QUAN HỆ CỦA BẢO ĐẠI VỚI

PHẠM QUỲNH-NGÔ ĐÌNH DIỆM-TRẦN TRỌNG KIM

Nguyễn Tường Tâm

                                   Lược trích từ cuốn Con Rồng Việt Nam của Bảo Đại                                        và cuốn Một Cơn Gió Bụi của Trần Trọng Kim

Như một nguyên tắc thông thường trên trường kinh doanh cũng như chính trị, muốn thăng tiến thì phải có mối quan hệ rộng, ở cấp cao, và ở cấp lãnh đạo quốc gia thì lại còn cần sự ủng hộ của siêu cường. Ba ông Phạm Quỳnh, Ngô Đình Diệm và Trần Trọng Kim sở dĩ lần lượt được vua Bảo Đại đề cử vào chức Thượng thư Bộ lại (Thủ Tướng) đều nằm trong nguyên tắc trên.

Một chút khác biệt trong ba vị Thượng thư này là vua Bảo Đại chỉ tin cẩn và luôn muốn trao trọng trách thủ tướng cho ông Ngô Đình Diệm.

Ông Phạm Quỳnh được Pháp trao trách nhiệm Chủ nhiệm kiêm Chủ Bút tạp chí Nam Phong, một tạp chí được Pháp dùng để tuyên truyền cho chế độ thực dân. Nhưng tờ báo cũng như cá nhân ông Phạm Quỳnh cũng đã góp phần quan trọng trong việc truyền bá chữ Quốc ngữ và xây dựng nền Quốc học bằng chữ Quốc ngữ. Và cũng chính qua mối quan hệ này với người Pháp mà ông Phạm Quỳnh được người Pháp tiến cử với Vua Bảo Đại xung chức Tổng lý Ngự tiền Văn phòng, hàm Thượng thư. Tới khi Thượng thư bộ lại Ngô đình Diệm từ chức vì bất đồng với ông, ông được vua Bảo Đại trao cho trọng trách thay thế ông Diệm. Mặc dù liên hệ công tác gần gũi với nhau suốt 13 năm, từ 1932 tới 1945, qua hồi ký, Vua Bảo Đại cho thấy Ngài không tin cậy ông Phạm Quỳnh mà chỉ dùng ông một cách bất đắc dĩ vì ông là người của Pháp. Đồng thời qua ngôn từ, Ngài tỏ ra không coi trọng ông Quỳnh như đối với ông Diệm và ông Kim.

Ông Ngô Đình Diệm do cựu thượng thư Nguyễn Hữu Bài tiến cử bởi vì ông Nguyễn Hữu Bài là thông gia với ông Ngô Đình Khả, bố của ông Diệm. Cả ông Ngô Đình Khả lẫn ông Nguyễn Hữu Bài đều là thượng thư tin cẩn của triều Nguyễn cho nên Vua Bảo Đại luôn tỏ ra tin cẩn và kính trọng ông Ngô Đình Diệm. Những lúc cần Vua Bảo Đại đều muốn trao trọng trách thủ tướng cho ông Ngô Đình Diệm nhưng nhiều lần ông Diệm đã từ chối, cho tới lần cuối cùng là năm 1954. Tuy vậy, với việc bổ nhiệm ông Diệm vào chức Thủ tướng hồi 1954, vua Bảo Đại cho biết cũng đã “thảo luận” với Hoa Kỳ (Một hình thức mong sự đồng ý? NTT)

Ông Trần Trọng Kim, trong hồi ký của mình, đã viết rõ ông do người Nhật chọn lựa và tiến cử một cách gần như cưỡng ép Vua Bảo Đại, và Ngài Bảo Đại không còn chọn lựa nào khác. Tuy nhiên ông Trần Trọng Kim được cả Vua Bảo Đại lẫn dân chúng kính trọng.

Bảo Đại viết:

“Tôi trở về Việt Nam năm 1932, sau tám năm vắng bóng, kể từ ngày lên nối ngôi Vua.

Khi tôi về nước, thì Nguyễn Hữu Bài làm Thượng thư bộ Lại, rất trung thành với Đức Đoan Huy Hoàng thái hậu, ông ta được Đức Bà tín nhiệm.

Nguyễn Hữu Bài năm ấy đã bảy mươi tuổi. Để trẻ trung hóa guồng máy quan lại, lấy những người mới, chính cụ Charles đã gợi ý tôi, nên thay cụ Bài bằng Phạm Quỳnh. Tôi cho vời ông này tới, và cho ông ta biết ý định muốn canh tân đất nước bằng lớp người trẻ. Phạm Quỳnh là người Bắc, tự học, viết văn, làm báo, mới có ba mươi lăm tuổi. Rất thành thực, ông ta trình bày lập trường của ông ta rất phù hợp với tôi. Tôi liền bổ ông ta vào chức Tổng lý Ngự tiền Văn phòng, hàm Thượng thư… Ngày 10 tháng 12 năm 1932, tôi cho công bố một đạo dụ, loan báo ý định cầm quyền của tôi dưới hình thức quân chủ lập hiến.

Sau lời tuyên bố ấy, ngày 2 tháng 5 năm 1933, lại một đạo dụ khác nhằm đặt cơ cấu của sự cải cách.

Tôi cho vời một viên quan tỉnh trẻ tuổi nhất là Ngô Đình Diệm, lúc ấy làm Tuần vũ tỉnh Phan Thiết, để đảm trách bộ Lại. Vốn dòng quan lại, anh ruột ông ta làm Tổng đốc tỉnh Faifo. Diệm năm ấy mới 31 tuổi, nổi tiếng là thông minh, liêm khiết. Đây là một người quốc gia bảo thủ. Ngoài chức vụ Thượng thư, Ngô Đình Diệm lại còn là Tổng thư ký cho Hội đồng Hỗn hợp về canh tân đã được ban bố năm trước, bao gồm các thượng thư Việt Nam và hàng công chức cao cấp Pháp. Ngô Đình Diệm được Nguyễn Hữu Bài trước khi về hưu, tiến cử.

Tôi đặt hết niềm tin vào đôi xe Phạm Quỳnh – Ngô Đình Diệm này. Ngô Đình Diệm tỏ ý chỉ nhận chức Thượng thư với điều kiện được cải tổ xã hội Việt Nam. Tiếng tăm của ông ta làm tôi tin rằng ông ta có thể tiến nhanh được. Vị trí của Phạm Quỳnh kín đáo vốn được sự yểm trợ của chính phủ Pháp, sẽ giúp cho công cuộc cải cách được dễ dàng.

Sau bốn tháng, vào đầu tháng 9 năm 1933, Ngô Đình Diệm không tìm thấy ở Phạm Quỳnh một sự giúp đỡ gì, liền xin gặp tôi:

– Tâu Hoàng thượng, hạ thần đến để xin Hoàng thượng cho từ chức, và cũng xin Hoàng thượng cho giải nhiệm luôn tất cả những chức vụ mà Hoàng thượng đã trao phó từ trước…

– Quan Thượng, viên thư ký Nguyễn Đệ đã tâu trình Trẫm tất cả nỗi khó khăn của ông, nhưng Trẫm nghĩ rằng ông nên tiếp tục ở lại.

– Tâu Hoàng thượng, xin Hoàng thượng tha tội cho kẻ hạ thần nhưng quả không thể nào ở được, ở lại chức vụ này quả nhiên là một trò hề đau khổ của hạ thần mà hạ thần không thể nào kham nổi. Người Pháp đã nắm lấy hết quyền hành, họ đã cai trị trực tiếp, luôn nhân danh hòa ước bảo hộ, nhưng họ không lúc nào không vi phạm từng ngày, từng giờ.

– Quan Thượng, Trẫm hiểu tinh thần trách nhiệm của quan Thượng. Sự liêm khiết ấy đã tôn vinh ông lên rất nhiều, nhưng cần phải chờ thời. Đất nước ta chưa sẵn sàng. Sau nữa, những năm sắp tới đây còn dành cho chúng ta nhiều biến chuyển. Trẫm biết ông và quan Thượng Nguyễn Hữu Bài vẫn có liên lạc chặt chẽ. Như thế, hẳn cụ Bài không quên nhắn nhủ ông những điều lo ngại của cụ. Chiến tranh khó có thể tránh được ở Âu Châu, và như thế, sẽ có nhiều hậu quả đối với Á Châu mà Nhật Bản có thể là vai trò chủ chốt. Vì những lý do đó, Trẫm nhắc lời cho quan Thượng sự yêu cầu của Trẫm lần nữa.

– Kính tâu Hoàng thượng, thật quả là điều mà hạ thần không thể kham nổi. Kẻ hạ thần không được quyền ở lại. Kính xin Hoàng thượng cho phép kẻ hạ thần được rút lui.

Ông ta khăng khăng một mực xin từ chức.

– Được, Trẫm chấp thuận cho quan thượng từ chức. Quan Thượng đã muốn vậy, thì Trẫm cũng chẳng thế nào làm gì được hơn. Mong rằng sự ra đi của quan Thượng sẽ mở mắt cho người Pháp, để cho họ có một tầm nhãn quan rộng lớn hơn. Dù sao nữa, mong quan Thượng hãy sẵn sàng, có thể có ngày nào Trẫm lại cần đến quan Thượng và Trẫm sẽ cho vời.

– Kính tâu Hoàng thượng, xin Hoàng thượng hãy tin tưởng lòng trung thành tuyệt đối của kẻ hạ thần.

Ngô Đình Diệm đi rồi, tôi hoàn toàn thất vọng. Tất nhiên, người này đã khó tính, và sự khó tính ấy nó như mang tính chất của giáo phái. Hơn nữa, khi biết ông ta chịu ảnh hưởng của Nguyễn Hữu Bài, vốn thù ghét Phạm Quỳnh ra thế ông ta.

Sau khi biết tin Ngô Đình Diệm đã được từ chức, Nguyễn Đệ, trung thành với tình bạn đối với họ Ngô, cũng đến xin được từ chức.

Thế là tôi cô đơn, chỉ có một mình.

Dù sao nữa, sự có mặt của tôi trên ngôi vẫn làm cho giới trẻ giữ được niềm tin cậy và hy vọng. Những người như Ngô Đình Diệm và Nguyễn Đệ lúc ấy sẽ lại ra giúp tôi theo chiều hướng này.

Từ đó, tôi để mặc cho Phạm Quỳnh lèo lái, múa may trên sân khấu.

Tôi cho ông ta làm Thượng thư bộ Lại thay cho Ngô Đình Diệm. Chắc hẳn người Pháp cho rằng tôi đã ngoan ngoãn biết nghe theo lời của họ.

* * *

Ngày hôm sau, vào lúc mười một giờ, người khách chờ đợi đã tới. Đó là Ngài Yokoyama tự giới thiệu là Đại sứ của Nhật hoàng đối với tôi…

– Tâu Hoàng thượng, chỉ riêng Hoàng thượng mới có thể đảm trách được biến cố lịch sử này… Chính phủ của nước tôi rất mong muốn Hoàng thượng ban bố một sắc chỉ để cụ thể hóa nền Độc lập này.

Sau câu nói đó, Đại sứ Yokoyama trình tôi một tờ giấy, cúi đầu chào và lui gót…

Về phần tôi, thì sẵn sàng chịu hết trách nhiệm, nhưng tôi yêu cầu tất cả nhân viên Viện Cơ mật cùng dấn thân với tôi.

Đây là lần đầu tiên, một tuyên ngôn được toàn thể nhân viên Viện Cơ mật đồng ký kết, Phạm Quỳnh, Thượng thư bộ Lại, Hồ Đắc Khải, Thượng thư bộ Hộ, Ưng Hy, Thượng thư bộ Lễ, Bùi Bằng Đoàn, Thượng thư bộ Hình, Trần Thanh Đạt, Thượng thư bộ Học và Trương Như Đính. Ngày hôm sau, 12 tháng 3 năm 1945, tôi cho mời viên Đại sứ Yokoyama và trao cho ông ta bản tuyên ngôn độc lập này:

“Chiếu tình hình thế giới nói chung, và tình hình Á châu nói riêng, chính phủ Việt Nam long trọng công khai tuyên bố, kể từ ngày hôm nay, hiệp ước bảo hộ ký với nước Pháp được bãi bỏ, và đất nước thu hồi chủ quyền độc lập quốc gia.

“Nước Việt Nam cố gắng tự lực, tự cường, để xứng đáng là một quốc gia độc lập, và sẽ theo đường hướng của bản Tuyên ngôn chung của khối Đại Đông Á, hầu giúp đỡ nhau tài nguyên cho nền thịnh vượng chung.

“Vì vậy, chính phủ nước Việt Nam đã đặt tin tưởng vào sự thành tín của nước Nhật, và đã có quyết định cộng tác với nước này, hầu đạt mục đích nói trên.

“Khâm thử.

“Huế, ngày 27 tháng giêng năm thứ 20 tríều Bảo Đại”.

…Trước khi cáo lui, Đại sứ Yokoyama nói thêm như gợi ý bằng một giọng gần như dò hỏi:

– Tâu Hoàng thượng, giữa lúc mà Việt Nam đi vào con đường mới, Hoàng thượng không có ý định lập một chính phủ gồm những người mới, hầu đáp ứng cho một nước muốn canh tân?

Trước sự gợi ý của viên Đại sứ, tôi đáp lại bằng một nụ cười nhẹ nhàng… Trao sự điều khiển quốc gia cho những người mới… Đó chính là một trong những mục đích mà tôi đã có ngay từ khi mới lên ngôi…

Phạm Quỳnh lại mách tôi những phản ứng đã xảy ra ở Hội đồng. Trong số các người thân cận, nhiều người đã lo lắng. Họ sợ rằng Nhật có thể thay đổi thái độ, hay cũng có thể có những hậu quả bất lợi, nếu người Pháp lại trở lại nắm quyền như cũ. Người khác thì đặt giả thuyết có thể có sự trở về của Hoàng thân Vĩnh San – tức Cựu hoàng Duy Tân – lúc ấy đã tạo được ít nhiều uy tín ở Pháp, hay sự trở về của Hoàng thân Cường Để. Trong bầu không khí ngột ngạt ấy, mọi người đều có vẻ lo âu.

Tôi lạnh lùng bảo Phạm Quỳnh:

– Ông liệu mà bảo họ im cái mồm và những sự ngớ ngẩn ấy đi. Hoàng đế, chính là Trẫm. Bảo họ đừng quên điều đó. Nếu ngày nào mà Ta phải bỏ đi, thì nước Việt Nam này không còn có triều đại nào nữa.

Mấy hôm sau, có nhiều tin chính xác về tình thế hiện tại. Chính phủ Pháp không còn nữa. Lính Nhật chiếm đóng hết các công sở.

Một số đồng bào tôi, từ nhiều tháng hay nhiều năm trước, vẫn nhằm vào lá bài Nhật Bản, bỗng sống trong những giờ phút huy hoàng…Vậy thì cần nhất là phải nắm ngay lấy số người này mà lèo lái họ, như điều mà Đại sứ Yokoyama đã nói bóng gió trước đây. Trong óc tôi, người tiêu biểu nhất trong số này là Ngô Đình Diệm. Ông ta đang ở Sài Gòn. Tôi biết ông ta đang có liên lạc với người Nhật, và sự có mặt của ông ta sẽ giúp tôi mọi sự dễ dàng với nhà cầm quyền Nhật. Tôi liền cho vời Đại sứ Nhật tới, và nói cho biết ý định của tôi, và yêu cầu Đại sứ làm mọi cách để Ngô Đình Diệm có thể tới kinh đô Huế gặp tôi ngay. Đại sứ Yokoyama nhận lời, và đoan với tôi là sẽ cố gắng tìm gặp ông ta. Ngày 19 tháng 3, tôi báo cho Phạm Quỳnh biết tôi sẽ tự tay đảm trách quyền lãnh đạo quốc gia. Ý thức được tình thế, Phạm Quỳnh liền đệ đơn xin từ chức tập thể của cả Nội các.

Ba tuần lễ trôi qua, mà chẳng thấy tăm hơi Ngô Đình Diệm ở đâu. Trước thúc giục ngày càng khẩn thiết của tôi, Đại sứ Yokoyama trả lời là chưa thể tìm thấy vị Thủ tướng dự trù này. Sự chậm trễ ấy làm tôi suy nghĩ. Người Nhật rất thành thạo những sự kiện xảy ra ở Việt Nam, cơ quan tình báo của họ rất đắc lực, và họ biết chỗ và biết cách tìm thấy nhân vật này. Về sau, tôi biết, qua ngay lời nói của Đại sứ Yokoyama là Ngô Đình Diệm không được cảm tình của chính phủ Nhật.

Tôi hiểu ngay sự ngăn cách ấy. Giới thân cận tôi đề nghị nên gọi Trần Trọng Kim.”

* * *

Về vấn đề trên, cụ Trần Trọng Kim đã viết rõ trong hồi ký Một Cơn Gió Bụi:

(Trang 41)“Chúng tôi lúc ấy cứ chờ đợi ở Băng Cốc, chợt đến ngày 29 tháng ba có một viên trung úy ở Saigon sang Băng-Cốc, đến bảo chúng tôi rằng có tầu bay sang đón về. Sau hỏi ra thì chỉ có một mình tôi về. Tôi ngạc nhiên hỏi: “Sao chỉ có một mình tôi?” Viên trung úy nói: “Tư lệnh bộ ở Saigon mời ông về hỏi việc gì về lịch sử.” Chiều hôm ấy Tư lệnh Bộ Nhật ở Băng Cốc đặt tiệc đãi tất cả mấy người chúng tôi…

Tiệc xong về ngủ, sáng sớm dậy, đi ra trường bay…13 giờ 15 tới trường bay Tân Sơn Nhất rồi về Saigon…Ngồi nói chuyện một lúc rồi sang gặp bên trung tướng Tham Mưu Trưởng của Tư Lệnh Bộ Nhật.

Trung tướng nói: “Ông Phạm Quỳnh và các ông thượng thư cũ đã từ chức cả rồi. Vua Bảo Đại điện mời những người này về Huế để hỏi ý kiến”.

Trung tướng đưa tôi xem tờ giấy kê tên những người ấy là ông Hoàng Trọng Phu, Vũ-Ngọc-Oánh, Trịnh-Bá-Bích, Hoàng-Xuân-Hãn, Cao-Xuân-Cẩm và tên tôi mà lại không thấy tên ông Ngô-Đình-Diệm. Tôi lấy làm lạ sao lại có tên tôi đứng vào đấy. (Ghi chú của NTT: Thực ra danh sách này hoàn toàn do người Nhật lập ra chứ vua Bảo Đại không đưa cho người Nhật một danh sách nào.)

Tôi nói với Trung-tướng rằng: “Tôi không có hoạt động gì, và không có phe đảng nào cả. Gọi tôi về Huế không có ích lợi gì. Xin cho tôi ra Hà Nội thăm nhà và uống thuốc”…

Trung tướng nói: “Đó là ý của vua Bảo Đại muốn hỏi ông về việc lập chính phủ mới, ông cứ ra Huế rồi sẽ biết”…

Trung tướng bảo trung úy đưa tôi đến nhà Tùng Hạ, chủ nhà Đại Nam Công Ty…Tôi hỏi thăm ông Ngô Đình Diệm và ông Nguyễn-Xuân-Chữ là những người mấy tháng trước Nhật đã đưa vào ở Chợ Lớn. Ông (Tùng Hạ, NTT ghi chú) nói rằng: “Ông Diệm về Vĩnh Long ở với anh. Ông Chữ thì về Hà Nội được vài hôm nay rồi”. Tôi nghĩ bụng ông Diệm và ông Chữ là hai người Tư Lệnh Bộ Nhật đã chú ý lâu ngày, và các ông ấy lại có tổ chức và đảng phái, sao người Nhật lại không nói gì hết? Đang nghĩ ngợi như thế, thì chợt thấy ông Ngô-Đình-Diệm đến. Ấy là lần đầu tôi gặp mặt ông Diệm vì trước tôi chỉ nghe nói thôi chứ không bao giờ gặp.

Ông Diệm hỏi tôi: “Cụ mới về đây à? Cụ có biết tin gì không?” Tôi đáp: “Tôi mới về, chưa biết gì cả, chắc có tin gì thì ông biết trước tôi. Người Nhật lạ quá, họ chẳng cho chúng tôi biết gì cả. Tôi vừa thấy trong Tư Lệnh nói ở Huế các bộ thượng thư đã từ chức rồi. Vua Bảo Đại gọi ông Hoàng-Trọng Phu vào bàn việc lập chính-phủ mới”.

Thế à? Sao người Nhật không cho tôi biết?

Ngồi nói chuyện qua loa vài câu, rồi ông Diệm đứng dậy nói: “Tôi phải vào Tư Lệnh Bộ có chút việc, sáng sớm mai tôi lại về Vĩnh Long”.

Cho đến ngày nay, tôi vẫn chưa hiểu rõ tại sao bọn ông Diệm là người của ông Cường Để ủy quyền cho tổ chức việc lập chánh phủ khi có đảo chánh ở Đông Dương và lại có một số người Nhật Bản ủng hộ mà chính phủ Nhật lại bỏ rơi. Chỉ có một cách giải thích cái thái độ ấy là những người Nhật cầm quyền lúc đó, sau khi đánh quân Pháp rồi họ sợ đem ông Cường Để về có điều bất tiện, để vua Bảo Đại về đường chính trị lại có lợi hơn. Đã không dùng quân cờ Cường Để thì tất nhiên phải để bọn ông Diệm ra ngoài cuộc. Đó là theo ý tôi hiểu, còn lẽ gì khác nữa, tôi không biết…

Đến sáng ngày mùng năm tháng tư, vào hồi 10 giờ rưỡi thì tới Huế.

Xe lửa vừa đậu xong, thấy một người Nhật ra đón, xưng tên là Urabe, làm lãnh sự Nhật ở Huế, rồi về cả nhà ông Yokohama, tối cao cố vấn Nhật. Đến tối gặp ông Hoàng Xuân Hãn mừng quá…Rồi tôi xin về nhà ông Hãn nghỉ…

Vua Bảo Đại biết tin ấy, cho dọn cái nhà của viên đại úy Bon ở trước trong thành cho chúng tôi ngụ tạm. Lúc ấy tôi cũng chưa biết rõ tình thế ra sao…

Từ trước tôi không biết vua Bảo-Đại là người như thế nào… Hôm mùng bảy tháng tư tôi vào yết kiến thấy có vẻ trang nghiêm và nói những điều rất đúng đắn.

Ngài nói:

-Trước kia nước Pháp giữ quyền bảo hộ nước ta, nay đã không giữ được nước cho ta, để quân Nhật đánh đổ, vậy những điều trong hiệp ước năm 1884 không có hiệu quả nữa, nên Bộ thượng thư đã tuyên hủy hiệp ước ấy. Trẫm phải đứng vai chủ trương việc nước và lập chính phủ để đối phó mọi việc.

Tôi tâu rằng:

-Việc lập chính phủ, ngài nên dùng người đã dự định từ trước, như Ngô-Đình-Diệm chẳng hạn, để có tổ chức sẵn sàng. Tôi nay phần thì già yếu bệnh tật, phần thì không có đảng phái và không hoạt động về chính trị, tôi xin ngài cho tôi về nghỉ.

Ngài nói:

-Trẫm có điện gọi cả Ngô-Đình-Diệm về, sao không thấy về.

Tôi tâu:

-Khi tôi qua Saigon, có gặp Ngô-Đình-Diệm và ông ấy bảo không thấy người Nhật nói gì cả. Vậy hoặc có sự gì sai lạc chăng. Ngài cho điện lần nữa gọi ông ấy về. Còn tôi thì xin ngài cho ra Bắc.

Ngài nói:

-Vậy ông hãy ở đây nghỉ ít lâu, xem thế nào rồi hãy ra Bắc.

Lúc ấy tôi mệt nhọc lắm, và có mấy người như bọn ông Hoàng-Xuân-Hãn đều bảo tôi trở lại. Tôi chờ đến gần mười ngày. Cách độ ba bốn hôm tôi lại đi hỏi ông cố-vấn Nhật xem có tin gì về ông Diệm chưa. Trước thì cố-vấn Nhật nói chưa biết ông Diệm ở đâu, sau nói ông Diệm đau chưa về được. Đó là lời tối cao cố vấn, chứ tự ông Diệm không có điện riêng xác định lại.

Vua Bảo-Đại thấy tình thế kéo dài mãi cũng sốt ruột, triệu tôi vào bảo tôi chịu khó lập chính phủ mới.

Ngài nói:

-Trước kia người mình chưa độc lập. Nay có cơ hội, tuy chưa phải độc lập hẳn, nhưng mình cũng phải tỏ ra có đủ tư cách để độc lập. Nếu không có chính phủ thì người Nhật bảo mình bất lực, tất họ lập cách cai trị theo thể lệ nhà binh rất hại cho nước ta. Vậy ông nên vì nghĩa vụ cố lập thành một chính phủ để lo việc nước.

Tôi thấy vua Bảo Đại thông minh và am hiểu tình thế, liền tâu rằng:

-Nếu vì quyền lợi riêng tôi không dám nhận chức gì cả, xong Ngài nói vì nghĩa vụ đối với đất nước, thì dù sao tôi cũng cố hết sức. Vậy xin Ngài cho tôi vài ngày để tôi tìm người, hễ có thể được tôi xin tâu lại. (Trang 51).

* * *

Bảo Đại viết:

… Từ khi tôi đến ngụ ở Republic Bay, căn biệt thự này trở thành cục nam châm thu hút mọi người. Khách khứa dập dìu, thật đông như hội. Như trước đây, Thierry D’Argenlieu đã nói là giải pháp Hồ Chí Minh đã thất bại. Nay gió đã đổi chiều. Trong số khách thăm viếng này, người thì đến để theo phò, người thì đến để thăm dò đường lối cho Pháp hay cho nước khác. Bác sĩ Phan Huy Đán, Luật sư Đinh Xuân Quảng, cả hai đều thuộc phe xã hội, thêm Việt Nam Quốc Dân Đảng Trần Văn Tuyên, đều từ Quảng Châu sang. Người em họ trung thành với tôi, Vĩnh Cẩn cùng người em khác trẻ hơn, là tay đá banh nổi tiếng Vĩnh Tường, và Phan Văn Giáo tạo thành cái nhân vĩnh viễn thân cận. Rồi đến quí vị khác khá danh tiếng như Bác sĩ Lê Văn Hoạch, thuộc nhóm Cao Đài, cựu phó phủ tướng Nam bộ, Phạm Văn Bính, Ngô Đình Diệm trước tôi tưởng là tai mắt của Mỹ, Phạm Công Tắc, giáo chủ Tây Ninh, Lê Văn Soái, tướng Hòa Hảo v…v… Tất cả các nhân vật đó đều đưa ra ý kiến và đồng nhất về chính trị, nhấn mạnh là tôi phải trở về, để đem lại hòa bình cho đất nước.

… cần phải quay trở lại vấn đề tại chỗ. Để gia đình lại Cannes, tôi đi Hong Kong vào ngày 5 tháng 3 và chỉ đến vào ngày 18…

Khi trở về, tôi đã có một cuộc hội kiến khá lâu với Ngô Đình Diệm. Ông này cương quyết giữ lập trường xa lánh với viên Cao ủy, khi mà vấn đề thể chế chưa được giải quyết. Ông ta cho rằng thời gian ở Pháp của tôi, không đem lại được dữ kiện nào mới lạ. Tuy nhiên, tôi đã thuyết phục ông ta là, để khỏi bị coi là thủ phạm muốn kéo dài chiến tranh, cần phải dẹp bỏ tự ái cá nhân đối với Cao ủy Bollaert, để tiếp tục trở lại với ông ta. Tôi liền bảo Diệm trở về Sài Gòn, để thăm dò các tay thân cận của Bollaert, nhất là để biết xem có thể thiết lập được một chính phủ trung ương. Ổng ta nhận lời và ngày 22 tháng ba, được chính Cao ủy Bollaert tiếp kiến.

Ngày 24-3-1948, Diệm trở lại Hong Kong, thất vọng ra mặt.

Theo Diệm, chúng tôi chỉ còn một cách: Đợi chờ.

Đa số các nhà ái quốc ở Hong Kong lại không đồng quan điểm với Diệm.

…Tôi cho vời đến Cannes các lãnh tụ của tất cả các phong trào chính trị và tôn giáo ở Việt Nam để hỏi ý kiến. Tôi cho họ biết cái gì đã xảy ra, rằng tất cả đều đã được xếp đặt trước, đến chỗ sẽ chia đôi đất nước. Tôi vạch ra cho họ sự cần thiết đặt một đường hướng mới, và gợi ý họ là cho thay thế Hoàng thân Bửu Lộc bằng Ngô Đình Diệm, để cầm đầu chính phủ. Tất cả hoan nghênh ý kiến của tôi.

…Sau khi thảo luận với ông Foster Dulles, để cho ông ta biết ý định ấy, tôi cho vời Ngô Đình Diệm và bảo ông ta:

– Cứ mỗi khi mà tôi cần thay đổi chính phủ, tôi lại phải gọi đến ông. Ông thì lúc nào cũng từ chối. Nay tình thế rất bi đát, đất nước có thể bị chia cắt làm đôi. Ông cần phải lãnh đạo chính phủ.

– Thưa Hoàng thượng, không thể được ạ. Ông ta đáp. Tôi xin trình Ngài là sau nhiều năm suy nghĩ, tôi đã quyết định. Tôi định đi tu…

– Tôi kính trọng ý định của ông. Nhưng hiện nay, tôi kêu gọi đến lòng ái quốc của ông. Ông không có quyền từ chối trách nhiệm của mình. Sự tồn vong của Việt Nam buộc ông như vậy.

Sau một hồi yên lặng, cuối cùng ông ta đáp:

– Thưa Hoàng thượng, trong trường hợp đó, tôi xin nhận sứ mạng mà Ngài trao phó.

Cầm lấy tay ông ta, tôi kéo sang một phòng bên cạnh, trong đó có cây thánh giá. Trước thánh giá, tôi bảo ông ta:

– Đây Chúa của ông đây. Ông hãy thề trước chân dung Chúa là giữ vững đất nước mà người ta đã trao cho ông. Ông sẽ bảo vệ nó, để chống lại bọn Cộng sản, và nếu cần, chống luôn cả người Pháp nữa.

Ông ta đứng yên lặng một lúc lâu, rồi nhìn tôi, sau nhìn lên thánh giá, ông nói với giọng nghẹn ngào:

– Tôi xin thề!

Bốn mươi tám giờ sau, sau khi giới thiệu ông với Tướng Ely, từ Washington trở về qua Paris, ông Diệm về Sài Gòn cùng với Hoàng thân Bửư Lộc để bàn giao quyền hành. Trước khi ra đi, tôi trao cho Diệm một đạo dụ ủy cho ông ta mọi quyền, hành chánh cũng như quân sự.”