CHƯƠNG 22

KIM VÂN KIỀU ĐÍNH GIẢI

Hương Ngạn Đào Tử ĐÀM DUY TẠO

trước tác năm 1986

(Thứ nam) Đàm Trung Pháp

hiệu đính và phổ biến năm 2020

* * * * *

CÂU 2061 ĐẾN CÂU 2164

“Trú chân nhà Bạc, nối tiếp lầu xanh”

2061. Cửa thiền vừa cữ cuối xuân, [1]

Bóng hoa đầy đất, vẻ ngân ngang trời. [2]

2063. Gió quang mây tạnh thảnh thơi,

Có người đàn việt lên chơi cửa già. [3]

2065. Giở đồ chuông khánh xem qua,

Khen rằng: “Khéo giống của nhà Hoạn nương!”

2067. Giác Duyên thực ý lo lường,

Đêm thanh mới hỏi lại nàng trước sau.

2069. Nghĩ rằng khôn nỗi giấu mầu,

Sự mình nàng mới gót đầu bày ngay:

2071. “Bây giờ sự đã dường này,

Phận hèn dù rủi, dù may, tại người.” [4]

2073. Giác Duyên nghe nói rụng rời,

Nửa thương, nửa sợ, bồi hồi chẳng xong.

2075. Rỉ tai mới kể sự lòng: [5]

“Ở đây cửa Phật là không hẹp gì;

2077. E chăng những sự bất kỳ,

Để nàng cho đến thế thì cũng thương!

2079. Lánh xa, trước liệu tìm đường,

Ngồi chờ nước đến, nên đường còn quê! [6]

2081. Có nhà họ Bạc bên kia,

Am mây quen lối đi về dầu hương. [7]

2083. Nhắn sang, dặn hết mọi đường,

Dọn nhà hãy tạm cho nàng trú chân.” [8]

2085. Những mừng được chốn an thân,

Vội vàng nào kịp tính gần tính xa.

2087. Nào ngờ cũng tổ bợm già,

Bạc bà học với Tú bà đồng môn! [9]

2089. Thấy nàng nhợt phấn nhàm son, [10]

Mừng thầm được món bán buôn có lời. [11]

2091. Hư không đặt để nên lời, [12]

Nàng đà nhớn nhác rụng rời lắm phen.

2093. Mụ càng khua giục cho liền, [13]

Lấy lời hung hiểm ép duyên Châu Trần. [14]

2095. Rằng: “Nàng muôn dặm một thân,

Lại mang lấy tiếng dữ gần, lành xa. [15]

2097. Giống oan gia, của phá gia,

Còn ai dám rước vào nhà nữa đây! [16]

2099. Kíp toan kiếm chốn xe dây,

Không dưng chưa dễ mà bay đường trời!

2101. Nơi gần thì chẳng tiện nơi,

Nơi xa thì chẳng có người nào xa.

2103. Này chàng Bạc Hạnh cháu nhà,

Cùng trong thân thích ruột rà, chẳng ai. [17]

2105. Cửa hàng buôn bán châu Thai,

Thực thà có một, đơn sai chẳng hề. [18]

2107. Thế nào nàng cũng phải nghe,

Thành thân rồi sẽ liệu về châu Thai.

2109. Bấy giờ ai lại biết ai,

Dầu lòng bể rộng sông dài thênh thênh. [19]

2111. Nàng dù quyết chẳng thuận tình, [20]

Trái lời nẻo trước lụy mình đến sau.”

2113. Nàng càng mặt ủ mày chau,

Càng nghe mụ nói, càng đau như dần. [21]

2115. Nghĩ mình túng đất, sẩy chân,

Thế cùng nàng mới xa gần thở than:

2117. “Thiếp như con én lạc đàn,

Phải cung rày đã sợ làn cây cong! [22]

2119. Cùng đường dù tính chữ tòng, [23]

Biết người, biết mặt, biết lòng làm sao? [24]

2121. Nữa khi muôn một thế nào,

Bán hùm, buôn sói, chắc vào lưng đâu? [25]

2123. Dù ai lòng có sở cầu, [26]

Tâm mình xin quyết với nhau một lời. [27]

 2125. Chứng minh có đất, có trời,

Bấy giờ vượt bể ra khơi quản gì?”

2127. Được lời mụ mới ra đi,

Mách tin họ Bạc tức thì sắm sanh.

2129. Một nhà dọn dẹp linh đình,

Quét sân, đặt trác, rửa bình, thắp hương. [28]

2131. Bạc sinh quì xuống vội vàng,

Quá lời nguyện hết Thành hoàng, Thổ công. [29]

2133. Trước sân lòng đã tỏ lòng,

Trong màn làm lễ tơ hồng kết duyên.

2135. Thành thân mới rước xuống thuyền,

Thuận buồm một lá, xuôi miền châu Thai.

2137. Thuyền vừa đỗ bến thảnh thơi,

Bạc sinh lên trước tìm nơi mọi ngày.

2139. Cũng nhà hành viện xưa nay, [30]

Cũng phường bán thịt, cũng tay buôn người.

2141. Xem người định giá vừa rồi,

Món hàng một, đã ra mười, thì buông. [31]

2142. Mượn người thuê kiệu rước nường,

Bạc đem mặt bạc, kiếm đường cho xa!

2145. Kiệu hoa đặt trước thềm hoa,

Bên trong thấy một mụ ra vội vàng.

2147. Đưa nàng vào lễ gia đường,

Cũng thần mày trắng, cũng phường lầu xanh!

2149. Thoắt trông nàng đã biết tình,

Chim lồng khốn lẽ cất mình bay cao.

2151. Chém cha cái số hoa đào, [32]

Gỡ ra, rồi lại buộc vào như chơi!

2153. Nghĩ đời mà chán cho đời,

Tài tình chi lắm, cho trời đất ghen!

2155. Tiếc thay nước đã đánh phèn,

Mà cho bùn lại vẩn lên mấy lần!

2157. Hồng quân với khách hồng quần, [33]

Đã xoay đến thế, còn vần chửa tha.

2159. Lỡ từ lạc bước bước ra,

Cái thân liệu những từ nhà liệu đi. [34]

2161. Đầu xanh đã tội tình gì?

Má hồng đến quá nửa thì chưa thôi.

 2163. Biết thân chạy chẳng khỏi trời,

Cũng liều mặt phấn cho rồi ngày xanh.

Đính chính và xác định

Câu 2089 – “Thấy nàng nhợt phấn nhàm son” = Da nàng chỗ màu trắng thì đẹp hơn phấn, bôi phấn vào thì nhợt nhạt xấu đi; chỗ màu hồng thì đẹp hơn son, bôi son vào chỉ thêm nhàm vô ích. (Nhóm chữ “mặn phấn tươi son,” in trong một số bản Kiều, nghĩa đã không thâm thúy, mà lại còn không hợp với cảnh Kiều lúc này, vì nàng đã đi tu ăn mặc nhà chùa, còn phấn son đâu nữa mà nói là mặn với tươi?

Câu 2090 – “Mừng thầm được món bán buôn có lời” – Chữ “món” đây tức là một món hàng mua bán nghĩa rất đúng, và trong một bản Kiều nôm cũ cũng viết đích là “món” [𦁺] (“mịch” + “môn”). Nhiều bản Kiều quốc ngữ in “món” ra “mối.” Có lẽ đó là vì có bản Kiều nôm mới in sau cũng khắc chữ này là “mối” [䋦] (“mịch” + “mỗi”). Chữ “mối” thật sai nghĩa với câu này vì “mối hàng” là người mua bán với cửa hàng, còn “món hàng” mới là đồ mua bán; Bạc Bà coi Kiều là một “món hàng.”

Câu 2092 – “Nàng đà nhớn nhác rụng rời lắm phen” – “Nhớn nhác” rõ đúng nghĩa với ý sợ hãi ở đây. Nhiều bản Kiều quốc ngữ in câu này là “Nàng đà lớn sự rụng rời lắm phen” thật sai lầm, lời không trôi chạy, nghĩa cũng ngô nghê.

Câu 2093 – “Mụ càng khua giục cho liền” – Chữ “khua” bản nôm viết là [摳] (“thủ” + “khu”) và  “giục” viết là [𠽖] (“khẩu” + “trục”) nghĩa rất đúng và rất liền nghĩa với câu trên: Bạc Bà đã bịa đặt ra những tin nọ tin kia để dọa cho Kiều nhiều phen nhớn nhác sợ hãi, rồi mụ lại nói những điều làm cho Kiều rối bụng, lo sợ thêm, như giục nàng phải mau tìm cách tránh tai nạn, kẻo bị bắt … Nhiều bản Kiều quốc ngữ dịch chữ “khua giục” lầm ra “sua đuổi” thật vô nghĩa đáng tiếc.

Câu 2097 – “Giống oan gia, của phá gia” – “Giống oan gia” = Hạng người xấu vía, ở đâu cũng làm cho người ta mắc tội vạ oan vì mình. “Của phá gia” = Hạng người ăn chơi, ở đâu cũng phá hoại gia đình người ta. Câu này rất liền ý nghĩa với câu dưới: những hạng ấy, còn ai dám đón vào nhà nữa. Không hiểu sao nhiều bản Kiều lại đổi “giống oan gia” ra “khéo oan gia” thật tối nghĩa.

Câu 2098 – “Còn ai dám rước vào nhà nữa đây!” – “Rước” nguyên nghĩa là đón một cách long trọng, nhưng khi nói mỉa mai người ta cũng hay dùng chữ “rước,” như khi mình trót mang một vật gì hay là người nào chẳng ra gì vào nhà, thường than nói “biết thế này thì rước cái của nợ ấy về nhà làm gì!” Chữ “rước” trong câu Kiều này cũng dùng nghĩa mỉa mai đó. Nhiều nhà xuất bản truyện Kiều không hiểu ý nghĩa mỉa mai chữ rước này, mới đổi ra chữ “chứa” e không ăn nghĩa với chữ “vào,” vì nếu là “chứa” thì phải nói là “chứa ở nhà…” mới thật đúng nghĩa.

Chú giải và dẫn điển

[1] Cữ cuối xuân = Dạo cuối mùa xuân.

[2] Vẻ ngân – Về cuối mùa xuân, trời trong nhưng còn hơi sương, nên mặt trăng sáng êm đẹp trông trắng như bạc; bởi vậy chữ Hán có câu “Nguyệt sắc như ngân” [月 色 如 銀] = Sắc mặt trăng như bạc.

[3] Đàn việt [檀 越] nguyên nghĩa là người có nhiều công đức với nhà chùa. Về sau thành tiếng chung để gọi những người hay đi lễ chùa. Nguyên chữ “đàn” tức là “đan na” ở kinh nhà Phật và nghĩa là “thí chủ” [弛主]; và chữ “việt” là từ thành ngữ “Việt bần cùng hải [越 貧 窮 海] = Vượt bể nghèo khổ.

[4] Chữ người ở câu này là tiếng gọi tỏ lòng kính một người bực trên, có địa vị cao quý, tức là tiếng “ngài” nói trạnh lên cao hơn một bực. Đây là cách Kiều gọi Giác Duyên.

[5] Sự lòng = Từ chữ “tâm sự” dịch ra, nghĩa là mọi sự lo nghĩ ở trong lòng.

[6] Ngồi chờ nước đến – Lấy ý ở câu tục ngữ “Chớ để nước đến chân mới nhảy mà muộn quá.”

[7] Đi về dầu hương = Hay mang đồ lễ đến chùa cúng lễ Phật.

[8] Trú chân = Đến ở nhờ tạm một thời gian.

[9] Đồng môn [同 門] = Cùng vào một cửa trường, cùng học một thầy.

[10] Nhợt phấn nhàm son – Xem lời xác định câu 2089.

[11] Món = Một số hàng hóa – Xem lời xác định câu 2090.

[12] Hư không đặt để nên lời = Bỗng không bịa đặt ra những tin đồn nọ kia nguy hiểm để doạ Kiều.

[13] Khua giục – Xem lời xác định câu 2093.

[14] Lời hung hiểm = Lời dọa dữ dội nguy hiểm cho thân Kiều.

[15] Tiếng dữ gần, tiếng lành xa – Ta có câu tục ngữ “Tiếng lành đồn gần, tiếng dữ đồn xa” nghĩa là ai có sự gì tốt lành thì mọi người chỉ nói ít ở nơi gần nhau thôi, còn ai có sự gì dữ ác thì người nọ tuyên truyền cho người kia, đồn đi xa lắm. Tác giả mượn ý câu này để nói Bạc Bà dọa Kiều rằng; tình thế nàng bây giờ việc dữ thì gần đến, mà việc lành thì đi xa rồi.

[16] Rước vào nhà – Xem lời xác định câu 2098.

[17] Chữ ruột rà tôi không biết nghĩa đích xác là gì, chỉ đoán tạm là chỗ họ hàng thân, nên biết lòng biết dạ nhau lắm.

[18] Đơn sai = Người không hề lừa đảo ai bao giờ, có thể tin được lắm.

[19] Bể rộng sông dài = Ví như con cá đương ở trong chậu nước được thả ra sông bể, tha hồ tự do, muốn đi đâu cũng không sợ gì.

[20] Chữ này cũng nghĩa là “nếu” như nhiều chữ “dù” khác ở trong Truyện Kiều. Bạc bà dọa Kiều, nói: nếu mà Kiều không thuận tình theo lời mụ, thì mụ có lẽ phải tố giác để tránh tội chứa Kiều, Kiều sẽ bị bắt ngay.

[21] Chữ dằn đây nghĩa là bị đánh rất đau như người nhà bếp lấy gọng dao dằn miếng thịt cho mềm, cho nát cả xương bên trong.

[22] Phải cung rày đã sợ làn cây cong – Sách Nho có câu “Thương cung chi điểu kiến khúc mộc nhi cao phi” [傷 弓 之 鳥 見 曲 木 而 高 飛] = Con chim đã bị cung bắn hễ thấy thanh gỗ cong cong là sợ mà cao bay ngay.

[23] Tính chữ tòng = Tính cuộc lấy chồng, theo chồng.

[24] Biết người biết mặt biết lòng làm sao – Do câu chữ Hán “Tri nhân, tri diện, bất tri tâm” [知 人 知 面 不 知 心] dịch ra.

[25] Bán hùm buôn sói – Tục ngữ có câu “Buôn da sói, bán da hùm” để nói về kẻ điên đảo lừa người khờ dại, nhất là lừa gái.

[26] Sở cầu [所 求] – Nghĩa đen hai chữ này là “cái mà mình tìm kiếm ước ao.” Câu này hàm ý là “ai muốn lấy tôi, thì phải đem lòng thành thật mà thề với tôi là không lừa đảo tôi.”

[27] Tâm minh [心 盟] = Đem lòng thành thật mà thề.

[28] Trác [桌] = Cái bàn để bày đồ cúng tế mà tiến dẫn lên bàn thờ.

[29] Thành hoàng, Thổ côngThành hoàng [城 隍] là ông thần coi từng khu to như tỉnh, phủ; Thổ công [土 公] là ông thần coi một khu nhỏ, như một xóm, một phố. Câu này có nghĩa là Bạc Hạnh quỳ xuống khấn thề rất cẩn thận trước các vị thần to nhỏ, xin làm chứng cho lòng nó không lừa đảo.

[30] Hàng viện [行 院] = Nhà hàng thanh lâu hay ca kỹ.

[31] Buông = Bán đi, như buông tay thả hàng ra bán cho người ta.

[32] Số đào hoa – Theo phép lấy số tử vi, số đàn bà mà có sao Đào hoa và sao Hồng loan chiếu vào cung Mệnh thì cả đời sống kiếp trăng hoa giang hồ.

[33] Hồng quân [洪 鈞] – Nghĩa chữ “hồng” là lớn, nghĩa chữ “quân” [鈞] là cái mặt tròn to nặng ở dưới mặt bàn tròn nặn đồ sành đồ sứ tròn. Người thợ nặn lấy chân đạp cái hồng quân ở dưới quay lấy đà quay mặt bàn nặn ở trên, và dùng tay khéo uốn nắn đất dẻo ở mặt bàn thành hình các đồ tròn đẹp như bát đĩa, lọ, nồi. Cổ nhân cho ông trời là cái máy quay ngầm rất to rất tài, để nặn nên muôn vật, nặn nên vận mệnh, cho nên gọi Trời là Hồng quân.

[34] Liệu = Tưởng tượng đoán trước những sự sẽ xẩy ra cho mình sau này mà lo tính trước lấy cách đối phó lại cho khỏi khổ.

Diễn ra văn xuôi

Câu 2061, 2062 = Dạo ấy vào cữ cuối mùa xuân, cảnh chùa rất đẹp, dưới thì bóng hoa đầy mặt đất, trên thì vầng trăng trong sáng, êm dịu như màu bạc từ ngang trời chiếu xuống.

Câu 2063, 2064 = Trời xuân quang đãng, gió xuân hòa ấm, thật là thảnh thơi cho khách đi vãn cảnh. Có một người đàn việt vào thăm cảnh và lễ Phật ở am Chiêu ẩn.

Câu 2065, 2066 = Thấy những đồ chuông khánh quý đẹp, người ấy mới giở ra xem, ngắm nghĩa mãi và khen rằng “sao mà khéo giống như đồ của nhà bà Hoạn Thư như thế!”

Câu 2067, 2068 = Sư Giác Duyên, chắc là đã nghe tiếng đồn việc nhà họ Hoạn mất trộm, nên khi nghe người đàn việt này nói thế, bà có ý nghi ngờ, lo sợ. Mới nhân lúc đêm khuya vắng, hỏi Kiều cho biết tông tích những đồ chuông khánh đó.

Câu 2069, 2070 = Kiều nghĩ bụng rằng không thể nào giấu mãi được những điều mà trước kia mình đã nói dối để giữ thể diện cho đẹp, nên nàng mới kể rõ đầu đuôi sự thật của mình cho Giác Duyên nghe.

Câu 2071, 2072 = Rồi nàng tạ tội và nói tiếp “bây giờ, sự đã trót xẩy ra như vậy, xin nhờ lượng Sư trưởng xử cho, dù rủi dù may thế nào cũng xin chịu, không dám oán trách.”

Câu 2073, 2074 = Nghe rõ truyện nàng kể, Giác Duyên sợ quá như rụng rời cả chân tay, vừa thương tình nàng, vừa sợ tội vạ vào mình, lòng sư thật bối rối, lo âu chẳng biết tính sao cho ổn thỏa câu truyện.

Câu 2075, 2076 = Rồi Sư mới sẽ rỉ tai bảo nhỏ cho Kiều rõ tâm sự của bà rằng nơi cửa Phật này thật rộng rãi, bao dung được nàng.

Câu 2077, 2078 = Nhưng chỉ e người đàn việt này về nói với Hoạn nương thì nàng sẽ bất kỳ bị bắt về làm tội thì tôi rất thương.

Câu 2079, 2080 = Vậy ta phải tìm đường mà lánh xa trước đi thì hơn, không nên ở yên đây mãi, đến lúc nước đến chân mới nhảy, thì khờ lắm, quê lắm.

Câu 2081, 2082 = Tôi đã tính, có bà họ Bạc ở bên kia vẫn hay đi lại dầu hương lễ Phật ở am này, tôi rất quen biết.

Câu 2083, 2084 = Tôi nhắn bà ta sang đây dặn dò đủ đường, vào bảo bà ta dọn nhà cho nàng sang tạm ở trú chân bên đó ít lâu rồi sẽ tính sau.

Câu 2085, 2086 = Kiều đang lúc lo sợ, được chỗ yên thân như vậy, lòng những mừng lắm, nào kịp tính gần tính xa gì.

Câu 2087, 2088 = Nào có ngờ đâu mụ Bạc cũng là tay tổ bợm già như mụ Tú, hai bà như cùng học một thầy.

Câu 2089, 2090 = Bạc Bà thấy Kiều tuy ăn mặc nâu sòng, mà mặt mày vẫn trắng đẹp hồng hào, không cần phải phấn son cho thêm nhàm, lòng mụ mừng thầm là được món hàng buôn bán rất lời.

Câu 2091, 2092 = Mụ liền nghĩ cách lừa bán nàng đi cho mau. Bắt đầu mụ bỗng dưng bịa đặt ra những lời đồn đại ghê gớm làm cho nàng nhiều phen hãi hùng nhớn nhác.

Câu 2093, 2094 = Thấy nàng đã sợ choáng hồn đi rồi, mụ lại dọa già như khua động thêm lòng sợ hãi của nàng lên, như thúc giục nàng phải liệu tìm đường tránh nạn cho mau. Rồi mụ mới đem lời dọa dẫm nguy hiểm mà ép nàng phải lấy chồng.

Câu 2095, 2096 = Mụ bảo nàng là nàng từ nơi xa muôn dặm tới đây, đã một thân một mình chẳng nhờ cậy vào ai được, lại còn mang tiếng trốn chủ lộn chồng, trộm cắp của Phật, lừa dối Sư Trưởng, xa gần đồn đại thật là nguy hiểm.

Câu 2097, 2098 = Nàng nay đúng là kẻ người ta gọi là “người oan gia” ở đâu gây tội oan cho người ta ở đó, hay là “của phá gia” ở đâu cũng làm tan cửa nát nhà người ta ở đấy, nên chẳng còn ai dám rước nàng vào nhà người ta nữa.

Câu 2099, 2100 = Vậy nàng phải xem ai muốn lấy nàng, thì nàng lấy người ta ngay đi. Nếu không thì tôi e lúc tai vạ đến thì chưa dễ đã bay lên đường giời mà trốn được. (Câu này là Bạc Bà có ý dọa Kiều nếu không nghe mụ mà lấy chồng cho mau, thì mụ sẽ phải tố giác để khỏi bị tội lây vì chứa Kiều. Đúng với câu “Lấy lời hung hiểm ép duyên Chu Trần” ở trên).

Câu 2101, 2102 = Tôi đã lo tính giúp nàng; lấy người ở đây thì không tiện, vì có thể nàng bị truy tầm; mà muốn lấy người ở xa, thì tôi chẳng biết ai ở xa cả.

Câu 2103, 2104 = Tôi nghĩ chỉ có người này là nàng lấy được – Đó là chàng Bạc Hạnh, là cháu họ thân thiết với tôi.

Câu 2105, 2106 = Nó có nhà buôn bán ở châu Thai; nó là người rất thật thà có một, ta có thể tin cậy, không sợ sai lầm chút nào.

Câu 2107, 2108 = Tôi khuyên nàng nên nghe tôi mà lấy nó là xong hết mọi nỗi lo sợ. Khi đã thành vợ thành chồng rồi, thì sẽ mang ngay về châu Thai cho xa hẳn vùng này.

Câu 2109, 2110 = Khi đã đi châu Thai rồi thì còn ai biết nàng là ai nữa, rõ như cá đang ở trong chậu mà được thả ra sông bể, tha hồ mà thênh thang, chẳng e sợ gì nữa.

Câu 2111, 2112 = Nếu nàng nhất định quyết tâm không nghe tôi, thì tôi bảo thật cho nàng biết là hễ nàng trái lời tôi trước, là tội vạ vướng ngay vào thân nàng sau! Hai câu này rõ tỏ ra mụ trắng trợn dọa Kiều, bắt buộc phải nghe mụ mà lấy Bạc Hạnh).

Câu 2113, 2114 = Kiều càng nghe mụ nói, càng ủ mặt chau mày, bụng càng đau đớn như bị đánh dằn nát xương.

Câu 2115, 2116 = Biết mình gặp bước túng đất sẩy chân vào tay mụ, thật thế cùng, không biết đi đâu được nữa, nàng mới thở than mọi nỗi xa gần mà nói:

Câu 2117, 2118 = Tôi nay như con én lạc đàn bơ vơ, đã bị cung bắn mấy lần, nên hễ thấy cành cây cong là sợ hãi, sợ lại bị tên bắn. Tôi cũng vậy, đã bị lừa nhiều lần, nên tôi cũng sợ lại bị lừa nữa lắm.

Câu 2119, 2120 = Bây giờ gặp bước đường cùng này mà phải lấy chồng, tôi chỉ biết người biết mặt bên ngoài, chứ trong bụng người ta ngay lành hay điên đảo thế nào, thì biết đâu mà tin được.

Câu 2121, 2122 = Nếu khi muôn phần có một phần không may, tôi lấy phải kẻ điên đảo buôn người, như những kẻ buôn da sói, bán da hùm, đánh lừa bảo lấy làm vợ rồi về bắt làm gái điếm, thì tôi còn biết chắc cậy vào đâu làm căn cốt để gỡ ra được?

Câu 2123, 2124 = Bởi vậy, nếu ai muốn lấy tôi, thì phải đem lòng thành thật mà quả quyết thề với tôi một lời.

Câu 2125, 2126 = Khi đã thề nguyện có trời đất quỷ thần chứng minh rồi, thì tha hồ muốn mang tôi vượt bể ra khơi tôi cũng đi không quản ngại.

Câu 2127, 2128 = Được lời nàng hứa vậy, Bạc Bà liền ra đi mách cho Bạc Hạnh biết tin mà sắm sửa lễ cưới.

Câu 2129, 2130 = Thế là cả nhà dọn dẹp linh đình, nào là quét nhà quét sân, nào là kê bàn lễ Tơ hồng, sửa bàn thờ cúng Trời Đất để thề, nào là rửa bình cắm hoa, bày đỉnh đốt hương.

Câu 2131, 2132 = Bàn thờ bày xong, Bạc Sinh vội vàng quỳ xuống và quá lời thành kính khấn cầu thề nguyện trước Trời Đất, trước các vị Thành Hoàng, Thổ Công.

Câu 2133, 2134 = Khi làm lễ cúng ở trước sân xong rồi, thì vào buồng buông màn xuống làm lễ Tơ hồng, nhờ thần kết duyên thành vợ chồng.

Câu 2135, 2136 = Khi cưới nhau rồi, Bạc Sinh mới rước Kiều xuống thuyền mà thuận buồm thuận gió xuôi về châu Thai.

Câu 2137, 2138 = Lúc thuyền tới nơi vừa đỗ bến thảnh thơi, thì Bạc Sinh lên trước, nói dối là về sắp sửa nhà và thuê kiệu rước dâu về; nhưng thật ra là nó đi tìm nơi buôn bán đã quen từ lâu mọi ngày.

Câu 2139, 2140 = Đó vẫn là nhà hàng thanh lâu xưa nay, và cũng vẫn tinh phường bán thịt, những tay buôn người.

Câu 2141, 2142 = Khi đã xem người định giá với nhau rồi, Bạc Sinh thấy tiền lời đã gấp mười tiền vốn, liền buông tay trao hàng bán ngay,

Câu 2143, 2144 = Rồi nó mượn người thuê kiệu đến lừa Kiều rước về thanh lâu, còn nó thì đem cái mặt bạc của nhà họ “Bạc” nó mà tìm đường trốn cho xa.

Câu 2145, 2146 = Kiều những tưởng là kiệu rước mình về nhà Bạc Sinh, nào ngờ khi kiệu hoa đặt xuống trước sân hoa, thì thấy một mụ ở trong nhà bước ra vội vàng.

Câu 2147, 2148 = Mụ ra đón nàng, rồi đưa nàng vào lễ bàn thờ trong nhà. Nàng thấy trên bàn cũng thờ thần Mày trắng, thì ra cũng một phường lầu xanh như Tú Bà.

Câu 2149, 2150 = Thoạt trông, nàng biết ngay là nàng bị lừa rồi, nhưng khốn nỗi chim đã bị bẫy vào lồng rồi, thì còn cất cánh bay sao được?

Câu 2151, 2152 = Nàng chỉ nguyển rủa cho cái số có sao Đào hoa chiếu mệnh của nàng làm cho đời nàng phải ô nhục mãi; mới gỡ ra khỏi kiếp ô nhục trước, thì lại bị buộc như chơi vào kiếp ô nhục này.

Câu 2153, 2154 = Nàng nghĩ mà chán cho đời nàng sao lại tài tình quá để cho trời đất ghen mà làm khổ nàng mãi cho bõ lòng ghen.

Câu 2155, 2156 = Nàng tiếc cho thân nàng như chum nước đã được đánh phèn cho trong rồi, nay bỗng bị cho bùn vào mà quấy lên cho lại vẩn đục, chẳng biết còn bị quấy đục lên mấy lần nữa mới thôi?

Câu 2157, 2158 = Nàng trách ông thợ Giời như cái mặt tròn to nặng, quay ngầm ở dưới mặt bàn xoay nặn nên hình vạn vật kia, sao mà đối với khách hồng quần lại tệ thế! Ông đã xoay cho nàng phải khổ cực đến thế, mà vẫn còn xoay vần mãi chưa tha!

Câu 2159, 2160 = Kể từ khi nàng bán mình bước ra đi khỏi gia đình, nàng đã lo liệu tính toán cho đời nàng ngay từ lúc đó, thế mà đến bây giờ vẫn chẳng khỏi cảnh bơ vơ đau khổ như lúc ra đi.

Câu 2161, 2162 = Nàng than thân nàng chẳng biết lúc mới đầu xanh tuổi trẻ này, nàng đã làm nên tội tình gì, mà đã phải đền mất quá nửa thì xuân xanh rồi mà vẫn chưa xong!

Câu 2163, 2164 = Nàng biết thân tránh chẳng khỏi được tội trời nên đành lại liều đem đôi má phấn ra đền tội cho hết đời xuân xanh.

Những câu có ý móc nối hoặc châm biếm

-Hai câu đầu tả cảnh cuối xuân chùa ở đoạn này “Cửa thiền gặp cữ cuối xuân / bóng hoa đầy đất, vẻ ngân ngang giời”, tác giả thật đã khéo dụng ý để báo điềm Kiều sẽ lại vướng vào kiếp lầu xanh. Chữ “cửa thiền” và chữ “cuối xuân” nói bóng ý “Kiều tuy ở chùa đi tu, và tuổi xuân Kiều tuy đã hơi già.” Chữ “bóng hoa” và chữ “vẻ ngân” nói bóng đến cuộc trăng hoa ở lầu xanh.

-Câu “Nhắn sang dặn hết mọi đường” mở màn rất kéo cho cuộc Bạc bà dọa dẫm lừa Kiều, vì mụ biết đủ tông tích Kiều là trốn chủ, là lộn chồng, là trộm đồ kim ngân, mụ mới bịa đặt được những tin dọa đúng tình thế Kiều, và mới dám bảo Kiều là “giống oan gia, của phá gia” để ép Kiều phải lấy chồng.

-Hai câu “Bạc sinh quỳ xuống vội vàng / quá lời nguyện hết thành hoàng thổ công” ứng với ba câu Kiều yêu cầu Bạc bà “Dù ai lòng có sở cầu, tâm minh xin quyết với nhau một lời, chứng minh có đất có trời.”

-Đoạn này có nhiều câu mỉa mai than thở cho đời như: (a) Biết bao nhiêu người “am mây quen lối đi về dầu hương” mà hóa ra người “cũng tổ bợm già, học với Tú bà đồng môn”; (b)

biết bao nhiêu kẻ khoe là “thật thà có một, đơn sai chẳng hề” lại hóa ra “phường bán thịt, tay buôn người”; (c) biết bao nhiêu kẻ vừa mới kính cẩn “quá lời nguyện hết thành hoàng thổ công” mà mấy hôm sau đã “món hàng một đã ra mười thì buông.”

-Tác giả đã mạnh bạo dùng tiếng chửi “chém cha” để mỉa mai than thở cho số phận những người tử tế tài giỏi, mà bị cả đời long đong gặp nhiều sự không may.

-Trong hai câu lục bát “Hồng quân với khách hồng quần / đã xoay đến thế còn vần chưa tha” chữ “xoay” và chữ “vần” ở câu dưới nghĩa đen đã thật luyện với chữ “hồng quân” là cái mặt quay ở câu trên, mà nghĩa bóng chữ “xoay vần” lại rất luyện với chữ “hồng quần”: khách hồng nhan bị trời xoay vần làm khổ mãi không tha.

-Trong Truyện Kiều có nhiều câu hay lạ lùng thì hai câu này là một – nghĩa đã thâm thúy, chữ đã rất ăn luyện với nhau, âm điệu lại rất êm đẹp, lại có ý chơi chữ rất tài tình: “hồng quân” với “hồng quần” tên gọi gần giống nhau như thế mà sao lại nỡ quay quất làm khổ nhau mãi.

-Từ câu “Chém cha cái số Hoa đào” đến câu “Đã xoay đến thế còn vần chưa tha” đều tả ý Kiều thương thân trách phận, nhưng rất có thứ tự: (a) Câu 2151, 2152 trách số đẻ phải giờ xấu – đào hoa chiếu mệnh; (b) Câu 2153, 2154 trách mình tài tình quá để hại vào thân; (c) Câu 2155, 2156 trách thói đời lừa lọc hại mình; (d) Câu 2157, 2158 trách trời nỡ xử tệ mãi với mình.

[ĐÀM DUY TẠO]