THI SĨ VÀ MÙA THU:

Nguyễn Khuyến, Verlaine, Bashô, Buson, Shakespeare

Phạm Trọng Lệ sưu khảo và dịch

Vào đầu thu, khi lá vàng bắt đầu rụng, thi sĩ và nhạc sĩ thường tả cái buồn nhè nhẹ của một thời tiết không còn nóng, nhưng chưa lạnh lắm, một hoài cảm bâng khuâng (như Cung Tiến trong bài “Thu Vàng”). Nhưng người yêu thơ không ai quên đưọc bài THU ÐIẾU của Nguyễn Khuyến, bài CHANSON D’AUTOMNE cùa Verlaine, những bài thơ HAIKU của thiền sư Nhật Bản Bashô, Buson, và bài tình thi SONNET số 73 của Shakespeare.

I. THU ÐIẾU

Nguyễn Khuyến người làng Yên Ðổ tỉnh Hà Nam, sinh năm 1835, đời vua Tự Ðức; đỗ đầu kỳ thi Hương năm 1864; đỗ đầu thi Hội và thi Ðình năm 1871 nên người đương thời gọi là Tam Nguyên Yên Ðổ. Làm quan đến chức Sơn Hưng Tuyên tổng đốc. Sau vì đau mắt nặng, phải cáo quan về nhà dạy học. Cụ hay chữ, làm thơ nôm rất tài, dùng ít điển cố, có để lại tập thơ nhan đề Quế Sơn Thi Tập. Bài “Thu Ðiếu” là bài tuyệt nhiên không có giọng châm biếm thường thấy trong thơ Nguyễn Khuyến. Cụ mất năm 1909, thọ 74 tuổi.

Ta hãy ngắm một bức họa thiên nhiên mà thi sĩ đã vẽ ra:

Thời-gian: mùa thu; không-gian: ao thu; thời-tiết: hơi lạnh.

Như một bức tranh tĩnh vật: trong cảnh ao thu, nước trong vắt, một ông già ngồi một mình trên chiếc thuyền câu nhỏ. Hơi gió nhẹ đưa, làn nước ao gợn sóng nhẹ, một vài ngọn lá vàng bay xuống. Ngửng mặt lên trời cao: mấy làn mây lơ lửng trên bầu trời xanh ngắt. Hạ tầm mắt xuống, nhìn xa một chút: trong ngõ hẹp quanh co dẫn vào thôn, bên hàng trúc yên lặng, không một bóng người qua lại. Trong ao thu, trên thuyền câu, ông câu ngồi đấy như chờ cái lắng đọng của thời gian. Trong cái cảnh yên lắng ấy, con người nhỏ bé đơn sơ và thiên nhiên như cảm thông với nhau qua tiếng cá đớp nhẹ ở chân bèo. Mặt ao yên lặng chợt có những vòng sóng gợn quanh đám bèo. Âm nhạc du dương nghe được ngoài đời êm ái đã đành, nhưng hay nhất là thứ âm nhạc yên lặng của thiên nhiên. Như nhà thơ Anh John Keats đã viết: “Heard melodies are sweet, but those unheard are sweeter.” Một hình ảnh rất “thiền”.

Xin đọc to và chậm để âm thanh và hình ảnh lắng vào hồn mình:

THU ÐIẾU

Ao thu lạnh lẽo nước trong veo,

Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo.

Sóng biếc theo làn hơi gợn tí,

Lá vàng trước gió sẽ đưa vèo.

Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt,

Ngõ trúc quanh co khách vắng teo.

Tựa gối ôm cần lâu chẳng được,

Cá đâu đớp động dưới chân bèo.

NGUYỄN KHUYẾN

Dịch Sang Anh Ngữ:

Ðể giới thiệu bài thơ mùa thu giầu hình ảnh và âm điệu, lại được viết bằng thứ tiếng Việt dễ hiểu với độc giả Anh Mỹ, và nhất là với các bạn học sinh hay sinh viên Việt quen với tiếng Anh, xin phỏng dịch:

ANGLING IN AUTUMN

The autumn pond is bleak and cold, its water crystal clear,

There floats a tiny little sampan near.

Ripples of deep blue water curl with a puff of wind slightly,

A yellow leaf in wind falls and glides down noiselessly.

A layer of cloud drifts in the azure sky,

In the winding lane of bamboos, not a single soul passes by.

Arms around knees, I loosely hold the pole for a long while, in vain,

From nowhere, a fish bites at the roots of the water hyacinths.

(Translated by PTL)

Bản dịch sang Pháp Ngữ:

Ðây là bản dịch sang tiếng Pháp do Nguyễn Khắc Viện và các dịch giả khác trong ANTHOLOGIE DE LA LITTÉRATURE VIETNAMIENNE, Tome III (Hanoi: Édition en Langues Étrangères, 1975), pages 161-162:

Pêche en Automne

Une mare automnale morne et froide,

Sur l’onde limpide, un petit sampan, tout menu—

Une fine brise ride l’eau turquoise,

La feuille jaunie sous le vent sans bruit plane et file.

Tout là-haut, un nuage dans l’azure sans fin,

Dans les détours des allées de bambou, nulle trace d’ami,

Les bras autour des genoux, longuement, à l’onde,

En vain, j’ai laissé le fil de ma ligne,

Le poisson goba, elle trembla tout en bas, sous les nénuphars.

II. CHANSON D’AUTOMNE CỦA VERLAINE (1844-1896)

Sinh sau Nguyễn Khuyến 9 năm, nhà thơ Pháp Paul Verlaine, thuộc trường phái biểu tượng, trong tập thơ Romances sans paroles in năm 1874, có bài « Chanson d’automne » mà độc giả quen với Pháp văn ai cũng biết. Thơ ông đầy nhạc tính; có nhiều bài đã được nhạc sĩ Debussy phổ nhạc. Trong bài thơ « Art poétique » (Nghệ Thuật Thi-ca), ông viết rằng: « De la musique avant toute chose » (« Âm nhạc trên hết cả »). Nghệ thuật, đối với ông, như « đôi mắt kiều diễm sau làn khăn mỏng, là ánh sáng lung-linh của buổi trưa, là xáo trộn màu xanh của những vì sao sáng trên bầu trời thu mát. » (« C’est des beaux yeux derrière des voiles/C’est le grand jour tremblant de midi/C’est, par un ciel d’automne attiédi/Le bleu fouillis des claires étoiles! »)

Ðọc lại bài Chanson d’automne, mà nhiều nhà yêu thơ đã dịch sang Việt ngữ–trong đó có bài dịch của cụ Tô Giang Tử Nguyễn Quang Nhạ (xem phần chú thích cuối bài), bài dịch của chúng tôi chỉ là một cố gắng khiêm tốn–không ai quên được những âm thanh gây nên bởi những nguyên âm « o » và « ou », chậm và buồn như điệu nhạc dài của mùa thu. Ý và nhạc trong thơ ông, phải chăng đã gây cảm hứng cho những bài thơ bất hủ như bài « Tiếng Thu » của Lưu Trọng Lư?

CHANSON D’AUTOMNE

Les sanglots longs

Des violons

De l’automne

Blessent mon coeur

D’une langueur

Monotone.

Tout suffocant

Et blême, quand

Sonne l’heure,

Je me souviens

Des jours anciens

Et je pleure;

Et je m’en vais

Au vent mauvais

Qui m’emporte

Deçà, delà,

Pareil à la

Feuille morte

PAUL VERLAINE

Note : dưới chữ ç trong « deçà » có đuôi.

Dịch sang văn vần:

Thu ca

Ðàn thu

thổn thức

giọt sầu

Tim côi rướm máu

một mầu tái tê

Nghẹn ngào

mỗi độ thu về

ngày vui

nhớ lại

bờ mi lệ tràn.

Hồn ta

gió cuốn

miên man,

nay đây, mai đó

như hàng lá khô.

(PTL phỏng dịch, 1981)

III. MÙA THU TRONG THƠ HAIKU CỦA NHẬT

Trong lối thơ haiku gồm 17 âm-tiết, xếp thành ba câu, theo mẫu 5,7.5, hay lối thơ waka 31 âm tiết theo mẫu 5,7,5,7,7. mỗi bài thơ ẩn một tâm trạng gắn liền với cảnh vật độc đáo bên ngoài, có khi chỉ là tiếng chim kêu, tiếng vỗ cánh, tiếng lá rơi, tiếng ếch nhảy xuống nước. Hồn thơ Haiku thường diễn tả một trạng thái căng thảng của tâm hồn thi sĩ trước thiên nhiên, muốn quán chiếu thực tại. Xin đọc ba bài thơ nổi tiếng của Bashô, một bài của Buson và một bài của Saigyô.

MATSUO BASHÔ (1644-1694)

Có ba bức hoạ trên đó Bashô viết bài haiku « quạ đậu trên cành cây » này. Bức xưa nhất có vẽ bẩy con quạ đang đậu trên cành trụi lá, với 20 con đang bay trên trời. Hai bức kia có vẽ một con quạ đang đậu trên cành khẳng khiu. Bài thơ là hình ảnh cô đơn của con người trong cái yên lặng của mùa thu.

kareeda ni

karasu no tomarikeri

aki no kure

Trên cành cây khẳng khiu

Con chim quạ vừa đậu

Trời chạng vạng mùa thu

On a bare branch

A crow has lighted…

Autumn nightfall

(Translated by Makoto Ueda, in BASHÔ AND HIS INTERPRETERS. Stanford, CA: Stanford University Press, 1992, p. 57)

Tuy bài sau đây làm vào mùa xuân nhưng chúng tôi cũng chép lại vì là bài haiku nổi tiếng nhất của Bashô. Con người cô đơn trước cảnh vật thiên nhiên. Tiếng ếch nhẩy xuống nước cũng như tiếng cá đớp trong câu “Cá đâu đớp động dưới chân bèo” của Nguyễn Khuyến. A commentary by Nobutane: “The Zen monk Hakuin always talked about the sound of one hand clapping. The sound of water in this hokku is also like that: it is there and it is not there.” In Ueda, BASHÔ AND HIS INTERPRETERS, p 140.

furuike ya

kawazu tobikomu

mizu no oto

Phá bầu yên lặng mặt ao xưa…

ếch nhảy vụt

tõm xuống nước

old pond…

a frog leaps in

water’s sound.

(Translated by William J. Higginson, in THE HAIKU HANDBOOK, p. 9)

[Note: Allen Ginsberg, trong tập COLLECTED POEMS 1947-1980. New York: Harper-Collins, 1984, dịch bài thơ trên như sau:

Th’old pond—a frog jumps in. Kerplunk! ]

kono michi ya

yuku hito nashi ni

aiki no kure

Con đường này

vắng người qua

lúc hoàng hôn mùa thu

an autumn eve

along this road

goes no one

(Translated by R.H. Blyth in THE GENIUS OF HAIKU. Tokyo: The Hokuseido Press, 1995, p. 38)

YOSA BUSON (1716-1783)

Yuku ware ni

Todomaru nare ni

aki futatsu

I go;

Thou stayest:

Two autumns.

(Translated by R.H. Blyth, sách dẫn ở trên, tr. 110)

Mùa thu ai xẻ làm đôi,

Người đi kẻ ở, ngậm ngùi nhớ thương.

(PTL phỏng dịch)

THIỀN SƯ SAIGYÔ (1118-1190)

Thiền đạo đòi hỏi phải rũ sạch ham muốn và ràng buộc với thế tục, nhưng thi sĩ Saigyô vẫn yêu vẻ lấp lánh của cuộc đời. Con người tầm đạo dù phải diệt ham muốn, nhưng khi nhìn một cảnh giản dị của thiên nhiên, lòng vẫn rung động:

kokoro naki

mi ni mo aware wa

shirarikeri

shigi tatsu sawa no

aki no yugure

dù tâm hết khát vọng

nhưng thân ta cũng biết

rung động thổn thức khi thấy

con chim dẽ bay vút từ đầm lầy

và màn tối mùa thu đang buông

(PTL phỏng dịch)

even heartless

my body must know

how touching:

snipe rise from the marsh

in the autumn nightfall

(Translated by William J. Higginson, cited above, p. 186)

IV. BÀI SONNET CỦA SHAKESPEARE VỀ MÙA THU VÀ TUỔI VỀ CHIỀU

Trong tập tình thi 154 bài sonnets của Shakespeare, bài sonnet số 73 có lẽ là bài hay nhất vì dùng nhiều ẩn dụ khéo léo:

Hằng năm cứ vào mùa thu, khi em nhìn ta, khi vài chiếc lá vàng, hay không còn ngọn lá nào dính trên cành, run-rẩy vì lạnh, như ban hát thánh ca trong giáo đường mục nát và trơ trọi, nơi những con chim có giọng ngọt-ngào, mới đây đậu và hót. Nơi ta, em thấy ánh hoàng hôn hôm ấy, sau khi mặt trời đã nhạt mầu ở phương tây, dần dần bị bóng đêm dập tắt đi—hình ảnh của cái chết, gắn kín tất cả trong giấc ngủ. Nơi ta, em thấy ánh ngời của than hồng, tro tàn của tuổi xuân ta, đang lụi dần như trên chiếc giường người sắp chết, bị lửa đốt hết, ngọn lửa làm than hồng lên và thổi thêm sức sống cho than. Thấy cảnh như vậy, em sẽ yêu quí ta hơn vì chẳng bao lâu nữa em phải giã từ.

Sonnet 73: That Time of Year…

That time of year thou mayst in me behold

When yellow leaves, or none, or few, do hang

Upon those boughs which shake against the cold,

Bare, ruined choirs, where late the sweet birds sang.

In me thou seest the twilight of such day

As after sunset fadeth in the west,

Which by and by black night doth take away,

Death’s second self that seals us all in rest.

In me thou seest the glowing of such fire,

That on the ashes of his youth doth lie,

As the death-bed whereon it must expire,

Consumed with that which it was nourished by.

This thou perceiv’st, which makes thy love more strong,

To love that well which thou must leave ere long.

WILLIAM SHAKESPEARE, in 1609 Quarto edition

Giờ này hằng năm…

Nhìn ta em thấy hằng năm,

Khi vài lá uá trên cành cô đơn.

Gió rung lá khẳng khiu buồn,

Thánh ca chim hót giáo-đường mới đây.

Nhìn ta em thấy phương tây,

Mầu chiều bảng-lảng đêm dầy cuốn đi.

Bóng đêm thần chết phủ vi,

Trong ta ánh lửa xuân thì tàn tro.

Nguội trên manh chiếu xác khô,

Lửa nuôi than sống trước giờ lụi tiêu.

Cùng ta cho trọn thương yêu,

Cho thêm khắng khít trước chiều chia phôi.

(PTL phỏng dịch, 1993)

V. CHÚ THÍCH VÀ SÁCH THAM KHẢO

Chắc độc giả ai cũng biết bài “Mùa Thu Chết” của Phạm Duy mà giọng Julie Quang đã làm cho bất hủ:

Ta ngắt đi một cụm hoa thạch thảo

Em nhớ cho mùa thu đã chết rồi

Mùa thu đã chết. em nhớ cho! Mùa thu đã chết, em nhớ cho!

Mùa thu đã chết, đã chết rồi

Em nhớ cho! Em nhớ cho! Ðôi chúng ta sẽ chẳng còn nhìn nhau nữa. Trên cõi đời này, trên cõi đời này….

Ôi ngát hương thời gian mùi thạch thảo

Em nhớ cho rằng ta vẫn chờ em.

Trong tập thơ ALCOOLS của Apollinaire, nhà thơ Pháp phái Siêu Thực, gốc Ba-Lan, làm năm 1913:

L’adieu

J’ai cueilli ce brin de bruyère

L’automne est morte souviens-t’en

Nous ne nous verrons plus sur terre

Odeur du temps brin de bruyère

Et souviens toi que je t’attends.

(Guillaume Apollinaire, OEUVRES POÉTIQUES, ALCOOLS, Éditions Gallimard, 1920, p. 85)

Nhạc sĩ Phạm Duy chắc đã lấy hứng và mượn ý từ bài dịch để làm lời cho nhạc phầm « Mùa thu chết » mà bản dịch đó, theo một bạn văn cho biết, là của Bùi Giáng. Bản dịch tài tình.

-Ðọc thêm về lời bàn về bài « Thu Điếu », xem: Dương Quảng Hàm. QUỐC VĂN TRÍCH DIỄM. Saigon : Xuất Bản Bốn Phương, 1953, tr. 44-45.

-Bản dịch bài Chanson d’automne của Tô Giang Tử Nguyễn Quang Nhạ, in trong TUYỂN TẬP THI PHẨM in tại McLean, Virginia, 1981, tr. 369, không đề giá bán:

Nhạc thu

Nhạc thu nức nở trầm trề

Ngân dài một điệu não nề lòng ta.

Nghẹn ngào, mặt tái lệ nhòa,

Thu về chợt nhớ ngày qua khuất rồi.

Hồn ta tựa chiếc lá rơi,

Phiêu phiêu gió cuốn, chuyển dời đó đây…

(Tô Giang Tử phiên dịch)

-Một cuốn sách giải thích về Haiku xưa và nay và cách dạy làm thơ haiku cho thiếu niên: William J. Higginson. THE HAIKU HANDBOOK. Tokyo : Kodansha International, 1985. $9.95.

-Nhà xuất bản Dover đưa ra một cuốn sách mỏng, 78 trang, giá $1.00, nhan đề THE CLASSIC TRADITION OF HAIKU, Faubion Bowers, ed. Mineola, NY: Dover Publications, Inc, 1996. Thơ Haiku của 48 nhà thơ Nhật, có nguyên tác kèm theo lời dịch sang tiếng Anh của những dịch giả nổi tiếng. Có những bài haiku như bài “quạ đậu trên cành” của Basho có 6 bản dịch để người đọc so sánh.

-Bản dịch những mẩu hành trình du ký của Matsuo Bashô: THE NARROW ROAD TO THE DEEP NORTH AND OTHER TRAVEL SKETCHES. Trans. Nobuyuki Yuasa. Penguin Books, 1968.

-Muốn tìm hiểu thêm về thơ của thiền sư Saigyô, xem: Wiliam R LaFleur, trans. MIRROR FOR THE MOON: A SELECTION OF POEMS BY SAIGYÔ (1118-1190). New York: New Direction Books, 1978.

-Một cuốn sách biên khảo công phu về Bashô kèm theo những lời bình ngắn gọn của những nhà phê bình người Nhật sau mỗi bài thơ: Makoto Ueda. BASHÔ AND HIS INTERPRETERS: SELECTED HOKKU WITH COMMENTARY. Stanford, CA: Stanford University Press, 1992. Giá: $19.95

-Ấn bản bỏ túi, rẻ tiền và tiện dụng về 154 bài sonnets của Shakespeare kèm theo chú giải vài chữ khó và tóm tắt đại ý mỗi bài thơ: Louis B. Wright and Virginia A. LaMar. SHAKESPEARE’S SONNETS AND POEMS. New York: Washington Square Press, 1967, 1969. Giá $5.99. Soạn giả làm việc ở Folger Shakespeare Library nên đây là một ấn bản đáng tin cậy.

-Người đọc Shakespeare nghiêm túc, sinh viên soạn thi bằng MA về văn chương Anh nên có cuốn sách của Helen Vendler. THE ART OF SHAKESPEARE’S SONNETS. Cambridge, MA: Harvard University Press, 1997. Ðây là cuốn sách soạn kỹ của giáo sư Vendler thuộc đại học Harvard, với lời nhận xét tỉ-mỉ và đôi khi độc đáo của một người đọc thơ rất kỹ (the best close reader of poems) về 154 bài sonnets. Kèm theo sách là một CD, trong đó bà có đọc đa số các bài sonnets trong sách. Giá $31.50. ■

(Phạm Trọng Lệ, Virginia, đầu thu 1993; sửa lại 8/5/2008)