng như lầu trang là tiếng tôn trọng gọi nơi đàn bà con gái cư ngụ. Đây là lời tôn trọng Kim Trọng dùng để gọi Kiều.

[62] Dấu bèo là tiếng Kim Trọng nói nhún, tự coi mình hèn mọn như bèo ở đâu trôi đến.

[63, 64] Thói nhà băng tuyết = nhà tôi vốn là nhà nề nếp đứng đắn. Chất hằng phỉ phong = nhún mình là một gái quê mùa biết giữ lễ nghĩa. Kinh Thi có câu [采 葑 采 菲 無 以 下 體 = thái phong, thái phỉ, vô dĩ hạ thể = hái rau phong, hái rau phỉ, chớ vì phần dưới cứng ăn không ngon mà bỏ]. Rau phỉ, rau phong ngọn gốc đều ăn được, nhưng phần gốc lúc già ăn không ngon, nên bị bỏ. Hàm ý của câu kinh Thi này = vợ chồng phải lấy nghĩa mà yêu nhau suốt đời, chớ có khi trẻ đẹp thì yêu, khi già xấu thì bỏ.

[65] Lá thắm – Xem lời giải [22] bên trên.

[66] Chỉ hồng = duyên vợ chồng, do điển tích Vi Cố như sau : Vi Cố [韋固] học giỏi đang kén vợ. Một hôm thấy ông cụ già ngồi dưới bóng cây giở một cuốn sách ra coi, bên mình có một túi chỉ đỏ. Cố hỏi sách gì, thì ông bảo “Tập sổ biên những cặp vợ chồng phải lấy nhau. Khi ta biên tên vợ chồng vào sổ này và lấy hai sợi chỉ hồng ở túi này mà se với nhau, thì dù hai bên giàu nghèo, sang hèn khác nhau thế nào, cũng phải lấy nhau thành vợ chồng.” Cố hỏi đùa ông cụ se tôi lấy ai, thì ông cụ chỉ vào đứa con gái rách rưới bẩn thỉu, mẹ đặt ngồi ở bờ ruộng để mẹ hái rau. Rồi ông cụ biên tên và lấy hai sợi chỉ se với nhau. Cố giận lắm, thuê người giết con bé, và yên trí là con bé đã chết rồi. Sau Cố long đong mãi không tìm được vợ, kết cục vẫn phải lấy người con gái có thẹo ở mang tai ; và nàng nói lúc bé bị tên giặc chém nhưng may không chết.

[67] Rầy gió mai mưa = việc đời thay đổi bất kỳ, nay may gặp nhau rồi sau đây không gặp được nữa.

[68] Dù chăng = nếu không.

[69] Khuôn thiêng = ông trời. Đây ám chỉ cha mẹ, để trả lời câu Kiều nói “nên chăng thì cũng tại lòng mẹ cha.” Nhưng không dám nói thẳng là cha mẹ phụ lòng, e bất nhã, phải nói tránh ra là nếu trời phụ lòng.

[70] Lượng xuân = độ lượng rộng rãi bao dung mọi người, lấy ý từ câu [春 毓 海 涵 = xuân dục hải hàm = hơi xuân nuôi muôn vật, lòng biển chứa muôn sông]. Ý nói bụng dạ rộng rãi tử tế.

[71] Chiều xuân = lòng xuân, do hai chữ xuân tứ [春 思] hay xuân tình [春 情] dịch ra.

[72] Nét thu lấy ý từ hai chữ [秋 波 = thu ba = sóng mùa thu] nghĩa là ánh mắt nhìn có tình tứ.

[73] Tạc đá vàng = nhận lời một cách trịnh trọng như khắc vào bia đá biển vàng.

[74] Khăn hồng = chiếc khăn vuông gói đôi xuyến vàng.

[75] Trăm năm = sự kết duyên làm vợ chồng.

[76] Bả = lấy hai tay nâng mà đưa lên trao một cách trịnh trọng. Hai tay dâng chén rượu lên mời khách chữ Hán là bả tửu [把 酒].

[77] Quạt hoa quỳ = cái quạt giấy đẹp Kiều có vẽ hình hoa quỳ (một giống hoa sen thơm đẹp hướng dương) để tỏ lòng lúc nào cũng muốn ngưỡng mộ chàng. Bả quạt hoa quỳ = hai tay nâng chiếc quạt hoa quỳ lên mà dâng cho chàng làm kỷ niệm. Nhiều bản Kiều, vì người xuất bản không hiểu chữ bả nên đã đổi cả câu “Sẵn tay bả quạt hoa quỳ” ra là “Sẵn tay khăn gấm, quạt qùy” thật là vô vị thô lỗ. Họ không biết rằng quạt hoa quỳ và quạt quỳ khác nhau một trời một vực.  Quạt hoa quỳ như đã nói ở trên, đẹp quý và ý nhị biết bao nhiêu ; còn quạt quỳ (chữ nho gọi là bồ quỳ phiến [蒲葵 扇]) chỉ là cái quạt làm bằng tàu lá cây bồ quỳ (một loài lá gồi) cắt bỏ những tua lá ở chung quanh đi, hình thành cái quạt tròn tròn. Ai lại đem thứ quạt ấy tặng một tình nhân hào hoa như Kim Trọng bao giờ ? Lại còn chiếc khăn gấm đỏ nữa, ở đâu ra mà nói là sẵn tay ? Sau lại để đâu, suốt câu chuyện không thấy nói đến cái khăn gấm ấy chút nào nữa.

[78] Tất giaoTất [漆] = sơn. Giao [膠] = keo. Tất giao là hai thứ nhựa để gắn bó rất chắc. Ý nói Kim Kiều thề ước với nhau rất nghiêm trang.

Diễn ra văn xuôi

Câu 243, 244 = Thế mới biết đã là hạng người vào bực hữu tình, thì đố ai gỡ cho xong được cái mối tơ tình, dù nó rất mong manh.

Câu 245, 246 = Chàng Kim từ lúc về đến phòng học, lúc nào cũng canh cánh nghĩ đến Kiều, không muốn nghĩ đến chuyện gì khác cho khuây nỗi nhớ ấy đi.

Câu 247, 248 = Chàng không biết nén hãm lòng sầu nhớ để khuây ngủ đi, lại cứ tung thả mãi ra như giong cương cho con ngựa sầu nhờ nó đuổi theo thì giờ cho đêm chóng sáng. Nhưng càng thức càng mong thì những khắc canh càng thấy chậm chạp dài thêm mãi ra, rõ ràng đúng như câu trong Kinh Thi, tạm dịch : “Một ngày chẳng thấy mặt nhau / coi dài đằng đẵng khác nào ba thu.”

Câu 249, 250 = Chàng nghĩ giờ này nàng đã khóa kín cửa buồng để ngủ rồi, và có lẽ mộng hồn nàng đang tìm đường đi về đây với mình.

Câu 251, 252 = Chàng không sao nhắm mắt ngủ được. Lúc thì ngắm vầng trăng khuyết, lúc thì nhìn đĩa dầu đèn cạn dần. Lúc thì mặt chàng ngẩn ngơ tưởng nhớ đến mặt nàng, lúc thì lòng chàng bất ổn vì không biết lòng nàng có tưởng nhớ chàng, như chàng tưởng nhớ nàng không ?

Câu 253, 254 = Chàng cảm thấy phòng học chàng vắng lạnh như đồng. Chàng muốn viết thơ để tỏ tình nhớ mến, nhưng nghĩ không ra lời, ngọn bút lông chấm mực đã khô đi mà không viết được câu nào. Chàng muốn gẩy đàn để tỏ nỗi sầu mong, mà không sao gẩy được thành tiếng, như phím dây đàn sửa vặn thế nào cũng vẫn chùng mãi.

Câu 255, 256 = Bỗng hơi gió thoảng đến, làm cho những chuỗi suốt tre hoa ở bức mành cửa đụng nhau kêu như tiếng đàn ; cho là mộng hồn Kiều đến, chàng vội vàng đốt hương để chào đón và pha trà để mời cùng uống với nhau. Chàng thấy mùi khói hương nồng ngậy lên những mùi thơm như mùi nàng mà chàng còn nhớ thoang thoảng từ chiều hôm qua ; chén trà chàng uống ở trước mộng hồn Kiều, thấy vị trà thật đậm đà, thấm thía đầy giọng tình làm cho khan cả cổ họng chàng.

Câu 257, 258 = Chàng những lo không biết rồi ra có lấy được nàng không, nhưng chàng lại mừng lòng yên chí rằng nếu không có duyên nợ ba kiếp với nhau, thì làm sao mà nàng lại nghé mắt liếc theo chàng một cách tha thiết đằm thắm như trêu như ghẹo khi chàng lên ngựa ra về, làm cho chàng phải vương vít tâm tư như vậy ?

Câu 259, 260 = Lòng chàng lúc nào cũng buâng khuâng, nào là nhớ cảnh chiều qua, nào là nhớ mặt nàng, nào là nghĩ đến chỗ tình cờ may mắn gặp nhau. Thế là lúc sáng ra, chàng vội vàng đi ra chỗ đó với đầy lòng si tưởng.

Câu 261, 262 = Nhưng nào có thấy ai ở đó nữa đâu. Chỉ thấy bãi cỏ xanh rì vắng teo và ngòi nước trong veo lặng lẽ chảy, chẳng còn bóng ai chiếu xuống nữa.

Câu 263, 264 = Chàng đứng tần ngần đó mãi, bỗng thấy gió chiều thổi đến như khiêu gợi nỗi sầu và những ngọn lau sậy hiu hắt phất phơ như có vẻ trêu ghẹo chế nhạo chàng.

Câu 265, 266 = Riêng cái trò tương tư nó vẫn thế – nhớ thì ít, nhưng nghĩ đến người tình thì nhiều. Càng tưởng càng nhớ quá, chàng nghĩ rằng thế nào cũng phải đến tận nhà nàng thì mới gặp được nàng. Cũng như Bùi Hàng xưa có đến Lam kiều mới gặp được Vân Anh, chàng xăm xăm theo lối đi thẳng đến nhà Kiều.

Câu 267, 268 = Nhưng ôi ! Khi đến nơi, thì chỉ thấy tường cao ngất, cổng đóng kín, trông thật trang nghiêm thăm thẳm, đúng là hết cách nhắn đưa tin tức.

Câu 269, 270 = Trên ngọn tường thì có mấy cành liễu lơ thơ như mành che, và mấy con hoàng oanh đang líu lo học nói ở trên cành như có ý mỉa mai chế nhạo chàng.

Câu 271, 272 = Chàng nhòm qua khe cổng, thì chỉ thấy mấy lần cửa đóng gài then cẩn thận và hoa rụng đầy thềm mà chẳng thấy bóng ai.

Câu 273 đến 276 = Chàng đứng ngắm tần ngần suốt một giờ lâu rồi đi dạo quanh khu nhà, thì thấy mé sau khu nhà Kiều có nhà một người lái buôn xa ở mãi vùng Ngô Việt chưa về, nhà vẫn bỏ vắng, buồng không ai ở.

Câu 277, 278 = Chàng bèn mượn cớ là du học mà hỏi thuê, rồi đường hoàng thong thả mang túi đàn, mang cặp sách dọn đến ở.

Câu 279, 280 = Nơi nhà này có cây cảnh đẹp, có núi non bộ bằng đá, nhất là lại có mái hiên ngồi ngắm cảnh, biển đề là “Lãm Thúy Hiên,” nét chữ thếp vàng còn chưa phai.

Câu 281, 282 = Chàng rất mừng, vì cứ suy ý ba chữ thếp vàng đề ở biển này mà đoán, thì chắc chàng và Kiều đã có duyên trời định từ ba kiếp xưa với nhau rồi. (Chàng suy luận ba chữ Lãm Thúy Hiên cũng có nghĩa “mái hiên để Kim (vàng) vơ (lãm) được Thúy (Kiều).” Xem lời chú giải [32] và lời đính chính câu 281 bên trên.

Câu 283, 284 = Từ ngày đến ở đây, ngày ngày chàng ngồi trong cửa sổ mở hé nửa cánh cửa ra mà ghé mắt trông sang phía tường nhà họ Vương.

Câu 285, 286 = Tuy chỉ gần trong gang tấc, nhưng rõ như động tiên khóa cửa, nguồn đào lấp lối, rõ gần mà hóa xa xôi tít mù, chẳng thấy bóng Kiều ra vào bao giờ.

Câu 287, 288 = Tính từ hôm chàng dọn đến ở nơi nhà thuê này, dần dà đã gần hai tuần trăng rồi.

Câu 289, 290 = Bỗng một hôm trời êm gió mát, tình cờ chàng thấy bên kia tường như có bóng người đi thướt tha dưới cây đào.

Câu 291, 292 = Chàng đương gẩy đàn, liền buông cây đàn xuống và vội vàng xốc áo chạy ra, thì người đã đi khỏi rồi, chỉ còn lại mùi nước hoa thơm phức.

Câu 293, 294 = Chàng đi men theo quanh bức tường gấm mà ngó xem, thì bỗng thấy một cành kim thoa vướng ở trên cành cây đào.

Câu 295, 296 = Chàng liền giơ tay lên, nhấc cao chiếc thoa lên mà lấy đem về. Chàng tự hỏi “Cái của quý ở nơi khuê các này cớ sao mà lại đến đây ?

Câu 297, 298 = “Ngẫm coi, người đẹp sang như thế, mà của quý báu như vầy, nếu mà chẳng có duyên với nhau, thì sao lọt vào tay ta được ? ”

Câu 299, 300 = Rồi lúc nào chàng cũng cầm chiếc thoa trên tay mà ngắm nghía cho đến mãi tối đêm quên cả nằm ngủ, và lúc nào mùi hương trầm chiếc thoa chưa phai cũng thoảng bốc lên làm cho lòng chàng say mê ngửi mãi.

Câu 301, 302 = Ngày hôm sau trời mới mờ sáng, đã thấy bóng người quanh quẩn ra ý tìm tòi ở dưới gốc đào bên kia tường.

Câu 303, 304 = Chàng đã có ý đợi chờ, mới đứng cách mặt bên này bức tường mà đưa lời sang nói để ướm xem lòng người bên kia tỏ ra sao.

Câu 305, 306 = Chàng lên tiếng “Mình bỗng tình cờ bắt được một cành kim thoa, muốn trả lại mà chẳng biết là của ai đây !”

Câu 307, 308 = Vừa dứt lời, thì chàng nghe có giọng nói trẻ trung đáng yêu thưa lại ngay rằng “Tôi rất cảm ơn lòng người quân tử chẳng sá gì chút của rơi mà mong trả lại. ”

Câu 309, 310 = “Chiếc thoa của tôi nào có là của đáng mấy mươi đâu, nhưng tấm lòng trọng nghĩa khinh tài của người mới thật đáng quý, không biết bao nhiêu mà kể cho xiết được.

Câu 311, 312 = Biết đích xác ý Kiều rồi, chàng đáp lời “Tôi đây vẫn là chỗ hàng xóm láng giềng, ra vào gần đây luôn luôn thôi, chứ nào phải người xa lạ gì đâu ! ”

Câu 313, 314 = “Đã lâu lắm rồi, mãi đến hôm nay, mới nhờ chút của rơi này mà gặp được nhau, thật là đã làm rầu rĩ thiểu não lòng tôi lắm ! ”

Câu 315, 316 = “Vậy xin cô dừng chân đứng đợi một chút cho tôi được gạn hỏi cặn kẽ đôi câu cho hiểu lòng nhau.

Câu 317, 318 = Rồi chàng vội chạy về nhà lấy thêm đôi xuyến vàng và một vuông khăn là đỏ đem ra.

Câu 319, 320 = Chàng lanh lẹ sẽ ghé chân vào nét triện mây đắp nổi ở bức tường gấm làm bực mà trèo qua ngọn tường. Sang bên kia rồi, chàng nhận đúng rõ ràng là người hôm nọ.

Câu 321, 322 = Lúc mới, hai người còn sượng sùng giữ ý rụt rè, chàng thì đưa mắt nhìn tận mặt, nàng thì cúi đầu e thẹn.

Câu 323, 324 = Chàng nói “Từ hôm bất kỳ gặp nhau, lòng tôi lúc nào cũng âm thầm mong cô, nhớ cô, rõ thật mệt nhọc quá. ”

Câu 325, 326 = “Người tôi vốn đã gầy như cành mai, lại vì mong nhớ mà hao mòn thêm, lắm lúc như muốn lả xuống. Nhưng may sao trời dun dủi còn có hôm nay được gặp nhau ở đây. ”

Câu 327, 328 = “Suốt cả tháng nay, lòng tôi lúc nào cũng như gửi ở bên cô, tuy không chắc được gặp cô nữa, nhưng tôi vẫn một mực liều thân giữ một niềm, chẳng khác gì anh thợ cày ngày ngày ra ngồi gốc cây mà đợi thỏ. ”

Câu 329, 330 = “Nay tiện đây tôi xin hỏi cô có lòng chiếu cố đến kẻ hèn này không ?”

Câu 331, 332 = Kiều thấy chàng hỏi câu hệ trọng quá, khiến lòng nàng rất ngẩn ngơ, mới thưa rằng “Gia đình tôi là một nhà nền nếp trong sạch, trang nghiêm, còn tôi là một gái quê mùa thật thà biết giữ lễ nghĩa. ”

Câu 333, 334 = “Dù có hẹn hò về cuộc tình duyên nữa, thì việc nên hay không nên, cũng phải tùy lòng cha mẹ định liệu. ”

Câu 335, 336 = “Chứ giờ đây vì lòng quân tử quá thương mến tôi mà hỏi tôi như vậy, thì tôi còn trẻ thơ quá, biết đâu mà dám thưa lại !”

Câu 337, 338 = Chàng đáp “Đành vậy, nhưng sự trời nay gió mai mưa, biến đổi khó liệu trước được, dễ đã mấy khi tình cờ gặp nhau vui như thế này. ”

Câu 339, 340 = “Nếu cô không xét soi thấu rõ tấm tình si của tôi, thì thiệt thòi cho tôi quá, mà chẳng ích gì cho ai cả. ”

Câu 341, 342 = “Tôi chỉ xin cô gắn bó với tôi một lời trước thôi, cho tôi được đành lòng yên chí, rồi sau tôi sẽ xin liệu cách tìm người đi lại mối manh đường hoàng, cô chớ ngại. ”

Câu 343, 344 = “Một khi chúng ta đã gắn bó một lời với nhau rồi thì dù ông trời kia có phụ tấc lòng thành của chúng ta chăng nữa, chúng ta cũng đành liều bỏ qua cả cuộc đời xuân xanh của chúng ta, không lấy ai nữa. ”

Câu 345, 346 = “Còn như chính cái độ lượng bao dung của cô như độ lượng vui hòa mùa xuân bao dung cả muôn vật kia, nay nó lại quá hẹp hòi chẳng bao dung tôi, thì chả hóa ra thiệt thòi cho công đeo đuổi của tôi lắm ru !”

Câu 347, 348 = Nàng đứng im lặng nghe lời chàng êm ái như ru. Những lời êm ái như gió xuân đó dễ khiến lòng nàng mê say nao núng lộ ra khóe mắt ngại ngùng, e thẹn ở trước mặt chàng.

Câu 349, 350 = Rồi nàng ngập ngừng ngỏ lời thưa rằng “Trong buổi gặp nhau mới mẻ ta còn lạ lùng nhau này mà để chàng phải nài gạn mãi, em nể lòng chàng lắm, không lẽ nào cầm lòng không nhận lời chàng được. ”

Câu 351, 352 = “Vậy em xin thưa, tấm lòng chàng quân tử đã đa mang đến em tha thiết như vậy, thì em xin trân trọng nhận lời sẽ kết nghĩa trăm năm thủy chung với chàng và xin giữ lời này lâu bền như tạc vào bia đá, khắc vào biển vàng.”

Câu 353, 354 = Được Kiều nhận lời, chàng thật hả hê, lòng như được cởi mở ra, liền giở cành kim thoa và gói khăn hồng bọc đôi xuyến vàng cẩn trọng trao tận tay Kiều.

Câu 355, 356 = Và nói “Cuộc trăm năm của đôi ta kể từ hôm nay, và tôi xin nàng nhận cho một chút của này làm kỷ niệm, ghi nhớ mãi mãi.”

Câu 357, 358 = Kiều cũng lấy chiếc quạt nàng có vẽ đóa hoa quỳ cầm sẵn ở tay, và chiếc thoa vừa nhận được, để vào hai bàn tay mà kính cẩn nâng lên ngang mặt trao dâng cho chàng, để đánh đổi lấy đôi xuyến vàng do chàng tặng.

Câu 359, 360 = Hai bên cùng trao lời thề hẹn gắn bó chặt chẽ như keo sơn với nhau vừa xong thì mé sau như có tiếng người xôn xao.

Câu 361, 362 = Thế là vội vàng chia tay nhau, chàng thì về thư phòng, nàng thì về lầu trang.

Những câu hay chữ có ý móc nối

“Cho hay là giống hữu tình / đố ai gỡ mối tơ mành cho xong” là câu rất hay để chuyển tiếp cuộc tương tư của Kiều với cuộc tương tư của Kim Trọng. Tác giả khéo dùng hai chữ “đố ai” vừa để khuyên người đời chớ có để lòng vướng vào mối tơ tình mong manh lúc mới mà rồi gỡ khó ra, vừa để khuyên đời chớ trách giống hữu tình vương vào lưới tình như Kim Trọng và Thúy Kiều, chỉ vì một cái “nghé theo” hay “nhác thấy” lúc đầu mà rồi khó gỡ.

“Nỗi nàng canh cánh bên lòng biếng khuây” dùng ý móc nối với nhiều câu ở dưới. Vì chàng bâng khuâng nỗi nàng nên mới có sự giong sầu suốt đem dài mất ngủ, càng khắc càng chầy, hết ngắm vầng trăng khuyết lại ngắm đĩa dầu hao. Cũng vì thế mới có sự buồng văn lạnh lẽo, bút khô mực, đàn chùng dây ; mới có sự mơ tưởng mộng hồn nàng đến, đốt hương chào mừng, pha trà cùng uống ; rồi ngày hôm sau mới có sự vội vã ra nơi kỳ ngộ để bị nhìn lau sậy nó kháy trêu, lại xăm xăm đến Lam kiều để bị nghe chim oanh nó mỉa mai.

“Mấy lần khóa kín phòng the / bóng hồng liệu nẻo đi về chiêm bao” móc nối khẩn thiết với câu “Mành tương phân phất gió đàn / hương gây mùi nhớ, trà khan giọng tình” vì chàng Kim tưởng tượng như Kiều đã đóng cửa đi ngủ, cho mộng hồn được lại với chàng nên khi thấy gió làm bức mành tương kêu, chàng cho là mộng hồn Kiều đến thăm mình, nên chàng đốt hương pha trà đón tiếp.

Hai câu “Nước ngâm trong vắt thấy gì nữa đâu” và “Gió chiều như gợi cơn sầu” tả lòng Kim Trọng bâng khuâng nhớ Kiều, đối lại với hai câu : “Bóng tà như giục cơn buồn” và “Dưới cầu nước chảy trong veo” tả lòng Kiều bâng khuâng nhớ Kim Trọng.

Câu “Lơ thơ tơ liễu buông mành” ở trước nhà Kiều ngầm tả lòng Kim Trọng bực vì những cành liễu có thể che khuất bóng Kiều, đối lại với câu “Bên cầu tơ liễu bóng chiều thướt tha” ngầm tả lòng Kiều trách liễu hình như phất phơ đưa Kim Trọng đi để trêu nàng.

Ở câu “Gió đâu sịch bức mành mành” thì gió thổi mành làm cho Kiều đương mơ tỉnh dậy, mất bóng Đạm Tiên. Ở câu “Mành tương phân phất gió đàn” thì gió thổi mành làm cho Kim Trọng đương tỉnh hóa mơ như thấy mộng hồn Kiều. Ý văn trong hai ngữ cảnh lần lượt tả Kiều và Kim móc nối nhau một cách kỳ diệu.

Vẫn một cảnh “nước trong,” câu “Dưới dòng nước chảy trong veo” thì làm cho Kiều ngẩn ngơ vì không còn bóng chàng Kim cưỡi ngựa qua cầu nữa ; câu “Nước ngâm trong vắt thấy gì nữa đâu” thì làm cho chàng Kim ngẩn ngơ vì không còn bóng Kiều chiếu xuống dưới nước như hôm qua nữa.

Hai chữ “làm chi” ở câu “Người đâu gặp gỡ làm chi” thì tả lòng Kiều đương mừng bỗng lo ; hai chữ “thì chi” ở câu “Thì chi đem thói khuynh thành trêu ngươi” thì làm cho Kim Trọng đương lo hóa mừng.

Hai chữ “nét vàng” ở câu “Có hiên Lãm Thúy nét vàng chưa phai” mới đọc thì tưởng là thừa, chỉ đặt để lấy vần với câu trên, nhưng đâu phải thế – chính chữ vàng này là chữ rất quan trọng trong câu. Lãm Thúy Hiên mà thếp vàng, nói ngược lại có phải là Kim Lãm Thúy Hiên không ? Lời nói ngược này có hàm ý “đây là mái hiên nơi chàng họ Kim vơ được nàng Thúy” – một điềm tốt quá sự suy đoán của chàng Kim : chàng chỉ đoán lấy được Thúy chị, có ngờ đâu lấy được cả Thúy em !

[ĐÀM DUY TẠO]