Lối viết văn “bỏ lửng” của Hemingway

Đàm Trung Pháp

(Văn bản hoàn chỉnh 2020)

Ernest Hemingway (1899-1961) lãnh giải Nobel văn chương năm 1954 và được biết đến nhiều nhất qua các tác phẩm The Sun Also Rises (1926), A Farewell to Arms (1929), For Whom the Bell Tolls (1940), và The Old Man and the Sea (1952).

Văn phong tiêu biểu của Hemingway là giản dị tối đa (tránh những câu văn dài lòng thòng chứa đựng nhiều mệnh đề phức tạp), trực tiếp (như nói thẳng với người đọc), không trang điểm (ít dùng tĩnh từ và trạng từ để làm huê dạng câu văn). Lối viết ngắn gọn đi thẳng vào vấn đề của Hemingway có thể là do ảnh hưởng của những năm ông hành nghề ký giả ngay sau khi tốt nghiệp trung học. Văn phong này phát sinh từ Lý Thuyết Bỏ Lửng (Omission Theory) của ông. Để cho dễ hiểu, ta có thể ví lý thuyết này như cấu trúc một băng đảo (iceberg), trong đó thì phần nổi ở trên mặt nước (đỉnh băng đảo) là nơi chứa đựng những dòng chữ viết, và phần chìm (đáy băng đảo) – lớn hơn nhưng bị nước biển che khuất – là nơi ẩn náu của các hàm ý (implications) qua các ẩn dụ (metaphors) trong phần nổi. Theo Hemingway, người viết có thể bỏ lửng (omit) bất cứ điều gì khi họ biết là họ cố tình không viết nó ra với chủ ý phần bỏ qua sẽ làm câu chuyện mạnh mẽ hơn và cho độc giả cảm thấy đã lãnh hội thêm một điều gì đó có ý nghĩa sâu xa hơn những điều biểu hiện trong truyện.

Lối viết văn đề cập trên đây chính là lý do tại sao truyện ngắn rất tiêu biểu Hemingway Cat in the Rain (1925) thoạt thấy thì có vẻ nông cạn (lối viết bỏ lửng, cốt truyện đơn giản, dàn nhân vật sơ sài), nhưng thực ra tuyệt tác này đầy ắp những hàm ý sâu xa khi ta đọc kỹ nó. Ta hãy đọc truyện ngắn tuyệt tác ấy qua bản dịch sang tiếng Việt dưới đây, rồi đọc tiếp những giải thích chi tiết sau khi đọc xong:

CON MÈO TRONG MƯA

(Bản dịch của Đàm Trung Pháp)

Chỉ có mỗi hai người Mỹ ở lại khách sạn. Họ chẳng quen một ai trong số những người họ gặp trên cầu thang trên đường ra vô phòng họ. Phòng họ trên lầu hai, ngó ra biển. Cũng ngó ra công viên và đài kỷ niệm chiến tranh. Có những cây cọ lớn và những ghế dài trong công viên. Khi thời tiết tốt bao giờ cũng có một hoạ sĩ với chiếc giá vẽ. Các hoạ sĩ thích hình dáng những cây cọ và những màu sắc tươi sáng của những khách sạn hướng ra các công viên và biển cả. Nhiều người dân Ý từ phương xa ghé đến để xem đài kỷ niệm chiến tranh được làm bằng đồng sáng loáng trong mưa. Trời đang mưa, nước mưa tí tách rớt xuống từ các lá cọ và đọng thành từng vũng trên các đường lát sỏi. Sóng biển nhấp nhô trong làn mưa rơi, rạt vào trong bãi rồi lại kéo ra khơi. Những xe hơi đã rời khỏi công viên. Bên kia công viên, trước quán cà phê có một người hầu bàn ngó ra hướng công viên vắng lặng.

Người vợ Mỹ ngó qua cửa sổ. Bên ngoài, ngay dưới cửa sổ, một con mèo đang nằm co quắp dưới một chiếc bàn, cố gắng thu mình thật nhỏ để không bị ướt nước mưa.

‘Em đi xuống bắt con mèo nhe,’ người vợ nói.

‘Để anh làm cho,’ người chồng đang nằm trong giường trả lời vợ.

‘Không, em làm lấy. Tội nghiệp con mèo đang tránh mưa dưới chiếc bàn.’

Người chồng tiếp tục đọc sách, nằm nghển cổ trên hai chiếc gối trên giường.

‘Coi chừng bị ướt đấy,’ anh ta nói với vợ.

Người vợ đi xuống cầu thang và người chủ khách sạn vội đứng dậy cúi đàu chào nàng khi nàng đi qua văn phòng. Bàn giấy của ông ta nằm ở phía bên kia của văn phòng. Ông ta đã già và rất cao.

‘Trời đang mưa,’ nàng nói bằng tiếng Ý. Nàng thích ông ta.

‘Dạ, dạ, thưa bà, thời tiết xấu lắm.’

Người chủ khách sạn đứng đằng sau bàn giấy trong văn phòng. Người vợ Mỹ thích ông ta, cũng như thái độ nghiêm trang khi ông ta nghe những lời than phiền của khách trọ. Nàng thích phẩm cách ông ta. Nàng thích phong thái ông ta muốn phục vụ nàng. Nàng thích bộ mặt già nua, nặng nề và hai bàn tay lớn ông ta.

Vì thích ông ta, nàng mở cửa để ngó ra ngoài. Trời mưa nặng hạt hơn. Một người đàn ông choàng áo mưa đang đi từ phía công viên trống vắng về phía quán cà phê. Con mèo chắc đang nằm ở phía bên phải. Có lẽ nàng nên đi dọc bờ tường để còn được mái nhà che khỏi ướt, nàng tự nhủ. Và ngay lúc đó một cô làm công tại khách sạn đã mở dù che mưa cho nàng.

‘Bà không nên bị ướt,’ cô làm công vừa tươi cười vừa nói. Dĩ nhiên chính ông chủ khách sạn đã sai cô ta ra giúp nàng. Được cô làm công che dù, người vợ Mỹ đi dọc con đường lát sỏi cho đến khi tới chỗ dưới khung cửa sổ. Chiếc bàn vẫn còn đó, nhưng con mèo chẳng thấy đâu. Nàng chợt lộ vẻ thất vọng. Cô làm công ngó nàng và hỏi:

‘Bà mất vật gì chăng?’

‘Lúc nãy có con mèo ở đây,’ thiếu phụ Mỹ trả lời.

‘Một con mèo à?’

‘Phải, một con mèo nhỏ.’

‘Một con mèo,’ cô làm công vang tiếng cười. ‘Một con mèo trong mưa?’

‘Phải, nàng đáp, ‘con mèo dưới chiếc bàn.’ Nàng nói tiếp: ‘Trời đất ơi, tôi muốn có nó quá. Tôi thèm có một con mèo con!’

‘Thôi xin bà đi vô, kẻo ướt.’

‘Đành vậy chứ sao bây giờ,’ nàng trả lời cô làm công.

Họ đi ngược lại con đường lát sỏi và nàng mở cửa trở vào khách sạn. Cô làm công còn đứng bên ngoài để đóng chiếc dù lại. Khi người thiếu phụ Mỹ đi qua văn phòng, ông chủ khách sạn lại cúi đàu chào nàng. Nàng thấy ray rứt trong lòng. Ông chủ khách sạn làm cho nàng cảm thấy mình vừa nhỏ bé vừa quan trọng sao đó. Bỗng chốc nàng cảm thấy nàng quan trọng tuyệt vời. Nàng leo cầu thang, mở cửa phòng. George vẫn nằm trên giường đọc sách.

‘Có bắt được con mèo ấy không?’ người chồng hỏi, đặt cuốn sách xuống.

‘Nó đi đâu mất tiêu rồi!’

‘Không biết nó đi đâu nhỉ.’

Nàng ngồi xuống giường, nói:

‘Thèm nó quá. Không biết tại sao thèm nó thế. Em thực muốn có con mèo con tội nghiệp đó. Một con mèo con trong mưa thì có gì vui thú ?’

George lại tiếp tục đọc sách.

Nàng đi về phía bàn trang sức, ngồi trước tấm gương, tay cầm chiếc gương nhỏ. Nàng ngắm nghía “profile” của mình từ hai phía. Rồi nàng quan sát phía sau đàu và gáy.

‘Anh có nghĩ là em nên để tóc mọc dài ra không,’ nàng hỏi, trong khi quan sát “profile” mình một lần nữa.

George ngước lên nhìn phía sau gáy vợ, tóc cắt ngắn như con trai. ‘Anh thích kiểu tóc em đang để.’

‘Em chán kiểu này rồi,’ nàng đáp. ‘Chán trông giống con trai lắm rồi!’

George đổi vị trí nằm trong giường. Từ khi vợ bắt đàu nói, chàng nhìn vợ chăm chú.

‘Em trông xinh thấy mồ ấy mà,’ chàng nói.

Nàng đặt chiếc gương xuống bàn trang sức, đi ra phía cửa sổ ngó ra ngoài đường. Màn đêm đang kéo xuống.

‘Em muốn kéo hết tóc ra phía sau và cột thành một túm lớn để có thể sờ thấy,’ nàng nói. ‘Ước chi có con mèo ngồi trong lòng để mà vuốt ve, để mà nghe nó rù rì nhỉ!’

‘Thiệt hả ?’ George lên tiếng, vẫn nằm trên giường.

‘Em cũng muốn được ngồi ăn với thìa nĩa bằng bạc riêng của mình, với bạch lạp. Và em muốn bây giờ là mùa xuân, muốn chải tóc bồng bềnh, muốn có con mèo, muốn quần áo mới.’

‘Thôi, ngậm miệng lại đi, và kiếm cái gì mà đọc,’ George trả lời. Chàng tiếp tục đọc.

Cô vợ vẫn ngó qua cửa sổ. Trời đã tối mịt và mưa vẫn còn rơi trên các lá cọ.

‘Ít nhất phải có con mèo. Em muốn có con mèo ngay bây giờ. Nếu không được để tóc dài, không có gì vui, phải có con mèo!’

George chẳng còn nghe lời than của vợ nữa. Chàng còn mải đọc sách. Cô vợ vẫn ngó qua cửa sổ và thấy ánh đèn rọi sáng công viên.

Có tiếng gõ cửa.

‘Mời vào,’ George lên tiếng, mắt rời khỏi cuốn sách.

Cô làm công xuất hiện trước cửa phòng. Cô ta ôm chặt một con mèo trong lòng.

‘Xin lỗi ông bà,’ cô giải thích, ‘ông chủ tôi sai tôi mang con mèo này cho bà nhà.’

SỰ VIỆC “BỎ LỬNG” HÀM Ý QUA ẨN DỤ

Ngay tựa đề câu chuyện đã là một “ẩn dụ sắc nét”: Ở đâu đi nữa thì một con mèo ướt nhoẹt nước mưa nằm co ro một xó đều vẽ lên một hoàn cảnh “tội nghiệp quá” rồi. Trong đoạn mở đầu Hemingway dùng thời tiết xấu với trời mưa không ngớt làm ẩn dụ cho một “mối liên hệ vợ chồng đang tan rã” khó lòng hàn gắn. “Sự thiếu trưởng thành” của người vợ được ám chỉ qua sự kiện nàng không có tên gọi mà chỉ được nhắc đến là “người vợ Mỹ” và nàng hành động như một đứa con nít (muốn đích thân đi bắt con mèo ướt nước mưa, muốn được ngồi ăn với thìa nĩa bằng bạc và bạch lạp). Con mèo đóng vai “ẩn dụ kiệt xuất” cho một “đứa con mà người vợ ước ao được ôm ấp trong lòng.” Cuối cùng, con mèo ấy được cô làm công mang đến cho nàng như một “món quà đặc biệt” từ ông chủ khách sạn, người mà nàng mới quen mà đã dành cho nhiều thiện cảm. Món quà ấy chuyên chở cái “hàm ý quan trọng nhất” trong truyện để làm kết luận – Nếu bao giờ nàng ta có một trẻ thơ để ôm ấp trong lòng thì “cái hạnh phúc ấy chỉ có thể xảy ra với một người đàn ông khác.”