CHƯƠNG 33

KIM VÂN KIỀU ĐÍNH GIẢI

Hương Ngạn Đào Tử ĐÀM DUY TẠO

trước tác năm 1986

(Thứ nam) Đàm Trung Pháp

hiệu đính và phổ biến năm 2020

* * * * *

CÂU 3241 ĐẾN CÂU 3254

“Chớ cậy chi tài, nên tu lấy thiện”

3241. Ngẫm hay muôn sự tại trời,

Trời kia đã bắt làm người có thân.

3243. Bắt phong trần, phải phong trần, [1]

Cho thanh cao mới được phần thanh cao. [2]

3245. Có đâu thiên vị người nào, [3]

Chữ tài chữ mệnh dồi dào cả hai, [4]

3247. Có tài mà cậy chi tài,

Chữ tài liền với chữ tai một vần. [5]

3249. Đã mang lấy nghiệp vào thân, [6]

Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa. [7]

3251. Thiện căn ở tại lòng ta, [8]

Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài. [9]

3253. Lời quê chắp nhặt dông dài, [10]

Mua vui cũng được một vài trống canh.

Chú giải và dẫn điển

[1] Phong trần (風 塵) – Nghĩa đen là nơi có gió bụi bốc lên làm bẩn. Nghĩa bóng ở đây là bước đời lầm than khổ sở, con trai thì phải làm ăn vất vả nay đây mai đó, con gái thì phải long đong sa đọa vào những nơi thanh lâu ô nhục. Tác giả dùng câu này để vừa than thở cho số phận của mình long đong trong cuộc bể dâu, vừa than thở cho số phận Kiều gặp cơn gia biến phải sa ngã vào cuộc đời khổ nhục.

[2] Thanh cao (聲 高) = (Cuộc sống) trong sạch, đáng quý, không ai chê cười được.

[3] Thiên vị (偏 為) = Vị nể, lệch lạc, không công bằng.

[4] Dồi dào = Đầy đủ.

[5] Tai (災) = Tàn hại tự nhiên xẩy ra cho ta phải chịu.

[6] Nghiệp (業) = Việc mình đã làm. Theo lẽ nhân quả báo ứng, sách Phật nói: Những việc ác mình đã làm trong kiếp trước là cái “nhân” (mầm) nó kết thành quả của sự khổ sở kiếp này mình phải chịu để đền tội cho kiếp trước. Những việc mình làm kiếp này lại là cái nhân sinh ra “quả” số phận kiếp tiếp sau. Cái sự khổ sở mình phải chịu lần hồi kiếp kiếp như thế gọi là “nghiệp” dùng trong câu Truyện Kiều này.

[7] Trách (咋) lẫn = Trách một cách lầm lẫn, không đúng lẽ phải.

[8] Thiện căn (善 根) = Cội gốc lòng thiện, nghĩa là cái gốc nhân từ ở lòng mình ra.

[9] Chữ “tâm = Tấm lòng có thiện căn nói trên. Hai câu 3247, 48 khuyên người đời: Muốn được khỏi kiếp khổ cực sau này, thì phải giữ bụng cho tử tế nhân đức, chớ có cậy tài giỏi mà tìm cách để tránh sự khổ sở nghiệp báo của kiếp trước. Hành động như vậy thì không những tránh không được, mà còn nghiệp báo chồng chất kiếp này sang kiếp khác, khổ mãi không thôi, càng thêm nặng nữa.

[10] Những chữ “lời quꔓdông dài” ở câu này là tác giả nói quá khiêm tốn đó thôi. Thật ra lời chẳngquê chút nào và những điển tích tác giả chắp nhặt vào suốt quyển truyện này kể có hàng nghìn, mà chẳng có câu nào dông dài cả. Ta chỉ thấy đều rất xác đáng, điển nào đúng sự ấy. Ta lại thấy tác giả thu nhặt rất rộng rãi, gần như hầu hết câu nào trong truyện, tác giả đều đặt theo điển cổ hẳn hoi ở trong các sách đứng đắn, hay theo phương ngôn tục ngữ của nền Việt văn. Những câu quan trọng có điển cố đã đành, lắm câu rất tầm thường mà thường cũng có ở trong sách cũ, ở trong ca dao. Thí dụ như nhóm chữ “hai kinh vững vàng” thì ở Tình Sử có “lưỡng kinh vô sự,” nhóm chữ “mụ thì khấn ngay” lấy điển ở câu “lầm rầm như đĩ khấn tiên sư.” Tôi rất tiếc là tôi học đã ít, trí nhớ lại kém, lại gặp lúc không có sách để tra cứu, nên đành chịu bỏ qua hầu hết.

Diễn ra văn xuôi

Câu 3241, 42 = Ta ngẫm nghĩ cho kỹ thì biết rằng mọi việc trên đời của con người đều do Trời quyết định cả. Trời đã cho ta làm người thì phải có thân.

Câu 3243, 44 = Trời bắt thân ta phải chịu kiếp phong trần, thì ta phải đành chịu phong trần. Khi nào Trời cho thân ta được thanh cao, thì ta mới được hưởng phúc phận thanh cao.

Câu 3245, 46 = Trời chẳng thiên vị người nào mà cho cả phần tài và phần mệnh đều được dồi dào đầy đủ cả.

Câu 3247, 48 = Bởi vậy khi Trời cho ta cái tài, thì ta chớ cậy tài ; ta phải biết chữ “tài” nó liền vần với chữ “tai.” Hãy nhớ rằng một khi Trời đã cho tài, thì Trời không cho mệnh nữa. Và nếu mình cậy tài mà cố làm cho vận mệnh tốt để cưỡng lại ý Trời, thì thế nào Trời cũng gieo cái “tai” cho mình để hãm cái “tài” của mình lại).

Câu 3249, 50 = Khi ta đã mang cái nghiệp báo kiếp trước vào thân mà ta phải phong trần khổ sở, thì ta đừng có lầm lẫn mà trách ông Trời ở gần hay ở xa mà không biết ta là kẻ có tài, lại nỡ để ta phải phong trần như thế.

Câu 3251, 52 = Ta muốn khỏi phong trần, thì ta phải vun trồng lấy gốc thiện ở trong lòng ta. Cái “thiện tâm” của ta đó mới quý gấp ba lần cái “tài hoa” của ta.

Câu 3253, 54 = Quyển sách lời lẽ quê mùa này do tôi lượm nhặt dông dài, mỗi chỗ một câu mà chắp nối lại viết ra. Tôi ước ao độc giả tiêu khiển mua vui cũng được vài ba trống canh khi buồn rảnh.

Những câu có ý móc nối hô ứng với nhau

(1) Mấy câu trong đoạn kết này đều ứng tiếp khẩn thiết với mấy đoạn mở đầu nói về “tài” với “mệnh.” (a) Hai câu “Có đâu thiên vị người nào / Chữ tài chữ mệnh dồi dào cả hai” nhắc lại ý câu “Lạ gì bỉ sắc tư phong.” (b) Câu “Chữ Tài liền với chữ Tai một vần” nhắc lại ý câu “Chữ Tài chữ Mệnh khéo là ghét nhau.” (c) Duy ở đoạn mở đầu thì nói hẳn ngay là “Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen,” những câu nhắc ý đó ở đoạn kết này thì lại dùng hai chữ “Ngẫm hay” để mở đường bàn rộng ra ý tại sao mà khách tài sắc lại bị Trời đánh ghen, và để khuyên người đời phải tu tỉnh lấy thiện căn ở trong lòng.

(2) Muốn khuyên giải cho khách phong trần khỏi “đau đớn lòng” vì bị “Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen” như câu nói ở đoạn mở đầu, thì ở đoạn kết này tác giả nói : (a) Nghĩ cho kỹ thì ta biết bọn tài, sắc phải phong trần ; đó không phải là tại Trời ghen, mà chỉ là vì Trời giữ quyền cân nhắc nghiệp duyên mà định số mệnh cho chúng ta đó thôi. (b) Trời đã bắt ta làm người thì phải có thân, mà cái thân ta đó thường lại xui giục ta làm sự ác để thân ta được sung sướng vật chất. Ai mà không biết tu tỉnh giữ gìn thiện căn như thế, thì kiếp sau sẽ bị Trời bắt thân phải phong trần. Ai mà biết giữ cho thân hiền hậu kiếp này, thì Trời sẽ cho kiếp sau thân được thanh cao. (c) Bởi vì Trời giữ quyền cân nhắc thưởng phạt như thế là công bằng, nên Trời bắt ta thế nào thì ta đành chịu như thế, và chớ cậy tài mà cưỡng lại, cho thêm nặng nghiệp báo kiếp sau.

(3) Có lẽ tác giả đặt câu “Mua vui cũng được một vài trống canh” làm câu cuối cùng đoạn kết để nối nghĩa với câu đầu đoạn mở “Trăm năm trong cõi người ta” để tỏ lòng than thở: Suốt cuộc đời đằng đẵng một trăm năm ở cõi người ta mà chỉ được có vài trống canh là vui!

[ĐÀM DUY TẠO]