Thử giải mã bài thơ “Tôi vẫn đợi”

của Thiền sư Thích Tuệ Sỹ

Vĩnh Đào

Bài “Tôi vẫn đợi” của Thích Tuệ Sỹ được trích trong tập Giấc mơ Trường Sơn do An Tiêm xuất bản năm 2002, nhưng thời gian sáng tác của bài này được ghi là năm 1978.

TÔI VẪN ĐỢI

Tôi vẫn đợi những đêm dài khắc khoải

Màu xanh xao trong tiếng khóc ven rừng

Trong bóng tối hận thù, tha thiết mãi

Một vì sao bên khóe miệng rưng rưng.

Tôi vẫn đợi những đêm đen lặng gió

Màu đen tuyền ánh mắt tự ngàn xưa

Nhìn hun hút cho dài thêm lịch sử

Dài con sông tràn máu lệ quê cha.

Tôi vẫn đợi suốt đời quên sóng vỗ

Quên những người xuôi ngược Thái Bình Dương

Người ở lại giữa lòng tay bạo chúa

Cọng lau gầy trĩu nặng ánh tà dương

Rồi trước mắt ngục tù thân bé bỏng

Ngón tay nào gõ nhịp xuống tường rêu

Rồi nhắm mắt ta đi vào cõi mộng

Như sương mai, như ánh chớp, mây chiều.

(Sài Gòn 1978)

Chúng ta có cảm giác là bài thơ chứa đựng những suy nghĩ thâm trầm, sâu sắc. Lời thơ tha thiết nhưng mang một thông điệp hơi bí ẩn khiến cho ta có thể đọc đi đọc lại nhiều lần vẫn khó nắm bắt được một ý tưởng nào mạch lạc.

Bài thơ sáng tác theo thể thơ mới 8 chữ. Bài có 4 đoạn, ở mỗi đoạn, hai câu 1 và 4 kết thúc bằng âm trắc, hai câu 2 và 4 kết thúc bằng âm bằng, vần với nhau.

Muốn giải mã bài thơ, trước hết cần nhắc lại hoàn cảnh sáng tác bài thơ này.

Đầu thập niên 1970, Thượng tọa Thích Tuệ Sỹ là một giáo sư xuất sắc của của Viện Ðại Học Vạn Hạnh, chuyên về Phật học và tư tưởng Đông Phương. Năm 1973 thì thầy quyết định rời bỏ Sài Gòn và Viện Ðại Học Vạn Hạnh để về tu tại chùa Hải Đức, trên đỉnh đồi cao heo hút phía Tây thành phố Nha Trang. Chưa đầy hai năm sau thì xảy ra biến cố tháng 4 năm 1975 và sự sụp đổ của chế độ Việt Nam Cộng Hoà. Cuối hè 1976 thì thầy Tuệ Sỹ rời chùa Hải Đức, một mình đi làm rẫy ở vùng rừng núi Vạn Giả, cách Nha Trang khoảng 60 cây số. Đến năm 1977, ông rời Vạn Giả vào Sài Gòn sống ở chùa Già Lam. Năm 1978, thì bị nhà cầm quyền Việt Nam bắt giam cho tới đầu năm 1981.

Bài “Tôi vẫn đợi” được sáng tác vào năm 1978, nghĩa là vào đầu thời gian ông bị giam cầm.

Người đọc có thể nhận thấy khá rõ ràng là hai đoạn thơ đầu của bài “Tôi vẫn đợi” nói về một trạng thái chờ đợi. Đoạn 3 nói về một thái độ của nhà thơ trước thời cuộc, hay là rõ hơn, trước số phận của những đồng bào ông. Sau cùng đoạn chót nói về hoàn cảnh bị giam cầm.

Việc này khá dễ, nhưng khúc mắc hơn là tìm một ý nghĩa cho dòng thư tưởng của tác giả.

Hai đoạn đầu được xây dựng trên cùng một cấu trúc, bắt đầu bằng “Tôi vẫn đợi”. Nhưng câu: “Tôi vẫn đợi những đêm dài khắc khoải” có thể gây hiểu lầm, vì “những đêm dài khắc khoải” không phải là đối tượng của sự chờ đợi; tác giả không phải chờ đợi những đêm nào sẽ đến, mà tác giả chờ đợi “trong” những đêm dài khắc khoải; còn đợi gì thì chúng ta còn… chờ đợi, chưa biết. Ngay trong câu đầu tiên, tính từ “khắc khoải” tạo nên một không khí băn khoăn, bồn chồn, không yên tâm… có thể áp dụng cho sự chờ đợi hay là cho những đêm dài trăn trở…

Câu thứ nhì thêm vào một yếu tố màu sắc: màu xanh, có thể dùng để định nghĩa đêm, đáng lẽ ra là màu xanh đen, nhưng tác giả lại đưa vào chi tiết “xanh xao”, không có thể gán với màu của đêm mà chỉ có thể dùng để nói đến những con người có sắc da nhợt nhạt, ốm yếu. Việc kết hợp từ ngữ không thuận lý cũng thấy được trong câu 4 khi tác giả nói: “bên khóe miệng rưng rưng”. Người ta thường chỉ nói “khoé mắt rưng rưng” khi có những nước mắt ứa ra đọng đầy tròng nhưng chưa chảy xuống thành giọt. Ngoài ra còn có những ý niệm tương phản, đối chọi nhaunhư “bóng tối” và “một vì sao”, như “hận thù” và “tha thiết”… Nhưng ngôn ngữ thơ cho phép những kết hợp bất ngờ, có thể là không hợp lý như vậy. Tất cả những yếu tố đó với những chi tiết như “tiếng khóc”, và “ven rừng” cùng tạo nên một cảm giác bất an, bi thảm, cô đơn, với những xúc cảm thật dồi dào mà văn xuôi không thể nào diễn tả một cách cô đọng được.

Đoạn thứ 2 tiếp tục dòng tư tưởng đó: “Tôi vẫn đợi những đêm đen lặng gió”. Câu thứ nhì của đoạn này đưa vào những suy tư bắt nguồn từ màu đen của đêm. Trước hết, màu đen làm liên tưởng đến màu của đôi mắt, rồi chúng ta có màu đen tuyền của ánh mắt. Tiếp đến, tác giả đưa thêm vào yếu tố thời gian. Kết quả là chúng ta có hai câu thơ trang trọng dẫn người đọc nhìn về một quá khứ dài thăm thẳm:

Màu đen tuyền ánh mắt tự ngàn xưa

Nhìn hun hút cho dài thêm lịch sử.

Rồi từ chiều dài trong thời gian, tác giả gắn liền với chiều dài trong không gian để đưa người đọc trở về với cảm giác bi thương của đoạn thơ trước:

Dài con sông tràn máu lệ quê cha.

Nghĩ cho cùng, chiều dài con sông này được đo vừa trong không gian vừa trong thời gian.

Hai đoạn thơ đầu có thể được xem như là “bối cảnh” của sự chờ đợi. Đến đây, chúng ta biết thêm về “thái độ” của tác giả:

Tôi vẫn đợi suốt đời quên sóng vỗ

Chúng ta hiểu dễ dàng “sóng vỗ” ở đây là những ồn ào của cuộc đời bên ngoài, những biến động của thời cuộc, những thử thách, những thảm họa, tan thương xảy ra trong đời người. Thiền sư giữ một thái độ trầm tư, thản nhiên, “quên” những khổ đau của đồng bào mình, những người gian nan vượt biển đi tìm một chân trời mới, và những người ở lại “giữa lòng tay bạo chúa”… “Quên” mà không quên, cũng như đợi mà không đợi. Thiền sư vẫn biết là trước nghịch cảnh, thân phận con người chỉ là những cây sậy bị đong đưa, cong rạp xuống trước trận cuồng phong. Đó là hình ảnh của những “cọng lau gầy trĩu nặng ánh tà dương”.

Nhưng thiền sư là một nhà tu, không phải là một nhà hành động. Trước nỗi khổ của chúng sinh, người tu thiền chỉ giữ một tư thế bất động, giữ tâm trí thanh tịnh, gạt bỏ mọi suy tưởng, mọi hình ảnh tốt xấu của cuộc đời chung quanh.

Đoạn thơ chót đưa người đọc trước một thực tế đột ngột: “trước mắt ngục tù”. Trong cảnh tù tội, thiền sư không phải là một siêu nhân: “thân bé bỏng” đưa trở về hình ảnh cọng lau gầy của một con người thường tình.

Nhưng cái gì khác nơi nhà tu hành là một thái độ điềm nhiên, tự tại:

Ngón tay nào gõ nhịp xuống tường rêu.

Bức tường rêu cho thấy khung cảnh lạnh lùng, ảm đạm của một hiện tại tăm tối, nhưng cử chỉ của nhà sư đưa những ngón tay gõ nhịp biểu lộ một thái độ không lo âu, không sợ hãi, cũng không hấp tấp, nóng nảy, bồn chồn chờ ngày giải thoát.

Rồi nhắm mắt ta đi vào cõi mộng

Như sương mai, như ánh chớp, mây chiều.

Trong hoàn cảnh bị giam cầm, tác giả trầm mình trong cõi thiền, trong tâm trí chỉ còn hai câu trong một bài kệ của Thiền sư Vạn Hạnh vào thế kỷ thứ X đời nhà Lý:

Thân như điện ảnh hữu hoàn vô,

Thịnh suy như lộ thảo đầu phô.

(Người đời như bóng chớp, có rồi lại không / Sự thịnh suy cũng mong manh như giọt sương đầu ngọn cỏ.

Đến đây người đọc có thể hiểu là khi tác giả nói “Tôi vẫn đợi”, chính là đợi ngày mà những khổ đau của chúng sinh chấm dứt; nhưng đó là đợi mà không đợi, cũng như khi ông nói quên mà thật ra không thể quên tiếng sóng vỗ của cuộc đời chung quanh.

Một lối phân tích khác

Như tôi đã có dịp trình bày, không có một lối duy nhất để thưởng thức một bài thơ mà có thể nhìn dưới nhiều khía cạnh khác nhau, và không thể dứt khoát tuyên bố rằng cách nhìn nào là đúng.

Thơ của Thiền sư Thích Tuệ Sỹ, cho đến nay có rất ít bài nghiên cứu và phê bình. Về bài “Tôi vẫn đợi”, tôi đã giới thiệu một lối để tiếp cận. Sau đây là cách phân tích của nhà văn Nguyễn Mộng Giác, khác với những gì tôi đã trình bày. Nguyễn Mộng Giác là một nhà văn nghiêm túc và một nhà phê bình nghiêm túc. Bài bình luận của Nguyễn Mộng Giác về bài thơ “Tôi vẫn đợi” là một công trình nghiên cứu chi tiết rất hiếm hoi mà chúng ta có thể thấy về nhà thơ Tuệ Sỹ.

Mặc dù tôi không đồng ý với một số quan điểm của Nguyễn Mộng Giác nhưng cũng xin trích lại ra đây, vì những độc giả thích thơ Tuệ Sỹ sẽ thích thú khi nhận thấy rằng trước một tác phẩm có nhiều cách thưởng thức khác nhau.

Cần nói rõ một chi tiết: trong văn bản mà Nguyễn Mộng Giác phân tích, câu thứ 3 của đoạn chót là: “Rồi khép lại hàng mi về cõi mộng”, trong khi trong văn bản đã giới thiệu với các bạn, câu đó là: “Rồi nhắm mắt ta đi vào cõi mộng”. Chỉ có vậy thôi.

 

ĐỌC LẠI THƠ TUỆ SỸ – Nguyễn Mộng Giác                             

(Nguồn: Văn Học số 65, tháng bảy năm 1991)

Cuối năm 1988, khi tin hai vị tu sĩ Phật giáo Trí Siêu (Lê Mạnh Thát) và Tuệ Sỹ bị nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam kêu án tử hình truyền ra hải ngoại, nhiều người mới tò mò tìm đọc những gì hai vị này đã viết. Họ tìm thấy những bài khảo cứu văn sử học của Lê Mạnh Thát, và những tùy bút đầy chất thơ phiêu bồng của Tuệ Sỹ. Rất nhiều ngưỡi đã ngạc nhiên. Dường như không có gì gần gũi giữa những bài khảo cứu khô khan, những bài thơ “viễn mộng” với những hoạt động chính trị nhằm lật đổ một chế độ chuyên chế, chưa nói tới những hoạt động nguy hiểm đến độ chính quyền phải lập tòa án đặc biệt và kêu án tử hình.

Hồi đó, báo chí đã cho đăng tải một số thơ cũ và mới của Tuệ Sỹ. Bài “Tôi Vẫn Đợi” dưới đây là bài Tuệ Sỹ mới làm sau này, có lẽ lúc đang bị giam chờ ngày ra tòa:

Tôi vẫn đợi những đêm xanh khắc khoải

Màu xanh xao trong tiếng khóc ven rừng

Trong bóng tối hận thù tha thiết mãi

Một vì sao bên khóe miệng rưng rưng

Tôi vẫn đợi những đêm đen lặng gió

Màu đen huyền ánh mắt tự ngàn xưa

Nhìn hun hút cho dài thêm lịch sử

Dài con sông tràn máu lệ quê cha.

Tôi vẫn đợi suốt đời quên sóng vỗ

Quên những người xuôi ngược Thái Bình dương

Người ở lại với bàn tay bạo chúa

Cọng lau gầy trĩu nặng ánh tà dương.

Rồi trước mắt ngục tù thân bé bỏng

Ngón tay nào gõ nhịp xuống tường rêu

Rồi khép lại hàng mi về cõi mộng

Như sương mai, như bóng chớp, mây chiều.

Thú thật đọc xong bài thơ này, cảm tưởng ban đầu của tôi là hơi hụt hẫng, thất vọng. Thơ của một người tử tù đây ư? Không nói ra, nhưng lâu nay tôi vẫn giữ một định kiến hoặc một ước lệ về thể loại thơ tù. Ước lệ về khung cảnh thơ: song sắt, vách ngục, máu tra tấn, thân còm cõi… Ước lệ về không khí thơ: u uất, phẫn nộ, khinh mạn, oán hờn… Định kiến về nhân cách người thơ: cao ngạo, bất khuất, quắc mắt mà nhìn kẻ đưa mình ra pháp trường, uy vũ kềm kẹp không làm cho run sợ. Và định kiến về dự phóng cho tương lai: ngục tù không ngăn được diễn tiến tất yếu của lịch sử, thân tù đơn độc nhỏ nhoi dù bị hủy diệt cũng không ngăn được những con người bất khuất khác noi gương tiếp nối… Thơ người tử tù phải là một sứ điệp rõ ràng làm cương lĩnh cho hành động. Đem bao nhiêu cái khuôn thước có sẵn trên đây mà so với bài thơ Tuệ Sỹ, tôi bị hụt hẫng hoang mang là phải! Tôi đã dựa vào những khuôn thước trí tuệ thông tục mà đọc bài thơ, và cố tìm hiểu sứ điệp ẩn giấu sau mười sáu câu thơ tám chữ.

Trước hết là khuôn thước thời gian. Nếu căn cứ vào tiêu chuẩn này, bài thơ được phân làm hai phần: phần dự phóng tương lai của ba đoạn thơ đầu, bắt đầu bằng các chữ Tôi vẫn đợi; phần trở lại thực tại tù tội ở bốn câu cuối bắt đầu bằng ba chữ Rồi trước mắt. Nếu chia bài thơ ra hai phần như vậy, thì ý nghĩa của bài thơ tù đượm chất bi quan, như con hổ bị giam trong cũi sắt nhớ tiếc và mơ tưởng núi rừng thung lũng mênh mông của những ngày tự do. Ba đoạn thơ đầu là những dấu hỏi dành cho tương lai, mở ra những khả thể để đến đoạn cuối là một dấu than đột ngột tàn nhẫn, như một giọt lệ rỏ lên mọi hy vọng, chấm dứt mọi khả thể.

Tuệ Sỹ từ ô cửa ngục gửi ra cho nhân gian những tiếng thở dài hay sao? Tôi đã kiểm chứng cách hiểu ban đầu của mình bằng cách đọc lại lần nữa toàn bài thơ, và bớt chú tâm đến những mốc thời gian mở đầu các tiểu đoạn. Tôi không tìm thấy những tiếng thở dài. Không có cả những lời than van. Thoang thoảng đâu đó, khi rõ rệt, khi mơ hồ, tôi có cảm tưởng đang nghe một tiếng võng đưa, hoặc những lời mẹ ru con dìu dặt, mơn trớn, vỗ về. Có cái gì rộng rinh không thể gói trọn bằng ngôn ngữ hoặc ý niệm cụ thể. Tôi bắt đầu ngờ vực cách phân định thời gian rành mạch ban đầu, và thử tìm đọc bài Tôi Vẫn Đợi theo một cách khác.

Chẳng hạn thử tìm hiểu ý nghĩa của màu sắc và âm thanh. Nếu như vậy, mỗi đoạn thơ bốn câu tự nó đã mang đủ một sứ điệp trọn vẹn, không còn cần đến cả bài. Xin đọc lại đoạn thơ đầu:

Tôi vẫn đợi những đêm xanh khắc khoải

Màu xanh xao trong tiếng khóc ven rừng

Trong bóng tối hận thù tha thiết mãi

Một vì sao bên khóe miệng rưng rưng.

Đúng là một tập hợp của những thi ảnh phức tạp (đôi khi mâu thuẫn nhau) với những nối kết lỏng lẻo, mờ nhạt, nhưng vẫn lập thành một khối thống nhất nhờ liên hệ văn phạm và vần điệu hợp nhất một cách bình thường. Câu thứ nhất nói đến màu xanh của đêm, câu thứ hai giải thích thêm một ẩn ngữ (màu xanh trong tiếng khóc ven rừng). Ẩn ngữ này tưởng lại được giải thích trong câu thứ ba (màu xanh trong tiếng khóc, trong bóng tối hận thù) nhưng không, đó chỉ là một liên hệ giả. Những thi ảnh của hai câu thơ đầu được lặp lại ở hai câu sau (khắc khoải / tha thiết, tiếng khóc / rưng rưng), thêm vào đó, chữ trong khiến chúng ta có cảm tưởng như hai câu sau là phụ ý chuyển của hai câu trước. Thật sự không phải vậy. Hai câu sau bay bổng lên một vũ trụ khác, cất cánh khỏi những hệ lụy nhân gian, những ti tiện của tranh chấp và thù hận, để đạt đến một cõi sáng láng hơn, cao cả hơn, mà biểu trưng là một ánh sao, một nụ cười. Bốn câu thơ di chuyển theo chiều cao, từ bậc thấp của những tranh chấp ti tiện đớn đau đến bậc cao của thức tỉnh giác ngộ.

Đoạn thơ thứ nhì:

Tôi vẫn đợi những đêm đen lặng gió

Màu đen huyền ánh mắt tự ngàn xưa

Nhìn hun hút cho dài thêm lịch sử

Dài con sông tràn máu lệ quê cha.

được thừa hưởng tinh chất của đoạn thứ nhất nên sự chuyển hóa đơn giản hơn, không quá rối rắm mâu thuẫn hoặc quằn quại vươn mình lên như ý thơ của đoạn thứ nhất. Thơ đoạn này di chuyển theo chiều rộng và cũng bắt đầu bằng một màu sắc: màu đêm đen.

Bố trí văn phạm của đoạn thơ thứ nhì cũng giống y như đoạn thơ trước, câu sau luôn giữ nhiệm vụ giải thích một chữ quan trọng của câu trước (đêm đen trong câu 5 và màu đen của câu 6, ánh mắt của câu 6 và nhìn hun hút của câu 7, dài thêm lịch sử của câu 7 và dài con sông của câu 8).

Từ màu đêm đen, Tuệ Sỹ không gợi nhớ màu đêm u tối của sinh lão bệnh tử mà gợi ra màu đen của một ánh mắt. Phải rồi, tất cả cuộc đời bắt đầu bằng một cái nhìn, một lối nhìn. Có những cái nhìn chìm đắm chết đuối vào sắc tướng, có những cái nhìn thấu suốt được chân lý của cuộc sinh hóa. Thơ di chuyển theo chiều rộng của thời gian, thơ nhìn ra được diễn tiến của cuộc đời tự ngàn xưa, nhìn ra được cốt tủy mọi biến động của lịch sử cũng như thấu hiểu do đâu có cảnh núi xương sông máu trên quê hương thân yêu. Ánh mắt người tử tù không dừng lại ở những phẫn nộ oán hờn tầm thường và ước vọng dung tục. Ánh mắt đó vượt ra ngoài, vượt lên trên mọi thứ song sắt, vách ngục, kể cả song sắt vách ngục của mê chấp.

Sức chuyển biến của thơ, sức thăng hoa của ý đến cuối câu thơ thứ tám như vậy là đã đến đỉnh chót của nó, đáng lý sau câu thứ tám, Tuệ Sỹ có thể dừng lại, không cần phải viết thêm gì nữa. Trong ngục tối, nhà thơ sống với màu xanh xao của chút ánh sáng lọt qua cửa ngục và màu đen mênh mông, từ đó làm chất liệu khởi thủy của sáng tạo và suy tưởng. Nhưng chúng ta đừng quên rằng người tử tù còn cảm nhận được sự sống của thế giới bằng những tiếng động bên ngoài. Hai đoạn thơ sau của Tuệ Sỹ là một hành trình khác, khởi đầu không bằng màu sắc mà bằng âm thanh. Xin đọc lại cả hai đoạn cuối:

Tôi vẫn đợi suốt đời quên sóng vỗ

Quên những người xuôi ngược Thái Bình dương

Người ở lại với bàn tay bạo chúa

Cọng lau gầy trĩu nặng ánh tà dương.

Rồi trước mắt ngục tù thân bé bỏng

Ngón tay nào gõ nhịp xuống tường rêu

Rồi khép lại hàng mi về cõi mộng

Như sương mai, như bóng chớp, mây chiều.

Tôi vừa viết xuống hai chữ khởi đầu. Thật ra, viết như vậy chưa đúng lắm, vì Tuệ Sỹ không làm một bài thơ khác mà chỉ chuyển hóa lối sử dụng hình ảnh cho thơ. Do đó, bố cục văn phạm của đoạn thơ thứ ba vẫn giữ y như lối bố cục của hai đoạn thơ trước, còn ý thơ thì cũng tiếp nhận sức thăng hoa của phần trên để nói lên một ước vọng mà mới đọc qua, chúng ta tưởng là nghịch lý. Ước vọng được quên, quên hết. Quên những tiếng sóng vỗ của cảnh đời bão nổi ngoài kia, những đợt sóng tàn bạo khiến nhà thơ phải xắn tay áo nâu lên thử giăng một cánh buồm, từ đó đưa đến cảnh tù tội gông cùm hiện tại. Quên thân phận bèo bọt của hàng triệu người phải đành đoạn liều chết vượt biển tìm tự do. Quên cả những cọng lau gầy oằn vai chịu đựng những bạo tàn từ tay bạo chúa của hơn bảy mươi triệu người ở lại.

Tất cả những điều tưởng là nghịch lý ấy được Tuệ Sỹ giải thích ở đoạn thơ cuối bằng một hình ảnh, bằng một âm thanh hết sức biểu trưng: tiếng gõ nhẹ của ngón tay lên tường rêu lạnh của ngục tối. Nó biểu trưng vì đó là một thứ âm thanh lặng lẽ, hoàn toàn trái ngược với tiếng sóng vỗ cuồng nộ ồn ào bên kia vách ngục. Ngón tay ốm o yếu ớt của một tử tù thân bé bỏng lại gõ vào một vách ngục rêu bám, thì chắc chắn không tạo ra được tiếng dội nào lớn lao. Cho những bạn tù cùng khu biệt giam. Cho những tên cai ngục. Huống gì là cho những người không ở vào cảnh tù tội. Đó không phải là loại âm thanh dành cho thính giác, mà là âm thanh dành cho tri giác, tuệ giác. Âm thanh đó, tiếng gõ nhịp đó không phải do sức mạnh của bắp thịt, của bạo động nhằm xô ngã tường rêu phá đổ nhà ngục, nhưng lại có một sức mạnh tinh thần lớn lao để đưa con người vượt lên trên mọi thứ ngục tù: sức mạnh của giác ngộ, của tỉnh thức.

Hai câu thơ cuối khép lại một thế giời huyễn mộng mê chấp, và mở ra một thế giới mới:

Rồi khép lại hàng mi về cõi mộng

Như sương mai, như bóng chớp, mây chiều.

Vẫn còn một câu hỏi lớn: Ý thức được cái sương mai, cái bóng chớp của nhân sinh đã đủ để ngăn bàn tay bạo chúa và làm cho dòng sông quê cha thôi tràn máu lệ hay chưa?

Đây là câu hỏi nhức nhối thường xuyên ám ảnh Phật tử mỗi lần họ phải đối diện những đàn áp bất công của xã hội họ đang sống. Mỗi lần như vậy, Phật tử vẫn thường nhắc tới khuôn mẫu sống hài hòa giữa đạo và đời của các tu sĩ Phật giáo thời Lý, Trần, dù biết cách tổ chức xã hội thời xa xưa đó khác với bây giờ.

Bài thơ của Tuệ Sỹ nhắc tôi nhớ tới câu hỏi nhức nhối này, vì Tuệ Sỹ là một tu sĩ Phật giáo “đi vào cuộc đời”, một Phật tử hành động. Chắc chắn Tuệ Sỹ đã ưu tư đi tìm lời đáp trước khi quyết định hành động chống lại chế độ Cộng sản. Và suốt thời gian bị giam cầm, Tuệ Sỹ còn có nhiều thì giờ và điều kiện hơn để suy nghĩ về câu trả lời. Vậy mà sứ điệp Tuệ Sỹ gửi ra ngoài cửa ngục dường như thiếu hẳn chất thực tế. Bài thơ không hề là một lời tố cáo đầy phẫn nộ, lại không phải là một bài hịch. Không phải là một tiếng sấm. Ngược lại, như tôi đã so sánh ở trên, đây là những lời ru hiền hòa, lời vỗ về của mẹ, lời thì thầm của lá, của hoa, của cây cỏ. Không phải là mũi nhọn công phá vào vách khám mà là một làn hương tỏa lên trên, len qua kẽ ngục và tỏa rộng lên trời cao. Vì sao vậy?

Tôi cho rằng ngay từ cốt tủy của Phật pháp, khả năng hoàn thiện con người và cuộc sống không nằm ở sức mạnh của tổ chức mà nằm ở sức giác ngộ của cá nhân. Đạo Phật không chấp nhận Cái Duy Nhất, Cái Tuyệt Đối, Cái Vĩnh Cửu, Cái Sáng Lòa soi đường cho hằng hà sa số đời sống trước sau. Ai cũng có thể trở thành Phật. Mỗi người tự đốt đuốc lên và chọn con đường sáng láng cho mình, khỏi cần cẩn thận rón rén đi theo dấu chân của người đi trước. Mỗi người chịu trách nhiệm lấy chính số phận mình. Mỗi người không cần phải khép nép sợ hãi trước bất cứ Thần lực thiêng liêng nào, vì nếu tỉnh thức, mỗi người chính là Thần lực thiêng liêng ấy.

Người còn vướng mắc vào những giới hạn, những chấn song của mê chấp thì thường núp vào đám đông, mong che chở của tập thể. Nhưng lúc đã thấy được chân tướng của những sương mai, bóng chớp, thì mỗi người đều có một thần lực riêng. Điều đó giải thích được tại sao vào những giai đoạn bi đát nhất của lịch sử dân tộc, Phật giáo không suy yếu theo mà ngược lại, trở thành chỗ dựa tinh thần mạnh mẽ góp phần đưa dân tộc qua mọi gian truân thử thách.

Nguyễn Mộng Giác

Hai cách nhìn khác nhau về một tác phẩm. Đây là bằng chứng là một sáng tác có thể được thưởng thức, cảm nhận, dưới nhiều góc cạnh khác nhau. Người bình giải một bài thơ có bổn phận hưóng dẫn hay đề nghị một cách để tiếp cận tác phẩm, và trình bày những lỹ lẽ bảo vệ cho quan điểm của mình để có thể thuyết phục người đọc.

Vĩnh Đào

Tháng 6-2020