CHƯƠNG 32

KIM VÂN KIỀU ĐÍNH GIẢI

Hương Ngạn Đào Tử ĐÀM DUY TẠO

trước tác năm 1986

(Thứ nam) Đàm Trung Pháp

hiệu đính và phổ biến năm 2020

* * * * *

CÂU 3187 ĐẾN CÂU 3240

“Tình xưa điệu mới, khổ tận cam lai”

3187. Thoắt thôi tay lại cầm tay,

Càng yêu vì nết càng say vì tình.

3189. Thêm nến giá nối hương bình, [1]

Cùng nhau lại chuốc chén quỳnh giao hoan. [2]

3191. Tình xưa lai láng khôn hàn,

Thong dong lại hỏi ngón đàn ngày xưa.

3193. Nàng rằng: Vì mấy đường tơ, [3]

Lầm người cho đến bây giờ mới thôi! [4]

3195. Ăn năn thì sự đã rồi!

Nể lòng người cũ vâng lời một phen.

3197. Phím đàn dìu dặt tay tiên,

Khói trầm cao thấp tiếng huyền gần xa. [5]

3199. Khúc đâu đầm ấm dương hòa, [6]

Ấy là Hồ điệp hay là Trang sinh. [7]

3201. Khúc đâu êm ái xuân tình,

Ấy hồn Thục đế hay mình Đỗ quyên? [8]

3203. Trong sao châu nhỏ duềnh quyên, [9]

Ấm sao hạt ngọc Lam điền mới đông ! [10, 11]

3205. Lọt tai nghe suốt năm cung, [12]

Tiếng nào là chẳng não nùng xôn xao. [13]

3207. Chàng rằng: Phổ ấy tay nào,

Xưa sao sầu thảm nay sao vui vầy?

3209. Tẻ vui bởi tại lòng này,

Hay là khổ tận đến ngày cam lai? [14]

3211. Nàng rằng: Ví chút nghề chơi,

Đoạn trường tiếng ấy hại người bấy lâu!

3213. Một phen tri kỷ cùng nhau,

Cuốn dây từ đấy về sau cũng chừa. [15]

3215. Chuyện trò chưa cạn tóc tơ,

Gà đà gáy sáng trời vừa rạng đông.

3217. Tình riêng chàng lại nói sòng, [16]

Một nhà ai cũng lạ lùng khen lao.

3219. Cho hay thục nữ chí cao,

Phải người tối mận sớm đào như ai? [17]

3221. Hai tình vẹn vẽ hòa hai, [18]

Chẳng trong chăn gối cũng ngoài cầm thơ.

3223. Khi chén rượu khi cuộc cờ,

Khi xem hoa nở khi chờ trăng lên.

3225. Ba sinh đã phỉ mười nguyền, [19]

Duyên đôi lứa cũng là duyên bạn bầy.

3227. Nhớ lời lập một am mây,

Khiến người thân thích rước thầy Giác Duyên.

3229. Đến nơi đóng cửa cài then,

Rêu trùm kẽ ngạch cỏ len mái nhà, [20]

3231. Sư đà hái thuốc phương xa, [21]

Mây bay hạc lánh biết là tìm đâu? [22]

3233. Nặng vì chút nghĩa bấy lâu,

Trên am cứ giữ hương dầu hôm mai.

3235. Một nhà phúc lộc gồm hai,

Ngàn năm dằng dặc quan giai lần lần. [23]

3237. Thừa gia chẳng hết nàng Vân, [24]

Một cây cù mộc một sân quế hòe. [25] [26]

3239. Phong lưu phú quý ai bì,

Vườn xuân một cửa để bia muôn đời [27]

Chú giải và dẫn điển

[1] Thêm nến giá, nối hương bình = Cắm thêm nến lên cây nến và bỏ thêm trầm hương vào nồi hương, nghĩa giống câu 446 “Đài sen nối sáp, song đào thêm hương” lúc sắp gảy đàn cho Kim Trọng nghe lần trước.

[2] Giao hoan = Vui vẻ cùng nhau.

[3] Đường tơ = Dây đàn, trước kia làm bằng tơ tằm.

[4] Lầm người = Làm lầm lỡ vận mạng của người, làm cho người gặp sự không may.

[5] Tiếng huyền = Tiếng đàn. Huyền = dây đàn

[6] Dương hòa (陽 和) = Hơi ấm êm ái mùa xuân.

[7] Hồ điệp, Trang sinhHồ điệp (蝴 蝶) = Con bướm. Trang sinh tên là Trang Chu (荘 周), một nhà triết học nổi tiếng thời Xuân Thu. Một buổi mờ sáng, ông nằm ngủ mơ thấy mình hoá con bướm bay chơi thích lắm, lúc tỉnh dậy giật mình, không biết Chu mơ hoá bướm hay bướm mơ hoá Chu, rồi ngẩn ngơ tiếc giấc mơ bướm vui ít quá.

[8] Thục đế, Đỗ quyên – Vua nước Thục tên là Đỗ Vũ (杜 宇) nhường nước cho Tể tướng, mà đi ở ẩn; khi chết hồn nhập vào chim quyên nhớ nước kêu “quốc, quốc” mãi. Vì vua Thục họ Đỗ, nên người ta gọi chim quyên là Đỗ quyên (chim cuốc).

[9] Doành quyên = Vùng bể có trăng sáng chiếu trong đẹp, lấy điển ở câu thơ Đỗ Phủ “Thạch lại nguyệt quyên quyên” (石 濑 月 娟 娟) = Nước suối đá có trăng đẹp sáng soi xuống (để diễn dịch câu thơ cổ “Thương hải nguyệt minh châu hữu lệ” (滄 海 月 明 珠 有 淚).

[10] Lam điền (藍 田) = Khu núi tương truyền có ruộng vẫn gieo hạt giống ngọc.

[11] Mới đông = Vừa đặc lại thành ngọc.

Mấy câu tả tiếng đàn này do tác giả diễn dịch bốn câu thơ vịnh đàn Cẩm sắt (錦 瑟) của Lý Thương Ẩn đời nhà Đường:

“Trang sinh hiểu mộng mê hồ điệp” (荘 生 曉 夢 迷 蝴 蝶)

(Trang sinh trong giấc ngủ lúc mờ sáng, mơ thấy mình hoá ra bướm)

“Vọng Đế xuân tâm thác đỗ quyên” (望 帝 春 心 託 杜 鵑)

(Vua Vọng Đế nước Thục gửi lòng xuân của mình vào chim đỗ quyên)

“Thương hải nguyệt minh châu hữu lệ” (滄 海 月 明 珠 有 淚)*

(Biển rộng mênh mông dưới ánh trăng sáng, có những giọt nước mắt rỏ xuống thành ngọc)

“Lam điền nhật noãn ngọc sinh yên” (藍 田 日 暖 玉 生 烟)

(Núi Lam điền có ánh nắng ấm làm cho những hạt ngọc mới đông bốc khói lên)

* Theo sách “Thuật dị ký” (述 異 記) thì ở Nam hải có người Giao nhân (鮫 人) ở nhà dưới biển dệt lụa rất đẹp, và khi khóc thì những giọt nước mắt rỏ xuống thành ngọc.

[12] Năm cung = Năm giọng trong, đục, cao, thấp của âm nhạc = Cung (宮), thương (商), chủy (徵), giác (角), vũ (羽). (Cung là giọng đục nhất rồi trong dần, đến vũ là giọng cao nhất).

[13] Não nùng xôn xao = (Tiếng đàn) hay khiến người nghe phải náo nức say sưa.

[14] Khổ tận cam lai = Đắng hết ngọt lại, hàm ý cuộc khổ sở hết, đến cuộc sung sướng lại.

[15] Cuốn dây = Tháo dây đàn ra cuốn lại, không bao giờ gảy nữa.

[16] Nói sòng = Nói thật câu chuyện trước mặt mọi người cho ai cũng biết, không giấu giếm gì cả.

[17] Sớm mận tối đào – Kinh Thi có câu “Đầu ngã dĩ đào báo chi dĩ lý” (投 我 以 桃 報 之 以 李) = (Chàng) cho ta quả đào, ta đưa quả mận trả lại. Nghĩa bóng = Con gái không đứng đắn, trao đổi ân ái với con trai.

[18] Hai tình = Tình vợ chồng và tình bạn bè, hàm ý Kiều vừa là vợ hiền vừa là bạn quý của Kim Trọng.

[19] Ba sinh đã phỉ mười nguyền = Hai bên thật là đã được mãn nguyện đầy đủ mười phần trong cuộc tình duyên gắn bó đã lâu.

[20] Kẽ ngạch = Chỗ khe ở dưới ngưỡng cửa trước nhà cách với mặt thềm.

[21] = Hái thuốc – Người ẩn dật tu đạo Tiên, đạo Phật thường hay vào ở rừng núi và đi lấy quả, lá, củ rễ cây làm thuốc để mình dùng, để cứu người, để bán lấy tiền sinh sống. Hái thuốc có nghĩa bóng là Sư Giác Duyên đi vãn cảnh đây đó ở nơi xa.

[22] Mây bay hạc lánh = Như đám mây trôi, như con hạc tránh, với nghĩa bóng là không biết ở đâu mà tìm.

[23] Quan giai (官 階)  (Nghĩa đen) là các bực trên dưới trong quan trường. Đây dùng (nghĩa bóng) nói con cháu nối nghiệp nhau đỗ đạt làm quan đời đời.

[24] Thừa gia (承 家) = Vâng nhận lấy việc gây dựng dòng dõi để kế tiếp thờ cúng tổ tông, và truyền nối nghiệp nhà. Có bản Kiều đổi chữ “thừa gia” ra “thừa tông” (承 宗) cho rõ nghĩa hơn về phương diện thờ cúng, nhưng e nghĩa hẹp hơn chữ “thừa gia”, vì thiếu về phương diện kế tiếp nghiệp học hành, khoa bảng của nhà.

[25] Cù mộc (樛 木) – (Nghĩa đen) là cây to gốc cong, dây leo dễ quấn. (Nghĩa bóng) là người vợ cả hiền đức biết cúi lòng xuống mà bao dung tử tế với các vợ lẽ. Trong Kinh Thi có câu “Nam hữu cù mộc, cát lũy luy chi” (南 有 樛 木, 葛 藟 累 之) = Phương Nam có cây to, dây sắn, dây bạc thau quấn lấy gốc. Câu này tả đức tính bà Hậu Phi (后 妃) là vợ vua Văn Vương nhà Chu.

[26] Quế hoè – Hai thứ cây to bóng mát hay trồng ở trước sân. Ông Đậu Yên Sơn có năm con đều đỗ Tiến sĩ, người ta gọi là “Đậu gia ngũ quế ” (Năm cây quế nhà họ Đậu). Ông Vương Hựu trồng ba cây hòe ở trước nhà, và nói với mọi người rằng “Ta có công to mà không được thưởng, thế nào con ta cũng có đứa làm đến Tam công để đền bù lại.” Sau quả nhiên con ông là Vương Đán đỗ Trạng nguyên làm Tể tướng. Vì hai sự tích họ Đậu và họ Vương này mà người sau dùng hai chữ “quế hòe” để nói con cháu tài giỏi vinh hiển.

[27] Vườn xuân = (Nghĩa bóng) tả một nhà thịnh vượng tươi vui như vườn hoa về mùa xuân.

Diễn ra văn xuôi

Câu 3187, 88 = Chốc chốc Kim và Kiều lại cầm tay nhau, càng yêu nhau vì nết đứng đắn cao thượng, càng say nhau vì tình yêu mến, kính trọng lẫn nhau.

Câu 3189, 90 = Rồi cắm thêm nến lên giá đèn, bỏ thêm trầm vào bình hương, và rót rượu mời chuốc nhau, cùng uống vui mừng với nhau.

Câu 3191, 92 = Những chuyện tình xưa nghĩa cũ kể nhau nghe lan man mãi không nhịn được, rồi thong dong chàng lại hỏi đến ngón đàn ngày xưa của nàng.

Câu 3193, 94 = Nàng nói: Chỉ vì mấy tiếng đàn dại dột mà làm lầm lỡ khổ thân mãi cho đến bây giờ mới thôi.

Câu 3195, 96 = Tôi thật ăn năn hối hận quá nhưng sự đã trót rồi, hối đâu kịp nữa, nay chàng lại bảo gảy, tôi thật nể lòng mà xin vâng lời gảy một lần nữa.

Câu 3197, 98 = Nói rồi, một tay nắn phím đàn, một tay dìu dặt gảy. Chàng thấy khói trầm như múa theo tiếng đàn mà khi cao khi thấp, tiếng đàn thì như theo làn khói đưa đi mà khi nghe như ở gần, khi nghe như ở xa.

Câu 3199, 3200 = Khúc đàn nghe sao mà đầm ấm như ánh nắng dịu hòa của mùa xuân, khiến người nghe quên cả thân đời như ông Trang sinh mơ thấy mình hóa bướm lượn bay vui quá quên cả mình là Trang Chu.

Câu 3201, 02 = Khúc đàn gảy nghe sao êm ái như tấm lòng xuân tình, khiến người nghe phải mê ly, không biết đó là hồn vua Thục lúc còn xuân tâm phơi phới, hay lúc đã nhập vào hình chim đỗ quyên?

Câu 3203, 04 = Tiếng đàn gảy nghe sao trong đẹp như những hạt ngọc châu rỏ ở dưới đáy vũng bể, trên mặt doành có vừng trăng đẹp sáng chiếu xuống. Lại nghe có giọng tươi vui như mặt núi Lam điền xanh mướt ở dưới ánh nắng ấm áp, thành ra có khói ngọc non bốc lên.

Câu 3205, 06 = Chàng nghe nhận suốt năm cung, cung nào cũng vừa đúng, nghe thật lọt tai, tiếng nào nghe cũng não nùng, lòng vui xôn xao rộn rã.

Câu 3207, 08 = Chàng vui nói: Gảy khúc đó vào đàn này là tay nào? Có phải vẫn là một tay nàng không? Thế mà sao xưa thì sầu thảm, nay thì vui vầy thế này?

Câu 3209, 10 – Sự tẻ buồn hay vui vẻ khác nhau ấy là tại ở lòng mình mà ra, hay là tại vận đen cay đắng hết, đến hồi vận đỏ sung sướng tới?

Câu 3211, 12 = Nàng nói: Chỉ vì chút nghề chơi đàn dại dột này, mà để tiếng đàn đoạn trường nó làm hại mình bấy lâu nay!

Câu 3213, 14 = Một phen tưởng là hay đã gảy cho nhau nghe, được chàng tri kỷ răn nhau gảy chi khúc tiêu tao ấy! Nên từ đó đã cuốn dây xin chừa không gảy khúc ấy nữa.

Câu 3215, 16 = Truyện trò mãi chưa hết tình thân mật, thì gà đã gáy sáng, và trời phía đông đã ửng sáng.

3217, 18 = Câu truyện đêm động phòng đó, chàng kể rõ cho trước mặt mọi người nghe, ai cũng lấy làm lạ lùng và khen ngợi mãi.

3219, 20 = Thế mới biết nàng là bực thục nữ, ý chí thanh cao, chớ đâu phải như ai say ham tình dục, sớm tặng quả đào, tối trao quả mận.

Câu 3221, 22 = Tình vợ chồng và tình bạn bè giữa hai người thật là thanh cao trọn vẹn đủ phần. Bên trong thì không có cuộc vui chăn gối, bên ngoài thì đầy đủ những cuộc vui, khi thì họa đàn, khi thì ngâm thơ với nhau.

3223, 24 = Lại khi thì uống vui vài chén rượu, khi thì đánh chơi vài ván cờ, khi thì cùng nhau dạo xem hoa sắp nở buổi sớm, hay ngồi chờ trăng mọc lên buổi tối.

Câu 3225, 26 = Thật là mãn nguyện được đủ mười phần nguyện ước trong cuộc duyên ba sinh, vừa là duyên đôi lứa, vừa là duyên bạn bè.

Câu 3227, 28 = Nhớ lời hẹn khi từ giã với sư Giác Duyên, nàng mới lập một ngôi chùa nhỏ ở nơi vườn đẹp vắng, rồi sai người thân tín đi mời đón ân sư.

Câu 3229, 30 = Nhưng khi đến thảo am, thì thấy cửa đóng then cài, cảnh am vắng vẻ, rêu phủ kín kẽ ngạch giữa bực cửa trước nhà vì không ai đi lại, và cỏ leo lên mái nhà không ai lôi xuống.

Câu 3231, 32 = Mới hay Sư đã đi vân du hái thuốc nơi phương xa nào, như mây bay trên trời, như hạc lánh ngoài bãi, chẳng biết ở đâu mà tìm nữa.

Câu 3233, 34 = Nàng nặng lòng vì nhớ ân nghĩa to sâu của Sư trưởng bấy lâu nay, đành giữ đèn hương thờ Phật ở trên am để tụng niệm cầu phúc đền ơn.

Câu 3235, 36 = Gia đình Kim Kiều sau này thành một nhà thật thịnh vượng đầy đủ hai phần phúc và lộc, cha truyền con nối đỗ đạt làm quan mãi mãi nghìn năm.

Câu 3237, 38 = Việc thừa gia (xem lời chú giải [24]) chẳng những chỉ có Thúy Vân là hết, Kiều còn lấy thêm vợ lẽ cho chàng, và dưới độ lượng bao dung nhân hậu của Kiều như cây to bóng mát che chở cho lũ dây sắn bìm, thành ra con cháu đầy đàn và thành đạt cả.

Câu 3239, 40 = Thật là một nhà phong lưu phú quý chẳng ai bằng, và cảnh nhà thật hòa thuận vui tươi như vườn hoa tươi đẹp mùa xuân, để tiếng hay mãi mãi như bia tạc muôn đời.

Những câu và chữ có ý nghĩa móc nối nhau

(1) Đoạn tả cuộc gẩy đàn lần sau này gần giống như đoạn tả cuộc gẩy đàn lần trước và có nhiều câu hô ứng với các câu lần trước : (a) Lúc sắp gảy đàn thì lần này có câu “Thêm nến giá, nối hương bình” giống lần trước có câu: “Đài sen nối sáp, song đào thêm hương.” (b) Tiếng đàn lần trước thì chàng nghe thấy như oán như sầu, như tiếng gươm giáo sát phạt trong chiến trường. Tiếng trong thì chỉ thoảng qua như gió thoảng như chim bay, tiếng đục thì ầm ầm mãi như suối mới sa, như mưa mới đổ, nên chàng buồn ủ, biết là điềm ngậm đắng nuốt cay. Lần này thì chàng nghe thấy tiếng đàn sao mà êm ái như xuân tình, sao mà đầm ấm như dương hòa. Tiếng trong thì như mặt bể xanh lặng trăng soi, tiếng vui thì như núi Lam cỏ tươi nắng ấm, nên chàng say sưa, biết ngay là điềm khổ tận cam lai. (c) Lần trước, khi gảy xong, thì chàng răn sao lại dại dột lựa khúc tiêu tao đó, và nàng thưa lại là tính trời sinh nàng thích tiếng buồn tẻ như vậy, rồi nàng vâng lời chàng mà xin cố chữa dần. Lần này, khi gảy xong, thì chàng nức nở khen sao trước kia thì sầu thảm mà nay đây thì vui vầy thế. Thế mới biết tẻ hay vui là ở lòng nàng mà ra, và nàng thưa lại rằng đó là nhờ lần trước chàng biết mà răn, nên nàng vâng lời chữa được, để tỏ ý cảm tạ chàng.

(1) (a) Trong các câu “ 3222 Chẳng trong chăn gối, cũng ngoài cầm thơ / 3223 Khi chén rượu, khi cuộc cờ / 3224 Khi trông hoa nở, khi chờ trăng lên / 3225 Ba sinh đã phỉ mười nguyền / 3226 Duyên đôi lứa cũng là duyên bạn bày” thì bốn chữ “cầm thơ rượu cờ” (cầm kỳ thi tửu) là có thật ở hai câu trên, ứng với chữ “duyên bạn bầy” thật ở câu 3226; và hai chữ “hoa trăng” (hoa nguyệt) chưa có ở câu 3224 và chữ “chẳng trong chăn gối” ở câu 3222 ứng với “duyên đôi lứa” giả ở câu 3226. (b) Năm câu này lời lẽ thật thanh tao hô ứng khẩn thiết với nhau để nói: Duyên bạn bè là thật, còn duyên đôi lứa là giả, có hoa nhưng hoa chưa nở, có trăng nhưng trăng chưa lên. (c) Câu “Khi trông hoa nở, khi chờ trăng lên” lời thật đẹp đẽ nhẹ nhàng và ý thật thâm thúy.

(2) (a) Hai câu “Thừa gia chẳng hết nàng Vân / Một cây cù mộc, một sân quế hòe” vừa để ứng với hai câu Kiều nói ở trên “Cửa nhà dù tính về sau / Thì còn em đó, nọ cầu chị đây” vừa để tỏ ý Kiều đền lại sự thiệt thòi của chàng vì nàng đã “ngăn cản gió đông” để chàng “thiệt lòng khi ở, đau lòng khi đi”, nên nàng còn lấy thêm vợ lẽ nữa cho chàng, chớ không phải chỉ có một Thúy Vân. (b) Bốn câu nêu trên cũng chứng tỏ Kiều có đức hiền hậu bao dung, tuy không sinh đẻ với chàng, nhưng đã gây dựng cho chàng được một gia đình đông đúc thịnh vượng.

Mấy lời nhận xét về cuôc gảy đàn lần sau này

(1) Tại sao tác giả lại mượn mấy câu thơ vịnh đàn “Cẩm sắt” của thi sĩ Lý Thương Ẩn? Thực ra, Lý thi sĩ chỉ mượn sự nghe đàn để tả lòng nhớ tiếc đau thương vì tình hồi tuổi trẻ, chớ đâu phải là tả tiếng đàn vui, mà sao Nguyễn Du lại mượn vào đây để tả niềm vui cuộc Kim Kiều tái hợp này? Muốn suy xét cho biết nguyên nhân, thì trước hết phải xét qua những điều này: (a) Tâm sự Thi sĩ Lý Thương Ẩn. (b) Cây đàn “Cẩm sắt.” (c) Thâm ý từng câu bài thơ “Cẩm sắt.” (d) Tâm sự Nguyễn Du.

(2) Lý Thương Ẩn lúc tuổi trẻ thất chí đau đớn về đường tình không lấy được cô ý trung nhân đặc biệt, mặc dù đã ước hẹn nặng lời, nên suốt đời ông làm nhiều câu văn thơ tỏ ý nhớ tiếc đau thương, mà bài Cẩm sắt này là một. Ngoài ra xin kể mấy câu này nữa làm thí dụ:

(a) (來 是 空 言, 去 絶 蹤) = Lai thị không ngôn, khứ tuyệt tung = Khi đến chỉ thề thốt hão huyền, rồi lúc đi thì đi mất tông tích / (月 斜 楼 上, 五 更 鐘) = Nguyệt tà lâu thương, ngũ canh chung = Để ta đêm nào cũng thức đến lúc trăng tà trên lầu, điểm trống canh năm / (劉 郎 已 恨, 蓬 山 遠) = Lưu lang dĩ hận, Bồng sơn viễn = Chàng Lưu trước kia đã uất hận là nơi tiên ở non Bồng xa thẳm / (更 隔 蓬 山, 一 萬 重) = Cánh cách Bồng sơn, nhất vạn trùng = Ta nay lại xa cách nàng gâp một vạn lần hơn non Bồng.

(b) Cây đàn Cẩm sắt xưa có 50 dây. Một hôm vua Tần Thủy Hoàng nghe người tố nữ gảy tiếng thê thảm quá, mới bắt sửa lại chỉ còn 25 dây. Bài này Lý thi sĩ tả cây đàn có 50 dây vừa để hợp với tuổi mình khi đó, vừa để tả ý thật thảm thương.

(c) Thâm ý từng câu bài thơ Cẩm sắt của họ Lý:

Hai câu mở đầu bài thơ đã tỏ ngay lòng thương tiếc sâu xa:

(c1) (錦 瑟 無 端 五 十 絃) = Cẩm sắt vô đoan ngũ thập huyền = Cây Cẩm sắt bỗng dưng lại có 50 dây.

(c2) (一 絃 一 柱 憶 青 年) = Nhất huyền nhất trụ ức thanh niên = Mỗi dây mỗi cột gợi nhớ tuổi thanh xuân ta.

Bốn câu giữa đã chép và giải ở số [11] mục chú thích bên trên. Hai câu (3, 4) thì tỏ ý cuộc vui trước thì ngắn ngủi, cuộc buồn sầu thì dài mãi. Hai câu (5, 6) thì tỏ ý ngoài vui, trong đau buồn:

(c3) Trang Sinh lúc chợp ngủ hồi mờ sáng bỗng mơ thấy mình hóa bướm bay lượn rất vui thích, chẳng chút lo nghĩ gì, nhưng chỉ chốc lát đã tỉnh dậy, buồn tênh thấy mình vẫn là chàng Chu lo nghĩ mãi mãi.

(c4) Thục Đế lúc làm vua thì lòng xuân êm vui, nhưng chẳng bao lâu thấy nước lụt dân tàn, sinh chán đời bỏ đi ; khi chết hồn hóa chim cuốc nhớ nước đời đời kêu rất thê thảm.

(c5) Vùng bể trong xanh dưới ánh trăng sáng, trên mặt trông đẹp thật, nhưng dưới đáy vẫn có lũ giao nhân ngồi khóc nước mắt lã chã rơi thành ngọc.

(c6) Mặt núi Lam điền cỏ mọc xanh tươi lại có ánh nắng ấm áp, trông tươi đẹp lắm, nhưng dưới lại có ngọc non bị nắng nung nấu bốc khói lên mà tan đi.

Rõ ràng là câu (3, 4) thì than tiếc cuộc vui xưa ngắn ngủi, mà buồn thương cuộc sầu nay lâu dài. Trong khi đó thì câu (5, 6) nói bên ngoài tuy vui tươi, nhưng trong vẫn đau thương khóc thầm.

Hai câu kết bài Cẩm sắt này cũng một ý nhớ tiếc như vậy:

(c7) (此 情 可 待 成 追 憶)Thử tình khả đãi thành truy ức = Tình cảnh êm đẹp ấy thật đáng nhớ lại mãi.

(c8) (只 是 當 時 已 惘 然)Chỉ thị đương thì dĩ võng nhiên = Chỉ nỗi ngay lúc đó đã ngẩn ngơ như lo sợ mất một cái gì.

(d) Tâm sự tác giả Nguyễn Du – Lúc nào tác giả cũng tiếc cảnh êm vui lúc trẻ chan chứa hy vọng nối nghiệp vinh quang nhà và ra tay giúp vua chúa. Ông thấy cảnh ấy thoảng tan như giấc bướm của Trang Sinh. Lúc nào ông cũng thương tiếc triều Lê, cũng cám cảnh kinh đô Thăng Long cung miếu lâu đài bị phá hủy, thành trì phố sá bị đổi thay, ông từng tỏ lòng này ra như sau:

(d1) (千 年 自 室 成 官 道)Thiên niên cự thất thành quan đạo = Nhà to nghìn thuở thành đường lớn.

(d2) (一 片 新 城 没 故 宫)Nhất phiến tân thành một cố cung = Thành mới một tòa vắng miếu xưa.

Hồn nhớ nước của Nguyễn Du chẳng khác gì hồn Thục Đế nhập vào chim cuốc kêu “quốc, quốc” đời đời. Tuy ngoài mặt ông phải làm ra vui vẻ hoan nghinh triều Nguyễn, ra làm quan với triều Nguyễn, nhưng trong lòng ông vẫn đau đớn khóc thầm, chẳng khác gì vùng bể trong xanh lóng lánh ánh trăng vằng vặc, trên thì trông thật đẹp, mà dưới vẫn có lũ giao nhân khóc châu rơi lã chã; và cũng chẳng khác gì mặt núi Lam điền xanh mướt những cỏ dưới ánh nắng ấm áp, trông cảnh thật tươi tốt, những ở dưới vẫn có khói ngọc non bị hơi nắng nung nấu tan thành khói bốc lên.

Theo những điều nêu trên mà suy xét thì biết ngay rằng tác giả họ Nguyễn thấy Lý Thương Ẩn đã khéo đem những lời vui ít buồn nhiều nhưng vui rõ ràng mà buồn ngầm ngấm để tả tiếng đàn Cẩm sắt mà ngầm tỏ nỗi nhớ tiếc đau đớn tình nương. Vì vậy Nguyễn Du mới mượn ý bốn câu giữa bài thơ này mà tả tiếng đàn Kiều gảy lần sau này, để ngoài thì tả tiếng đàn, mà trong thì ngầm tả nỗi lòng nhớ tiếc triều Lê, thương đau nước cũ. Nhưng tác giả đã thật khéo đặt thành những câu vui vẻ đằm thắm: “Khúc đâu đầm ấm dương hòa!” / “Khúc đâu êm ái xuân tình!” / “Trong sao châu rỏ doành quyên” / “Ấm sao hạt ngọc Lam điền mới đông!” để cho lời tả hợp với cảnh vui lúc gảy đàn Kim Kiều tái hợp, và nhất là để che giấu nỗi lòng đau đớn cố Quân, cố Quốc, và than tiếc tuổi thanh niên chứa chan hy vọng.

[ĐÀM DUY TẠO]