CHƯƠNG 20

KIM VÂN KIỀU ĐÍNH GIẢI

Hương Ngạn Đào Tử ĐÀM DUY TẠO

trước tác năm 1986

(Thứ nam) Đàm Trung Pháp

hiệu đính và phổ biến năm 2019

* * * * *

CÂU 1791 ĐẾN CÂU 1938

“Thấp cao chung sợ, đau sướng khác lòng”

1791. Lâm Truy từ thuở uyên bay, [1]

Buồng không thương kẻ tháng ngày chiếc thân.

1793. Mày ai trăng mới in ngần, [2]

Phần thừa hương cũ bội phần xót xa. [3]

1795. Sen tàn cúc lại nở hoa, [4]

Sầu dài ngày ngắn, đông đà sang xuân.

1797. Tìm đâu cho thấy cố nhân?

Lấy câu vận mệnh khuây dần nhớ thương. [5]

1799. Chạnh niềm nhớ cảnh gia hương,

Nhớ quê chàng lại tìm đường thăm quê.

1801. Tiểu thư đón cửa dã dề, [6]

Hàn huyên vừa cạn mọi bề gần xa.

1803. Nhà hương cao cuốn bức là, [7]

Buồng trong truyền gọi nàng ra lạy mừng.

1805. Bước ra một bước một dừng,

Trông xa nàng đã tỏ chừng nẻo xa:

1807. Phải chăng nắng quáng đèn lòa, [8]

Rõ ràng ngồi đó chẳng là Thúc Sinh?

1809. Bây giờ tình mới rõ tình,

Thôi thôi đã mắc vào vành chẳng sai.

1811. Chước đâu có chước lạ đời? [9]

Người đâu mà lại có người tinh ma?

1813. Rõ ràng thật lứa đôi ta,

Làm ra con ở chúa nhà đôi nơi.

1815. Bề ngoài thơn thớt nói cười, [10]

Mà trong nham hiểm giết người không dao. [11]

1817. Bây giờ đất thấp trời cao,

Ăn làm sao, nói làm sao, bây giờ?

1819. Càng trông mặt càng ngẩn ngơ,

Ruột tằm đòi đoạn như tơ rối bời.

1821. Sợ uy dám chẳng vâng lời,

Cúi đầu nép xuống sân mai một chiều.

1823. Sinh đà phách lạc hồn siêu:

“Thương ơi chẳng phải nàng Kiều ở đây?

1825. Nhân làm sao đến thế này?

Thôi thôi ta đã mắc tay ai rồi!”

1827. Sợ quen dám hở ra lời, [12]

Không ngăn giọt ngọc sụt sùi nhỏ sa.

1829. Tiểu thư trông mặt hỏi tra:

 “Mới về có việc chi mà động dung?” [13]

1831. Sinh rằng; “Hiếu phục vừa xong, [14]

Suy lòng “trắc dĩ”, đau lòng “chung thiên”. [15]

1833. Khen rằng: “Hiếu tử đã nên!

Tẩy trần mượn chén giải phiền đêm thu.”

1835. Vợ chồng chén tạc, chén thù, [16]

Bắt nàng đứng chực trì hồ hai nơi. [17]

1837. Bắt khoan bắt nhặt đến lời,

Bắt quì tận mặt bắt mời tận tay.

1839. Sinh càng như dại như ngây,

Giọt dài giọt ngắn chén đầy chén vơi.

1841. Ngảnh đi chợt nói chợt cười,

Cáo say chàng đã giạm bài lảng ra. [18]

1843. Tiểu thư vội thét: “Con Hoa!

Khuyên chàng chẳng cạn thì ta có đòn.” [19]

1845. Sinh càng nát ruột tan hồn,

Chén mời phải ngậm bồ hòn ráo ngay. [20]

1847. Tiểu thư cười, nói, tỉnh, say,

Chưa xong cuộc rượu lại bày trò chơi.

1849. Rằng: “Hoa nô đủ mọi tài,

Bản đàn thử dạo một bài chàng nghe.”

 1851. Nàng đà than hoán tê mê, [21]

Vâng lời ra trước bình the vặn đàn. [22]

1853. Bốn dây như khóc như than,

Khiến người trên tiệc cũng tan nát lòng.

1855. Cùng chung một tiếng tơ đồng, [23]

Người ngoài cười nụ, người trong khóc thầm. [24]

1857. Giọt châu lã chã khôn cầm,

Cúi đầu chàng những gạt thầm giọt sương. [25]

1859. Tiểu thư lại thét lấy nàng:

“Cuộc vui gảy khúc đoạn trường ấy chi?

1861. Sao chẳng biết ý tứ gì?

Cho chàng buồn bã tội thì tại ngươi.”

1863. Sinh càng thảm thiết bồi hồi,

Vội vàng gượng nói gượng cười cho qua.

1865. Giọt rồng canh đã điểm ba, [26]

Tiểu thư nhìn mặt dường đà can tâm.

1867. Lòng riêng khấp khởi mừng thầm:

Vui này đã bõ đau ngầm xưa nay.

1869. Sinh thì gan héo ruột đầy,

Nỗi lòng càng nghĩ càng cay đắng lòng.

1871. Người vào chung gối loan phòng,

Nàng ra tựa bóng đèn giong canh dài. [27]

1873. Bây giờ mới rõ tăm hơi,

Máu ghen đâu có lạ đời nhà ghen!

1875. Chước đâu rẽ thúy chia uyên, [28]

Ai ra đường nấy, ai nhìn được ai.

1877. Bây giờ một vực một trời, [29]

Hết điều khinh trọng, hết lời thị phi.

1879. Nhẹ như bấc, nặng như chì, [30]

Gỡ cho ra nữa, còn gì là duyên?

1881. Lỡ làng chút phận thuyền quyên,

Bể sâu sóng cả, có tuyền được vay?

1883. Một mình âm ỉ đêm chày,

Đĩa dầu vơi, nước mắt đầy, năm canh.

1885. Sớm trưa hầu hạ đầy doành, [31]

Tiểu thư chạm mặt đè tình hỏi tra. [32]

 1887. Lựa lời nàng mới thưa qua:

“Phải khi mình lại xót xa nỗi mình.”

1889. Tiểu thư hỏi lại Thúc Sinh:

“Cậy chàng tra lấy thực tình cho nao!”

1891. Sinh đà ruột rát như bào, [33]

Nói ra chẳng tiện trông vào chẳng đang!

1893. Những e lại lụy đến nàng,

Đánh liều mới sẽ lựa đường hỏi tra.

1895. Cúi đầu quỳ trước sân hoa,

Thân cung nàng mới dâng qua một tờ. [34]

1897. Diện tiền trình với Tiểu thư,

Thoạt xem dường có ngẩn ngơ chút tình.

1899. Liền tay trao lại Thúc Sinh,

Rằng: “Tài nên trọng mà tình nên thương!

1901. Ví chăng có số giàu sang,

Giá này dẫu đúc nhà vàng cũng nên! [35]

1903. Bể trần chìm nổi thuyền quyên, [36]

Hữu tài thương nỗi vô duyên lạ đời!”

1905. Sinh rằng: “Thật có như lời,

Hồng nhan bạc mệnh một người nào vay!

1907. Nghìn xưa âu cũng thế này,

Từ bi âu liệu bớt tay mới vừa.” [37]

1909. Tiểu thư rằng: “Ý trong tờ,

Rắp đem mệnh bạc xin nhờ cửa Không. [38]

1911. Thôi thì thôi cũng chiều lòng,

Cũng cho cho nghỉ trong vòng bước ra.

1913. Sẵn Quan Âm các vườn ta, [39]

Có cây trăm thước, có hoa bốn mùa. [40]

1915. Có thảo thụ, có sơn hồ,

Cho nàng ra đó giữ chùa chép kinh.”

1917. Tàng tàng trời mới bình minh, [41]

Hương hoa, ngũ cúng, sắm sanh lễ thường.

1919. Đưa nàng đến trước Phật đường,

Tam qui, ngũ giới, cho nàng xuất gia. [42]

1921. Áo xanh đổi lấy cà sa,

Pháp danh lại đổi tên ra Trạc Tuyền. [43]

1923. Sớm khuya tính đủ dầu đèn,

Xuân, Thu, cắt sẵn hai tên hương trà. [44]

1925. Nàng từ lánh gót vườn hoa,

Dường gần rừng tía, dường xa bụi hồng. [45]

1927. Nhân duyên đâu nữa mà mong,

Khỏi điều thẹn phấn, tủi hồng thì thôi.

1929. Phật tiền thảm lấp, sầu vùi,

Ngày pho thủ tự, đêm nồi tâm hương. [46]

1931. Cho hay giọt nước cành dương, [47]

Lửa lòng tưới tắt mọi đường trần duyên. [48]

1933. Nâu sồng từ trở màu thiền, [49]

Sân thu trăng đã vài phen đứng đầu,

1935. Cửa thiền, then nhặt, lưới mau, [50]

Nói lời trước mặt, rời châu vắng người.

1937. Gác kinh viện sách đôi nơi,

Trong gang tấc lại gấp mười quan sơn.

Đính chính và xác định

Câu 1851 – “Nàng đà than hoán tê mê” – Than hoán là bệnh trúng phong làm cho trí óc mê sảng và người rùng rợn co run. Đây nói Kiều được lệnh gảy đàn cho Thúc Sinh nghe, mừng quá giật mình như bị trúng phong, người run lên. Nhiều bản Kiều đổi “than hoán” thành “choáng váng” làm trái nghĩa ý chỗ này. Bản Kiều của hai ông Kim và Kỷ in là “tán hoán” và giải nghĩa là ngẩn ngơ, mê mẩn, chưa thật đúng.

Câu 1880 – “Gỡ cho ra nữa, còn gì là duyên” = Dù cho mình có gỡ được ra thoát cảnh khổ cực chỗ này nữa, thì khi đó đã hết duyên rồi còn ai lấy nữa. Nghĩa phân minh trôi chảy như thế mà có bản Kiều quốc ngữ dịch chữ “nữa [女]” này ra “nợ” (vì chữ [女] có thể đọc là “nữa” hay là “nợ”) cho hợp với nợ (gỡ nợ) nhưng không ai nói “gỡ cho ra nợ” mà chỉ nói “gỡ cho xong nợ.” Vả lại, để chữ “nữa” mới ăn nghĩa mật thiết với chữ “còn.”

Câu 1885 – “Sớm khuya lệ tủi đầy doành” = Những lúc sớm, lúc khuya vắng người, nàng thường tủi phận khóc ngầm, nước mắt đầy hai vành mắt. Câu này lấy ý ở câu chữ Hán [愁 淚 常 盈 眶 = Sầu lệ thường doanh khuông = Nước mắt sầu tủi thường ứa ra đầy trong vành mắt] mà đặt ra. Khuông [眶] = Hai mí mắt. Doành = Vùng bể. Mặt doành = Mặt bể. Sách thuốc gọi mắt là ngân hải [銀 海] (bể bạc). Trong văn chương, mắt người khổ cực khóc nhiều vẫn gọi là lệ hải [淚 海] (bể nước mắt). “Sớm khuya lệ tủi đầy doành” nguyên chữ nôm viết là [𣌋𣌉淚 𢢇 𣹓氵+盈] nhưng vì 4 chữ sau ở bản cũ in nhòe quá, người cho khắc in lại, nhận lầm chữ [淚] ra [侯] (hầu) và cho chữ nhòe dưới phải là chữ [下] (hạ), mới liền nghĩa với chữ hầu, và hợp với cảnh Kiều bấy giờ. Chữ đầy [𣹓] thì chỉ còn nửa bên hữu là [苔] (đài = rêu). Chữ doành [氵+盈] thì nhận lầm ra doanh [楹] (cái cột). Thế là câu này ở bản khắc lại lầm ra [𣌋 𣌉 侯 下 苔 楹 = Sớm khuya hầu hạ đài doanh]. Rồi bản Kiều cụ Vũ Trinh đổi chữ [苔 楹] (đài doanh = cái cột rêu) ra chữ [臺 楹] (đài doanh = cái cột đền) cho có nghĩa hơn. Nhân còn giữ chữ [楹] này tôi mới suy nghĩ ra được chữ [氵+盈] “doành” nguyên bản, và nhân chữ [侯] mới suy nghĩ ra được chữ [淚] “lệ” nguyên bản.

Câu 1893 – “Nhưng e lại lụy đến nàng” – Chữ “nhưng” ở câu này, các bản Kiều quốc ngũ đều phiên âm là “những”, khiến cho nghĩa câu này không liên tiếp với mấy câu trên, dưới. Vậy phải để là “nhưng” mới thật đúng, và nghĩa cả bốn câu 1891, 1892, 1893, 1894 này rất liên tiếp là: Thúc Sinh đã thương Kiều nát ruột như bào. Chàng biết thừa là Kiều phải khóc thầm là vì Kiều hối hận đã lầm lỡ mà lấy chàng; là vì chàng chẳng binh vực che chở được chút nào; là vì Kiều thấy chàng vẫn vui vẻ sánh đôi với vợ cả, và bỏ lờ nàng phải lẻ loi tủi cực suốt đêm ngày. Những cớ khiến Kiều phải tủi khóc ấy mà chàng nói ra ở trước mặt Hoạn Thư thì thật là bất tiện, và thấy cảnh Kiều bị nhục thế, thì không nỡ lòng nhìn đến, nhưng Sinh lại e rằng, nếu lờ đi mặc Kiều với Hoạn Thư thì sợ nàng sẽ bị Hoạn Thư đánh đập, nên Sinh mới đánh nước bài liều, đón lấy roi mà không đánh, chỉ sẽ lựa lời hỏi Kiều mấy câu.

Câu 1915 – “Có thảo thụ, có sơn hồ” = Có cảnh hoa cỏ đẹp, cây cối mát. Có bản Kiều in chữ “thảo thụ” là “cổ thụ” nghĩa đã không đẹp bằng thảo thụ, đối lại không chỉnh với hai chữ sơn hồ. Chữ thảo thụ còn gợi trước ý câu “Tìm hoa quá bước xem người viết kinh” ở sau.

Câu 1916 – “Cho nàng ra đó giữ chùa chép kinh” – Chữ “chép kinh” có bản in là “đọc kinh”, có bản in là “viết kinh” đều là lầm cả. Chữ “đọc” thì thật sai hẳn nghĩa, còn chữ “viết” cũng không xác đáng bằng chữ “chép”, vì viết kinh còn có nghĩa là sáng tác ra một quyển kinh. Bên Phật giáo có tục chép kinh Phật để phân phát cầu phúc. Có người thuê chép hàng trăm quyển để phát cho dân chúng. Đây chắc Hoạn Thư cũng bắt Kiều chép kinh để phân phát cầu phúc.

Chú giải và dẫn điển

[1] Uyên bayUyên ương [鴛 鴦] = loài chim chân vịt, có lông đẹp, sống ở sông hồ, đôi nào riêng đôi ấy, luôn ở bên nhau, nên văn sĩ vẫn dùng chữ uyên ương để chỉ vợ chồng. Đây nói uyên bay nghĩa bóng là Kiều bị bắt đi. Đáng lẽ nói là ương bay mới đúng, vì ương mới là con mái, nhưng vì tiếng ương nghe không đẹp, vì gần chữ ương ngạnh hay tai ương, nên con gái chỉ đặt tên uyên cho đẹp. Đây tác giả cũng theo tục ấy.

[2] Trăng mới in ngần = Thúc Sinh mỗi khi trông thấy trăng đầu tháng (trăng mới) hình cong như cánh cung, lại nhớ đến đôi lông mày đẹp của Kiều giống như vậy.

[3] Phấn thừa hương cũ – Văn chữ Hán có câu “Thặng phấn dư hương” [剩 粉 餘 香] = Phấn hương còn thừa của người vợ đã mất đi (làm cho chồng trông thấy, ngửi thấy, lại thương nhớ khổ sở).

[4] Sen tàn, cúc lại nở hoa – Vì sen nở về mùa hè, cúc nở về mùa thu, câu này hàm ý “mùa hè đã hết, lại sang mùa thu rồi.” Ý nghĩa thâm thúy của nó là “cái tình đằm thắm như hoa sen đối với Kiều thì đã tàn rồi, và cái tình nhạt nhẽo đứng đắn như hoa cúc, đối với Hoạn Thư lại sắp sửa nẩy nở trở lại.”

[5] Vận mệnh = Vận hạn số mệnh do trời đã định cho mình, mình đành phải chịu không thể trốn tránh được.

[6] Dã dề = Vui vẻ niềm nở.

[7] Nhà hương = Nhà có hoa lan thơm, do chữ “lan thất” [蘭 室] dịch ra. Bản kinh để nguyên chữ là nhà lan, tức là căn nhà lịch sự, sạch thơm vẫn để tiếp khách. Bức = Bức màn may bằng vải the mỏng đẹp.

[8] Nắng quáng đèn lòa = Bị nắng làm cho quáng mắt, bị đèn làm cho lóa mắt. Ý câu này là: Nào có phải mắt Kiều bị nắng, bị đèn làm quáng lòa đi đâu. Rõ ràng là Kiều trông thấy Thúc Sinh ngồi kia hẳn hoi.

[9] Chước = Mưu mẹo đặt ra để lừa người. Chước lạ đời = Mưu mẹo khéo đặt thâm hiểm lạ lùng ở trên đời.

[10] Thơn thớt = Cười nói một cách rất vui vẻ ở bề ngoài.

[11] Giết người không dao – Chữ Hán có câu “Sát nhân vô đao kiếm” [殺 人 無 刀 劍] = Giết người không cần dùng đến dao gươm. Lại có câu “Lý Lâm Phủ tiếu trung hữu đao” [李 林 甫 笑 中 有 刀] = Trong cái cười tươi của Lý Lâm Phủ có lưỡi dao giết người. (Lý Lâm Phủ là một tay gian tướng đời nhà Đường).

[12] Sợ quen = (Thúc Sinh) sợ vợ đã thành thói quen đi rồi.

[13] Động dung [動 容] = Đổi nét mặt vì lòng thương cảm.

[14] Hiếu phục [孝 服] = Mặc quần áo tang mẹ. Xem câu này thì biết Thúc Sinh lấy Kiều trong khi còn tang mẹ là trái lễ trái luật nên lại sợ Hoạn Thư không dám nhận Kiều làm vợ lẽ.

[15] Trắc dĩ [陟 屺] = Nhớ mẹ. Trong Kinh Thi có mấy bài thơ của người lính thú phương xa tả lòng nhớ cha, nhớ mẹ, nhớ anh. Bài nhớ mẹ có câu “Trắc bi dĩ hề, chiêm vọng mĩ (mẫu) hề” [陟 彼 屺 兮, 瞻 望 母 兮] = Lên núi kia này, trông ngóng mẹ này. Chung thiên – Sách Nho gọi con để tang cha mẹ là “Chung thân chi tang” [終 身 之 喪] = Cuộc tang chở suốt đời. Vì vậy người con gọi tang cha mẹ là chung thiên, nghĩa là cho đến lúc hết tuổi trời cho. Nghĩa cả câu: Suy lòng người xưa nhớ mẹ này, thì ta thương mẹ suốt đời.

[16] Chén tạc, chén thùTạc [酢] = Chén rượu mời. Thù [酬] = Chén rượu mời trả lại.

[17] Trì hồ [持 壷] = Người cầm hồ rượu mà đứng hầu, thấy chén ai cạn thì đến rót mời thêm.

[18] Giạm = Nói ướm trước. Giạm bài lảng ra = Thúc Sinh tỏ ý mình say rồi, muốn thôi không uống nữa để Kiều khỏi phải đứng hầu.

[19] Có đòn = Lời đe đánh đòn của kẻ trên hống hách với tôi tớ.

[20] Bồ hòn = Thứ quả cây hình tròn mà cũng có hột đen như quả nhãn, nhưng vỏ có nhiều nhựa rất đắng và dùng để giặt quần áo được. Quả bồ hòn trông rất ngon, trẻ con không biết bỏ vào mồm ăn là vội nhè ra ngay. Cho nên khi gặp việc đắng cay đau khổ mà cứ phải đành chịu, thì nói là “ngậm quả bồ hòn.” Ca dao có câu “Đắng cay em ngậm quả bồ hòn / Con nhà gia thế mà chồng con kém người.”

[21] Than hoán [瘫 痪] = Bịnh trúng phong làm thần kinh tê dại, gân thịt co run.

[22] Bình the = Bức bình phong bằng the căng trong mấy khung gỗ.

[23] Tơ đồng = Cây đàn làm bằng gỗ cây ngô đồng [梧 桐]. Tiếng tơ đồng = Tiếng đàn gảy. Theo sách Hán, xưa kia có người đốt gỗ ngô đồng để nấu cơm. Ông Sái Ung nghe tiếng lửa nổ kêu sang sảng, biết là gỗ làm đàn tốt, liền đổi gỗ củi khác, xin về làm đàn. Quả nhiên tiếng đàn gảy rất hay, vì vậy mà người sau mới biết dùng gỗ cây ngô đồng làm thân cây đàn.

[24] Người ngoài cười nụ, người trong khóc thầm = Hoạn Thư thấy Thúc Sinh nghe đàn, lòng đau thương Kiều quá, mà sợ mình chẳng dám nói gì, lòng mụ rất vui thích, phải cố nhịn cười ra mặt, phải nhúm miệng lại mà cười nụ. Còn Thúc Sinh đau xót quá, nhưng sợ vợ phải bấm bụng mà khóc thầm ở bên trong.

[25] Giọt sương = Giọt nước mắt cố kìm hãm lại chỉ còn như hạt sương bám vào cánh hoa.

[26] Giọt rồng – Đồng hồ cổ của Tàu có ba cái hồ bằng đồng (gọi là “đồng hồ” [銅 壷]) để chứa nước. Hồ trên chứa đầy nước cho chảy dần qua lỗ con ở đáy xuống hồ thứ hai. Nước hồ thứ hai lúc nào cũng chứa có chừng hạn đến một lỗ ở gần miệng hồ. Đáy hồ thứ hai này có cái vòi làm hình con rồng, miệng rồng có cái lỗ rất nhỏ để nước rỏ từng giọt xuống hồ thứ ba. Hồ thứ ba này có cái thẻ ghi giờ khắc cắm trên cái phao. Nước đầy dần, và đưa dần cái thẻ chỉ giờ khắc lên. Trông giờ khắc nào ngang với sợi dây căng ngang trên miệng hồ, thì biết là mấy giờ mấy khắc. Chữ “giọt rồng” ở đây tức là giọt nước đồng hồ chảy qua vòi rồng kể trên.

[27] Đèn giong = Ngọn đèn đốt sáng suốt đêm.

[28] Rẽ thúy chia uyênThúy là chữ tắt của phỉ thúy [翡 翠], uyên là chữ tắt của uyên ương [鴛 鴦]. Phỉ thúy và uyên ương là hai giống chim đều có lông đẹp và đều đôi nào riêng đôi ấy suốt đời ở với nhau. Rẽ thúy chia uyên = Làm chia rẽ đôi vợ chồng ra mỗi người một nơi.

[29] Một vực một trời = Cao thấp cách nhau xa quá như trên đỉnh trời với dưới đáy vực. Chữ Hán có từ ngữ “Thiên uyên tương khứ” [天 淵 相 去] = Trời vực cách nhau.

[30] Nhẹ như bấc, nặng như chì = (Kiều nghĩ thân phận mình) thì nhẹ như bấc, mà lòng sầu buồn lo sợ thì lúc nào cũng nặng như chì.

[31] Xem lời đính chính câu 1885 ở mục đính chính và xác định bên trên.

[32] Chạm mặt = Gặp mặt.

[33] Rát ruột như bào – Khi Thúc Sinh thấy Kiều tủi khóc thê thảm thì chàng đau đớn như ruột bị bào bị nạo.

[34] Thân cung [申 供] = Tờ khai bày tỏ sự lòng và ý nguyện của mình.

[35] Đúc nhà vàng – Lúc vua Hán Vũ Đế còn nhỏ, mới làm Thái tử, một hôm đến chơi nhà bà Trưởng công chúa, bà chỉ mấy người thị nữ thật đẹp mà hỏi đùa Thái tử có muốn lấy cô nào không? Thái tử đều lắc đầu. Rồi bà chỉ con gái bà mới lên 7 tuổi, mà hỏi có muốn lấy Ả Kiều không? Thái tử nói “Nếu cháu lấy được Ả Kiều, thì cháu đúc nhà vàng cho ở!” Vì truyện này người sau mới có câu “Kim ốc trữ Kiều” [金 屋 貯 嬌] = Đúc nhà vàng để chứa nàng Kiều.

[36] Bể trần – Chữ Hán là “trần hải” [塵 海] = “bể bụi” để ví người ta sống ở đời như sống ở trong vùng rộng như bể, đầy những bụi bậm khổ sở.

[37] Từ bi âu liệu bớt tay mới vừa – Thúc Sinh thấy Hoạn Thư có vẻ ngơ ngẩn về tài của Kiều, mới thừa cơ mà liều khuyên răn Hoạn Thư nên theo đức từ bi của Đức Phật mà bớt tay ác nghiệt với Kiều đi. Nhưng vì câu này hơi tối nghĩa, có thể giảng ngược lại được là: liệu mà bớt tay từ bi đi, nên có người đọc chữ “từ bi” [慈 悲] là “từ bây âu liệu” nghĩa là bớt tay từ bây giờ trở đi mới vừa. Đọc thế cũng có nghĩa thanh thoát xuôi hơn, nhưng chữ “từ” nôm viết là [自] (tự = từ) mới đúng. Vả lại nếu nói thì giờ thì phải nói “từ bây giờ” mới có nghĩa, không ai nói “từ bây” bao giờ. Tác giả đặt chữ “từ bi” ở đây là có ý nhắc trước việc thờ Phật ở dưới. Còn câu dẫn điển ở cuốn Kiều Trần Trọng Kim ở trong cuốn Thanh Tâm Tài Nhân là [“Hiền thê tu từ bi dã” [賢 妻 須 慈 悲 也] = Hiền thê nên từ bi vậy] không thành văn lý gì cả, không đáng tin.

[38] Cửa Không – Do chữ Hán “không môn” [空 門] (cửa Phật] vì đạo Phật cho cái gì cũng là không cả.

[39] Quan Âm Các = Lầu thờ Phật Quan Thế Âm.

[40] Cây trăm thước, hoa bốn mùa – Câu này mượn ý ở câu trong kinh Phật “Bồ đề bách sích thụ, liên tọa tứ thì hoa” = [菩 提 百 尺 樹, 蓮 座 四 時 花] = “Bồ đề là cây cao trăm thước, tòa sen là hoa nở bốn mùa”  để tả cảnh trong vườn gác Quan Âm có cây to bóng mát, bốn mùa đều có hoa nở đẹp.

[41] Bình minh = Lúc sáng sớm chưa mọc mặt trời.

[42] Tam Quy = “Quy y Phật, quy y Pháp, Quy y Tăng” [皈 依 佛, 皈 依 法, 皈 依 僧] = Phát nguyện đem cả thân và lòng hướng về Phật, hướng về đạo Phật, hướng về các vị sư chân chính theo đạo Phật. Ngũ Giới = Năm giới luật phải tuân theo = 1/ Giới dâm [戒 淫]: răn không mê chuyện trai gái, 2/ Giới tửu [戒 酒]: răn không uống rượu, 3/ Giới vọng [戒妄]: răn không nghĩ bậy, làm bậy, 4/ Giới đạo [戒 盜]: răn không trộm cắp, 5/ Giới sát [戒 殺]: răn không sát sinh.

[43] Pháp danh [法 名] = Tên đặt lúc xin theo đạo Phật. Bên đạo Phật, cái gì thuộc về Phật cũng đều gọi là Pháp, như con nuôi Sư gọi là Pháp tử, áo mặc lễ Phật gọi là Pháp y, các đồ đạc thờ Phật gọi là Pháp khí [法 器].

[44] Xuân, Thu là tên rút ngắn của hai đứa gái hầu coi sóc Kiều (Xuân Lan và Thu Nguyệt).

[45] Rừng tía – Trong Tây Du Ký có địa danh [“Tử trúc lâm” [紫 竹 林] = Rừng tre tía”] là chỗ Phật Thế Âm ở. “Rừng tía” câu này là cảnh Phật, đối lại với “Bụi hồng” là cõi tục.

[46] Pho thủ tự [手 字] = Bộ sách tay Kiều chép. Nồi tâm hương = Nồi hương do tâm niệm thành kính mà nàng đốt từng nén cắm vào để cầu nguyện. Ý câu này: Ngày thì nàng chép kinh luôn tay, đêm thì đốt hương ngồi niệm Phật để khuây lòng.

[47] Giọt nước cành dươngCành dương = Cành dương liễu. Chỉ riêng lá dương liễu mặt trên bạc hơi trắng mà mặt dưới lại xanh, có ý hướng về cõi âm, về linh hồn, nên Phật Quan Âm dùng cành lá dương liễu để vẩy nước cam lồ vào chúng sinh cho linh hồn người sống kẻ chết đều được mát mẻ hay siêu sinh tịnh độ.

[48] Lửa lòng = Lòng nóng nẩy bồng bột, nó sui người sinh lòng ham muốn tình dục.

[49] Mầu thiền = Ăn mặc theo lối tu hành như quần áo nâu sòng, ăn chay dưa muối.

[50] Quan phòng = Canh giữ phòng bị không cho Thúc Sinh và Kiều gặp nhau. Hoạn Thư cắt hai thị tỳ Xuân và Thu đảm nhiệm việc đó rất nghiêm ngặt để hai bên không thông tin tức cho nhau được.

Diễn ra văn xuôi

Câu 1791, 1792 = Từ khi Kiều ở Lâm Truy bị bắt mang đi mất tích, thật đáng thương cho Thúc Sinh trong cảnh cô đơn, lúc nào cũng ngơ ngẩn tiếc thương suốt ngày qua tháng.

Câu 1793, 1794 = Mỗi khi chàng trông thấy trăng non đầu tháng in thành ngần sáng cong cong ở trên trời, thì chàng lại nhớ đến đôi lông mày đẹp hình cánh cung của Kiều. Nhất là mỗi khi chàng thấy những hộp son phấn thừa, hay thoang thoảng ngửi thấy những mùi sáp thơm cũ của nàng, thì chàng xót xa bội phần.

Câu 1795, 1796 = Chàng nhớ Kiều mãi, trải qua mùa hè ao sen đã tàn, lại sang thu hoa cúc lại nở. Mối sầu thương của chàng thì dài, mà ngày tháng thì ngắn, bỗng lại mùa đông qua mùa xuân đến.

Câu 1797, 1798 = Ôi! Còn tìm đâu cho thấy người yêu cũ nữa! Thày đồng nói một năm nữa mới tìm thấy nhau, thì nay đây đã trải qua bốn mùa rồi đó, mà nào có được tin tức gì đâu! Thôi số vận đã định ra thế rồi, chàng đành chịu vậy mà khuây dần nỗi nhớ thương.

Câu 1799, 1800 = Nỗi tiếc Kiều đã nguôi dần đi rồi, Thúc Sinh mới động lòng nhớ đến quê Vô Tích, thế là chàng lại về thăm quê nhà.

Câu 1801 = Khi chàng về đến quê Vô Tích, Hoạn Thư ra cửa đón rất niềm nở, vợ chồng gặp nhau rất mừng rỡ, hả hê.

Mấy lời nhận xét thêm

Từ câu 1802 đến 1938, tác giả tả cách Hoạn Thư đối với chồng, bề ngoài thì thật đứng đắn, có lễ độ, đúng với câu “Ở ăn thì nết cũng hay.” Nhưng bề trong, mụ coi chồng rõ như đứa trẻ con, bắt thế nào phải y theo như thế – làm cho chồng muốn khóc, lại bắt chồng phải cười; làm chồng đau đớn trong bụng lại bắt chồng phải tươi vui ngoài mặt; làm chồng sát mặt với người yêu mà không dám nhìn. Thật đúng với các câu “Đến điều giàm buộc thì tay cũng già”“Làm cho nhìn chẳng được nhau / làm cho đau đớn cất đầu chẳng lên.”

Câu 1802 đến 1804 = Khi tiểu thư chào mừng hỏi han đủ mọi điều lề lối lẽ phép xa gần rồi, nàng mới rước chàng vào ngồi chỉnh chẹn ở trong căn nhà khách thơm nức những mùi hoa lan; nàng lại sai quấn gọn bức màn the lên. Bấy giờ nàng mới truyền cho gọi Hoa Nô ở trong buồng ra lạy mừng ông chủ.

Câu 1805, 1806 = Kiều thấy tiểu thư gọi ra lạy mừng chồng tiểu thư, đã có ý ngờ, nên bước ra vừa ngần ngại, vừa sẽ đưa mắt nhìn xa thì biết ngay là bụng mình ngờ đoán không sai.

Câu 1807, 1808 = Kiều nghĩ: Nào đâu có phải là nắng làm quáng mắt mình hay đèn làm lòa mắt mình! Cái người ngồi đó rõ ràng là Thúc Sinh thật rồi!

Câu 1809, 1810 = Bây giờ mình mới rõ thực tình của sự tình này là thế! Thôi, thôi! Thế là mình đã mắc vào trong vòng đánh ghen ghê gớm này rồi!

Câu 1811, 1812 = Mưu chước đâu lại có cái mưu chước lạ lùng khác đời như thế ? Và người đàn bà nào lại có cái tinh ma quỷ quyệt thế này!

Câu 1813, 1814 = Rõ ràng một lứa đôi người ta như thế, mà làm chia rẽ thành ra con ở một nơi, chủ nhà một nơi như vậy!

Câu 1815, 1816 = Ngoài mặt thì thơn thớt nói cười như thế, mà trong bụng thì hiểm độc giết người không cần dao như thế!

Câu 1817, 1818 = Bây giờ thì mình thấp hèn như ở dưới đất, mà chàng thì cao quý như ở trên trời, thì mình biết ăn nói làm sao với nhau bây giờ nhỉ?

Câu 1819, 1820 = Nàng càng nhìn mặt chàng, thì mặt nàng càng ngẩn ngơ và lòng nàng càng bối rối như mớ tơ vò từng khúc ruột.

Câu 1821, 1822 = Nàng biết đích xác là Thúc Sinh rồi, nhưng sợ oai Hoạn Thư đâu dám nhận và đâu dám không vâng lời, cứ việc một chiều cúi đầu nép xuống sân mà lạy.

Câu 1823, 1824 = Về phần Thúc Sinh, thoạt trông thấy Kiều, chàng giật mình sợ bạt hồn vía và bụng nghĩ: Thương ôi! Đúng là Kiều đây rồi chứ còn ai nữa!

Câu 1825, 1826 = Mà nhân cớ làm sao mà nàng phải chịu khổ nhục đến thế này? À thôi, thôi! Ta mắc mưu vào tay mụ này rồi!

Câu 1827, 1828 = Chàng thương vậy, nghĩ vậy, nhưng vì sợ vợ đã quen, nên chẳng dám hé môi nói nửa lời, song không thể nào ngăn được nước mắt thương nàng rơi xuống.

Câu 1829, 1830 = Tiểu thư để ý thấy chàng buồn bã khóc thầm như vậy, mới tra hỏi ngay rằng: Kìa! Chàng mới về, đang vui vẻ như vậy, bỗng vì cớ gì mà động lòng thương cảm, để sắc mặt hóa buồn như vậy?

Câu 1831, 1932 = Sinh thoái thác ra chuyện khác mà thưa rằng: Tôi buồn khóc là vì tuy vừa mới đã hết chở mẹ rồi, nhưng suy nghĩ đến tấm lòng nhớ mẹ của người làm bài thơ ‘Trắc dĩ’ đời xưa, tôi những đau xót cái tang ‘chung thiên’ không bao giờ quên được này!

Câu 1833, 1834 = Thấy Thúc Sinh hèn quá, thương Kiều quá, nhưng sợ mình phải lờ đi, Hoạn Thư rất mừng là có thể bắt nạt thế nào cũng phải chịu; lại thấy chàng nói dối mình như nói dối đứa trẻ con, nên cũng khinh chàng như đứa trẻ con và làm như tin lời chàng nói là thật mà khen chàng một cách khinh bạc rằng: Chàng thật là một hiếu tử đáng khen lắm! Thôi xin chàng đừng buồn nhớ mẹ nữa. Tôi xin đặt tiệc tẩy trần để giải phiền trong buổi đêm thu này.

Câu 1835, 1836 = Thế là Hoạn Thư bày tiệc tẩy trần, vợ chồng chén tạc chén thù mời lẫn nhau, và bắt Kiều khoanh tay bưng hồ rượu đứng hầu, thấy ai uống cạn chén thì sẽ phải lại đón lấy chén rót cho cả hai bên.

Câu 1837, 1838 = Tiểu thư còn đem đủ lễ nghi ra mà bẻ bắt Kiều đủ điều: khi rót rượu phải quỳ xuống mà dâng chén lên, khi mời rượu phải tự tay nâng chén mà đổ vào miệng Thúc Sinh. Tiểu thư bắt làm thế là vừa có ý làm nhục nhã Kiều, vừa làm cho Thúc, Kiều kề sát mặt nhau mà chẳng dám nhìn nhau cho càng khổ tâm.

Câu 1839, 1840 = Thúc Sinh thương nàng quá, tâm trí như dại như ngây, vừa tuôn nước mắt giọt ngắn giọt dài, vừa đón uống chén rượu mời chẳng biết chén đầy vơi thế nào.

Câu 1841, 1842 = Chàng đã bấm bụng ngoảnh mặt đi chẳng dám nhìn Kiều, lại còn phải bỗng lúc gượng nói, lúc gượng cười để lấy lòng tiểu thư. Rồi chàng muốn mượn cớ là say rồi để tỏ ý lảng ra, từ trối không uống nữa cho Kiều khỏi quỳ mời nhục nhã.

Câu 1843, 1844 = Tiểu thư liền quát Kiều: Này con Hoa! Nếu mày không mời được chàng uống cạn mấy chén nữa thì sẽ đòn vào xác đó!

Câu 1845, 1846 = Thấy tiểu thư dọa đánh Kiều, Thúc Sinh thương sợ quá như nát ruột tan hồn, liền đón lấy chén rượu nàng mời mà dù lòng chàng đau thương cay đắng thế nào, chàng cũng cố làm ra bộ vui vẻ mà uống cạn ngay.

Câu 1847, 1848 = Tiểu thư tuy ngoài mặt vui vẻ, cười cười nói nói, lúc tỉnh lúc say, nhưng trong lòng vẫn chưa hả hê thật, còn muốn hành hạ cả đôi nữa cho thật bõ ghét, nên chưa xong cuộc rượu, lại còn bày ra trò chơi nữa.

Câu 1849, 1850 = Nàng khoe với Sinh rằng: Con Hoa Nô này nó thật đủ mọi tài! Tôi bảo nó gẩy một bản đàn cho chàng nghe nhé!

Câu 1851, 1852 = Được lệnh gảy đàn cho chàng nghe, Kiều thấy dịp tốt để ngầm tỏ nỗi mình với Thúc Sinh thì nàng mừng quá, cảm động quá, tâm thần mê đi, thân thể run lên như bị bệnh trúng phong gọi là “than hoán.” Nàng liền vâng lời, mang cây đàn ra ngồi ở trước bức bình phong bằng the căng trong khung gỗ, mà vặn lại các dây rồi gảy.

Câu 1853, 1854 = Bốn dây đàn bật ra những tiếng như khóc như than, rầu rĩ thê thảm, khiến cho Thúc Sinh ngồi trên bàn tiệc đang vui thế mà cũng phải tan nát lòng vì đau thương.

Câu 1855, 1856 = Rõ thật là vẫn một tiếng dây tơ gỗ đồng ấy, mà để một người (Hoạn Thư) thì lòng vui ngoài miệng tủm tỉm cười nụ, một người (Thúc Sinh) thì mặt buồn thiu, trong lòng tê tái khóc thầm.

Câu 1857, 1858 = Thúc Sinh cảm thương quá, không thể cầm được nước mắt, cứ phải cúi đầu xuống mà gạt ngầm những giọt lệ hãm không được, đầm đìa tuôn ra như hạt sương bám ở mí mắt.

Câu 1859, 1860 = Tiểu thư muốn bắt Thúc Sinh thương Kiều mà không dám khóc, vừa cho càng khổ lòng hơn, mới quát Kiều rằng: Trong tiệc vui sao lại dám gảy khúc ‘Đoạn Trường’ ấy làm gì vậy?

Câu 1861, 1862 = Sao mà ngu thế! Chẳng biết ý tứ gì cả, để làm cho chàng phải buồn bã như thế là tội mày đó.

Câu 1863, 1864 = Thúc Sinh đã thương Kiều quá rồi, thấy Hoạn Thư kết tội dọa Kiều, chàng lại càng thảm thiết lo thương bội phần, bèn vội vàng gượng nói gượng cười làm ra vui vẻ cho qua chuyện để Kiều khỏi bị tội trách.

Câu 1865, 1866 = Bây giờ đêm đã khuya, trống canh ba đã điểm, Hoạn Thư nhìn vẻ mặt khổ não của đôi Thúc-Kiều, lòng dạ có vẻ hả hê đầy đủ rồi.

Câu 1867, 1868 = Trong bụng nàng rất hí hửng, mừng thầm là đã báo thù Thúc và Kiều được một cách thật đích đáng thỏa mãn: cái vui buổi hôm nay thật đã bõ với cái buồn trong suốt một năm trời nay!

Câu 1869, 1870 = Về phần Thúc Sinh thì thật khô héo ruột gan, tức giận đầy lòng, càng nghĩ đến nông nổi mình và nông nỗi Kiều, lại càng cay đắng căm thù, mà đành phải chịu.

Câu 1871, 1872 = Thế là Thúc, Kiều lìa rẽ nhau một cách thê thảm – chàng thì phải ôm hận vào chung gối trong phòng với ác phụ, nàng thì phải ra ngồi lẻ loi với bóng ở trước ngọn đèn giong suốt đêm dài.

Câu 1873, 1874 = Kiều nghĩ: Bây giờ mình mới biết tăm hơi sự tình là thế! Gớm cho máu ghen của mụ này sao mà thâm độc lạ lùng đến thế?

Câu 1875, 1876 = Mưu kế chia rẽ vợ chồng người ta được đến thế là cùng! Thật rõ ràng người nào ra đường người ấy, chẳng ai còn đoái hoài được ai nữa.

Câu 1877, 1878 = Bây giờ hai người cao thấp cách biệt nhau xa quá – chàng thì như ở trên đỉnh trời, ta thì ở dưới đáy vực. Ta với chàng thế là bên khinh bên trọng, thật là hết điều giao thiệp với nhau. Ta với mụ thế là thân con đòi với bà chủ, không ai có lời chê trách được mụ là ghen tuông cả lẽ gì nữa.

Câu 1879, 1880 = Ôi! Ở trong cảnh thân phận và tính mạng rẻ như bèo, nhẹ như bấc, mà tâm hồn lúc nào cũng đầy những nỗi cực nhục lo sợ nặng như đá như chì này, chẳng biết có bao giờ ta gỡ cho thoát ra khỏi được không? Mà dù cho có gỡ ra khỏi được nữa, thì cũng đã già đời hết duyên rồi còn mong gì nữa!

Câu 1881, 1882 = Cái thân gái thuyền quyên của ta đã lỡ làng đến mực này, chẳng biết có toàn được ở nơi bể sâu sóng cả này không?

Câu 1883, 1884 = Nàng ngồi thức một mình, nghĩ âm ỉ mãi suốt đêm, lúc nào cũng tràn trụa nước mắt mà ngắm đĩa dầu đèn cạn dần dần.

Câu 1885, 1886 = Từ đó, lúc khuya lúc sớm, lúc vắng người, lúc nào nàng cũng khóc ngầm, nước mắt ứa đầy hai vành mắt như hai bể lệ sầu. Tiểu thư thấy mặt nàng khóc như vậy, sợ nàng khóc để cầu cứu với Thúc Sinh, mới tra hỏi cho rõ cớ làm sao mà khóc.

Câu 1887, 1888 = Nàng mới lựa lời mà thưa qua cho xong lần rằng : Tôi khóc là vì tôi bỗng thương xót cho nông nỗi thân phận tôi.

Câu 1889, 1890 = Hoạn Thư muốn bắt Thúc Sinh phải đánh Kiều mới ngoảnh lại hỏi chàng có biết cớ nào mà Kiều khóc không và nhờ tra khảo. Thúc Sinh muốn nói thật những cớ mình biết ra nhưng không tiện.

Câu 1891, 1892 = Trước cảnh thê thảm này, ruột Thúc Sinh đã bị đau rát như bị lưỡi bào nạo, muốn nói ra lời van xin hộ Kiều thì không thuận tiện, sợ Hoạn Thư càng giận thêm, mà trông vào cảnh khốn cực của Kiều thì không sao đành lòng không nói được.

Câu 1893, 1894 = Và chàng cũng không nỡ để Hoạn Thư xử tàn tệ với Kiều quá, nên chàng đành liều nhận lời Hoạn Thư, nhưng chỉ ôn tồn lựa lời vừa sẽ hỏi, vừa sẽ dọa cho xong việc.

Câu 1895, 1896 = Kiều mới cúi đầu quỳ xuống trước sân lát gạch hoa, mà viết ngay một tờ cung khai kể rõ thân thế lưu lạc, tình cảnh cơ cực, và tỏ ý muốn xin đi tu cho thoát ly cõi tục.

Câu 1897 đến 1900 = Viết xong nàng đưa lên trình ngay trước mặt Tiểu thư. Thoạt nhìn tờ nàng viết, thấy chữ tốt văn hay, tình ý thảm thiết, Hoạn Thư bỗng ngẩn ngơ, có tình thương nể, mới đưa cho Thúc Sinh xem và nói:

Câu 1901, 1902 = Người này tài thật đáng trọng, và tình thật đáng thương, ví mà có số giầu sang ra, thì thật được người ta đúc nhà vàng cho ở cũng xứng đáng.

Câu 1903, 1904 = Nhưng tiếc thay số xấu quá, thành ra con người thuyền quyên này phải chìm nổi trong bể đời bụi đục. Thật là đáng thương cho kiếp hữu tài mà vô duyên như thế!

Câu 1905, 1906 = Thấy Hoạn Thư đã có ý thương nể Kiều, Thúc Sinh mới dám thừa cơ khuyên nhủ vợ rằng: Thật đúng như lời hiền thê nói. Nhiều kẻ hồng nhan bạc mệnh như vậy, chứ nào có một ai đâu!

Câu 1907, 1908 = Số kiếp những khách hồng nhan xưa nay vẫn thường thế. Vậy tôi dám khuyên hiền thê nên đem lòng từ bi mà đối đãi với nàng, liệu bớt tay cho vừa vừa phải đạo đi!

Câu 1909, 1910 = Thấy chồng đã có ý liều dám tỏ ý bênh vực Kiều lại thấy chàng đem đạo từ bi phải chăng ra khuyên nhủ, Hoạn Thư liền nghĩ được một cách giam lỏng Kiều vào chùa để chia rẽ hẳn hai bên tình nhân một cách rất êm đềm chắc chắn và rõ đứng đắn theo lời chàng khuyên bảo, mới vui vẻ nói với chàng rằng: Chàng dạy phải lắm! Xem ý trong tờ này thì nàng muốn đem thân phận bạc mệnh của nàng đi nhờ cửa Phật cho sạch hết trần duyên.

Câu 1911, 1912 = Thôi thì tôi cũng chiều lòng cô ta cho cô ta đi tu, để cô ta được ra khỏi vòng trần lụy.

Câu 1913, 1914 = Nhà ta đã có sẵn gác Quan Âm, vườn ở đây có đủ cảnh nhà Phật: nào là cây trăm thước (cây cao tượng trưng cây bồ đề chỗ Phật Thích Ca ngồi mặc niệm thành đạo), nào là hoa bốn mùa (cây mùa nào cũng có hoa, tượng trưng tòa sen).

Câu 1915, 1916 = Lại có cây cối mát mẻ, có hoa thơm đẹp và núi non bộ, hồ thả sen. Ta cho nàng ra tu ở đó, giữ đèn hương thờ Phật và chép kinh cầu phúc.

Câu 1917, 1918 = Sáng hôm sau, trời mới tàng tàng bình minh, Tiểu thư đã sai người sắm sanh sắp sửa đủ các thứ hương hoa ngũ quả cúng lễ thường ở Quan Âm Các.

Câu 1919 đến 1922 = Rồi đưa nàng ra trước bàn thờ Phật, làm đủ các lễ Tam Quy, Ngũ Giới cho nàng bỏ nhà ra tu ở đó; thay bỏ bộ áo xanh mà mặc bộ áo cà sa, và theo lệ nhà Phật đặt pháp danh nàng là Trạc Tuyền.

Câu 1923, 1924 = Tiểu thư lại sai cấp đủ số dầu đèn đốt thờ sớm khuya, và cắt hai gái Xuân Hoa và Thu Nguyệt ở luôn đó hầu hạ giúp nàng mọi việc thờ Phật như đốt hương pha trà.

Câu 1925, 1926 = Từ khi nàng ra ở riêng biệt nơi vườn này, thật là ở gần cõi Phật, ở xa cõi trần.

Câu 1927, 1928 = Lòng nàng thoảng không, chẳng còn mong gì về đường nhân duyên nữa, chỉ còn chút mừng là may được khỏi thẹn với tấm hồng nhan của mình.

Câu 1929, 1930 = Trước bàn thờ Phật vùi lấp được mọi nỗi thảm sầu, ban ngày thì chép kinh làm bạn với pho thủ tự, ban đêm thì đốt hương niệm Phật, coi cái nồi hương như bạn tâm tình.

Câu 1931, 1932 = Thế mới biết phép Phật làm nguội lạnh được mọi nỗi lòng trần, y như lời người ta nói nước cành dương rẩy tắt được lửa lòng phiền não.

Câu 1933, 1934 = Từ khi nàng ăn mặc nâu sòng ra đây tu đến giờ đã được ra sân ngắm trăng thu tròn sáng đứng đỉnh đầu vài phen rồi.

Câu 1935, 1936 = Vì sự canh phòng nghiệm ngặt cẩn mật quá của hai con Xuân và Thu, trước mặt chúng nó, nàng vẫn nói năng như thường, nhưng mà khi vắng người, nàng thương thân không thể nào nhịn rơi lệ khóc thầm được.

Câu 1937, 1938 = Tuy gác kinh và viện sách đôi nơi cách nhau rất gần, chỉ trong gang tấc, mà hóa ra còn xa gấp muôn lần núi nọ ải kia.

Những câu hay chữ có ý móc nối hoặc khen chê

– Đoạn Truyện Kiều này có nhiều câu ứng nghiệm với mấy câu đoạn trên. Những câu ứng nghiệm với hai câu 1795 và 1796 thày Đồng nói : [Sen tàn cúc lại nở hoa / Sầu dài ngày ngắn đông đà sang xuân] ứng nghiệm với câu 1696 [Một năm nữa mới thăm dò được tin] (hết mùa sen (hạ) qua mùa cúc (thu), lại hết mùa đông qua mùa xuân, đủ bốn mùa đúng được một năm).

– Những câu tả cảnh Thúc Sinh được Kiều rót rượu phải quỳ tận mặt mời tận tay, lòng Sinh thương vô cùng mà sợ vợ quá, không hề dám nhìn, phải: [Ngoảnh đi chợt nói chợt cười].

– Những câu tả Kiều phải ra chào lạy Thúc Sinh thì: [Cúi đầu nép xuống sân mai một chiều].

– Khi được Thúc Sinh liều thân sẽ liệu đường hỏi tra, thì đành:[Cúi đầu quỳ trước sân hoa] mà viết tờ cung chiêu rồi lại: [Diện tiền trình với Tiểu thư], chứ không dám nhìn mặt Thúc Sinh.

– Hai từ ngữ “ngoảnh mặt” và “cúi đầu” rõ ứng nghiệm với câu thày Đồng nói: [Hai bên giáp mặt chìn chìn / Muốn nhìn mà chẳng dám nhìn lạ thay].

– Đều ứng nghiệm với những câu Hoạn Thư kể mưu sâu cho mẹ nghe: [Làm cho cho mệt cho mê], [Làm cho đau đớn ê chề cho coi], [Làm cho bõ ghét những người] là những câu : [Bắt nàng đứng chực trì hồ hai nơi], [Bắt khoan bắt nhặt đến lời], [Bắt quỳ tận mặt, bắt mời tận tay], [Khuyên chàng chẳng cạn thì ta có đòn], [Giọt dài giọt ngắn, chén đầy chén vơi], [Chén mời phải ngậm bồ hòn ráo ngay], [Giọt châu lã chã khôn cầm], [Cúi đầu chàng những gạt ngầm giọt sương].

– Đọc suốt đoạn này, chúng ta nhận thấy Hoạn Thư tuy dùng những ngón đòn ngầm thâm độc làm chồng đau đớn đủ phần, mà bề ngoài nàng vẫn rất mực lễ độ với chồng, thật đúng với hai câu tác giả Truyện Kiều giới thiệu nàng: [Ở ăn thì nết cũng hayĐến điều giàm buộc thì tay cũng già] và cũng đúng với câu Kiều phê bình nàng: [Bề ngoài thơn thớt nói cười / Mà trong nham hiểm giết người không dao].

– Hai câu lục-bát [Nhà hương cao cuốn bức là / Buồng trong truyền gọi nàng ra lạy mừng] mở đầu cho cuộc phân ly tuyệt đối, và cho cuộc đòn ngầm độc ác, đánh cho cả đôi Kiều và Thúc cũng bị đau đớn tái tê, mà không dám thở than nửa lời. Ác phụ đã khéo đặt chồng lên ngôi ông chủ cao quý đường bệ, và hạ tình địch xuống địa vị quá hèn hạ, để lấy quãng không gian ngắn ngủi từ chỗ ông chủ ngồi đến chỗ sân con ở lạy, làm bức hàng rào cao kín rẽ thúy chia loan. Cái bức thành hư vô mà rất độc ác, nó làm cho chàng càng thấy mình cao quý bao nhiêu, lại càng thấy nàng hèn kém bấy nhiêu và lòng chàng càng khổ ngầm bấy nhiêu; và nàng càng thấy ác phụ tôn trọng chàng bao nhiêu lại càng thấy lòng mình khốn cực bẽ bàng bấy nhiêu.

Ác phụ đã lấy địa vị mà giàm được miệng chồng, buộc được tay chồng rồi, mụ mới tha hồ ra tay giở những ngón đòn “đánh khói cho đau lòng lửa” để “lửa” trông thấy nhỡn tiền mà đành ngồi chịu đau đớn gạt thầm nước mắt.

– Suốt đoạn Truyện Kiều này, tác giả đặt lời Hoạn Thư luôn luôn gọi Thúc Sinh là “chàng” ở trước mặt Kiều, để tỏ ác phụ có thâm ý khêu lại mối thâm tình giữa Kiều và Thúc, cho hai bên nghe càng thêm nhớ tiếc, thêm đau khổ. Khi mụ thét [Khuyên chàng chẳng cạn thì ta có đòn] hoặc [Để chàng buồn bã tội thì tại ngươi], thật rõ ràng là ác phụ có ý cho Kiều biết rằng chồng là chồng chung thật đấy, nhưng mà “chưa dễ ai chiều cho ai” đâu! Mi chớ có hòng.

[ĐÀM DUY TẠO]