Tiếng Chim Hy-Vọng Ðầu Thế Kỷ:

Bài thơ “The Darkling Thrush” của Thomas Hardy

Phạm Trọng Lệ sưu tầm và dịch

Cách đây gẩn 120 năm, vào tối 31 tháng 12 dương lịch, năm 1900, lúc nhân loại sắp bước vào thế kỷ 20, thi sĩ Anh Thomas Hardy–một thi sĩ và tiểu thuyết gia cuối thời nữ hoàng Victoria, một thời kỳ mà canh nông đang chuyển sang kỹ nghệ–trong lúc ông đang bi quan trước viễn tượng một thế kỷ mới, chợt nghe thấy tiếng chim họa mi hót. Ông viết bài thơ The Darkling Thrush sau đây vào đêm cuối cùng của thế kỷ 19. Trong bài thơ, con chim họa mi già cất tiếng hót vào đêm đông lạnh lùng, đem lại nguồn hy vọng cho thi sĩ đang hoang mang trước những biến chuyển của thế kỷ mình đang sống và viễn tượng mình chưa rõ của thế kỷ 20 mới. Bài thơ này được xếp thứ 54 trong 100 bài thơ được chọn in trong hợp tuyển nhiều nhất, theo William Harmon, giáo sư văn chương Anh thuộc đại học North Carolina, trong cuốn THE TOP 500 POEMS.

Bài viết này có 5 phần: phần I là nguyên văn bài thơ; phần II là bản dịch xuôi; phần III là bản dịch sang văn vần; phần IV là nhận xét về chữ khó và ẩn dụ trong bài thơ. Phần cuối là sách tham khảo.

I. The Darkling Thrush

I leant upon a coppice gate

When Frost was specter-gray,

And Winter’s dregs made desolate

The weakening eye of the day.

The tangled bine-stems scored the sky

Like strings of broken lyres,

And all mankind that haunted nigh

Had sought their household fires.

The land’s sharp features seemed to be

The Century’s corpse outleant,

His crypt the cloudy canopy,

The wind his death-lament.

The ancient pulse of germ and birth

Was shrunken hard and dry,

And every spirit upon earth

Seemed fervorless as I.

At once a voice arose among

The bleak twigs overhead

In a full-hearted evensong

Of joy illimited;

An aged thrush, frail, gaunt, and small,

In blast-beruffled plume,

Had chosen thus to fling his soul

Upon the growing gloom.

So little cause for carolings

Of such ecstatic sound

Was written on terrestrial things

Afar or nigh around,

That I could think there trembled through

His happy good-night air

Some blessed Hope, whereof he knew

And I was unaware.

Thomas Hardy (December 31, 1900)

II. Dịch xuôi:

Tiếng Họa Mi Trong Ðêm Tối

Tôi dựa vào cổng dẫn vào rừng cây

Khi sương mờ xám như bóng ma

Và những vẩn đục của mùa đông làm cho

Ánh sáng yếu-ớt của ngày thêm điêu tàn.

Những sợi dây leo cuộn với nhau in trên nền trời

Như những sợi dây đàn huyền cầm bị đứt.

Và mọi người ở gần

Ðều tìm đến lò sưởi trong nhà mình.

Nén hằn rõ trên ruộng nương trông như

Xác của Thế kỷ vừa chết duỗi dài ra

khỏi hầm mộ là vòm trời mây phủ,

mà gió là tiếng gào khóc.

Mạch máu xưa của mầm sống

Chun lại khô cứng

Và mỗi linh hồn trên trái đất

Hình như đều uể oải như tôi.

Chợt lúc đó có một giọng trổi lên

Trong những nhành cây khẳng khiu trên cao,

Một bài ca đầy nhiệt tình, ấm-áp

diễn tả niềm vui vô bờ.

Một con chim họa mi già, mảnh khảnh, hom hem, nhỏ nhắn.

Bộ lông nó tả tơi rũ rượi vì bị gió giập

Ðã chọn lúc này để liệng hồn mình

Vào vẻ tiêu điều mỗi lúc một thêm ảm đạm.

Con người ít khi thấy có lý do để

viết lời ca ngợi những sự vật xa gần trên đời này

như âm thanh ngây ngất như vậy,

khiến tôi tưởng rằng trong giọng rung của

tiếng chim hót vui tươi ru ta an giấc

có một niềm Hy-vọng trời ban, mà chim biết rõ từ đâu,

mà tôi lại vô tình không biết.

III. Dịch sang văn vần:

Tiếng chim trong đêm tối

Bên rừng tựa cổng nhìn xa

Sương mờ xám tựa bóng ma chập-chùng.

Chiều Ðông ảm đạm lạnh lùng,

Ánh dương hiu hắt, cảnh trông điêu tàn.

In trên trời, khóm dây ràng,

Cuốn nhau như những sợi đàn đứt dây.

Làng trên xóm dưới quanh đây,

Bên lò sưởi ấm, giờ này cùng nhau.

Nét hằn bờ ruộng nương dâu,

Như thây Thế kỷ dãi dầu thênh thang.

Vòm trời hầm mộ mây ngàn,

Gió gào lời khóc hồn tan mập mờ.

Mạch xưa mầm sống bây giờ,

Máu xưa tươi thắm, nay khô cạn rồi.

Mỗi linh hồn, mỗi con người

Thảy đều uể oải rã rời như ta.

Chợt đâu trổi tiếng chim ca,

Trong cành cây nhỏ vẳng ra bồi hồi.

Ðiệu ca tròn, ấm trên cao,

Niềm vui hớn hở ngọt ngào vô biên.

Họa mi, mảnh khảnh, hom hem,

Lông già rũ rượi, thân mềm tả tơi.

Thả hồn trong điệu nhạc trôi,

Cảnh buồn mỗi lúc chẳng vơi não nùng.

Con người có mấy ai từng

Viết câu ca ngợi của chung trên đời

Dư âm ngây ngất tuyệt vời,

Rung trong gió thoảng những lời vui tươi

Là nguồn hy-vọng từ Trời,

Chim kia biết rõ, mà người không hay.

(PTL phỏng dịch 11/24/1997)

IV. Ghi Chú và Phân tích:

Darkling: [chữ cổ, dùng trong thơ], in the dark, trong bóng tối.

Coppice gate=cửa dẫn vào một khu rừng nhỏ có nhiều bụi cây rậm.

Specter=bóng ma (nguyên bản viết spectre).

Dregs=cặn bã.

Bine-stems=gốc giây leo cuộn với nhau

Century corpse=xác chết thế kỷ. Thế kỷ 19 chấm dứt, thi sĩ ví như một xác chết.

Evensong=bài hát vào buổi lễ chiều (even: chữ cổ của evening)

Illimited=vô giới hạn.

Fervorless=không có nhiệt tình, uể oải, nguyên bản viết fervourless.

Blast-beruffled plume=bộ lông bị rối xù vì bị gió dập vùi.

Hình thức: Bài thơ gồm 4 đoạn (stanzas) mỗi đoạn 8 câu, trong đó câu 1, 3, 5, 7 theo thể iambic tetrameter, nghĩa là mỗi câu có 4 nhịp, nhấn vào nhịp nhì; các câu số 2, 4, 6, và 8 gọi là iambic trimeter, có ba nhịp, nhấn vào nhịp nhì. Bài thơ gieo vần như sau ababcdcd. Thí dụ như ở đoạn đầu thì những cặp chữ cuối câu như gate/desolate, gray/day, sky/nigh, lyres/fires vần với nhau.

Nội dung:

-Bài thơ dùng vài chữ cổ:

Coppice=đường dẫn vào lùm cây hay rừng nhỏ; darkling=trong bóng đêm; nigh=gần; illimited=vô biên. Mấy chữ viết hoa như Frost, Century, Hope để nhấn mạnh.

-Nhiều hình ảnh và ẩn dụ:

-Hai đoạn đầu, để tả tâm trạng bi quan của mình về thế kỷ 19, thi sĩ dùng những chữ tả mùa đông u ám. Specter-gray: đánh vần kiểu Mỹ; nguyên văn trong bài thơ là spectre-gray: xám như bóng ma. Winter dregs: cặn vẩn đục của mùa đông. Weakening eye of day: ánh mặt trời yếu đi. Lyre: một thứ huyền cầm có 6 dây gọi là “đàn lia,” thuộc loại đàn harp (“hạc cầm”). Những nhánh cây leo cuốn vào nhau được ví như dây đàn huyền cầm bị đứt.

-Ở đoạn hai: Century corpse (thế kỷ sắp hết ví như xác chết duỗi dài mà tiếng gió là lời than khóc và bầu trời là hầm mộ); crypt (hầm mộ); cloudy canopy (vòm trời mây phủ); pulse of germ and birth (mạch đập của mầm và sự nảy sinh, mầm sống); shrunken hard and dry (co lại khô cứng), fervorless (đánh vần kiểu Anh: fervourless): không còn sinh khí.

-Ở đoạn ba và bốn: thi sĩ tả bối-cảnh trong đó con chim họa mi vừa già, vừa bị gió lạnh thổi làm bộ lông tơi tả, đang hót trên nhành cây cao: aged thrush. Bleak twigs overhead: nhánh cây khẳng khiu ở trên cao; gaunt: gầy, hốc hác; growing gloom: cảnh càng thêm ảm đạm. Nhưng con chim họa mi vẫn say sưa cất tiếng hót. Carolings (những bài ca như vào dịp giáng sinh); ecstatic (ngây ngất), good-night air (giọng ca chúc ngủ ngon). Tiếng chim ca khiến thi sĩ đang bi quan, chán nản phải hứng khở. Blessed Hope: nguồn hy-vọng trời ban.

-Vài dòng về Thomas Hardy (1840-1928): Thomas Hardy quê ở gần vùng Dorchester phía tây nam Anh quốc, khi còn trẻ học việc trong văn phòng xây cất của một kiến trức sư. Sau ông bỏ nghề kiến trúc và viết tiểu thuyết. Trong tiểu thuyết và thơ, ông dùng nhiều phương ngữ (dialects) nơi ông sinh trưởng. Nhiều cuốn ông viết đã được đưa lên phim. Cuốn Far From the Madding Crowd (Xa chốn phồn hoa) là cuốn tiểu thuyết thứ tư viết năm 1874, và được đưa lên phim năm 1967 do nữ tài tử Julie Christie đóng. Ông cũng là tác giả cuốn The Mayor of Casterbridge (Ông Thị Trưởng Casterbridge) (1886). Cuốn nổi tiếng nhất là Tess of D’Urberville (1891) (Nàng Tess thuộc dòng họ Urberville), được đưa lên phim do Roman Polanski đạo diễn năm 1980 và do nữ tài tử Nastassja Kinski đóng vai Tess. Những cuốn khác là Jude the Obscure (Jude, con người tầm thường vô danh), viết năm 1896, dược đưa lên truyền hình do Kate Winslet đóng năm 1971. Cuốn the Return of the Native (Người xưa trở về) đưa lên phim năm 1994, do nữ tài tử Catherine Zeta-Jones đóng. Tuy Ông viết nhiều tiểu thuyết (12 cuốn), mãi đến khi gần 60 tuổi Ông mới làm thơ. Trong vòng ba thập niên, ông viết tổng cộng 8 tập thơ và một tập kịch dài, the Dynasts.

-Meliorist, not pessimist: Người đọc văn thơ ông thường cho ông là người bi quan, nhưng ông bảo ông là người theo thuyết cải-thiện. Ông cho rằng thế giới có thể tốt hơn nếu con người cố gắng hướng thiện. Trong bài thơ, hai đoạn thơ đầu là những hình ảnh ảm đạm và chết chóc, nhưng hai đoạn cuối bài thơ, trong khi tác giả chán nản, thất vọng về những biến chuyển của thời ông–như chiến tranh, thay đổi nếp sống gây ra bởi chiến tranh và cuộc Cách mạng Kỹ nghệ– thì tiếng chim họa mi, tuy già và rũ rượi vì lạnh, như đem lại nguồn hy vọng cho tác giả. Tiếng chim như nhắc cho tác giả biết, dù ở hoàn cảnh thất vọng hay tuyệt vọng, Thượng-đế, qua thiên nhiên, vẫn ban cho con người một ân sủng là lòng Hy vọng. Như thiền sư Mãn-Giác ở thế kỷ 11 đời Lý, trong bài kệ “Cáo Tật Thị Chúng” có hai câu cuối “Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận/Ðình tiền tạc dạ nhất chi mai” [“Ðừng tưởng xuân tàn hoa rụng hết/Ðêm qua, sân trước, một cành mai”– Ngô-Tất-Tố dịch, trong Văn Học Ðời Lý (1941), p. 52 ]. Một cành hoa nở cuối mùa xuân, tiếng hót của con chim già vào mùa đông như nhắc con người đừng quên Hy vọng trời ban. Nhà thơ lãng mạn Anh Percy Bysshe Shelley trong bài “Ode to the West Wind” cũng viết ở câu cuối cùng của bài thơ: “If Winter comes, can Spring be far behind?” (Mùa Ðông nếu tới nơi rồi, thì Xuân cũng chẳng xa vời mãi đâu.)

V. Sách Tham Khảo:

Muốn đọc thêm về cuộc đời và tác phẩm của Thomas Hardy, xem

Carpenter, Richard C. Thomas Hardy. (Twayne English Authors Series). New York: MacMillan, 1st ed. 1964; rev. ed. 1980.

Muốn tìm đọc thơ của Hardy, xem

Gibson, James. The Complete Poems of Thomas Hardy. New York: MacMillan, 1978.

Về bảng liệt kê 500 bài thơ phổ thông, được trích in trong các sách hợp tuyển nhiều nhất, xem

Harmon,William. The Top 500 Poems. New York: Columbia University Press, 1992, trang 1077-1080.

(Virginia –viết xong 11/24/1997; sửa lại 12/19/2007; 9/15/2020–PTL) ■