Cây tre trong văn hoá Việt

Thái Công Tụng
 

1.Dẫn nhập.

Làng mạc Việt thường có lũy tre bao bọc. Trong bài hát Làng Tôi của Chung Quân, tác giả đã nói ngay đến cây tre

Làng tôi có cây đa cao ngất từng xanh.
Có sông sâu lờ lững vờn quanh
êm xuôi về Nam.
Làng tôi bao mái tranh san sát kề nhau.
Bóng tre ru bên mấy hàng cau.
Đồng quê mơ màng!

Xưa kia, ở các tiền đồn xa xôi, người lính thú cũng chỉ có măng tre mà ăn:

Chém tre đẵn gỗ trên ngàn
Hữu thân hữu khổ phàn nàn cùng ai
Miệng ăn măng trúc măng mai

Tình yêu trong bài hát Nắng Chiều cũng nhắc đến loài tre:

Anh nhớ xót xa dưới tre la ngà
Gợn buồn nhìn anh em nói: “Mến anh!”
Mây lướt thướt trôi khi nắng vương đồi
Nhớ em dịu hiền nắng chiều ngừng trôi…

Sau đây là vài ca dao hoặc thành ngữ nói về cây tre:

-Con mèo con chó có lông
Bụi tre có mắt, nồi đồng có quai

Có thì nhà ngói lợp mè
Nghèo thì kèo nứa, cột tre cũng đành

Tục ngữ Việt cũng nhắc đến cây tre như: Tre già măng mọc, Lạt mềm buộc chặt, v.v… Tre được sử dụng làm các đồ vật gia dụng, nhà, (cột, kèo), làm đũa, làm máng nước, làm rổ rá, vật dụng nông nghiệp (gầu, cán cuốc, cán xẻng). Tre non làm thức ăn (măng). Tre khô kể cả rễ làm củi. Đôi khi tre còn được sử dụng để làm thành chiếc áo tơi hay để làm mái lợp nhà.

Có thể thấy rằng bản lĩnh bản sắc của người Việt và văn hóa Việt có những nét tương đồng với sức sống và vẻ đẹp của cây tre đất Việt. Tre không mọc riêng lẻ mà sống thành từng lũy tre, rặng tre. Đặc điểm cố kết này tượng trưng cho tính cộng đồng của người Việt. Tre có rễ ngấm sâu xuống lòng đất, sống lâu và sống ở mọi vùng đất.

Tre, nứa, trúc, mai, vầu mấy chục loại khác nhau, giúp người trăm nghìn công việc khác nhau. Dưới bóng tre xanh, đã từ lâu đời, người dân cày Việt Nam dựng nhà, dựng cửa, vỡ ruộng, khai hoang. Tre ăn ở với người, đời đời, kiếp kiếp.

Cán cuốc, cán xẻng, cán liềm gặt lúa đều làm bằng thân cây tre. Cối xay lúa cũng làm từ tre. Giường nằm cũng làm từ tre. Trong mỗi gia đình nông dân Việt Nam, tre là người nhà, tre khăng khít với đời sống hàng ngày. Nấu bánh chưng, bánh tét ngày Tết, phải dùng lạt tre để buộc trước khi nấu:

Lạt này gói bánh chưng xanh
Cho mai lấy trúc, cho anh lấy nàng…

Hút thuốc cũng dùng chiếc điếu cày tre. Suốt một đời người, từ thuở lọt lòng trong chiếc nôi tre, nằm trên giường tre, tre với mình, sống có nhau, chết có nhau, chung thuỷ. Tục ngữ Việt có nhiều câu khuyên ta:

Tre già măng mọc”.

Tre có hàng ngàn giống, tre thuộc về họ Hoà Bản. Mọi loài tre đều đều có một căn hành, nghĩa là một loại rễ nằm ngang dưới đất. Rễ ngang có thể trãi dài đến vài mét, và cũng có loại rễ nằm ngay trên mặt đất. Thân tre có cấu trúc không đẳng hướng, tính chất cơ học dọc theo thân khác rất nhiều với mặt cắt ngang. Hướng dọc thân được tạo thành từ những sớ cellulose rất cứng. Hướng nằm ngang đa phần là lignin bở hơn. Vì vậy tre chịu lực dọc thân (nén, kéo) rất cao.

Tất cả các loài tre đều ra hoa kết trái, nhưng hiện tượng này hiếm hoi lắm, chu kỳ cũng khác nhau tuỳ loài, và thường chúng trổ hoa cùng một loạt. Chu kỳ ra hoa được ghi nhận có khi đến 120 năm!

Hình ảnh tre trổ hoa, gié hoa tre, và trái tre (gọi là gạo tre):


2. Cây tre trong văn hoá Việt.

Cùng với cây đa, bến nước, sân đình một hinh ảnh quen thuộc, thân thương của làng Việt cổ truyền, thì những bụi tre làng từ hàng ngàn năm đã có sự cộng sinh, cộng cảm đối với người Việt. Tre còn góp mặt trong những làn điệu dân ca, điệu múa sạp phổ biến hầu khắp cả nước. Và nó là một trong những chất liệu khá quan trọng trong việc tạo ra các nhạc khí dân tộc như: Đàn tơ rưng, sáo, kèn… Tre đi vào cuộc sống của mỗi người, đi sâu thẳm vào tâm hồn người Việt. Mỗi khi xa quê hương, lữ khách khó lòng quên được hình ảnh lũy tre làng thân thương, những nhịp cầu tre êm đềm. Tre dùng làm biểu tượng trong văn hoá Việt:

-Cố đè thì tre chỉ cong
Càng níu xuống thấp, càng vùng lên cao

-Công anh đi sớm về trưa
Mòn đường chết cỏ vẫn chưa gặp tình
Khuyên anh đừng ở một mình
Cây tre có bụi huống chi mình lẻ loi

-Lạt này gói bánh chưng xanh
Cho mai lấy trúc, cho anh lấy nàng…

Có thể thấy rằng bản lĩnh bản sắc của người Việt và văn hóa Việt có những nét tương đồng với sức sống và vẻ đẹp của cây tre đất Việt. Tre không mọc riêng lẻ mà sống thành từng lũy tre, rặng tre. Đặc điểm cố kết này tượng trưng cho tính cộng đồng của người Việt. Tre có rễ ngấm sâu xuống lòng đất, sống lâu và sống ở mọi vùng đất. Chính vì thế tre được ví như là con người Việt Nam cần cù, siêng năng, bám đất bám làng: “Rễ sinh không ngại đất nghèo, Tre bao nhiêu rễ bấy nhiêu cần cù”. Lũy tre và cổng làng là thành trì bảo vệ văn hóa làng, chống giặc cướp.

Trong tâm thức của nhiều người thì tre, trúc chính là hai loại cây biểu tượng cho sự ngay thẳng và uy phong. Ngoài ra, cây tre đã từng là ngưồn cảm hứng vô tận trong tiểu thuyết, truyện ngắn, thi ca, v.v… Hình dáng thân tre, thân trúc thanh mảnh, cao ráo và chia nhiều đốt. Sáo trúc lan tràn khắp thôn quê miền Bắc. Hát Ả Đào với nhac cụ quan trọng là cái PHÁCH bằng khúc tre già, ca nương vừa hát vừa gõ.

Mỗi loại tre lại mang đến cho chúng ta một công dụng riêng: Có tre to để đan lát, có tre để làm hàng thủ công. Tre còn có thể được sử dụng để làm nhà cửa, lều quán.

Tại miền Đông Nam phần như Tây Ninh, Biên Hoà, Bình Dương thường có giếng lấy nước tưới cho rau cải, và để múc nước giếng lên để tưới rau, họ dùng “cần vọt” để tưới: Cần vọthai cây tre lớn bằng bắp chân đóng dính chắc vào nhau bằng những thanh ngang coi giống như một cái thang. Chân cái thang đó được chôn đứng cách giếng độ hai ba thước. Trên đầu có một cốt tròn xỏ qua hai thân tre. Bắc dính chắc trên cái cốt đó là một thân tre dài, đầu to là đầu nặng nằm đụng đất, đầu nhỏ chỉ lên trời coi giống như một đòn bẩy hay một cái đu nhún lên hạ xuống của trẻ con. Đó là cái cần. Trên đầu cần là một cây sào bằng tầm vông dài xuống gần miệng giếng, đầu dưới của sào có cái móc để móc cái gàu. Muốn lấy nước, người ta kéo cây sào thòng gàu xuống giếng đợi gàu đầy nước là kéo gàu lên, cây cần làm đòn bẩy giúp cho người kéo nước không phải ráng sức.

Còn có tre gai, với hệ thống rễ chằng chịt trên mặt đất giúp chống xói mòn và còn giữ lại bùn trôi từ vùng núi xuống miền đồng bằng.

3. Phân loại thực vật.

Cây Tre có thân rễ ngâm, sống lâu mọc ra những chồi gọi là măng. Thân cây có thể cao đến 10 -18m, ít phân nhánh. Mỗi cây có khoảng 30 đốt. Một số chi có nhiều loài là chi Tre gai (Bambusa) có 55 loài thì có tới 31 loài chưa có tên, chi Luồng (Dendrocalamus) có 21 loài với 5 loài chưa định tên, chi Le (Gigantochloa) có 16 loài với 14 loài chưa có tên, chi Vầu đắng ((Indosasa) có 11 loài với 8 loài chưa có tên và chi Nứa (Schizostachyum) có 14 loài thì có tới 11 loài chưa có tên.

Tre là một loại cây quá quen thuộc với mọi người, nhưng ít ai biết được cây tre chỉ nở hoa 1 lần trong khoảng thời gian từ 10-15 năm, thậm chí cần nhiều thời gian hơn từ 30-50 năm để chúng tạo ra quả. Điều đặc biệt là không phải loại tre nào cũng ra quả, chỉ có tre Lê, có tên Khoa học là Melocanna baccifera mới có thể ra quả mà thôi.


Mọi người thường thắc mắc tại sao nó được gọi là tre Lê mà không phải là một cái tên nào khác. Lý do đơn giản là quả của loại tre này rất giống quả lê, vì vậy người ta đặt tên theo hình dáng của chúng. Tre Lê thường phát triển rất nhanh và cao trên 20 mét, thế nhưng ít người nhìn thấy chúng ra hoa. Một số người dân ở TC nói rằng: Chúng chỉ ra hoa có 1 lần trong 10 năm, mỗi lần ra hoa không nhất thiết phải có quả, hoặc đôi khi 4,5 bông hoa thì rơi rụng và cuối cùng chỉ còn lại 1 quả.



Những quả tre Lê trưởng thành thường có đường kính khoảng 7cm, thịt bên trong rất dày, vỏ ngoài cứng như vỏ tre. Tre Lê còn được ví như những trái dừa non. Nếu ăn sống tre Lê, hương vị của nó có thể khiến bạn nhăn mặt, nhưng nếu nướng trên lửa, hương vị của chúng hoàn toàn thay đổi, nó có mùi thơm và vị ngon đặc biệt. Vì loại quả này có số lượng hạn chế, rất hiếm nên nó thường có giá bán rất cao. Tại TC, mỗi quả có giá từ 800 tệ (khoảng 2.700.000 VNĐ).



Mặc dù giá của loại quả này lúc nào cũng đắt đỏ, nhưng đó không phải là thứ mà hầu hết mọi người đều có thể mua và ăn. Khi thấy tre nở hoa, nghĩa là bạn cần chờ đợi hơn 10 năm để có thể ăn được quả của nó. Chưa kể, trong quá trình hình thành quả, nó có thể rơi rụng, hoặc bị động vật khác ăn mất. Do đó, để ăn được tre Lê bạn phải thực sự rất may mắn.



Cây trồng 10 năm mới ra quả quý hơn vàng, có tiền cũng khó mua vì đòi hỏi cả may mắn.

Có một điều nữa là nếu tre Lê không bị hư, dập, thì quả sẽ nảy mầm trực tiếp trên cây tre sau đó rụng xuống đất và tiếp tục phát triển thành một cây tre mới.

Cả đời cây tre chỉ ra hoa một lần và vòng đời của nó sẽ khép lại khi tre “bật ra hoa”.

Họ Tre bao gồm nhiều thực vật mang các tên như nứa, vồ, lồ ô, trúc, mai, giang… Đó chỉ là những chi, những cách gọi địa phương của từng nơi với họ tre. Tre nhà (Bambusa vulgaris), tre gai (Bambusa stenostachya), tre lồ ô (Bambusa procera), tre la ngà (Bambusa multiplex), tre lộc ngộc (Bambusa arundinacea), tre hoa (Bambusa multiplex).

Ngoài các tre nằm trong chi Bambusa như trên, có thể kể chi Nứa (Neohouzeaua), chi Sặt (Arundinaria), chi Luồng (Dendrocalamus), chi Trúc (Phyllostachys) , chi Lê (Gigantochloa), chi Vầu đắng (Indosasa).

3.1. Tre gai. Tre gai có nguồn gốc từ Quảng Ngãi. Tre gai là một loại tre dài và to nhưng các mắt tre ngắn và cây tre thường mọc nhiều cành nhỏ. Độ dài lớn nhất của cây tre gai tầm 10m, tuy nhiên cũng có những cây chỉ đạt độ trung binh từ 7-8m. Đường kính của tre gai khoảng 10cm, tuy nhiên cũng có những có cây nhỏ có bán kính từ 7-8cm.
3.2. Cây trúc. Trúc được trồng đa dạng nhiều nơi. Trúc thường có thân nhỏ hơn tre, thành các bụi rậm, lá cũng nhỏ và thưa hơn tre. Do cây có dáng đẹp, nhỏ nên được dùng làm cây cảnh phổ biến. Vỏ cây trúc có độ óng mượt, mắt ngắn. Độ cao lớn nhất của một cây trúc tầm 8m. Đường kính của cây trúc cao nhất là 40mm, cũng có những cây trúc nhỏ có đường kính nhỏ hơn tầm 20 – 30mm. Cây trúc dùng để làm cây cảnh, trang trí, làm các vật dụng như sáo trúc, các tấm mành treo nhà. Truyện Kiều có câu:

Tái sinh chưa dứt hương thề
Làm thân trâu ngựa đền nghì trúc mai

3.3. Cây tầm vông. Có nguồn gốc ở Tây Ninh, ở đây tầm vông được trồng và cung cấp nhiều cho các xưởng sản xuất.
Tầm vông có vỏ thân óng, thân đặc và lỗ nhỏ và các mắt ngắn.
Chiều dài lớn nhất của cây tầm vong là 9 – 10m và chiều cao trung bình từ 7 – 8m.
Đường kính của cây tầm vông lớn nhất 50mm và trung bình từ 35 – 40mm.
Tầm vông dùng để sản xuất các vật dụng trong gia đình, nội ngoại thất, ngoài ra còn được trồng để lấy bóng mát hay trồng làm hàng rào chắn những khu đất trống.

4. Công dụng của cây tre.

Cây tre dùng để tạo ra các vật dụng trong gia đình, làm nên những sản phẩm đẹp, sang trọng như: Bàn tre, ghế tre, giường tre, quang gánh tre, võng tre…

Trong đời sống người Việt, ta gặp tre khắp nơi trong các công dụng:

-làm nhà cửa (vì kèo, phên liếp, vách tường…)

-làm vô số vật dụng: Cái cần câu, cái vó cất tôm cất tép, bè mảng, cái bẫy chuột

-cái cầu ao và cả những cái cầu bắc qua những con mương, con kênh nhỏ

-làm đồ gia dụng: Đôi đũa tre, bàn ghế, giường chõng, các loại vật dụng sinh hoạt từ cái đòn gánh đến cái khung cửi, cái rổ, cái rá, cái dần, cái sàng gạo, cái thúng, cái gáo múc nước, cái bừa, cái cào, cái ách khoác lên cổ con trâu cày đến con dao cắt rốn lúc chào đời, cái quạt nan, đôi đũa, cái tăm… Nhiều thứ vật dụng làm bằng tre.

Tre với bộ rễ chằng chịt bám sâu trong đất và mọc nhanh cũng giúp đất chống xói mòn, cản bớt dòng chảy khi lụt lội.

Măng tre có thể ăn dạng luộc, dạng xào.

Đấy là chưa nói tới các loại vật dụng của nhà nông, cũng như nhiều loại vũ khí thời xưa của cha ông ta đều có phần cán, phần tay cầm làm bằng một loại cây nào đó thuộc họ tre.

Tre dùng làm đòn gánh như trong bài hát Gánh Lúa:

Mênh mông mênh mông gánh lúa mênh mông
Lúc trời mà rạng đông ư rạng đông
Bóng người thấp thoáng cuối đường thanh vắng

Bước đều mà quang gánh ư nặng vai

Cây nêu dựng lên trước cửa nhà vào dịp năm mới thời xưa để trừ ma quỷ, cái ống đựng bút và quản bút lông của các nhà nho mà những năm gần đây về nơi thôn dã ta còn thấy, đến những cánh diều mà hôm nay con trẻ còn chơi… Tất cả đều làm từ tre.

Tre là loại vật liệu bền vững và thân thiện với môi trường có tiềm năng cải thiện sự suy giảm ngày càng tăng của tài nguyên thiên nhiên trên thế giới, đặc biệt tre có khả năng thay thế gỗ tự nhiên hiệu quả. Các đặc tính vốn có của tre và những tiến bộ trong kỹ thuật sản xuất đã tạo nên các sản phẩm tiêu dùng có giá trị cao như ván sàn tre và nội thất tre thay thế cho ván sàn gỗ và nội thất gỗ, mang lại nhiều ích lợi cho xã hội và môi trường.

5. Một số ưu điểm và lợi ích của tre.

– Phát triển nhanh: Tre phát triển nhanh chóng và có thể được thu hoạch trong vòng 3 đến 5 năm trồng, so với gỗ cứng phải mất đến 40 năm để trưởng thành và cho chất lượng tốt để khai thác. Chặt một cây gỗ Sồi hay Lim, ước tính cần đến 30-40 năm để có thể trồng được một cây gỗ thay thế. Một số loại gỗ tốt đôi khi cần nhiều thời gian hơn hoặc thậm chí không thể trồng lại được. Trong khi đó, cây tre chỉ cần 3 đến 5 năm có thể đạt chiều cao 8 mét và khai thác cho chất lượng tốt. Ngoài chu kỳ tái sinh nhanh của cây tre, việc trồng và khai thác tre cũng rất đơn giản, cho hiệu quả kinh tế cao, tạo công ăn việc làm cho nhiều người dân vùng trung du và miền núi. Ở Việt Nam, một trong những loài tre phổ biến và có giá trị kinh tế cao là cây Luồng.

– Tài nguyên tre tự nhiên dồi dào: Có tới 37 triệu hec-ta rừng tre trên thế giới. Do vậy, có một nguồn cung cấp nguyên liệu dồi dào.

– Lợi ích cho người nghèo: Một số rừng tre được giao cho người dân nghèo quản lý và khai thác, vì vậy những tiến bộ trong ngành công nghiệp tre sẽ đem lại nhiều lợi ích hơn và cơ hội thu nhập lớn hơn cho người nghèo.

– Tính bền vững: Tre có thể được thu hoạch hàng năm và có khả năng tự tái sinh; trên thực tế việc khai thác có kế hoạch góp phần cho sự bền vững của rừng cũng như làm tăng năng suất trong tương lai.

– Bảo vệ đất đai: Trồng rừng tre giúp cải tạo đất bạc màu, chống xói mòn. Rễ tre còn lại trong đất sau khi thu hoạch giúp giữ lại các chất dinh dưỡng và độ ẩm cho các vụ tiếp theo. Tre cũng bảo vệ các thảm họa tự nhiên như lở đất, xói mòn đất.

– Tỷ lệ sử dụng nguyên liệu cao: Không chỉ có thân cây, tất cả các bộ phận khác của cây tre có thể được sử dụng cho nhiều mục đích sử dụng khác nhau như măng cho thực phẩm, lá cho thức ăn gia súc, và cành cây dùng làm chổi và củi.

– Hấp thụ khí nhà kính: Rừng tre hấp thụ khí nhà kính. Tre hấp thụ khí các-bon-nic và thải ra 35% lượng khí oxi vào khí quyển, nhiều hơn so với gỗ cứng.

– Không cần phân bón, thuốc trừ sâu hoặc thuốc diệt cỏ cần thiết: Không giống như hầu hết các cây công nghiệp, tre không cần phân bón để phát triển mạnh. Cũng không giống như các cây trồng khác, tre không cần chăm sóc kỹ và việc chăm sóc không tạo ra lượng hóa chất dư thừa cho môi trường.

– Tre dùng làm cây trang trí trong phòng khách, ngoài balcon, mang chút hương vị Thiền.

– Tre mọc nhanh nên cũng có thể sử dụng làm màn chắn gió thổi.


6. Kết luận

Loài tre như vậy có nhiều công dụng, từ chống xói mòn trên đồi núi đến cung cấp vật liệu ăn đuợc như măng, làm hàng tiểu công nghệ trang trí nội thất, v.v…