CHƯƠNG 25

KIM VÂN KIỀU ĐÍNH GIẢI

Hương Ngạn Đào Tử ĐÀM DUY TẠO

trước tác năm 1986

(Thứ nam) Đàm Trung Pháp

hiệu đính và phổ biến năm 2020

* * * * *

CÂU 2439 ĐẾN CÂU 2564

“Triều đình riêng cõi, thiền thổ một đôi”

2439. Thừa cơ trúc chẻ ngói tan, [1]

Binh uy từ ấy sấm ran trong ngoài. [2]

2441. Triều đình riêng một góc giời,

Gồm hai văn võ, rạch đôi sơn hà. [3]

2443. Đòi phen gió quét mưa sa, [4]

Huyện thành đạp đổ năm tòa cõi nam. [5]

2445. Phong trần mài một lưỡi gươm, [6]

Những loài giá áo túi cơm sá gì! (7)

2447. Nghênh ngang một cõi biên thùy, [8]

Thiếu gì cô quả, thiếu gì bá vương! [9]

2449. Trước cờ ai dám tranh cường, [10]

Năm năm hùng cứ một phương hải tần. [11]

2451. Có quan tổng đốc trọng thần, [12]

Là Hồ Tôn Hiến kinh luân gồm tài. [13]

2453. Đẩy xe vâng chỉ đặc sai, [14]

Tiện nghi phủ tiểu, việc ngoài đổng nhung. [15]

2455. Biết Từ là đấng anh hùng,

Biết nàng cũng dự quân trung luận bàn.

2457. Đóng quân làm chước chiêu an, [16]

Ngọc vàng gấm vóc sai quan thuế hàng. [17]

2459. Lại riêng một lễ với nàng,

Hai tên thể nữ ngọc vàng nghìn cân. [18]

2461. Tin vào gởi trước trung quân,

Từ công riêng hãy mười phân hồ đồ. [19]

2463. “Một tay gây dựng cơ đồ, [20]

Bấy lâu bể Sở, sông Ngô tung hoành!

2465. Bó thân về với triều đình, [21]

Hàng thần lơ láo, phận mình ra đâu? [22]

2467. Áo xiêm ràng buộc lấy nhau, [23]

Vào luồn ra cúi, công hầu mà chi? [24]

2469. Sao bằng riêng một biên thùy,

Sức này đã dễ làm gì được nhau?

2471. Chọc giời khuấy nước mặc dầu,

Dọc ngang nào biết trên đầu có ai?”

2473. Nàng thời thật dạ tin người,

Lễ nhiều nói ngọt nghe lời dễ xiêu.

2475. “Nghĩ mình mặt nước cánh bèo,

Đã nhiều lưu lạc, đã nhiều gian truân. [25]

2477. Bằng nay chịu tiếng vương thần, [26]

Thênh thênh đường cái thanh vân hẹp gì! [27]

2479. Công tư vẹn cả hai bề,

Dần dà rồi sẽ liệu về cố hương.

2481. Cũng ngôi mệnh phụ đường đường, [28]

Nở nang mày mặt rỡ ràng mẹ cha.

2483. Trên vì nước, dưới vì nhà,

Một là đắc hiếu, hai là đắc trung. [29]

2485. Chẳng hơn chiếc bách giữa dòng, [30]

E dè sóng gió, hãi hùng cỏ hoa. [31]

2487. Nhân khi bàn bạc gần xa,

Thừa cơ nàng mới bàn ra nói vào.

2489. Rằng: “Ơn Thánh đế dồi dào, [32]

Tưới ra đã khắp, thấm vào đã sâu.

2491. Bình thành công đức bấy lâu, [33]

Ai ai cũng đội trên đầu xiết bao.

2493. Ngẫm từ dấy việc binh đao,

Đống xương Vô định đã cao bằng đầu. [34]

2495. Làm chi để tiếng về sau,

Nghìn năm ai có khen đâu Hoàng Sào! [35]

2497. Sao bằng lộc trọng, quyền cao,

Công danh ai dứt lối nào cho qua?” [36]

2499. Nghe lời nàng nói mặn mà,

Thế công Từ mới giở ra thế hàng.

 2501. Chỉnh nghi tiếp sứ vội vàng, [37]

Hẹn kỳ thúc giáp, quyết đường giải binh. [38]

2503. Tin lời thành hạ yêu minh, [39]

Ngọn cờ ngơ ngác, trống canh trễ tràng. [40]

2505. Việc binh bỏ chẳng giữ giàng,

Vương sư dòm đã tỏ tường thực hư. [41]

2507.Hồ công quyết kế thừa cơ, [42]

Lễ tiên binh hậu, khắc cờ tập công. [43]

2509. Kéo cờ chiêu phủ tiên phong, [44]

Lễ nghi dàn trước bác đòng phục sau.

2511. Từ công hờ hững biết đâu,

Đại quan lễ phục ra đầu cửa viên. [45]

2513. Hồ công ám hiệu trận tiền, [46]

Ba bề phát súng bốn bên kéo cờ.

2515. Đương khi bất ý chẳng ngờ,

Hùm thiêng khi đã sa cơ cũng hèn!

2517. Tử sinh liều giữa trận tiền,

Dạn dầy cho biết gan liền tướng quân! [47]

2519. Khí thiêng khi đã về thần, [48]

Nhơn nhơn còn đứng chôn chân giữa vòng! [49]

2521. Trơ như đá vững như đồng,

Ai lay chẳng chuyển, ai rung chẳng dời.

2523. Quan quân truy sát đuổi dài. [50]

Hầm hầm sát khí ngất trời ai đương. [51]

2525. Trong hào, ngoài lũy tan hoang,

Loạn quân vừa dắt tay nàng đến nơi.

2527. Trong vòng tên đá bời bời, [52]

Thấy Từ còn đứng giữa trời trơ trơ.

2529. Khóc rằng: “Trí dũng có thừa,

Bởi nghe lời thiếp, nên cơ hội này!

2531. Mặt nào trông thấy nhau đây?

Thà liều sống thác một ngày với nhau!

2533. Dòng thu như suối mạch sầu, [53]

Dứt lời nàng cũng gieo đầu một bên.

2535. Lạ thay oan khí tương triền! [54]

Nàng vừa phục xuống, Từ liền ngã ra.

2537. Quan quân kẻ lại người qua,

Xót nàng sẽ lại vực ra dần dần.

 2539. Đem vào đến trước trung quân,

Hồ công thấy mặt ân cần hỏi han.

2541. Rằng: “Nàng chút phận hồng nhan,

Gặp cơn binh cách nhiều nàn cũng thương! [55]

2543. Đã hay thành toán miếu đường, [56]

Giúp công cũng có lời nàng mới nên.

2545. Bây giờ sự đã vẹn tuyền,

Mặc lòng nghĩ lấy muốn xin bề nào?”

2547. Nàng càng giọt ngọc tuôn rào,

Ngập ngừng mới gửi thấp cao sự lòng.

2549. Rằng: Từ là đấng anh hùng,

Dọc ngang giời đât, vẫy vùng bể khơi!

2551. Tin tôi nên quá nghe lời,

Đem thân bách chiến làm tôi triều đình.

2553. Ngỡ là phu quý, phụ vinh,

Ai ngờ một phút tan tành thịt xương!

2555. Năm năm giời bể ngang tàng,

Dẫn mình đi bỏ chiến trường như không.

2557. Khéo khuyên kể lấy làm công,

Kể bao nhiêu lại đau lòng bấy nhiêu!

2559. Xét mình công ít tội nhiều,

Sống thừa tôi đã nên liều mình tôi!

2561. Xin cho tiện thổ một đôi, (57)

Gọi là đắp điếm cho người tử sinh.” [58]

2563. Hồ công nghe nói thương tình,

Truyền cho cảo táng di hình bên sông. [59]

Đính chính và xác định

Câu 2443 – Đòi phen gió táp mưa sa – Thành ngữ “gió táp mưa sa” ở câu này có bản Kiều in là “gió quét mưa sa.” “Gió táp mưa sa” lời văn đã rất luyện, nghĩa lại rất đúng, ý nói nhiều trận đánh nhanh đánh mạnh như mưa bão bất kỳ, làm cho bên địch không kịp chống đỡ, rất liền ý với câu dưới “đạp đổ được năm huyện thành.” Còn “gió quét” chỉ là gió lướt qua trên mặt đất quét sạch lá bụi, quét sạch thế nào được thành lũy? “Gió táp mưa sa” mới có nghĩa là mạnh mẽ, còn “gió quét mưa sa” chưa đủ ý mạnh.

Câu 2454 – Tiện, nghi phủ, tiễu, việc ngoài đổng nhung – “Tiện” [便] = thuận lợi; “nghi” [宜] = hợp lý nên làm; “phủ” [撫] = vỗ về yên ủi, dỗ về hàng phục; “tiễu” [勦] = dùng quân lực đánh mà dẹp đi; “việc ngoài” = công việc trị an ở ngoài kinh đô nhà vua, đối với việc trong là việc trị an ở trong kinh đô; “đổng nhung” [董 戎] = trông coi việc quân. Nghĩa cả câu này là: Vua cho Hồ Tôn Hiến được chủ trương hết thảy mọi việc cầm quân dẹp giặc ở ngoài nước, hoặc dùng lời yên ủi dỗ về hàng (phủ), hoặc đánh dẹp cho tan (tiễu), tùy cách nào tiện lợi nên làm hơn, thì làm – Nghĩa bốn chữ “tiện, nghi, phủ, tiễu [便 宜 撫 勦] thế là rất đúng, vậy mà nhiều bản Kiều nôm hay quốc ngữ lại đổi bốn chữ này thành “tiện, nghi, bát, tiễu [便 宜 撥 勦] = tùy cách tiện nghi mà càn quét dẹp đánh cho yên, thật là vô nghĩa vì chỉ có cách đánh để càn quét, thì làm gì có việc sai quan thuế hàng? Điều này xảy ra có thể là vì chữ “phủ” [撫] từa tựa chữ “bát” [撥].

Câu 2458 – Ngọc vàng gấm vóc sai quan thuế hàng – Chữ Hán “thuyết” hay “thuế” vẫn là một chữ [說] nhưng khi dùng nghĩa là bàn nói hay kể truyện thì đọc là thuyết như luận thuyết, tiểu thuyết, mà khi dùng nghĩa là khéo nói dụ dỗ cho người ta theo mình thì phải đọc là thuế, nên chỗ này phải đọc là sai quan thuế hàng mới thật đúng nghĩa. Bây giờ hay nói thuế khách [説 客] lầm ra thuyết khách, thành ra quen đi rồi.

Câu 2544 – Giúp công cũng có lời nàng mới nên – Chữ “giúp” câu này các bản quốc ngữ đều dịch lầm ra “chấp” rõ thật vô nghĩa. (Xem lời giải thích “giúp” [𠢟] lầm ra “chấp” [执] ở lời đính chính câu 2308 “Lòng lòng cùng giận, người người giúp uy”).

Chú giải và dẫn điển

[1] Thừa cơ trúc chẻ ngói tan – Chữ Hán có câu “Thừa phá trúc chi thế” [乘 破 竹 之 勢] = Nhân cái thế dễ dàng như bửa tre.” Trong truyện Tam Quốc, Đại tướng Đỗ Dự nói với vua Tấn “Nay binh uy quân ta đã nổi, ví như chẻ tre, đã chẻ được mấy đốt gốc, thì đốt sau đưa dao đến đốt nào là tung ngay ra.” “Ngói tan” = Lòng dân đã chán bỏ chính phủ mà tan rã như ngói ở mái nhà rơi xuống mỗi hòn một nơi. Sử Tàu nói “Tần chi tích suy, thiên hạ thổ băng ngõa giải” [秦 之 積 衰, 天 下 土 崩 瓦 解] = Nhà Tần suy mãi, lòng dân thiên hạ như đất lở ngói tan.”

[2] Binh uy [兵 威] = Sức mạnh oai hùng của quân.

[3] Gồm hai văn, võ = Lập thành một triều đình đủ cả hai hàng quan văn, quan võ.

[4] Gió táp mưa sa – Xem lời xác định câu 2443 ở trên.

[5] Huyện thành đạp đổ năm tòa cõi nam = Từ Hải đã đánh phá chiếm được năm huyện ở miền nam (tức là ở vùng Triết Giang, Phúc Kiến).

[6] Phong trần mài một lưỡi gươm = Múa gươm xông pha trong chiến trận như mài gươm trong gió bụi.

[7] Giá áo túi cơm – Chữ Hán có thành ngữ “phạn nang y giá” [飯囊衣架] = Cái túi cơm, cái giàn áo, để nói mỉa mai những kẻ giầu sang mà ngu hèn chẳng khác gì cái túi đựng cơm, cái giàn xếp áo. Tác giả đặt câu này để nói ý Từ Hải coi lũ quan triều đình chẳng ra gì, chém giết không tiếc tay.

[8] Nghênh ngang một cõi biên thùy = Lập những đất chiếm được thành một cõi nước riêng ở nơi biên thùy, để nghênh ngang làm vua làm chúa.

[9] Cô, Quả, Bá, Vương [孤寡霸王] – Vua nước nhỏ xưng là Cô [孤], ý nói nhún mình côi cút lẻ loi không ai theo phục. Vua nước lớn tự xưng là quả nhân [寡人] = quả là ít, ý nói nhún mình là người ít đức đáng thẹn với ngôi vua. Thời cổ Tàu, Vương tức là thiên tử, làm vua cả nước, và vua các nước nhỏ là Công, Hầu hay Bá [公侯伯] sau vua nước nhỏ mà mạnh cũng lạm quyền xưng là Vương. Chữ Bá Vương câu này là ông vua nước chư Hầu mà mạnh bắt được các vua chư Hầu khác phải theo mình. Chữ Bá Vương đây lấy điển ở truyện Hạng Vũ tự xưng là Tây Sở Bá Vương cầm đầu các vua chư Hầu mà Vũ lập ra sau khi diệt được nhà Tần.

[10] Tranh cường = Đối địch lại, đánh lại.

[11] Hải tần [海濱] = Miền đất ở gần bể mà Từ chiếm được.

[12] Tổng đốc [總督] = Ông quan đứng đầu một tỉnh hay hai tỉnh, có khi ba tỉnh. Hồ Tôn Hiến được bổ ra làm Tổng đốc hai tỉnh miền ven bể để dẹp giặc. (Hồ Tôn Hiến là một vị quan rất có thế lực triều Minh lúc bấy giờ, vì là chân tay đắc lực của Tể tướng Triệu Văn Hoa. Dẹp xong bọn Từ Hải được mấy năm thì Triệu Văn Hoa và Hồ Tôn Hiến đều bị chu di tam tộc).

[13] Kinh luân = Tài xếp đặt mọi việc chính trị. (Nghĩa đen hai chữ “kinh luân” [經 綸] = Gỡ tơ ra thành từng sợi gọi là “kinh”, đan tơ thành lụa vải gọi là “luân”).

[14] Đẩy xe – Điển chữ Hán là “thôi cốc” [推轂] = Đẩy bánh xe. Lễ xưa: Khi vua tiễn một ông Đại tướng đi dẹp giặc ra đến cửa thành vua xuống đẩy bánh xe ông Tướng đi mà nói “Khổn dĩ nội, Quả nhân chủ chi; Khổn dĩ ngoại, tướng quân chủ chi” [閫以内,寡人主之;閫以外,將軍主之] = Từ cửa này vào trong thì Quả nhân làm chủ, từ cửa này ra ngoài thì Tướng quân làm chủ.” Vâng chỉ đặc sai = Vâng lời chỉ dụ của vua sai đi một cách trịnh trọng đặc biệt.

[15] Tiện, nghi, phủ, tiễu = Tùy tình thế nên làm mà hoặc phủ, hoặc tiễu. (Xem lời xác định câu 2454 trên này).

[16] Chiêu an [招安] = Dụ về hàng, nói về hàng thì sẽ được đối đãi tử tế, yên vui, không bắt tội.

[17] Thuế hàng [説降] = Xem lời đính chính câu 2548 trên.

[18] Cung nga thể nữ [宮娥彩女] = Những hầu gái ăn mặc lộng lẫy nhiều màu sắc như cung nữ trong cung vua.

[19] Mười phân hồ đồ = Dùng dằng đủ mười phân, dở tin lời dụ muốn về hàng, dở không tin muốn chẳng hàng.

[20] Cơ đồ [基圖] = Công cuộc cơ nghiệp đã gây nên được.

[21] Bó thân = Bỏ hết cả thế lực vùng vẫy như bó buộc chân tay tài cán mình lại mà ra hàng.

[22] Hàng thần [降臣] = Kẻ bầy tôi mới về hàng phục, mất cả thể diện, mặt mày trơ trẽn.

[23] Áo xiêm ràng buộc lấy nhau – Câu này tác giả lấy ý trong lời ông Nguyễn Huệ, khi mang quân ra Bắc đánh lần đầu, trừ được Chúa Trịnh rồi vào bái yết vua Hiển Tông nhà Lê và trao giả chính quyền Chúa Trịnh cho vua Lê, được vua phong tước Oai Quốc Công [威國公]. Khi về đến trại quân, ông Huệ bảo Nguyễn Hữu Chỉnh rằng “Ta mang mười mấy vạn quân, vượt mấy ngàn dặm đường ra đây lấy được Bắc Hà. Ta tưởng một tấc đất, một ngọn cỏ ở đây đều là của ta cả. Nay ta đem giang sơn này giả lại vua Lê, mà chỉ được vua phong cho ta cái tước Quốc Công hão huyền này dễ hòng lấy bộ phẩm phục đó mà buộc ta ở dưới quyền vua chăng! Ta nghĩ thật uổng công vô vị quá!” Chỉnh nghe sợ quá, sợ Huệ bỏ chí phù Lê, liền vào xin vua gả Ngọc Hân Công Chúa cho Huệ để cố kết lòng Huệ ở lại phù Lê với mình. (Lời ông Huệ nói trên này là tôi theo đại ý lời chép bằng chữ Hán ở trong Sử Nam mà thuật ra. Tôi rất tiếc các sử gia không chép nguyên lời tiếng Việt ta của vị anh hùng đó nói thật ra là thế nào).

[24] Công hầu – Lúc trước, ông quan nào có công to, nhất là đánh được giặc, thì được phong tước. Tước có 5 bực, to nhất là tước Công [公], rồi đến Hầu[侯],Bá [伯],Tử [子],Nam [男]. Người ta dùng hai chữ “công hầu” để nói các quan to.

[25] Gian truân [艱迍] = Vất vả cùng khổ.

[26] Vương thần [王臣] = Bày tôi nhà vua, đây tức là về hàng để ra làm quan.

[27] Đường cái thanh vân = Con đường lên mây xanh. Người ta ví người ra làm quan dần dần lên cao như con chim bay lên trời dần dần cao mãi lên đến từng mây xanh. Những ai làm quan chóng lên chức cao thì người ta nói họ may mắn được “thanh vân đắc lộ” [青雲得路] = Được đường lên mây xanh.

[28] Đường đường = Hiển vinh, danh giá.

[29] Đắc trung, đắc hiếu = Được cả tiếng là trung với vua, và hiếu với cha mẹ. Về hàng rồi làm quan để giúp vua thế là đắc trung, ra hàng rồi về làng làm vẻ vang cha mẹ, thế là đắc hiếu.

[30] Chiếc bách giữa dòng = Chiếc thuyền nhẹ làm bằng gỗ bách lênh đênh ở giữa sông. Đây ví đi làm giặc tình thế rất nguy hiểm bấp bênh.

[31] E dè sóng gió, hãi hùng cỏ hoa = Câu này ý nói lúc nào cũng lo sợ những cuộc càn quét mạnh như chiếc thuyền nhẹ sợ sóng gió dồn dập ở giữa sông, mà còn lại gây hãi hùng cho nhân dân đương yên vui phải lo sợ mình đến, như đám cỏ hoa bên sông lo thuyền lướt qua làm tàn hại hết cảnh tươi đẹp.

[32] Ơn Thánh Đế dồi dào = Ơn vua đã làm cho dân nhờ nhiều. Thánh Đế = Ông vua đương trị vì, được dân coi là bực vua giỏi như Thánh, trong các tờ tâu lên vua vẫn gọi là Thánh Thiên Tử.

[33] Bình thành [平成] = Do bốn chữ “địa bình thiên thành” [地平天成] rút ngắn lại, hàm ý là ơn vua đã làm cho mặt đất được bình trị, khí trời được thuận lợi cho dân cầy cấy dễ dàng yên ổn no ấm.

[34] Đống xương Vô Định = Đống xương quân lính chết trận ở bờ sông Vô Định. Đây nói rộng là quân chết trận. Sông Vô Định là một phụ lưu sông Hoàng Hà ở vùng Lũng Tây tỉnh Thiểm Tây. Trên bờ sông này có trận năm nghìn quân Hán đánh Hung Nô chết cả ở đó. Thi sĩ Trần Đào đời Đường có thơ vịnh cảnh thê thảm để tỏ lòng than thở về chiến tranh như sau:

[誓 掃 匈 奴 不 顧 身] Thệ tảo Hung Nô bất cố thân

(Quyết thề quét sạch quân Hung Nô, không ngó thân mình)

[五 千 貂 錦 喪 胡 塵] Ngũ thiên điêu cẩm táng Hồ trần

(Năm nghìn quân mặc áo gấm lót da điêu thử, chết ở bãi bụi cát đất Hồ)

[可 怜 無 定 河 邊 骨] Khả liên Vô Định hà biên cốt

(Thật đáng thương những bộ xương phơi ở bên sông Vô Định)

[猶 是 深 閨 夢 裡 人] Do thị thâm khuê mộng lý nhân

(Mà vẫn là những người mà vợ ở trong nơi buồng sâu mơ mộng mong về)

[35] Hoàng Sào [黃巢] học giỏi, thi hỏng mãi, bèn khởi binh làm giặc, vùng vẫy trong 10 năm (khoảng

874 đến 884). Giặc Hoàng Sào khiến nhà Đường suy yếu rồi sụp đổ trong vài thập niên sau đó.

[36] Công danh ai dứt lối nào cho qua = Muốn lập công danh, thì chỉ có một lối là về với

triều đình.

[37] Chỉnh nghi tiếp sứ = Sắp sửa nghi vệ chỉnh tề để tiếp đón sứ giả.

[38] Thúc giáp [束甲] = Xếp áo giáp mà bó lại. Giải binh = Giải tán quân để không đánh nhau nữa.

[39] Thành hạ yêu minh [城下要盟] = Hai bên cùng tới dưới thành chỗ Hồ Tôn Hiến đóng, mà

làm lễ ăn thề giảng hoà với nhau.

[40] Ngọn cờ ngơ ngác = Ngọn cờ không ai để ý đến, trông có vẻ ngẩn ngơ. Trống canh trễ tràng = Tiếng trống cầm canh nghe có vẻ uể oải lơ đễnh.

[41] Vương sư – Do nhóm chữ “Vương giả chi sư” [王者之師] = Quân đường hoàng đứng đắn của đức Vương giả như quân của vua Thang, vua Vũ đời xưa. Tác giả đặt câu này có ý mỉa mai: quân đường hoàng của Vương giả mà lại lén lút dòm trộm quân của địch khi địch đã tin mình mà hẹn về hàng! Ba chữ “vương sư dòm” thật là chua chát.

[42] Quyết kế thừa cơ [决計乘機] = Quả quyết dùng mưu nhân lúc giặc không phòng bị mà đánh úp giặc.

[43] Lễ tiên binh hậu = Trước mặt thì bầy lễ ăn thề, mà sau lưng thì phục quân để bất kỳ ùa ra đánh.

[44] Cờ chiêu phủ = Cờ có chữ “chiêu phủ” mời về hàng, và yên ủi quân giặc về hàng sẽ được yên vui.

[45] Đại quan [大冠] = Cái mũ to rộng đội khi tế lễ, trái với thứ mũ “trụ” [胄] đội khi ra trận đánh nhau.

[46] Ám hiệu trận tiền [暗号陣前]Ra hiệu ngầm ở trước trận, cho quân phục đổ ra đánh.

[47] Gan liền = Lòng gan trơ ra không chút sợ hãi như cục đá sắt không chút kẽ nứt. Tục ngữ thường nói “gan lỳ tướng quân”, cũng tức là lòng gan lỳ nhẵn như gan liền.

[48] Khí thiêng khi đã về thần = Hồn vía khi đã bỏ xác thịt mà về cõi thần rồi, tức là chết rồi.

[49] Nhơn nhơn nghĩa = Thản nhiên như khi còn sống, không có vẻ sợ hãi chút nào.

[50] Truy sát đuổi dài = Đuổi giết mãi. Tác giả đặt mấy chữ này vào đây có ý chê mỉa Hồ Tôn Hiến là lừa đảo, tàn ác, đã kéo cờ chiêu phủ lừa người, lại cho quân lính đuổi giết mãi hàng binh, thật là hèn và bất nhân.

[51] Hầm hầm sát khí = Cái khí hung hăng giết người nổi lên hầm hầm đáng sợ.

[52] Tên đá – Dịch từ hai chữ Hán “thỉ thạch” [矢石] = tên đá). Cung nỏ có thứ bắn đá gọi là “đàn cung” [彈弓] và đạn bắn đàn cung gọi là “đàn hoàn” [彈丸].

[53] Dòng thu như suối mạch sầuDòng thu = nước mắt sầu thương. Suối = chảy ra như suối. Mạch sầu = nguồn sầu thương ở trong người. (Chữ “suối” câu này các bản nôm viết là [𣾽] (chấm thủy bên chữ [毳]) “thuế”). Các bản Kiều quốc ngữ đều phiên âm chữ [𣾽] là “sối”; nếu là “sối” thì các bản nôm đã viết là [澮] (chấm thủy bên chữ [會] “cối”).

[54] Oan khí tương triền [寃氣相纏] = Khí oan nó cùng buộc kéo lấy nhau = Từ thì bị lừa chết oan, Kiều thì bị lừa mắc tội oan giết chồng.

[55] Binh cách [兵革] – Binh = binh khí, các đồ gươm giáo. Cách = da, các thứ áo giáp làm bằng da. Cơn binh cách = cuộc chiến tranh.

[56] Thành toán miếu đường – Lấy ý từ câu chữ Hán “Miếu đường chi thành toán” [廟堂之成算] = Mưu tính đã bàn định đâu vào đấy ở nơi miếu thờ nhà vua. Vì những cơ mưu lớn vua bàn với các quan, khi bàn định xong phải cúng cáo các vua tổ tiên, rồi mới thi hành, bởi vậy gọi là thành toán của miếu đường.

[57] Thiển thổ một đôi – Lấy ý từ thành ngữ Hán “Thiển thổ nhất đôi” [淺土一堆] = Một đống đất nông, hàm ý là nấm mồ đào nông chôn tạm. (Lời nói nhún xin cho Từ Hải được chôn nguyên hình, không phải chém đầu đem bêu vì tội to quá).

[58] Người tử sinh = Người đã kết nghĩa vợ chồng sống chết có nhau.

[5/Cảo táng [藁喪] – Cảo = Cỏ khô. Cảo táng = Bọc thây vào cỏ khô mà chôn thay hòm gỗ.

Diễn ra văn xuôi

Câu 2439, 2440 = Thừa thế cơ hội tốt, đánh đâu được đấy như chẻ tre, quan quân tan chạy như ngói mái nhà trút xuống, và từ đó binh uy nổi tiếng hùng mạnh khắp mọi nơi trong ngoài.

Câu 2441, 2442 = Và lập thành một triều đình riêng một góc trời có đủ hai hàng quan văn, quan vũ, chia chiếm lấy một phần non nước.

Câu 2443, 2444 = Nhiều phen đi đánh đây đánh đó, nhanh mạnh như mưa to bão lớn, phá chiếm được năm thành phủ huyện miền Nam.

Câu 2445, 2446 = Một lưỡi gươm vùng vẫy như mài trong đám phong trần càng ngày càng sắc bén, chẳng coi bọn quan hèn như giá áo túi cơm ra gì cả, chém giết không nể tay.

Câu 2447, 2448 = Một mình nghênh ngang cai trị một bờ cõi ở vùng biên thùy, tha hồ xưng Cô, xưng Quả, xưng Bá, xưng Vương.

Câu 2449, 2450 = Cờ đi đến đâu, không ai dám cản trước mà đánh lại để đua sức mạnh, và trong năm năm, rất oai hùng chiếm giữ được một phương bờ bể, làm cho triều đình nhà Minh phải lo sợ.

Câu 2451, 2452 = Bấy giờ có quan Tổng đốc là một vị đại thần rất quan trọng, tên là Hồ Tôn Hiến, gồm đủ cả mọi tài kinh luân, xếp đặt mọi việc chính trị rất khôn khéo.

Câu 2453, 2454 = Ông được vua trao chỉ thị đặc biệt sai đi đánh giặc, được vua làm lễ long trọng xuống đẩy xe đưa đi, và cho tùy tiện tùy nghi hoặc chiêu phủ về hàng, hoặc đánh mạnh mà dẹp đi.

Câu 2455, 2456 = Tôn Hiến biết họ Từ là một bực tướng anh hùng, khó lấy binh lực mà đánh được, lại biết nàng Kiều vẫn dự bàn những cuộc hội nghị cơ mưu trong quân sự.

Câu 2457, 2458 = Hồ nghi đánh thì khó vì Từ là tay tướng giỏi, mà dụ về hàng thì có thể được. Kiều là đàn bà hay nhẹ dạ dễ tin lời khéo dỗ, nên Hồ mới đóng quân không đánh mà dùng chước chiêu an, sai một viên quan mang ngọc ngà gấm vóc sang biếu Từ, và lấy lời lẽ thiệt hơn nói cho Từ biết mà khuyên Từ về hàng.

Câu 2459, 2460 = Ông lại sửa riêng một lễ tặng nàng, lễ này rất trọng hậu: có hai tên thể nữ và nghìn cân vừa vàng vừa ngọc.

Câu 2461, 2462 = Sứ giả đưa tin chiêu hàng vào đến trại Trung quân Từ đóng. Từ được thư chiêu hàng nói về hàng sẽ được hậu đãi, rất nhiều lợi lộc. Từ nữa tin nửa nghờ, bụng phân vân đủ đường, không biết nên hàng hay nên chống lại.

Câu 2463, 2464 = Từ nghĩ: Một tay mình gây dựng mãi mới được cơ đồ giang sơn này để tha hồ vẫy vùng ngang dọc nơi bể Sở, sông Ngô bấy lâu nay.

Câu 2465, 2466 = Nếu ta bó chân bó tay lại về làm quan với triều đình, thì sao còn được tung hoành oanh liệt nữa? Lại lúc nào mình cũng cảm thấy mặt mày thì lơ láo đáng thẹn, thân phận thì chẳng vào đâu, chẳng ai coi ra gì.

Câu 2467, 2468 = Nhà vua chỉ khéo đem cái bộ áo xiêm sang trọng hão huyền mà ràng buộc lấy mình vào dưới quyền phép nhà vua, nhưng thật ra còn phải vào luồn ra cúi dưới quyền vua, thì dẫu ông Công, ông Hầu, chức tước to đến đâu nữa, cũng chẳng quý gì.

Câu 2469, 2470 = Sao bằng ta cứ nghênh ngang giữ riêng một cõi giang sơn ở góc biên thùy này! Lấy sức mạnh ta đây mà chống đối lại, chưa dễ gì họ đã làm gì được ta.

Câu 2471, 2472 = Tha hồ mà ta quấy nước chọc trời, tha hồ mà ta vùng vẫy tự do, chẳng biết trên đầu còn có ai nữa!

Câu 2473, 2474 = Về phần Kiều, thì nàng bụng dạ ngay thật, thấy đồ lễ nhiều, lời nói khéo, ngọt tai dễ nghe, nàng tin ngay lời sứ giả nói là thật, không có ý lừa mình.

Câu 2475, 2476 = Nàng nghĩ: Thân nàng lênh đênh như cánh bèo trên mặt nước sông, lưu lạc đã nhiều, lại trải qua lắm cuộc khổ nhục, đau đớn, thật là đủ nỗi gian truân.

Câu 2477, 2478 = Ví bằng nay đây mình về làm bày tôi nhà vua, thì được bước lên con đường hiển vinh phú quý, thanh thản thênh thang.

Câu 2479, 2480 = Thế là bổn phận nàng đối với nước đối với nhà, đều được trọn vẹn cả hai bề, rồi dần dà nàng sẽ tìm đường về quê hương, sum họp với cha mẹ trong gia đình.

Câu 2481, 2482 = Bấy giờ nàng cũng đường đường là một vị mệnh phụ, mình đã được nở nang mày mặt, và cha mẹ cũng sẽ được rỡ ràng danh giá nữa.

Câu 2483, 2484 = Nàng suy tính về hàng thì được hay đủ đường như vậy, rõ thật trên thì làm cho nước được yên vui, dưới thì làm cho nhà được sum họp, trước là được trọn đạo trung với vua, sau là vẹn được đạo hiếu với cha mẹ.

Câu 2485, 2486 = Chẳng hơn là cái tình cảnh đi làm giặc thế này, y như chiếc thuyền nhẹ bấp bênh ở giữa dòng sông, không những e sợ những cơn sóng gió dồn dập, lại còn gây hãi hùng cho những cỏ hoa tươi đẹp ở bên sông nữa. (Ý nói làm giặc thì mình đã lúc nào cũng sợ bị đánh dẹp, mà lại còn làm đám lương dân đương yên vui phải hãi hùng).

Câu 2487, 2488 = Nàng nghĩ vậy, rồi nhân lúc bàn tính lẽ gần, lẽ xa, nàng mới nhân dịp bàn ra bàn vào mọi lẽ cho Từ nghe.

Câu 2489, 2490 = Nàng nói: Thiếp thấy ơn đức nhà vua ban cho dân thật đã dồi dào sâu rộng lắm.

Câu 2491, 2492 = Bấy lâu nay nhà vua đã làm cho đất nước được bình trị, dân chúng được làm ăn thuận lợi, quanh năm mưa thuận gió hòa. Ai ai cũng được đội nhiều cái công đức như thay Trời Đất nuôi dân này.

Câu 2493, 2494 = Thiếp nghĩ từ khi ta khởi cuộc binh đao đến giờ, quân lính tử trận thật đã nhiều lắm, đống xương tử sĩ không ai chôn vùi có thể cao hơn đầu ta rồi. (Lời ghi: Tác giả thật khéo kén dùng chữ “Đống xương Vô Định” mà đặt vào đây, vừa lấy điển là đống xương những kẻ chiến sĩ oai hùng cùng chết với nhau ở bờ sông Vô Định, vừa dùng chữ “vô định” để nói ý thê thảm, chết không được chôn vùi, ở nơi xa lạ, hồn vẩn vơ không biết về đâu. Nên câu văn này lời thật hay, ý thật thảm thê, rất dễ làm cảm động lòng người).

Câu 2495, 2496 = Vậy thiếp tưởng ta không nên làm hại nhân mạng như thế mãi để mang tiếng xấu cho đời sau chê cười. Ta xem như Hoàng Sào đã từng vẫy vùng oanh liệt một thời như vậy, mà nghìn năm về sau có ai khen đâu!

Câu 2497, 2498 = Sao bằng bây giờ nhân dịp này ta về với triều đình là được ngay chức trọng quyền cao, yên hưởng phú quý. Thiếp tưởng đó là con đường duy nhất để lập công danh, không ai bỏ lối này mà không qua được!”

Câu 2499, 2500 = Từ Công nghe nàng nói lời đã ngọt, lẽ lại phải, thật là mặn mà dễ nghe, nên xiêu lòng theo ngay, và đổi thế chuẩn bị để đánh ra thế sắp sửa để hàng.

Câu 2501, 2502 = Thế là vội vàng sửa soạn lễ nghi để tiếp đón sứ giả, và hẹn ngày bó áo giáp ra hàng và quyết một đường giải binh bãi chiến.

Câu 2503, 2504 = Từ đó trên tướng dưới quân đều một niềm tin vào cuộc hẹn nhau ra ăn thề nghị hòa ở dưới thành, mà không lo phòng bị gì nữa, mặc kệ ngọn cờ như có vẻ ngơ ngác, chẳng ai trông nom, mặc kệ tiếng trống cầm canh uể oải lơ đễnh, chẳng ai đôn đốc nữa.

Câu 2505, 2506 = Bên Từ thì lãng bỏ việc binh không giữ gìn phòng bị, mà bên vương sư thì dòm ngó lén lút biết đích xác việc bỏ binh bị là thật, không chút giả dối.

Câu 2507, 2508 = Hồ Công bây giờ mới quyết chí nhân dịp Từ không phòng bị, mà dùng mẹo: lễ trước binh sau, để lừa Từ, và hẹn quân sĩ đúng giờ được ám hiệu thì cùng xông ra đánh úp.

Câu 2509, 2510 = Hôm đó, Hồ Công kéo cờ chiêu phủ đi đầu ra nơi thành hạ, mặt trước thì bầy đủ lễ nghi để ăn thề, mặt sau thì phục đủ binh sĩ cung đao để đánh úp.

Câu 2511, 2512 = Từ Công hờ hững có biết đâu cái mưu lừa đảo đó, cứ việc y theo lời hẹn mà mặc đồ lễ phục mũ rộng áo dài tiến lại cửa đồn quan quân để đầu hàng và ăn thề.

Câu 2513, 2514 = Hồ Công thấy Từ đến, liền ra hiệu ngầm ở trước trận, tức thì ba bề súng nổ, bốn bên dựng cờ, quan quân ào ào đổ ra vây đánh.

Câu 2515, 1516 = Trong khi không ngờ, bất thình lình bị đánh như vậy, thì dẫu hùm thiêng, thiên tướng nhà trời, mà khi đã sa cơ thất thế cũng hóa ra hèn yếu.

Câu 2517, 2518 = Nhưng Từ Công tuy tay không ở giữa vòng tên đạn gươm giáo, mà vẫn xông pha sống chết ra tay, không sợ hãi chút nào, thật tỏ ra là một ông tướng gan liền không hề nứt dạn.

Câu 2519, 2520 = Khi hồn đã bay về cõi thần rồi, thân hình ông vẫn còn đứng vững như chôn chân ở giữa vòng vây.

Câu 2521, 2522 = Và vẫn cứ trơ trơ như tượng đá, vững vàng như tượng đồng, không ai lay được chuyển, rung được rời.

Câu 2523, 2524 = Quan quân thừa thế xông vào trong đồn bên địch đuổi giết mãi, sát khí hầm hầm, hung hăng không ai ngăn cản được.

Câu 2525, 2526 = Trong ngoài hào lũy trại Từ đều tan hoang một lượt. Lúc loạn quân bắt được nàng, mới dắt đến chỗ Từ chết.

Câu 2527, 2528 – Nàng thấy Từ vẫn còn trơ trơ ở giữa vùng ngổn ngang bời bời những tên với đá.

Câu 2529 đến 2532 – Nàng khóc rằng: Tướng Quân là bực trí dũng có thừa, chỉ vì nghe lời thiếp mà nên nông nỗi này! Nay thiếp còn mặt mũi nào mà dám trông thấy Tướng Quân nữa? Thà thiếp liều chết theo Tướng Quân một ngày với nhau cho xong!

Câu 2533, 2534 = Nước mắt thảm thương tràn trụa tuôn như suối từ mạch sầu trong mình nàng ra. Dứt lời khóc nàng liền gieo đầu xuống một bên chân Từ định tự tử.

Câu 2535, 2536 = Lạ thay cho khí oan của hai người nó buộc kéo lấy nhau, nàng vừa lao đầu phục xuống, thì thấy Từ cũng liền ngã xuống.

Câu 2537, 2538 = Bọn quan quân, người qua kẻ lại thấy thế rất xót thương cho tình cảnh nàng, mới sẽ lại yên ủi nàng và dần dần vực nàng đứng dậy ra chỗ khác.

Câu 2539, 2540 = Họ đưa nàng vào trước trại Trung quân mà nộp. Hồ Công thấy mặt nàng liền hỏi han có vẻ ân cần lắm.

Câu 2541, 2542 = Hồ Công bảo nàng rằng: Nàng là thân phận đàn bà nhan sắc mà lại gặp cơn binh cách rối loạn thế này, tình cảnh thật là đáng thương.

Câu 2543, 2544 = Cuộc thắng trận này tuy là nhờ mưu toan nhà vua đã định sẵn ở nơi miếu đường, nhưng cũng nhờ có lời nàng giúp nên mới được chóng thành công như vậy.

Câu 2545, 2546 = Bây giờ đã thành công hoàn toàn rồi, tùy ý nàng muốn xin thưởng công thế nào thì cứ nói.

Câu 2547, 2548 – Nàng càng tuôn rơi nước mắt mà ngập ngừng kể rõ nông nỗi thấp cao ở trong lòng nàng.

Câu 2549, 2550 – Nàng nói: Từ Công là một đứng anh hùng dọc ngang bấy lâu nay ở nơi bể rộng sông dài mà không ai đối địch được.

Câu 2551, 2552 = Nay vì tin tôi, mới quá nhẹ dạ nghe tôi mà đem tấm thân bách chiến bách thắng về làm tôi triều đình.

Câu 2553, 2554 = Tôi những tưởng là khuyên nhau ra hàng thì vợ chồng cùng được quý hiển vinh hoa, tôi có ngờ đâu rằng Từ Công trong phút chốc bị chết thảm thương như thế này?

Câu 2555, 2556 = Tôi rất thương Từ Công ngang tàng oanh liệt ở khoảng giời bể thênh thang này trong năm năm trời nay, mà bỗng đem thân đi bỏ nơi chiến trường này như không thế vậy!

Câu 2557, 2558 = Thật ra tôi khuyên Từ Công ra hàng là để được yên hưởng phú quý, chứ đâu phải là để giết Từ Công. Nay Tướng Công lại khéo ngỏ lời khuyên nhủ cho đó là công của tôi, Tướng Công càng kể công tôi bao nhiêu, thì tôi lại càng đau lòng bấy nhiêu.

Câu 2559, 2560 = Tôi nghĩ công tôi đối với Tướng Công thì ít, mà tội tôi đối với Từ Công thì nhiều. Cuộc sống thừa của tôi bây giờ thật đáng liều chết đi lắm.

Câu 2561, 2562 = Tướng Công dạy muốn xin gì thì cho phép cứ nói. Vậy tôi dám xin Tướng Công cho tôi một chỗ đất nông xấu để chôn Từ Công thành một nấm mồ to, gọi là tỏ nghĩa đắp điếm lấy người đã kết nghĩa sống chết với nhau.”

Câu 2563, 2564 = Hồ Công nghe lời nàng nói thương tình lắm, mới truyền cho quân sĩ theo lễ cảo táng nhà binh mà chôn nguyên hình Từ Tướng ở bên sông. (Lời ghi: Đây là một ơn đặc biệt mà Kiều đã xin được cho Từ khỏi phải chém đầu, phanh thây bêu xác, và được chôn thành mồ mả tử tế).

Phụ lục: Đoạn tả tâm sự Từ Hải này đã gây ảnh hưởng thế nào cho vua Tự Đức? Tôi đã được nghe các cụ nhà tôi nói: Vua Tự Đức lúc mới đọc Truyện Kiều, khen mãi là hay; nhưng khi đọc đến những câu tả tâm trạng Từ Hải:

Bó thân về với triều đình / hàng thần lơ láo phận mình ra đâu!

Áo xiêm ràng buộc lấy nhau / vào luồn ra cúi công hầu mà chi!

Sao bằng riêng một biên thùy / sức này đã dễ làm gì được nhau?

Chọc trời quấy nước mặc dầu / dọc ngang còn biết trên đầu có ai!

thì vua giận lắm, bỏ không xem nữa, kết tội Nguyễn Du là “bạt hộ” [跋扈] (vượt qua quyền phép nhà vua), có ý súi dân nổi loạn, rồi vua muốn truy cách quan tước ông Du và cấm lưu hành Truyện Kiều. Nhưng các quan khiếu oan cho ông Du, nói đó chỉ là lời tả chí bạt hộ của Từ Hải phải nói thế mới hay thôi, và xin vua đọc ngay xuống lời Kiều khuyên Từ:

Rằng: Ơn Thánh Đế dồi dào / tưới ra đã khắp thấm vào đã sâu,

Bình thành công đức bấy lâu / ai ai cũng đội trên đầu biết bao.

Vua nghe lời đầy những ý trung quân ái dân, thì mới hết giận và tiếp tục đọc.

Những câu có ý móc nối và những chữ có ý than mỉa

Truyện Kiều có nhiều chỗ tác giả nêu ra những câu tả cảnh, tả việc trái ngược, để làm mối liên lạc với

cảnh, với việc trái ngược sau, và để làm nổi bật lên sự ngạc nhiên cho độc giả. Xin kể mấy câu thí dụ:

  1. Nêu câu tả lòng bình tĩnh của Kiều:

Êm đềm trướng rủ màn che / tường đông ong bướm đi về mặc ai.

để móc nối với câu tả điên đảo vì tình, khi thấy Kim Trọng:

Khách đà lên ngựa người còn nghé theo.

thế là hết cảnh bình tĩnh êm đềm ở nơi trướng rủ màn che.

(2) Nêu câu tả tình vui đẹp của Kim, Kiều say sưa quý mến nhau thật đầy hy vọng:

Kiều thì: Vội gì liễu ép hoa nài / còn thân ắt một đền bồi có khi.

Kim thì: Thấy lời đoan chính dễ nghe / chàng càng thêm nể thêm vì mười phân.

để móc nối ngay với đoạn tả tình sầu thương vĩnh biệt, Kim thì phải muôn dặm hộ tang, rồi:

Khi về thấy Liễu Chương Đài / cành xuân đã bẻ cho người chuyên tay.

để chàng phải:

Đau đòi đoạn, ngất đòi thôi, tỉnh rồi lại khóc, khóc rồi lại mê.

Kiều khi gặp gia biến, phải quyết tình hạ tình, bán mình cứu cha, rồi đau đớn quá phải kêu:

Trăm nghìn gửi lạy tình quân / tơ duyên ngắn ngủi có ngần ấy thôi

và cạn lời hồn ngất máu say, cả nhà phải cứu gọi mãi mới tỉnh.

(3) Nêu những câu Kiều ở Vô Tích thì nghĩ:

Lâm Truy chút nghĩa đèo bồng / nước non để chữ tương phùng kiếp sau.

Thúc ở Lâm Truy thì nghĩ:

Tìm đâu cho thấy cố nhân / lấy câu vận mệnh khuây dần nhớ thương

để móc nối ngay với đoạn chàng nàng sửng sốt bất kỳ gặp nhau ở trước mặt Hoạn thư:

Kiều thì: Phải rằng nắng quáng đèn lòa / rõ ràng ngồi đó chẳng là Thúc Sinh?

Thúc thì: Sinh đà phách lạc hồn siêu / thương ôi chẳng phải nàng Kiều ở đây?

Thế là cùng tỉnh ra thì biết là mắc tay Hoạn Thư.

(4) Cũng vậy, tác giả nêu mấy câu tả cảnh toàn thịnh vượng oanh liệt của Từ Hải:

Trước cờ ai dám tranh cường / năm năm hùng cứ một phương hải tần.

để móc nối với mấy câu tả cuộc Từ bị Hồ lừa chết đứng ở giữa vùng tên đá:

Năm năm trời bể ngang tàng / dẫn thân đi bỏ chiến tràng như không.

Thế là khiến độc giả vừa thấy “hùng cứ một phương hải tần” đã lại thấy ngay “cảo tang di hình bên sông”, thật là đáng ngậm ngùi cho kẻ anh hùng vì ngay thật mà bị chết oan.

(5) Câu Tiện nghi phủ, tiễu việc ngoài đổng nhung thật đã mở màn cho mọi sự diễn biến trong đoạn này vì hai chữ “phủ, tiễu.” Hồ Tôn Hiến thì vì chữ “phủ” mà làm hết cách hèn hạ, đút lót luồn lụy vợ chồng giặc, lén lút dòm ngó tình thế giặc, và hết cách giả dối, lễ tiên binh hậu để lừa Từ; rồi lại vì chữ “tiễu” mà hết sức bất nhân thừa thế đuổi dài tàn sát hàng binh. Vì chữ “phủ” mà Từ tuy ý quyết chiến nhưng vẫn hồ đồ, và Kiều thì vừa ngán cảnh lưu lạc, lại nhẹ dạ tin lời chiêu phủ, mới khuyên Từ về hàng cho được yên hưởng vinh hoa, rút cuộc vì chữ “phủ” giả dối và chữ “tiễu” bất nhân mà Từ bị chết oan, Kiều bị ô nhục, xuống sông theo Từ.

(6) Tác giả có ý dùng những câu hay những chữ để chê trách một hạng người nào, hoặc để mỉa mai ngầm một nhân vật tả trong truyện, nhất là Hồ Tôn Hiến, xin kể như sau:

Hay nhất là câu:

Phong trần mài một lưỡi gươm / những loài giá áo túi cơm sá gì.

Lời văn đã hay đẹp, điêu luyện, hùng dũng hợp với khí phách ngang tàng của Từ Hải, chỉ muốn ra tay dẹp nỗi bất bình; ý nghĩa lại thâm thúy mỉa mai sâu rộng nhiều hạng người, rõ ràng nhất là mỉa mai lũ quan, tướng, chỉ cốt ăn ngon mặc đẹp, chẳng nghĩ gì đến dân nước, khi giặc đến bỏ chạy như ngói tan, để giặc coi như lũ súc vật gọi là loài giá áo túi cơm. Ngoài ý mỉa mai rõ ràng lũ quan bất tài ấy, tác giả còn ngầm ý chỉ trích kín đáo nhà vua không biết kén dùng người tài giỏi, để đến nỗi giặc đến đâu thì như chẻ tre đến đấy. Câu Phong trần mài một lưỡi gươm ngoài ý tả Từ Hải tung hoành đắc chí như thế là vì gặp lũ quan vô tài, chứ đâu phải Từ là tay tài giỏi thật, vì chỉ múa gươm trong đám gió bụi không người.

Tác giả thật đã dụng ý lấy câu Phong trần mài một lưỡi gươm / Những loài giá áo túi cơm sá gì để than ngầm thời cuộc: chỉ vì vua Lê chúa Trịnh không biết kén dùng người tài để đến nỗi quân Tây Sơn ra Bắc Hà như vào chỗ không người; chứ cứ theo ý Ông, thì Nguyễn Huệ chưa chắc đã là tay vô dịch. Trong bài thơ đề cuốn Tang Thương Ngẫu Lục [桑 滄 偶 錄] ông Phó Bảng Đồng Tỉnh Phan Văn Ái cũng có hai câu để than thở thời sự hồi Pháp thuộc, đồng ý với lời than thở ngầm kín của tác giả này:

[鄭 黎 自 作 離 膏 蠏] Trịnh Lê tự tác ly cao giải

(Vua Lê chúa Trịnh tự gây cho mình cái kiếp con cua phải lìa khỏi ruộng tốt)

[岳 惠 徒 誇 得 腐 鳶] Nhạc Huệ đồ khoa đắc hủ diên

(Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ khoe hảo cái sự anh hùng như con ó vồ được thây chết)

(7) Câu Đẩy xe vâng chỉ đặc sai ngụ ý mỉa mai Hồ Tôn Hiến được vua trịnh trọng đưa tiễn như thế, mà mất cả uy tín của Vương sư: “phủ” chẳng ra phủ, “tiễu” chẳng ra tiễu; phủ thì làm cách quá hèn, quá lừa đảo, tiễu thì làm cách quá tàn nhẫn. Câu Kinh luân gồm tài ngụ ý mỉa mai tài kinh luân của quan Tổng đốc chỉ có thế: đem của ra đút lót để lừa dỗ một người đàn bà.

(8) Câu Biết Từ là đấng anh hùng tỏ ra Tôn Hiến quá sợ Từ Hải. Câu Lại riêng một lễ với nàng tỏ ra Tôn Hiến rất hèn phải lễ vợ tướng giặc. Câu Vương sư dòm đã tỏ tường thật hư tỏ ra Tôn Hiến lén lút bất chính, mất cả thể thống Vương sư.

[ĐÀM DUY TẠO]