NIỀM RIÊNG NGHIỆT NGÃ

TRONG THƠ ĐINH HÙNG

ĐÀM TRUNG PHÁP

Đinh Hùng qua đời vì bạo bệnh vào mùa thu 1967 tại Saigon trong một ngày gió mưa tầm tã, lúc mới 47 tuổi. Vài tuần sau đó, Vũ Hoàng Chương (người anh rể cũng là thi hữu thân nhất của Đinh Hùng) đã nói chuyện rất cảm động về cuộc đời của nhà thơ yểu tử tại Trung Tâm Văn Bút Việt Nam. Qua bài nói chuyện “Nhớ Đinh Hùng” của ông, ta được biết vì đâu mà Đinh Hùng có cái “nguồn thi hứng ảm đạm bi thương đến rùng rợn tê điếng cả tâm hồn.” Năm Đinh Hùng 11 tuổi, chị Tuyết Hồng, một hoa khôi 18 tuổi đời, vì buồn chuyện tình duyên đã tự trầm tại Hồ Trúc Bạch. Vài tháng sau, thân phụ thất lộc khi chưa đầy 50 tuổi. Và 3 năm sau nữa, chị lớn nhất mang tên Loan cũng qua đời trong tuổi thanh xuân! Trại Trung Phụng, sản nghiệp to lớn nhà họ Đinh, vẫn theo lời Vũ Hoàng Chương, “quả là một gia tài đẫm lệ; bộ xương khô và lưỡi hái dài nanh ác lúc nào cũng như lẩn quất trong hang cây khế, cây cam” (Trung Tâm Văn Bút Việt Nam 1969).

Đang học chương trình tú tài thì Đinh Hùng bỏ học để bắt đầu đi tìm những say mê của đời phóng khoáng:

Sớm như chiều hư thực bóng hoa hương

Ta ra đi tìm lớp học thiên đường

Và khi đó thì mẹ yêu ngồi khóc

(“Khi Mới Nhớn”)

Cái “bóng hoa hương” quan trọng nhất đời Đinh Hùng là một người bà con có họ xa, mang tên Ý Liên, mà nhà thơ đã yêu từ “độ em còn trèo cây khế, vin hái quả xanh bên tường.” Nàng lớn lên thành một thiếu nữ xinh đẹp tươi tắn:

Nắng vàng năm xưa đã tắt

Cô bé ngày xưa lớn rồi

Hoa hồng vừa nở trên môi

Và một trời thu trong mắt

= = = 

Em là Tiên Nữ Diễm Kiều

Vin hái hoa trong vườn quý

Dò theo những bước hương yêu

Còn tôi đi làm thi sĩ

(“Tiếc Bướm”)

Tiên Nữ Diễm Kiều đã có với nhà thơ nhiều kỷ niệm khó phai:

Người đẹp ngày xưa tên giống hoa

Mùa xuân cây cỏ biếc quanh nhà

Thùy hương phảng phất sen đầu hạ

Lén bước trang đài tới gặp ta

= = = 

Yểu điệu phương đông lướt dưới đèn

Ta nằm mộng đẹp đêm thần tiên

Dáng xuân nghiêng mặt cười không tiếng

Lửa hạ lên rồi … Ôi Ý Liên

(“Liên Tưởng”)

Đinh Hùng và Ý Liên yêu nhau tha thiết trong tuyệt vọng. Nàng qua đời vì lao phổi khi Đinh Hùng tuổi mới 20. Mất Ý Liên, nhà thơ đau khổ đến điên dại. Cái ác nghiệt của Thần Chết lần này thực quá sức! Đã đến lúc nhà thơ chấp nhận cái chết, như thấy trong hai câu bi thảm trong thi tập Mê Hồn Ca:

Đi đi cho hết dương trần

Ngày mai tìm bóng Tử Thần mà yêu

Từ cái định mệnh nghiệt ngã ấy, thi nhân đã viết lên những lời thơ âu yếm – nhưng cũng ma quái vô cùng – để nhắn vọng về thế giới bên kia, nơi có người yêu chàng hiện hữu:

Trời cuối thu rồi … Em ở đâu

Nằm bên đất lạnh chắc em sầu

Thu ơi! Đánh thức hồn ma dậy

Ta muốn vào thăm nấm mộ sâu

= = = 

Ta gửi bài thơ anh linh

Hỏi người trong mộ có rùng mình

Nắm xương khô lạnh còn ân ái

Bộ ngực bi thương vẫn rợn tình

(“Gửi Người Dưới Mộ”)

Bài “Gửi Người Dưới Mộ” của Đinh Hùng phảng phất hồn thơ siêu linh của thi sĩ thuộc trường phái tượng trưng (symbolisme) Charles Baudelaire mà Đinh Hùng ngưỡng mộ và chịu ảnh hưởng không ít (Đinh Hùng 1971). Charles Baudelaire (1821-1867) từng bị xã hội Pháp mệnh danh là một “nhà thơ thổ tả” (“poète maudit”) vì chàng đã sống một cuộc đời phản luân thường đạo lý: trác táng, nghiện thuốc phiện, mắc bệnh hoa liễu, bênh vực đồng tình luyến ái, và quịt nợ nhiều người. Quá hổ thẹn, Baudelaire phải trốn xã hội qua thi ca siêu tưởng tự đề cao mình trong một thế giới riêng tư. Còn Đinh Hùng thì quá đớn đau vì nhiều cái chết trong gia đình, nhất là cái chết quá phũ phàng của người tình thiên thu. Làm sao trốn được cái định mệnh nghiệt ngã phong tỏa đời mình, nếu không rút vào một thế giới siêu tưởng như Baudelaire? Chính đó là điều Đinh Hùng đã làm. Chàng từ nay sẽ xuất trần, sẽ vượt ra ngoài vòng vũ trụ, và nhìn xuống dương trần với đôi mắt dửng dưng (Thi Vũ 1993). Con đường ngắn nhất để đi vào thế giới siêu tưởng của Đinh Hùng cũng là con đường Baudelaire đã chọn, đó là kết bạn với nha phiến (Michel Quesnel 1987). Trong bài “La Vie Antérieure” (Tiền Kiếp) trong Les Fleurs du Mal (Ác Hoa) – một thi tập gồm 126 bài viết nhắm vào sự sa đọa xã hội và khêu gợi dục tình – Baudelaire đã cho hồn phách phi lạc về kiếp trước để thấy mình như vua chúa sống trong cung điện nguy nga, an nhàn lạc thú đầy hương sắc trong đoạn cuối bài thơ: *

Đó là nơi ta chìm trong hoan lạc

Giữa trời xanh, sóng biển, rực kiêu sa

Những nô tỳ lõa thể nức hương hoa

Ngồi hầu quạt bằng những tàu lá cọ

Họ phải giúp mau cho ta tận hiểu

Bí mật nào khiến sầu muộn lòng ta

(ĐTP phỏng dịch)

* “C’est là que j’ai vécu dans les voluptés calmes / Au milieu de l’azur, des vagues, des splendeurs / Et des esclaves nus tout imprégnés d’odeurs / Qui me rafraichissaient le front des palmes / Et dont l’unique soin était d’approfondir / Le secret douloureux qui me faisait languir.”

Nếu cái nhựa đắng thoát trần đã giúp cho Baudelaire quên đi nỗi buồn thế sự và trở về với cái quá khứ uy nghi giả tưởng của mình, thì nàng tiên nâu đã giúp Đinh Hùng chuyển cái tê mê nha phiến sang khoái cảm ái tình mà chàng từng thụ hưởng, cũng trong một “tiền kiếp” xa xôi nào đó của mình:

Trong im lặng, tôi rùng mình nín thở

Cầm tay em, nâng từng ngón tay hoa

Tình yêu tràn trong thớ thịt, làn da

Tình yêu rợn tự đầu mày chân tóc

(“Giáp Mặt Phù Dung”)

Trong thế giới siêu tưởng, Đinh Hùng đóng hai vai trò mâu thuẫn, khi thì hiền lành lúc thì dữ tợn. Chàng đã gặp nhiều người đẹp mang tên nên thơ như Nữ Chúa Sầu, Em Huyền Diệu, vân vân, thường là những nhan sắc liêu trai trong thi tập Đường Vào Tình Sử:

Ta thường có những buổi sầu ghê gớm

Ở bên Em … Ôi, biển sắc rừng hương

Em lộng lẫy như một ngàn hoa sớm

Em đến đây như đến tự thiên đường

(“Kỳ Nữ”)

Đối với những giai nhân giả tưởng ấy, thi nhân lãng mạn và tình tứ lắm:

Em chẳng tìm đâu cũng sẵn thơ

Nắng trong hoa, với gió bên hồ

Dành riêng em đấy khi tình tự

Ta sẽ đi về những cảnh xưa

(“Tự Tình Dưới Hoa”)

Ngược lại, trong bài khá dài mở đầu thi tập Mê Hồn Ca, chàng đóng một vai rất dữ tợn. Đó là một con người nguyên thủy vóc dáng cổ quái, từ thiên nhiên huyền bí trở về đô thị tìm người yêu:

Ta về đây, lạ hết các người rồi

Lạ tình cảm, lạ đời chung, cách sống

Trong bỡ ngỡ duy lòng còn chút mộng

Ta đi tìm người thiếu nữ ngày xưa

Nàng không mong, ta đi đến không ngờ

Giây phút ấy thực mắt nhìn tận mắt

Ta mỉm cười bỗng thấy nàng che mặt

Ta giơ tay, nàng khiếp sợ lùi xa

(“Bài Ca Man Rợ”)

Bị nàng ruồng rẫy, thi nhân điên lên như một con thú dữ, giết nàng tàn bạo, phá tan thành quách, rồi bình tĩnh trở về cõi nguyên thủy:

Ta thản nhiên, trở lại núi rừng

Một mặt trời đẫm máu xuống sau lưng

(“Bài Ca Man Rợ”)

Nỗi cô đơn bi thương trong cuộc sống trần thế đã xâm nhập cõi thơ siêu thực của Đinh Hùng, nơi mà nhà thơ chạy trốn cuộc đời. Ta thương cảm cho định mệnh thảm thê của Đinh Hùng, nhưng cũng chính nhờ vào cái kiếp sống tuyệt cùng vô vọng đó mà ta được đọc những vần thơ trác tuyệt nhất của ông. Chúng cũng khiến ta liên tưởng đến di ngôn bất hủ của văn hào Alfred de Musset thuộc trào lưu lãng mạn Pháp: “Les plus désespérés sont les chants les plus beaux” (Những bài ca tuyệt vọng nhất là những bài ca đẹp nhất). Và Đinh Hùng đã dùng thi tài xuất chúng để bất tử hóa cuộc đời quá bất hạnh của chính mình.

THƯ TỊCH

Đinh Hùng (1971) Đốt Lò Hương Cũ. Saigon: Lửa Thiêng. Đinh Hùng (1961) Đường Vào Tình Sử. Hoa Kỳ: Đại Nam in lại, không ghi năm nào. Michel Quesnel (1987) Baudelaire, Solaire et Clandestin. Paris: Presses Universitaires de France. Thi Vũ (1993) Bốn Mươi Năm Thơ Việt Nam. Paris: Quê Mẹ. Trung Tâm VBVN (1969) Câu Chuyện Văn Chương. Hoa Kỳ: Xuân Thu in lại, không ghi năm nào.