CHƯƠNG 18

KIM VÂN KIỀU ĐÍNH GIẢI

Hương Ngạn Đào Tử ĐÀM DUY TẠO

trước tác năm 1986

(Thứ nam) Đàm Trung Pháp

hiệu đính và phổ biến năm 2020

* * * * *

CÂU 1607 ĐẾN CÂU 1704

“Bắt người tráo xác, nhờ khách tìm hồn”

1607. Thưa nhà huyên hết mọi tình,

Nỗi chàng ở bạc nỗi mình chịu đen.

1609. Nghĩ rằng: Ngứa ghẻ hờn ghen, [1]

Xấu chàng mà có ai khen chi mình!

1611. Vậy nên ngảnh mặt làm thinh,

Mưu cao vốn đã rắp ranh những ngày. [2]

1613. Lâm Truy đường bộ tháng chầy, [3]

Mà đường hải đạo sang ngay thì gần.

1615. Dọn thuyền lựa mặt gia nhân, [4]

Hãy đem dây xích buộc chân nàng về. [5]

1617. Làm cho: cho mệt cho mê,

Làm cho đau đớn ê chề cho coi!

1619. Trước cho bõ ghét những người,

Sau cho để một trò cười về sau.

1621. Phu nhân khen chước rất mầu, [6]

Chiều con mới dạy mặc dầu ra tay.

1623. Sửa sang buồm gió lèo mây,

Khuyển ưng lại chọn một bầy côn quang. [7]

1625. Dặn dò hết các mọi đường,

Thuận phong một lá vượt sang bến Tề. [8]

1627. Nàng từ chiếc bóng song the, [9]

Đường kia nỗi nọ như chia mối sầu.

1629. Bóng đâu đã xế ngang đầu, [10]

Biết đâu ấm lạnh, biết đâu ngọt bùi. [11]

1631. Tóc thề đã chấm ngang vai, [12]

Nào lời non nước nào lời sắt son.

1633. Sắn bìm chút phận cỏn con, [13]

Khuôn duyên biết có vuông tròn cho chăng?

1635. Thân sao nhiều nỗi bất bằng, [14]

Liều như cung Quảng ả Hằng nghĩ sao? [15]

1637. Đêm thu gió lọt song đào,

Nửa vành trăng khuyết ba sao giữa trời. [16]

1639. Nén hương đến trước Phật đài,

Nỗi lòng khấn chửa cạn lời vân vân.

1641. Dưới hoa dậy lũ ác nhân, [17]

Ầm ầm khốc quỷ kinh thần mọc ra. [18]

1643. Đầy sân gươm tuốt sáng lòa,

Thất kinh nàng chửa biết là làm sao.

1645. Thuốc mê đâu đã rưới vào,

Mơ màng như giấc chiêm bao biết gì.

1647. Vực ngay lên ngựa tức thì,

Phòng đào viện sách bốn bề lửa dong.

1649. Sẵn thây vô chủ bên sông, [19]

Đem vào để đó lộn sòng ai hay? [20]

1651. Tôi đòi phách lạc hồn bay,

Pha càn bụi cỏ gốc cây ẩn mình. [21]

1653. Thúc ông nhà cũng gần quanh,

Chợt trông ngọn lửa thất kinh rụng rời.

1655. Tớ thầy chạy thẳng đến nơi,

Tơi bời tưới lửa tìm người lao xao.

1657. Gió cao ngọn lửa càng cao,

Tôi đòi tìm đủ, nàng nào thấy đâu!

1659. Hất hơ, hất hải nhìn nhau,

Giếng sâu bụi rậm, trước sau tìm quàng.

1661. Chạy vào chốn cũ phòng hương,

Trong tro thấy một đống xương cháy tàn.

1663. Tình ngay ai biết mưu gian,

Hẳn nàng thôi lại còn bàn rằng ai!

1665. Thúc ông sùi sụt ngắn dài,

Nghĩ con vắng vẻ thương người nết na.

1667. Di hài nhặt sắp về nhà, [22]

Nào là khâm liệm nào là tang trai. [23]

1669. Lễ thường đã đủ một hai,

Lục trình chàng cũng đến nơi bấy giờ. [24]

1671. Bước vào chốn cũ lầu xưa,

Gio than một đống, nắng mưa bốn tường.

1673. Sang nhà cha tới trung đường, [25]

Linh sàng bài vị thờ nàng ở trên. [26]

1675. Hỡi ôi hỏi hết sự duyên,

Tơ tình đứt ruột, lửa phiền cháy gan!

1677. Gieo mình vật vã khóc than:

“Con người thế ấy thác oan thế này.

1679. Chắc rằng mai trúc lại vầy,

Ai hay vĩnh quyết là ngày đưa nhau!” [27]

1681. Thương càng nghĩ, nghĩ càng đau,

Dễ ai rấp thảm, quạt sầu cho khuây.

1683. Gần miền nghe có một thầy,

Phi phù trí quỷ cao tay thông huyền. [28]

1685. Trên tam đảo, dưới cửu tuyền, [29]

Tìm đâu thì cũng biết tin rõ ràng.

1687. Sắm sanh lễ vật đón sang,

Xin tìm cho thấy mặt nàng hỏi han.

1689. Đạo nhân phục trước tĩnh đàn, [30]

Xuất thần giây phút chưa tàn nén hương. [31]

1691. Trở về minh bạch nói tường:

“Mặt nàng chẳng thấy, việc nàng đã tra.

1693. Người này nặng kiếp oan gia,

Còn nhiều nợ lắm sao đà thoát cho!

1695. Mạnh cung đang mắc nạn to, [32]

Một năm nữa mới thăm dò được tin.

1697. Hai bên giáp mặt chìn chìn, [33]

Muốn nhìn mà chẳng dám nhìn lạ thay!”

1699. Điều đâu nói lạ dường này,

Sự nàng đã thế lời thầy dám tin!

1701. Chẳng qua đồng cốt quàng xiên, [34]

Người đâu mà lại thấy trên cõi trần?

1703. Tiếc hoa những ngậm ngùi xuân,

Thân này dễ lại mấy lần gặp tiên.

Đính chính và xác định

Câu 1639 – Nén hương đến trước Phật đài – Nghĩa câu này rất thông thường: Kiều lo ngại nên đến trước bàn thờ Phật để khấn Phật phù hộ cho duyên được vuông tròn. Nhưng vì các bản nôm thường khắc chữ Phật [佛] là [亻+ 天], rồi lại có bản khắc bỏ nửa [亻] bên trái, chỉ còn nửa bên phải là [天] (thiên = trời). Bản Kiều ông Trần Trọng Kim theo đó mà cải chính phật đài [佛 臺] là thiên đài [天 臺]. Đó là sự lầm quá đáng của ông Kim. Phép vua Tàu, vua ta, chỉ có vua (thiên tử) mới được cúng Trời ở đền Nam Giao, chứ dân đâu được lập đền thờ Trời.

Câu 1671 – Bước vào chốn cũ lầu xưa – Chữ “lầu xưa” câu này có bản in là “lầu thơ”, lại có bản in là “lầu thư”, chắc là ông nào đổi ra thế cho đúng với chữ “phòng đào viện sách” ở trên, nhưng e câu nệ quá và nghe không được thanh thoát tự nhiên bằng “chốn cũ lầu xưa.”

Câu 1693 – Người này nặng nghiệp oan gia – Có bản in là “Người này nặng kiếp oan gia.” Chữ “nghiệp” ăn nghĩa với chữ “oan gia” hơn là chữ “kiếp”, và đọc lên nghe âm điệu cũng êm tai hơn.

Câu 1697 – Hai bên giáp mặt chìn chìn – Giáp mặt chìn chìn là giáp mặt nhau gần gận quá, gần như hai mặt đụng vào nhau. Hai chữ “chìn chìn” nôm viết là [廛 廛] (nguyên âm chữ Hán là “chiền chiền”), nên nhiều người đọc trạnh “chìn chìn” ra “chiền chiền.” Cần phải đính chính lại cho đúng.

Câu 1704 – Thân này dễ lại mấy lần gặp tiên – Có bản in câu này là “Thân mà dễ lấy mấy lần gặp tiên”, âm điệu đã không êm tai, mà nghĩa lại rất không chạy.

Chú giải và dẫn điển

[1] Ngứa ghẻ hờn ghen – Tục ngữ thường nói “Ngứa như ngứa ghẻ, đòn như đòn ghen” nghĩa là ghẻ ngứa thì gãi không chán tay, cơn ghen nổi lên thì đánh không mỏi tay, nhất là vợ cả ghen vợ lẽ. Câu này lấy ý ở lời tục ngữ đó.

[2] Rấp ranh = Sắp sửa định liệu đã lâu

[3] Lâm Truy – Hai đường đi, thủy hay bộ, từ Vô Tích đi Lâm Truy đều xa bằng nhau, nhưng đi bộ phải nghỉ đêm, còn đi thuyền thì không nghỉ đêm, nên coi như gần hơn.

[4] Dọn = Dẹp hết các đồ đạc không cần trong thuyền đi, cho chở được lanh lẹ. Gia nhân = tôi tớ trong nhà.

[5] Dây xích = Cái dây để buộc chân lại, như cái xích, cho khỏi trốn. Đây dùng ý nói đi bắt về giữ lại, chứ không phải dùng dây buộc chân lại thật. Lắm nhà xuất bản truyện Kiều không hiểu ý nói bóng ấy, dám đổi chữ “dây xích” này ra “dây tói”, “dây thắm”, “dây trói” nghe thật đáng cười.

[6] Phu nhân = Hoạn Bà, mẹ đẻ Hoạn Thư. Chước rất màu = Mưu rất hay.

[7] Côn quang = Hạng người côn đồ, trộm cướp – nguyên chữ Hán là “quang côn” [光 棍], tiếng Việt nay gọi là “du côn.”

[8] Thuận phong một lá = Kéo buồm thuyền giương lên chỉ một lần, rồi thuận gió một chiều mà đi, rất thuận lợi. Bến Tề = Lâm Truy, kinh đô nước Tề đời Chiến Quốc.

[9] Chiếc bóng song the = Ở một mình trong phòng, lúc nào cũng ngồi buồn bã ở trong cửa sổ ngoài che màn the.

[10] Bóng dâu đã xế ngang đầu – Câu này ý nói cha mẹ tuổi già như mặt trời buổi chiều đã xế xuống ngang đầu trên ngọn dẫy dâu trồng ở phía tây nhà để che nắng buổi chiều. Chữ “dâu” nói ở đây là loài dâu bụt (hay dâm bụt), chữ Hán là [桑 榆] tang du. Câu này lấy điển ở câu “Nhật lạc tang du [日 落 桑 榆] = Mặt trời xế xuống ngọn dẫy dâu bụt.”

[11] Ấm lạnh ngọt bùi – Kinh Lễ dạy: “Con nuôi cha mẹ, mùa đông phải lo cho cha mẹ được ấm, mùa hè phải lo cho cha mẹ được mát, phải có miếng ngọt miếng bùi cho cha mẹ ăn được ngon miệng.” Ý hai câu này là Kiều rất ân hận đã không được chăm nuôi cha mẹ lúc tuổi già để báo hiếu.

[12] Tóc thề đã chấm ngang vai = Chỗ chân món tóc nàng cắt để thề với Kim Trọng, bây giờ đã mọc lại dài xuống đến vai rồi. Câu này (1631) và câu theo sau cho thấy Kiều rất ân hận vì nỗi số phận khiến nàng không lấy được Kim Trọng mặc dù đã thề cẩn thận với chàng.

[13] Sắn bìm = Phận vợ lẽ như dây sắn dây bìm bám ở dưới gốc cây to tượng trưng cho vợ cả. Điển này lấy từ câu trong Kinh Thi “Nam hữu cù mộc, cát lũy luy chi [南 有 樛 木 葛 纍累 枝] = Đất Thiệu Nam có cây to gốc cong, dây sắn dây bìm leo bám được gốc cây ấy” để khen bà Hậu Phi vợ vua Văn Vương biết cúi mình xuống bao dung các vợ lẽ của vua.

[14] Thân sao nhiều nỗi bất bằng = Những nông nỗi oan khổ mà số mệnh bắt nàng phải chịu, khiến lòng nàng lúc nào cũng ân hận lo buồn không yên tĩnh. Những nỗi đó gồm (a) không được ở gần cha mẹ để săn sóc báo hiếu; (b) không lấy được Kim Trọng để khỏi mệnh bạc; (c) nay đành cam phận lẽ mọn mà còn lo chưa chắc đã được; (d) và sau này lại còn phải lo sợ đủ đường về bà vợ cả nham hiểm.

[15] Liệu như cung Quảng ả Hằng nghĩ sao? – “Liệu” = Lo tính toán trước. “Cung Quảng” = Quảng Hàn điện mênh mông lạnh lẽo ở trên mặt trăng. “Ả Hằng” = Nàng Hằng Nga. Truyện thần tiên xưa kể rằng Hậu Nghệ được bà tiên Tây Vương Mẫu cho gói thuốc bất tử; vợ Nghệ là Hằng Nga uống trộm rồi trốn bay lên mặt trăng ở điện Quảng Hàn. Đọc lại câu Kiều đắn đo muốn từ hôn với Thúc Sinh trước – “Vả trong thềm Quế cung Trăng / chủ trương đành đã chị Hằng ở trong” – thì biết đích “ả Hằng” ám chỉ Hoạn Thư. Tác giả dùng “cung Quảng” để thêm ý nói Hoạn Thư bị chồng bỏ lửng ở buồng không Vô Tích suốt một năm. “Nghĩ sao” = nghĩ ra làm sao. Nghĩa cả câu này là “Ta rất khó liệu tính trước được cái bà vợ bị chồng bỏ lửng vì ta này sẽ nghĩ cách đối phó với ta ra sao, ta nghĩ còn rất nhiều nỗi bất bằng, người này sẽ gây nhiều điều rất ghê gớm cho ta nữa.”

Nhân tiện, theo ý những câu Kiều bảo Thúc Sinh lúc trước (từ câu 1343 “Vẽ chi chút phận bèo mây” đến câu 1358 “Giấm chua lại tội bằng ba lửa nồng”) tôi xin diễn giải rộng ra cho rõ ràng ý lo nghĩ của Kiều lúc đó đối với Hoạn Thư như sau:

Ta chắc rằng cái người đàn bà ghen giận ta này chẳng sao bao dung ta được. Nếu chàng vững tay binh vực ta được, thì ta còn đỡ khổ. Nếu chàng sợ vợ, thì ta thật khổ nhục đủ đường, chịu sao nổi những ngón đòn ghen thâm độc, ta liệu tránh sao cho được? Nhưng đó chỉ là cái khổ kiếp này, chết là hết; chứ nếu chàng lại thẳng tay bội bạc bỏ lửng hẳn vợ cả, chỉ yêu riêng ta, thì cái tội ta cướp chồng đó, kiếp sau ai chịu thay ta?

[16] Nửa vành trăng khuyết, ba sao giữa trời – Trước khi dẫn điển và giải nghĩa câu này, tôi xin giới thiệu qua về chòm ba sao: Đó là ba ngôi sao to sáng đều nhau, lại đứng thẳng hàng gần nhau, cách quãng rất đều, thành chòm sao đẹp nhất trong bầu trời. Chòm ba sao này ta gọi là “Sao Ba”, thiên văn Tàu gọi là “Sao Tâm “[心] và tức là ba ngôi sao đứng thành cái đai lưng chòm sao cầm kiếm mà ta vẫn dùng làm đích để ngắm hướng. Ngôi Sao Ba này lúc nửa đêm dạo tháng tám, tháng chín đứng ở giữa trời ta trông thấy rất rõ.

Ý nghĩa câu “Nửa vành trăng khuyết, ba sao giữa trời” lấy điển ở bài thơ khuyến thiện của thi sĩ Trần Đoàn [陳 摶] đời Tống như sau:

[有 心 無 相 相 即 心 生] = Hữu tâm vô tướng, tướng tức tâm sinh = Có lòng mà không có tướng, tướng sẽ theo lòng mà sinh ra.

[有 相 無 心 相 随 心 滅] = Hữu tướng vô tâm, tướng tùy tâm diệt = Có tướng mà không có lòng, tướng sẽ theo lòng mà tiêu diệt.

[三 点 如 星 象] = Tam điểm như tinh tượng = Tướng ngoài sáng đẹp như hình Sao Ba.

[横 鈎 半 月 斜] = Hoành câu bán nguyệt tà = Mà trong lòng thì độc ác như trăng lưỡi liềm nằm ngang ở dưới.

[披 毛 從 此 得] = Phi mao tòng thử đắc = Khi bới lông xem tướng ai, thì cứ xét chỗ đó là được.

[做 佛 也 由 他] = Tố Phật dã do tha = Dù ai ngoài mặt làm ra bộ hiền lành như Phật, cũng mặc kệ họ.

Bài thơ này khuyên người ta phải giữ lòng cho ngay thẳng tử tế thì mới được hay được khá. Nếu trông tướng tốt thật, nhưng lòng hiểm ác thì cũng sẽ khổ sở chẳng làm nên gì.

Tác giả dùng ý ở câu 3 và câu 4 ở bài thơ trên này đặt thành câu “Nửa vành trăng khuyết, ba sao giữa trời” này vừa để tả tâm hồn linh mẫn của Kiều hơi thấy điềm gì là biết ngay mà tìm cách tránh, vừa để tả tấm lòng trung hậu của nàng lúc nào cũng chỉ sợ tội làm mất hòa khí nhà chồng: “Trăm điều ngang ngửa vì tôi / thân sau ai chịu tội trời ấy cho?”

Xét 5 câu Truyện Kiều này – từ câu 1635 đến câu 1639 – ý nghĩa thật rõ ràng, uyển chuyển, liên tiếp nhau một mạch như sau:

– Câu “Thân sao nhiều nổi bất bằng” tiếp ý với 6 câu bên trên, tả nỗi Kiều tủi thân gặp nhiều sự bất bằng từ trước đến nay;

– Câu “Liệu như Cung Quảng Ả Hằng nghĩ sao” tiếp theo lo gặp nhiều nổi bất bằng xẩy ra sau này, tả nỗi Kiều lo sợ ngón đòn ghen thù độc ác của Hoạn bị chồng say mê mình mà bỏ lửng mụ nằm buồng không, như Ả Hằng ở trong cung Quảng Hàn trong bấy lâu;

– Câu “Đêm thu gió lọt song đào” tả Kiều ngồi buồn lo quên ngủ, mà bỗng thấy gió tung màn cửa sổ lên cho nàng thấy cảnh trăng sao trước buồng;

– Câu “Nửa vành trăng khuyết, ba sao giữa trời” tiếp tục ý thức đêm câu trên và tả tâm hồn thông minh linh mẫn, lòng luôn luôn lo sợ sự bất bằng xẩy ra cho mình, nên thấy điềm giăng lưỡi liềm hiện dưới ba sao, liền nghĩ ngay đến thơ Trần Đoàn mà cảm tưởng ngay đến tội mình đã đem sắc đẹp như Sao Ba dùng làm lưỡi liềm độc ác cắt đứt mối tình đằm thắm giữa vợ chồng Hoạn Thư;

– Câu “Nén hương đến trước Phật đài” tả Kiều sợ tội vội ra thắp hương lễ Phật để sám hối giải oan.

Ý nghĩa mấy câu tả tâm sự Kiều này thật rất hay, và rất rõ ràng liên tiếp; nhưng vì lời vắn tắt quá, ý sâu xa uẩn súc quá thật khó hiểu, nên các nhà xuất bản Truyện Kiều đã không hiểu lại không chịu suy nghĩ cho ra ý nghĩa trôi chảy, thành ra các bản Kiều, mỗi người giảng giải một cách và dẫn điển một cách vu vơ chẳng đâu vào đâu. Tuy có ông cũng dẫn điển đúng hai câu “Tam điểm như tinh tượng / hoành câu bán nguyệt tà”, nhưng lại không hiểu thật là sao Kiều thấy trăng sao ấy lại lo sợ, phải đi lễ Phật.

[17] Dậy lũ ác nhân = Lũ ác nhân nổi “dậy”, bỗng hiện ra.

[18] Khốc quỷ kinh thần = Dữ dội quá, làm cho ma phải khóc, thần phải sợ.

[19] Thây vô chủ = Thây chết trôi ở sông không có ai nhận.

[20] Lận sòng hay lộn sòng = Tráo lộn để đánh lừa ngay trước mắt đám đông người.

[21] Pha càn = Xông bừa vào, không quản gai góc.

[22] Di hài [遺 骸] = Thây xương người chết còn lại.

[23] Khâm liệm [衾 斂] – Trong lễ tang ta, người chết rồi thì được rửa mặt, cắt móng tay chân, mặc quần áo tử tế, để nằm ngay ngắn, và phủ mặt bằng giấy trắng. Trước khi vào quan, trải hai bức mền vải xuống đất, bức rộng màu vàng gọi là “đai khâm” ở dưới, bức hẹp hơn màu trắng ở trên gọi là “tiểu khâm”, dưới tiểu khâm đặt sẵn ba băng vải. Rồi làm lễ “phạn hàm” (= bỏ vàng ngọc hay tiền gạo vào mồm), và “hạ thổ” đặt người chết xuống đất trên hai bức mền; gói bức tiểu khâm lại, buộc cho vuông gọn, rồi mọi người con cháu thân cận cầm chung quanh bức đại khâm mà sẽ khiêng lên đặt vào trong áo quan. Lễ gói bọc thây ma như thế gọi là “khâm liệm.” Tang trai = Các lễ chôn cất và tụng kinh cúng tế.

[24] Lục trình [陸 程] = Đường trên cạn, cũng gọi là đường bộ.

[25] Trung đường [中 堂] = Nhà giữa. Đây tỏ ra là Thúc ông thương Kiều quá, đặt bàn thờ nàng ở chính nhà sang nhất; đáng lẽ phận lẽ mọn chỉ được thờ ở nhà ngang, nhà dưới.

[26] Linh sàng [灵 床] = Bàn thờ người mới chết. Bài vị [牌 位] = Thẻ gỗ nhỏ biên tên tuổi người chết, thường đặt trên cái ngai ở trên cùng bàn thờ.

[27] Vĩnh quyết [永 訣] = Lời dặn lại khi chào nhau ra đi lần cuối cùng, nhất là lúc sắp chết.

[28] Phi phù trí quỷ [飛 符 致 鬼] = Phép đốt tờ giấy bùa để đưa hồn người sống đi tìm hồn người chết về, của các thầy đồng, tục gọi là “đánh đồng thiếp.” Thông huyền [通 玄] = Giao thông (liên lạc) với hồn người chết.

[29] Tam đảo = Ba núi tiên ở trên trời ngoài bể: Bồng Lai, Phương Trượng và Doanh Châu. Cửu tuyền = Cõi âm phủ, vì ở dưới chín lần suối.

[30] Tĩnh đàn [淨 壇] = Bàn thờ rất thanh tịnh lập ra để cúng cầu thần thánh.

[31] Xuất thần = Thả hồn mình ra khỏi xác thịt để đi tìm hồn người chết mà hỏi han.

[32] Trong là số tử vi có 12 cung như Thân cung [親 宮] nói về cha mẹ, Mệnh cung [命 宮] nói về thân mình, Bào cung [胞 宮] nói về anh em… Trong sách số nói Mệnh cung mà khi có sao Bột tới thì có tai nạn vào thân.

[33] Chìn chìn – Xem lời đính chính câu 1697.

[34] Đồng cốt = Thầy cúng (đàn ông gọi là ông đồng, đàn bà gọi là bà cốt).

Diễn ra văn xuôi

Câu 1607, 1608 = Hoạn Thư về tới nhà, phô bày với mẹ đủ mọi tình tiết: Chồng ăn ở bội bạc để riêng nàng phải chịu phần đen đủi thiệt thòi đủ phần. Chàng đã lấy vợ lẽ mà khinh rẻ nàng, chẳng thèm bảo nàng, lại còn bỏ lửng nàng hơn một năm trời không thèm về thăm hỏi, để nàng ngẩn ngơ oán giận mà chẳng dám than thở cùng ai.

Câu 1609, 1610 = Nàng nói tiếp: Nhưng con nghĩ rằng, có hay gì cái sự ‘ngứa ghẻ hờn ghen’, mình mà to tiếng nói xấu chê trách chàng, thì chồng mang tiếng xấu, mà chẳng ai khen mình, ai cũng sẽ chê mình là kẻ đàn bà hẹp lượng, ghen tuông, hỗn hào.

Câu 1611, 1612 = Bởi vậy con phải ngoảnh mặt làm ngơ coi như mình không biết; nhưng từ lâu, bụng con đã nghĩ ngầm được một mưu cao báo thù như thế này:

Câu 1613, 1614 = Từ Vô Tích đến Lâm Truy, đi đường bộ thì mất cả tháng, nhưng đi thuyền đường bể thì chóng đến, coi như gần hơn nhiều.

Câu 1615 đến 1618 = Mình dọn sạch lấy một chiếc thuyền cho nhẹ nhàng thuận tiện, và kén lấy một bọn gia nhân tinh khôn, sai đi bắt lấy ả, lấy dây xích cổ lại đem về đây, sửa cho một phen, làm cho xác mệt, cho hồn mê, làm cho đau đớn nhục nhã, ê chề đủ đường, cho biết tay ta.

Câu 1619, 1620 = Trước là cho bõ giận hai đứa si tình quên cả lễ nghĩa, sau là để thành một trò cười về sau.”

Câu 1621, 1622 = Hoạn bà khen mưu ấy hay lắm, và chiều con gái cho ra tay muốn làm gì thì làm.

Câu 1623 đến 1626 = Hoạn Thư được mẹ cho phép, liền sai sửa sang một chiếc thuyền, buồm lèo sửa lại cho tốt, rồi lựa lấy một bọn gia nhân đủ mặt du côn, cầm đầu là hai tên Khuyển, Ưng. Nàng dặn dò bọn chúng đầy đủ hết các cách thi hành mưu mẹo của nàng, và cho kéo buồm thuận gió một chiều thẳng đường vượt sang bến Lâm Truy đất Tề.

Câu 1627, 1628 = Từ khi Thúc Sinh đi rồi, Kiều ở một mình trong buồng cửa có màn the che kín, lúc nào bụng cũng buồn rầu, phần vì tình thương nhớ cha mẹ, tình nhớ tiếc Kim Trọng, phần vì cảnh bơ vơ lo sợ cuộc lẽ mọn dưới quyền Hoạn Thư.

Cau 1629, 1630 = Nào là khi nàng nghĩ đến cha mẹ tuổi đã già như mặt trời buổi chiều đã xế thấp xuống ngang đầu chẳng mấy lúc nữa mà lặn, thì nàng lại băn khoăn không được ở gần để chăm nom, đến nỗi nay chẳng biết có ai săn sóc cho cha mẹ mùa đông được ấm, mùa hè được mát, và phụng dưỡng được cơm lành canh ngọt, miếng ngon miếng bùi không?

Câu 1631, 1632 = Nào là khi nàng ngó đến món tóc chỗ cắt để thề với Kim Trọng, nay đã lại mọc dài xuống tới vai, thì nàng lại thiết tha nhớ tiếc cuộc tình duyên đã chỉ sông chỉ núi mà thề, thế mà trời không cho được thành vợ thành chồng, để đến nỗi nay nàng phải gặp bước long đong khổ nhục như thế này.

Câu 1633, 1634 = Tình nhớ tiếc việc xưa đã làm nàng sầu khổ như vậy, cảnh bơ vơ hiện tại lại khiến nàng phải lo sợ trăm nỗi: Nàng đã đành chịu tủi làm kiếp lẽ mọn, nhưng chẳng biết cái khuôn duyên này trời có cho được vuông tròn không?

Câu 1635, 1636 = Rồi nàng lại ngẫm nghĩ thương thân: Ôi! Một thân ta sao gặp lắm nỗi bất bằng như thế? Nào nỗi bất bằng đã qua, nào nỗi bất bằng hiện tại. Rồi đây lại còn biết bao nhiêu nỗi bất bằng sẽ xẩy ra cho ta sau này nữa? Ta không biết rồi đây mụ Hoạn Thư đã bị chồng vì mê ta mà bỏ bẵng mụ lạnh lùng trong bấy lâu, như ả Hằng Nga nằm trong cung Quảng Hàn, mụ sẽ giở những ngón đòn ghen thù độc ác thế nào với ta? Ta biết chàng Thúc không đủ tài để binh vực nổi ta trước nanh vuốt con sư tử này. Ta chỉ còn cách chịu nhẫn nhục, khéo luồn cúi chiều chuộng để giữ hòa khí giữa hai vợ chồng mụ và để ta khỏi tội cướp chồng người.

Câu 1637, 1638 = Trong khi nàng đương ngồi buồn lo quên ngủ, thì bỗng gió thu thổi tung bức màn cửa sổ trước mặt nàng, nàng trông ra thấy ngôi Sao Ba ở giữa trời, gần dưới có vành trăng lưỡi liềm, nàng sực nhớ đến bài thơ khuyến thiện của một bực tiên tri Trần Đoàn xưa (xem chú thích số 16 đoạn này), nàng giật mình sợ quá, nghĩa rằng, có lẽ vì bụng mình không tốt dạ quyến rũ chồng người, nên trời vén màn lên báo cho mình biết điềm ngoài đẹp, nhưng trong xấu như vậy.

Câu 1639, 1640 = Nàng sợ điềm xấu gở ấy, nên vội vàng chạy đến trước đền thờ Phật mà đốt hương cầu khấn xin Phật giải oan. Nhưng nàng chưa kịp khấn hết lời thì tai nạn đã đến rồi.

Câu 1641, 1642 = Ở dưới dẫy hoa, bỗng đổ ra một bọn kẻ cướp thét lác ầm ầm, làm cho ma phải khóc, cho thần phải sợ, rồi tuốt gươm ra sáng lòa đầy sân.

Câu 1643 đến 1646 = Kiều sợ hãi rụng rời, chưa biết làm thế nào, thì chúng đã tưới thuốc mê vào mặt, khiến nàng mê đi như ngủ, chẳng biết gì nữa.

Câu 1647, 1648 = Lũ nó vực nàng lên ngựa, đem đi ngay lập tức, và vung lửa đốt cả buồng nàng ngủ và thư viện của chàng, lửa cháy nổ đùng đùng một lượt.

Câu 1649, 1650 = Lũ nó còn mang sẵn một xác chết không ai thừa nhận, khiêng vào đặt trong buồng nàng để đánh tráo là nàng, và lừa mọi người trong nhà, nào ai biết được là xác ai.

Câu 1651, 1652 = Bọn tôi tớ trong nhà thấy giặc đến, phách lạc hồn bay, chạy tán loạn đi rúc bừa vào bụi cỏ gốc cây mà ẩn náu.

Câu 1653 đến 1656 = Thúc ông, nhà cũng ở gần quanh, chợt thấy ngọn lửa bốc lên, giật mình sợ hãi, thày trò vội vàng chạy thẳng đến nơi, nào là múc nước tưới lửa tơi bời, nào là kêu, tìm người nhà ồn ào một lượt.

Câu 1657, 1658 = Ngọn lửa càng cao, thì gió thổi càng mạnh, và ngọn lửa càng cao thêm. Tôi tớ trong nhà đều tìm thấy đủ mặt, mà riêng mặt nàng chẳng thấy đâu cả.

Câu 1659, 1660 = Mọi người hất hơ hất hải nhìn nhau lo sợ, người chạy phía trước, người chạy nẻo sau, tìm tòi khắp nơi, nào dưới giếng sâu, nào trong bụi rậm, chỗ nào cũng tìm đến mà chẳng thấy nàng đâu.

Câu 1661, 1662 = Bỗng một người chạy vào buồng nàng ở mà bới đống tro than thì thấy một xác người đã cháy thành than.

Câu 1663, 1664 = Mọi người đều ngay tình, nào ai biết được mưu gian của bọn kia, nên ai cũng cho đó chính là xác nàng Kiều rồi, chứ còn ai nữa.

Câu 1665, 1666 – Thúc ông khóc sùi sụt, nước mắt lã chã, giọt ngắn giọt dài, nghĩ đến con vắng vẻ, lại càng thương nàng là người nết na mà chết thảm hại như thế, không được gặp chồng nữa từ khi khuyên chồng vê thăm quê cho phải đạo.

Câu 1667, 1668 = Ông sai nhặt hết các phần bộ di hài nàng về nhà ông sắp xếp đâu vào đấy và khâm liệm vào quan tử tế rồi làm ma chôn cất, tụng kinh thờ cúng cẩn thận.

Câu 1669, 1670 = Khi các lễ thường ma chay đã làm đủ rồi, thì Thúc Sinh đi đường bộ vừa tới nơi.

Câu 1671, 1672 = Chàng bước chân vào nhà, thấy căn nhà có buồng nàng ở trước và lầu sách của chàng xưa, chỉ còn là một đống tro tàn ở giữa bốn bức tường dầu mưa dãi nắng.

Câu 1673, 1674 = Chàng sang bên nhà cha, vào căn nhà giữa thấy có bàn thờ cúng người mới chết. Trên bàn thờ có bài vị đề tên tuổi nàng để thờ.

Câu 1675, 1676 = Hỡi ôi! Khi chàng nghe Thúc ông kể hết đầu đuôi sự tình bị cướp phá đốt nhà thế nào, và duyên phận nàng xấu số bị chết cháy thành than thế nào, ruột chàng như đứt theo mối tơ tình, và gan chàng nóng bỏng như bị ngọn lửa phiền đốt cháy.

Câu 1677, 1678 = Chàng gieo mình xuống đất mà vật vã khóc than: Thương ôi! Con người như thế mà chết oan uổng thê thảm như thế này à?

Câu 1679, 1680 = Ta những tưởng rằng hôm nay về đây thì vợ chồng lại sum họp vui vẻ với nhau. Nào có ngờ đâu cái ngày vợ chồng tiễn biệt nhau lại hóa ra cái ngày vợ chồng nói những lời cuối cùng để vĩnh biệt nhau!

Câu 1681, 1682 = Chàng càng thương nàng thì lại càng nghĩ đến nàng, càng nghĩ đến nàng thì lại càng thương nàng, khó ai có thể khuyên giải để vùi lấp được nỗi thảm của chàng, hay làm khuây được nỗi phiền của chàng.

Câu 1683, 1684 = Ở gần miền đây, có một ông thày đồng rất cao tay trong nghề đánh đồng thiếp, có thể đốt bùa gửi đi để giao thông được với quỷ thần và gọi được hồn ma đến.

Câu 1685, 1686 = Dù hồn người chết ở các cõi tiên nơi Tam Đảo, hay ở nơi âm phủ dưới Cửu tuyền, đều có thể tìm được tin tức rõ ràng ngay.

Câu 1687, 1688 = Chàng mới sắm sửa lễ vật rồi đón ông thầy đồng ấy đến, xin ông cố tìm cho thấy mặt nàng mà hỏi cho rõ tin tức.

Câu 1689 đến 1691 = Ông đạo nhân này bày bàn thờ cúng, nằm phủ phục xuống trước bàn thờ tĩnh này mà lìa hồn ra khỏi xác thịt để đi tìm vong hồn. Chỉ trong giây phút, chưa hết nén hương, ông đã trở về tỉnh dậy và nói rõ ràng minh bạch rằng:

Câu 1692 đến 1694 = Mặt nàng thì không tìm thấy đâu, nhưng việc nàng đã tra xét được. Nàng hiện còn mang nặng tội nghiệp gây ra từ kiếp trước, nên còn nhiều nợ tiền oan lắm, chưa sao chết được.

Câu 1695, 1696 = Hiện nay mệnh cung nàng còn đương có nạn to, và một năm sau nữa vợ chồng mới lại tìm dò được tin nhau.

Câu 1697, 1698 = Nhưng chỉ lạ một điều là vợ chồng gặp nhau, dù giáp mặt nhau chìn chìn, gần như sát mặt vào nhau, rất muốn nhìn nhau mà chẳng dám nhìn, thế có lạ không?

Câu 1699, 1700 = Nghe lời thày sao lạ lùng quá vậy! Sự nàng chết đã rành rành như thế rồi, lời thày nói tin sao được?

Câu 1701, 1702 = Chẳng qua đó là lời ông đồng bà cốt, nói quàng xiên xong lần, chứ sao còn thấy được mặt nàng ở trên cõi người này nữa?

Câu 1703, 1704 = Càng tiếc nhớ Kiều bao nhiêu, chàng lại càng ngậm ngùi nhớ tiếc những cuộc thơ rượu vui vẻ cùng nàng ở trước cảnh hoa xuân tươi đẹp bấy nhiêu. Chàng nghĩ đến đời chàng dễ đâu lại được gặp tiên lần nữa như thế!

Những câu hay chữ có ý móc nối hoặc châm biếm

– Những điều Hoạn Thư phô trình với mẹ ở đoạn này (Chương 18) đều là những ý định thầm kín trong lòng nàng ở đoạn trước (Chương 17). Những câu [Nỗi chàng ở bạc nỗi mình chịu đen / Nghĩ rằng ngứa ghẻ hờn ghen / Xấu chàng mà có ai khen chi mình] ứng với những câu [Giận người đen bạc ra lòng trăng hoa / Dại chi chẳng giữ lấy nền / Tốt chi mà rước tiếng ghen vào mình] ở đoạn trên.

– Những câu Hoạn Thư kể cách làm tội Kiều cho mẹ nghe [Làm cho, cho mệt, cho mê / Làm cho đau đớn ê chề cho coi] ứng với những câu [Làm cho nhìn chẳng được nhau / Làm cho đày đọa cất đầu chẳng lên].

– Những câu Kiều kể định làm khổ tâm hồn Thúc Sinh để báo thù: [Trước cho bõ ghét những người / Sao cho để một trò cười về sau] ứng với ý nàng định làm ở đoạn trên [Làm cho trông thấy nhãn tiền / Cho người thăm ván bán thuyền biết tay].

– Câu [Mưu cao vốn đã rấp ranh những ngày] ứng với câu [Lo gì việc ấy mà lo / Kiến trong miệng chén còn bò đi đâu].

– Ba câu [Đêm thu gió lọt song đào / Nửa vành trăng khuyết, ba sao giữa trời / Nén hương đến trước Phật đài] nghĩa thật liền lạc khẩn thiết với nhau: Gió đêm thu thổi vào buồng làm tung màn cửa sổ lên, Kiều mới trông thấy vành trăng lưỡi liềm dạo hạ tuần ở phía dưới, và ngôi Sao Ba sáng đẹp ở giữa trời. Nàng đương lo số nàng hay gặp lắm sự trắc trở, nên nàng thấy cảnh thơ ông Trần Đoàn tả Sao Ba có trăng lưỡi liềm như thế, để chê người tướng ngoài thì tốt, nhưng trong bụng xấu thì tốt cũng hóa xấu. Rồi nàng nghĩ ngay đến nàng đã cướp chồng của Hoạn Thư là nàng có tội xấu bụng, nên trời mới báo điềm tốt mà hóa xấu như thế, nên mới vội đi thắp hương cúng Phật để sám hối cầu phúc.

– Câu [Nén hương đến trước Phật đài / Nỗi lòng khấn chửa hết lời vân vân] ứng với câu [Trăm điều ngang ngửa vì tôi / Thân sau ai chịu tội trời ấy cho].

[ĐÀM DUY TẠO]